Chúa Nhật XXVI - Thường Niên - Năm B |
HUẤN DỤ TRUYỀN CHO CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU |
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux |
Những gì chúng ta đang đọc xem ra không có liên hệ rõ ràng với diễn tiến trước đó (9,33-37). Người ta vẫn có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang ngồi dạy dỗ các môn đệ. Tuy nhiên rõ ràng các vấn đề đang được bàn đến vượt quá giới hạn của vấn đề trước đó. Với tư cách một giáo lý viên giàu kinh nghiệm, Maccô đã gom góp ở đây nhiều huấn lệnh Chúa Giêsu nói với cộng đoàn Kitô hữu. Sự thu gom này được xác định bởi cách dùng một phương thức cổ xưa của các nền văn minh truyền khẩu để giúp cho dễ nhớ: đó là kỹ thuật dùng các “từ móc”. Các lời nói của Chúa Giêsu thoạt đầu không liên hệ với nhau đã được ghép lại với nhau bằng một từ, một lối diễn tả. Việc này được khởi đầu bằng lối nói: “Vì danh Thầy”. Lối nói này kết bốn câu lại với nhau: 37,38,39 và 41. Tiếp đó, một chuỗi lời nói được dệt chung quanh các từ “làm cớ cho sa ngã” mà người ta gặp bốn lần ở các câu 42,43,45 và 47. Cuối cùng hai đơn ngữ “lửa” và “muối” được dùng để làm cho ba câu 48,49 và 50 ăn khớp với nhau. Lời giáo huấn đầu tiên của Chúa Giêsu được nói lên nhân việc can thiệp của Gioan, một trong nhóm Muời Hai (c. 38). Lời đề nghị của một trong hai anh em vừa mới được phong biệt danh “Con của Sấm Sét” (3,17) quả đáng ngạc nhiên. Nó bộc lộ cho thấy một tính cách bất bao dung nào đó nói nhóm các tông đồ. Nhóm này có khuynh hướng khai trừ những kẻ đang đứng ngoài lề, dù họ không hoàn toàn bộc lộ ra điều này. Chúa Giêsu không cổ vũ “anh thần pháo đài” (khép kín) trong Giáo Hội Ngài. Ngài nhắc nhở các môn đệ phải biết cởi mở với người anh em lân cận (c. 39). Ngài truyền họ phải rộng mở tiếp đón tối đa mọi kẻ công khai thù nghịch với họ. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40). Ta hãy nghĩ đến tầm quan trọng của những lời này đối với một Giáo Hội như Giáo Hội của Maccô hiện đang vị sự bách hại dồn vào thế co cụm, khép kín. Chúa Giêsu còn đi xa hơn với thí dụ về ly nước, dùng để giải khát và tăng sinh lực theo quan niệm Đông phương. Hành vi bác ái nhỏ nhặt nhất mà một kẻ đối nghịch làm cho một Kitô hữu trong một khu vực hết sức thú hằn với nhau, mang rất nhiều giá trị. Chúa Kitô sẽ nhớ đến hành vi ấy trong ngày chung thẩm (x. Mt 25, 31-46). Trong các câu tiếp theo (42-47) cung giọng thay đổi và trở nên nặng nề nghiêm trọng hơn. Một chuỗi lời nói tác động vào nhau nhờ động từ tiếng Hy Lạp “làm cớ cho sa ngã” (c. 42a). Lời cảnh giác rất nghiêm trọng. Dứt khoát không được “dựng lên chướng ngại” trên con đường của những kẻ tin Chúa. “Những tín hữu bé mọn này” chính là các Kitô hữu mà đức tin phôi thai của họ vẫn còn mỏng manh. Mọi “gương xấu”, theo nghĩa mạnh có thể ví như bẫy gài dưới chân họ, đều sẽ gây tai hại trầm trọng cho lòng trung thành của họ. Phải tuyệt đối đề phòng mọi việc làm gương xấu. Vì thế mỗi anh em trong cộng đoàn phải chú tâm đến tương giao giữa mình và kẻ khác. Chúa Giêsu ra lệnh tới ba lần: “Nếu