Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm C
ĐỨC GIÊSU, LỜI BAN ÂN SỦNG CHO MỌI NGƯỜI
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.

1. Một sứ mệnh không biên giới:

Chúa nhật trước, chúng ta đã bắt đầu đọc trình thuật của thánh Luca về việc Đức Giêsu đến thăm hội đường Nagiarét. trình thuật đó đã được thánh Luca đặt vào lúc Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ và được trình bày như một cảnh khái quát chương trình, một biến cố điển hình có dụng ý khai mở và tóm tắt những gì sắp xảy ra.

Sau khi đứng lên đọc đoạn sách Isaia 61: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi...", theo tập tục, Đức Giêsu ngồi xuống giảng một bài và tuyên bố không úp mở rằng: "Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe".

Đầu tiên những người có mặt trong hội đường hôm ấy đều tán thành và thán phục những lời ban ân sủng (= những lời hay ý đẹp) thốt ra từ miệng Người". Họ bảo nhau: "ông này không phải là con ông Giuse đó sao? ". (Đức Giêsu mà thánh sử đã ghi trong gia phả của Người, được coi là con của Giuse: 3,23).

Đức Giêsu nắm lấy ngay vai trò chủ động của mình bằng hai giai đoạn.

- Trước tiên, bằng cách tố giác hy vọng úp mở của những người đồng hương khi họ muốn Chúa làm cho họ, tại quê hương Người, những việc lạ lùng mà Người đã làm ở những nơi khác và muốn Người thi hành lời ban ân sủng để mưu ích cho họ. Dựa vào một câu tục ngữ, Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na- um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!

Lẽ nào ta lại không có thể coi đây như điều báo trước về lời nhục mạ mà người ta sẽ nhắm vào Đức Giêsu khi Người hấp hối trên thập giá: "Hãy tự cứu mình đi, nếu ông là Đấng Kitô "(Lc. 23,35. 7.39)

Rồi, bằng cách loan báo sứ mệnh của mình có tính phổ quát, Đức Giêsu đưa các thính giả của mình trở về với hai khuôn mặt lớn của Cựu ước là ngôn sứ Êlia và Eâlisa; đây là hai vị ngôn sứ có những hoạt động vượt ranh giới về mặt lãnh thổ cũng như tôn giáo. Vị thứ nhất đã hóa bánh và dầu ăn ra nhiều giúp nuôi sống một góa phụ ở Sarepta là miền đất thuộc dân ngoại (Cv. l7.7-27). Vị thứ hai là ngôn sứ Êlisa, môn đệ của Êlia đã chữa khỏi bệnh cùi cho một viên tướng người Syria đích thân tới gặp vị tiên tri ngày trên đất Israel (2 CV. 5, 1-27). Góa phụ Sarépta và Naaman người Syria được coi như những người cầm đầu đàn lũ đông đảo những dân ngoại mà công cuộc giải phóng họ đã được loan báo trong sách Isaia 61, thì "hôm nay" được ứng nghiệm nơi Người là Đức Giêsu.

"Gương Êlia và Êlisa ban ơn huệ của Thiên Chúa cho dân ngoại, như J. Dupgnt nhận xét, cho người ta thấy trước rằng một khi Chúa Giêsu đã bị dân Israel cũng như các đồng hương của mình chối bỏ thì sứ điệp cứu độ sẽ chuyên sang cho các dân ngoại. Vì thế biến cố ở Nagiarét là điềm báo trước những gì người ta thấy xảy ra đối với Phaolô ở Antiôkhia miền Pixiđia và ở Rôma khi ngài quay về phía các dân ngoại. Cách xử sự như vậy của Phaolô lúc này đã được hai vị ngôn sứ Eâlia và Êlisa thực hiện trong thời buổi của ngài như để tiên báo và biện minh cho hành động của Phaolô vậy".

2. Một sự chối bỏ báo trước sự chối bỏ khác:

Lời loan báo Israel không còn được hưởng đặc ân và Thiên Chúa tiếp đón các dân ngoại đã khiến cho cử tọa của hội đường đầy phẫn nộ. Y hệt như thái độ của những người Do thái ở Antiôkhia Pixiđia lúc đầu còn thiện cảm, tử tế rồi không bao lâu sau chuyển thành giận dữ khi họ thấy dân ngoại "nghe Lời Thiên Chúa" (Cv 13,44-45).

Thì này đây, những người đồng hương của Đức Giêsu đang đứng dậy lôi Người "ra khỏi thành" “để xô Người xuống vực". Giống như những thù địch của Chúa rồi đây sẽ lôi Người “ra khỏi thành" Giêrusalem để đóng đinh Người. Chẳng khác gì những người Do thái sẽ lôi Stêphanô "ra khỏi thành" để ném đá ông vậy (Cv. 7,54).

Nhưng giờ của Người chưa tới, nên "Người băng qua họ mà đi"; Đức Giêsu còn phải tiếp tục con đường sẽ dẫn Người tới thành đô Giêrusalem, nơi sẽ diễn ra cuộc khổ nạn của Người, và là nơi Người sẽ sống lại và tỏ mình ra cho các môn đệ vào sáng ngày Lễ Vượt Qua.

