Chúa Nhật XXVI - Thường Niên - Năm B
MỘT BÀI HỌC VỀ KHOAN DUNG
Chú giải mục vụ của William Barclay

Như chúng ta chúng ta được biết nhiều lần, vào thời Chúa Giêsu, ai nấy đều tin có ma quỷ. Mọi người đều tin rằng các thứ bệnh tật của thân thể lẫn tâm thần, đều do ma quỷ tà linh ám ảnh. Có một phương pháp hết sức thông thường để trục xuất ma quỷ. Nếu ai biết được tên của một tà linh nào mạnh hơn, thì có thể nhân danh tà linh ấy truyền lệnh cho tà linh đang ám ảnh nạn nhân đó ra khỏi người đó và con quỷ đó phải nhượng bộ. Nó không dám chống lại danh của một tà linh khác có thế lực hơn nó. Đó là loại sự việc đang xảy ra ở đây. Gioan thấy có người nhân danh uy quyền của Chúa Giêsu để đuổi quỷ, ông đã ngăn cấm vì người ấy không phải là một trong số thân cận với Chúa Giêsu như các tông đồ. Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố rằng chẳng hề có ai hoàn toàn thù địch với Ngài mà có thể nhân danh Ngài mà làm được việc quyền năng nào. Rồi Ngài quy định một đại nguyên tắc là “hễ ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Đây là một bài học về khoan dung mà mọi người cần học tập:

1/ Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởng. Mỗi người đều có quyền suy nghĩ về mọi sự việc cho đến khi nào tìm ra kết luận cho những điều mình tin. Đây là một nguyên tắc mà chúng ta phải tôn trọng. Chúng ta thường vội vàng lên án những điều mình không hiểu. Penn có nói “Đừng bao giờ khinh dể hoặc chống lại những gì bạn không hiểu”. Trong bản dịch Tân Ước của Kinsley Williams.

Giuđa 10 được dịch là “số người này phát ngôn bừa bãi về mọi điều họ không biết”. Chúng ta phải nhớ hai điều:

(a) Có nhiều cách thức để người ta đến được với Chúa như Tennyson nói “Chúa tự bày tỏ mình theo nhiều cách”. Cervantes cũng bảo “Chúa có nhiều đường lối để đưa những người thuộc về Ngài vào thiên đàng”. Trái đất vốn tròn, hai người bắt đầu đi về hai hướng ngước nhau, cuối cùng vẫn gặp nhau tại một điểm. Tất cả mọi con đường đều dẫn đến Chúa, nếu chúng ta theo đuổi chúng lâu đủ và dài đủ. Thật là điều đáng sợ nếu có ai nghĩ chỉ có họ độc quyền về ơn cứu rỗi.

(b) Điều cần nhớ là chân lý luôn luôn lớn hơn điều mà bất cứ người nào có thể lãnh hội được. Chẳng hề có ai thâu tóm được toàn thể chân lý. Nền tảng của khoan dung không phải là thái độ lười biếng chấp nhận bất cứ điều gì. Đó không phải là cảm nghĩ cho rằng không thể có được sự bảo đảm ở bất kỳ nơi nào. Nền tảng của thái độ khoan dung chỉ đơn giản là nhận thức được tính cách bao la của quỹ đạo chân lý. John Morley viết “khoan dung là tôn trọng khả năng của chân lý, có nghĩa là thừa nhận chân lý có thể cư trú trong mọi nhà, mặc lấy mọi màu sắc và nói bằng đủ các thứ tiếng lạ. Nó có nghĩa là phải thật lòng tôn trọng quyền tự do của lương tâm ngự trị bên trong, chống lại mọi hình thức máy móc. Nó có nghĩa là tình yêu lớn hơn cả đức tin lẫn hy vọng”. Sự không khoan dung là dấu hiệu của cả kiêu ngạo lẫn dốt nát, nó là dấu hiệu của kẻ tin là không hề có chân lý nào khác ngoài chân lý mình thấy.

