Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C
GỌI BỐN MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

1. Luca biên soạn đoản văn này từ những chất liệu văn chương khác nhau (xem ghi chú của BJ), nhưng cách tác giả dùng để tổng hợp chúng lại thành một trình thuật mới, đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa truyền giáo của trình thuật (hay giáo hội học) hơn là phương tiện thần thiêng của nó: trước tiên, phép lạ trở thành một biểu tượng về sự phong phú của Lời Chúa (c.1) do Chúa Giêsu và sau đó là Simon Phêrô (c.5). Luca làm cho độc giả chú ý tới chính công việc tông đồ hơn là điều kiện để làm tông đồ; ông muốn người ta phải tìm xem trước biến cố phục sinh (x. Cvsđ 1,21-22) đã có sứ mệnh và những ràng buộc của công việc truyền giáo. Lời hứa với Phêrô ở đây, ngay từ đầu sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu ("từ đây con sẽ là kẻ chài lưới người” c.10) tương ứng với lời uy quyền tại bàn tiệc ly. Khi hoàn tất sứ mệnh của Chúa Giêsu, quyền đó đã được ủy thác cho Phêrô thi hành sau phục sinh ("khi con người trở lại, hãy củng cố anh em con” Lc 22,31-32). Chính mối ưu tư đó đã hướng dẫn Luca trong trình thuật tuyển chọn (6,12-16) và ban sứ mệnh cho nhóm 12 (9,1-6) mà không cần phải ban lại cho họ sau biến cố phục sinh. Tuy nhiên, để họ có thể thi hành tốt bổn phận, Thánh Thần còn phải “mặc cho họ sức mạnh từ trời cao” trước khi họ có thể “làm chứng nhân cho Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất” (Lc 24,49; Cvsđ 1,8).

2. Địa vị trọng yếu của Phêrô trong trình thuật cho thấy chủ tâm của Luca, và tác giả còn làm nổi bật (Phêrô) ở nhiều đoạn khác trong phúc âm (x. Lc 45 nghịch với Mc 14,13; Lc 22,31-34; 24,34) địa vị này tương ứng với chức vụ của vị lãnh đạo công việc truyền giáo cho người Do thái, rồi sau đó cho dân ngoại mà tác giả phúc âm đã gán cho Phêrô trong phần đầu của công vụ sứ đồ (chương 1-12).

Vậy, cùng với Chúa Giêsu, Simon là nhân vật chính của trình thuật này: ông được gọi trước là Simon - Phêrô một lần (c.8) vì chỉ về sau (6,14) Simon mới được Chúa đổi tên là Phêrô. Nơi Mt 4,18-22 và Mc 1,16-20 chúng ta thấy cả hai anh em Simon và Anrê cùng thả lưới với nhau. Đây không phải chỉ có mình Phêrô (chính vì cách dùng số nhiều các câu 4,5,6,7) còn những người khác, tác giả chỉ nhắc đến một cách lờ mờ, có thể họ chỉ là những người làm thuê. Hình như Luca tránh gọi tên Anrê, và lời loan báo ơn gọi làm chài lưới người ta, chỉ nhắc đến Simon, không đả động gì đến Anrê, trong lúc Matthêu và Maccô nói đến cả hai anh em Simon và Anrê.

Chiếc thuyền là thuyền của Simon (c.3); chính với Simon mà Chúa Giêsu nói: “Hãy ra khơi” (c.4); và cũng chính Simon đáp lại Ngài (c. 5). Chính Simon còn kêu lên: “Xin thày tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (c.8). Tất cả điều gì làm cho Chúa Giêsu: đón Chúa xuống thuyền thì cũng do Simon làm; tất cả những điều gì Chúa Giêsu làm cũng để làm cho Simon; và tất cả những lời khác là lời của Simon.

