Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm C |
MỞ RỘNG TÂM TRÍ |
SƯU TẦM |
Đức Giêsu ám chỉ Người đến khai mạc thời cứu độ muôn dân hằng mong đợi. Chúa thừa biết những phản ứng ít nhiều công khai của đám thính giả. Chúa nói lớn ra điều họ nghĩ thầm và lẩm bẩm trong miệng. Có hai khó khăn làm họ bực mình. Nặng óc địa phương, họ bất bình thấy Chúa làm những phép lạ tại những miền khác được dư luận rộng rãi đồn đại. Họ nghĩ, công cuộc cứu nhân độ thế thần kỳ của Chúa phải khởi đầu tại nơi sinh quán mới phải. Họ đâm ra ngờ vực con người mà họ biết rõ lai lịch, tuy họ quý mến, nhưng trong con ông Giuse và bà Maria họ không nhận ra hình ảnh Đấng Messia. Chúa cho họ thấy một tâm tình khô cứng như thế thật nghèo nàn. Tâm hồn không thuần khiết, trí óc mắc bệnh thiên kiến thì sao hiểu được ý nghĩa một dấu chỉ, cho dù là dấu chỉ phi thường tới mức nào. Người xung quanh có thể đem đến cho chúng ta một sứ điệp, nếu chúng ta không biết đến hoặc không thừa nhận giá trị của họ chẳng phải là thái độ hẹp hòi ư? Than ôi, ngoại trừ vài ba trăm người, toàn dân Do Thái đều giống người Galilê và không biết nhận diện được Đấng Messia đã sinh ra giữa lòng dân tộc. Từ đó xảy ra hiện tượng Tin Mừng lan tràn tới các dân tộc ngoại chủng, nghĩa là trên khắp hoàn vũ. Đoạn Phúc Âm gợi ra hai câu hỏi: 1) Chính chúng ta chẳng mắc cái bệnh thành kiến như người Galilê sao? Gặp dịp, chúng ta cũng dễ dàng đưa ra một nhận xét: “Ông này, ông nọ, tôi biết lắm?”. Cách suy nghĩ cư xử ấy là bằng chứng rằng chúng ta thật sự chẳng biết gì về người ấy. Trong trường hợp này, sự hiểu biết của chúng ta về tha nhân không phải là một sự hiểu biết thông cảm, khả năng đón tiếp của chúng ta giống như một động mạch bị cứng lại, tắc nghẽn. Vậy mà sự hiểu biết của Thiên Chúa về chúng ta thì khác xa biết chừng nào. không bao giờ Thiên Chúa nghĩ rằng chúng ta mãi mãi ở trong một trạng thái nào đó, giữ mãi nguyên trạng đó. Dưới mắt Thiên Chúa, chúng ta bao giờ cũng có khả năng cải tiến, có thể trở nên tốt hơn, và Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta tiến bộ. Như vậy, phải chăng chúng ta nên cố gắng có một nhận định về kẻ khác giống như Chúa nghĩ về chúng ta? 2) Chúng ta có phòng ngừa bệnh thiên kiến không, vì nó cản trở sự phát triển đức tin của chúng ta? Dân chúng Galilê tin vào Thiên Chúa và mong đợi Đấng Messia. Thiên kiến làm mờ mắt họ, không nhận ra Đức Giêsu đến thành toàn niềm tin và mong đợi của họ. Vậy mà chúng ta biết rằng tiến trình của đức tin luôn luôn vấp phải những bất ngờ khiến người ta bối rối. Đức tin sống động không ưa thứ tư tưởng đặt thành hệ thống và những việc làm theo thói quen máy móc. Thanh luyện tâm trí, chuẩn bị tâm trí sẵn sàng nghênh tiếp Thiên Chúa là một trong những yêu cầu chủ yếu của sự tiến bộ trong đức tin. Theo quan điểm ấy, điều cực kỳ quan trọng là ngày nay người Công giáo phải chuẩn bị tâm trí đón nhận những ân huệ chưa hề có trước nay, phát xuất từ Công đồng Vaticanô II. Trong niềm tuân phục nghiêm cẩn và triệt để những huấn lệnh của Giáo Hội, người Công giáo phải cầu nguyện, hành động và suy nghĩ theo những chiều hướng Công đồng mở ra cho các tín hữu. 4. Để yêu như Đức Kitô yêu - Charles E. MillerMột thiếu niên đã ném những cái túi ra xa lộ trước mặt nhà của hắn ta, hắn ta mất một trong những kiếng sát tròng của mình, hắn ta tìm kiếm nhưng không tìm thấy nó. Hắn vào nhà và nói: “Bố ơi con mất kiếng sát tròng rồi và con không tìm thấy nó”. Cha của cậu ta đứng dậy rời khỏi tờ báo và đi ra ngoài, một lúc sau thì ông trở lại với cái kiếng sát tròng. Đứa con trai kinh ngạc: “Cha ơi làm sao Cha tìm thấy nó?”