Chúa Nhật XXVI - Thường Niên - Năm B
ÓC BÈ PHÁI, CỤC BỘ
Lm. Carolo Hồ Bạc Xái

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc I (Ds 11,25-29) : Giôsuê khó chịu khi thấy hai người kỳ mục không đến Lều Thánh mà lại nói tiên tri. Ông bảo Môsê ngăn cấm hai người ấy. Nhưng ông Môsê chẳng những không ngăn cấm mà còn nói : "Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ".

- Tin Mừng (Mc 9,37-42.44.46-47) : Gioan thấy có người ngoài nhóm môn đệ mà cũng nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ. Gioan yêu cầu Đức Giêsu ngăn cấm họ. Nhưng Đức Giêsu đáp : "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".

I. DẪN VÀO THÁNH  LỄ

Anh chị em thân mến

Chúa nhật vừa qua, Lời Chúa đã dạy chúng ta đừng ganh ghét đố kỵ. Hôm nay, Lời Chúa lại dạy chúng ta đừng có óc bè phái cục bộ, chỉ biết đến nhóm mình, phe mình và loại trừ những người không thuộc phe nhóm của mình.

Đoàn kết trong nội bộ là tốt, nhưng kỳ thị và loại trừ những người khác thì là xấu.

Chúng ta hãy chăm chỉ nghe giáo huấn của Chúa và cố gắng thi hành.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng con có lỗi vì đã không thích những người không cùng tín ngưỡng với chúng con.

- Chúng con có lỗi vì tạo phe nhóm chống đối nhau.

- Vì họ đạo chúng con chia bè chia cánh, nên đã không là tấm gương tốt cho những người lương.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Ds 11,25-29)

Giôsuê khó chịu khi thấy hai người kỳ mục không đến Lều Thánh mà lại nói tiên tri. Ông bảo Môsê ngăn cấm hai người ấy. Nhưng ông Môsê chẳng những không ngăn cấm mà còn nói : "Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ".

2. Đáp ca (Tv 118)

Tác giả Thánh Vịnh 18 suy nghĩ  "Nào ai thấy rõ các lỗi lầm của mình ?" Từ đó ông khiêm tốn nhìn nhận có những tội mình phạm mà chẳng hay, trong đó có tội kiêu ngạo.

Phối hợp với bài đọc I và bài Tin Mừng, ta có thể thấy cái thứ tội kiêu ngạo ta phạm mà chẳng hay chính là sự đố kỵ với những người không cùng ở trong tập thể của mình : mình ghét họ, mình chống họ nhưng cứ tưởng làm như thế là tốt cho tập thể mình.

3. Tin Mừng (Mc 9,37-42.44.46-47)

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu dạy hai bài học :

a/ Bài học bao dung và hợp tác : Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Đức Giêsu chẳng những không cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình.

- Người đời thường có óc bè phái : ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là "Ai không theo ta tức là nghịch với ta"

- Đức Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, và sẵn sàng hợp tác với tất cả môi người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là "Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta".

b/ Sự tai hại trầm trọng của việc làm gương xấu gây vấp phạm cho "những kẻ bé mọn".

- "Những kẻ bé mọn" không hẳn là trẻ con, mà còn là những người mà đức tin còn non yếu. Ai gây cớ vấp phạm cho họ thì thà buộc cối đá vào cổ nó rồi xô nó xuống biển còn hơn.

- Ngay cả bản thân mình mà gây cớ vấp phạm cho mình thì mình cũng phải tự khắt khe với mình để diệt trừ nguy hiểm tận gốc : "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi…"

4. Bài đọc II (Gc 5,1-6) (Chủ đề phụ)

Thánh Giacôbê nặng lời phê phán những người giàu có mà không giúp đỡ những người nghèo : (1) Những tiền bạc của cải mà họ tích trữ không xài tới chính là bằng chứng buộc tội họ ; (2) Tài sản của họ là do gian lận, bất công mà có ; (3) Họ dùng tài sản để thỏa mãn khát vọng khoái lạc và làm hại người công chính.

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Óc ganh tị bè phái... vì danh Chúa !