Simon cũng làm lu mờ 2 con ông Giêbêđê: thuyền của họ cũng được đề cập ở câu 2, nhưng không có nói đến họ. Thuyền của họ còn được nói ở câu 7, còn họ thì được gọi trống là bạn chài của Simon. Tên của họ chỉ được nói đến ở cuối trình thuật, nơi câu 10, như là một sự vớt vát, trong đó giải thích là họ ngạc nhiên như Simon bạn của họ. Luca trì hoãn nhắc đến họ cốt để Simon độc diễn hầu như trong suốt cả trình thuật. Tuy nhiên tác giả cũng nói đến Giacôbê và Gioan ngoại trừ Anrê, chắc hẳn là ba người là nhóm được biệt đãi, là nhóm được mục kích con gái ông Gia-ia sống lại (8,51), biến cố biến hình (9,28). Anrê không được gọi tên có lẽ vì ông là bạn chài của Simon là người mà Luca muốn lưu tâm. Vì Luca liệt hai con Giêbêđê vào màn cuối của trình thuật, người ta dễ dàng hiểu rằng tác giả ít bận tâm đến trường hợp và thời gian Chúa gọi họ. Tác giả chỉ thu tóm những gì liên hệ đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu và việc mau mắn đáp trả trong một câu kết luận vắn gọn ở cuối trình thuật (c.11).

3. Khi các nhà chú giải đã phân vân trong việc nghiên cứu ý hướng của Luca khi đặt câu chuyện này ở đây. Một số cho rằng mục đích bài tường thuật phép lạ là để giải thích hay “nêu lý do” việc các ngư dân đáp trả lời kêu gọi của Chúa Giêsu: một khi đã chứng kiến sức mạnh phi thường của Chúa Giêsu, họ sẵn sàng tin tưởng vào Ngài. Có lẽ Luca đã làm cho sự mau mắn, mà nhờ đó nhóm dân chài Galilêa trở thành môn đệ. Chúa Giêsu từ lúc khởi đầu sứ mệnh của Ngài, được dễ chấp nhận và dễ hiểu hơn. Chắc hẳn, Luca đã biên soạn theo ý hướng này. Và dù tác giả có những ý hướng khác, thì cũng không nhất thiết phải loại trừ ý hướng này.

Nhưng nhiều nhà chú giải nhìn thấy trong trình thuật này một biểu tượng về giáo hội học: lệnh thả lưới và mẻ cá gợi đến khắp thế giới và thành quả họ sẽ thâu lượm được đối với nhân loại. Có nhiều lý chứng mạnh mẽ xác quyết giả thuyết này. Trước hết sự kiện Luca đã liên kết mẻ lưới lạ lùng này với trình thuật về ơn gọi của các môn đệ. Tiếp đến Luca ưu tư đến vấn đề truyền giáo cũng như lưu tâm đến thuyết phổ quát về ơn cứu chuộc, thường được diễn tả trong phúc âm thứ ba và Cvsđ. Cũng có sự kiện là về sau Gioan đã dùng (ch.21) trình thuật về mẻ lưới lạ lùng này để dẫn đưa vào trình thuật thiết lập chức mục tử tối cao của Phêrô nghĩa là trong bối cảnh có tính cách phi thường về giáo hội - điều này giả thiết rằng trên bình diện truyền khẩu, thì các tác giả khác ngoài Luca đã liên kết cách tự nhiên mẻ lưới kỳ lạ và biểu tượng về giáo hội. Cũng có thể là dụ ngôn về chiếc lưới (Mt 13,47-50) nếu thực sự dụ ngôn này có ý nghĩa về giáo hội, dẽ dàng liên kết chài lưới - giáo hội. Nhưng lý chứng quan trọng nhất là chính Chúa Giêsu liên kết tương quan giữa việc đánh cá và việc chinh phục người ta: trong những bản văn song song của Matthêu và Maccô, sự liên kết này ám chỉ rõ ràng về bản tính giáo hội. Vậy có thể khẳng định rằng tất cả khung cảnh này có thể rất nhiều điểm biểu tượng và là tiền ảnh của sứ vụ tương lai của các tông đồ cũng như sự thành công của sứ mệnh đó.

