Truyện Minh Hoạ - Tình Yêu |
Tôi có nhiều kỷ niệm về cha tôi và về thời gian tôi lớn lên cùng với ông trong căn hộ chung cư của chúng tôi bên cạnh đường rầy xe lửa. Trong suốt 20 năm trời, chúng tôi phải nghe tiếng gầm rú của xe lửa khi nó chạy ngang qua phía cửa sổ phòng ngủ của ông. Đêm khuya, ông cô đơn đứng chờ xe lửa đến đưa ông đi làm ca đêm trong một xưởng thợ. Vào đêm đáng nhớ này, tôi cũng đứng chờ xe với ông trong bóng tối để chào tạm biệt ông. Mặt ông trông thật giận dữ vì đứa con trai út của ông bị bắt đi quân dịch. Tôi sẽ tuyên thệ vào lúc 6 giờ sáng hôm sau lúc ông đứng bên kia chiếc máy cắt giấy của ông nơi ông làm việc. Cha tôi nói với tôi về cơn giận của ông, ông không muốn người ta đem đứa con trai mới 19 tuổi của ông – một cậu bé chưa bao giờ uống một ly rượu hay hút một điếu thuốc – đi chiến đấu mãi tận Âu châu! Ông để hai tay lên đôi vai mảnh khảnh của tôi và nói : - Ted, con hãy thận trọng, cần gì cứ viết thư cho bố. - Con trai của bố, bố yêu con! Rồi xe lửa tới, những chiếc cánh cửa đóng lại nhốt ông ở bên trong rồi ông biến vào màn đêm. Một tháng sau cha tôi qua đời lúc mới 46 tuổi. Khi ngồi viết những hàng chữ này tôi đã 76 tuổi. Đã có lần nghe Peter Hamill phóng viên tờ báo New York nói rằng : - Những kỷ niệm là gia tài vĩ đại nhất của con người. - Con trai của bố, bố yêu con. TedKrager Trong một căn phòng, không gian tĩnh lặng tới mức người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của những ngọn nến. Cây nến thứ nhất than vãn: "Ta là biểu tượng của Thái Bình, Hoà Thuận. Thế nhưng đời nay những cái đó thật chông vênh. Thế giới hiếm khi im tiếng gươm súng, người với người - thậm chí vợ chồng anh em trong một nhà cũng chẳng mấy khi không cãi cọ". Thế rồi ngọn nến leo lét, ngọn lửa mờ dần cho tới khi ánh sáng lụi tắt hoàn toàn. Ngọn nến thứ hai vừa lắc vừa kể lể: ''Ta là Niềm Tin. Thế nhưng trong thế giới này hình như ta trở nên thừa thãi, một món xa xỉ. Biết bao kẻ sống theo thời không cần tới niềm tin". Nói rồi ngọn nến từ từ, tắt tỏa ra một làn khói trắng luyến tiếc. ''Ta là Tình Yêu - ngọn nến thứ ba nói - Nhưng ta không còn đủ sức để tỏa sáng nữa. Người ta gạt ta ra một bên và không thèm hiểu giá trị của ta. Cứ nhìn thế giới mà xem, không thiếu kẻ quên luôn cả tình yêu đối với những người ruột thịt của mình''. Dứt lời phẫn nộ, ngọn nến vụt tắt. Căn phòng trở nên tối tăm. Chỉ còn một ngọn nến nằm ở góc xa vẫn tiếp tục phát ra ánh sáng, như ngôi sao đơn độc giữa bầu trời đêm âm u. Bất chợt một cô bé bước vào phòng. Thấy ba ngọn nến bị tắt, cô bé thốt lên: ''Tại sao các bạn không cháy nữa? Cuộc sống này luôn cần các bạn. Hòa Bình, Niềm Tin, Tình Yêu phải luôn tỏa sáng chứ''. Cây nến thứ tư nãy giờ vẫn lặng lẽ cháy trong góc phòng, đáp lời cô gái: ''Đừng lo. Tôi là Hy Vọng. Nếu tôi còn cháy, dù ngọn lửa rất mong manh, chúng ta vẫn có thể thắp sáng lại Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu''. Mắt cô bé sáng lên. Cô bé dùng cây nến thứ tư : Cây - Nến - Hy -Vọng, thắp sáng trở lại các cây nến khác . Sưu tầm Trong công viên, trên ghế dài gần sân chơi thể thao, người phụ nữ ngồi cạnh người đàn