Truyện Minh Hoạ - Tha Thứ

Người đàn bà ngoại tình

Câu chuyện xảy ra tại một hải đảo thuộc nước Italia, dân chúng qui định: nếu một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta sẽ buộc cổ người đàn bà này vào một tảng đá lớn, và quẳng xuống biển cho chết chìm.

Vào một ngày nọ, có một người đàn bà bị bắt quả tang về tội này, bà sẽ bị xử theo qui định. Nhưng đến ngày xử mà người chồng vẫn còn đang đánh cá ở ngoài khơi, cho nên dân làng phải gia hạn thêm vài ngày nữa. Người ta đã gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không thấy người chồng trở về. Cuối cùng, họ phải đưa người đàn bà ấy đến một vùng biển sâu, cột một tảng đá lớn vào cổ bà, rồi đẩy bà xuống nước.

Nhưng lạ lùng thay, hôm sau mọi người đều kinh ngạc thấy người đàn bà xuất hiện trong làng.

Thì ra, người chồng đã hay biết tất cả những gì xảy ra cho vợ mình. Thay vì trở về chứng kiến bản án khắc nghiệt, ông ta tìm cách ở lại ngoài khơi, với hy vọng kéo dài cuộc sống cho vợ. Và đến ngày xử án, ông đã đến núp sau một ghềnh đá lớn. Khi người ta vừa ném bà xuống biển, ông đã đến đón lấy bà, tháo gỡ tảng đá ra và đưa bà về nhà.

Antôn Bảo Lộc


Thuận vợ thuân chồng

Tôi và vợ tôi là sinh viên học cùng khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa. Sau 2 năm tìm hiểu, chúng tôi đã yêu nhau. Ra trường, cả hai đều có việc làm ổn định, rồi kết hôn. Cô con gái xinh xắn ra đời càng làm cho cuộc sống vợ chồng tôi thêm hạnh phúc.

Tuy nhiên, do yêu cầu công việc (cả hai đều là kỹ sư xây dựng) nên chúng tôi thường xuyên phải xa nhà để theo những công trình. Có khi con gái được nội, ngoại giữ suốt mấy tháng trời mà chẳng gặp ba mẹ. Vì vậy những giây phút bên nhau của chúng tôi cực kỳ quý báu. Tôi tận dụng thời gian đó để chăm sóc vợ, dạy bảo con. Trong thời gian xa cách, dẫu có nhiều cám dỗ nhưng tôi vẫn luôn giữ mình để xứng đáng với lòng tin yêu của vợ.

 Thế nhưng vợ tôi lại không làm được như vậy, cô ấy đã sa ngã khi theo một công trình xây dựng ở tỉnh nọ. Trong những tháng ngày tham gia giám sát thi công, cô đã được người thầu quan tâm, chăm sóc. Trước, ông ta làm thế chỉ để lấy cảm tình của vợ tôi, giúp nghiệm thu công trình dễ dàng hơn. Nhưng dần dà, sự tán tỉnh quá mức của hắn đã khiến vợ tôi mê đắm. Cô ấy trở thành tình nhân của hắn mà tôi không hề hay biết.

Dù nghe nhiều người xì xào về đức hạnh của vợ mình, tôi vẫn luôn minh oan cho vợ, vẫn một mực cho rằng vợ mình vô tội. Cho đến một ngày, chính anh ruột tôi đến thẳng nơi làm việc tìm tôi, đưa cho tôi một vé máy bay kêu đi theo anh ấy về nhà, có việc cần. Vừa xuống máy bay, anh đưa tôi đến thẳng khách sạn, lên một phòng, gọi cửa. Khi cửa vừa hé mở, anh xông thẳng vào và chỉ cho tôi thấy người vợ thân yêu đang ở trong đó cùng ông chủ thầu. Hắn nhanh chóng chuồn khỏi, để lại vợ tôi cúi gằm mặt không nói được lời nào.

Anh trai tôi dằn mặt cô ấy... Tôi cảm thấy thật nhục nhã. Tôi muốn làm một cái gì đó để xả giận nhưng tay chân tôi như cứng đờ. Đột nhiên, cô ấy quỳ xuống, khóc lóc, xin tôi tha thứ - hãy vì con mà tha thứ cho cô ấy. Nhưng anh tôi lại xen vào: "Thế lúc cô phản bội chồng, cô có nghĩ đến con không?".

