Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C
CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN
Mc Carthy

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ ở giữa hai ngày Đức Kitô đến. Ngày Người đến lần đầu tiên cách đây hơn 2000 năm tại Bêlem. Chúng ta tin tưởng rằng Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang vào thời sau hết. Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể tìm thấy Đức Kitô ở đâu?

Lần kia, có một sinh viên người Do Thái rất đứng đắn, anh có một ao ước cháy bỏng được nhìn thấy ngôn sứ Êlia, thế là anh khẩn khoản xin cha anh chỉ cho thấy ngài. Người cha trả lời: “Nếu con không ngừng hết lòng nghiên cứu kinh Tôra, cha hứa với con rằng con sẽ xứng đáng được nhìn thấy ngôn sứ Êlia”.

Trong vài tuần, người con trai nhiệt thành chuyên chú vào việc học hỏi của mình, bằng cách miệt mài vào những cuốn sách thánh cả ngày lẫn đêm. Thế rồi anh đến gặp cha và nói: “Con đã làm điều mà cha dặn bảo, nhưng ngôn sứ Êlia vẫn không tự bộc lộ bản thân ngài cho con”.

Người cha trả lời: “Con đừng nản lòng như vậy. Nếu con xứng đáng, thì chắc chắn ngài sẽ tự bộc lộ về chính ngài cho con”.

Một đêm kia, con trai ông đang ngồi tại bàn của mình, thì một người nghèo khổ đi tới. Người này lấm đầy bụi đường và quần áo rách tả tơi. Với gương mặt thô nhám, trên chiếc lưng còng mang một cái túi nặng nề, người đó sắp sửa đặt cái túi xuống, thì anh ta tức giận nói với ông “Đừng làm như vậy. Thế ông nghĩ chỗ này là một cái quán trọ à?”.

Người khách vãng lai khẩn khoản “Tôi quá mệt. Xin cho tôi nghỉ ở đây một lát, rồi tôi sẽ đi tìm chỗ trọ”.

“Không. Ông không thể ở lại đây được. Cha tôi không cho phép những kẻ lang thang được đến và ở lại đây, với cái túi lấm đầy bụi bặm của họ”.

Thế là kẻ xa lạ thở dài, đỡ cái túi lên vai của mình và ra đi. Khoảng một giờ sau, người cha đến. Ông hỏi “Vậy con đã nhìn thấy ngôn sứ Êlia chưa?”.

Anh con trai đáp “Dạ chưa, con chưa hề nhìn thấy ngài”.

Người cha hỏi “Thế hôm nay không có người nào đến đây à!”

Anh con trai đáp: “Dạ không ạ. Vừa mới đây, có một kẻ lang thang mang một cái túi nặng đi tới đây”.

“Vậy con có tiếp đón họ không?”

“Dạ không ạ!”

“Tại sao con không chịu đón tiếp người này? Con không biết rằng đó chính là ngôn sứ Êlia sao? Cha e rằng quá muộn mất rồi”.

Kể từ ngày hôm đó, anh con trai tự bắt buộc mình phải đón tiếp kẻ xa lạ, bất kể người đó trông như thế nào, hoặc tình trạng cuộc sống của họ ra sao. Và khi làm như vậy, anh tin tưởng rằng mình đang thực sự đón tiếp ngôn sứ Êlia.

Chúng ta có thể tìm thấy Đức Kitô và phục vụ Người trong người đồng loại của chúng ta, đặc biệt nơi những người nghèo khổ và thiếu thốn. Nhưng chúng ta còn có một công việc khác nữa, nghĩa là làm cho Đức Kitô trở nên “hữu hình” đối với những kẻ đang hoài nghi và không có niềm tin. Chúng ta là những chứng nhân của Đức Kitô trên thế giới.

Cách làm chứng lôi cuốn nhất đối với thế giới chính là sự quan tâm đến mọi người, và sống bác ái đối với người nghèo khổ, yếu đuối và đau khổ. Lòng quảng đại bên dưới thái độ này, và những hành động này chứng tỏ sự tương phản đối với thói ích kỷ. Chắc chắn điều đó đưa đến những câu hỏi dẫn đến Thiên Chúa và Tin Mừng. Lời cam kết đem lại hòa bình, công chính và quyền lợi cho con người chính là một cách làm chứng cho Tin Mừng.

Trong khi mỗi người đều có một phần đóng góp, thì điều quan trọng nhất chính là chứng tá của cộng đồng Kitô hữu. Với tư cách là một thân thể, các Kitô hữu phải làm chứng cho thế giới về Đức Kitô, qua tình yêu của họ đối với nhau, qua niềm hy vọng và niềm vui mà họ phản ánh ra.