Truyện Minh Hoạ - Tha Thứ

Cơn Thịnh Nộ Của Các Thánh

Trong tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại...

Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người.

Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi. Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính...
Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ hắn... Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa. Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.

Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: "Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội lỗi". Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.

Chúng ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa.

Thái độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đạo vào Ðền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh...

Ðối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.

Tựu trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa.

Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa ngục và sự chết... Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người...

Sưu tầm


Hòn Ðá Ném Ði

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.

Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi".
Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.

Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sach mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta".

Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất mà Kitô Giáo đã cống hiến cho con người.

Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, trao ban chính mạng sống mình là điều xem ra dễ làm hơn trao ban lòng tha thứ. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình. Của lễ hy sinh trên thập giá củaChúa Giêsu đã nên trọn khi Ngài thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm".

Tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất, bởi vì qua đó, con người được nên giống Thiên Chúa hơn cả. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa tha thứ và tha thứ không ngừng. Và chỉ có một Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy mới có thể đòi hỏi con người phải tha thứ không ngừng...

Tha thứ là nét cao đẹp nhất của lòng người, bởi vì càng tha thứ, con người càng nên giống Thiên Chúa.

Sưu tầm


Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.

Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: "Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồmg chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi".

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: "Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu... Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi".

Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau: "Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...".

Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người...

Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát.

Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người... Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ...

Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải...

Sưu tầm


Tha thứ

Một Sufi thánh thiện trẩy đi hành hương Mecca. Đến thánh địa, ông vui mừng nhận thấy rằng có rất ít khách hành hương ở đó – nghĩa là ông có thể thoải mái làm các việc đạo đức của mình mà không bị cảnh chen chúc xô đẩy.

Sau khi làm xong các công việc đạo đức theo qui định, ông quì phủ phục dưới đất và nói: “Lạy Đức Allah! Con chỉ có một ước mơ trong đời con – đó là xin Ngài ban cho con ơn không bao giờ xúc phạm đến Ngài nữa.”

Khi Đấng Vô Cùng Thương Xót nghe lời ấy, Ngài cười và nói: “Tất cả các người đều xin như thế. Nhưng nếu Ta ban ơn đó cho các người, thì thử hỏi rồi Ta sẽ tha thứ cho ai?”

 Một tội nhân bước đi một cách rất hiên ngang vào trong đền thờ, được hỏi tại sao anh không tỏ ra chút gì khúm núm, anh trả lời: “Đầu ai cũng được trời che chở, chân ai cũng được đất đỡ nâng; vậy Thiên Chúa há không phải là trời và đất của mọi người sao?”

Sưu tầm


Nghìn lẻ một đêm

Chuyện "Nghìn lẻ một đêm" của Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau:

Có hai người anh em ruột nọ bắt chói được thủ phạm giết cha mình. Họ lôi kéo tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật mắt đền mắt răng đền răng. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật đã quy định... Trước mặt quan tòa, tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ, đó là được trở về nhà trong vòng ba ngày để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời hạn đó, hắn sẽ trở lại để chịu xử tử... Quan tòa xem chừng như không tin ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết: "Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thế thay cho hắn".

Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Sau đúng kỳ hạn ba ngày, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang bước ra giữa pháp trường và dõng dạc tuyên bố: "Tôi đã giải quyết mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tôi xin trở lại đây để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất này nữa".

Sau lời phát biểu dõng dạc của kẻ tử tội, người đàn ông đã đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông và tuyên bố: "Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, là vì tôi không muốn để cho người ta nói: Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa".

Sau hai lời tuyên bố trên , đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong lòng người...

Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa: "Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa".

Giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cánh hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc lõng. Giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát... Giữa một xã hội khô cằn tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần và đạo đức đã bị bóp nghẹt, chứng từ của người tín hữu Kitô cần thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao kẻ chới với đang cần một chiếc phao của chữ tín, của lòng thành, của lòng quảng đại, của sự tha thứ...

Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói; Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuốc đời vẫn còn cháy sáng giữa xã hội.

Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.

Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhau.

Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Tôn giáo không là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, nhưng là sức mạnh để cải thiện xã hội.

Sưu tầm


BA BỨC TRANH

Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Brunô nhục mạ nặng nề.  Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng món nợ này.  Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động.  Cuối cùng, ông chọn địa điểm và ngày giờ thuận lợi.

Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ Trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Brunô sẽ đi ngang qua.  Trên đường đi, ông gặp thấy 1 nhà nguyện nhỏ mở cửa.  Ông vào đó để chờ ngày sáng và trong khi chờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu nơi cung thánh.  Ở đây có 3 bức tranh: bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mũ gai, phía dưới có ghi bằng tiếng La-tinh câu này: “Bị lăng nhục, Người không đáp trả lại lăng nhục.”  Bức thứ 2 nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ: “Khi chịu những khổ đau như thế, Người không hề đe doạ.”  Và cuối cùng, bức tranh thứ 3 trình bày Đức Giêsu trên cây thập giá, phía dưới ghi: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”  Nhìn liên tiếp 3 bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh.  Ông quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện.  Dần dần cơn thù hận giảm đi, rồi biến mất.  Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến để tha thứ tận tình và để làm hoà với nhau!"

Sưu tầm


NÉT BÚT CHÌ NHẠT

Johnny nghịch phá trong lớp, bị thầy giáo đưa đến hiệu trưởng nhà trường để được xử lý kỷ luật.

Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, vị hiệu trưởng lấy một cuốn sổ mới tinh và ghi tên Johnny vào đó. Ông nói với cậu học trò nhỏ đang đứng khép nép, đầy vẻ lo lắng, trước mặt mình:

“Này Johnny, em chưa bao giờ bị gửi tới tôi trước đây. Đây là lần đầu tiên. Vì thế, tôi tin chắc em là một học sinh tốt. Những học sinh tốt đôi khi vẫn có thể phạm lỗi. Vậy, bây giờ tôi sẽ đánh dấu bằng bút chì về trường hợp của em lần này. Em nhìn đây này, tôi ghi bằng bút chì

- và chỉ ghi bằng nét rất nhạt thôi. Nếu trong năm học này, em không bị gửi tới tôi một lần nào nữa, thì tôi sẽ tẩy sạch tất cả những gì mà tôi đã ghi ở đây. Và không ai có thể biết gì về chuyện sai phạm hôm nay của em. Nào, ta hợp đồng với nhau như vậy nhé!”

Lê Công Đức


BẢN CHẤT CON NGƯỜI LÀ  CỨU VỚT

Một tín đồ Ấn Giáo xuống tắm dòng sông Hằng để thanh tẩy và cầu nguyện.

Ông đang ngụp lặn giữa dòng sông, thì bỗng đâu có rác rưới tụ đến. Trong  đống rác có con bọ cạp đang chao đảo, chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung, ông chìa tay ra để cứu vớt con vật. Cánh tay ông vừa đua ra đã bị con vật chích. Nhưng không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hăng, ông càng chịu đựng để cho nó chích liên tiếp, miễn là cứu sống được nó.

Có người theo dõi cảnh tượng đó mới trách ông:

Ông thật là mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp , bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích thôi.

Người tín đồ điềm nhiên trả lời:

-Bản chất của bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt.

Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người, tốt và xấu. Bạn và thù, kẻ xấu là hạng người đáng phải xa lánh, kẻ thù thì phải bị ghét bỏ. Sự phân biệt ấy khiến xã  hội chúng ta ra ngột ngạt khó thở.

Sống mà phải thanh trừng gạn lọc nhau, sống mà phải dòm trước ngó sau để đề phòng kẻ xấu, người thù, sống  như thế quả thực không khác gì một thứ sống dở chết dở, bởi vì khi chúng ta loại bỏ người, thì cũng là lúc chúng ta tự giam hãm mình trong cô đơn sợ hãi.

Chúa Giêsu đã đến để đánh đổ óc biệt phái. Những kẻ bị xã hội cho là xấu xa, tội lỗi đã trở thành bạn hữu của Ngài. Ngài đã nhìn người bằng đôi mắt thông suốt và yêu thương, để chỉ thấy con người là hình ảnh cao quí của Thiên Chúa, trong cái nhìn ấy, hàng rào của thù hận và bạn, của xấu và tốt đều bị tháo gỡ. Trong cái nhìn ấy, mọi người đều có chung một danh xưng, đó là anh em của nhau.

Hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta được mời gọi để nhìn người bằng chính cái nhìn của Chúa. Giữa một xã hội luôn lấy sự phân biệt tốt xấu, bạn thù làm nguyên tắc sống chúng ta cần thể hiện bản chất cứu sống của con người Ấn Giáo trong câu chuyện trên.

Dù người ta có lừa lọc, cắn xé, phản bội chúng ta, thì bàn tay chúng ta vẫn phải là bàn tay được chìa ra để giải hòa, san sẻ, và cái nhìn của chúng ta phải là cái nhìn của khoan dung tha thứ."

Sưu tầm


CHÚ CHÓ VÀ CÔ MÈO

Chú chó và cô mèo là đôi bạn thân thiết. Ngày ngày gặp nhau, đi dạo bên nhau, thủ thỉ tâm tình với nhau, chải lông cho nhau và tỉ tê kể cho nhau nghe biết bao nhiêu là chuyện.

Một hôm, cuối xóm xảy ra cuộc cãi nhau giữa cô vịt xiêm và anh gà trống. Mọi người, mọi vật tò mò đổ xô ào chạy đến xem. Cô mèo và chú chó cũng theo đoàn vật mà chạy. Chú chó thấy cô mèo chân ngắn chạy chậm hơn nên thương lắm muốn giúp cô mèo chạy nhanh hơn. Chú chó chạy phía sau lưng cô mèo đẩy cô mèo chạy cho nhanh. Nhưng nào ngờ, sự đời oái oăm, chú chó chân dài hơn cô mèo, chạy nhanh hơn nên khi đẩy mạnh thì thay vì chạy nhanh hơn, cô mèo đị đẩy ngã sóng soài lăn quay ra đất.

Cô mèo bị đẩy ngã, tức mình, đứng lên xỉa xói, mắng chửi chú chó:

- Đồ mặt chó ! Đúng là đồ mặt chó !!!

Chú chó phân trần, giải thích thế nào cũng không được. Cô mèo nhất mực không thèm nghe. Thế là chú chó và cô mèo ỏm tỏi cãi lộn nhau:

- Đồ mặt chó! Meo … Meo … Meo… !!!

- Đồ mặt mèo! Gâu … Gâu … Gâu … !!!

Từ đó, chú chó và cô mèo giận nhau, không thèm chơi với nhau nữa. Mỗi khi trông thấy chú chó ở xóm trên thì cô mèo lộn lui xuống xóm dưới, gặp chú chó ở dưới đất thì cô mèo lảng tránh, phóc lên cây bỏ đi.

Chú chó và cô mèo trở thành hai con vật giận ghét nhau, không còn là đôi bạn thân thiết thương yêu nhau nữa.

Không phải chỉ có chú chó và cô mèo mới xảy ra chuyện như vậy đâu. Trong cuộc đời, nhiều khi con người chúng ta vẫn thường gặp trường hợp như thế lắm. Chúng ta cứ bình tâm ngẫm nghĩ mà xem.

Ước mong là sao cho trong cuộc đời, tất cả mọi người ai ai cũng luôn mãi giữ gìn tình yêu thương thắm thiết ngọt ngào để trao cho nhau trọn vẹn trái tim, để làm sao cho tình yêu Thiên Chúa càng ngày càng lan rộng ra trên thế giới luôn mãi.

Gâu … Gâu … Gâu … Gâu … !

Meo … Meo … Meo … Meo … !

Tình bạn thắm thiết

Chó mèo thương nhau

Chỉ vì chút sầu

Gây nên cãi vã

Không thông không cảm

Tình bạn chia lìa

Đau đớn xót xa

Thương thay: Mèo – Chó !!!

Nguyễn Ngọc Phi . Lm


Bờ Dậu Trước Ngõ

Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị... Ở đó, chàng đã ăn chơi trác táng... Kiếm sống xa đọa đã đưa đẩy chàng đến chỗ thân tàn ma dại.

Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình.

Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về, nghĩ mình quá bất xứng không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý. Nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà.

Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một chiếc áo bông mà lấy tất cả áo trong nhà ra treo kín cả dậu trước ngõ.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình Yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Ngài thi ân cho chúng ta hơn cả sự mong đợi và cầu xin của chúng ta. Người con hoang trong tin mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh, và sai mở tiệc ăn mừng.

Phải, Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta.

Sưu tầm