Tôi lẳng lặng viết đơn ly dị đưa cho cô ấy. Trong thời gian chờ tòa xử, gia đình tôi đã thóa mạ, mắng chửi cô ấy thậm tệ, cấm cô ấy không được về thăm con. Những lần cãi vã, đứa con gái bé bỏng của chúng tôi mắt ngơ ngác hết nhìn ba rồi quay sang mẹ, miệng mếu máo nhưng chẳng ai để ý, vì chúng tôi còn mải chì triết, trách móc lẫn nhau. Ngày xưa, chỉ cần cháu sụt vài trăm gam là cả nhà đã lo sốt vó. Lúc này cháu gầy trơ xương, tối nào ngủ cũng giật mình khóc thét, lại hay cáu gắt, đôi lúc lại trầm tư chẳng muốn nói chuyện với ai...

 Sau hai, ba lần hòa giải không thành, tòa án đã quyết định cho chúng tôi ly hôn, giao cho cô ấy được nuôi con.

 Hôm ấy, tôi đang cho cháu ăn sáng, nghe tiếng xe mẹ về, cháu chạy vội ra, hai bàn tay bé xíu vỗ vỗ vào nhau, miệng cười thật tươi: "A, mẹ về, mẹ về".

 Ngày xưa, những lúc ấy, tôi thường chạy lại đỡ xe cho vợ để cô ấy ôm con. Nhưng lúc đó tôi tỉnh bơ nhìn cô ấy khó nhọc dắt xe lên cái bục cao, mặc con bé giơ tay đòi mẹ ẵm. Cô ấy vào nhà, lấy mấy bộ đồ của con cho vào túi rồi dắt nó đi. Con bé một tay ôm con gấu bông, một tay nắm tay mẹ, vừa đi vừa nhìn lại phía sau xem tôi có đi theo không.

Cháu đi được một quãng rồi chạy trở lại, ôm lấy tôi hôn. Tôi rơi nước mắt, siết cháu vào lòng. Tôi ngước nhìn vợ, cô ấy xanh xao, hốc hác, mắt thâm quầng, chắc đã nhiều đêm không ngủ. Về với cô ấy con tôi sẽ ra sao khi không có cha? Còn nếu ở với tôi mà không có mẹ thì ai sẽ chăm sóc, vỗ về con? Trong lúc cô ấy đến nắm tay con để dắt đi, tôi chụp tay con lại thì vô tình chạm vào tay cô ấy. Bàn tay mềm mại ngày nào tôi đã siết để đặt lên lời thề suốt đời có nhau. Tôi khó nhọc bảo:

- Hay là thôi, em ở lại chăm sóc con cùng anh.

 Đôi mắt cô ấy sáng lên nhưng rồi cụp ngay xuống. Mãi khi tôi nhắc đến lần thứ ba cô ấy mới quăng túi đồ, ôm lấy tôi mà khóc.

Tha thứ thì dễ, nhưng quên đi thì quá khó. Tôi đã rất đau đớn mỗi khi nhớ lại sự việc và càng đau đớn hơn khi luôn bị gia đình dằn vặt. Tôi đã sống trong sự bức bối như vậy suốt một thời gian dài. Đã có lúc tôi bị khủng hoảng tưởng như không thể chịu đựng nổi, nhưng khi nhìn con vui vẻ, hạnh phúc, nằm ngủ ngon lành với ba một bên, mẹ một bên thì mọi chuyện lại vơi đi. Vợ tôi sau đó đã xin về gần nhà làm công tác hành chính để có thời gian chăm sóc tôi và con chu đáo hơn. Giờ đây, cuộc sống của tôi chẳng có gì đáng phàn nàn. Trong một lần về quê, bà nội tôi đã la rầy anh tôi:

- Vợ chồng nó hòa hợp lại với nhau là điều đáng mừng, sao tụi bây cứ mong cho chúng xào xáo? Lẽ ra khi hay vợ nó làm bậy, tụi bây phải khuyên răn để nó quay về với chồng nó. Đằng này đứa nào cũng chỉ muốn bắt quả tang, muốn quậy cho gia đình nó tan đàn xẻ nghé. Điều cốt yếu là thuận vợ thuận chồng, nuôi nấng con cái thành người chứ không phải là bắt ghen, trị tội, làm cho ra lẽ, chẳng ích lợi gì.

