Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C
TIỆC CƯỚI CANA
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

1. “Phúc âm các dấu lạ” (2,1-12,36) bắt đầu với chủ đề mà phần cuối của lời tựa đã loan báo: “Luật đã được ban nhờ Môisen, ân sủng và chân lý thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (1,17). Chủ đề này gắn liền với việc canh tân phổ quát mà thời thiên sai phải sống (Kh 21,5: “Này đây Ta dựng vũ trụ mới"). Nhưng đây không phải là một trật tự cổ xưa được hoàn thiện nhờ trật tự mới (nhãn giới của Phúc Âm nhất lãm, nhất là của Mt); hai trật tự này đối nghịch nhau, để làm nổi bật siêu việt tính của trật tự mới. Văn mạch cho thấy cuộc tranh luận với dân Do thái là những kẻ luôn bám vào Môisen và không chịu nhìn nhận Môisen là người chuẩn bị cho Chúa Giêsu (5,45t; 9,28t). Trật tự mới được đức Kitô thiết lập, không phải là sự thành tựu của trật tự cũ, nhưng đối nghịch với lề luật của Môisen mà dân Do thái lấy làm đủ. Trong đoạn này, trật tự mới và cũ được xét đến trong toàn thể (2,1-11), hay trong những yếu tố chính yếu: việc phượng tự (2,13tt; 4,20tt), việc tái sinh (3,5tt; 4,14).

Thật vậy, trong 4 chương đầu tiên, Chúa Giêsu cố gắng cho thấy, chính Ngài có bổn phận thiết lập một nhiệm cục mới trổi vượt giao ước cũ. Trong lời tuyên bố long trọng cùng Nathanael (1,51): “Người Israel đích thực không có gian dối trong mình” (1,47), Chúa Giêsu hứa cho Israel mới thấy các thiên thần lên xuống, không phải lên một nơi nào đó như ở Béthel (Stk 28,10-17), nhưng trên con người được tôn vinh, Đấng sẽ là “nhà Thiên Chúa và cửa thiên đàng” trong nhiệm cục cứu rỗi Kitô giáo. Trình thuật tiệc cưới Cana nhắm đến giao ước mới, và rõ ràng hơn nữa nhắm tới rượu thiên sai của bí tích Thánh Thể; việc đuổi dân buôn bán ra khỏi đền thờ làm nghĩ đến ngôi đền thánh hoàn hảo là thân xác Đấng phục sinh: cuộc đối thoại với Nicôđemô bàn đến vấn đề tái phát sinh phát xuất từ Thánh Thần; cuộc tiếp xúc với bà xứ Samaria đặt đối nghịch phụng tự cổ xưa với phụng tự mới trong tinh thần và chân lý.

2. Đoạn văn đơn sơ của chúng ta (xảy ra trong bối cảnh buổi lễ cưới nhà quê) xem ra đơn sơ, và người ta có khuynh hướng đồng hóa nó với những trình thuật phép lạ trong phúc âm nhất lãm. Tuy nhiên câu kết luận (2,11) tiềm tàng những dấu hiệu đặc thù của Gioan - “dấu lạ đầu tiên” “Ngài tỏ vinh quang”; “Các môn đệ tin vào Ngài” - Những đặc điểm này mời gọi độc giả, qua những hình thức bề ngoài, khám phá tầm mức đích thực của hoạt động Chúa Giêsu. Ngoài câu trả lời của đức Kitô với mẹ Ngài (2,4) xem ra bí mật và nghiêm khắc, và người ta cũng không hiểu gì hơn sau việc can thiệp của Maria. Tuy nhiên, xem ra Maria không lo lắng, và Chúa Giêsu cuối cùng đã làm phép lạ, mà thoạt tiên tưởng như Ngài từ chối.

Về đoản văn này, có nhiều cách giải thích, thường hoàn toàn xa lạ với nhãn giới Gioan. Các nhà chú giải công giáo đã nghiên cứu đoản văn này dưới khía cạnh thánh mẫu học (mariologique). Để có thể hiểu đoạn này cần phải tôn trọng hai nguyên tắc hiển nhiên: một là đoản văn phải được soi sáng nhờ văn mạch của Gioan, hai là phải phân biệt cách thức trình bày (niveau rédactionnel) và thực tế cụ thể (niveau anecdotiquec) của các sự kiện lịch sử. Chúng ta thử xem đâu là những đặc điểm của nhãn giới Gioan (trình độ biên tập).

