Chúa Nhật XXI - Thường Niên - Năm B
BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI
     Lm, Thiên Ngọc, CMC

“Chính thần trí mới làm cho sống chứ xác thịt nào có ích gì. Lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống” (Ga 6,63)

Thưa các bạn thân mến,

Khi đã dẫn đưa mười hai chi tộc Israel vào Đất Hứa sau cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, vị thủ lãnh Giôsuê, học trò xuất sắc của lãnh tụ Môisê, đã tụ họp dân chúng và trao đổi với họ về một điều hệ trọng, liên quan đến tương lai của dân tộc. Ông Giôsuê nói với toàn dân: “Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn, hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn, hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc là các thần của người Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Đức Chúa”. Dân đáp lại: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ các thần ngoại! Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ, Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mặt chúng tôi, đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua” (Gs 24,15-18).

Đó là câu trả lời thật hay và thật chuẩn của dân Do Thái, xuất phát từ chỗ cảm nhận tình thương và quyền năng của Thiên Chúa dành cho dân tộc mình cách nhãn tiền suốt 40 năm xuất hành. Họ đã rõ, chỉ trong Thiên Chúa, họ mới chiến thắng nghịch cảnh, mới đạt tới cùng đích, mới vui hưởng bình an và trở nên một dân tộc được chúc phúc. Và vì thế, người Do Thái đã trung thành gắn bó với Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử của mình. Ngay cả khi bị mất nước vào năm 70 sau Công nguyên, bị xóa sổ trên bản đồ thế giới suốt gần 19 thế kỷ (70-1948), thì nhờ niềm tin, niềm hy vọng và gắn bó với Thiên Chúa, người Do Thái từ khắp thế giới đã trở về Palestine tái lập quốc sau thế chiến thứ hai. Không những thế, họ còn chiến đấu và chiến thắng cả nước xung quanh trong cuộc chiến sáu ngày vào năm 1967, với một tương quan lực lượng chẳng khác nào như châu chấu đá voi.

Tuy nhiên, tin vào Thiên Chúa thì không chỉ là tin vào Thiên Chúa mà thôi, mà còn là tin vào Đấng Người sai đến là Đức Giêsu Kitô. Và tin Thầy Giêsu, Đấng Cha sai đến, không có nghĩa chỉ là tin về Người, mà cốt yếu là tin vào Người. “Tin về” chỉ có nghĩa là cái biết của lý trí, còn “tin vào” là vừa của ơn sủng, của lý trí vừa của con tim. Tin vào Chúa Giêsu, chính là đi theo Người, là gắn bó mãi mãi với Người, là để Người hướng dẫn mình trong mọi sự. Điều này dân Do Thái đã chưa thể, thậm chí họ còn từ chối Đức Giêsu Kitô, đến mức kết án Người chết trên thập giá!

Bởi thế, tường thuật Tin Mừng Chúa Nhật 21 năm B cho ta biết: Sau khi thấy dân chúng và cả các môn đệ lấy làm chói tai rồi bỏ đi vì lời khẳng định “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,54), Thầy Giêsu đã hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả các con nữa, các con cũng muốn bỏ đi hay không?”. Ông Simon Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Ga 6,67-69).

 “Chính thần trí mới làm cho sống chứ xác thịt nào có ích gì. Lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống” (Ga 6,63). Đó đích thực là lời mời gọi chúng ta tin vào Thầy Giêsu, gắn kết cuộc đời mình với Thầy. Thầy Giêsu sẽ trở nên ánh sáng dẫn dắt chúng ta trong chân lý vẹn toàn. Thầy sức mạnh cho chúng ta khi phải đối diện với nhiều thách đố gian truân trong cuộc sống hiện tại. Thầy trở nên niềm vui hạnh phúc của chúng ta khi xả thân phục vụ cho những người khổ đau. Thầy sức sống thần linh cho chúng ta trong cuộc lữ hành hy vọng. Và Thầy chính là ơn cứu độ cho chúng ta trong cuộc sống đời đời.

Niềm tin vào Chúa Kitô được diễn tả qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cuộc sống chúng ta sánh ví như một cuộc hành trình tiến về Quê Trời. Để bước đi, ta cần lương thực và ánh sáng thần linh, đó chính là Lời Chúa: “Lời Chúa là ánh sáng bước chân con, là đèn soi đường của con” (Tv 119,105), và “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

“Lời Chúa đầy mọi sự tốt lành giống như một kho tàng đầy ắp mọi của cải. Bởi vì từ Lời Chúa mà có đức tin, đức cậy, đức mến, mọi thứ nhân đức khác, mọi ơn Thánh Thần, mọi mối phúc Tin Mừng, mọi việc lành, mọi công nghiệp ở đời này, mọi vinh quang thiên đàng: “Anh em hãy nhận lãnh Lời đã gieo trong lòng, Lời có sức cứu độ linh hồn anh em” (Gc 1,21). Quả thật, Lời Chúa sáng soi trí tuệ, là lửa cho ý chí để loài người có thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Và đối với con người nội tâm sống bằng Thần Khí Chúa nhờ ân sủng, thì đó là bánh và nước: bánh ngọt hơn mật và bọng ong, nước tốt hơn sữa và rượu; còn đối với linh hồn thiêng liêng, thì đó là kho tàng các công nghiệp, nên gọi là vàng và đá vô cùng quý giá; đối với tâm hồn cố chấp trong thói hư, thì đó là cái búa; và đối với xác thịt, thế gian và ma quỷ, thì Lời Chúa là gươm tiêu diệt mọi tội lỗi…” (Thánh Laurensô Brindisiô, LM.TSHT).

Khi nghĩ về mối tương quan gắn kết bền chặt giữa Chúa Kitô với chúng ta như thế, Thánh Phaolô đã sánh ví như tình yêu vợ chồng: “Người chồng yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; vì thế, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,25-27). Chắc chắn, đó là hệ quả của tình yêu Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, một sự thông trào thần tính từ Chúa Giêsu sang cho những ai yêu mến, gắn bó và bước theo Người.

Thưa các bạn quý mến,

Đức Maria luôn lắng nghe tiếng Chúa đến nỗi Mẹ được mệnh danh là Trinh Nữ Lắng Nghe (Virgo Audiens), Mẹ nồng nhiệt đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và trong thân xác mình. Mẹ còn ghi nhớ các điều ấy và suy niệm trong lòng. Mẹ tuân theo ý Chúa cách trung tín, đến nỗi Mẹ được Chúa Giêsu tế nhị kín đáo dành cho một lời chúc phúc khen tặng rất cao quí, mà các Giáo Phụ cũng như Công Đồng Vaticanô II đều đồng thanh xác nhận phúc đó là dành cho Mẹ trước tiên: “Phúc hơn cho kẻ nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28).

Chúng ta hãy xin Đức Maria, Đấng đã hiệp nhất mật thiết với Ngôi Lời Nhập Thể, giúp chúng ta gắn bó mật thiết với Đức Kitô, trong Lời hằng sống và trong Thánh Thể, để chúng ta trung tín bước theo Con của Mẹ, trong tin yêu và hy vọng.