ông. - Con trai tôi kìa - Người phụ nữ nói và bà chỉ một cậu bé mặc áo đỏ đang chơi cầu trượt. - Nó xinh thật - Người đàn ông cười, rồi nói - Còn kia là con gái tôi. Cháu mặc chiếc váy màu trắng và đang đi xe đạp. - Rối ông nhìn đồng hồ, cất tiếng gọi cô con gái. - Melissa, đến giờ về rồi ! Cô bé vòi vĩnh : - Năm phút nữa thôi bố nhé ! Chỉ năm phút thôi mà ! Ông bố gật đầu và Melissa tiếp tục chạy xe một cách thích thú. Năm phút trôi qua và ông lại gọi con. Lại một lần nữa Melissa nài nỉ : - Bố ơi, năm phút nữa nhé ! Ông bố cười rộng lượng. Người phụ nữ ngồi cạnh cũng mỉm cười và khen ông : - Anh đúng là một ông bố dễ tính và kiên nhẫn. Người đàn ông cười thật buồn và kể : - Con trai lớn của tôi, Tommy, đã mất trong một tai nạn giao thông vào năm ngoái khi đang tập xe ở gần đây. Tôi chưa bao giờ có nhiều thời gian dành cho cháu dù chỉ là năm phút. Tôi không bao giờ muốn lập lại lỗi lầm đó với Melissa. Melissa nghĩ là cháu có thêm năm phút để chạy xe, nhưng thực sự thì tôi mới là người có thêm năm phút để nhìn cháu chơi đùa. Sưu tầm Một ngày của mẹ luôn bắt đầu sớm hơn vài giờ so với những thành viên trong gia đình. Một ngày của mẹ bắt đầu với ánh lửa bập bùng trong gian bếp. Mẹ lúi húi chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà và lên thực đơn cho bữa cơm tối. Hà Nội bắt đầu chớm lạnh. Mẹ muốn bố và con ấm bụng trước khi ra khỏi nhà và sau một ngày trở về có được những bữa cơm ấm áp. Bao năm rồi mẹ vẫn giữ thói quen kiểm tra tư trang của bố con con trước khi ra khỏi nhà: bố và con có mang theo áo mưa không? Cà vạt của bố có chỉnh trang không? Cái áo khoác con mặc có đủ ấm không? Con nhớ có một buổi tối con làm mẹ giận, con nghĩ chiều về sẽ lựa lời xin lỗi mẹ, nhưng sáng hôm sau trước khi con ra khỏi nhà mẹ đã cho con điểm tâm bằng một bát súp nóng hổi và một nụ cười: - Mẹ hết giận con rồi, con đi xe cẩn thận nhé. Hôm đó trời rét như cắt nhưng con thấy lòng mình ấm lắm. Con đã quen với mỗi buổi chiều tan học về lại thấy cánh cửa nhà rộng mở. Hình như từ cơ quan về nhà mẹ vẫn chỉ quen đi trên một con đường. Vẫn những tất bật của một người nội trợ sau những giờ rời công sở: nấu cơm, lau dọn nhà cửa, giặt giũ, gấp quần áo và ngồi vào chiếc bàn là để ngày mai bố con con lại "bảnh bao" hơn trong những bộ trang phục. Có những khi bố làm việc khuya mệt quá ngủ thiếp đi mà quên tắt máy tính, có hôm con ngủ quên không kéo cửa chớp nhưng sáng mai thức dậy máy tính đã tắt, cửa chớp cũng đã đóng lại từ bao giờ. Và người thầm lặng làm những việc ấy như một thói quen trước khi đi ngủ đó là mẹ của con. Một lần, con tình cờ nghe mẹ nói chuyện với bạn: - Nếu nhìn vào ai cũng nghĩ rằng cuộc sống của mình thật đơn điệu và tẻ nhạt nhưng mình lại tìm thấy niềm vui và hạnh phúc ở đó bạn ạ. Triết lý về hạnh phúc của mẹ đơn giản chỉ là được chăm sóc bố con con. Mẹ bảo mẹ sợ ốm lắm vì không muốn thấy hai bố con loay xoay với công việc nhà. Bố bảo mẹ cứ ôm nhiều việc rồi tự làm mình khổ. Mẹ cười: Người khác thấy mình khổ mà mình lại không thấy khổ nghĩa là mình sướng. Lại thêm một triết lý rất giản đơn của mẹ. Mẹ dùng mãi mà vẫn không thạo hết chức