Chúa Nhật XXVIII - Thường Niên - Năm B |
LỜI MỜI GỌI THEO CHÚA |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Khởi đầu Chúa nhật này, đọc sách Khôn ngoan nói về lòng yêu mến quí trọng sự khôn ngoan. Tác giả nói lên tâm tình của mình, của người nghiệm thấy rằng Khôn ngoan quí trọng hơn mọi của cải, vàng bạc châu báu ở trần gian. Nếu sánh ví Khôn ngoan với những điều quí giá nhất ở trần gian thì không có gì có thể sánh được ngay cả như vương quốc hay ngai vàng, hay như những vàng bạc đắt giá như là kim cương. Tác giả còn so sánh Khôn ngoan quí giá hơn cả sức khoẻ và sắc đẹp cũng là những điều rất quí giá trong cuộc đời. Tất cả mọi điều quí giá này của trần gian không là gì so với Khôn ngoan, bởi vì ánh sáng của Khôn ngoan thì không bao giờ tắt và nhờ Khôn ngoan thì ông sẽ có tất cả. Bài Tin mừng sau đó cũng đi theo chiều hướng này, nói đến sự chọn lựa khó khăn đặt ra cho một người giàu có. Ông đến để hỏi Chúa Giêsu phương thế để có thể đạt đến sự sống đời đời : “Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Câu hỏi cho thấy người đàn ông này là người khôn ngoan, biết đi tìm kiếm sự chỉ dạy khôn ngoan để đạt đến sự sống đời đời. Trả lời câu hỏi của ông, Chúa Giêsu đã giới thiệu cho ông các giới răn phải thi hành. Bản văn Tin mừng đã liệt kê phần lớn những điều cấm cốt yếu của mười điều răn và giới răn yêu kính cha mẹ. Người này đã có can đảm để thưa rằng ông đã thực hành các giới răn này từ thuở nhỏ. Chúng ta đang gặp một người đạo đức mẫu mực trong xã hội do thái đương thời, một người đã biết chu toàn các giới răn và mệnh lệnh Thiên Chúa với một lương tâm ngay thẳng. Chính Chúa Giêsu cũng nhìn ông với lòng trìu mến, người đã mời gọi ông cách thân mật: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo, và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi hãy đến và theo Ta”. Phải nhìn nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu hơi bất ngờ đối với ông. Thế nhưng, suy cho cùng lời mời gọi của người rất triệt để và thiết thực, đặt ông đối diện với chính bản thân mình mà dường như ông không dám nhìn thẳng. Người này chỉ còn thiếu một điều cần thiết thôi, ông đã có tất cả những điều khác để nên hoàn thiện rồi, ông chỉ còn bán đi của cải để theo Chúa Giêsu để đảm nhận những công việc khác quan trọng hơn mà người muốn dành cho ông, và để chiếm hữu đượcsự sống đời đời. Trước câu hỏi của người đàn ông này, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách nhắc lại con đường bình thường và đầy đủ để đạt tới sự sống đời đời là thực hành các giới răn theo như vẫn được nhắc nhở trong do thái giáo. Và người đàn ông này chắn hẳn vốn quen thuộc với việc thực hành những giới răn và mệnh lệnh như đã được nhắc nhở qua Lề luật Sách Thánh. Ông tỏ ra là một người ngay thẳng, biết chú tâm lắng nghe lời Chúa và điều này khiến Chúa Giêsu rất có thiện cảm với ông và cất lời mời gọi ông. Lời mời gọi này của Chúa Giêsu dành cho ông thường được giải thích là lời mời riêng cho cá nhân của ông, được kêu gọi cách đặc biệt. Người mời gọi ông bán mọi sự, cho người nghèo và đến theo người, như ở khởi đầu Tin mừng Marcô, Chúa kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Đây là lời mời gọi dành riêng cho những con người có ơn gọi đặc biệt theo Chúa, không dành cho mọi người. Người mời gọi ông can đảm từ bỏ những của cải ông đang có để theo người. Đây cũng chính là cách sống của chính Chúa Giêsu đã chọn lựa làm người rao giảng lữ hành Nước Thiên Chúa qua các thành thị và làng mạc, không định cư một nơi nào cố định với đầy đủ mọi tiện nghi cho cuộc sống. Người đàn ông đầy nhiệt tình này đã không thể theo Chúa, ông không thể đáp ứng được lời mời gọi bán đi mọi của cải, phân phát cho người nghèo để theo Chúa Giêsu. Câu chuyện tiếp nối của Tin mừng sau đó giữa Chúa Giêsu và các môn đệ cho chúng ta biết bởi vì ông là người giàu có. Điều này đã khiến Chúa Giêsu phải thốt lên sự giàu có là trở ngại làm cho người ta không có đủ can đảm để theo người trọn vẹn: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”. Người đàn ông này đã hụt mất ơn gọi cao cả dành cho mình. Thật đáng tiếc. Nhưng phải chăng câu chuyện này chỉ để chúng ta tiếc nuối cho một ơn gọi mất đi cách oan uổng hay còn là một bài học cho mọi người. Đàng sau bóng dáng của người do thái đạo đức này, đã biết sống trung thành ngay thẳng lề luật Môisen, thấy phác họa lên hình ảnh của những người môn đệ mới, biết theo lời mời gọi của Đấng Cứu thế, một nhà lập luật mới. Chúa Giêsu chính là Đấng mời gọi mọi người, đưa ra một lời mời gọi khẩn thiết hơn và cao trọng hơn. Những người môn đệ của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc chu toàn lề luật mà còn phải tiến thêm một bước quyết định là hãy theo Người, và lời mời gọi theo người thì cũng bao hàm những điều kiện của việc theo người là biết từ bỏ chính những gì thiết thân với mình nhất như là của cải, hay cả như là những người thân yêu ruột thịt như cha mẹ, vợ con, anh em. Điểm nhấn của lời mời gọi quyết định này không chỉ là việc bán của cải mà là chính là việc bỏ mọi sự mà theo Người, gắn bó với Người. Người đàn ông trong câu chuyện này đã bỏ đi, khiến cho mọi dự kiến bổng chốc tan vỡ, khiến cho Chúa Giêsu cũng đau buồn, và người đàn ông cũng buồn bã bỏ đi. Ông không thể từ bỏ của cải mình, hay ông đành bỏ qua lời mời gọi của Chúa Giêsu để giữ lấy của cải của mình, bởi vì khi có của cải, tâm hồn con người bị chia sẻ, không thể hoàn toàn theo Chúa được, bởi vì còn muốn giữ lại của cải cho mình. Đây chính là sự giằng co diễn ra nơi nội tâm con người: vừa muốn theo Chúa lại vừa muốn bám víu vào của cải, ngay cả để cho của cải chi phối và hướng dẫn đời sống mình. Như thế, phải chăng theo Chúa Giêsu đòi hỏi từ bỏ mọi sự, ngay cả những của cải thiết thân với chính mình. Thư Do thái nhắc nhở chúng ta là lời Chúa linh nghiệm và sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tủy não, tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Phải chăng lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng đặt mỗi người chúng ta đối diện cách thẳng thắn với chính mình. Chúng ta có can đảm theo Chúa không? |