Truyện Minh Hoạ - Khôn Ngoan

Cái chết của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae

    Có hai bản tính nơi Đức Giêsu Ki tô, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Vào thế kỷ thứ V, có một người lạc giáo Hy lạp tên là Eutychès dám quả quyết chỉ có một bản tính nơi Đức Giêsu Ki tô mà thôi: bản tính Thiên Chúa. Hậu quả là: theo ông ta, Đức Giêsu Ki tô chịu đau khổ với tư cách là Thiên Chúa. Đây là điều phi lý và không thể được.

   Vào thời đó, có một quân vương Hồi giáo tên là Alamondare tin theo đạo Công giáo. Ông là một vị tướng lừng danh đến nỗi nghe đến tên ông, cả xứ Syria và Phénécie đều khiếp. Thượng phụ Antiochia tên là Sévèere ngả theo lạc giáo Eutychès và vì thế gởi hai sứ giả đến gặp Alamondare để thuyết phục vị vương này theo Eutychès. Sau khi nghe họ nói, vị vương này bảo họ hãy trở lại vào ngày mai. Trong lần gặp thứ hai sau đó, một sĩ quan - mà vị vương đã sắp xếp dặn dò trước - đến ghé miệng vào tai vị vương mà nói nhỏ điều gì. Tức thì Alamondare trở nên buồn bã, đôi mắt ứa lệ mang máng vẻ sầu não vô cùng. Hai vị Giám mục đang nói chuyện với ông bèn lên tiếng hỏi:

   - Thưa ngài, có chuyện gì thế?

   - Than ôi, người ta vừa báo cho tôi một tin buồn quá! Các vị có tưởng được rằng Tổng lãnh Thiên Thần Micae vừa mới chết và các thiên thần trên trời buồn.

   Hai Giám mục kia không cầm lòng được, bật cười lớn và trấn an Alamondare rằng các Thiên thần thì bất tử ở trên trời và các ngài không thể đau khổ lẫn chết được.

   - A! Alamondare liền kêu lên, thế mà các vị lại đến thuyết phục tôi tin rằng Đức Giêsu Kitô chỉ có mỗi một bản tính và Người đã chết ư?  Thiên Chúa có thể chết sao?

   Với luận cứ mà các sứ giả của Sèvère không ngờ tới này, buổi thuyết phục của bè rối đã chấm dứt! Các sứ giả không biết ăn nói làm sao cả và xin rút lui!"

 Sưu tầm


Alphonse d`Aragon và hiệp sĩ Tây Ban Nha

 Alphonse, nhà hiền triết, vua xứ Ara-gon, nổi tiếng bởi lòng đạo đức và lối sống Ki tô hữu, ngày nọ, trước lễ Giáng sinh ít ngày, đến thăm một hiệp sĩ Tây Ban Nha. Hiệp sĩ này đã dành cho ngài một sự tiếp đón nồng hậu, chu đáo. Tuy nhiên, hiệp sĩ này mang tiếng xấu vì lối sống sa đoạ của ông.  Trước khi chia tay ra về, vua Alphonse mới nói những lời đầy ý nghĩa sau đây:

   “Hỡi hiệp sĩ quí phái! Người đã dành cho ta một sự đón tiếp đầy vinh dự và huy hoàng.  Nhưng, trong vài ngày nữa, Vua các vua sẽ đến, và Người muốn cử hành Lễ Giáng sinh ở nhà ngươi.  Chính vì thế mà khi đón tiếp Người, hãy cố gắng Trang trí tâm hồn ngươi như ngươi đã Trang hoàng lâu đài của ngươi hôm nay để đón tiếp ta!”

   Và vị hiệp sĩ này đã nghe theo lời khuyên của vị vua khôn ngoan. Giáng sinh trở thành lễ đón tiếp cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.

   Hãy làm như vị hiệp sĩ này để Đấng Thiên Sai đến ở trong chúng ta."

