Truyện Minh Hoạ - Tha Thứ

Biết mình 

Chỉ những người nhận thức rõ khuynh hướng và thái độ của mình đối với tội lỗi trong đời mình, mới có đủ đức khiêm nhường cần thiết để phục hồi một cuộc đời đã sa ngã.

Một nhân viên trong ban chấp hành của nhà thờ kia phạm tội, linh mục triệu tập toàn ban lại để trình bày sự việc trong tình thương và thông cảm. Rồi ông hỏi tất cả:

- Nếu quí vị lâm vào hoàn cảnh bị cám dỗ như ông bạn của chúng ta thì quí vị sẽ đối phó ra sao?

Người đầu tiên trả lời:

- Tôi tin chắc là tôi không bao giờ chịu đầu hàng như ông ấy đâu.

Một vài người khác cũng quả quyết như vậy. Sau cùng linh mục hỏi nhân viên cuối cùng trong ban chấp hành và là người ai cũng kính trọng về lối sống đạo đức của ông ta. Ông trả lời:

- Thưa cha, nếu con bị cám dỗ như ông bạn của con thì có lẽ con còn sa ngã sâu hơn nữa.

Sau câu nói đó, mọi người đều im lặng. Cuối cùng linh mục nói với người ấy:

- Ông là người duy nhất có thể đi với tôi để thăm người anh em của chúng ta và đưa anh ấy trở lại với Chúa cũng như với chúng ta.

Sưu tầm


Được tha thứ 

Chúa thật đáng sợ, nhất là khi chúng ta là tội nhân còn Chúa là Ðấng Thánh. Tôi không thể nào xuất hiện trước mắt Chúa cũng như tối tăm không thể nào tồn tại trước ánh sáng. Muốn đứng trước mặt Chúa trong tình trạng tội nhân của mình tức là để mua lấy hủy diệt. Nếu Chúa lưu giữ lại tất cả tội phạm của chúng ta, làm sao chúng ta có thể đối diện với Ngài được?

Trong một nghĩa trang bên ngoài thành phố New York, Hoa Kỳ, có một tấm bia trước ngôi mộ, trên tấm bia chỉ ghi: "Ðược Tha Thứ" và bên dưới là tên người chết. Ngoài ra không thấy ghi ngày sinh hay ngày tử hoặc bất cứ lời nào khác.

Có lẽ không mấy ai thích bia mộ của mình ghi ngắn ngủi như vậy. Nhưng trên thực tế mỗi người cần được Chúa tha thứ tội trước khi từ giã cõi đời này.

Thánh vịnh (Tv 129,4) dạy rằng: "Nhưng Chúa có lòng tha thứ, để người ta kính sợ Chúa", Chúa sẵn lòng tha thứ là một điều quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước. Người ta tôn thờ Chúa như hiện nay, vì Chúa có quyền tha tội và chỉ một mình Ngài làm được việc ấy mà thôi. Một mình Chúa có thể xóa bỏ hồ sơ phạm tội của mỗi chúng ta. Nếu Chúa không thể tha thứ thì chúng ta chỉ có một cách là chạy trốn. Nhưng trốn đâu được qua cặp mắt nhìn thấy tất cả của Ngài?

Chúa đã chuẩn bị một kế hoạch rất chu đáo để Chúa Giêsu Con Ngài vào đời chịu chết đền tội cho mọi người, ai tin nhận Chúa Cứu Thế Giêsu chết thay cho mình thì người ấy được tha tội và được giải cứu.

Câu hỏi cuối cùng là: Bạn đã được Chúa tha tội chưa? Tùy theo lời đáp cho câu hỏi này mà bạn biết mình đang đứng ở đâu trước vinh quang của Chúa.

Sưu tầm


Nếu giận anh, hãy mở quà!

Anh hay nhường nhịn và tôi cũng thường im lặng tự vấn lại mình, thành ra hai đứa hiếm khi cãi nhau. Anh cũng như tôi luôn sợ sự cáu giận để lâu gom lại, một ngày nổ bung ra thì nguy to. Hai đứa cứ mãi lo xa như thế.