Nội tuy già nhưng sáng suốt hơn nhiều người trẻ. Nghe lời nội, tôi cố quên và dần dần cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào của gia đình. Tôi viết bài này với mong ước thành thật: khi xảy ra điều lầm lỗi, nếu vợ chồng còn có thể tha thứ được, hãy vui vẻ tha thứ cho nhau. Bởi vì sự tha thứ là nền móng vững chắc nhất để xây dựng gia đình. Có nó, thì dù sóng to, bão lớn nào cũng có thể qua đi...

Sưu tầm


Lòng vị tha - cho người và cho ta

Trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm mình buồn rười rượi… nhưng bạn đừng nên giữ những điều không vui ấy mãi trong lòng, biết tha thứ để vui sống là điều đáng để chúng ta quan tâm.

Ngạn ngữ có câu: “Hãy tha thứ và hãy quên!”, nhưng phần lớn chúng ta thường cảm thấy quên dễ hơn nhiều so với việc tha thứ cho một người nào đó đã làm ta đau lòng, thất vọng não nề. Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào đi nữa, ta cũng nên học cách tha thứ. Fred Luskin – giáo sư tâm lý đại học Stanford, tác giả quyển sách “Hãy tha thứ vì sự tốt đẹp” – đã khuyên: “Nếu cứ gặm nhấm những nỗi đau và âm ỉ sự phục thù, bạn sẽ bị hao mòn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tha thứ sẽ là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ.”

Trong một nghiên cứu, Charlotte van Oyen – giáo sư tâm lý học Đại học Hope ở Hà Lan – đã yêu cầu hơn 70 đối tượng tình nguyện nhớ lại một nỗi đau trong quá khứ. Qua kiểm tra đồ đạc, người ta thấy có những đột biến đáng kể trong huyết áp, nhịp tim đập và sự tăng cơ - những phản ứng tương tự xảy ra khi bạn đang nổi cơn giận dữ. Các nghiên cứu đã kết nối giữa sự tức giận và bệnh tim. Nhưng khi các đối tượng được yêu cầu tưởng tượng ra sự thông cảm và tha thứ cho những người đã làm họ đau khổ, thì kiểm tra cho thấy nhịp tim và huyết áp đều bình ổn.

Theo Luskin, điều quan trọng hơn nữa là ai trong chúng ta cũng có thể học được cách tha thứ. “Chúng tôi hướng dẫn cho các đối tượng viết lại câu chuyện trong đầu, biến đổi nạn nhân thành người anh hùng. Nếu họ đau lòng vì bị người bạn đời phản bội, chúng tôi động viên họ hãy tự nghĩ về mình không phải như là người bị “cắm sừng” mà là người đang hy sinh và nổ lực để duy trì hạnh phúc trong hôn nhân”.

Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự tha thứ có thể cải thiện sức khoẻ tổng trạng thật đáng khích lệ: một cuộc khảo sát trên 1.423 đối tượng do Viện nghiên cứu Xã hội thuộc Đại học Michigan tiến hành gần đây đã khám phá ra rằng: những ai đã từng tha thứ cho một người nào đó trong quá khứ đều cảm thấy khoẻ khoắn, nhẹ nhàng, thư thái hơn những ai cứ chôn sâu mối hận trong tim.

Tuy nhiên, vẫn còn một điều đáng suy nghĩ ; trong khi 75% người tin rằng Chúa đã tha thứ cho những lỗi lầm của họ thì chỉ có 52% người có đủ nghị lực và lòng vị tha để tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Như vậy, tha thứ vẫn là một hành động cao cả mà chúng ta phải học hỏi suốt đời.