2/ Chẳng những phải nhường lại cho mọi người quyền làm theo những gì họ nghĩ, mà chúng ta phải nhường quyền để họ tự phát biểu những điều riêng của họ. Trong tất cả các quyền tự do dân chủ, quyền quan trọng nhất là quyền tự do phát biểu ý kiến. Dĩ nhiên là phải có giới hạn. Nếu có đưa ra những giáo lý được tính toán trước nhằm phá hoại luân lý, lật đổ mọi nền tảng của xã hội văn minh và Kitô giáo, thì kẻ ấy bị chống lại. Nhưng phương pháp để chống lại người ấy chắc chắn không phải là một loại trừ người ấy bằng vũ lực, nhưng bằng cách chứng minh cho người ấy thấy họ đã sai lầm. Voltaire từng quy định quan niệm về tự do ngôn ngữ bằng một câu sống động “tôi ghét điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chịu chết để anh có quyền được nói ra nó”.

3/ Cuối cùng, chúng ta phải nhớ, mọi giáo lý và mọi quan niệm đức tin đều phải được xét đoán căn cứ vào các hạng người mà nó đã sản sinh ra. Câu hỏi tối hậu phải luôn luôn được nêu lên, không phải là “Giáo Hội được điều hành như thế nào?” nhưng là “Giáo Hội đã sản sinh loại người như thế nào?”. Ngụ ngôn phương Đông có câu chuyện như sau: Người kia có một chiếc nhẫn bích ngọc rất lạ. Hễ ai đeo nhẫn ấy vào thì tính tình trở nên hiền hậu, chân thực khiến mọi người đều yêu mến. Chiếc nhẫn là một thứ phép màu. Nó được truyền từ đời cha sang đời con luôn luôn linh nghiệm. Thời gian trôi qua, chiếc nhẫn được truyền đến một người có ba con trai, mà đứa nào ông cũng yêu quý cả. Khi biết mình sắp chết, ông ta băn khoăn sẽ để lại chiếc nhẫn lại cho đứa nào đây? Ông đã liều thuê thợ bạc làm thêm hai chiếc khác, y hệt như chiếc nhẫn thật, đến nỗi chẳng ai phân biệt được chiếc nào là chiếc thật, chiếc nào là giả. Lúc hấp hối, ông gọi riêng từng đứa con trối trăn riêng với từng người, sau đó ông cho riêng mỗi người một chiếc nhẫn mà người kia không biết. Nhưng về sau, cả ba người đều khám phá ra rằng mỗi người đều được nhẫn, thế là một cuộc tranh cãi dữ dội đã bùng nổ xem ai được chiếc nhẫn có thể đem lại nhiều điều có lợi cho chủ nó. Nội vụ được đưa đến một quan tòa khôn ngoan xét xử. Quan tòa xem xét thật kỹ các chiếc nhẫn rồi nói “ta không biếc chiếc nhẫn nào là chiếc nhẫn thật, nhưng chính các người có thể chứng nghiệm điều đó”. Ba người con ngạc nhiên hỏi “chúng tôi à?”. Quan tòa bảo “phải, và nếu chiếc nhẫn thật tạo cho người đeo nó một bản chất dịu hiền thật bởi đời sống thiện hảo của người ấy. Cho nên, các anh hãy về đi, sống cho tử tế, trung thực, dũng cảm ngay thẳng trong mối liên hệ với mọi người, và ai làm như thế chính là người được chiếc nhẫn thật”. Vấn đề phải chứng nghiệm bằng đời sống. Không ai lên án được một giáo lý đã khiến một người xấu trở nên tốt. Nếu chúng ta nhớ được điều ấy, có thể giảm bớt sự thiếu khoan dung.

4/ Chúng ta có thể ghen ghét niềm tin của một người nhưng đừng bao giờ ghét người ấy. Chúng ta có thể muốn loại bỏ những gì người ấy giảng dạy nhưng đừng bao giờ có ước muốn loại trừ chính người ấy.

THƯỞNG VÀ PHẠT (9,41-42)

Lời giáo huấn trong đoạn này thật đơn sơ, không thể lầm lẫn được, rất bổ ích.

1/ Bất kỳ một việc tốt nào, một sự giúp đỡ nào làm cho người của Chúa, đều không bị mất phần thưởng. Lý do để giúp đỡ là vì người ấy cần được giúp đỡ thuộc về Chúa Giêsu. Mỗi người có nhu cầu đều có thể đòi hỏi chúng ta giúp đỡ, người ấy được Chúa Kitô yêu thương. Nếu Chúa Giêsu còn tại thế, chắc Ngài cũng đã giúp đờ họ cách thực tiễn và bổn phận cứu trợ, giúp đỡ, đã được giao lại cho chúng ta. Cần chú ý là sự trợ giúp rất đơn giản. Của cho có thể chỉ là một ly nước. Không đòi hỏi ta làm những chuyện lớn lao, những việc vượt quá khả năng của ta. Chỉ đòi hỏi ta phải làm những việc mà bất cứ ai cũng có thể làm, cũng có thể cho.

