Truyện Minh Hoạ - Tha Thứ

Kẻ Không Biết Sám Hối

Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình. Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.

Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình định đến cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn. Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ và tại đây, anh đã rút súng sát hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người thanh niên đang ăn dở... Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn năn sám hối...

Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải... Anh đã được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.

Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt răng thế răng, hoặc tôi cho anh để tôi cho lại... Kẻ có tội luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác của người đó đã gây ra... Thiên Chúa dường như chỉ có một công lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô, nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúa.

Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người. Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân. Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng... Chúng ta nhìn đến thân phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.

Sưu tầm


BỐN PHÁT SÚNG

Tên anh ta là Lohser, mang cấp bậc Trung uý trong quân đội Đức Quốc Xã. Năm 1944, Lohser chỉ huy 1 toán quân Đức Quốc Xã đóng tại thành phố Molina (Ý), anh ta trước đây là người Công giáo, nhưng rồi đã bỏ đạo để gia nhập đảng Quốc Xã Phát Xít.

   Hôm ấy Lohser uống rượu trong quán Graziani, và khi đã quá chén, anh rút súng lục ra, nhắm vào tượng Thánh Giá treo trên tường làm bia để biểu diễn tài nghệ:

   - Phát 1: trúng con mắt phải tượng Chúa.

   - Phát 2 và 3: trúng ngực tượng Chúa.

   - Phát 4: trúng bàn chân trái tượng Chúa.

   Thấy vậy, mọi người hoảng sợ chạy trốn, chỉ còn lại anh tài xế Georgis phải lái xe đưa Lohser về đơn vị. . . Khi xe đang chạy trên đường thì bỗng 1 máy bay địch xuất hiện và nhắm vào xe jeep bắn xuống. Lohser bị trúng đạn, máu ra nhiều, nên viên tài xế phải dừng xe để săn sóc vết thương:

   - mắt phải trúng 1 viên đạn,

   - ngực trúng 2 viên,

   - bàn chân trái trúng 1 viên.

   Nhưng may mắn cuối cùng cho anh ta, là anh ta đã kịp hối lỗi. Anh cầu nguyện với Chúa: “ Lạy Thánh Giá Chúa, lạy Thánh Giá Chúa, trong mấy năm qua, con mắt linh hồ con mù quáng, không nhìn thấy Chúa, không nhìn thấy đời sau, mà chỉ thấy có tiền tài danh vọng. Giờ đây, con được thấy Chúa, thấy sự công bình của Chúa và nhất là lòng yêu thương tha thứ của Chúa”

Mười phút sau đó anh ta tắt thở.

Ngày nay tượng Thánh Giá mà Lohser đã dùng làm bia được cất giữ trong 1 chiếc tủ kính tại nhà thờ Molina, và cứ vào ngày 15 tháng 6 hằng năm, giáo dân ở đây lại tổ chức rước kiệu tượng Thánh Giá này chung quanh nhà thờ."

Sưu tầm


LỌN CỎ CHUYỀN TAY

Đảo cư dân hiu quạnh ấy ở Nam Thái Bình Dương được một vị thừa sai ghé thăm mỗi tháng một lần – để dâng Thánh Lễ, rửa tội trẻ em và cầu nguyện cho những người mới qua đời trong tháng. Đặc biệt, thổ dân ở đây có một tập tục độc đáo được họ thực hành mỗi lần vị linh mục thừa sai đặt chân tới đảo.

Bao giờ cũng vậy, tù trưởng là người đầu tiên bước tới chào nhà thừa sai. Hai người ôm nhau, rồi tù trưởng trao cho nhà thừa sai một lọn cỏ bản địa. Linh mục thừa sai nhận lọn cỏ, rồi trao lại cho tù trưởng. Vị tù trưởng trao lọn cỏ ấy cho người đứng kế bên mình. Và cứ thế tiếp tục, lọn cỏ được chuyền lần lượt từ người này đến người kia. Theo truyền thống của cư dân đảo này, những con người sống trên một ốc đảo trơ trọi giữa đại dương bao la, lọn cỏ đó là dấu tích thánh thiêng về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa họ. Họ coi lọn cỏ đó là biểu tượng của hòa bình và hòa điệu.

Sau khi lọn cỏ đã qua tay tất cả mọi người trong làng (ám chỉ rằng mọi người trong làng đang sống trong hòa bình và hòa điệu với nhau), nó được trao lại cho tù trưởng, và tù trưởng trao cho nhà thừa sai. Bấy giờ nghi thức kết thúc, và Thánh Lễ được bắt đầu.

