Truyện Minh Hoạ - Xét Đoán

BUÔNG BỎ

Ngày kia trên đường trở về tu viện, hai nhà sư Phật Giáo gặp gỡ một phụ nữ tuyệt đẹp đứng bên bờ sông. Cũng như họ, người phụ nữ đó muốn qua sông, nhưng mực nước dâng cao. Do đó vị sư già đã cõng chị đó lên vai để qua sông.

Nhà sư trẻ cảm thấy đó là một sự xúc phạm ghê gớm. Trong suốt hai tiếng đồng hồ, ông than trách vị sư già đã phạm Giới Luật: Phải chăng sư huynh đã quên mình là một tu sĩ? Làm sao đã dám đụng tới một người đàn bà? Tệ hại hơn nữa, lại cõng chị ta sang bờ sông bên kia? Và người đời sẽ đàm tiếu ra sao? Sư huynh không biết làm như vậy là ô danh Đạo Pháp sao? ....

Nhà sư già mỉm cười độ lượng: "Đệ mến, tôi đã để chị ấy ở bên bờ sông. Còn đệ tới giờ này mà còn đang cõng chị đó sao?"

Sưu tầm


ĐỒNG CỎ TUYỆT VỜI  

Có một anh chàng chỉ quen sống ở đồng cỏ. Một hôm có

người bạn đến mời anh ta du ngoạn. Hai người phi ngựa đến bên hồ nước rộng lớn. Anh ta nhìn thấy thảm xanh mênh mông trên mặt hồ, mừng rỡ nói với bạn: "Ôi, một vùng đồng cỏ chưa hề có dấu chân ai, ta phải phi ngựa đi hết thảm xanh này để rồi về đuổi ngựa đến nuôi. Một vùng đồng cỏ thật tuyệt vời!".

Anh bạn liền cười ngăn lại:

- Đây là hồ, trên thảm xanh dưới nước sâu, chứ đâu phải là đồng cỏ. Nghe vậy anh ta nhìn xuống chân mình thì thấy nước trong xanh, in bóng ngựa của hai người. Lúc đó anh ta mới nhận ra là hồ nước.

Sưu tầm


BÀI HỌC NHỚ ĐỜI

Gấu lớn cứ bắt nạt Thỏ nhỏ. Chẳng chi cả mà nó cứ tóm lấy Thỏ rồi bạt tai đến nỗi một bên tai Thỏ vẹo hẳn xuống. Chú Thỏ khốn khổ khóc mãi, khóc hoài. Tai chú cuối cùng rồi cũng hết ê ẩm, nước mắt cũng đã khô, thế mà chú vẫn thấy đau. Chú phải làm gì đây? Tại sao chú lại cứ đụng phải cái gã Gấu hết lần này đến lần khác như thế kia chứ! Xưa nay chú chưa bao giờ phải chịu cái nông nỗi này. Nhưng lấy ai là người có thể giúp đỡ chú được? Gấu là ngã khỏe nhất trong khu rừng này. Còn Sói và Cáo là bạn chí thân của gã. Chúng vẫn thường về hùa với Gấu.

- Ai có thể giúp tôi được đây? - Thỏ than vãn.

- Được, tôi đây! – Có ai đó kêu lên.

Thỏ liếc con mắt trái và thấy Muỗi.

Làm sao bạn có thể giúp tôi được?

- Thỏ nói - Bạn làm gì nổi Gấu? Gã quá to, mà bạn thì nhỏ như thế. Bạn không đủ sức mạnh đâu!

- Được, đợi coi nhé! - Muỗi nói.

Gấu đã lang thang suốt ngày qua khu rừng nóng nực. Gã mệt mỏi và buồn ngủ, liền lăn ra đám cây mâm xôi nằm nghỉ. Nhưng khi ngã vừa nhắm mắt lại, thì gã nghe có tiếng gì vo ve bên tai: “Vi...e...é...”