Những bài Sách Thánh mà phụng vụ tuyển đọc trong Thánh Lễ hôm nay đề cập tới một tính xấu, đó là Óc ganh tị bè phái vì danh Chúa. Tính xấu đó như thế nào, chút nữa chúng ta sẽ phân tích. Bây giờ trước hết chúng ta hãy xem lại những bài đọc nói gì.

- Bài đọc I kể một câu chuyện xảy ra từ thời ông Môsê đang dẫn dân Chúa đi lang thang trong sa mạc, nghĩa là lâu lắm rồi, khoảng năm 1250 trước Chúa Giáng sinh, nghĩa là cách nay đến hơn 3000 năm. Khi ấy Chúa bảo Môsê chọn trong dân ra 72 người để Chúa đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống trên họ và nhờ đó họ được ơn nói tiên tri. Môsê đã chọn 72 người, Chúa đã ban cho họ ơn nói tiên tri. Nhưng mà có 2 người khác không ở trong danh sách 72 người kia cũng nói tiên tri. Một đứa bé thấy vậy chạy về báo cáo cho Môsê và người phụ tá của ông là Giôsuê hay sự việc. Giôsuê liền đề nghị ông Môsê ra lệnh ngăn cấm 2 người đó, lý do là vì họ không thuộc danh sách 72 người được chọn. Xin nhắc lại rằng câu chuyện này xảy ra từ thời Cựu Ước, cách đây khoảng 3000 năm lận. Nghĩa là từ thuở rất xa xưa, mà người ta đã có tính ganh tị rồi.

- Cái tính xấu này vẫn còn cho tới thời Tân ước. Bài Tin Mừng kể : Khi ấy có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Đức Giêsu làm nhiều phép lạ, rồi họ thấy các tông đồ tuy không phải là Chúa nhưng nhờ danh Chúa mà cũng làm phép lạ được. Thế là họ cũng nhân danh Đức Giêsu và họ cũng làm được một số phép lạ. Thấy vậy, tông đồ Gioan bực tức, đã ngăn cấm họ và báo cáo lại cho Đức Giêsu biết. Gioan tưởng cấm như vậy là đúng, bởi vì những người đó không phải là tông đồ Chúa cho nên họ không có quyền nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Nhưng Đức Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ. Và Đức Giêsu còn nói một câu rất hay mà chút nữa chúng ta sẽ suy gẫm, Chúa nói "Ai không chống lại ta thì thuộc về ta".

Qua hai câu chuyện trên, điều chúng ta nên lưu ý là : cái óc ganh tị đã có sẵn trong con người từ thuở rất xa xưa, nó vẫn còn tiếp tục ở trong con người ngay trong thời Tân ước. Nó ở ngay trong những con người vốn là những người thân cận của Chúa, như Ông Giôsuê sau này sẽ lãnh đạo dân Chúa tiến vào Đất Hứa, như chính thánh Gioan một tông đồ được Đức Giêsu yêu thương nhất. Đó là óc ganh tị bè phái vì danh Chúa. Nói "Óc ganh tị Bè Phái vì danh Chúa" bởi vì ganh tị có tới 3 cấp bực :

. Cấp thứ nhất là Ganh tị : đó là thói xấu khiến cho người ta khó chịu bực bội khi thấy người khác cũng làm được một việc hay việc tốt như mình hoặc còn hay hơn, tốt hơn mình nữa.

. Cấp thứ hai là Ganh tị bè phái : là Ganh tị với người không thuộc phe nhóm của mình.

. Cấp thứ ba là Ganh tị bè phái vì danh Chúa : nghĩa là những người tín hữu Chúa, những người có đạo ganh tị với những người không có đạo khi những người không có đạo này làm được những điều hay điều tốt.