Tha thứ không chỉ gói gọn trong việc bỏ qua những lỗi lầm của người khác mà còn mở rộng đối với chính bản thân mình. Bạn có đồng ý rằng, chúng ta rất hay phạm phải sai lầm không? Nếu ta có thể tha thứ cho người khác thì tại sao ta không thể tha thứ cho bản thân mình. Có không ít người dễ dàng thông cảm xí xoá những điều không hay mà người khác gây nên cho mình: vui vẻ nở một nụ cười với người vô tình quẹt vào xe mình; cũng chẳng chấp nhặt một đồng nghiệp hay mượn đồ của bạn vì tính của người đó là như thế… nhưng bạn lại thật khó khăn với bản thân mình.

Nếu bạn lỡ không hoàn thành đúng tiến độ công việc, bạn cảm thấy có lỗi, điều đó là đương nhiên nhưng bạn đừng mang trách nhiệm ấy để tạo áp lực triền miên cho mình, rằng mình là người bất tài… Hãy biết dừng lại đúng lúc những điều làm mình không vui, hãy biết cách để tha thứ cho chính mình để có thể tiếp tục những bước đi kế tiếp.
Bạn hiểu lầm và trách oan một đồng nghiệp, khi bạn nhận ra sai lầm ấy bạn đã tự trách mình sao quá hồ đồ, bạn ngượng ngùng tránh gặp người bạn ấy, cảm giác xấu hổ vì tính hẹp hòi, thiển cận của mình không thể xua đi trong thâm tâm bạn… Sao bạn không sớm quên những cảm giác tiêu cực ấy đi.

Tha thứ cho người và quan trọng là tha thứ cho chính bản thân sẽ giúp chúng ta cân bằng trong cuộc sống. Tha thứ và rút ra những bài học cho mình là cách tạo nên sự thanh thản thông minh.

Sưu tầm


Sự bao dung - câu chuyện hai viên gạch xấu 

Đến miền đất mới, các vị sư phải xây dựng, mua dụng cụ và bắt tay vào làm việc. Một chú tiểu được giao xây một bức tường gạch. Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng thớm chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú đặc biệt kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm phiền lòng bởi chú biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.

Cuối cùng chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống. Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có gì đó đập vào mắt: mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú.

Kể từ đó mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.

Một hôm có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên:

"Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao!"

"Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?"

 – Chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.

"Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao."

 - Vị sư già từ tốn.

Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân mình khi cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà ta mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta dã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là hai viên gạch xấu xí giữa 998 viên gạch hoàn hảo. Và đôi khi chúng ta quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi bắt gặp ai đó mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.

Cần phải học cách rộng lượng với người khác và với chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là một thế giới nơi lỗi lầm được tha thứ.

Sưu tầm


Học cách tha thứ 

Biết tha thứ cho những người làm ta đau đớn sẽ mang lại một cảm giác yên bình mà ta không thể có được khi ôm lấy mối hận thù. Ngoài ra, tha thứ còn làm ta khoẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một nghiên cứu tại Đại học Hope ở Michigan, Mỹ, đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ hình dung kế hoạch trả thù những người làm đau mình. Nhưng sức ép sẽ giảm đi rất nhiều khi họ mường tượng đến cảnh tha thứ cho những người phạm lỗi. Các nhà khoa học tại Đại học Stanford cũng tìm thấy những ai biết thứ tha có các cơn giận dữ và triệu chứng stress ít hơn rất nhiều so với những người giữ mãi mối hận.

Để vết thương mau lành, hãy làm theo những lời khuyên sau:

Đừng đợi nhận được lời xin lỗi

Thông thường chúng ta rất biết cách bảo vệ lẽ phải của mình: “Không lý gì tôi phải tha thứ cho hắn trước trừ phi hắn thừa nhận sai phạm và xin lỗi tôi.”

Nhưng nếu chúng ta chấp nhận tha thứ trước khi nhận được lời xin lỗi thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng tâm trí bị đeo đẳng bởi cơn giận dữ trong khoảng thời gian dài. Thường thì chính chúng ta mới là người gánh chịu các thiệt hại do sự tức giận gây ra. Điều này có khác gì bạn tự mình đặt niềm vui, sự thanh thản dễ chịu của bản thân vào tay người khác?

