Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm C

RAO GIẢNG TẠI NAZARET THẤT BẠI

Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

1. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh nhận thấy có nhiều sự rời rạc trong đoản văn này, hay ít ra có những nhược điểm văn chương “lạ lùng nơi một tác giả cẩn thận như Luca” (A. George), điều đó giả thiết Luca đã dùng nhiều nguồn liệu mà ông đã không khéo tổng hợp. Nhưng hình như cảm tưởng này là do việc người ta muốn tìm nơi Luca một lược đồ của Macco, trong lúc Luca lại thay đổi toàn diện cơ cấu trình thuật của Macco, không những chỉ làm cho trình thuật ấy thành một toát yếu biểu tượng về cuộc đời Chúa Giêsu và một bản tóm lược những đề tài của mình, nhưng còn qui hướng trình thuật ấy vào một cao điểm: Chúa Giêsu từ chối dành riêng ơn cứu độ cho quê hương Ngài, đó là lý do người Do thái từ chối và giết Ngài.

Những “rời rạc” mà các nhà chú giải đưa ra có thể được tóm tắt như sau:

1/ Sự bất tương xứng giữa phản ứng đầu tiên của cử tọa - tất cả đều rất thán phục (c.22) - và những lời giận dữ của Chúa Giêsu ở các câu 23-27.

2/ Thiếu đồng nhất trong diễn từ của Chúa Giêsu (cc.23-27): ở c.23, Chúa Giêsu biết trước người ta sẽ xin Ngài làm phép lạ (điều này giả thiết họ đã tin), trái lại qua câu 24, hình như Ngài phàn nàn là bị bạc đãi. Ngoài ra, ở c.23 có đối chọi giữa Caphanaum và Nazaret, ở cc. 25-27 giữa Israel và lương dân. Cuối cùng, câu 24 cho thấy chính người Do thái loại trừ các tiên tri, còn các câu 25-27 lại nói chính các tiên tri từ chối làm phép lạ tại Israel.

Có nhiều cách giải thích các lủng củng trên: như nói đến sự khác biệt về các nguồn liệu, hoặc bằng cách ép nghĩa chữ emarturoun, (họ làm chứng “ils témoignaigent") và ethaumazon (họ thán phục ils s’étonnaiment, câu 22), hoặc bằng cách giải thích sở dĩ thính giả tức giận là vì Chúa Giêsu, khi trích Isaia, đã bỏ sót câu loan báo Đấng Messia sẽ trả thù, hoặc xem các lời của Chúa Giêsu đủ nói lên phản ứng của thính giả, hoặc đặt câu 5a của Macco ngay từ đầu đoản văn và giả thiết Luca đã đọc Macco theo mạch văn đó: “giọng điệu bất ngờ của Chúa Giêsu thì có thể hiểu được, nếu cho đến bây giờ Ngài đã không có thể làm một phép lạ nào ở Nazareth. Nếu đồng ý như thế, tất cả thật dễ hiểu, rõ ràng (C. Masson).

Sở dĩ có nhận xét về các “rời rạc” đó, là vì dựa vào lược đồ của Macco:

a) Sự rạn nứt giữa Chúa Giêsu và người đồng hương xảy ra ở các câu 22-23.

b) Ở câu 24 Chúa Giêsu nói là đã bị bạc đãi ở quê hương, đó có phải là điều Luca muốn nói? Dù sao, phương pháp tốt nhất là phải tiên thiên nghiên cứu trình thuật Luca như là một đơn vị văn chương có mạch lạc, và tìm điểm cốt yếu của nó bằng phương cách dựa vào lược đồ của Luca, chứ đừng dựa vào lược đồ của Macco. Như thế sẽ rõ là sự rạn nứt giữa Chúa Giêsu và người đồng hương chỉ xảy ra sau câu 27.

2. Thực ra, các thính giả Chúa Giêsu đã phản ứng tích cực. Marturoin (làm chứng - témoigner, câu 22) được dùng một mình hay với một datif, trong ngôn ngữ Luca, luôn có nghĩa tích cực: xem Cvsđ 6,3; 10,22; 13,23; 15,8; 16,2; 22,12; đặc biệt trong Cvsđ 14,3). Nghĩa tích cực này đồng nghĩa với “họ ca tụng Ngài” của câu 15.