Nhân ngày "không sinh nhật", anh ôm tặng tôi một hộp quà ghi tên "Trút giận" to cỡ màn vi tính 17 inch, dài bằng cái bàn phím, gói kỹ càng đặt trong chiếc túi với lời nhắn: "Giận anh, hãy mở quà". Tôi rất háo hức song lại không mong chờ ngày ấy. Thành ra cứ thấp thỏm, mở hay không.
Tôi gần như quên nó cho đến một ngày, anh khiến tôi cáu nên hằm hằm bỏ về trước. Anh không kịp đuổi theo... Về đến nhà, tôi điên tiết tắt máy, nằm gác tay lên trán, mặt nóng bừng bừng. Đúng lúc ấy hộp quà treo trên tường đập vào mắt. Tôi liền hạ nó xuống, lấy dao dọc mở thật cẩn thận.

Một hộp nhỏ hơn nằm lọt bên trong hộp to ấy, phía trên dán tờ giấy: "Em giận anh thế cơ à? Sao không gặp thẳng anh nói chuyện, mở quà ra làm chi? Dù có thế nào anh cũng muốn nói với em: Hãy bình tĩnh người yêu dấu, anh luôn yêu em, vì em là lẽ sống của đời anh".

Tôi bất ngờ, tự dưng thấy nguôi nguôi khi nghĩ lại nguyên nhân khiến mình đùng đùng bỏ về cũng thật vô lý. Đang định dẹp tất cả sang một bên, lao đi tìm anh và làm hoà nhưng rồi tôi lại tò mò bóc tiếp, vì thấy tựa như búp bê Matrioshka của Nga, khi phía trong lại là hộp quà nhỏ hơn, trên mặt là một icon cười nhăn nhở, giơ tấm biển mang dòng chữ “Xin lỗi mà” ngộ nghĩnh, đáng yêu không thể tả. Kẹp phía trong có bức hình chúng tôi đang cười hạnh phúc bên nhau, và vẫn kèm theo hộp quà gói giấy màu bé hơn, trên là tấm hình có lẽ anh copy trên Internet. Một cậu bé mặt buồn thiu, đang cõng nặng trĩu trên lưng còng gập, dòng chữ "Hối hận" bằng tiếng Anh. Miệng "I'm sorry" nom thật tội nghiệp.

Tôi bật cười, không nén nổi háo hức, liền hăm hở mở. Bên trong là chiếc hộp nhỏ xinh bằng thuỷ tinh chứa năm mươi đồng xu hai trăm đồng kêu leng keng vui tai tượng trưng cho tổng số tuổi của hai đứa. Đến lúc này thì tôi không còn giận anh một chút nào nữa. Giờ có mở thì cũng chỉ vì tò mò cố đi đến tận cùng của "câu chuyện" thôi chứ không phải trút giận gì ai.

Mỗi hộp quà mở ra là một câu nói vỗ về, động viên tôi và một đồ vật có ý nghĩa mang tính gợi mở, bất ngờ khiến tôi cứ trào nước mắt vì hân hoan, vì tình cảm bao la anh dành cho. Mỗi món quà nhỏ là mỗi lúc tôi dành một phút suy ngẫm để hiểu anh hơn, để thấy rằng anh thật quý giá.
Đến hộp trong cùng, bé nhất, chỉ nhỉnh hơn chiếc điện thoại một chút, bên ngoài ghi độc một dòng: "Mãi yêu em!" Trong đựng một trái tim màu tím thủy chung, làm bằng vải nhung mềm mại cùng một tấm giấy nhỏ gấp làm tư, anh viết: "Đây là trái tim anh, qua bao thời gian, thử thách sẽ vẫn trọn vẹn gần bên em, trao gửi đến em tình yêu chân thành nhất. Đừng giận anh nữa, em nhé!".