Phải nhìn nhận rằng người có đạo thường mang đầu óc tự tôn. Họ lý luận rằng bởi vì Chúa của mình là toàn năng, toàn thiện cho nên đạo của mình phải là đạo tốt nhất, hay nhất. Do đó chỉ có đạo của mình mới có thể làm được những việc hay việc tốt. Khi thấy những người không có đạo dự tính làm điều này điều nọ thì nghĩ thầm rằng chúng nó sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu. Thế nhưng người ta đã làm việc thành công, thì khi đó những người có đạo tức bực, tìm cách nói xấu, xuyên tạc để hạ giá thành quả của những người kia vì họ không thuộc đạo của mình. Trong quá khứ, chúng ta đã thấy có những vụ thiên tai bão lụt. Các tổ chức bác ái công giáo đã hết lòng quyên góp cứu trợ. Những người công giáo rất hãnh diện với những cuộc cứu trợ do Giáo Hội Công giáo đứng ra tổ chức. Cũng có những nhóm khác cũng làm việc từ thiện cứu trợ như vậy, nhưng một số người công giáo tỏ ra nghi ngờ và khinh chê việc làm của những nhóm kia cho rằng họ sẽ chẳng làm tới đâu, có làm được thì cũng mất mát, tham ô tùm lum, phẩm vật cứu trợ không hoàn toàn tới tay các nạn nhân. Đó là một thí dụ về cái óc ganh tị bè phái vì danh Chúa.

Nhưng Chúa không chấp nhận như thế đâu. Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc "Ai không chống lại ta thì phải kể như là thuộc về ta". Nguyên tắc này độc đáo vì nó đi ngược lại với nguyên tắc người ta vẫn thường theo từ trước tới giờ. Người ta thường nghĩ "Ai không theo ta tức là kẻ chống ta", hoặc "Ai không phải là bạn ta thì là kẻ thù của ta", hay hơn nữa "Ai làm bạn với kẻ thù ta thì cũng là kẻ thù của ta". Những nguyên tắc vừa kể biểu lộ một tâm lý tự tôn và độc tôn : chỉ có phe nhóm của mình là hay, loại trừ tất cả những ai không thuộc phe nhóm mình. Còn nguyên tắc của Đức Giêsu là một nguyên tắc cởi mở, rộng lượng, nới rộng vòng tay hợp tác : tất cả mọi người, miễn là họ không chống lại ta, cho dù người đó không thuộc đạo ta, cũng phải coi là bạn của ta ; cũng phải hợp tác với họ.

Giữa xã hội ngày nay, con số những người có đạo chỉ là một con số nhỏ. Nếu những người có đạo cứ khư khư với đầu óc tự tôn và độc tôn thì họ sẽ trở thành lẻ loi, sẽ bị cô lập giữa xã hội. Còn nếu những người có đạo biết thực hành nguyên tắc của Đức Giêsu đề ra thì họ sẽ sống chan hoà với những người khác, sẽ có rất nhiều cơ hội để cùng với những người khác thực hiện biết bao nhiêu điều tốt mà Chúa muốn họ làm.

Vả lại, Chúa đâu phải chỉ muốn cho những người có đạo làm việc tốt, mà Chúa muốn cho mọi người đều làm việc tốt. Chúa cũng đâu có cần những người có đạo chúng ta khi làm được một việc tốt thì phải dán nhãn hiệu đạo lên việc tốt đó, phải ký tên mình lên việc tốt đó. Điều mà Chúa muốn là có những việc tốt đã được làm.

Chúng ta hãy cố gắng sống theo tinh thần Tin Mừng Chúa : đừng ganh tị, đừng giữ đầu óc bè phái... nhưng cố gắng sống chan hoà với mọi người, cùng với mọi người thực hiện những việc tốt, những việc làm có ích cho tha nhân, cho xã hội.

2. Dịp tội

Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng những lời rất mạnh mẽ của Đức Giêsu :

. Nếu tay con nên dịp tội cho con thì hãy chặt nó đi. Thà con mất một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ 2 tay mà phải vào hoả ngục.

. Nếu chân con nên dịp tội cho con thì hãy chặt nó đi. Thà con mất một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ 2 chân mà phải vào hoả ngục.

. Và nếu mắt con nên dịp tội cho con thì hãy móc nó đi. Thà con còn một mắt mà được vào Nước TC còn hơn có đủ 2 mắt mà phải ném xuống hoả ngục.