. Nó hỏi, cha nó trả lời”“Mày tìm kiếm một miếng plastic. Còn tao, tao tìm kiếm vì một trăm năm mươi đô”. Khi chúng ta không nắm vững ý nghĩa đúng của những giá trị, chúng ta có thể thất bại trong việc tìm thấy những thực tại quan trọng của đời sống. Đó là lý do vì sao mà nhiều người trong bài Phúc Âm hôm nay đã từ bỏ Chúa Giêsu. Họ không thể chấp nhận được một thanh niên sinh đẻ tại đây là Đấng Mêsia của họ, họ bỏ sót những gì thật sự là quan trọng. Đối với họ Chúa Giêsu không khác gì một miếng plastic. Một điều gì đó cũng tương tự như thế xảy ra ở Corintho và Thánh Phaolô đã viết thư cho tín hữu ở đây. Họ đã trở nên say mê bởi những món quà đặc sủng, một số có thể nói những ngôn ngữ khác nhau, số khác cắt nghĩa được những ngôn ngữ đó, một số được đặc ân chữa lành, một số khác được nói tiên tri. Những đặc ân này thì tốt cho dân chúng, nhưng những người Corintho thì thất bại trong việc nắm bắt được giá trị của đặc ân lớn nhất đó là đặc ân tình yêu. Đó là lý do vì sao Thánh Phaolô nói với họ: “Tôi sẽ trình bày cho các bạn biết điều vượt trên những điều đó”. Đó là con đường tình yêu. Nhưng với Thánh Phaolô, tình yêu không chỉ hấp dẫn hoặc không đơn giản chỉ là lý thuyết. Ngài không nghĩ về một tuần trăng mật hay một tình yêu lãng mạn. Đối với thánh nhân, tình yêu là thực tế, là hiện diện nơi trái đất này, là diễn ra ngày này qua ngày nọ khi giao dịch với những người khác. “Tình yêu thì tử tế”, thánh nhân có thể đặt nó một cách đơn giản và trực tiếp hơn không? Chúng ta phải tử tế với nhau nên mới nói: “xin vui lòng”,”cám ơn” hay”xin lỗi”.”Tình yêu thì kiên nhẫn”. Thật khó để mà luôn luôn kiên nhẫn với những người mà chúng ta cùng sống hoặc làm việc, nếu họ không làm cho thần kinh chúng ta căng thẳng thì cũng làm phiền chúng ta bởi những điều mà chúng ta không thích. Tình yêu thì không ghen tỵ. Tình yêu thì không làm bộ làm tịch. Tình yêu thì không thô lỗ. Tình yêu không nói lời hư từ. Mọi đề mục trong danh sách của thánh nhân đều là thực tế. Trên tất cả, tình yêu là không kiếm tìm chính mình. Tình yêu luôn luôn quảng đại và không ích kỷ. Cuối cùng, tình yêu không bao giờ thất vọng. Tình yêu thật sự không chỉ ở giữa người chồng và người vợ, để tốt hơn hoặc xấu hơn, để giàu hơn hoặc nghèo hơn, lúc bệnh hoạn hay khi khỏe mạnh. Những tác giả thiêng liêng đã nhận thấy nơi thư của Thánh Phaolô từ”tình yêu” có thể được thay thế với tên”Đức Kitô”. Đức Kitô thì kiên nhẫn, Đức Kitô thì tử tế, Đức Kitô không nói lời hư từ, Đức Kitô không tìm kiếm chính mình, Đức Kitô thì không bao giờ thất vọng. Chân lý này giúp chúng ta nhận thấy lý tưởng cao vời của một tình yêu thật sự và chúng ta sẽ không đạt được nó nếu dựa vào chính chúng ta. Thánh Thể là ý nghĩa để chúng ta lớn lên trong tình yêu giống như Đức Kitô. Chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa xin biến đổi con và những tình yêu của con. Xin giúp con yêu mến như chính Chúa yêu. Xin giúp con mỗi khi con gặp khó khăn”. Thánh Phaolô đã nhận biết có ba nhân đức lớn lao là đức tin, đức cậy và đức mến. Khi chúng ta lên thiên đàng chúng ta không còn cần đến đức tin, bởi vì chúng ta đã thấy Thiên Chúa diện đối diện. Và cũng không còn cần đức cậy bởi vì chúng ta đã đạt được mục đích của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ có nhân đức lớn hơn mọi nhân đức; chúng ta sẽ có tình yêu. Chúng ta sẽ bắt đầu từ bây giờ cho đến đời đời, bởi việc cầu xin và đem ra thực hành một tình yêu giống như Đức Kitô là yêu thương anh em. |