Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C
ĐỨNG LÊN
SƯU TẦM

Cùng với Chúa nhật thứ I Mùa vọng, hôm nay chúng ta cử hành ngày đầu năm phụng vụ. Thánh lễ này mời gọi chúng ta lại hướng về Thiên Chúa như hướng về Đấng đang đến, tức là hy vọng, chờ mong và nhận ra Ngài đến ở chúng ta. Vì mùa vọng là những ngày mong đợi Ngài đến.

Để đánh dấu ngày đầu năm phụng vụ, có lẽ phải nhìn lại một chút chu kỳ phụng vụ, để rồi chúng ta lại quay về Đấng mà chúng ta dám hy vọng và khẳng định rằng Ngài đang đến. Nhưng việc Chúa đến và niềm hy vọng Chúa đến nằm trong một chuyển động liên tục, chuyển động của đức tin. Quả thật làm sao chúng ta có thể hy vọng hoặc nhận ra ai đó đang đến nếu chúng ta không tin nơi người ấy, nếu chúng ta không biết người ấy?

Để nhấn mạnh vị trí của mùa vọng trong chuyển động của đức tin, bản văn Tin Mừng hôm nay được chọn không phải ở đầu nhưng ở cuối Tin mừng thánh luca. Bởi vì chúng ta không chỉ đợi chờ ngày Giáng sinh của Đấng Cứu thế – đã xảy ra từ hơn 2000 năm nay, nhưng còn chờ đợi việc Ngài trở lại trong vinh quang, việc này cuối cùng sẽ cho chúng ta nhìn thấy thế giới trong ánh sáng hoàn toàn, “đứng lên trước mặt Con Người”. Vì vấn đề là chúng ta có thể đứng lên trước mặt Chúa Giêsu, vì chính Ngài sẽ đứng trước mặt chúng ta. Kỳ thực, như toàn bộ Tin mừng và đức tin Kitô khẳng định, Ngài đã đứng đó với chúng ta rồi.

Vậy sống mùa vọng không những là hy vọng và chờ đợi Chúa đến; mà còn sẵn sàng nhận ra sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta, dù không trông thấy những dấu lạ lùng nơi mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Sống mùa vọng trong thế giới chúng ta là chuẩn bị ngẩng đầu lên mặc dù quyền uy và vinh quang của Con Người không hiện diện ở đó. Sống mùa vọng là hy vọng rằng Thiên Chúa luôn luôn được tỏ hiện trong đời chúng ta, không phải chỉ vào ngày tận thế, hoặc vào ngày phán xét cuối cùng, nhưng ngay hôm nay. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải biết đọc những dấu chỉ của Chúa và sự hiện diện của Ngài ngày hôm nay, nơi bản thân và xung quanh chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết Ngài và quan tâm đến Ngài hơn nữa.

Dấu lạ là cần thiết khi sự chú ý yếu đi. Nhưng chúng ta lại chẳng thấy trong đời mình những dấu lạ ấy, những biến cố làm chúng ta chú ý đó sao, và đôi khi chúng ta tránh vì sợ ý nghĩa và sự tháchthức của những dấu lạ đó hoặc tầm thường hóa chúng ta vì ta đã thấy nhiều quá rồi. Vậy nên ta phải cùng nhau nghe lại Lời Chúa trong Cựu ước và Tân ước, cùng nhau ý thức lại sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là như thế nào đến nỗi Ngài đã hiến dâng mạng sống mình để cho thế giới được sống.

Mặc dầu danh từ mùa vọng gần với “mạo hiểm” hơn là “chờ đợi” nhưng chúng ta thường đồng hóa mùa vọng với chờ đợi. Tôi nghĩ chúng ta cần phải sống mùa vọng như một cuộc mạo hiểm, cuộc mạo hiểm mà Thiên Chúa thực hiện giữa chúng ta, từ việc Chúa Giêsu ra đời vào ngày Giáng sinh, đến việc Giáo Hội sinh ra ngày lễ ngũ tuần. Cuộc mạo hiểm này, được Tin mừng và toàn bộ Thánh Kinh làm chứng, nhắc nhở chúng ta phải sống, chứ không chỉ chờ đợi mà thôi. Thí dụ chúng ta hãy nghĩ đến những gì đã xảy ra cho chúng ta khi chờ một cú điện thoại của người thân và chúng ta phải thất vọng vì nó không đến. Lúc đó chúng ta đâm ra chán nản vì sự trễ nải hoặc thờ ơ của người kia mà càng lúc chúng ta càng bị lệ thuộc.

Đôi khi chúng ta lại chẳng chờ mong Thiên Chúa như một kinh nghiệm lệ thuộc đó ư? Chỉ mong sao cho Đấng sẽ cứu chúng ta, sẽ phán xét và chỉnh đốn thế giới đến mau cho rồi! Nói cách khác, mong sao cho đấng sẽ sống thay chúng ta cuộc mạo hiểm của đời sống của chúng ta đến mau cho rồi, trong lúc cuộc mạo hiểm đó là của chúng ta dù được sống cùng với Thiên Chúa đi nữa! Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cùng với Chúa sống mùa vọng, sống cuộc mạo hiểm hoặc việc Chúa đến phán xét và chỉnh đốn thế giới chúng ta. Đó cũng là việc hoán cải mà mùa vọng mời gọi chúng ta làm.

Lúc đó chúng ta có thể nhận ra vinh quang của đấng mà chúng ta tuyên xưng là Chúa của chúng ta. Lúc đó chúng ta có thể nói cùng với vị ngôn sứ:“Chúa là sự công chính của chúng ta”, và có thể đứng trước mặt Ngài. Bởi vì chúng ta đã sống tình yêu của Ngài… trong lúc chúng ta chờ mong Ngài. Bởi vì chúng ta đã sống cuộc mạo hiểm làm người của chúng ta dưới dấu hiệu tình yêu của Ngài, bất chấp mọi nguy hiểm và khó khăn.