Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C |
BÊN BỜ HỒ GHEN-NÊ-XA-RÉT |
Chú giải của Fiches Dominicales |
BÊN BỜ HỒ GHEN-NÊ-XA-RÉT, NGƯ PHỦ SIMON ĐƯỢC CHÚA KÊU GỌI TRỞ THÀNH PHÊRÔ, KẺ BẮT NGƯỜI NHƯ BẮT CÁ VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI 1. Một chiếc thuyền đánh cá. Một lần nữa, chúng ta lại sắp được thấy Luca vẽ nên bức tranh này một cách rất tài tình. Khi đặt việc Đức Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên trong bối cảnh một mẻ lưới lạ lùng, mà ta sẽ gặp lại Phúc âm Gioan 21, 1-11, Luca có ý lấy Simon-Phêrô làm một nguyên mẫu, và dùng chiếc thuyền làm biểu tượng Giáo Hội truyền giáo. Theo Phúc âm Máccô và Matthêu, hành động đầu tiên của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ là kêu gọi các môn đệ. Còn trong Phúc âm Luca, đầu tiên Đức Giêsu lại được giới thiệu xuất hiện một mình đứng trước đám đông, rồi chỉ sau đó Người mới kêu gọi các môn đệ. + Trước tiên là "Simon", chủ chiếc thuyền mà lát nữa Đức Giêsu sẽ ngồi vào vị trí của ông. Chỉ trong có ít dòng mà tên ông được nói tới năm lần, trong đó có một lần và là lần đầu tiên ông được gọi là Simon-Phêrô Lúc này ông là târn điểm của bài tường thuật, mà cũng sẽ là tâm điểm trong Phúc âm của Luca nữa. + Rồi đến "hai con ông Zêbêđê là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon" + Cả ba ông, được kêu gọi trước tiên, sẽ là những chứng nhân đặc tuyển được chứng kiến việc hồi sinh cho con gái ông Giai-rô, việc Chúa biến hình sáng láng trên núi Taborê (Lc.9,28). - Khung cảnh là "ven bờ Biển hồ Ghennêxarét": Đức Giêsu giảng dạy bên bờ hồ, bao quanh người là đông đảo dân chúng chen lấn nhau "để nghe lời Thiên Chúa ". Có hai chiếc thuyền đậu gần đó. Còn "những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới", sau khi đã đi đánh cá trở về. R. Meynet nhận xét: "Đức Giêsu giảng dạy bên bờ hồ, bao quanh Người là đông đảo dân chúng chen lấn nhau. Trong khi đó, những người dân chài đang lo toan công việc thường ngày của họ: họ đang giặt lưới. Đám đông có đó, nhưng họ lại không tham dự cùng với đám đông. Đám đông lắng nghe lời Chúa, còn họ đang lao dộng" (Lévangile se lon saint Luc. Phân tích tu từ ", tập 2 trg 70). 2. Trở thành toà giảng Bỗng dưng mọi sự bắt đầu đảo lộn. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, "thuyền đó của ông Simon và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút ". Thế là từ đây hai người, Đức Gìêsu và ông Simon, là những kẻ "đồng hội đồng thuyền" dấn thân vào cùng một cuộc phiêu lưu: Simon, người dân chài của Biển hồ sát cánh liền kề với Đức Giêsu, người đang "ngồi" trong tư thế của một vị tôn sư dạy dỗ các môn sinh của mình, để ngỏ lời với đám đông. "Con thuyền của Phêrô đã trở thành tòa để giảng dạy" (Sđd). 3….và cũng là biểu tượng Giáo Hội truyền giáo. “Hãy chèo ra chỗ nước sâu, mà thả lưới bắt cá”, giờ đây Đức Giêsu lệnh cho ông Phêrô như vậy. "bắt cá", chuyện đó các ông đã vất vả "suốt đêm rồi mà không bắt được gì cả”dù rằng đêm tối vẫn là thời điểm thích hợp nhất cho việc đánh cá. Vậy mà, đang lúc các bạn chài người Nadarét của ông từ chối đề nghị kia của Đức Giêsu, thì Simon lại đầu hàng trước lệnh của người dân quê miền đồi núi ấy vốn không biết gì về chuyện chài lưới cả, ông đáp: “Thưa Thầy, dựa vào lời Thầy tôi sẽ thả lưới". - Lời của Đức Giêsu tỏ ra rất hữu hiệu, vì mẻ lưới bắt được rất nhiều cá, đến nỗi lưới hầu như bị rách; họ phải "làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp", dẫu sao hai thuyền đều đầy cá đến gần chìm. - Đối với người dân chài chân chất kia, chẳng có gì phải nghi ngờ nữa: trong Đức Giêsu Nadarét này, đúng là Thiên Chúa đã đột nhập vào đời sống của Người. Thế là ông liền quỳ gối sấp mặt dưới chân Người hành khách trên thuyền của mình như sấp mặt trước Đức Chúa" vậy. Con người ông giờ đây bỗng