Tìm cách thông cảm với sự xúc phạm

Người ta có thể đã hành động vì sự vô tâm, nỗi lo sợ hoặc niềm đau của chính họ. Có một câu nói rằng: Đằng sau bất kỳ hành động thô lỗ nào, thường là một chuyện đau lòng. Hãy tự đặt mình vào vị trí của người lầm lỗi, hoặc viết một bức thư cho chính mình dưới quan điểm của họ.

Đừng quên bản thân cũng từng gây ra không ít lỗi lầm

Thường sẽ đau đớn hơn rất nhiều khi chính mình phải suy ngẫm về lỗi lầm của mình. Nhưng cần phải làm thế để tìm lại sự cân bằng. Nhìn vào sự thật này để thấy rằng người khác có thể tha thứ cho mình thì tại sao mình không thể làm điều này nhỉ?

Làm mới sự tha thứ

Những cảm giác đau đớn sẽ vẫn tồn tại cho dù bạn đã bỏ qua chuyện cũ. Có những lúc bạn sẽ cần phải làm mới lại sự tha thứ của mình. Nhưng vượt qua sự hận thù sẽ làm bạn thảnh thơi bước tiếp. Nghiên cứu cũng cho thấy những ai tha thứ sẽ cảm thấy nỗi đau không còn nặng nề như trước.

Cuối cùng, đưa bản thân vào danh sách tha thứ

Tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho bản thân.

Sưu tầm


Cả hai đều đúng - bài học khi tranh luận 

Một hiền giả Ấn Độ, ngày kia, xem bài các đệ tử phê bình về một bài thơ của mình. Có hai người đệ tử, trước khi trình cho thầy bài luận của mình, lại đổi nhau xem trước. Họ cãi nhau không ai chịu nhận bài của bạn mình là đúng. Thế rồi, họ bảo nhau để xem thầy sẽ phán xét như thế nào.
Ông thầy xem đến bài của từng người đều gật đầu khen phải cả. Đến lượt hai người này, thầy cũng gật đầu khen đúng nữa. Một người liền đứng lên phản đối:

“Thưa thầy, thầy bảo rằng bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chứ như đối với bài của anh này, thì con chắc chắn không thể nào thầy cho là đúng được, trong khi thầy cũng nhận cho bài của con cũng đúng nữa. Hai lập luận của chúng con chắc chắn không thể bên nào dung được bên nào: hễ anh ấy đúng thì con sai, mà con đúng thì anh ấy sai”.

Ông thầy mỉm cười, ôn tồn bảo:

“Hai trò đều bàn đúng cả đấy. Sở dĩ trò này nói như thế này là tại trình độ hiểu biết của trò đó chỉ đến đó là cùng. Sao có thể bảo trò đó nói sai hay hiểu sai cho được! Bài thơ của thấy như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây hoa nào nở hoa nấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bảo bài của người này đúng, mà bài của kẻ kia sai!”.

Nếu ở đời, ai cũng biết lấy sự độ lượng của hiền giả này mà cư xử, thì ắt không bao giờ cần phải học đến thuật xử thế, mà việc gì trong đời cũng sẽ được xuôi chèo mát mái cả…

Sưu tầm


Ưu điểm và khuyết điểm 

Một đoàn hợp xướng nổi tiếng tổ chức cuộc biểu diễn báo cáo định kỳ thường niên. Khách mời có đủ các giáo sư âm nhạc, các nhà sáng tác, phê bình, các nghệ sĩ nổi tiếng và nhiều chính khách. Hết chương này nối tiếp chương khác, giọng ca của các ca sĩ cứ hoà quyện lấy nhau, dường như mỗi âm thanh, mỗi lời ca đều phát ra từ chiếc đũa chỉ huy của vị nhạc trưởng - nhịp nhàng - đúng chỗ - đúng lúc - đúng thanh điệu...; thể hiện kết quả của một quá trình luyện tập gian khổ và trình độ diễn xuất cao.