năng của chiếc điện thoại di động mà bố mua cho, khi con lập cho mẹ cái nick chat rồi mẹ lại quên mật khẩu, nghe quảng cáo rầm rộ nhưng mẹ không hiểu thế nào là công nghệ 3G. Mẹ tự nhận mình là người kém cỏi. Nhưng con biết cái mẹ thiếu đó là thời gian vật chất để tìm hiểu những điều mới mẻ bởi vì phần lớn thời gian trong một ngày mẹ dành để yêu thương. Đêm xuống rồi, mẹ hãy gác những bộn bề lo toan lại để ngủ thật ngon nhé, mẹ của con... Bùi Thu Hoàn Câu chuyện mà Harper Lee kể rất vô tư. Lời lẽ giản đơn, tâm sự nhẹ nhàng, suy nghĩ dễ hiểu, đó là câu chuyện của một đứa trẻ tên Jean Louise (còn gọi là Scout). Scout và người anh trai tên Jeremy (hay gọi là Jem) kể về cuộc sống của chúng ở hạt Maycomb bé nhỏ, nơi mọi người gần như đều quen nhau và đã sống cạnh nhau suốt nhiều thế hệ tiếp nối. Tôi tin rằng sẽ không ai có thể kể câu chuyện “Giết con chim nhại” hay bằng cô bé Scout ghét bị gọi là con gái và thường xuyên mặc quần yếm thay vì váy đầm của những “quý bà” nhỏ tuổi. Scout và Jem học về thế giới qua câu chuyện của những người lớn. Một bố Atticus thường xuyên đối thoại, lí luận với chúng thay vì những áp đặt. Một cô giáo Caroline sẵn sàng tin rằng những chuyện kể thơ ngây của cô có thể làm vui tụi nhỏ con nhà nông lam lũ từ trước khi vào lớp 1. Cô Maudi hàng xóm yêu cây cỏ và biết làm những cái bánh ngon cực kì để quyến rũ bao tử của chúng. Người giúp việc da đen Calpurnia biết chữ và biết giáo dục những đứa trẻ con chủ nhà thay ông luật sư bận rộn suốt ngày.... Thế giới thay đổi, cuộc sống thay đổi, cả vị trí cũng thay đổi. Scout và Jem sống trong áp lực của những trận chế nhạo, dè bỉu, những câu phỉ báng và xúc phạm tuổi thơ kiểu như “bố Atticus là kẻ yêu bọn mọi đen”. Scout đã phải hạ nắm đấm xuống, ngẩng cao đầu khỏi những lời đàm tiếu để không làm bố Atticus bận lòng. Phiên tòa của bố Atticus không cứu được Tom Robinson bất chấp ông đã chứng minh được sự vô tội của người da đen tốt bụng bị tật một tay đó. Scout và Jem đã ngồi trong hàng ngũ những người da đen, nghe toàn bộ phiên xử, chứng kiến người ta tuyên án Tom có tội. Jem chạy bật khỏi tòa. Một uất ức thầm kín len lỏi vào hai đứa trẻ. Nhưng đó là nước Mỹ, ở cái khởi đầu rất đau đớn của cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Người da đen vẫn là tầng lớp đáy cùng của xã hội, với những thành kiến, cáo buộc và sự tàn nhẫn của người da trắng... Con chim nhại đã chết. Đó là trái tim của Jem, suốt nhiều năm luôn một mực tin vào lẽ phải mà cha mình bảo vệ, tin vào những lí luận rõ ràng nhất của sự thật và tin rằng Tom có thể trắng án về nhà với vợ con với chừng ấy chứng cớ mà cha Atticus tìm được. Jem không bao giờ còn đủ can đảm để nhắc về vụ án đó nữa, nó hét vào mặt em Scout khi cô bé lỡ lời nhắc lại chuyện cũ. Niềm tin vào lẽ phải đầu tiên trong đời của Jem bị đánh đổ. Tom Robinso bị bắn khi cố leo hàng rào nhà tù chạy thoát. Anh ta bấn loạn. Anh không tin rằng cái tòa án của người da trắng sẽ minh oan cho anh. Bố Atticus giỏi giang và uy tín chừng ấy còn không cứu được anh cơ mà. Tom chết vì cuộc chạy trốn – chết vì không còn niềm tin vào bất cứ thứ công lí nào ở