Gấu biết đó là tiếng chú Muỗi. Gấu nín hơi đợi cho Muỗi đậu lên mũi. Muỗi lượn vòng quanh, vòng quanh và rồi cuối cùng đậu lên ngay chóp mũi của Gấu. Gấu vung bàn tay trái lên, đập bốp một cái vào chóp mũi của gã! Như vậy là dạy cho gã một bài học rồi!

Gấu trở mình qua bên phải nhắm mắt lại. Nhưng đúng lúc đang ngáy dở, ngã lại nghe thấy tiếng gì vo ve bên tai: “Vi...e...é...”

- Thằng Muỗi phải cút đi ngay từ lúc đó rồi chứ!

Gấu nín thở nằm yên, giả bộ ngủ say, nhưng suốt thời gian đó gã lắng nghe, đợi cho Muỗi tìm nơi đậu khác.

Còn Muỗi thì cứ tiếp tục vo ve, vo ve rồi đột nhiên ngừng bặt.

- Thật là thoát nợ! - Gấu nhủ thầm và nằm duỗi ra. Nhưng, Muỗi đã lại nhẹ nhàng đậu lên tai Gấu và bò vô trong. Muỗi chích Gấu một cú đau dễ sợ! Gấu nhảy dựng lên. Gã vung bàn tay phải, đập vô tai gã mạnh đến nỗi nảy đom đóm mắt. Dứt khoát, cú đó thì đủ săn sóc cho cái thằng Muỗi đến tàn đời.

Gấu gãi tai và sửa soạn chỗ nằm. Gã có thể ngủ được rồi đây! Nhưng đúng lúc ngã vừa nhắm mắt, thì lại nghe có tiếng “Vi...e...é” quen thuộc.

- Thật là tai họa không thể chịu được nữa!

Gấu rền rỉ, vùng dậy, đâm đầu chạy khỏi cái nơi Muỗi đã đưa nó vào tròng. Gã trượt té, xô bừa qua các bụi cây, ngáp đến sái quai hàm, vừa đi vừa buồn ngủ đến suýt ngục xuống. Thế mà Muỗi vẫn ở ngay bên cạnh: “Vi...e...é”

Gấu lại tiếp tục chạy. Gã chạy đến hụt hơi rồi gục xuống dưới một lùm cây. Gã nằm đó thở hổn hển, dỏng đôi tai lên lắng nghe tìm Muỗi.

Khu rừng thật là yên vắng, và tối đen như mực. Tất cả các loài chim, thú đều đang ngủ ngon lành. Riêng Gấu trằn trọc và gần xỉu vì kiệt sức.

- Khốn khổ quá! - Gấu tự nhủ: - Cái thằng Muỗi nhép đó nó gây khốn đốn cho mình, đến chẳng còn nhớ nổi tên mình là gì nữa. Sung sướng là mình đã xoay xở thoát được. Bây giờ, cuối cùng thì mình cũng có thể ngủ được một chút.

Gấu tới dưới một bụi dẻ lớn. Gã nhắm mắt lại và ngủ vật vờ. Gã bắt đầu mơ. Gã thấy mình đang ở trong rừng, bất ngờ gặp một tổ ong đầy mật. Gã sắp thọc tay vô tổ ong thì đã nghe có tiếng vẳng tới: “Vi...e...é”.

Muỗi đã tìm được Gấu và cuối cùng lại đánh thức Gấu dậy!

Gấu ngồi dậy, rên rỉ. Trong khi đó Muỗi tiếp tục bay vòng quanh đầu gã, lúc tới gần, khi xa xa, vo ve lúc to lên, khi nhỏ lại, cho đến lúc đột nhiên Muỗi ngừng hẳn. Muỗi đã biến mất rồi ư?

Gấu đợi một lát, rồi gã bò lết ra xa, vô một bụi cây, nhắm mắt lại. Toại nguyện. Gã vừa chợp mắt thì đúng khi đó, Muỗi cất lên giọng ca “Vi...e...é”.

Gấu bò lê ra khỏi bụi cây. Gã bắt đầu gào khóc.

- Thì mày muốn gì, hở loài sâu bọ? Tao cầu cho mày chết rũ! Mày đợi đấy! Tao không thèm ngủ một tí nào nữa. Tao sẽ tóm được mày cho mà coi!