Sưu tầm


Âm thanh của đồng tiền

Tại một khu phố của người Ả Rập hàng trăm cửa tiệm ăn thi nhau mọc lên. Hương vị bốc ra từ các tiệm ăn này thu hút người giầu lẫn người nghèo. Người giầu đến đây thưởng thức những của ngon vật lạ. Người nghèo đến đây thì chỉ mong được ăn những của dư thừa hoặc ít ra cũng được hít thở chút hương vị thơm ngon bốc lên từ các nhà bếp.

Ngày kia, có người nghèo mon men đến một cửa tiệm trên tay cầm một ổ bánh mì. Người nghèo này có ý nghĩ độc đáo. Thay vì chờ chực để hưởng phần ăn thừa của thực khách, anh ta leo lên mái nhà rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp. Anh ta vừa nhai bánh mì vừa hít làn khói thơm phức từ nhà bếp bay lên.

Nhưng không may cho anh, ông chủ tiệm ăn trông thấy. Thế là ông ta cho lôi anh xuống và đòi tiền, ông ta bảo:

- Hương vị từ nhà bếp bốc lên không phải là của chùa. Ngươi đã thưởng thức hương vị đó, ngươi phải trả tiền cho ta.

Người nghèo không chịu trả tiền. Nội vụ được đưa ra trước tòa. Các quan tòa phải nhức đầu vì vụ này. Hai ý kiến được nêu lên, cả hai xem ra đều có lý. Một ý cho rằng hương vị thơm bốc lên từ cửa hàng, nên nó là sở hữu của ông chủ. Ý khác lại cho rằng hương thơm cũng như không khí là của chung mọi người, vì thế người nghèo có quyền hưởng mà không phải trả tiền cho ai cả.

Sau khi bàn bạc và cân nhắc, chánh án ra phán quyết sau đây:

- Người nghèo đã thưởng thức hương vị mà không đụng tới món ăn, vì thế anh ta phải lấy một đồng tiền, ra giữa công viên gõ đồng tiền ấy vào ghế đá. Nếu người chủ cửa hàng muốn đòi tiền hương thơm , hãy lắng nghe âm thanh của đồng tiền."

 Sưu tầm


Annibal và Phomion

Trong khi Annibal (Annibal là một võ tướng nổi danh, cùng với Alexandre và César là ba nhà đi chinh phục tiếng tăm nhất thời xưa) ẩn thân tại triều đình của Antioéhus, vua sứ Syrie, có người hỏi ông có muốn nghe chuyện của nhà hiền triết Phomion chăng. Annibal trả lời có. Tức thì nhà hiền triết Phomion đến nói chuyện với Annibal liền, và nói rất nhiều, nói luôn  mấy tiếng đồng hồ về thuật dùng binh và nhiệm vụ của viên tướng chỉ huy.

Thính giả lắng tai nghe ra vẻ hoan hỉ lắm, ai cũng khen Phomion hùng biện và ca tụng ông tài cao học rộng, rồi họ muốn biết ý kiến của Annibal ra sao.

Annibal trả lời bằng tiếng Hy lạp, hơi vụng, nhưng rất tự nhiên, chân thật:

- Trong đời tôi, tôi đã gặp khá nhiều kẻ nói xàm, nhưng quả thực chưa hề thấy ai lại nói xàm đến thế.

Annibal nói đúng. Còn hợm hĩnh chi cảnh tượng thô lỗ này: một người chưa từng bao giờ trông thấy một trại quân, hay một đội quân thù địch, chưa từng bao giờ nhận lãnh công vụ mà lại dám dạy nghề chiến trận cho Annibal, là một người trong bao năm trường đã dành quyền trị vì thế giới của người La mã, một người đã chiến thắng hoàn cầu, dám dạy Annibal chiến thuật và chiến lược!

Ở đây tưởng rút ra một bài học quí báu: người ta không ai có thể tự xưng là hiểu biết toàn diện, ngay về một số mặt nào đó, ta cũng chỉ có thể hiểu biết về một số khía cạch nào thôi. Tự mãn, tự túc là đã tự co mình lại, huống hồ lại đắc ý kiêu căng, tránh sao khỏi ba hoa khoác lác."