đời... Boo Radley cũng là một nạn nhân khác của cái mù quáng trong giáo dục. Ông ta mãi mãi mất đi cuộc sống và tuổi trẻ chỉ vì một lần lầm lỗi, mãi mãi sống đằng sau song cửa tù túng của ngôi nhà cô đơn và nhìn thế giới chuyển động. Ông ta là một người tốt bị từ bỏ trong thế giới đầy rẫy những con chim nhại thơ ngây bị giết. Cô Maudi từng nói: “Những con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên những bẹ ngô, chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi.” Thật đau đớn để nhận ra rằng, mọi đứa trẻ đều lớn lên theo cách của Jem và Scout – những niềm tin rõ ràng vào sự trắng –đen dần bị đánh đổ, hủy hoại. Thay vào đó, đôi mắt thơ ngây buộc phải mờ dần trước những tông màu chuyển tiếp xám, đục, xám đen... rất tàn nhẫn và đầy mơ hồ của cuộc sống. Con người tốt đẹp liên tục bị xâm hại bởi cái xấu, hoặc bị hủy hoại bởi những nỗi khổ sở khi phải từ bỏ niềm tin vào những chuẩn mực cái thiện mà họ đã được giáo dục. Mọi đứa trẻ đều không được quay cóp bài; nhưng những đứa đi học thêm sẽ luôn được điểm cao nhất. Bài học đạo đức dạy rằng trẻ em phải lễ độ và thật thà, trong khi chính những người thầy và kẻ làm cha mẹ chưa bao giờ tự hỏi mình đã thật sự tôn trọng cái lễ độ của con cái chưa... Những con chim nhại vẫn bị giết chết, thế giới trở nên mập mờ hơn trong màu xám hoảng loạn của những con người mất chuẩn. Nhưng thế giới cũng không ngừng tốt đẹp hơn bởi những người mù quáng mạnh mẽ dám tin vào cái thiện và sẵn sàng chịu đau trước những phát súng săn để tiến thêm một bước nữa trong hành trình làm người của mình... Scout và Jem, chắc chắn sẽ luôn nhớ đến vẻ tự tin và lòng nhân ái của bố Atticus trong ngày ông ở tòa đấu tranh cho người da đen tật nguyền vô tội Tom Robinson... Khải Đơn Một ngày mới lại bắt đầu, nghĩ đến 5 tiết dạy buối sáng ở trường dạy nghề là tôi lại cảm thấy mệt mỏi. Không hiểu nguyên nhân gì mà mấy ngày gần đây tôi không còn hứng thứ với công việc giảng dạy của mình nữa. Dường như thời gian đã làm giảm lòng nhiệt tình của một thầy giáo vốn được coi là yêu nghề như tôi. Mở máy di động của mình ra, có một tin nhắn rất lạ: “Chào thầy giáo, tôi có một việc muốn gặp thầy, nếu có thời gian rỗi xin thầy nhắn lại cho tôi theo số điện thoại này. Cảm ơn thầy! Mary”. Cố lục trong trí nhớ người có tên Mary nhưng không ra. “Có thể là một khách hàng muốn sửa xe” - Tôi nghĩ. Vì ngoài thời gian giảng dạy, tôi còn nhận sửa xe cho khách hàng. Trong khoảng thời gian rỗi ngồi ở văn phòng nhà trường trước khi vào lớp, tôi gọi điện lại cho người có tên Mary: - Vâng, chính tôi đây. - Chào chị, tôi là Mark, giáo viên ở trường dạy nghề sửa chữa ôtô, tôi nhận được tin nhắn của chị. Chắc chiếc xe của chị có vấn đề và cần tôi sửa? - Ồ, xin chào thầy giáo, rất vui là thầy đã gọi điện lại cho tôi. Thầy có thể dành cho tôi vài phút được không? Khi nghe câu chuyện tôi kể, chắc chắn thầy sẽ rất vui. - Người phụ nữ đầu dây bên kia hào hứng. - Có gì quan trọng thì chị cứ nói, nhưng tôi còn rất ít thời gian vì sắp phải vào lớp. - Tôi miễn cưỡng đáp khi nhìn đồng hồ thì chỉ còn vài phút nữa là phải vào lớp. - Vâng, tôi sẽ nói ngắn gọn thôi. Tôi