Dòng thác âm thanh cùng lời ca kỳ diệu như đưa cả người hát và người nghe vào trạng thái thăng hoa, ngây ngất như trong mơ trong mộng. Bỗng nhiên, một giọng nữ trong veo cất lên cao vút. Một giọng độc xướng kỳ lạ, nhưng lại xuất hiện ở vị trí không dành cho những người độc xướng! Vị nhạc trưởng ngỡ ngàng, ngẩng đầu; dàn hợp xướng dường như bắt đầu rối loạn... May thay, sự cố chỉ xảy ra trong một vài giây; ngay lập tức mọi thứ lại trở về quỹ đạo bình thường và buổi biểu diễn đã kết thúc hết sức mỹ mãn.

Những tràng vỗ tay như sấm và nghi lễ tặng hoa vừa chấm dứt thì vị nhạc trưởng đã hầm hầm lao vào phía sau sân khấu:

- Ai đã hát lạc giọng?

- Là tôi ạ... - một cô gái mới nhập đoàn không lâu đang thút thít ngồi khóc trong sân khấu. Vừa đúng lúc đó có một vị thượng khách bước vào, ông nhạc trưởng đành phải tươi cười bước ra nghênh tiếp.

- Tôi rất muốn gặp cô gái đã hát lạc giọng - vị giáo sư âm nhạc nổi tiếng nói - Đã lâu lắm rồi, tôi chưa được nghe một giọng nữ cao nào đẹp và mượt đến mức như vậy. Nếu biết cách huấn luyện, sẽ có được một ca sĩ lớn.

Thế là cô gái hát lạc giọng bị cả đoàn chỉ trích đó đã trở thành học trò của vị giáo sư nổi tiếng. Quả nhiên, sau vài năm, cô bé lọ lem đó đã trở thành một ngôi sao lớn trong giới thanh nhạc.

 Một số người chỉ nhìn thấy cái sai của những người khác. Có người lại nhìn thấy được cả ưu điểm trong những sai lầm. Để có thể trở thành loại người thứ hai, cần phải vừa có lòng bao dung vừa có trí tuệ.

Sưu tầm


Nghệ thuật tha thứ 

Một người cứ luôn luôn bị tỉnh dậy vào buổi đêm, vì một giấc mơ cứ lặp đi lặp lại. Anh ta thấy mình bơi trong một cái hồ, bơi giỏi như một vận động viên.

Tuy nhiên, cái hồ rất rộng mà chân tay anh ta thì mỏi, anh ta khó lòng bơi tới được bờ. Bỗng nhiên, cha anh ta bơi thuyền đến gần, đưa tay ra, bảo anh ta bám lấy. Anh ta nhớ lại hồi nhỏ thường bị bố mắng mỏ, thậm chí đánh đòn, nên mỉm cười khô khan và nói: "Cảm ơn bố, cứ kệ con!".

Anh ta bơi tiếp, cố hết sức hướng về phía bờ. Rồi anh ta nhìn thấy một người khác bơi thuyền lại gần. Ðó là cô em gái. Cô em gái quăng một chiếc phao về phía anh ta và bảo: "Anh dùng phao đi!". Nhưng nhớ lại rất nhiều lần cô em gái hỗn hào ương bướng cãi lời mình, anh ta lắc đầu và xua tay.

Sau những nỗ lực lớn lao, cuối cùng anh ta cũng vào được đến bờ. Anh ta nằm vật ra trên bãi cát ướt, sự mệt mỏi làm đầu óc trở nên lơ mơ, còn chân tay thì không cử động nổi. Một đám đông người tụ tập quanh anh ta. Khuôn mặt nào anh ta cũng thấy quen. Ðó là gia đình, họ hàng, bè bạn của anh. Người thì muốn đưa anh vào bệnh viện, người thì muốn đốt lửa, người thì muốn lấy bộ quần áo khô và khăn cho anh lau… Nhưng cứ khi mỗi người định làm gì, anh ta lại nhớ lại những khi con người đó đối xử không tốt với mình. Và "Không, cảm ơn!" - Anh ta lại nói - "Cứ kệ tôi!". Anh gượng đứng dậy, quần áo ướt sũng, dính đầy cát, chân tay rã rời, mệt mỏi đi xa đám đông.

Sau khi liên tục nằm mơ thấy giấc mơ đó trong vòng vài đêm, anh ta liền đi hỏi bà, người duy nhất chưa bao giờ làm gì không tốt với anh, và người mà anh tin tưởng sẽ không bao giờ làm gì không tốt với anh cả.