Còn chữ “thaumazoin” (thán phục “s'étonner” c.22) nếu có thể diễn tả một sự ngạc nhiên vì gương xấu (x. Mc 6,6; Lc 11,38) thì ở Lc nó thường chỉ một ngạc nhiên đầy thán phục (1,63; 2,18; 7,9; 8,25; 9, 43; 11,14; 20,26; Cvsđ 3,12; 4,13). Vậy người ta có thể xem phản ứng đầu tiên của đám thính giả ấy là một ngạc nhiên đầy thán phục. Hình như Luca không muốn nhấn mạnh đến sự thán phục này: ông không lấy lại lối diễn tả dài dòng của Mc, cũng không còn dùng tiếng: “họ đã vấp phạm vì Người” (Mc 6,3). Phải đợi đến câu 28 mới gặp được thành ngữ của Luca tương đối với “họ đầy căm tức”. Vậy đối với Luca, đâu là lý do xác đáng để người Nazaret căm tức? Và trong sự rạn nứt này, câu 24 có vai trò gì?

3. Conzelmann khám phá 2 cao điểm trong các câu 23-27. Quả thực câu 23 được xây dựng trên sự đối thoại giữa Nazaret - Carpharnaum, các câu - trên sự đối chọi khác nhau giữa người Naaret - dân ngoại. Cao điểm thứ hai này làm nên lời tuyên bố rõ rệt về ơn cứu độ phổ quát, là bước đầu của nền thần học về dân tuyển chọn tiềm ẩn trong tác phẩm của Luca, và chỗ đứng của nó ngay từ lần rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu đem lại cho tác phẩm Luca một tầm quan trọng đáng kể. Và đối với Luca, chính lời tuyên bố đó là lý do khiến người Nazaret giận dữ. Thực ra phải lưu ý rằng chính “khi nghe những lời ấy”, nghĩa là khi nghe các câu 23-27 thì họ ly khai với Chúa Giêsu.

Điều này có thể giúp chúng ta khám phá ý nghĩa cao điểm thứ nhất và tương quan thực sự của câu 24 với toàn văn mạch. Nơi câu 23 Chúa Giêsu linh cảm các người Nazaret với chiêu bài là người đồng hương của Ngài, sẽ xin Ngài gia ân giáng phúc của thời đại thiên sai mà Ngài mới tuyên bố (có lẽ linh cảm này được diễn tả ở câu trước đó. Thực ra, nếu chấp nhận phản ứng đầu tiên của thính giả là tích cực, thì có thể giải thích câu “người này không phải là con ông Giuse?” như là một cảm thức của người Nazaret về những đặc ân dành cho họ qua sự kiện Chúa Giêsu là một người trong họ). Chúa Giêsu đề phòng họ khỏi những cơn cám dỗ đó (chữ “eipen de": “nhưng Ngài nói”, mà cuốn BJ dịch thoáng là: “rồi Ngài nói thêm”, cho thấy sự tương phản với lời yêu cầu vừa được đưa ra: “quả thật, ta bảo các người, không một tiên tri nào dektos en tại quê hương mình).

Do ảnh hưởng của đoạn Mc song song atimos (bị khi khinh chê, không vinh dự) và so với dechomai (tiếp nhận), người ta dịch dektos bởi “được tiếp nhận” (acceptus) (bản Vulgata), “được ưu ái” (en faveur) (Gheorge), “được trọng đãi” (bien reen) (Osty - BJ), “được hoan nghênh”

Theo một bài của Grundmann trong “Theologisches Wortorbuch” chữ này (dùng 32 lần trong bản LXX) thường được dùng để dịch chữ Hy bá râson (tình yêu, ân huệ, ý muốn). Phải phân biệt cách dùng chữ này trong văn chương tế tự, được áp dụng vào các hy lễ, chữ này có nghĩa thứ nhất ("được tiếp đón” hay “có thể được tiếp đón": accepte - acceptable) với cách dùng trong Isaia-đệ-nhị nó mang ý nghĩa thiên sai và hoàn toàn tích cực: “thi ân, thuận lợi” hay cứu độ (favorable, salvifique): xem Is 49,8: “trong thời thuận tiện (dektos), ta sẽ nhận lời ngươi” và Isaia 61,2 (được trích dẫn lại trong Lc 4,19): “Hãy loan báo năm nhân hậu của Giavê” (bản dịch của J.Coenig, Pleiade 1959). Qua hai ví dụ trong Isaia, thời gian (hoặc năm) dektos có nghĩa là thời gian thuận tiện (favorable) cho dân Israel, đó là thời gian cứu độ, thời gian thực hiện ý định của TC. Violet, theo một phương pháp khác Grungmann cũng đi đến một kết luận tương tự (trong ZNV 37,1938, 251-271): theo ông, detos đồng nghĩa với charis (ý muốn nhân hậu, lòng nhân hậu, dự định thuận tiện). Ngoài các ví dụ nói trên, có thể thêm Xac 28,38 (dektos trong dùng như một danh từ và có nghĩa: ân huệ, lòng nhân hậu).

