Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C
VỊ KHÁCH ĐẦY QUYỀN NĂNG
SƯU TẦM

Cách đây ít lâu, có một bài báo thú vị của một phụ nữ kể lại việc trang hoàng nhà cửa của gia đình bà. Mọi công việc trang trí đều được vợ chồng tâm đồng ý hợp với nhau cho đến khi chồng bà dùng quyền độc đoán bảo người trang trí nội thất treo bức hình Chúa Giêsu kích cỡ khoảng 40x50cm vào chỗ nổi bật nhất trong nhà. Bà cố gắng thuyết phục chồng đổi ý, song ông vẫn cứ khăng khăng không chịu.

Tuy nhiên, đang lúc tranh cãi, bà chợt nhớ lại những lời của Chúa Giêsu: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Thế là bà chịu nghe theo ý kiến của chồng.

Giờ đây bà nói rằng bà rất vui vì đã nghe theo ý chồng, vì bà nghĩ rằng bức hình Chúa Giêsu đã gây được ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà lẫn trên bạn bè khách khứa nữa. Chẳng hạn, ngày nọ có người khách lạ sau khi chăm chú nhìn vào bức hình liền nói với bà: “Bà biết không, Chúa Giêsu trên bức hình đó không nhìn vào bà đâu, Ngài nhìn xuyên qua tâm hồn bà đó”. Và đêm nọ, một người bạn sau khi ngồi ngắm bức hình cũng thốt lên: “Lúc nào tôi cũng cảm thấy trong nhà chị rất bình an”. Tuy nhiên -người phụ nữ nói thêm- ấn tượng mạnh mẽ nhất tác động trên các bạn bè khách khứa của tôi là mỗi khi nhìn tấm hình Chúa Giêsu thì tâm hồn họ luôn được nâng cao lên.

Cuối cùng người phụ nữ nói rằng có thể mọi người sẽ cười và không chừng còn nhạo báng những nhận xét trên đây của bà, nhưng bà chẳng bận tâm. Bà tâm sự: “Theo thiển ý của tôi, một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi không còn như trước nữa”.

Đôi tân hôn trẻ trong Phúc Âm hôm nay hẳn đồng ý với người phụ nữ trên. Họ đã mời Chúa Giêsu vào nhà họ và Ngài đã làm phép lạ đầu tiên ở đó. Và hẳn nhiên hai bạn trẻ này được thay đổi khác trước. Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm cho nước biến thành rượu báo trước phép lạ sau cùng biến rượu thành máu Ngài có lẽ không phải là ngẫu nhiên. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên khi Chúa làm phép lạ sau trong căn nhà của một người có tên là Máccô. Và cũng như cặp vợ chồng nơi tiệc cưới Cana, Gioan Máccô (tên chủ nhà tiệc ly) và gia đình ông được biến đổi, không còn sống giống như trước nữa.

Một nhận xét nho nhỏ về Chúa Giêsu là Ngài thường làm phép lạ trong nhà của dân chúng. Chẳng hạn lần đầu tiên Chúa Giêsu được Phêrô mời đến nhà thì việc trước hết Chúa làm là chữa cho bà mẹ vợ Phêrô được khỏi bệnh. Và khi Giairô, viên quản trị hội đường mời Chúa Giêsu đến nhà ông thì việc đầu tiên Chúa làm cũng là cứu sống cho con gái ông vừa mới qua đời. Nhờ đó cả hai gia đình Phêrô lẫn Giairô được biến đổi, không còn giống như cũ nữa. Rồi một lần kia có người biệt phái mời Chúa Giêsu đến ăn tối ở nhà ông, thì việc đầu tiên Chúa làm cũng là chữa lành một bệnh nhân ở nhà ông ta. Làm sao chúng ta có thể quên được người thu thuế ‘cắt cổ’ có tên là Giakêu quê ở Giêricô. Một hôm, ông cũng đón Chúa Giêsu đến thăm nhà ông để rồi ông bằng lòng hiến nửa số của cải cho kẻ nghèo khó và đền bù gấp bốn lần cho những kẻ trước đây bị ông bóc lột. Cuối cùng, hẳn chúng ta cũng nhớ mẩu chuyện đầy cảm động xảy ra tại làng Emmau vào buổi tối Phục sinh. Hai môn đệ mời Chúa Giêsu dùng bữa tối mặc dù họ hoàn toàn không biết đó là Ngài. Thế là Chúa Giêsu đã cử hành cùng với họ buổi lễ Thánh Thể đầu tiên kể từ bữa Tiệc ly.