 - Bà không phải là người biết ý nghĩa của những giấc mơ - bà anh nói - Nhưng bà nghĩ cháu đang giữ trong đầu quá nhiều bực bội và hằn học.

- Bực bội ư? Hằn học ư? Không thể thế được! - Anh ta kêu lên - Nếu có thì cháu phải cảm thấy chứ!

Bà của anh ngồi yên và bình tĩnh đáp :

- Những cố gắng của cháu và hồ nước trong giấc mơ chính là những gì cháu đang phải cố gắng trong tâm trí cháu. Cháu cần sự giúp đỡ, cháu muốn được quan tâm, nhưng cháu thấy không ai đủ tốt cho cháu tin tưởng. Cháu đã bơi được tới bờ một lần, nhưng còn những lần khác thì sao? Sự tha thứ không phải là những điều mà chúng ta làm cho người khác, mà chúng ta làm cho chính chúng ta đấy thôi. Vì khi chúng ta không tha thứ, có phải là chúng ta đã xây dựng trong tâm trí mình những bực bội và tức giận ngày càng lớn đó không?

Có một câu nói thế này: "Bạn không phải là người hoàn hảo, nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu bạn tha thứ những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được những người khác tha thứ những sai lầm của bạn".

Sưu tầm


Tha thứ mãi mãi

Lisa ngồi trên sàn với chiếc hộp trước mặt. Cái hộp cũ kĩ đựng 1 tờ giấy kẻ ô vuông. Và đây là câu chuyện đằng sau những ô vuông...

- Các con phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần... - Cô giáo trường Chủ Nhật đọc to luôn câu trả lời cho cả lớp nghe: "70 nhân 7 lần! "

Lisa kéo tay Brent - em trai cô:

- Thế là bao nhiêu lần...

Brent viết số 490 lên góc vở Lisa. Brent nhỏ bé, vai hẹp, tay ngắn, đeo cặp kính quá khổ và tóc rối bù. Nhưng năng khiếu âm nhạc của cậu làm bạn bè ai cũng phục. Câụ học pianô từ năm lên 4, kèn darinet năm lên 7 và giờ đây cậu đang chinh phục cây đèn Oboa. Lisa chỉ giỏi hơn em trai mình mỗi 1 thứ: bóng rổ, 2 chị em thường chơi bóng rổ sau giờ học. Brent thấp bé lại yếu, nhưng nó không nỡ từ chối vì đó là thú vui duy nhất của Lisa giữa những bảng điểm chỉ toàn yếu với kém của cô.

Sau giờ học, 2 chị em lại chạy ra sàn bóng rổ. Khi Lisa tấn công, Brent bị khuỷu tay Lisa huých vào cằm. Lisa dễ dàng ghi điểm. Cô hả hê với bàn thắng cho đến khi nhìn thấy Brent ôm cằm.
- Em ổn cả chứ... Chị lỡ tay thôi mà!

- Không sao, em tha lỗi cho chị - Cậu bé cười - Phải tha thứ 490 lần và lần này là 1, vậy chỉ còn 489 lần nữa thôi nhé!

Lisa cười. Nếu nhớ đến những gì Lisa đã làm với Brent thì hẳn 490 lần đã hết từ lâu lắm.
Hôm sau, 2 chị em chơi bắn tàu trên giấy. Sợ thua, Lisa nhìn trộm giấy của Brent và dễ dàng "chiến thắng".

- Chị ăn gian! - Brent nhìn Lisa nghi ngờ.

Lisa đỏ mặt:

- Chị xin lỗi!

- Được rồi, em tha lỗi - Brent cười khẽ - Thế là chỉ còn 488 lần thôi, phải không...