Nước mắt tôi đầm đìa, anh khi nào cũng thế, chín chắn và luôn suy nghĩ sâu sắc hơn tôi nhiều. Tôi đắn đo chưa biết sẽ làm gì, liền mở máy nhắn tin: "Em yêu anh!". Anh vui mừng, rối rít gọi lại, hỏi han. Tôi đi rửa mặt sau đó quay vào, gói ghém tất cả món quà theo thứ tự từ đầu, không để lại dấu vết...

Hôm sau anh đến chơi, thắc mắc nhìn hộp quà, rồi hóm hỉnh: "Đã mở "Trút giận" chưa?" Tôi vờ bình thản, mắt nhìn nghếch sang: "Mở ra làm gì, có thế mà cũng giận, đòi mở quà thì anh phải gửi tới em chục hộp nữa nhé!". Anh cười thật hiền: "Thế thì tốt, để em phải nghĩ, anh lo lắm". Tôi ngập ngừng: "Để anh phải lo lắng em cũng buồn lắm, em sẽ không giận anh đâu". Rồi tôi ra vẻ hậm hực: "Nhỡ không bao giờ em giận anh thì sao, cũng phải có hạn sử dụng để mở chứ?". Anh hét to: "Được thôi, đó sẽ là dịp kỉ niệm tám mươi năm ngày cưới".

Phải, đến một ngày anh với tôi mở ra và sẽ thấy, hộp trong cùng, bên cạnh trái tim tím kia là tờ giấy gấp tư, có dòng chữ của tôi viết lên mặt sau: "Em đã mở quà và em biết nó sẽ là lần duy nhất em giận anh, bởi bất cứ lý do nào để ta giận nhau cũng đều là ngốc nghếch. Sau này, có điều gì không hài lòng về anh, em sẽ gặp và góp ý thẳng thắn, tỏ rõ lòng mình. Bởi vì, em yêu anh!".

Tôi tin, anh sẽ không giận khi biết tôi đã nói dối là chưa mở quà.

Sưu tầm


TỪ LÒNG NHÂN HẬU

     Đám tang của cụ Cương, một hội viên bảo trợ của Legio, vừa xong thì trời đã sáng rõ. Một số người lần lượt kéo nhau ra về để chuẩn bị công việc cho một ngày mới. Một số còn đang bùi ngùi nán lại trước mộ phần của cụ, lâm râm thêm mấy lời kinh cầu. Một số tản ra bốn phía, đến với những ngôi mộ của người thân. Chúng tôi cũng nán lại để cùng cụ đọc kinh Catena, rồi lặng lẽ kính chào cụ lần cuối.

            Vừa ra đến nghĩa trang, chúng tôi gặp một phụ nữ đang vội vàng lội ngược dòng người. Chị hớt hải báo tin với chúng tôi:

- Chị Lan uống thuốc tự tử hôm qua, đã đưa đi bịnh viện cấp cứu, nhưng mới trả về sáng hôm nay, đang nằm thoi thóp.

            Chúng tôi nhìn nhau bàng hoàng. Chị Lan là một điểm mà nhóm chúng tôi thường hay thăm viếng. Chị đang rối hôn phối với một người lớn hơn chị gần hai chục tuổi. Dù rối hôn phối không thể nào gỡ được, tuần nào chị cũng đi dự lễ Chúa nhật. Chị khao khát muốn trở về với Chúa. Thế mà…

            Chúng tôi đến bên giường chị. Nồng nặc mùi thuốc sâu, chị đưa mắt nhìn chúng tôi, ánh mắt mở to bằng sự cố gắng hết sức, như để van nài, khẩn khoản.

- Chị còn nhận ra chúng em không, chị Lan?

            Một cái gật đầu yếu ớt nhưng vội vàng đáp lời chúng tôi. Với giọng đứt quãng và gồng lên vì cố gắng, chị thều thào:

- Tôi biết tôi đã sai. Vừa lỗi luật sống rối vợ chồng, giờ lại uống thuốc tự tử. Tội tôi khó tha, nhưng xin các anh chị cầu kinh để cứu linh hồn tôi, để Chúa tha tội. Phần xác tôi thì tôi biết… tôi biết…

            Cố sức nói một hơi, vì sợ không còn nói được nữa, chị rũ người ra mà tay vẫn quờ quạng tìm xâu chuối Mân Côi vừa buông rơi đâu đó.