Có lần, trong một chuyến viếng thăm hằng tháng của nhà thừa sai, nghi thức chuyền tay lọn cỏ diễn ra nửa chừng thì bị bế tắc. Số là có hai cha con nhà nọ đang có chuyện bất hòa nhau, nên họ không chuyền lọn cỏ cho nhau. Vì thế nghi thức không thể kết thúc được, và linh mục thừa sai không thể bắt đầu Thánh Lễ như thông lệ.

Lần ghé lại đảo vào tháng sau đó, thừa sai cũng không thể dâng Thánh Lễ, vì nghi thức vẫn bị khựng lại khi lọn cỏ đến chỗ hai cha con kia: họ vẫn còn giận nhau!

Phải đến tháng thứ ba, hòa bình và hòa điệu mới được vãn hồi giữa hai cha con, và lọn cỏ được chuyền thông suốt qua mọi người. Dân làng mới lại sẵn sàng để dâng Thánh Lễ.

Lê Công Đức, Lm


DÙI CUI

Nhà bác học thiên tài Albert Einstein, trong giai đoạn cuối đời, có lần đồng ý mở một cuộc họp báo. Rất nhiều phóng viên có mặt. Sau khi họ nêu nhiều câu hỏi về các đề tài khác nhau, một trong số các phóng viên đặt câu hỏi: “Thưa ông Einstein, theo ông dự đoán thì loại vũ khí nào sẽ được dùng trong chiến tranh thế giới lần thứ ba?”

Einstein khẽ lắc đầu, đáp:

“Chiến tranh thế giới lần thứ ba ư? Tôi không thể đoán chính xác. Có một điều tôi biết chắc, đó là tôi biết người ta sẽ dùng loại vũ khí gì trong chiến tranh thế giới lần thứ tư.”

Tất cả các phóng viên có mặt đều im phăng phắc, vểnh tai lên để đón nghe dự báo của nhà bác học. Einstein nói tiếp:

“Vũ khí mạnh mẽ nhất mà con người sẽ sử dụng trong chiến tranh thế giới lần thứ tư ư? Dùi cui !”

Lê Công Đức, Lm


ĐIỀU KHÔNG BÌNH THƯỜNG  

Larry và Jo Ann là một đôi vợ chồng bình thường. Họ sống trong một ngôi nhà bình thường trên một con phố bình thường. Giống như bao đôi vợ chồng bình thường khác, họ phải vật lộn với cuộc sống để lo cho con cái ăn học nên người.

Ngoài ra, họ còn bình thường về một phương diện khác: họ luôn có những cuộc cãi vặt. Đề tài là những bất đồng trong cuộc sống, và… ai là người có lỗi.

Cho đến một hôm, một sự kiện ngoại lệ đã xảy ra.

- Bà biết đấy, Jo Ann, tôi có những ngăn tủ kỳ diệu. Mỗi lần tôi mở chúng, chúng luôn có sẵn vớ và quần lót – Larry nói – Tôi muốn cảm ơn bà vì đã để mắt đến chúng suốt những năm qua.

Jo Ann nhìn chồng qua đôi kính:

- Ông muốn gì, Larry?

- Chẳng gì cả. Tôi chỉ muốn nói tôi đánh giá cao việc bà đã chăm sóc tôi.

Đây chẳng phải là lần đầu Larry có hành động kỳ lạ nên Jo Ann bỏ ngoài tai, cho đến vài hôm sau…

- Jo Ann, cám ơn bà đã ghi những con số chi phiếu rất đúng tháng này. Trong 16 con số thì bà đã ghi đúng hết 15 con. Quả là một kỷ lục.

Không tin vào những gì đang nghe, Jo Ann ngừng may.

- Larry, ông luôn cằn nhằn tôi về những con số sai, sao bây giờ lại thế?

- Vô lý. Tôi lúc nào cũng muốn bà biết tôi luôn ghi nhận những cố gắng của bà.

Jo Ann lắc đầu và tiếp tục may. “Ông ta làm sao ấy nhỉ?...”, bà tự hỏi.

Dù vậy, ngày hôm sau, khi Jo Ann ghi vào sổ tại cửa hàng tạp hóa của gia đình, bà cẩn thận để viết đúng số chi phiếu. Bà cố không nghĩ đến những điều không bình thường này nhưng thái độ kỳ lạ của Larry cứ tiếp tục.

- Jo Ann, thật là một bữa ăn ngon – ông ta nói trong một bữa tối – Tôi rất biết ơn bà. Trong 15 năm qua bà đã nấu hơn 14.000 bữa ăn cho tôi và lũ trẻ.