a/ Ý nghĩa biểu tượng của phép lạ này. Gioan gọi phép lạ này là một dấu chỉ (c.11), như những phép lạ khác. Dĩ nhiên các dấu lạ khác của phúc âm thứ tư cũng có một giá trị biểu tượng: việc hóa bánh ra nhiều minh chứng Chúa Giêsu ban bánh hằng sống và chính Ngài là bánh ấy (6,36.51), việc chữa lành người mù từ khi mới sinh nhằm biểu lộ Chúa Giêsu như “ánh sáng trần gian” (9,5); việc Lazarô sống lại minh xác Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống (11,25). Như vậy, nước, rượu và việc hóa nước thành rượu phải ám chỉ những thực tại vượt quá bề ngoài hữu hình. Nước biểu thị trật tự tôn giáo Do thái: như thánh Gioan lưu 6 chum đá được “dùng theo tục lệ thanh tẩy của người Do thái” (c.6) và chúng ta biết những nghi lễ thanh tẩy là một trong những đặc tính chính việc sống đạo của dân Do thái (Mc 7,3t). Ngược lại, chính Chúa Giêsu đã nói đến rượu thuộc trật tự tôn giáo mới mà Ngài thiết lập (Mc 9,17 và song song); chén rượu, trong bữa tiệc ly, được liên kết với việc thiết lập giao ước mới (Mt 26,27-29 và song song); Cựu Ước đã biết đến rượu, biểu tượng của hạnh phúc cánh chung (Stk 49, 11t; Is 21,6; J 14,18). Do đó dấu lạ Cana biểu thị việc thay thế toàn trật tự tôn giáo cổ xưa, bằng trật tự tôn giáo mới. Lượng rượu trùng hợp với sự phong phú của ân sủng (1,16) và sự sống (7,38) mà Gioan đề cập như là đặc điểm của trật tự mới được đức kitô thiết lập.

b/ Những người đối thoại với Chúa Giêsu thường không hiểu. Trong phúc âm thứ tư, những người tiếp xúc với Chúa Giêsu thường chỉ lưu tân đến vấn đề vật chất: dân Do thái chỉ thấy đền thờ được xây cất từ 46 năm (2,20); Nicôđem hạn hẹp trong sự sinh sản thể lý (4,13-14); bà xứ Samari chỉ nghĩ đến nước giếng Giacop (4,11-12.15); dân Do thái xin phép lạ bánh Manna (6,30tt). Chúa Giêsu cố gắng đưa các đối thoại viên đến một trật tự khác, nhưng thường không mấy ai hiểu Ngài. Tại sao? Vì Ngài là con người siêu việt “từ trời xuống” (3,13.31). Con người và sứ điệp của Ngài vượt quá trí hiểu loài người. Họ chỉ có thể hiểu, nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần (16,12-14), Đấng chỉ được ban sau khi đức kitô hiển vinh (7,39).

Vì thế, không lạ gì khi mẹ Chúa Giêsu không hiểu điều con mình nói (2,4). Lc 2,48 cũng ghi lại một chuyện tương tự. Cũng như các đối thoại viên của Chúa Giêsu, trong phúc âm thứ tư, Maria một cách nào đó ở vào một bình diện xa cách Con mình. Do đó, khi gọi mẹ là “Bà”, Chúa Giêsu muốn đồng hóa mẹ với các người Ngài gặp.

c/ Sáng kiến làm phép lạ. Những phép lạ Chúa Giêsu ghi lại không bao giờ được thực hiện theo ý người xin. Viên sĩ quan xin Chúa đi chữa lành con mình, phải tin Ngài, dù ở xa, đã chữa lành bằng lời Ngài phán (4,50). Người bất toại chỉ mong có người giúp anh đi xuống hồ nước, và này Chúa Giêsu đã chữa lành anh bằng lời Ngài (5,7-9). Chính Chúa Giêsu tự quyết định nuôi dân (6,5-13) và chữa lành người mù từ khi mới sinh ra (9,3-7). Chị em Lazarô nài xin Chúa Giêsu đến chữa lành em mình, nhưng Ngài vẫn ở lại chỗ thêm hai ngày (11,3-7), để rồi sau đó cho Lazarô sống lại.

Đức Kitô trong phúc âm Gioan không bao giờ trói buộc vì lời con người nài xin. Đường Ngài phải đi, và ngay cả những hoàn cảnh nhỏ nhặt, đều được Cha Ngài chỉ định, chứ không phải ai khác. Do đó, Chúa Giêsu không thể dễ dàng chấp thuận sự “chạy chọt” của mẹ Ngài. Ngài làm phép lạ, do sáng kiến của Ngài, hay đúng hơn dưới sự hướng dẫn của Cha. Vì thế trước tiên Chúa Giêsu không chịu làm theo ý Maria (2,4), được khi xem ra sau đó Ngài hành động theo ý mẹ xin. Phép lạ làm Maria phỉ nguyện, nhưng không phải phép lạ được làm vì đã được xin.