            Anh nhìn tôi… Tôi nhìn anh… một chút xót xa, một chút hy vọng. Anh nói:

- Có tội gì thì tội, nặng bao nhiêu Chúa cũng tha được hết !

            Đồng cảm với anh, tôi nói ngắn:

- Mình đi !

            Chiếc xe máy lại đưa anh em chúng tôi lên ngay nhà xứ. Rất may mắn, cha xứ vừa mới xong giờ thể dục buổi sáng. Mình còn nhễ nhại mồ hôi, Cha tiếp chúng tôi ngay tại sân nhà xứ.

            Anh em chúng tôi cố gắng trình bày ngắn gọn hoàn cảnh và tình trạng của chị Lan. Câu nói của chị, chúng tôi cố gắng lặp lại từng chữ. Cha xứ lắng nghe chúng tôi trình bày một cách chăm chú. Sau một thoáng đăm chiêu, Ngài nói:

- Các ông về làm việc chuẩn bị, nhất là chuẩn bị tư tưởng cho chồng bà ấy. Tôi đi ngay…

            Vừa vui mừng, vừa hy vọng, chúng tôi ra về báo tin và chẩn bị mọi thứ cần thiết.

            Thế là chị Lan được gặp cha trong giờ phút cuối, được lãnh nhận ơn tha thứ và các bí tích sau hết. Chị thanh thản ra đi trong tình thương của Chúa và của Hội Thánh.

….

            Anh em chúng tôi lại gặp cha xứ một lần nữa để hỏi về chuyện mai táng cho chị. Liệu chị có được chôn trong đất thánh không?

- Các ông thử hỏi Ban Thường Vụ…

            Chúng tôi biết tại sao cha nói thế ! cha là người mới về xứ, còn xứ chúng tôi vốn là một xứ đạo truyền thống của người Bắc. Chúng tôi có nhiều quy định rạch ròi để gìn giữ những truyền thống lâu đời và tốt đẹp của xứ đạo…

- Các ông biết rõ quy định của giáo xứ mình rồi ! Đưa chị ấy ra sân banh mà mai táng, nơi đó dành cho những tội nhân công khai ! Làm sao mà cho chôn trong đất thánh được – Đó là câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ Ban Thường Vụ.

- Không được ! – Cha xứ can thiệp – đất sân banh thì tôi … sắp có kế hoạch để xây dựng !...

- Thế thì chôn ở đâu đây?

- Thì một góc nào đó trong đất thánh cũng được mà !

- Nhưng thưa cha, tội nhân công khai…

- Thì mới bị đưa vào một góc! Phạt như thế cũng đủ chứ ạ!

- Cha bảo thế thì chúng con xin vâng…

            Thế là một trường hợp hiếm thấy xưa nay đã xảy ra ở xứ tôi. Chị Lan, một tội nhân công khai, vừa rối hôn phối vừa tự tử, lại được chôn trong đất thánh, dù chỉ là một góc trong đất thánh. Mừng cho cái xác của chị không phải tha hương.

            Đám tang của chị thật lặng lẽ, dù cha xứ đã cho phép có cờ xí chiêng trống, người đưa đám chị vẫn thưa thớt… có lẽ họ ngại !

            Chúng tôi lại đến thăm ông Ba Dài, chồng của chị Lan, thắp hương và đọc mấy kinh cầu cho hương hồn của chị sớm được về cùng Chúa. Tâm hồn ông Ba vẫn còn đau xót và hụt hẫng. Ông bùi ngùi nói với chúng tôi:

- Tôi rất bàng hoàng và đau xót về cái chết của vợ mình. Nhưng qua biến cố này, tôi cũng nhận được nhiều an ủi. Khi còn chung sống với nhau, bà ấy thường nói với tôi rằng bà ấy có đạo, chung sống với tôi mà không có phép hôn phối là bà ấy mắc tội nặng. Bà muốn tôi cùng theo đạo với bà, để hai vợ chồng cùng chung một hướng… thế mà tôi cứ chần chừ… Nay thì đâu còn kịp nữa ! Bà ấy đã đi rồi…