BÀI ĐỌC THÊM

1. “Một bài tường thuật để loan báo tương lai"

(H. Vulliez trong “Dieu si proche. Năm C", DDB, trg 90)

"Luca đã viế câu chuyện này để báo trước tương lai hơn là để tường thuật lại những gì xảy ra ở Nagiarét. Biến cố xảy ra trong hội đường hôm ấy là một giai đoạn mở đầu bi thảm báo trước những gì sẽ xảy ra cho sứ mệnh của Đức Giêsu khi ở giữa loài người. Một sứ mệnh sẽ vươn tới mọi dân tộc. Một sứ mệnh sẽ dẫn Người tới cái chết: Người sẽ bị người nhà của mình lên án tử, nhưng phàm những ai thuộc mọi dân tộc, thuộc mọi mầu da nước tóc, đón nhận Người thì Người sẽ cho họ được làm con Thiên Chúa".

2. "Con người luôn có khuynh hướng muốn giam hãm Thiên Chúa”.

Những con người ấy nhận mình là những kẻ tin Chúa chân thành, có lòng đạo đức và thực hành đạo, thế mà sau khi đã ca ngợi Đức Giêsu ở trong hội đường, chính họ lại "đầy phẫn nộ, đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực". Vậy có ai dám nhận mình giống những người ấy không?

Dù là ai chăng nữa, chúng ta thảy đều có khuynh hướng muốn giam hãm Chúa và Đấng Kitô của Người trong một phạm vi nhất định của Giáo Hội ta, trong lời lẽ của những giáo điều, những truyền thống, những thực hành và ngay cả trong những cách sùng mộ của chúng ta nữa. Chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng nắm độc quyền về các ân sủng, phép lạ, ánh sáng của Chúa và ngay cả đức ái mà Người là nguồn mạch nữa. Vậy mà Phúc âm hôm nay khẳng định mạnh mẽ với ta rằng những người thân của Đức Giêsu thường sẵn sàng tống cổ Người ra khỏi nhà thờ, nghề nghiệp, quyết định và gia đinh của họ, mỗi khi sứ điệp của Chúa không làm vừa lòng họ, mỗi khi cuộc viếng thăm của Người gây phiền hà cho họ. Còn chính Chúa Giêsu thì lại nhắc nhở ta rằng Thiên Chúa đã thực hiện được những sự lạ lùng nơi các dân ngoại, đã cho những người cùi, những người thù địch của Israel, dân Chúa, được lành sạch. Đối với Thiên Chúa tình yêu, chỉ có tình yêu là tiêu chuẩn cuối cùng làm nên giá trị và sự thật cho tư tưởng và hành động của ta.

3. “Một sự hiểu lầm đáng sợ”

(G. Boucher, trong "Le ciel sur terre”)

Tại sao người con của quê hương lại không thực hiện được ở quê quán mình những việc lạ lùng mà người ấy đã làm ở những nơi khác? Và rồi có thể đến lượt chúng ta cũng sẵn sàng trở mặt từ khen ngợi đến phẫn nộ đấy. Bởi lẽ, về phần Đức Giêsu thì Người nói rõ rằng điều cốt yếu mà Người muốn trình bày cho họ không phải chỉ có vấn đề các việc lạ lùng, mà Người muốn mạc khải cho họ tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa. Cái đó mới là điều hạnh phúc và may mắn thực cho chúng ta.

Lẽ ra Đức Giêsu phải cung cấp cho những người đồng hương của mình tiền bạc hoặc chữa cho họ khỏi những bệnh này tật nọ mới đúng. Xem ra người ta ao ước một điều, thì Chúa lại đưa ra điều ngược lại. Bởi lẽ ai nấy đều thích được lãnh nhận, trong khi Đức Giêsu lại đòi hỏi phải cho đi, cho đi bản thân mình, cho đi mạng sống mình. Và kết cục sẽ là thành công và hạnh phúc.

Đức Giêu có hy vọng những người đồng hương của mình sẽ hiểu biết và thông cảm hơn với Người không? Bởi vì họ là những người nhà của Người mà. Họ biết Người hơn, từng sát cạnh liền kề với Người, quý chuộng Người và yêu mến Người mà!

Vậy mà chỉ mới ngay trong buổi nói chuyện đầu tiên, họ đều nổi xung lên với Người. Cả đám đều đứng dậy xô đẩy Người ra ngoài, loại bỏ và trục xuất Người khỏi cộng đồng của họ. Là vì Đức Giêsu không đáp ứng điều họ mong đợi. Họ nghĩ là Người lừa gạt quần chúng!

Chừng nào sứ điệp của Người còn là lại kêu gọi hoán cải cuộc đời và chừng nào người ta chỉ thích sống dễ dãi, thì việc chối bỏ Đấng Thiên Chúa sai đến đã khởi sự rồi.

Họ muốn cho Người phải chết, nên họ tìm cách loại bỏ Người con của quê hương này ra khỏi nhà họ bằng cách xô Người xuống vực thẳm.

Nhưng Đức Giêsu “băng qua giữa họ mà đi”. Người là kẻ tự do, hết sức tự do, Người cứ thảnh thời đi trên con đường của mình lòng đầy tự tin và tin vào sự trung tín của Thiên Chúa Cha Người. con đường Người đi được vạch sẵn. Không có gì làm cho Người phải lui bước!