Một giáo sĩ kể lại một câu chuyện sau đây: Bà giáo vừa dậy các học sinh cấp 1 người Phi châu về việc nhân danh Chúa Giêsu cho người ta một chén nước lạnh. Hôm ấy, bà đang ngồi trước nhà, thấy một đám phu khuân vác người bản xứ đi vào làng. Họ vác những kiện hàng thật nặng. Ai nấy đều mỏi mệt, khát nước và ngồi bệt xuống đất để nghỉ ngơi. Họ là người thuộc bộ tộc khác và nếu họ xin nước nơi những thường dân không theo Kitô giáo, sẽ được bảo: hãy tự đi tìm lấy mà uống, vì có một bức tường ngăn cách ở giữa họ. Nhưng đang khi số người mệt mỏi kia ngồi đó và bà đang nhìn họ thì một đám trẻ gái người Phi Châu từ trường học đi ra, mỗi em đội trên đầu một vò nước. Cả bọn rụt rè, sợ sệt tiến đến gần những người khuân vác đang mỏi mệt và quỳ xuống, đưa các vò nước cho họ. Những người khuân vác ngạc nhiên, tiếp lấy rồi uống ngon lành và trả vò lại. Các bé gái vội vàng chạy nhanh đến với bà giáo, và nói “chúng cháu vừa nhân danh Chúa Giêsu cho những người khát uống nước”. Các bé gái đã tiếp nhận lời dạy dỗ ấy theo nghĩa đen của nó. Ước gì cũng có nhiều người làm vậy. Chính những việc làm đơn sơ với tấm lòng tử tế là những việc hết sức cần thiết. Mahomet đã nói “Đặt người lạc lối vào đúng con đường, cho một nguơì khát uống nước, mỉm cười với anh em mình, đó là đức ái”.

2/ Nhưng việc trái lại cũng được nghiệm đúng. Giúp người thì sẽ được phần thưởng đời đời, còn làm cho một anh em yếu đuối hơn vấp phạm là tự chuộc lấy hình phạt đời đời. Phần thưởng rất nghiêm khắc. Tại Palestine có hai loại cối: cối đá xay bằng tay mà phụ nữ dùng trong nhà và loại cối đá lớn đến nỗi phải cột một con lừa mới kéo nổi. Loại cối đá nói ở đây là loại lớn. Bị ném xuống biển với một thớt cối như thế cột vào người, chắc chắn không hy vọng trở về. Thật ra, đây là cách xử tử cả tai Roma lẫn tại Palestine. Sử gia Josephus kể rằng, lúc một số người Galilê thành công trong một cuộc nổi dậy, “họ bắt được những người thuộc đảng Hêrôđê và ném xuống biển hồ”. Suetonius, sử gia Roma kể lại về Augustus rằng “vì ông thầy dạy học và bọn người hầu hạ hoàng tử là Gaius lợi dụng căn bệnh của chủ để lạm quyền và tham nhũng trong tỉnh, nên hoàng đế truyền cột vật nặng vào cổ và ném họ xuống sông”.