Dĩ nhiên đây là kiểu nói cường điệu theo thói quen của người Á Đông. Không ai hiểu những câu đó sát nghĩa đến cả. Ta chưa thấy ai tự chặt tay chặt chân móc mắt để khỏi phạm tội cả. Ngay cả các thánh cũng vậy, các Ngài đã chống trả các cơn cám dỗ rất là quyết liệt, nhưng không bằng cách chặt tay chặt chân móc mắt mình. Có một trường hợp đặc biệt sau đây : Ông Origène, một Linh mục rất thánh thiện và cũng rất thông thái, uyên bác. Các tác phẩm của ông được xếp ngang hàng với tác phẩm của các thánh giáo phụ và tiến sĩ của Giáo Hội. Ông thường bị cám dỗ mạnh về xác thịt, cho nên một hôm ông quyết định tự thiến mình đi để khỏi bị cám dỗ nữa. Hành động này của ông chẳng những không được Giáo Hội khen mà còn bị chê trách nữa, do hành động ấy mặc dù ông rất thánh thiện và thông thái nhưng ông đã không được phong thánh và cũng không được coi là giáo phụ, hay tiến sĩ Giáo Hội, vì ông bị coi là một người bất bình thường.

Vậy, chúng ta không nên hiểu những lời Tin Mừng trên theo sát nghĩa đen. Mà phải hiểu theo tinh thần. CG muốn căn dặn chúng ta phải hết sức triệt để xa lánh các dịp tội.

Nhưng, dịp tội là gì ? Thưa là tất cả những gì có thể khiến ta phạm tội.

. Đó có thể là một sự vật. Td một chiếc xe đạp để ở chỗ vắng vẻ mà không có khoá.

. Đó có thể là một người. Td một cô gái đẹp lả lơi ăn mặc hở hang.

. Đó có thể là một hoàn cảnh, một môi trường. Td một xóm bình khang, một ổ điếm.

Để cho rõ hơn nữa, các nhà luân lý phân ra nhiều loại dịp tội :

. Dịp tội gần : là những dịp mà nếu gặp thì hầu như chắc chắn ta sẽ phạm tội. Td người ghiền xì ke khi tới cơn ghiền, không có tiền, hễ gặp đồ đạc ai để hớ hênh thì hầu như chắc chắn sẽ "chôm" liền. Gặp 10 lần thì phạm tội khoảng 7,8 lần.

. Dịp tội xa là những dịp mà có gặp thì cũng ít khi phạm tội. Td một người bình thường gặp một món đồ để hớ hênh. Có thể là anh ta sẽ ăn cắp, mà cũng có thể không ăn cắp.

Dịp tội gần lại được phân làm 2 loại nữa :

. Dịp bó buộc là tuỳ hoàn cảnh đó có nguy hiểm khiến mình phạm tội, nhưng mình bó buộc phải vào, nếu không vào thì bị thiệt hại nặng. Td một cô gái làm việc cho ông chủ có máu dê xồm và thường phải gặp mặt ông ta. Đây là một dịp nguy hiểm, nhưng nếu cô không gặp thì cô phải mất việc làm, phải thất nghiệp, phải túng thiếu.

. Dịp tự do : là dịp tội cũng nguy hiểm nhưng ta không bó buộc phải gặp. Td không ai bó buộc một cô gái phải đến gặp một người đàn ông không đứng đắn vào buổi tối tại một nơi hẹn vắng vẻ.

Sau khi đã phân biệt nhiều thứ tội khác nhau. Bây giờ chúng ta nghĩ xem mình phải tránh loại dịp tội nào ? Xin nhớ 3 nguyên tắc sau :

. Buộc phải tránh dịp tội gần, vì đó là dịp mà nếu ta gặp thì hầu như chắc chắn chúng ta sẽ bị phạm tội. Td.

. Khi gặp dịp tội tự do, ta phải xa tránh : vì đó cũng là một dịp tội gần nguy hiểm hầu chắc sẽ phạm tội nhưng ta không bị bó buộc phải vào dịp đó cho nên phải tránh đi.

. Còn nếu là dịp bó buộc thì ta đành phải gặp, tuy nhiên phải khôn khéo làm cho dịp tội gần và bó buộc đó tành ra dịp tội xa. Td một cô gái phải cặp mắt một ông chủ không đứng đắn, đó là một dịp tội gần và bó buộc. Nhưng nếu cô cùng đến với một người bạn khác nữa, hoặc đến gặp ở chỗ có đông người thì cô không còn nguy hiểm nữa, dịp đó đã trở thành dịp tội xa rồi.