            Dừng lại một chút cho qua cơn xúc động, ông lại tiếp tục với cái giọng trầm trầm:

- Tôi muốn nói rất nhiều lời cám ơn các anh chị em bổn đạo. Tôi đặc biệt cảm kích lòng nhân hậu của cha xứ, đã tha tội và cho vợ tôi có một chỗ yên nghỉ trong đất thánh, là điều mà vợ tôi đã hết lòng ước ao khi còn sống. Tôi tin vợ tôi sẽ được Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi.

- Chúng tôi cũng tin thế, anh Ba ạ ! – chúng tôi bày tỏ sự đồng cảm – Vì Chúa luôn sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi cho người có lòng hối cải mà !.. Chị Lan bây giờ thì đã kể như đã ổn rồi. Còn anh… anh cũng phải lo cho phần mình, và luôn nhớ mà cầu nguyện cho chị ấy chứ !

Một chút băn khoăn, rồi ông tròn mắt nhìn chúng tôi:

- Làm sao mà cầu nguyện được ! Tôi chưa có đạo mà…

- Thì anh có thể xin theo đạo…

- Nhưng tôi đã già, và… có muộn không?

- Với Chúa thì không bao giờ muộn cả anh Ba ạ ! Chỉ cần anh muốn và anh tin Chúa… bọn em sẽ giúp anh !

            Thế là từ đó, một ông già ‘thất thập cổ lai hy’ mỗi chiều đều đặn đến với lớp giáo lý dự tòng, chăm chú nghe Lời và tìm gặp Chúa bằng tất cả thiện chí của mình.

            Đám giỗ lần thứ nhất của chị Lan có giờ kinh của đông đảo giáo dân tham dự, trong giờ kinh có một giáo dân mới toanh: ông Ba Dài, chồng chị, hoa quả của lòng nhân từ của cha xứ và sự yêu thương đón nhận của cộng đoàn dân xứ chúng tôi.

Cao Danh Viện


Hận cũ hóa giải, nhưng quá khứ không bao giờ trở lại!

Trừ những lúc ấm áp khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với chồng, trái tim tôi lạnh giá như băng, không ăn bất cứ thứ gì anh mua, không cần ở anh bất cứ món quà gì, không nói chuyện với anh.

Bắt đầu từ lúc ký vào tờ giấy kia, hôn nhân cũng như tình yêu đã biến mất khỏi đời tôi. Có hôm chồng tôi thử quay về phòng ngủ, anh vào, tôi ra phòng khách, anh chỉ còn cách quay về ngủ ở phòng mẹ.

Trong đêm thâu, đôi khi từ phòng anh vẳng tới tiếng rên khe khẽ, tôi im lặng mặc kệ. Đây là trò anh thường bày ra, ngày xưa chỉ cần tôi giận anh, anh sẽ giả vờ đau đầu, tôi sẽ lo lắng chạy đến, ngoan ngoãn đầu hàng chồng, quan tâm xem anh bị làm sao, anh sẽ vươn một tay ra tóm lấy tôi cười ha hả. Anh đã quên rồi, tôi lo lắng là bởi tôi yêu anh, còn bây giờ, giữa chúng tôi còn lại gì đâu?

Chồng tôi dùng những tiếng rên ngắt quãng để đón ngày đứa bé chào đời. Dường như ngày nào anh cũng mua gì đó cho con, các đồ dùng của trẻ sơ sinh, đồ dùng của trẻ em, ngay cả sách thiếu nhi, từng bọc từng bọc, sắp chất đầy gian phòng anh.

Tôi biết chồng tôi dùng cách đó để cảm động tôi, nhưng tôi không còn cảm thấy gì nữa. Anh đành giam mình trong phòng, gõ máy tính “lạch cà lạch cạch”, có lẽ anh đang yêu đương trên mạng, nhưng việc đó đối với tôi không có ý nghĩa gì.