là Mary, y tá của một bệnh viện trong thành phố. Tối qua, trên đường về nhà, xe của tôi tự dưng bị hỏng giữa đường. Lúc đó đêm đã khuya, chỉ có một mình nên tôi rất lo lắng và không biết nên làm thế nào. - Vậy tôi có thể giúp gì được? - Dạ, thầy có thể nghe hết lời tôi nói không? Chỉ một chút thôi… - Vâng, chị cứ tiếp tục đi. - Tôi lại nhìn đồng hồ và khó chịu. - Đúng lúc tôi đang bối rối thì đằng sau tự dưng có hai thanh niên lái xe tới. Họ xuống xe và hỏi tôi chiếc xe bị làm sao, lúc đó tôi vô cùng sợ hãi. Thầy biết không, hai chàng trai trẻ đó đã lụi hụi sửa xe cho tôi và thật không ngờ, chiếc xe lại chạy được”. - Vậy, bây giờ chiếc xe của chị ra sao? Có cần phải sửa chữa gì không? Chị nên đi kiểm tra một lần nữa xem sao. - Gì cơ? Học sinh cũ của tôi à? Chị không biết họ tên của họ à? - Thật đáng tiếc, họ không nói. Họ chỉ đưa cho tôi tên và số điện thoại của thầy. Tôi chỉ muốn nói với thầy một câu: Cảm ơn thầy đã dạy dỗ được những học sinh tốt như vậy! Trong mấy chục năm đứng trên bục giảng, không nhớ có bao nhiêu khoá học sinh tôi đã trực tiếp giảng dạy. Không chỉ dạy học sinh những kiến thức cơ bản về sửa chữa ôtô, tôi còn kể cho họ nghe những câu chuyện hay về đạo làm người. Nhưng không ngờ những học sinh đó vẫn còn nhớ những câu chuyện của tôi. - Thầy giáo Mark, thầy còn nghe tôi nói không? Tôi chỉ muốn gặp thầy để nói lời cảm ơn. - Không, chị Mary. Người nói lời cảm ơn phải là tôi. Trên quãng đường lên lớp để tiếp tục công việc của mình, tôi dường như cảm thấy mình đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Lần đầu tiên trong suốt mấy chục năm làm giáo viên tôi mới ý thức được rằng công việc của mình thật cao quý và ý nghĩa. Và đối với một giáo viên như tôi, phần thưởng này tuy đến muộn nhưng lại là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời. Hải Hiền (Theo success-story.cn) Tôi cầm trên tay tấm hình chụp toàn lớp cũ của tôi hồi học trường cấp hai. Trong ảnh, cô giáo chủ nhiệm để tay lên vai tôi, cô cười hiền hậu. Kỷ niệm cũ về cô lại trỗi dậy trong tôi bồi hồi, xúc động… Cô giáo tôi có thói quen là cứ đến cuối học kỳ, hoặc cuối năm học lại đề nghị chúng tôi viết vào một tờ giấy nhỏ những ý nghĩ và nhận xét của mình về cô. Việc làm ấy chúng tôi thực hiện khá đều đặn, vì cô làm chủ nhiệm chúng tôi năm ấy là năm thứ ba. Thường lũ học trò lau nhau chúng tôi không hiểu hết ý định cô giáo, mặt khác, lại sợ cô nữa nên chúng tôi phần lớn toàn viết những lời bóng bẩy, đẹp đẽ, những ước mơ tốt đẹp về cô giáo mình. Lần ấy, trước khi hết cấp hai, chúng tôi cũng lại viết về cô như thường lệ. Tôi suy nghĩ mãi, cuối cùng, mạnh dạn viết: “…Em không buồn vì điểm 1 cô cho, mà em buồn vì em không học bài nên để cô giận. Mẹ em ốm nặng quá, em phải thức suốt đêm chăm sóc mẹ. Em đã tự hứa sáng mai sẽ dậy sớm để học, nhưng mệt quá lại ngủ quên. Cô ơi, nếu cô biết mẹ em ốm nặng thì chắc cô không cho em điểm 1 đâu…”. Viết rồi, tôi đang thẫn thờ suy tính xem có nên gửi cho cô không thì thầy giáo dạy Địa bước vào, đến bên tôi. Tôi hốt hoảng định giật lại tờ giấy từ tay thầy. Thầy chăm chú đọc, mặt thầy đỏ dần lên. Rồi thầy nhìn