Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm C
ĐỨC MẾN
SƯU TẦM

Có một dây liên kết giữa đức tin và đức mến. Có một câu chuyện minh họa cho điều ấy nói về George Herbert, một thi sĩ Anh quốc, một linh mục và nhạc sĩ nghiệp dư. Một ngày nọ, trên đường đi đến một buổi họp về nhạc với một số bạn bè, ông gặp một người nghèo bị ngã ngựa. Cả hai, người và ngựa lâm vào cảnh hiểm nghèo và cần gấp sự giúp đỡ.

Herbert cởi áo dài tu sĩ và giúp cho người ấy ra khỏi lưng ngựa và đứng dậy trước khi lên ngựa trở lại. Rồi ông cho người nghèo ấy một món tiền để mua nước giải khát cho cả người và ngựa. Sau đó, ông lại tiếp tục cuộc hẹn gặp bạn bè.

Dĩ nhiên, ông đã giữ cho mình rất sạch sẽ và chỉnh tề. Vì thế khi ông quay lại với đôi tay bẩn và áo quần dính đầy đất, các bạn ông kinh ngạc. Nhưng khi ông nói với họ về nguyên nhân của điều đó, một người bạn tỏ ý không tán thành việc ông để mình liên lụy vào một việc dơ bẩn như thế.

Nhưng ông đáp: “Suy nghĩ về điều tôi đã làm sẽ giống như âm nhạc đến với tôi lúc nửa đêm. Nếu bỏ đi nó sẽ tạo ra sự bất hòa trong ý thức của tôi. Bởi vì nếu tôi bắt buộc phải cầu nguyện cho mọi người trong cơn hoạn nạn, thì chắc chắn rằng tôi bắt buộc phải đi xa hơn là thực hành những gì tôi cầu nguyện”. Rồi ông nói tiếp: “Giờ đây, chúng ta so dây đàn đi”.

Trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phaolô cho chúng ta một mô tả đẹp nhất về đức mến từ trước tới nay. Ngày nay tình yêu (đức mến) là từ ngữ được dùng nhiều nhất. Nhưng điều mà nền văn hóa chúng ta gọi là tình yêu trong các bản nhạc và phim ảnh thường không có gì là tình yêu cả, nó là sự đối lập của tình yêu. Nó chỉ là ước muốn làm chủ hoặc chiếm hữu.

Ngày nay có nhiều người hoài nghi về sự hiện hữu của tình yêu chân chính. Họ không tin có lòng nhân ái nào mà không bị hoen ố bởi tư lợi. Một lý do của điều ấy là ngày nay chúng ta có sự hiểu biết tốt hơn về tính chất phức tạp trong bản chất con người và sự pha tạp của nhiều động lực đàng sau mỗi việc chúng ta làm.

Thánh Phaolô hiểu rõ những động lực pha tạp đàng sau những việc người ta làm. Ông hiểu người ta có thể thực hiện những hy sinh to lớn như thế nào, dù rằng những hy sinh không có giá trị bởi vì những động lực để thực hiện chúng đều do tư lợi.

Nhưng thánh nhân vẫn tin vào khả hữu của đức yêu thương và đó là trung tâm điểm của người Kitô hữu. Điều mà ông đề nghị trong sự mô tả đức yêu thương rõ ràng là một lý tưởng. Một lý tưởng giống như một ngôi sao. Dù chúng ta không bao giờ có thể đạt đến, nó vẫn luôn hướng dẫn chúng ta. Nhưng điểm chính yếu mà thánh Phaolô đưa ra là sự ưu tiên của đức yêu thương trong đời sống của một Kitô hữu. Chúng ta phải sẵn sàng cố sức thực hiện. Nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng chấp nhận sự yếu đuối và thất bại của chúng ta mà không tức giận và thất vọng.

Khi được đức yêu thương chiếm hữu, người ta sẽ được tràn đầy quyền năng mà người ta không thể từ chối, đó là quyền năng làm bất cứ việc gì, đương đầu với bất cứ điều gì, chịu đựng bất cứ việc gì cho con người hoặc sự việc mà người ta yêu mến.

Yêu thương, nhân từ, bác ái, làm việc vì người khác – đó là những phẩm chất chủ yếu. Đức yêu thương không bao giờ phai tàn! Những sự việc khác phai nhạt và qua đi, nhưng đức yêu thương tồn tại mãi. Nếu một người yêu thương thật sự thì người ấy cũng có được mọi nhân đức khác.

Đức tin, đức cậy và đức yêu thương (đức mến) là ba nhân đức lớn. Chúng còn mãi nhưng lớn nhất là đức yêu thương. Mọi sự việc qua đi, nhưng lời nói yêu thương, việc làm yêu thương không bao giờ qua đi.