Rồi: “Ôi! Jo Ann, ngôi nhà mới ngăn nắp làm sao. Bà hẳn vất vả để giữ chúng luôn như thế…”.

Thậm chí: “Cảm ơn Jo Ann vì đã luôn bên cạnh tôi”.

Jo Ann trở nên lo lắng: “Đâu rồi những lời chê bai, chỉ trích?”.

Nỗi lo có điều gì không ổn xảy ra với chồng càng mạnh mẽ hơn khi Shelly, cô con gái 16 tuổi của bà, cằn nhằn:

- Bố lẩm cẩm rồi mẹ ạ! Bố bảo con xinh lắm với bộ quần áo cũ mèm này! Thật không phải là bố. Có gì xảy ra với bố rồi ấy!

Nhiều tuần trôi qua, Jo Ann trở nên quen thuộc với thái độ kỳ lạ của người bạn đời, và thỉnh thoảng bà cũng đáp trả lại “cảm ơn…”. Bà cảm thấy tự hào về bản thân như đã vượt qua được một chướng ngại vật. Nhưng đến khi một việc bất thường xảy ra thì bà hoàn toàn lúng túng.

-Tôi muốn bà nghỉ tay một chút – Larry nói – Tôi sẽ rửa chén. Nào, hãy bỏ cái chảo đó xuống và lên phòng khách xem tivi!

- (Sau một lúc lâu im lặng) Cảm ơn Larry, cảm ơn…

Bước chân của Jo Ann đột nhiên trở nên nhẹ tênh. Bà cảm thấy tự tin hơn và lần đầu tiên bà nghe mình khe khẽ hát. Câu chuyện sẽ dừng ở đây nếu không có một sự kiện đặc biệt nhất xảy ra. Lần này tác giả là Jo Ann. Một hôm, bà nói:

- Larry, tôi muốn cảm ơn ông vì đã làm việc nuôi sống gia đình suốt những năm qua. Tôi chưa từng nói cho ông biết, nhưng tôi rất biết ơn ông…

Larry đã không bao giờ hé mở lý do khiến ông thay đổi cách cư xử một cách tuyệt vời như thế, dù Jo Ann lục vấn đến đâu. Và điều này đã thành một trong những bí ẩn của cuộc sống, một điều bí ẩn mà tôi rất thích – vì tôi chính là… Jo Ann.

Chicken soup for the soul


HƯƠU VÀ CÁO

Một hôm, Hươu gặp lại kẻ thù cũ của nó là con Cáo đang bị mắc bẫy nằm lăn giữa rừng.

Hươu mon men đến gần, giơ cao chân giận dữ nện mạnh cuống đầu Cáo. Thấy Hươu giơ chân, Cáo nhau nhảu né nên tránh được. Vì vậy, chân Hươu giậm phải cần bẫy nên Cáo rút được chân ra.

Cáo chuồn xa khỏi bẫy rồi ngoái lại bảo Hươu:

- Được một kẻ thù ngu ngốc như anh, tôi thật thích như có người bạn tốt.

Tác giả Sưu tầm


Đánh nhau bằng gậy 

Trong một tiết học của các sinh viên trường mỹ thuật, vị giáo sư đưa cả lớp xem bức tranh mô tả thân phận con người của Goya, hoạ sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha . Bức tranh mang tên Đánh nhau bằng gậy .

Trong bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân đang xô xát nhau . Mỗi người cầm trên tay một chiếc dùi cui sần sùi . Một người đang giơ dùi cui để bảo vệ mặt mình . Nền trời trong xanh không để lộ một nét gì sắp xảy đến . Người ta không đoán được trời sắp giông bão hay sáng rực nữa .

Cả lớp nhốn nháo . Ai nấy đều nhao nhao muốn phát biểu trước . Có sinh viên nói đây là bức tranh diễn tả định luật bảo tồn của con người: "Đấu tranh bảo tồn sinh mạng". Sinh viên khác: bức tranh diễn tả mục đích của con người là muốn hạnh phúc vì hạnh phúc là đấu tranh . Sinh viên khác nữa lại phân tích: bức tranh muốn diễn tả chân lý con người là động vật có lý trí, vì chỉ có thú vật mới cắn nhau mà ở đây là thú vật có lý trí nên cắn nhau bằng gậy .