Sự độ lượng của Brent làm Lisa cảm động. Tối đó, Lisa kẻ 1 biểu đồ với 490 hình vuông:

- Chúng ta dùng cái này để theo dõi những lần chị sai và em tha lỗi. Mỗi lần như vậy, chị sẽ gạch chéo 1 ô - Miệng nói, tay Lisa đánh dấu 2 ô. Rồi cô bé dán tờ biểu đồ lên tường.
Lisa có rất nhiều cơ hội đánh dấu vào biểu đồ. Mỗi khi nhận ra mình sai, Lisa xin lỗi rất chân thành. Và cứ thế... Ô thứ 211: Lisa giấu sách Tiếng Anh của Brent và cậu bé bị điểm 0. Ô thứ 394: Lisa làm mất chìa khoá phòng Brent... Ô thứ 417: Lisa dùng thuốc tẩy quá nhiều làm hỏng áo Brent... Ô thứ 489: Lisa mượn xe đạp của Brent và đâm vào gốc cây. Ô 490: Lisa làm vỡ chiếc cốc hình quả dưa mà Brent rất thích.

- Thế là hết - Lisa tuyên bố - Chị sẽ không có lỗi gì với em nữa đâu.

Brent chỉ cười: "Phải, phải"

Nhưng rồi vẫn có lần thứ 491. Lúc đó Brent là sinh viên trường nhạc và cậu được cử đi biểu diễn tại đại nhạc hội New York. Một niềm mơ ước thành hiện thực.

Người ta gọi điện đến thông báo lịch biểu diễn nhưng Brent không có nhà, Lisa nghe điện: " Hai giờ chiều ngày mùng 10 nhé! " Lisa nghĩ mình có thể nhớ được nên cô đã không ghi lại.
- Brent này, khi nào con biểu diễn... - Mẹ hỏi.

- Con không biết, họ chưa gọi điện báo ạ! Brent trả lời.

Lisa lặng người, mãi mới lắp bắp:

- Ôi!... Hôm nay ngày mấy rồi ạ...

- 12, có chuyện gì thế...

Lisa, bưng mặt khóc nức lên:

- Biểu diễn... 2 giờ... mùng 10... người ta gọi điện... tuần trước...

Brent ngồi yên, vẻ mặt nghi ngờ, không dám tin vào nhữnng gì Lisa nói.

- Có nghĩa là... buổi biểu diễn đã qua rồi......... - Brent hỏi.

Lisa gật đầu. Brent ra khỏi phòng, không nói thêm lời nào. Lisa về phòng, ngậm ngùi khóc. Cô đã huỷ hoại giấc mơ của em cô, làm cả gia đình thất vọng. Rồi cô thu xếp đồ đạc, lén bỏ nhà đi ngay đêm hôm đó, để lại 1 mảnh giấy dặn mọi người yên tâm.

Lisa đến Boston và thuê nhà sống ở ngay đó. Cha mẹ nhiều lần viết thư khuyên nhủ nhưng Lisa không trả lời: "Mình đã làm hại Brent, mình sẽ không bao giờ về nữa". Đó là ý nghĩ trẻ con của cô gái 19 tuổi.

Rất lâu sau, cô vô tình gặp lại người láng giềng cũ: bà Nelson.

- Tôi rất tiếc về chuyện của Brent... - Bà ta mở lời.

Lisa ngạc nhiên:

- Sao ạ...

Bà Nelson nhanh chóng hiểu rằng Lisa không biết gì. Bà kể cho cô nghe tất cả: xe chạy với tốc độ quá cao, Brent đi cấp cứu, các bác sĩ tận tâm nhưng Brent không qua khỏi. Ngay trưa hôm đó, Lisa quay về nhà.

Cô ngồi lặng yên trước chiếc hộp. Cô không thấy tờ biểu đồ ngày xưa kín đặc các gạch chéo mà lại có 1 tờ giấy lớn:

"Lisa yêu quý,

Em không muốn đếm những lần mình tha thứ, nhưng chị lại cứ muốn làm điều đó. Nếu chị muốn tiếp tục đếm, hãy dùng tấm bản đồ mới em làm cho chị.

Yêu thương,

Brent"

Mặt sau là 1 tờ biểu đồ giống như Lisa đã làm hồi bé, với rất nhiều ô vuông. Nhưng chỉ có 1 ô vuông đầu tiên có đánh dấu và bên cạnh là dòng chú thích bằng bút đỏ: "Lần thứ 491: Tha thứ, mãi mãi! "

Sưu tầm