dưng giống như Isaia xưa khi được thị kiến ở trong Đền Thờ (bài đọc thứ nhất), đang ý thức được khoảng cách tách biệt ông với Đấng, mà như ông thấy, đang thực hiện những việc lạ lùng trong con thuyền của ông: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi". - Câu trả lời Simon nhận được từ Đức Giêsu sẽ đánh dấu một khúc quanh quyết định cho cuộc đời của ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá". + "Đừng sợ ": kiểu nói thường đi theo sau mọi loan báo quan trọng trong Kinh thánh: loan báo cho Aùpraham trong sách Sáng thế 15, 1; loan báo cho Zacaria trong Luca 1,13; loan báo cho Đức Maria trong Luca 1,30. + "Từ nay" cuộc đời của Simon, vị quan thầy-ngư dân bắt đầu mở sang trang mới. Cuộc đời của ông xoay chiều đổi hướng để hướng đến một bến bờ khác. + "Từ nay": một giai đoạn mới của chương trình cứu độ, giai đoạn truyền giáo, được mở ra ngay tức thì. + "Anh sẽ bắt người": sát nghĩa là: anh sẽ bắt những con người sống, có nghĩa là anh sẽ giựt lên những con người đang sống, anh sẽ kéo họ ra khỏi thế lực của sự ác để bảo đảm cho họ được sống an lành. Là "ngư dân", Simọn-Phêrô vẫn sẽ giữ nghề đánh cá, nhưng cái nghề đi tìm cá ban đêm của ông, một khi thay đổi đối tượng, thì cũng sẽ thay đổi ý nghĩa. "Từ nay", sứ mệnh của ông sẽ là lôi kéo người ta ra khỏi vòng kiềm tỏa của sự ác và cái chết, mà thời đó người ta vốn dùng hình ảnh biểu tượng là chỗ nước sâu, để đưa họ đến cõi sống nên R. Meynet có thể viết: "Mẻ lưới lạ lùng hôm nay chỉ là hình ảnh báo trước mẻ lưới lạ lùng đích thực. Giống như mẻ lưới lạ lùng xưa, mẻ lưới lạ lùng đích thực cũng sẽ diễn ra dựa vào Lời của Đức Giêsu" (Sđd, tr.68). - Thế rồi, sau khi đã đưa thuyền vào bờ, Simon-Phêrô, Giacôbê và Gioan "bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu" để dấn thân vào con đường mà theo kiểu nói của Ph. Bossuyt và J. Radermakers sẽ là một cuộc thả lưới lâu dài nhất và phi thường nhất trong cả cuộc đời của các ông ("Đức Giêsu, Lời ban ân sủng theo thánh Luca” tr. 183). BÀI ĐỌC THÊM. 1. “Tin là dám liều” Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức Giêsu kêu gọi ông Phêrô. Chúa xuống thuyền của ông; Người đi vào đời ông. Đúng là sáng kiến từ phía Chúa. Mà điều Chúa yêu cầu Phêrô làm cũng không có chi là hoàn toàn mới lạ cả. Người đòi Phêrô hành nghề của ông. Phêrô làm nghề đánh cá. Nghề này thì ông rành quá rồi; ông biết phải đánh bắt khi nào, đánh bắt ở đâu. Nên ông chẳng sợ hãi gì khi phải thưa với Chúa rằng ông gặp ngày không hên thôi. Dựa vào sự hiểu biết và tay nghề của mình, Phêrô thành thực nói cho Thầy biết rằng điều Thầy yêu cầu là hoàn toàn sai lầm. Vậy mà điều Chúa yêu cầu ông thực hiện lại là điều mới lạ: tin cậy vào lời của Người. Và thế là Phêrô, dù bụng dạ chẳng vững chút nào, ông vẫn mạnh dạn thả lưới" Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả, Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới. Phêrô dám đặt cọc vào sự tin tưởng hơn cả uy tín của mình. Và cá đang ở điểm hẹn.Vai trò chủ động của con người trước sáng kiến của Chúa được Phúc âm mô tả như vậy đó. Nó hệ tại ở một lòng tin tưởng. Lòng tin tưởng ấy không phải là thái độ thụ động, mà đôi khi là sự anh hùng và luôn luôn là sự dám liều táo bạo. Lòng tin tưởng thường là một thái độ tình nguyện can đảm nhất, bởi lẽ lòng tin tưởng không bị ai chỉ huy nhưng là một sự tặng ban, một hành vi tự do. 2. "Một bài tường thuật lúc nào cũng có tính thời sự" Nếu bài tường thuật của Luca, chỉ là kể lại một phép lạ tỏ tường, thì chúng ta chỉ cần vỗ tay ca ngợi, và bày tỏ vẻ ngỡ ngàng cùng cảm tạ Chúa vì quyền năng của Người đã được biểu lộ ra trong Đấng Mêsia của Người, thiết tưởng cũng đủ rồi. Nhưng còn hơn một phép lạ nữa."Mẻ lưới lạ lùng" chính là một ẩn dụ mà mỗi chi tiết của câu chuyện đều quy chiếu về một thực tại thiêng liêng", và