Đêm cuối mùa xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi gào lên, chồng tôi nhảy bổ sang, như thể anh chưa hề thay quần áo đi ngủ, vì đang chờ đón giây phút này tới. Anh cõng tôi chạy xuống nhà, bắt xe, suốt dọc đường nắm chặt bàn tay tôi, liên tục lau mồ hôi trên trán tôi.

Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy vào phòng phụ sản. Nằm trên cái lưng gầy guộc và ấm áp, một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi: “Cả cuộc đời này, còn ai có thể yêu tôi như anh nữa không?”.

Anh đẩy cửa phòng phụ sản, nhìn theo tôi đi vào, tôi cố nén cơn đau nhìn lại anh một cái nhìn ấm áp. Từ phòng đẻ ra, chồng tôi nhìn tôi và đứa bé, anh cười mắt rưng rưng. Tôi vuốt bàn tay anh. Chồng tôi nhìn tôi, mỉm cười, rồi, anh chậm rãi và mệt mỏi ngã dụi xuống. Tôi gào tên anh... Chồng tôi mỉm cười, nhưng không thể mở được đôi mắt mệt mỏi...

Tôi đã tưởng có những giọt nước mắt tôi không thể nào chảy vì chồng nữa, nhưng sự thực lại khác, chưa bao giờ có nỗi đau đớn mạnh mẽ thế xé nát thân thể tôi.

Bác sĩ nói, phát hiện chồng tôi ung thư gan đã vào giai đoạn cuối cùng, anh gắng gượng cho đến giờ kể cũng đã là kỳ tích. Tôi hỏi bác sĩ phát hiện ung thư khi nào? Bác sĩ nói năm tháng trước, rồi an ủi tôi: “Phải chuẩn bị hậu sự đi!”.

Tôi mặc kệ sự can ngăn của y tá, về nhà, vào phòng chồng tôi bật máy tính, tim tôi phút chốc bị bóp nghẹt. Bệnh ung thư gan của chồng tôi đã phát hiện từ năm tháng trước, những tiếng rên rỉ của anh là thật, vậy mà tôi nghĩ đó là...

Có hai trăm nghìn chữ trong máy tính, là lời dặn dò chồng tôi gửi lại cho con chúng tôi: “Con ạ, vì con, bố đã kiên trì, phải chờ được đến lúc nhìn thấy con bố mới được gục ngã, đó là khao khát lớn nhất của bố... Bố biết, cả cuộc đời con sẽ có rất nhiều niềm vui hoặc gặp nhiều thử thách, giá như bố được đi cùng con suốt cả chặng đường con trưởng thành, thì vui sướng biết bao, nhưng bố không thể.

Bố viết lại trên máy tính, viết những vấn đề mà con có thể sẽ gặp phải trong đời, bao giờ con gặp phải những khó khăn đó, con có thể tham khảo ý kiến của bố...

Con ơi, viết xong hơn 200 nghìn chữ, bố cảm thấy như đã đi cùng con cả một đoạn đời con lớn. Thật đấy, bố rất mừng. Con phải yêu mẹ con, mẹ rất khổ, mẹ là người yêu con nhất, cũng là người bố yêu nhất...”.

Từ khi đứa trẻ đi học mẫu giáo, rồi học Tiểu học, Trung học, lên Đại học, cho đến lúc tìm việc, yêu đương, anh đều viết hết.

Chồng tôi cũng viết cho tôi một bức thư:

“Em yêu dấu, cưới em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh, tha thứ cho những gì anh làm tổn thương em, tha thứ cho việc anh giấu em bệnh tình, vì anh muốn em giữ gìn sức khoẻ và tâm lý chờ đón đứa con ra đời...
Em yêu dấu, nếu em đang khóc, tức là em đã tha thứ cho anh rồi, anh sẽ cười, cảm ơn em đã luôn yêu anh... Những quà tặng này, anh sợ anh không có cơ hội tự tay tặng cho con nữa, em giúp anh mỗi năm tặng con vài món quà, trên các gói quà anh đều đã ghi sẵn ngày sẽ tặng quà rồi...”.