tôi chằm chằm, sau đó kéo tôi lên văn phòng. Tới nơi, vừa thấy cô giáo tôi, thầy đã nói to: - Học trò gì mà hư, mà láo! Dám nhận xét cả thầy, cả cô. Cô giáo tôi vội hỏi: - Nga, em làm gì thế? Nói cô nghe xem nào! Thầy dạy Địa nói tiếp: - Đây, chị nhìn xem, nó dám bảo chị là độc ác… Nước mắt tôi trào ra. Cô giáo cầm tờ giấy từ tay thầy và chăm chú đọc. Rồi cô bước lại bên tôi, nhìn sâu vào mắt tôi. Tôi òa lên khóc nức nở. Buổi chiều, cô đến thăm mẹ tôi. Cô và tôi bắc bếp nấu cháo cho mẹ. Cô như có điều gì vui lắm, thỉnh thoảng cô lại vuốt tóc tôi. Khi tôi tiễn cô ra cổng, cô nắm tay tôi rồi nói: - Cô cảm ơn em, mai em học bài đi, cô sẽ kiểm tra lại em nhé! Tôi nhìn theo hút cái bóng mảnh mai, hiền hậu của cô đang khuất sau bụi tre, lòng đầy xúc động. Vũ Nho – Trần Mạnh Hưởng Hãy biết yêu thương người thân của mình Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi. Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng. Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”. Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”. Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore. Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore. Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi. Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao? Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo. Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi: “Con yêu quý, Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây. Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ.. Mẹ yêu con lắm, Mẹ...". Sưu tầm Smile at each other, smile at your wife, smile at your husband, smile at your children, smile at each other -- it doesn't matter who it is -- and that will help you to grow up in greater love for each other. Tôi viết ra điều này từ kinh nghiệm bản thân mình. Một ngày nọ, mệt mỏi sau một ngày làm việc, tôi bước từ sở làm về với khuôn mặt nặng trĩu. Thế rồi một người chẳng quen biết gì trên xe điện mỉm cười với tôi, và theo phản xạ, tôi cũng cười đáp lại. Đột nhiên, mọi mệt nhọc trong tôi dường như tan biến. Có một câu chuyện của Saint Exupéry mà tình cờ tôi đọc được. Những người say mê văn học không xa lạ gì với tác giả cuốn Hoàng tử bé. Ông từng là phi công tham gia chống phát xít trong Thế Chiến II. Từ những năm tháng này, ông đã viết ra Nụ cười. Tôi không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, song tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint Exupéry là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông nghĩ rằng nay mai mình sẽ bị xử bắn như những người khác. Ông viết : "Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi co giật và rút từ túi ra một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua chấn song, tôi nhìn thấy người cai tù. Anh ta không thấy tôi, nên tôi đành gọi: -Xin lỗi, anh có lửa không ? Anh nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Ngay lập tức, tôi mỉm cười. Tôi chẳng hiểu tại sao mình lại làm như thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này, dường như có một đốm lửa bùng cháy ngang kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, song