KẾT LUẬN

Lời Chúa Giêsu kêu mời thật đầy uy quyền, Ngài gọi người Ngài muốn và làm điều Ngài thích. Thiên Chúa cũng đã làm như vậy đối với các tiên tri. Nếu không thì Giacobê và Gioan đưa thuyền lên bờ và từ chối không làm ngư phủ: họ bỏ tất cả. Một sức sống mới tràn đầy trong đời sống của họ. Họ theo Chúa Giêsu với tư cách là môn đệ. Bây giờ họ bước theo Chúa Giêsu như các học trò đi theo thày rabbi để đồng hóa các lời dạy bảo, cách sống của họ. Từ đây điều làm cho các môn đệ tràn đầy sức sống, chính là Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa và việc truyền giáo. Simon đã có một kinh nghiệm về thần tính của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, ông được nhìn nhận là kẻ chài lưới và được trao nhiệm vụ cứu độ. Thời cứu độ đã bắt đầu: nhận biết ơn cứu độ qua việc thú nhận tội lỗi (1,77). Nước Thiên Chúa được tỏ hiện trong việc tiếp nhận các tội nhân.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Chính từ Thiên Chúa mà Giáo hoàng, các giám mục (hàng giáo phẩm) cũng như các linh mục lãnh nhận ơn gọi, trách nhiệm và quyền hành của mình. Các Ngài có nhiệm vụ tiếp tục công việc của Chúa Kitô để rao truyền Lời Chúa và tuyển chọn các môn đệ, giáo sĩ, cũng như giáo dân. Nhờ ân sủng của Chúa, các Ngài là những kẻ chài lưới người.

2. Ơn gọi của những người được thánh hiến phải bắt chước gương của Simon và các bạn đồng nghiệp, từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu. Thiên Chúa quan phòng sắp đặt mọi ơn gọi trong giáo hội. Điểm then chốt là đáp trả ơn gọi đó một cách quảng đại. Để được vậy, giáo dục đức tính quảng đại trong một gia đình Kitô giáo là một phương thế chuẩn bị tốt nhất. Phêrô đã chuẩn bị tiếng gọi của Chúa bằng sự quảng đại và sẵn sàng giúp đỡ của mình; ông đã cho Chúa Giêsu mượn thuyền để rao giảng; đã ý thức sự bất công của mình trước mặt Chúa.

3. Trình thuật này của Phúc âm nhắc nhở chúng ta rằng việc tông đồ trong giáo hội phải được thực hành trong những điều kiện nào. Lúc Chúa chưa có mặt trong thuyền thì Simon thả lưới cũng không bắt được gì hết. Nhưng khi có Chúa Giêsu, ông bắt được một mẻ lưới kỳ lạ. Đó là mộ ví dụ minh chứng chân lý này là không có Chúa không thể làm gì được (Gio 15,5) với ân sủng Ngài thì không gì là không có thể ("tôi có thể chịu đựng mọi sự trong đấng ban sức mạnh cho tôi” Phil 4,13).

4. Simon nói: “thưa thầy, chúng tôi đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết”. Cũng một cám dỗ ấy thường làm ta nản chí. Đó là đêm tối những tình trạng đầy mặc cảm, người ta chỉ thấy mình làm quá sức; một công việc đã gắng hết sức mà hình như không có được một kết quả nào, và người ta đâm ra buồn bực vì những cố gắng bền tâm của mình xem ra vô hiệu. Lúc đó muốn bỏ tất cả: có lẽ có những lúc nào đó người ta mơ đến một mẻ lưới kỳ lạ. Lúc đó hãy biết nghe lời Chúa mời gọi ta ra khơi: Hãy tiếp tục! Bắt đầu lại! Và nếu cuối cùng được thành công thì hãy biết khiêm nhượng nhận rằng những cố gắng của ta đã nỗ lực không đáng được thành công ấy, nó vượt quá những cố gắng của ta. Hãy thú nhận như Simon - Phêrô rằng chúng ta là những người tội lỗi và những thành công thu đạt được là do Chúa quảng đại ban phát cho ta.

5. Thuyền của Phêrô chính là giáo hội. Chúa Giêsu vẫn luôn tiếp tục dậy dỗ ta từ trong chiếc thuyền này. Nhất là trong lúc cử hành Thánh lễ, đặc biệt trong phần phụng vụ lời Chúa, cũng chính Chúa Giêsu bây giờ vẫn còn tiếp tục dậy chúng ta.

6. Dù Phêrô là người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng chọn làm môn đệ của Ngài. Chúng ta khiêm nhường thú nhận tội lỗi thì Chúa không lìa xa ta. Chỉ có óc bè phái, tưởng rằng mình thánh thiện và không thể chê trách trước mặt Thiên Chúa là dựng nên một hàng rào ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người.