Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C
NIỀM VUI LỚN
William Barclay

Bây giờ chúng ta đến phần chân lý sâu nhiệm và ẩn dấu mà Gioan muốn truyền đạt khi kể lại câu chuyện này.

Điều cần nhớ là ông viết sách này cho cả người Do Thái lẫn Hy Lạp. Mục đích của ông là kể lại câu chuyện về Chúa Giêsu sao cho không xa lạ với người Hy Lạp.

Trước hết, hãy nhìn từ quan điểm Do Thái. Nên nhớ trong những câu chuyện đơn giản của Gioan còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu nhiệm hơn, mà chỉ những ai chịu suy nghĩ mới có thể nhìn thấy được. Trong cả Phúc Âm, Gioan không hề viết một chi tiết nào không cần thiết và vô nghĩa. Mỗi chi tiết đều mang một ý nghĩa, và đều hướng tới một điểm cao xa hơn.

Có sáu cái ché đá đựng nước và theo lệnh của Chúa Giêsu, nước đã biến thành rượu. Đối với người Do Thái, con số 7 là con số đầy đủ và trọn vẹn. Vậy số 6 là chưa đầy đủ, không toàn vẹn. Sáu cái ché đá đựng nước tiêu biểu cho toàn thể những cái bất toàn của luật và thay vào đó bằng thứ rượu mới của ân sủng Phúc Âm. Chúa Giêsu đã đổi những bất toàn của luật ra sự toàn hảo của ân sủng. Liên hệ với điều này còn một điểm đáng chú ý khác nữa. Sáu cái ché đựng nước, mỗi cái chứa từ 80 đến 120 lít. Chúa Giêsu khiến nước lã trong sáu ché ấy biến thành rượu ngon, tất cả phải có từ 500 đến 700 lít rượu. Nêu lên sự kiện này, Gioan không chỉ muốn chúng ta hiểu câu chuyện theo nghĩa đen. Vấn đề ông muốn nêu lên là khi ân sủng của Chúa đã đến với loài người, thì ân sủng ấy có đủ để cung cấp cho tất cả. Không có đám cưới nào trên đời có thể uống hết sáu, bảy trăm lít rượu. Không một nhu cầu nào trên thế gian lại làm cạn nguồn ân sủng của Chúa Cứu Thế. Ân sủng quang vinh của Chúa luôn luôn dư tràn.

Gioan cho chúng ta thấy trong Chúa Giêsu, những cái bất toàn đã trở thành hoàn toàn, ân sủng thì vô hạn, đầy đủ và dư dật bội phần cho mọi nhu cầu.

Bây giờ hãy nhìn từ quan điểm Hy Lạp. Người Hy Lạp cũng có những chuyện tích như vậy. Dionysos là thần rượu của người Hy Lạp. Pausanias là một tác giả Hy Lạp chuyên mô tả xứ sở và các lễ lạc cổ của đất nước ông. Trong phần nói về xứ Elis, ông đã mô tả một nghi lễ và niềm tin thời cổ như sau: “Giữa khu chợ và sông Menius là một rạp hát cũ và đền thờ Dionysos. Tượng thần ấy do Praxitels sáng tạo. Không có thần nào được dân Eleans kính trọng cho bằng Dionysos, họ bảo là thần ấy đến dự tiệc cùng họ tại khu Thyia, địa điểm tổ chức lễ cách thành phố khoảng một dặm. Người ta đem ba cái ấm lớn vào đền thờ và các vị tư tế đặt chúng tại đó, trước sự hiện diện của dân chúng. Các tư tế và những người được chọn sẽ đóng dấu niêm phong cửa đền. Hôm sau, mọi người tự do xem xét các dấu niêm phong và khi vào đền, họ thấy các ấm đã đầy rượu. Tôi không có mặt tại đó trong kỳ lễ, nhưng những người khả kính nhất trong xứ Elis và cả khách lạ nữa đều thề rằng: Các sự kiện có thật như tôi vừa kể”.

Vậy người Hy Lạp cũng có những câu chuyện tương tự, nhưng dường như Gioan muốn nói với họ rằng: “Các bạn có nhiều truyền thuyết về các thần của mình, đó chỉ là những câu chuyện được kể lại và các bạn đều biết chúng không có thật. Chúa Giêsu đã đến, Ngài làm những điều mà các bạn hằng mơ ước các thần của các bạn có thể làm được. Ngài khiến những điều các bạn trông mong thành hiện thực”.

Với người Do Thái, Gioan nói: “Chúa Giêsu đã đến để đổi sự bất toàn của luật lệ thành sự toàn hảo của ân sủng”. Với người Hy Lạp, ông bảo: “Chúa Giêsu đã đến để thực hiện những điều mà các bạn hằng mơ ước, mà chỉ các thần mới có thể làm được”.

Bây giờ chúng ta có thể thấy điều Gioan muốn truyền đạt. Mỗi câu chuyện không phải chỉ mô tả điều Chúa Giêsu làm một lần rồi chẳng bao giờ tái diễn, nhưng Ngài vẫn làm cho đến đời đời. Ông cho chúng ta biết, không phải về những việc Chúa Giêsu một lần làm tại xứ Palestine, mà về những việc Ngài vẫn làm thời nay. Điều ông muốn chúng ta thấy ở đây, không phải chỉ lần Chúa Giêsu hoá nước trong các ché đá nào đó thành rượu, nhưng ông muốn chúng ta nhận thấy rằng, bất cứ lúc nào Chúa bước vào một đời sống, thì đời sống ấy nhận được một phẩm chất mới, giống như nước lã đã biến thành rượu vậy. Không có Chúa Giêsu thì cuộc đời vốn ứ đọng, phẳng lì và chán ngán. Khi Chúa Giêsu bước vào đời sống, nó trở nên sống động, tươi sáng và lý thú. Không có Chúa, cuộc đời thật lạnh lẽo, vô vị, đáng chán, với Chúa Giêsu thì cuộc sống trở nên hấp dẫn, kỳ diệu và tươi vui.

Khi Sir Wilfred Grenfell kêu gọi những người tình nguyện đến công tác với ông tại Labrador, ông không hứa cho họ nhiều tiền, nhưng hứa là họ sẽ sử dụng thì giờ của đời họ xứng đáng. Đó là điều Chúa Giêsu hứa với chúng ta. Nên nhớ là Gioan viết sách này đã 70 năm sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ông đã suy nghĩ, nghiền ngẫm, và hồi tưởng suốt 70 năm dài, cho đến khi thấy được các ý nghĩa mà lúc bấy giờ ông chưa nhận ra. Khi thuật lại câu chuyện này, ông nhớ lại những ngày đã sống với Chúa Giêsu, ông nói: “Bất kỳ Chúa đi đâu, khi nào Chúa bước vào cuộc sống của ai thì đều giống việc Ngài hoá nước thành rượu”. Và ông muốn nói với chúng ta: “Nếu bạn muốn được niềm vui mới, hãy trở thành người theo gót Chúa Giêsu Kitô. Lúc đó, sẽ có những thay đổi trong cuộc đời của bạn, như nước biến thành rượu vậy”.