Quay lại bệnh viện, chồng tôi vẫn đang hôn mê. Tôi bế con tới, đặt nó bên anh, tôi nói: “Anh mở mắt cười một cái nào, em muốn con mình ghi nhớ khoảnh khắc ấm áp nằm trong lòng bố...”.

Chồng tôi khó khăn mở mắt, khẽ mỉm cười. Thằng bé vẫn nằm trong lòng bố, ngọ nguậy đôi tay hồng hào bé tí xíu. Tôi ấn nút chụp máy ảnh “lách tách”, để mặc nước mắt chảy dọc má...

Sưu tầm


Yêu thật chân thành, tha thứ thật nhanh

Có ai đó đã nói một câu rất đúng: "Cuộc sống quá ngắn cho những điều nhỏ nhen, vụn vặt và những màn kịch tính, nên hãy hôn thật chậm, cười thật tươi, yêu thật chân thành và tha thứ thật nhanh". Đó rõ ràng là một cách sống thông minh - nhưng không dễ thực hiện.

Thực tế, ai cũng có thể thực hiện được phần… hôn thật lâu và cười thật tươi. Ngay cả "yêu thật chân thành" là một điều khó hơn nhưng vẫn khả thi. Chỉ có cái ý tưởng về "tha thứ thật nhanh" thì… thật khó.

Chúng ta thường thích đánh giá và phán xét một cách chủ quan, rồi kết luận nhanh chóng. Khi thấy mình đúng đắn, chúng ta thích trừng phạt hơn là tha thứ. Tha thứ khiến chúng ta cảm thấy như phải thoả hiệp, phải… hạ mình.

Khi cơn tức giận đang choán chỗ mà bảo phải tha thứ thì giống như bắt chúng ta phải uống một loại thuốc đắng, ép mình phải nuốt, dù chỉ một giọt cũng vẫn thấy vô cùng khó chịu.

Jimmy và Rosalynn yêu nhau say đắm, và họ quyết định kết hôn. Phải nói là yêu thì yêu, nhưng cả hai đều là những người "cứng cỏi" và… cứng đầu. Cả Jimmy và Rosalynn đều thấy rất khó để thừa nhận rằng mình đã sai, trong mọi trường hợp.

Và khi hai người bướng bỉnh sống với nhau thì tất nhiên, những cãi vã là điều khó tránh khỏi. Một hôm, sau một trận cãi nhau rất ầm ỹ nữa, Jimmy thấy rất mệt mỏi và quyết định rằng anh sẽ không để thêm một ngày nào nữa kết thúc trong tình trạng một trong hai vợ chồng còn cáu kỉnh với nhau.

Nên anh vào xưởng mộc của mình, cắt một mảnh gỗ mỏng và nhỏ. Trên đó, anh cẩn thận khắc dòng chữ: "Kể từ giờ em nhé, vào mỗi buổi tối, mảnh gỗ nhỏ này là để thay cho một lời xin lỗi, hoặc một lần tha thứ của anh."

Ngay hôm đó, anh đưa mảnh gỗ cho Rosalynn. Và từ đó, anh đều biết kiềm chế mình mỗi lần nổi cáu khi Rosalynn đưa mảnh gỗ cho anh xem. Anh sẽ thừa nhận mình sai lầm - nếu đúng như thế, hoặc lắng dịu xuống, nếu là anh đang tức giận với một sai lầm của vợ.

Với mảnh gỗ nhỏ đó, Jimmy đã giúp cho cả anh và người anh yêu nhất là Rosalynn học cách tha thứ thật nhanh. Họ tạo ra một không khí ấm áp trong gia đình, nơi cả hai có thể thừa nhận những sai lầm của mình và biết rằng sẽ được tha thứ.

Và tôi cho rằng nếu chúng ta có thể tha thứ thật nhanh, thì chúng ta sẽ không gặp khó khăn gì trong những việc ôm hôn, vui cười và yêu thương. Mà có thể bằng cách tha thứ, chúng ta sẽ còn thực hiện nhiều hơn những điều còn lại.

Sưu tầm