Muỗi đã cho Gấu “khiêu vũ” đến tận lúc mặt trời lên. Nó đã làm cho Gấu hoàn toàn mệt lử. Suốt đêm Gấu chẳng được nghỉ lấy một chút nào. Gã đã tự đập gã đến thâm tím mình mẩy, để cố bắt cái thằng Muỗi nhép đó mà không được.

Mặt trời lên. Những con chim, con thú tỉnh dậy sau một đêm ngủ ngon lành. Chúng nhảy nhót và ca hót vui vẻ. Chỉ một mình Gấu không vui vẻ gì trước lúc bắt đầu một ngày mới.

Thỏ gặp Gấu ở ven rừng buổi sáng hôm đó. Gấu xù bước vấp, bước trượt, lảo đảo lê đi. Nó chẳng thế nào mở nổi con mắt ra nữa, vì quá buồn ngủ.

Thỏ cười đã đời! Nó cười đến suýt bể bụng ra mất.

- Cảm ơn Muỗi nhé!

- Thỏ vui vẻ nói khi vừa trông thấy Muỗi.

- Bạn thấy gã Gấu đấy chứ?

- Tất nhiên rồi! - Thỏ đáp rồi lại bật cười.

- Bạn thấy tôi cũng không đến nỗi bé nhỏ và yếu ớt quá như người ta tưởng, phải không?

Muỗi nói xong, vừa bay đi vừa cất giọng hát “Vi...e...é".

Sưu tầm


LỪA VÀ LA

Lừa và La cùng đi đường. Hai con cùng chở hàng bằng nhau. Lừa càu nhàu là La cũng mang bằng nó nhưng nhận phần thức ăn gấp đôi. La lẳng lặng không nói gì. Được một quãng, Lừa thấm mệt.

Người chủ hàng lấy bớt một phần hàng trên lưng Lừa chuyển sang cho La. La không phàn nàn gì, tiếp tục đi. Được một quãng đường nữa, Lừa càng đuối sức. Chủ hàng lại lấy thêm hàng chuyển sang cho La. Trên lưng Lừa hầu như chẳng còn hàng hoá gì nữa, lẽo đẽo đi sau, vừa đi vừa thở hổn hển. Khi ấy, La quay lại bảo Lừa:

- Này bạn thân mến, tôi đáng được hưởng gấp đôi phần ăn đấy chứ?

Vì vậy, khi ta xét đoán công việc mọi ngưòi không phải ở lúc bắt đầu, mà là ở khi kết thúc.

Tác giả Sưu tầm


Phân biện

Một con Nai bên bờ suối,

Nước trong veo lầm lủi trôi xuôi,

Soi bóng mặt nước, Nai vui,

Hãnh diện cái gạc đang chui trên đầu.

Nó say mê mãi nhìn gạc ấy,

Nhưng thất vọng khi thấy bốn chân:

Dị tướng, lỏng khỏng, cơ bần,

Bước nhanh sẽ gãy, muôn phần xấu xa.

Bèn thì thầm tạ ơn Thượng Ðế,

Ðã ban cho gạc để lấy oai.

Tiếc thay: Ngài đã tính sai,

Bốn chân ốm yếu, nạn tai khó lường!

Bỗng đâu Nai chợt nghe chó sủa,

Ðoàn thợ săn đang bủa lưới vây.

Nguy to: Ắt phải bỏ thây,

Lanh chân chạy trốn, phen nầy mạng vong.

Liều thân sống, tuôn bờ lướt bụi,

Bốn chân gầy giong ruổi tung bay.

Cát gạc mải vướng chông gai,

Ngăn chận bước tiến, hoạ tai bất ngờ.

Kinh nghiệm ấy giúp Nai thấy rõ:

Bốn chân ốm chứng tỏ tình thương

Thượng Ðế âm thầm biểu dương,

Giúp nó thoát khỏi tai ương sống còn.

Cái gạc kia quả là vô dụng,

Chỉ để người ca tụng, khoe khoang.