Con người chúng ta có lương tri và có ý muốn hướng thượng, không ai cố tình muốn làm tội. Tuy nhiên con người chúng ta cũng rất yếu đuối và dễ bị lôi cuốn cho nên dễ bị sa ngã nếu gặp dịp tội. Bảng phân loại các dịp tội ở trên tuy hơi tỉ mỉ và có tính cách giáo điều, nhưng rất rõ ràng và hữu ích. Chúng ta hãy cố gắng xa lánh các dịp tội gần, vì Chúa đã dạy : "Nếu tay con nên dịp tội cho con..."

3. Giải phẫu.

Người ta đồn thổi rằng : Ăn thịt khỉ, nhất là óc khỉ sẽ trị được bệnh phong thấp. Nên họ tìm cách đánh bẫy khỉ.

Họ lấy trái dừa bổ làm đôi, nhét vào trong đó một trái cam thơm ngon, rồi khoét một lỗ nhỏ vừa bằng nắm tay khỉ, xong cột trái dừa lại như trước. Sau đó đem cột chặt trên cây.

Ngửi thấy mùi thơm của cam, khỉ sẽ chạy đến, leo lên cây, thọt tay vào trái dừa, nắm chặt lấy trái cam và lôi ra.

Thọt tay vào thì dễ, nhưng rút ra thì không được vì bàn tay khỉ bây giờ đã quá lớn so với lỗ dừa. Có một điều rất trớ trêu, là không bao giờ khỉ chịu buông trái cam ra để bàn tay được tự do. Đã nắm được của ăn rồi thì cứ khư khư giữ lấy. Biết mình bị mắc bẫy nhưng cứ nắm chặt trái cam, dẫy dụa, kêu la chí choé. Và người thợ săn cứ ung dung đến bắt lấy con khỉ dại khờ đáng thương.

*

Thế giới chúng ta đang sống có nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Ngay chính thân xác chúng ta cũng có thể là những dịp tội, khiến chúng ta lỗi luật Chúa. "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay nó đi" (Mc.9,43). Kiểu nói "chặt tay, chặt chân, móc mắt" chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng, để diễn tả các dịp tội mà ta có thể tìm thấy trong chính bản thân mình. Hội thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen, nếu cứ áp dụng triệt để theo từng câu từng chữ, thì khó mà tìm được một người Kitô hữu lành lặn.

Đức Giêsu chỉ có ý đòi buộc chúng ta phải quyết tâm mạnh mẽ để khử trừ các dịp tội, các cơm cám dỗ, chớ coi thường chúng.

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. "Từ bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn", đó là lẽ khôn ngoan ở đời. Cuộc sống vĩnh cửu không là điều quý giá đáng cho chúng ta từ bỏ một phần thân thể đã trở nên xấu xa để đổi lấy sao ? Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì cũng cần nhiều cuộc cắt bỏ để cứu lấy linh hồn. Chúng ta có thể "cắt bỏ" một thói hư tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh khi, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn "móc con mắt, chặt cánh tay". Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời chúng ta, đau vì nó quá gắn liền với bản thân chúng ta, vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người chúng ta. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa. Ludovic Giraud có viết :"Nỗi đau đối với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cầy xới nhưng để làm cho đất màu mở, cũng như việc cắt tỉa cây cối : làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khỏe và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao".

Có những người mơ ước hy sinh cuộc đời, nhưng lại không dám hy sinh những tật xấu của mình. Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế các bộ phận hư hỏng. Chúng ta có thể thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương. Chúng ta có thể thay bộ óc định kiến hẹp hòi bằng bộ óc thoáng đạt hồn nhiên.

*

Lạy Chúa, sống cho Chúa thật không dễ chút nào : Phải cắt bỏ những gì mình gắn bó, thiết thân. Xin cho chúng con luôn hiểu rằng : chỉ khi cắt tỉa những cành lá rườm rà thì cây đời chúng con mới trổ sinh hoa trái tốt tươi. Xin cho chúng con dám ra khỏi chính mình, để được lớn lên trong ân tình của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

4. Mảnh suy tư

a/ Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta :

- Chúng ta có quyền nhân danh Đức Giêsu mà làm việc này việc nọ, nhưng đó không phải là độc quyền của chúng ta.