3. Do đó, đây là ý nghĩa tổng quát có thể gán cho đoạn này. Ở câu 3, Maria trình bày một sự kiện để xin Chúa Giêsu giúp. Việc trình bày này có hai ý: bề ngoài, là xin Chúa Giêsu giúp đôi tân hôn về mặt vật chất; nhưng việc hóa bánh thành rượu nói lên việc thay thế trật tự tôn giáo cổ xưa bằng trật tự tôn giáo mới. Chắc chắn Maria chỉ thấy ý nghĩa thứ nhất của lời nài xin của mình.

Tất cả mọi cố gắng hòa dịu câu 4 đã làm mất siêu việt tính của Chúa Giêsu và lòng vâng phục tuyệt đối của Cha Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu rõ ràng là lời từ chối hành động theo sự can thiệp của mẹ Ngài. Dù cho mẹ là người thân nhất, xét theo mặt thể lý, tuy nhiên theo bản tính bà thuộc trần gian này, còn Ngài thuộc thế giới trên cao. Do đó, Ngài có thể gọi mẹ là “Bà” như mọi người ở dưới thế này và nói lên sự bất liên quan giữa hai người. Chắc chắn là vì Maria còn ở dưới thế này, Bà không thể hiểu rằng việc thay đổi mà Bà nài xin cách vô thức chỉ có thể thực hiện theo quyết định của Chúa Cha, vào giờ tôn vinh Con Ngài.

Tuy nhiên, không nên hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu như một lời trách mắng mẹ Ngài. Đức Kitô chỉ xác quyết siêu việt tính của Ngài và cách mặc nhiên sự lệ thuộc hoàn toàn đối với Cha Ngài. Vì thế, Ngài từ chối thi hành điều Maria xin cách vô thức.

Dù không hiểu, Maria luôn tin tưởng vào Con và trao phó cho Ngài tất cả công việc (c.5). Bấy giờ Đức Kitô hoàn thành cách tự phát phép lạ, vì Cha Ngài ưng muốn và chuẩn y. Phép lạ này chưa phải là dấu chỉ tuyệt hảo được thực hiện vào giờ tôn vinh Chúa Giêsu nhưng là một tiền dấu chỉ. Để nhấn mạnh tầm mức của hình ảnh tiền trưng này, Gioan nhắc đến phẩm và lượng của thứ rượu mới.

Vai trò của Maria trong đoạn này xem ra đáng ngạc nhiên. Chắc chắn rằng Maria hoàn tất một nhiệm vụ phụ thuộc. Mẹ không chỉ cho Chúa Giêsu thái độ phải có, nhưng lời nài xin của Mẹ dù sao cũng trở nên cơ hội cho dấu chỉ đầu tiên của Chúa Giêsu, tiên báo sẽ có một dấu chỉ ở tột đỉnh của sứ vụ Ngài. Vào giờ tuyệt đỉnh này, Gioan lại giới thiệu Maria nhưng lần này như là mẹ của mọi môn đệ. Sự hiện diện của Maria ở đầu và cuối sứ vụ của Chúa Giêsu - hai lần duy nhất mà mẹ xuất hiện trong phúc âm thứ tư - có thể ám chỉ một thứ trung gian trong việc thiết lập một trật tự mới.