Lắm khi trở ngại, chặn đàng,

Khiến việc đào tẩu muôn ngàn khó khăn.

Cẩn thận trong phê bình sự việc,

Nhận định đúng điều thiệt, lẽ hư.

Xét đoán trung trực , vô tư,

Giúp ta tránh khỏi ưu tư, buồn phền.

Người thường lộn "đẹp" và "hữu ích",

"Ðẹp" mang lại vui thích, mê say,

- Những nét hào nhoáng bên ngoài -

Cuộc sống thoải mái, tháng ngày thêm tươi

Ðiều "hữu ích" giúp người sống khoẻ,

Rất cần thiết cho trẻ lẫn già.

Thiếu nó: lià cõi Ta Bà,

Nhờ nó mới sống, để mà tiến thân!

La Fontaine


Sự thật...!

Một ông già đang ngồi với cậu con trai 25 tuổi của mình trên một chuyến tàu. Con tàu sắp khởi hành khỏi nhà ga....

Tất cả hành khách cũng đã tìm được chỗ ngồi của mình. Cậu con trai thấy tràn đầy niềm vui và sự tò mò khi con tàu khởi hành. Ngồi bên cửa sổ, anh đưa tay ra ngoài, cảm nhận những luồng không khí nhẹ lướt qua. Cậu hét lên:

- “Cha có thấy không, tất cả các cây đang đi về phía sau !” Ông khẽ mỉm cười và thấy xúc động trước những cảm giác của đứa con thân yêu.

Ngồi bên cạnh cậu con trai, là một cặp vợ chồng, họ nhìn cậu với một con mắt khác thường, tỏ vẻ khó chịu.

Đột nhiên, Cậu lại hét lên:

-”Cha ơi nhìn xem những cái ao,và các con vật kìa. Cả đám mây cũng đang di chuyển cùng chúng ta”. Cặp vợ chồng nhìn cậu một cách đầy xấu hổ.

Trời đã bắt đầu mưa, những giọt nước chạm vào tay cậu. Một niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt chàng trai trẻ tuổi, cậu nhắm nghiền mắt lại, như đê cảm nhận rõ hơn cảm giác này. Một lần nữa, cậu lại hét lên:

-“Cha ơi, trời đang mưa, và cha có thấy không nước đã chạm vào tay con”.

Dường như, cặp vợ chồng đó không chịu nổi nữa, họ nói với người cha: Tại sao ông không đưa cậu ta tới bác sĩ, họ sẽ điều trị cho anh ta.

“Vâng, chúng tôi vừa trở về từ bệnh viện.Hôm nay, là ngày đầu tiên con trai tôi nhìn thấy cuộc sống này”, người cha nói.

Giờ thì có lẽ chúng ta đã hiểu, những hành động tưởng như “điên dồ” đối với một chàng trai 25 tuổi. Đừng vội kết luận cho đến khi bạn biết tất cả sự thật.

Cao Thị Thúy


CÁC CHA COI CHỪNG KẺO PHẢI…

Ha Ha Ha... Vui thôi mà!!!

Cha sở và một anh tài xế xe đò được Chúa gọi về cùng một ngày. Khi về đến cổng thiên đàng, thánh Phêrô mới nhác thấy anh tài xế thì đã ân cần gọi vào bên trong còn cha sở thì bị ngài phớt lờ.

Cha sở bất bình mới tiến tới thưa ngài:

“Thưa thánh Phêrô, con là linh mục của Chúa, suốt đời tận tụy với công việc của con mà sao ngài không cho con vào ngay. Anh kia thì chỉ làm job tài xế bình thường lại thường xuyên phóng nhanh vượt ẩu. Ngồi trên xe ảnh người ta muốn đứng tim luôn mà sao ngài lại săn đón nồng nhiệt quá”.

Thánh Phêrô liền bảo:

“Này con, con không biết sao, con không lo siêng năng dọn bài giảng nên khi con làm cái job của con thì người ta ngủ hết. Còn anh ta mỗi lần ảnh làm cái job của ảnh là bà con đọc hết kinh này đến kinh khác”.

Lý Thùy Dung