Tự mình phạm tội đã là chuyện khủng khiếp rồi, nhưng dạy kẻ khác phạm tội, lại càng tệ hại. O. Henry, nhà văn Mỹ lừng danh về truyện ngắn đã sáng tác câu chuyện về một bé gái mồ côi mẹ. Cha cô bé có thói quen hễ đi làm về là ngồi ngay xuống ghế mở cặp lôi giấy tờ ra, đốt ống điếu và gác chân lên ngăn kệ đặt gần lò sưởi. Cô bé vào, xin cha chơi đùa với mình một lát vì em rất cô đơn. Nhưng người cha bảo ông mệt lắm, hãy để cho ông yên. Ông bảo cô bé hãy ra đường mà chơi. Thế là cô đi chơi ngoài đường, và chuyện không tránh được đã xảy ra, cô trở thành người sống ngoài đường phố. Thời gian trôi qua, cô gái chết. Linh hồn cô gái đến thiên đàng. Phêrô trông thấy cô ta liền thưa với Chúa Giêsu “Thưa Thầy, đây là một bé gái gặp số phận xấu. Con nghĩ chúng ta phải đưa thẳng nó xuống hỏa ngục”. Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn đáp “Không, hãy cho nó vào”. Rồi đôi mắt Ngài trở nên nghiêm nghị “Nhưng hãy tìm con người đã từ chối không chịu chơi đùa với con gái nhỏ của mình, đuổi con ra đường, và đưa hắn xuống hỏa ngục”. Chúa không nghiêm khắc đối với tội nhân, nhưng Ngài hết sức nghiêm khắc đối với kẻ đã làm cho người khác sa vào tội lỗi, kẻ mà vô tình hay cố ý, đã đặt một tảng đá vấp chân trên lối đi của một người anh em yếu đuối hơn mình.

MỘT MỤC TIÊU ĐÁNG CHO CHÚNG TA HY SINH (9,43-48)

Bằng ngôn ngữ sinh động kiểu phương Đông, đoạn này nêu lên một chân lý căn bản, có một mục tiêu trong cuộc sống đáng cho chúng ta hy sinh bất cứ điều nào để đạt đến. Về phương diện thuộc thể, có lẽ người ta sẵn sàng chịu mất chân, tay hay một phần thân thể nào đó, để được sự sống cho toàn thân. Có những truờng hợp mà phương thế duy nhất để bảo tồn đuợc sự sống cho toàn thể là phải cưa tay, chân, hoặc phải chịu giải phẫu cắt bỏ một phần nào đó trong cơ thể. Về phương diện thuộc linh trường hợp như trên cũng có thể xảy ra.

Các Rabbi người Do Thái cũng có một câu cách ngôn đại ý một vài phần trong thân thể người ta có thể đưa họ đến chỗ phạm tội. “Con mắt và tấm lòng là hai tên mai mối cho người ta phạm tội”. “Con mắt và tấm lòng là hai đứa đầy tớ cho tội lỗi”. Đam mê chỉ ở trọ nơi kẻ có mắt để trông thấy. “Khốn thay cho kẻ nào chạy theo con mắt, vì con mắt vốn dâm tà”. Trong con người, có một số bản năng, một số các chi thể bẩm sinh dễ xui khiến người ta phạm tội. Chúng ta không nên hiểu câu nói này của Chúa Giêsu theo nghĩa đen, nhưng đây là một cách nói hết sức gợi hình theo lối người phương Đông, ngụ ý ở đời, người ta có một mục đích để sẵn sàng vì đó mà hy sinh bất cứ điều gì để đạt được.

Đoạn này nhắc đi nhắc lại nhiều lần về đia ngục. Tân Ước đề cập đến địa ngục trong Matthêu 5,22.29.30; 10,28; 18,9; 23,15.33; Luca 12,5; Giacôbê 3,6, đây là những chữ được dùng để dịch từ Gehenna. Từ này có một lịch sử. Nó là một dạng từ của của từ Hinnom. Hinnom là một thung lũng ở bên ngoài thành Giêrusalem. Nó có một lịch sử xấu xa. Đó là thung lũng mà xưa kia Acha đã lập đền thờ thần lửa và dâng trẻ con làm sinh tế trong lửa. “Người đốt hương trong thung lũng Hinnom và thiêu con cái mình trong lửa” (2Sk 28,3). Manase cũng tiếp tục việc thờ phượng ngoại giáo khủng khiếp này (2Sk 33,6). Do đó, Hinnom, Gehenna, là một cảnh tượng về một trong những lần Israel sa vào các phong tục tập quán khủng khiếp nhất của ngoại giáo. Vào thời phục hưng của Giôsia, nhà vua đã tuyên bố Hinnom là chỗ ô uế. “Người cũng làm ô uế Tôphết tại thung lũng con cái Hinnom hầu cho từ rày về sau, không ai được đưa con trai hay con gái mình qua lửa cho Môlóc” (2V 23,10). Một khi thung lũng ấy đã bị công bố là ô uế, nó bị đặt riêng ra làm nơi đổ rác và đốt rác của thành phố Giêrusalem. Kết quả là nó trở thành một nơi dơ dáy đáng ghê tởm, đầy rác rến giòi bọ, khói và lửa cháy âm ỉ không ngừng giống như một lò thiêu vĩ đại. Câu nói về nơi giòi bọ chẳng hề chết và lửa chẳng hề tắt có xuất xứ từ Israel 66,24, mô tả về số phận kẻ thù gian ác của dân Israel, vì tất cả các lý do trên đây, thung lũng Hinnom, Gehenna, trở thành một loại biểu tượng cho địa ngục, là nơi linh hồn kẻ ác sẽ bị hành hạ, hủy diệt. Nó được dùng như thế trong kinh Talmud “Tội nhân không tuân hành luật lệ, cuối cùng phải xuống địa ngục (gehenna)”. Vậy, địa ngục tượng trưng cho nơi giam phạt, và từ này gợi lên trong tâm trí người Israel những hình ảnh ảm đạm và khủng khiếp nhất.