- Nếu biết suy nghĩ kỹ, ta sẽ hiểu rằng những tài năng và thành công của những người khác không hề làm cho chúng ta bị nghèo đi, trái lại còn làm giàu thêm cho chúng ta.

- Cũng thế, một người khác với chúng ta không hề làm chúng ta nghèo đi nhưng còn làm cho chúng ta giàu thêm.

- Thiên Chúa ban nhiều ơn cho nhiều người. Bổn phận của chúng ta là đón tiếp những ơn ban đó ở bất cứ nơi nào mà chúng ta phát hiện.

b/ Ai cho anh em một chén nước lả thì người đó không mất phần thưởng đâu :

- Chén nước lả là tượng trưng cho việc tốt nho nhỏ. Chúng ta ít có dịp làm những việc tốt lớn lao, nhưng có rất nhiều dịp làm những việc tốt nho nhỏ.

- Một việc làm có khả năng an ủi không nhất thiết phải là một việc lớn, mà chỉ cần là một việc sưởi ấm cõi lòng.

c/ Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn :

- Cái làm cho trẻ con dễ thương nhất là tâm hồn rộng mở của chúng. Do tâm hồn rộng mở, trẻ con đón nhận một cách ngây thơ tất cả những gì người ta dạy chúng.

- Nhưng cũng do tâm hồn rộng mở mà trẻ con dễ bị tổn thương nhất vì bất cứ điều xấu nào cũng có thể xâm nhập vào đấy.

- Tội làm gương xấu cho trẻ con đáng bị buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển vì tội đó biến cái dễ thương nhất thành cái tổn thương nhất.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã dạy : "Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta", và "Ai làm cớ cho tín hữu bé nhỏ sa ngã thì thà buộc cội đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn". Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Chúa :

1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội thánh biết cố gắng tránh mọi gương xấu / mà nêu gương tốt cho mọi người.

2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người có trách nhiệm lãnh đạo kẻ khác / dù chưa biết Chúa để tin theo Chúa / vẫn luôn sống lương thiện và không bao giờ chống đối Chúa.

3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những nạn nhân của các gương xấu, nhất là các trẻ nhỏ / gặp được những bạn bè và những nhà giáo dục biết đem chúng trở về đời sống lương thiện.

4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho anh chị em trong xứ đạo chúng ta / biết khoan dung với những người làm gương xấu nhưng không chống đối Chúa / và biết luôn cố gắng để không làm gương xấu cho ai.

Chủ tế  : Lạy Chúa, chung quanh chúng con còn nhiều người làm gương xấu và nhiều người là nạn nhân của gương xấu, xin cho chúng con biết rõ những hậu quả ghê tởm của gương xấu, để không bao giờ làm gương xấu cho ai. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giải thoát chúng con khỏi óc bè phái, cục bộ…"

VII. GIẢI TÁN

Trong tuần này, chúng ta hãy ghi nhớ và sống một câu Tin Mừng này : "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".

Bài đọc thêm

THƯ DO THÁI

A. VĂN THỂ

Tác phẩm này không mang hình thức một bức thư, nghĩa là không ghi tên người gởi và người nhận ở đầu. Mãi đến khi kết thúc (13,22-24) mới có những nét của một bức thư ("Tôi chỉ viết cho anh em vắn tắt thôi"). Mặc dù ở 1 vài bản chép có câu "gởi tín hữu do thái" ở đầu tác phẩm, nhưng người ta nghiên cứu thấy câu này được thêm vào về sau chứ không có từ đầu.

Giọng điệu trong tác phẩm giống như một bài diễn văn hay một bài khảo luận : trang trọng, uyên bác.

Vì thế có nhiều giả thuyết về tác phẩm này : nó là một bức thư (lettre) ? hay một bức tông thư (épitre) ? một bài diễn thuyết ? hay một thiên khảo luận ? Mỗi giả thuyết đều có những lý lẽ ủng hộ nhưng cũng có những lý lẽ nghịch lại.