Những phần phân tích đó cho thấy chữ dektos đã biến đổi về ngữ học: từ ngữ thụ động “có thể trong tiếp đón, được tiếp đón, được đặc ân” dần dần chuyển sang nghĩa tích cực: “có thiện cảm, thuận tiện”. Trong TƯ, ngoài hai đoản văn Lc 4,19 trích Is, và Lc 4,24 mà chúng ta đang nghiên cứu, chữ dektos được dùng 3 lần: hai lần theo nghĩa thụ động (cả hai đều trong sạch văn tế tự: Cvsđ 10,35 và Ph 4,18), và một lần trong nghĩa tích cực: “Vì người phán: vào thời thuận tiện (dektos, favorable), Ta đã nhận lời ngươi; vào ngày cứu độ, Ta sẽ cứu ngươi. Đây là thời thuận tiện, bây giờ là ngày cứu độ” (2Co 6,2)

Như thế có thể kết luận, đối với người đọc bản 70, chữ: dektos có thể có nhiều tiểu dị và nhất là khi trích dẫn Isaia, có một nghĩa khác xa nghĩa nguyên ngữ (dechomais, recevoir, nhận). Vì thế thật có lý khi dịch eniauton dekton trong Lc 4,19 thành “năm hồng ân” (année de grâce, bản dịch của Osty, Goerge, hay"năm tiếp nhận"(année d'accueil, bản dịch của TOB).

4. Như thế, đâu là hậu quả việc Lc muốn móc nối với sách Isaia-đệ-nhị? Nếu Lc đã cố tâm đổi công thức cổ truyền của câu nói logion, (được Mc và Mt viết là “bị khinh chê” và Gio 4,44: “không được hưởng một đặc ân nào") để dùng lại một chữ (không được biết nơi các tác giả nhất lãm) của văn mạch trước đó, chính là vì ông muốn cho cách dùng thứ hai của chữ này cũng một nghĩa như cách thứ nhất và như vậy phải hiểu câu 24 như sau: “không một tiên tri nào có thiện cảm (favorable) với chính quê hương mình.

Từ đây tương quan của câu 24 với văn mạch được sáng tỏ: nó đi nghịch với câu 23 (Chúa Giêsu từ chối lời xin phép lạ) và được nối kết với các câu 25-27 bởi hai ví dụ trong CƯ (lưu ý là nơi Lc 11,29-32 cũng có một lược đồ như vậy). Ngoài ra có một sự tương đồng về thể văn đối ứng với một tương đồng về ý nghĩa: “quả thực, Ta bảo các ngươi” (c.24). Và “Ta bảo thật các ngươi” (c.25); điều quan hệ cũng chính một ý nghĩa nhưng được viết dưới một hình thức khác. Chúa Giêsu làm ngơ khi đứng trước môi trường xã hội của mình. Cũng thế, ta mới hiểu tại sao Lc xóa bỏ Mc 6,4b ("nơi bà con và nơi nhà mình") vì nhằm nới rộng nghĩa của chữ “quê hương” được dùng trong nghĩa hẹp nơi câu 23 (Nazaret) và nghĩa rộng nơi các câu 25-27 (Israel).

Dưới viễn tượng đó trình thuật Lc không còn đứt đoạn: chắc hẳn câu 21 không phải là tổng hợp bài diễn từ của Chúa, nhưng lại là giáo đầu của bài giảng về bản văn Isaia. Trong đó Ngài công bố thời thiên sai bắt đầu. Bấy giờ Lc ngắt bài diễn từ một chút để cho thấy phản ứng đầu tiên của thính giả (ngưỡng mộ Chúa Giêsu), rồi tác giả tiếp tục bài diễn từ nơi các câu 23-27 ("và Ngài nói cùng họ” của câu 23 đáp lại “bấy giờ Ngài bắt đầu nói cùng họ” của câu 21) và bấy giờ Chúa Giêsu minh giải câu 21 bằng cách vạch trần là Ngài không muốn giới hạn sứ mệnh của mình trong thành hay trong quốc gia mình: cũng như Elia và Elisê đã không chỉ có thiện cảm (favorable) với dân Israel, thì Ngài cũng không chỉ có thiện cảm với quê hương mình. Nơi Luca, chính điểm này gây phản kháng nơi người Nazareth.