Đó chỉ là vài thí dụ cho thấy những kẻ mời Chúa Giêsu vào nhà mình rồi thì sẽ không còn sống lối sống cũ nữa.

Những ví dụ trên khiến chúng ta tự nhủ: Đã có bao giờ chúng ta biết ý thức chủ động mời Chúa Giêsu vào nhà chúng ta chưa? Chẳng hạn có một nhà trang trí nội thất nào đó đến tham quan ngôi nhà chúng ta thì liệu người ấy có nhìn thấy gia đình chúng ta thuộc về Chúa Giêsu qua cách bài trí trên tường vách không? Hay là người ấy sẽ bình phẩm: “Tôi thấy con cái ông bà là những đệ tử ruột của Michael Jackson”. Hoặc giả cô con gái của chúng ta dẫn một đứa bạn đồng lớp trong đại học về nhà chơi, liệu khi trở về trường người bạn này sẽ nói với con gái chúng ta là: “Gia đình bạn thực là một gia đình Kitô giáo. Mình không thể nào quên được những lời cầu kinh vào mỗi bữa ăn ở gia đình bạn, và mình cũng chẳng quên được tình thương yêu đầm ấm trong gia đình bạn, ngoài ra mình cũng nhớ là mình chưa hề nghe các người trong gia đình bạn lăng nhục hay nói hành nói xấu ai cả”. Và người bạn sinh viên ấy sẽ không bao giờ sống lối sống cũ nữa vì cô ta đã gặp được Chúa Giêsu nơi nhà chúng ta.

Như thế, có thể nói việc mời Chúa Giêsu vào nhà là bổn phận quan trọng nhất của mỗi người chúng ta. Và cách thức mời Ngài vào nhà có thể thể hiện từ việc treo trên tường một tượng chịu nạn hay một bức hình Chúa, cho đến việc kính cẩn đọc kinh vào mỗi bữa ăn, hoặc từ việc chân thành đối xử lẫn nhau cho đến thái độ không bao giờ nói hành nói xấu ai cả. Một khi chúng ta đã mời được Chúa Giêsu vào nhà, thì chắc chắn sẽ có điều đặc biệt xảy đến cho chúng ta, bởi vì không bao giờ Chúa ghé thăm một nhà nào mà lại không làm một điều kỳ diệu nào đó ở trong nhà ấy. Đây chính là một trong những sứ điệp của bài Phúc Âm hôm nay. Đây chính là sứ điệp chúng ta cần lắng nghe và ghi nhớ vào lòng, vì sứ điệp này có thể thay đổi toàn bộ đời sống gia đình chúng ta. Nói cách khác, chúng ta có thể diễn tả điều đó bằng những lời mà người phụ nữ kia viết trên tờ báo: “Theo thiển ý của tôi, một khi bạn mời được Chúa Giêsu vào nhà bạn thì bạn sẽ không bao giờ sống lối sống cũ nữa”. Và chính Chúa Giêsu cũng đã hứa trong sách Khải Huyền như sau: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến thăm và chúc phúc cho gia đình chúng con. Xin chúc lành cho cánh cửa nhà chúng con. Ước chi những cánh cửa này luôn biết mở ra cho kẻ tha phương và người hiu quạnh. Xin chúc lành cho phòng ốc gia đình chúng con để chúng tràn đầy sự hiện diện của Chúa. Và trên hết, xin Chúa hãy chúc lành cho mỗi người trong gia đình chúng con để tâm trí chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa, đôi tay luôn biết rộng mở cho những kẻ khó khăn, và trái tim luôn luôn biết hướng về Chúa.