Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm C |
HÔM NAY ỨNG NGHIỆM |
Thưa anh chị em, Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng, với biết bao chiến tích vẻ vang, đặc biệt nơi các vùng dân ngoại như Caphanaum. Danh tiếng Chúa Giêsu vang dội khắp nơi, vì Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền và kèm theo các phép lạ, tất cả những điều ấy minh chứng Ngài là Đấng quyền năng làm được mọi sự. Vì Chúa đem đến cho nhân loại một mùa xuân mới, mùa xuân của hồng ân cứu độ. Hôm nay, có dịp trở về quê thăm lại quê nhà, Chúa Giêsu vào hội đường theo thói quen của ngày Sabat. Người ta trao cho Ngài cuốn sách Thánh kinh, mở ra gặp ngay đoạn sách tiên tri Isaia. Chúa Giêsu xác định lời của vị ngôn sứ nói về Ngài thật chính xác “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh mà tai quí vị vừa nghe” (Lc 4, 21). Anh chị em để ý đến cái từ “hôm nay”. Chúa Giêsu không nói là hôm qua, hay ngày mai, mà là “hôm nay”. Đặc tính thần học của Tin mừng Luca có nói tới 12 lần từ “hôm nay”. Lời đầu tiên các thiên thần báo tin cho các mục đồng trong đêm giáng sinh: “ … Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho chúng ta” (Lc 2,11). Cho đến lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với người trộm lành: “…. Hôm nay, ngươi sẽ lên Thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43). Cho nên Lời Chúa mà chúng ta đọc, chúng ta suy niệm không phải là Tin Mừng của ngày hôm qua, cũng không phải là Tin Mừng của ngày tận thế, mà là Tin Mừng của ngày hôm nay. Thế thì Tin Mừng hôm nay, đó là Tin Mừng nào? Thưa, đó là Tin Mừng dành cho những người nghèo khó; Tin mừng làm cho bệnh nhân được ơn chữa lành; Tin mừng thuyên chữa những tâm hồn sám hối, và loan truyền ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm....hay nói cách khác, đây là Tin mừng của một Thiên Chúa nhân hậu đầy lòng xót thương. Thánh Luca mô tả: Mọi người trong hội đường đều thán phục Chúa Giêsu, vì những lời từ miệng Ngài thốt ra, và có lẽ họ tự hào lắm. Người Việt Nam mình thường nói “ Một người làm quan thì cả họ được nhờ ”. Cho nên, dân làng Nazarét họ tự hào vì có một vị ngôn sứ nổi tiếng, thì họ cũng được thơm lây, ấy thế mà liền ngay sau đó, họ nói với nhau: “ Ông này không phải là con ông Giuse sao!” (Lc 4, 22). Tưởng ai chứ ông Giêsu thì có xa lạ gì với chúng tôi. Cha mẹ, anh em của ông là người làng xóm với chúng tôi đây mà, quá quen thuộc. Thật ra, dân làng Nazareth chỉ biết Chúa Giêsu, là con ông thợ mộc Giuse và bà Maria, chứ đâu có biết ông Giêsu đây chính là Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Chúa Giêsu đọc được tâm ý của họ như sau: Những điều mà chúng tôi nghe ở Caphanaum ông hãy làm như vậy tại quê hương mình đi. Ông làm phép lạ bánh hóa ra nhiều, xua trừ ma quỷ, chữa các bệnh tật…, thì ông cũng hãy làm cho quê hương của mình, những người đồng hương phải được ưu tiên chứ!. Dân làng Nadarét muốn ưu tiên theo tình cảm, nhưng Chúa Giêsu thì chủ trương ưu tiên theo sứ mạng. Ngày xưa tiên tri Samuel cầu nguyện với Chúa: “ Lạy Chúa! Xin Chúa hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Samuel 3,10). Ngày nay chúng ta vẫn hát: xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối….. thế nhưng mà trong thực tế đôi khi chúng ta âm thầm có một nguyện ước thế này: “Lạy Chúa! xin hãy lắng tai nghe đây: Thứ nhất, cho con được trúng số độc đắc; thứ hai cho con mua may bán đắc, tiền Bác không cần, nhưng cần đôla; thứ ba cho con nghề nghiệp ổn định...” toàn là mình phán, Chúa chỉ nghe, chứ không phải Chúa phán mình nghe. Cho nên, khi mà Chúa không thỏa mãn ước vọng của mình thì mình dẹp Chúa sang một bên. Dân làng Nadaret xưa kia khi thấy Chúa Giêsu không đáp ứng theo đòi hỏi của họ, thì đâm ra tức tối khó chịu, họ đưa Chúa lên triền đồi và định xô Ngài xuống vực thẳm cho chết. Các nhà chú giải Thánh kinh nói rằng: đây là hình ảnh tiên báo một ngày kia Chúa Giêsu sẽ bị đưa lên đỉnh đồi Calvê, và ở đó người ta đóng đinh Ngài vào thập giá. Chẳng ai trong chúng ta phạm thượng giết Chúa đâu, xem ra chúng ta đạo đức lắm, thế nhưng rất nhiều lần trong đời sống đức tin, chúng ta đã âm thầm loại trừ Chúa ra khỏi suy nghĩ, ra khỏi chọn lựa, ra khỏi những tính toán của mình, khi mà cầu nguyện mãi mà Chúa không nhậm lời, không theo ước muốn của chúng ta. Ước gì trong năm thánh lòng Chúa thương xót, xin cho chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương. Để rồi chúng ta cũng biết sống chứng nhân lòng thương ấy bằng tinh thần yêu thương, quảng đại, tha thứ đối với mọi người, đó là điều căn bản để nên giống Cha trên trời. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống theo thánh ý Chúa. Amen. |