Nhưng vì mục đích gì mà chúng ta có thể hy sinh mọi sự? Có lần nói về sự sống và một lần vì Nước Trời. Có thể định nghĩa Nước Trời như thế nào? Chúng ta lấy câu định nghĩa cho chúng ta trong Kinh Cầu Nguyện Chung. Kinh cầu nguyện ấy, có hai lời cầu xin đã được đặt bên cạnh nhau “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Một đặc điểm trong ngữ pháp Do Thái, là thể loại song hành. Trong thể loại song hành người ta viết hai câu cạnh nhau, mà câu này nhấn mạnh, bàn rộng, giải thích hoặc khai triển câu kia. Ta có thể lấy bất cứ bài nào trong Thánh Vịnh để minh họa cho phương pháp đó. Vậy, trong Kinh Cầu Nguyện Chung, chúng ta có thể hiểu là lời cầu xin này đã giải thích và bàn rộng, triển khai lời cầu xin kia. Khi xếp hai câu chung với nhau, chúng ta có câu định nghĩa là “Nước Thiên Đàng là một xã hội trần gian, trong đó, ý Chúa được thực hiện trọn vẹn dưới đất cũng như trên trời”. Có thể nói thật đơn giản, người nào hoàn toàn vâng theo ý Chúa là công dân Nước Chúa. Nếu lấy câu đó làm ứng dụng cho đoạn sách chúng ta đang nghiên cứu, nó sẽ có nghĩa là “làm theo ý Cha là điều xứng đáng cho mọi hy sinh, mọi trường hợp khép mình vào kỷ luật, mọi trường hợp từ chối mình”. Chỉ có việc làm theo ý Chúa chúng ta mới có được sự sống đích thực, có được bình an tối hậu, hoàn toàn và mãn nguyện.

Origen đã hiểu ý này theo nghĩa biểu tượng. Ông bảo có lẽ cần phải khai trừ vài kẻ theo tà giáo hoặc vài kẻ gian ác nào đó, không được hiệp thông trong Hội Thánh để giữ thân thể Chúa Kitô được thuần khiết. Nhưng câu này ngụ ý dạy chúng ta phải ứng dụng nó cho chính mình trước nhất. Nó ngụ ý dạy chúng ta cần từ bỏ, khai trừ một thứ xấu, từ bỏ một thú vui, tuyệt giao với một số bạn bè, cắt đứt một điều nào đó vốn rất thiết thân với chúng ta để vâng phục trọn vẹn ý Chúa. Đây không phải là một điều mà bất cứ ai cũng có thể làm đối với người khác. Nó là vấn đề lương tâm mỗi cá nhân, và nó có nghĩa là nếu có bất cứ việc gì ngăn trở chúng ta vâng phục hoàn toàn ý Chúa, thì dù vật hay người ấy vốn rất thân thiết với chúng ta, dù thói quen phong tục tập quán đó đã trở thành một phần của chính đời sống. Thì chúng ta cũng phải nhổ bỏ tận gốc. Việc dứt bỏ đó có thể gây đau đớn như một cuộc giải phẫu, có thể giống như phải chặt bỏ đi một chi thể. Nhưng nếu muốn được sự sống đích thực, hạnh phúc đích thực và bình an đích thực, chúng ta phải quyết tâm thi hành. Câu nói nghe có vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc, nhưng thật ra, đó là thái độ phải đối diện với các sự kiện của đời sống.