Chúa Nhật III( Mùa Thường Niên - Năm C
HIỆN THÂN LÒNG THƯƠNG XÓT
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Ai trong chúng ta có mặt trên trần gian này đều có một gia đình và cũng có một quê hương xứ sở. Cũng vậy, khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã chọn cho mình một gia đình, và xuất thân từ một quê hương có tên là Nazarét.

Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng, nay Ngài có dịp trở về thăm lại quê nhà. Việc phụng tự tôn giáo của người Do thái lúc bấy giờ, ngày Sabát họ tập trung nơi các hội đường để cử hành nghi thức phụng vụ Lời Chúa. Chúa Giêsu thể hiện tình liên đới, Ngài vào hội đường tham dự cùng với những người đồng hương.

Người trưởng hội đường trao cho Chúa Giêsu cuốn Thánh kinh, Ngài mở ra gặp ngay đoạn sách của Tiên tri Isaia có chép: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho kẻ khó nghèo, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm Hồng ân và ngày khen thưởng”(Is 6,1-2).

Qua đoạn sách của tiên tri Isaia, cho chúng ta thấy rõ sứ mạng Thiên Sai của Chúa Giêsu. Ngài được Thiên Chúa Cha xức dầu Thánh Thần và sai đi rao giảng Tin mừng cho kẻ khó nghèo; chữa lành mọi bệnh nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là hiện thân của khuôn mặt vô hình Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Vì thương xót nhân loại tội lỗi khốn cùng, Ngài từ bỏ thế giới Thiên Chúa để hòa nhập vào thế giới con người. Như lời thánh Gioan nói: “Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta”(Ga, 1, 14).

Thật vậy, chính vì lòng thương xót thúc đẩy, nên Ngài ra đi không biết mệt mỏi khắp nẻo đường Paletine để thi ân giáng phúc; để gặp gỡ con người; mặc khải cho con biết có một Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Ngài giảng dạy như Đấng uy quyền và kèm theo những phép lạ như: hóa nước thành rượu; hóa bánh ra nhiều, xua trừ ma quỉ; chữa các bệnh tật; cho kẻ chết sống lại, và cuối cùng minh chứng cho lòng thương xót ấy bằng cái chết đau thương trên cây thập giá.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu nói "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Mỗi người Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, là được tham dự vào chức ngôn sứ của Đức Kitô, nghĩa là được Chúa sai đi thể hiện lòng thương xót của Chúa.

Trước tiên, Chúa muốn chúng ta sống liên đới với những người nghèo: Người nghèo được Chúa ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ rao giảng Tin mừng. Ở Việt Nam người nghèo ngày mỗi gia tăng. Thế nhưng, khi gặp một người nghèo chúng ta có chạnh lòng thương và tìm cách giúp đỡ họ không? Trong kinh “Thương người có 14 mối” dường như ngày Chúa nhật nào chúng ta cũng đọc, nhưng thử hỏi chúng ta đã thực hiện được mấy mối rồi?

Thứ đến, Chúa sai chúng ta đi đến những người đau khổ bệnh tật. Những người này ở trong các bệnh viện, trong những mái ấm tình thương, có khi ở ngay bên cạnh nhà chúng ta. Có những người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền, nhiều thời giờ đi hành hương, hay đi du lịch nước này nước nọ chơi được, nhưng khó lòng dành một chút thời giờ để bước sang nhà bên cạnh viếng thăm an ủi một người đang gặp đau khổ, hay đọc một lời kinh cho bệnh nhân trong giờ sau hết.

Tiếp đến, Chúa sai chúng ta đi đến với những người tội lỗi. Tất cả chúng ta là đối tượng của lòng Chúa thương xót. Vì thương xót mà Chúa đến để tìm kiếm, chữa lành, bày tỏ cho con người biết được lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Những người này không thiếu trong gia đình hay trong xứ đạo của chúng ta. Chúng ta đừng quên lời Chúa dạy: "Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi!". Chính khi chúng ta sống bao dung, cảm thông, tha thứ những lỗi lầm của người khác, đến lúc chúng ta yếu đuối lầm lỡ, Chúa cũng dễ dàng bao dung tha thứ cho chúng ta.

Cuối cùng, Chúa sai chúng ta đi đến với những người chưa biết Chúa. Đất nước Việt nam chúng ta hiện nay có khoảng 90 triệu dân, nhưng chỉ có hơn kém 7 triệu người biết Chúa, còn lại rất nhiều người chưa biết Chúa là ai, đó là bổn phận của chúng ta. Thế thì, chúng ta có thao thức gì trong vấn đề này; chúng ta có đóng góp gì trong lãnh vực làm cho người khác nhận biết Chúa không?

Những người lương dân này có khi làm cùng công ty, chung nghề nghiệp buôn bán, hay ở cùng làng xóm với chúng ta. Nếu chúng ta ngại ngùng không mạnh dạn nói với họ về Chúa hay về đạo của mình, thì ít ra trong đời sống, qua cung cách làm việc với lương tâm ngay thẳng; với tình liên đới sống yêu thương, những hành vi đó là bằng chứng hùng hồn cho đạo thánh Chúa, hơn là những lời nói suông.

Ước gì trong năm thánh lòng Chúa thương xót này, chúng ta hãy ý thức sống chứng nhân lòng Chúa xót thương một cách cụ thể, bằng nghĩa cử quan tâm liên đới với nhau, chia cơm xẻ áo cho những người kém may mắn; sống bao dung tha thứ…. Như vậy, hi vọng những người chung quanh sẽ cảm nghiệm được Thiên Chúa là Cha chúng ta Đấng giàu lòng thương xót. Amen.