do tôi cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh bật diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây, trước mặt tôi không còn là một viên cai tù phát xít mà chỉ còn là một con người. -Anh có con không ? - Anh ta hỏi tôi. -Có - Tôi đáp, và lôi từ túi ra chiéc bóp có hình gia đình mình. Đoạn anh ta cũng lôi từ túi ra tấm hình của những đứa con và bắt đầu kể những hi vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết rằng mình sắp chết và chẳng bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi thành phố, thả tôi ra rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi nhờ một nụ cười. Từ khi đọc được câu chuyện này, tôi nghiệm ra được nhiều điều. Tôi biết rằng bên dưới mọi vỏ bọc mà chúng ta tạo ra để bảo vệ mình, bảo vệ phẩm giá và vị thế của mình, bên dưới những điều này còn có một cái thật quý giá mà tôi gọi là tâm hồn. Tôi tin rằng nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay căm thù nhau. Nếu bạn từng có khoảnh khắc gắn bó với người khác qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin bạn cũng đồng ý với tôi đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau. Mẹ Theresa đã cảm nhận điều này trong cuộc sống và bà đưa ra một lời khuyên chân thành : "Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ bạn, với chồng bạn, với con bạn và với mọi người - dù đó là ai, vì điều này sẽ giúp bạn lớn lên trong tình yêu của nhau". Sưu tầm Một cô gái hỏi bạn trai của mình: Tại sao anh yêu em? - Sao em lại hỏi như thế, làm sao anh tìm được lí do chứ! Chàng trai trả lời. - Không có lí do gì tức là anh không yêu em! - Em không thể suy diễn như vậy được. - Nhưng bạn trai của bạn em luôn nói cho cô ấy biết những lí do mà anh ta yêu cô ấy. - Thôi được, anh yêu em vì em xinh đẹp, giỏi giang, nhanh nhẹn. Anh yêu em vì nụ cười của em, vì em lạc quan. Anh yêu em vì em quan tâm đến người khác.Cô gái cảm thấy rất hài lòng. Vài tuần sau, cô gái gặp một tai nạn khủng khiếp nhưng thật may, cô ấy vẫn còn sống. Bỗng nhiên cô trở nên cáu kỉnh vì cảm thấy mình vô dụng. Vài ngày sau khi bình phục, cô gái nhận được một lá thư từ bạn trai của mình: “ Chào em yêu! Anh yêu em vì em xinh đẹp. Thế thì với vết sẹo trên mặt bây giờ anh không thể yêu em được nữa. Anh yêu em vì em giỏi giang nhưng bây giờ em có làm được việc gì đâu. vậy thì anh không thể yêu em được. Anh yêu em vì em nhanh nhẹn nhưng thực tế là em đang ngồi trên xe lăn. Đây không phải là lí do giúp anh yêu em.Anh yêu em vì nụ cười của em nhưng cả tháng nay rồi anh chẳng thấy em cười. Anh có nên yêu em nữa không? Anh yêu em vì em lạc quan. Bây giờ anh không yêu em nữa vì lúc nào em cũng nhăn nhó, than vãn. Anh yêu em vì em quan tâm đến người khác nhưng giờ đây mọi người lại phải quan tâm đến em qua nhiều. Anh không nên yêu em nữa. Đấy, em chẳng có gì khiến anh phải yêu em vậy mà anh vẫn yêu em. Em có cần một lí do nào nữa không, em yêu?” Cô gái bật khóc và chắc chắn cô không cần biết một lí do nào nữa. Còn bạn, bạn có bao giờ hỏi những người thân của bạn lí do vì sao họ yêu bạn không? Tình yêu đôi khi không nhất thiết phải cần một lí do. Sưu tầm |