KẾT LUẬN

Khi trình bày hành vi khai mạc sứ vụ ấy của Đức Kitô, Gioan đã gợi cho chúng ta thấy Đức Kitô có sứ vụ chính yếu là thiết lập giao ước mới và vĩnh viễn với Israel đích thật: Ngài là vị hôn phu thần linh sửa soạn cho vị hôn thê thiêng liêng “quang vinh, không một tì ố hay nét nhăn, nhưng thánh thiện vô tì vết” (Eph 5,27) để giới thiệu nàng vào Ngày sau hết, hầu sống với tân nương cuộc Hôn nhân vĩnh cửu. Nhưng cuộc hôn nhân trên trời này đã được khai mào ngay từ bây giờ, vì Hôn phu đã có mặt và đã có tân nương - Giáo hội (3,29), được nhân cách hóa trong Maria và các môn đệ.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tự xưng là hôn phu của Israel như bài học thứ nhất ngày hôm nay. Từ đó, Cựu Ước đã trình bày việc chọn lựa những không của Thiên Chúa, sự ân cần chăm sóc của Chúa đối với Israel, lòng nhẫn nại vô bờ của Ngài, Lời Ngài mời gọi hối cải tâm hồn, mời gọi sống thân mật tuân phục và yêu mến. Đức Kitô là vị hôn phu của Giáo hội (Eph 5,22-23), điều mà Khải huyền cũng diễn tả khi nói đến tiệc cưới giữa Con Chiên (Đức Kitô) với Giêrusalem lý tưởng từ trời xuống (Giáo hội). (Kh 21,9). Đức Kitô chọn Giáo hội làm hôn thê thiêng liêng của Ngài. Ngài hiến cuộc sống mình cho Giáo hội, thanh tẩy Giáo hội bằng nghi thức tắm hôn lễ (tục lễ cổ xưa của lễ nghi hôn nhân), ban đầy ơn cho Giáo hội, dưỡng nuôi Giáo hội nơi bàn tiệc Thánh Thể. Chính khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể mà Giáo hội chuẩn bị dự tiệc thiên quốc và việc biểu lộ vinh quang của Chúa.

2. Chúa Giêsu sửa soạn việc thiết lập hôn nhân Kitô giáo bằng sự hiện diện ở tiệc cưới Cana, cũng như sau này Ngài sẽ thiết lập bí tích rửa tội bằng việc dìm thân xác thánh hiến của Ngài trong nước sông Hòa giang, khi được vị Tiền hô làm phép rửa. Người ta thấy tính cách tả chân của Gioan: Ngôi Lời Thiên Chúa chia xẻ niềm vui của hôn lễ thôn quê.

3. Chúa Giêsu hiện diện ở mọi lễ hôn phối cử hành trong Giáo hội, vì chính Ngài là Đấng thông ban ân sủng cho đôi tân hôn nhận lãnh bí tích. Maria cũng tham dự với tư cách trung gian của mọi ân sủng. Đây không phải là hình ảnh của Giáo hội, trong đó đang cử hành nghi thức hôn lễ sao? Bàn tiệc cưới thật sự là bàn tiệc Thánh Thể. Với bàn tiệc thánh này, đôi tân hôn được mời đến tham dự, để luôn giữ mình sống đúng những lời đoan hứa.

4. Sự lưu tâm tế nhị của Chúa Giêsu và mẹ Maria đã làm cho đôi tân hôn ở Cana khỏi mất mặt, minh chứng cho những người sống bậc vợ chồng, biết rằng Chúa quan phòng luôn nhìn đến gia đình của họ, bằng hành động của Chúa Cứu thế và mẹ Ngài.

5. Maria xuất hiện ở Cana như mẹ Chúa Giêsu, Hôn Thê của Chúa và như là người Phụ Nữ tham gia vào công cuộc cứu rỗi thay thế cho Evà thất trung. Sự hiện diện của mẹ Maria trong đời sống chúng ta là một chú ý thường xuyên của Mẹ đến các nhu cầu của chúng ta nhờ sự hiểu biết mà Mẹ có được trong Thiên Chúa về những hoạt động, tư tưởng và tình cảm của chúng ta, và nhờ tình thương của mẹ đối với chúng ta. Chúng ta hãy vui sống dưới ảnh hưởng của Mẹ và hãy đón nhận Mẹ trong nhà chúng ta.

6. Can thiệp của Mẹ Maria bên Chúa Giêsu: Maria là người trình bày cho Thiên Chúa và Con của Người những nhu cầu của loài người. Bài ca Salve Regina gọi Người là trạng sư của chúng ta.

7. Mệnh lệnh của Mẹ Maria “Ngài có bảo gì, hãy làm theo": biểu lộ cho con người thánh ý Thiên Chúa. Qua những lời khuyên cũng như gương sáng của Người, mẹ Maria chỉ cho chúng ta đường dẫn đến Con của Người.

8. Maria góp phần vào việc hình thành nhóm môn đệ đầu tiên của Con mình, khi ôm ấp họ cùng với Con của Người trong tình mẫu tử. Là tín hữu của Đức Kitô, cũng là môn đệ Ngài, chúng ta hãy biết rằng mình là con cái của đức Maria - điều này đã được nói rõ ràng trên thập giá, khi Chúa Giêsu trao phó thánh Gioan cho Mẹ. Ước gì mẹ Maria dẫn đưa chúng ta, với một đức tin được canh tân, vào mầu nhiệm của Đức Kitô, cho đến ngày chiêm ngưỡng vinh quang Ngài.