mỗi nét biểu hiện đều đòi hỏi phải được cắt nghĩa bằng biểu tượng". Không chỉ là một cú ngoạn mục diễn ra trên Biển hồ Ghennêxarét cách đây gần hai ngàn năm mà thôi, mà chính là một vấn đề lúc nào cũng mang tính thời sự. Ở thế kỷ XX hôm nay cũng như ở thế kỷ đầu, Đức Kitô vẫn luôn bồn chồn đi lại dọc theo các bờ sông, bờ biển và các nẻo đường của chúng ta. Người hòa mình với dân chúng, đi vào các nhà, năng lui tới các nơi làm việc hay các khu vui chơi giải trí. Gặp lúc thuận tiện hay không thuận tiện, Đấng Mêsia vẫn không mệt mỏi loan báo, đề nghị Tin Mừng kêu gọi sám hối, Tin Mừng chữa lành, Tin Mừng giải thoát. Như thời ngôn sứ Isaia, Người là Thiên Chúa làm cho những người mắc bệnh cùi dơ bẩn được lành sạch. Người tha thứ tội lỗi và muốn cho những người hối cải đáp ứng lời người kêu gọi và tự nguyện hiến thân phục vụ Người. Hôm nay vị Tôn sư ấy vẫn còn gặp gỡ "những ngư phủ" do ơn gọi, có năng lực, giầu kinh nghiệm và đảm đang; họ đã neo thuyền không người của họ ở bến an toàn. Họ đã được huấn luyện rất sâu và kỹ, đã theo những lớp đào tạo lại, đã phác thảo một cách ý thức và thông minh những chương trình và kế hoạch, đã chọn nơi và những hoàn cảnh thuận lợi. Họ đã trở về tay không và chán nản; lưới chẳng dính lấy được một con tép; trái tim họ bị đâm xiên và lòng trí thật ê chề. Nhưng con thuyền của Phêrô không thể cứ trú ẩn mãi ở cảng, cũng chẳng được bỏ neo an toàn ở một vùng vịnh thanh bình không còn sợ gì nguy hiểm. Cùng với Chúa và theo lệnh Người, Giáo hội phải ra khơi, bất chấp những hiểm nguy của miền nước sâu gợi lên bao loài thủy quái cùng những hang sâu vực thẳm là vương quốc của những hung thần, của Satan và sự chết. Không thể nào đánh cá được, những chuyên viên từng tuyên bố và lặp đi lặp lại như vậy. Còn các vị "quân tử gàn" mà lòng tin đã què quặt, nỗi sợ đã làm họ tê liệt và phần họ lại chỉ muốn được an thân thì tuyên bố: thật là sự điên rồ giết người, là sự thiếu khôn ngoan và lệch lạc, là muôn vàn khó khăn nguy hiểm không sao tính được. Nhưng ta phải tin tưởng vào Thầy chứ. Phêrô, các bạn đường của ông và các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cuối cùng đều đã hiểu rõ lời kêu gọi của Đấng Phục-sinh là phải rời bỏ cái nôi của buổi ấu thơ đã được những truyền thống và luật lệ lỗi thời và trì trệ bao kín. Với sự can đảm, nếu không muốn nói là anh hùng, họ đã cất đi những hàng rào bao quanh khu vực khép kín của họ để liều lĩnh đi vào miền đất dân ngoại, đối đầu với thế gian, bất chấp những cám dỗ bị lây nhiễm, bị hiểu lầm, phải thất bại hay phải chết vì đạo. Hôm nay đức tin vẫn đủ để đương đầu với những khu vực nguy hiểm, dám đối thoại, mở toang những cánh cửa vẫn đóng kín, từ bỏ lối độc quyền cao ngạo về chân lý, về độc quyền rao giảng Tin Mừng và sự thánh thiện. Hãy tách những con thuyền của các bạn ra! Hãy ra xa bờ! Hãy tiến ra khơi và thả lưới ngay nơi mà bạn đã vất vả và thất bại ê chề! Tuy nhiên, ẩn dụ về mẻ lưới không phải là một công cuộc đi chinh phục để chiếm đất đai, hay quyền lợi hoặc bổng lộc. Không phải là vấn đề lôi kéo những con cá ra khỏi thiên đường của chúng, để cắt xẻ thịt nó, mà ăn cho thỏa, hoặc đem đi buôn bán. Những kẻ đánh bắt người như bắt cá phải là những con người cứu nhân độ thế, những người giải phóng nô lệ và tù nhân khỏi bóng tối, giải phóng những ai bị trói buộc vì những dục vọng mù quáng, hay bị bầm dập vì những bất công, những ai ngụp lặn trong dòng tư lợi nhỏ nhen bẩn thỉu, những ai bị chới với vì những thử thách gian truân. Chính trong những vực sâu tăm tối này, chính trong những ngục tù không chắn song kia mà lưới của nhà giải phóng ấy làm nên những việc thần kỳ. Nghĩa là một bầu khí tự do, một vùng trời đầy ánh sáng, một niềm hân hoan trở về miền đất hứa, nhưng luôn luôn là có các bạn chài của chiếc thuyền kia đến giúp". |