Vị giáo sư ra hiệu cho cả lớp im lặng rồi bảo các sinh viên hãy quan sát thật kỹ một lần nữa . Cả lớp im ắng . Mãi một lúc sau ông mới chậm rãi nói: "Thoạt nhìn ai cũng nghĩ đây chỉ là bức tranh tầm thường như những bức tranh khác . Thế nhưng nó có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: Hai người nông dân đang hằm hằm sát khí để loại trừ nhau lại đang mắc cạn trong cồn cát . Từng cơn gió thổi đến, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối mà hai người không ai hay biết".

Vị giáo sư ngừng lại hồi lâu rồi nói tiếp: "Goya muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết . Họ sẽ không chết vì những cú dùi cui giáng vào nhau mà do cát bụi đang từ từ chôn vùi họ . Thế nhưng thay vì giúp nhau để thoát khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào loài thú dữ: họ cắn xé nhau . Bức tranh trên đây của danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh của nhân loại chúng ta đang trải qua . Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, đói khổ, động đất, khủng bố, chiến tranh ... thì con người lại giành giật chém giết lẫn nhau .

Bức tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở một nơi nào đó ngoài cuộc sống của các bạn, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của ta với người xung quanh . Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm nơi từng con người .

Một trong những cách tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở thành một người bạn . Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, ta hãy liên đới để bảo vệ nhau, bảo vệ sự sống, bảo vệ hành tinh này ."

Nguyên Vũ Sao Đêm


CÃI CỌ VÌ LÝ DO NHỎ MỌN

Hai anh chị đang ngồi bên lò sưởi vui vẻ đầm ấm hạnh phúc kể chuyện xưa, bỗng một con chuột chạy ra anh chồng lên tiếng:

Ủa có con chuột chạy ra từ bên phải

Chị vợ trừng mắt cãi lại.

Không, nó chạy ra từ bên trái.

Mắt em làm sao mà thấy nó chạy từ bên trái.

Đâu có, mắt anh quáng gà chắc.

Thế là  2 người chấm dứt câu chuyện, không ai thèm nói với ai nữa. Bầu khí gia đình trở nên ngột ngạt. Đêm đến, chồng vác gối ra ghế nhà khách nằm ngủ. Hôm sau, chàng bò vào giường xuống nước xin lỗi. Chị vợ lạnh lùng đáp:

Ừ, được em bỏ qua nhưng phải nhớ là con chuột chạy ra từ bên trái.

Ừ thì bên trái.

Sưu tầm


CÁC DẤU THẬP ĐỎ CỦA VUA LOUIS XII

Khi Louis XII được tấn phong ở  Reims, ông truyền đem lại danh sách của tất cả các kẻ thù nghịch ông, nhất là những kẻ chống đối ông khi ông còn là công tước xứ Orléans. Khi đọc qua danh sách, ông đánh dấu thập đỏ bên cạnh một số tên, nhất là tên của những kẻ mà chúng ta vừa nói ở trên. Những người vô phúc không được lòng sủng ái của vua đâm hoảng sợ khi biết rằng không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị thanh trừng. Do đó, họ tìm cách lẩn tránh khỏi triều đình. Khi được báo cáo lý do rút lui của những người này, vua Louis XII cười rộ lên và truyền lệnh gọi tất cả họ lại. Cơn sợ hãi của họ càng tăng lên bội phần. Nhưng nhà vua nói với họ:

- Ta ngạc nhiên về sự rút lui bất chợt và về lý do của sự đào thoát này của các người. Ta không hề bao giờ có ý hại các người: vị vua nước Pháp không can dự gì vào các tranh chấp của công tước xứ Orleans. Hơn nữa, dấu thập đỏ mà ta đánh dấu bên cạnh tên của các người thay vì kích thích ta trả thù các người, thì lại khuyến khích ta khoan dung. Đúng thế, ta phải tha thứ các lỗi lầm mà các người đã làm cho ta, như Đức Yêsu Ki tô trên cây giá đã xin Cha Người tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người."

Sưu tầm


CÁI CHẾT TỬ ĐẠO

Trong thời bắt đạo ở Tây Ban Nha, một vị linh mục bị đưa ra pháp trường để xử tử.  Trước khi bị xử tử, cha muốn chúc lành cho họ trước

Tôi muốn ban phép lành cho anh. Xin anh tháo giây cho tay tôi được tự do.

Tên đao phủ cắt giây, nhưng đồng thời cũng dùng gươm để cắt luôn tay ngài.

Ban phép lành cho chúng tao đi.

Trước sự kinh ngạc của những người chung quanh, Ngài vẫn ban phúc lành cho họ trong khi những dòng máu trong thân thể Ngài nhỏ xuống đất cho tới khi Ngài ngã xuống chết."

Sưu tầm