Ý kiến được nhiều người chấp nhận hiện nay là : đó là một bức tông thư được viết bởi một người vừa học thức uyên bác vừa sẵn tài hùng biện. Vì thế nó mang đủ các tính chất của thư, bài giảng và khảo luận.

B. TÁC GIẢ

Ban đầu ai cũng tưởng tác giả là Phaolô. Nhưng dần dần người ta khám phá thêm nhiều lý do không cho phép tưởng như thế nữa :

- 13 thư kia đều ghi tên tác giả là Phaolô, còn thư này không.

- Lời văn và giọng điệu hoàn toàn khác với Phaolô. Cách trích dẫn Cựu Ước cũng khác. Cách bố cục cũng khác : Phaolô thường chia bức thư thành 2 phần : phần I giáo thuyết, phần II khuyên dạy. Trong thư này, giáo thuyết và lời khuyên xen lẫn nhau.

- Chủ đề trung tâm của thư này là Chức Tư Tế của Đức Kitô, chủ đề này rất xa lạ trong các thư của Phaolô. Trái lại, một ý tưởng luôn có trong các thư  của Phaolô là "công chính hóa bởi đức tin" thì không có trong tác phẩm này.

Vì thế người ta thiên về kết luận tác giả là một người khác. Người đó là ai ? Người ta đã đưa ra một số "ứng cử viên" như Luca, Barnnabê, thánh Clêmentê thành Rôma và Apollo.

Trong số đó Apollo được ủng hộ nhiều nhất (giả thuyết này được khởi xướng đầu tiên do Luther, thế kỷ 17), vì những lý do sau :

- Sách Cv mô tả Apollo là một người do thái ở Alexandria, một trung tâm văn hóa lớn, có tài hùng biện, am hiểu Thánh Kinh, nhiệt thành sốt sắng, thường trưng dẫn Thánh Kinh để chứng minh Giêsu là Đức Kitô (x. Cv 18,24-28). Tác giả thư này cũng có những nét đó.

- Nếu đi sâu vào nội dung thì ta thấy tác giả chịu ảnh hưởng của Phaolô, tông đồ Gioan và triết gia Philon. Mà Apollo chính là một người như thế : thấm nhuần triết lý Philon, quen biết nhiều với Phaolô và Gioan.

C. NGƯỜI NHẬN

Chúng ta đừng quan tâm tới những chữ "gởi tín hữu do thái" của một số bản chép, vì, như đã nói, chúng được thêm vào sau.

Có giả thuyết rằng người nhận là những tín hữu gốc do thái sống ở Palestina và nói tiếng híp-ri. Nếu giả thuyết này đúng thì thư này ban đầu phải viết bằng chữ híp-ri rồi sau dịch ra chữ hy lạp. Nhưng lối văn hy lạp của thư này rõ ràng không phải là văn dịch. Vậy thuyết này không vững.

Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là  thư nầy được viết cho những cộng đoàn tín hữu gồm những người do thái tòng giáo đang có nhiều sa sút về đức tin và đang nản lòng trước những khó khăn.

D. ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI ĐIỂM VIẾT

Cũng không có gì chắc chắn mà chỉ toàn giả thuyết. Giả thuyết dễ chấp nhận hơn cả là thư này được viết trước năm 70 (vì thư nói nhiều về Đền thờ Giêrusalem và những lễ nghi ở đó. Nếu như nó được viết sau khi Đền thờ bị phá huỷ năm 70 thì hẳn là tác giả có nói đến sự phá huỷ ấy. Đàng nay tác giả luôn nói về Đền thờ và các lễ nghi như thể đang còn hoạt động).

Còn nơi viết là đâu ? Câu cuối thư (13,24) có mấy chữ "Anh em Ý gởi lời thăm anh em" khiến nhiều người cho rằng thư này được viết tại nước Ý. Tuy nhiên mấy chữ đó có thể hiểu nhiều cách : "những người ý", "những người từ Ý tới"... Tóm lại, khó xác định nơi viết.

E. HOÀN CẢNH

Thư này được viết cho những người do thái đã từ bỏ đạo của tổ tiên với những luật lệ và nghi thức do Môsê đặt ra để theo đạo của Đức Kitô.