Một dư âm của bài giảng này hình như còn sót lại ở Lc 4,42 - 43 trong đó dân chúng Caphanaum muốn giữ Chúa Giêsu ở lại với họ. Để trả lời Ngài cũng lấy lại gần nguyên văn lời tiên tri Isaia mà Ngài đã giải thích trong hội đường xứ Nazareth: “Ta còn phải loan báo Tin mừng Nước TC cho nhiều thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Ở đây thái độ của Chúa Giêsu cũng như trước Ngài không muốn ai độc quyền chiếm hữu Ngài.

Vậy trong trước tác của Luca không có một rời rạc nào, và ta hãy mau phục hồi uy tín cho Luca: trình thuật của tác giả thật rất mạch lạc và kỹ lưỡng (với điều kiện là gán cho tiếng dektos nghĩa tích cực (sens actif) của nó, thì sẽ có được sự mạch lạc của đoạn văn). Điều đó không lạ gì vì đây là đoạn văn có tính cách khai mào đoản văn, thì dĩ nhiên một văn sĩ cẩn thận như Luca phải lưu ý trau chuốt cách đặc biệt.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Các lời đầy ân sủng": một số nhà chú giải dịch câu “epitois logois tês charitée” như vậy, hoặc theo tương tự như “các lời ân sủng”, “các lời được linh ứng”... bằng cách giả thiết câu đó tiềm tàng các đặc tính văn chương Semit. Nhưng việc dùng mạo từ “la” (au sujet des paroles de la grâce) cũng như các đoạn song song trong Cvsđ và văn mạch thì thiên về lối dịch “các lời của ân sủng” (A.Goerge) hay “sứ điệp của ân sủng” (TOB), nghĩa là sứ điệp do ân sủng đem đến, hay sứ điệp loan báo ân sủng (Cvsđ 14,3; 20,32).

“Người này phải là con ông Giuse sao?": vì câu này nằm trong bối cảnh thán phục và ca tụng, nên đừng xem đây là khởi điểm việc người Nazaret bất bình, phẫn nộ: trong bản văn không có điểm nào cho phép giải thích như thế. Đúng hơn phải xem câu đó diễn tả 1 sự tính toán đầy tư lợi: nếu người này là con Giuse, bây giờ trở thành tiên tri và thần thông, tại sao lại không lợi dụng địa vị ấy để mưu ích cho làng họ? Cách giải thích vấn nạn đó của người Nazaret được xác nhận qua lời Chúa Giêsu chú giải ngay sau đó. Câu ngạn ngữ “thầy lang ơi, hãy cho thân nhân của ông được hưởng các phép lạ của ông trước khi cho người lạ hưởng. Ở đấy nghĩa câu ngạn ngữ là đúng như thế. Vì thế Chúa Giêsu khi giải thích tư tưởng của cử tọa, đã áp dụng ngạn ngữ đó cho Ngài: “Với tư cách là người đồng hương với Ta mà các ngươi giục ta làm ở đây các phép lạ Ta đã làm ở Capharnaum. Nhưng (ở đầu câu 24, tương tự với tiếng Hy lạp de) vị tiên tri không luôn thi ân cho quê hương mình... hãy xem Elia và Elisê: các Ngài đã tận tình giúp đỡ người ngoại bang trong khi tại Irael không phải là không có nhu cầu”.

Được đọc trong nghĩa đó, bản văn sẽ rất mạch lạc: Chúa Giêsu từ chối ràng buộc ơn cứu độ của Ngài trong mối liên hệ máu mủ hay thân quen. Ngài là tiên tri, Ngài hành động theo sứ mệnh thần linh. Dân Nazareth không thể áp lực bắt Ngài hành động theo ý họ. Phải từ bỏ mọi yêu sách, đòi hỏi, khi đứng trước TC: Ngài ban ơn cho ta hoàn toàn theo tự do của Ngài, và chỉ có một tâm hồn khiêm nhượng, tín thác mới có thể trông chờ (chứ không đòi hỏi) phép lạ.

“Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình": chúng ta hãy nhớ rằng, sau khi phân tích tiếng dektos trên đây thì phải dịch: “Không một tiên tri nào có thiện cảm với quê hương mình”. Công thức này cho thấy tính phổ quát. Luật chung không có luật trừ. Tuy nhiên theo Mt 13,58 và Mc 6,5 ghi lại thì Chúa Giêsu cũng làm một vài phép lạ ở Nazareth. Vậy ý nghĩa của câu nói Chúa Giêsu phải hiểu như sau: tiên tri không có cảm tình với người đồng hương hơn những người xa lạ, tất cả chỉ là vấn đề đức tin và ý hướng tốt là đủ; kể cả cộng đoàn Kitô giáo nguyên thủy cũng không có tư cách nào để được hậu đãi.

“Đã có nhiều bà góa trong Israel thời Elia": sự đề cập đến: “quê hương” nơi câu trước cho phép Chúa Giêsu mở rộng cuộc tranh luận. Không những chỉ có Nazareth và Caphanaum, nhưng là dân Israel và dân ngoại. Cũng như Nazareth không có quyền đòi hỏi gì dù với tư cách là nơi chôn nhau cắt rún của Đấng Messia, của Đấng đem đến ơn cứu độ, cũng thế Israel không được lấy cớ là nơi phát sinh Đấng cứu thế để đòi hỏi quyền lợi về ơn cứu chuộc. Ơn cứu độ là một ân sủng. Và chính vì tính cách phổ quát rỗi này mà Chúa Giêsu khiến người Nazareth hết sức bất bình. Nếu họ muốn ném đá Ngài, rõ ràng là chính vì Ngài (xuất hiện như) là một kẻ phạm thượng khi từ chối ban cho Israel độc quyền chiếm hữu ơn cứu độ, vì ném đá là một hình phạt dành cho những kẻ phạm thượng (x. Lv 24).

“Nhưng Ngài rẽ qua giữa họ mà đi”. Thật khó mà tìm thấy một chỗ nào gần Nazareth có dốc núi để có thể xô người tử tội xuống để rồi ném đá. Nhưng Luca lưu tâm đến ý nghĩa cảnh tượng hơn là chi tiết. Khi đưa Chúa Giêsu ra ngoài thành để mưu toan giết Ngài, những người đồng hương đã cho thấy trước án quyết đẫm máu dân Israel sẽ gây ra cho Chúa Giêsu. Về phần Chúa Giêsu, Ngài thoát khỏi họ như Ngài sẽ còn làm nhiều lần cho đến khi tới giờ Ngài (x. Gio 7,10; 7,44; 8,59; 10,39). Việc dự phòng cho đến ngày cuối cùng của Chúa Giêsu đối với Luca quan trọng hơn phương cách Ngài thực hiện: tác giả nói một lời về việc Ngài có dùng phép lạ hay không để lẩn thoát. Bấy giờ Chúa Giêsu bỏ đi. Kiểu nói này được dùng nhiều lần và rất có ý nghĩa, như ông sẽ còn ghi lại nhiều lần, vì Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem (9,51; 13,22.33; 17,11; 19,28), tiến lên thánh giá và vinh quang.

KẾT LUẬN

Con người không có tư cách gì để đòi hỏi ân huệ của Thiên Chúa. Không phải những liên hệ máu mủ, đồng quê đồng xứ có thể đòi hỏi ơn cứu độ của đấng Messia. Vì chưng hồng ân của Thiên Chúa, ơn cứu độ ban cho nhân loại trong Đấng Messia, trước hết hoàn toàn là do ân sủng. Đó chính là điều mà người Nazareth đã không muốn hiểu. Chính thái độ này của dân Israel đã khiến Chúa Giêsu có dịp ngỏ lời với tất cả mọi người.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Vì Chúa Giêsu là người đồng hương với mình nên người Nazareth tưởng Ngài có bổn phận ban cho họ những hồng ân Ngài có thể giúp đỡ họ. Như thế có thể nói vì là người đồng hương với Chúa Giêsu, nên người Nazareth có quyền đòi độc quyền chiếm hữu một vài ân huệ của Chúa Giêsu. Người ta thấy Chúa Giêsu đã kịch liệt chống đối lời đòi hỏi đó. Trước mặt Thiên Chúa và Đấng tiên sai, không ai có quyền đòi hỏi gì.