tay con... nếu chân con... nếu mắt con làm cớ cho con sa ngã”, thì hãy cắt, chặt, móc nó đi! (c. 43a; 45a; 47a). Tay, chân, mắt là những bộ phận chính của cơ thể dùng để liên lạc. Mỗi bộ phận này đều tác động đến cả thân thể. Nếu chúng là cớ gây thương tổn cho kẻ khác thì thà quẳng chúng đi. Đã có trường hợp cắt một phần chi thể bệnh hoạn có thể cứu sống toàn bộ cơ thể. Về mặt thiêng liêng, vấn đề này rất trọng yếu. Thà cụt tay, thọt cẳng, chột mắt mà được vào chốn trường sinh còn hơn là nguyên vẹn mà bị quẳng vào “hỏa ngục là nơi sâu bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (c. 43b; 45b; 47b-49). Các lời nói này xem ra quá cứng cỏi nếu không muốn nói là tàn bạo! Ở đây người ta gợi lên số phận của kẻ tội lỗi bằng những hình ảnh về cái chết vĩnh cửu kèm theo các nhục hình gớm ghiếc (sâu bọ và lửa). Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vấn đề này. Trước hết chúng ta hãy bỏ đi lối đọc theo nghĩa đen các hình ảnh được sử dụng. Không bao giờ Giáo Hội đọc thấy nơi trong Phúc Âm này lời kêu gọi hủy hoại thân thể. Đối với mỗi Kitô hữu, đây chính là lời mời gọi thúc bách họ tự thoát khỏi những gì xấu xa nơi bản thân để đảm bảo phần rỗi cho mình. Quả thế, điều này có liên quan đến sự thành công hay thất bại của cuộc sống loài người. Một bên là cuộc sống đời đời vô tận với Chúa Kitô Phục Sinh, còn một bên là “địa ngục”, từ này muốn nói lên điều gì? Đây là hình ảnh bắt nguồn từ thụ kiến bi đát về hỏa ngục xét như một tình trạng hủy diệt đớn đau những kẻ tội lỗi cứng lòng! “Địa ngục” ở đây là một thung lũng sỏi đá nằm ở mạn nam ngọn đồi của thành Giêrusalem. Vào thời Chúa Giêsu, kể từ các cuộc điều tra dân số, chốn hoang dã ấy được dùng làm chỗ xả rác công cộng của thành đô. Ở đây người ta có thể thấy hàng đống rác rưởi, thú vật hoặc cây cối bị dòi bọ đục khoét; thường xuyên người ta thiêu cả những xác người. Tóm lại, đối với những kẻ do Thầy với Chúa Giêsu, địa ngục gợi lên số phận thích đáng dành cho những kẻ khép lòng lại trước lời kêu gọi của Thiên Chúa. Thị kiến kinh khiếp này đã từng được tiên tri Isaia mô tả: “Trong khi bước ra (khỏi thành phố), người ta có thể trông thấy các thây người từng nổi dậy chống đối ta (Chúa phán). Dòi bọ rúc rỉa chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không tắt. Mọi xác thịt sẽ nhờm tởm chúng (Is 66,24). Quang cảnh được hình dung ở đây tác động mạnh đến các trí tưởng tượng, nhất là từ thời Dantê (thi sĩ nổi tiếng người Ý thể kỷ XIV) đối với nhiều người hỏa ngục và lửa thiêu kinh khiếp nơi đó từ một hình ảnh tượng trưng đơn sơ đã biến thành một thực tế không thể nào chịu nổi. Vì vậy cần phải tái lập lại chân lý. Dù cho lối dùng khoáng đại của nó, Kinh Thánh cũng chỉ muốn diễn đạt một ý tưởng đơn giản đó là Thiên Chúa công bình sẽ trừng phạt tất cả những kẻ hoàn toàn khép lòng lại trước Tình yêu Ngài. Họ sẽ không được hiệp thông với Chúa, bị xa cách Chúa Kitô và các thánh. Mặc dù được Kinh Thánh xác nhận, hỏa ngục vẫn còn là một thực tại mầu nhiệm, khó dung hòa được với hình ảnh một vị Thiên Chúa Tình yêu! |