Nhưng việc thay đổi này khiến họ gặp nhiều khó khăn : khó khăn chủ quan là do chính họ suy nghĩ ra. Họ đã quá quen với những lễ nghi do thái rực rỡ huy hoàng, bây giờ tham dự những lễ nghi kitô giáo được tổ chức đơn sơ trong các cộng đoàn nhỏ bé, nên họ không tránh khỏi so sánh và tự nhủ họ bị thua thiệt (gần như "bỏ mồi bắt bóng") ; khó khăn khách quan là bị những người đồng đạo cũ xem là những kẻ bội giáo, thù ghét họ, bách hại họ, tước đoạt tài sản họ và có khi còn bỏ tù họ nữa (Dt 10,32-36). Với tâm thức còn mang nặng ảnh hưởng do thái giáo, những kitô hữu tội nghiệp ấy nghĩ rằng họ bị như vậy vì họ đã bỏ Yavê nên nay bị trừng phạt (6,10). Từ đó họ hoang mang đặt lại vấn đề : phải chăng họ đã lầm ? Rồi họ đâm ra trễ nãi (6,12), chậm hiểu (5,11), bị cám dỗ (2,18) và chán nản (12,12)...

Tác giả đã cố gắng an ủi và khuyến khích độc giả của mình. Ông kêu họ hãy bám chắc vào Lời Chúa để khỏi lạc xa chân lý (2,1), kiên trì như những lực sĩ (12,1), đừng rơi vào lầm lạc (13,9), đừng buông trôi theo khuynh hướng mệt mỏi sờn lòng (12,3). Ông còn khuyên họ luôn dán mắt vào ơn cứu độ (10,35) và kiên vững trong hy vọng (10,39). Tóm lại, nguồn nâng đỡ họ trong mọi hoàn cảnh phải là Đức tin (pistis) hiểu theo cả 3 nghĩa : vừa ngoan ngoãn đón nhận lời Chúa mặc khải, vừa cậy dựa vào sự quan phòng của Chúa, vừa kiên trì trung thành thực hiện ý Chúa (3,7  4,13  11)

C. Spicq nhận xét : "Cũng như thư Rm là một tài liệu về ơn cứu độ, thư Gl về sự tự do, thư 1 Cr về tình bác ái huynh đệ, thì thư do thái là một tài liệu về  Đức tin phó thác can đảm, gắn bó với Chúa Cứu Thế bằng cả tâm hồn và con người mình".

F. NỘI DUNG

1. Luận đề 1 : Đức Kitô là vua vũ trụ  (1,5--2,18)

2. Luận đề 2 : ĐK là vị Thượng Tế trung tín và hay thương xót  : 3,1-5,10

3. Luận đề 3 : Chức Thượng Tế của Đức Kitô  : 5,11-10,18

G. NHẬN ĐỊNH

Ngày xưa, những tín hữu gốc do thái đã hoang mang vì những cái giá phải trả cho việc họ chọn theo kitô giáo : a/ Không còn được hưởng những đặc miễn mà chính quyền Rôma dành cho các tín đồ Do thái giáo ; b/ trái lại còn bị Rôma đàn áp, bách hại ; c/ ngoài ra lại còn bị chính đồng bào do thái bách hại nữa… Họ tự nghĩ "Phải chăng mình đã sai ?", và họ muốn xét lại quyết định của mình.

Ngày nay vấn đề tương tự cũng có thể đặt ra cho chúng ta : theo đạo, chúng ta chẳng những không được thêm gì cho cuộc sống vật chất, ngược lại còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người sau một thời gian theo đạo mà "chẳng được ích lợi gì" đã thôi không theo đạo nữa ; một số khác hoang mang muốn đặt lại vấn đề.

Nếu đã hoang mang thì cuộc sống sẽ chao đảo và không thể tiến lên. Do đó tác giả đã khuyến khích tín hữu kiên vững trong đức tin của mình : hãy xác tín mình đã chọn rất đúng, hãy nghĩ rằng không nên đảo ngược lại sự chọn lựa cơ bản ấy nữa, và hãy nhìn thằng vào Đức Kitô mà tiến lên phía trước.