Chúng ta phải luôn luôn sáng suốt để khỏi rơi vào những lầm lỗi của những người Nazareth. Chúng ta được rửa tội trong giáo hội công giáo, được hưởng nền giáo dục Kitô giáo, đạo dòng lâu đời, tất cả những điều ấy không có quyền gì trước mặt Chúa. Chúng ta có cảm tưởng rằng Thiên Chúa thuộc về những người công giáo, đến nỗi chúng ta có thói quen liên kết Thiên Chúa  và giáo hội, Thiên Chúa và những người Kitô hữu. Nhưng chính ra Thiên Chúa không thuộc về những Kitô hữu, nhưng chính Kitô hữu thuộc về Thiên Chúa. Cũng có rất nhiều người trong thâm tâm không hề biết Ngài nhưng lại thuộc về Ngài - có lẽ còn thuộc về Ngài cách sâu xa hơn chính chúng ta. Thiên Chúa không dành ân sủng của Ngài cho riêng những người công giáo, cũng như Chúa Giêsu không dành phép lạ ưu tiên cho những người Nazareth. Thiên Chúa hoàn toàn tự do, nếu không Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa. Vì vậy trước mặt Ngài chúng ta không thể đòi hỏi gì hết; chúng ta chỉ có thể nhìn nhận thân phận bất xứng, nghèo nàn của mình, và nài xin Ngài đoái thương nhìn đến thân phận tôi tớ thấp hèn của Ngài.

2. Điều làm những người Nazareth cay cú nhất không phải là Chúa Giêsu phung phí những phép lạ của mình trong những thành khác của Israel nhưng trước hết là vì Chúa Giêsu bằng cách viện cớ vào gương hai vị tiên tri Elia và Elisê là hai vị tiên tri lớn thời xưa, minh định rằng Ngài cũng có quyền làm những phép lạ cho dân ngoại: một tiên tri không ưu tiên dành ân huệ cho quê hương mình. Đối với người Do thái, vì ý thức mình là dân chúa chọn, họ lấy làm tức giận và không thể tưởng tượng được rằng Đấng Messia, Đấng Thiên Chúa sai đến, lại lưu tâm đến dân ngoại. Sự minh định của Chúa Giêsu là một tiếng chuông rót vào tai họ như là một lời phạm thượng đáng phải ném đá. Chúa Giêsu thường gặp thái độ trong mấy măm sống công khai. Ở đây nhắc lại dụ ngôn những người thợ (làm vườn nho vào giờ thứ 11: những người thợ giờ thứ nhất đã bất bình vì lòng quảng đại của ông chủ vườn nho đã thuê những người vào trước hết cũng bằng những người cuối hết). Đối với họ thì lòng tốt này là một điều bất công. Nhưng cách tính toán của Thiên Chúa không phải là cách của chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã muốn chọn dân Do thái làm dân riêng Ngài (Đnl 7,6) không phải là vì Ngài không ưa thích dân tộc khác, nhưng chính là vì Ngài muốn dùng dân này như dụng cụ để mạc khải ơn cứu độ cho các dân tộc khác. Nếu nhờ phép rửa tội và nền giáo dục Kitô giáo, Thiên Chúa đã chọn chúng ta làm con cái Ngài, cũng không phải vì Ngài không ưa thích gì dân ngoại, nhưng chính vì Ngài muốn dùng gương lành của ta để lôi kéo họ đến cùng Ngài. Và nếu Thiên Chúa không thương ta, Ngài ban cho dân ngoại ân sủng hơn chúng ta (ân sủng do lòng quảng đại để sống một đời ngay thật, xứng hợp với lương tâm và trình độ ánh sáng chân lý mà họ có) thì lúc đó chúng ta cũng đừng căm phẫn về lòng tốt của Ngài, nhưng trước hết phải ca tụng Thiên Chúa là Đấng thiện hảo “muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhìn biết chân lý” (1Tm 2,4).

3. Mặc dù có ý định ném đá Chúa Giêsu, nhưng người Nazareth đã thất bại, Ngài vượt qua giữa họ mà đi bằng yên: giờ Ngài chưa đến. Điều này cho thấy rõ ràng, người Do thái giết được Chúa Giêsu vì Ngài đã tự do quyết định như vậy. Cái chết của Ngài lúc đó là một cái chết tự do ưng thuận.