 Sưu tầm


Ánh sáng

   Một người cha nọ có 3 con trai. Ông vốn sinh ra nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm việc và nhờ cần kiệm, nên ông đã trở nên một điền chủ giàu có. Lúc về già, khi đã gần đất xa trời, ông nghĩ đến việc chia gia tài cho các con. Nhưng ông muốn thử xem đứa nào trong 3 con trai ông là thông minh nhất, để ông có thể giao phó phần lớn gia tài của ông cho cậu ta. Ông liền gọi 3 người con đến bên giường, trao cho mỗi người 5 đồng bạc và bảo họ hãy ra chợ tìm mua thứ gì có thể lấp đầy căn phòng trơ trọi mà ông đang nằm đây. Ba người con vâng lời cha, cầm tiền ra đi.

   Người con trai cả nghĩ đây là một công việc quá dễ dàng. Anh ra chợ mua ngay một bó rơm thật lớn đem về nhà.

   Người con thứ nhì suy nghĩ chín chắn hơn một chút. Sau khi đã rảo quanh chợ, anh quyết định mua mấy bao lông vịt thật đẹp mắt.

   Còn người con út cứ suy đi nghĩ lại mãi: với 5 đồng bạc này thì có thể mua được thứ gì để có thể lấp đầy căn phòng của cha đây? Sau nhiều giờ đắn đo, bỗng mắt cậu sáng lên: cậu đã nghĩ ra mình phải mua thứ gì. Cậu liền đến ngay tiệm tạp hóa, mua một cây đèn cày và một hộp diêm.

   Ngày hôm sau, cả 3 con trai đều tụ tập lại trong căn phòng của người cha già và mỗi người đều mang theo quà tặng của mình. Người con cả lấy rơm trải ra nền nhà, nhưng căn phòng quá lớn, số rơm cậu mua chỉ trải được một góc nền nhà. Đến lượt cậu con thứ mang lông vịt ra trải, nhưng rồi cũng chỉ lấp đầy được 2 góc nền nhà. Thấy vậy, người cha tỏ vẻ hơi thất vọng. Bấy giờ người con út mới đứng ra giữa phòng, trong tay cậu chẳng có món gì cả. Hai người anh tò mò nhìn em chăm chú, rồi hỏi: “ Chú mày không mua gì hết à?” Cậu út từ từ rút trong túi quần ra cây nến và hộp diêm. Thoáng một cái, căn phòng đã tràn ngập ánh sáng. Mọi người đều mỉm cười.

   Người cha rất sung sướng vì món quà tặng của người con út. Thế là ông quyết định trao phần lớn ruộng đất và gia sản của mình cho cậu con trai út, bởi vì ông nhận thấy cậu có đủ thông minh để có thể quản lý gia sản của ông và cũng nhờ đó có thể giúp đỡ các anh em sau này.

   * Một cây nến nhỏ và 1 que diêm đơn sơ đã có sức làm cho căn phòng tối đen được tràn ngập ánh sáng, tượng trưng cho sức sống và sự bình an. Để kêu gọi sự bình tĩnh sáng suốt và tinh thần hợp tác khi đứng trước những khó khăn, những thử thách, người ta thường nói với nhau: “ Thà thắp lên 1 ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối! “

   Một chút ánh sáng của nụ cười, một chút ánh sáng của sự chào hỏi, của sự chia sẻ, của sự tha thứ hay của niềm tin . . . được chiếu toả ra sẽ gây nên niềm vui chấp  nhận cuộc sống. Chỉ cần 1 chút ánh sáng thôi cũng đủ nâng đỡ ít nhất là 1 người mà ta gặp gỡ, bởi vì không có 1 nghĩa cử nào được thực thi mà lại không ảnh hưởng đến người khác!"

 Sưu tầm


Cận thần Damoclès làm vua

   Denys Le Tyran có một cận thần tên là Damoclès. Viên quan này luôn nghĩ răng vua là người sung sướng nhất đời. Ngày kia, Denýs quyết định làm ông quan này tỉnh ngộ. Vua cấp cho vị quan này những huy hiệu hoàng gia, một đoàn tuỳ tùng đông đảo và đưa vào ở trong chính cung điện của vua, rồi sai dọn cho ông một bàn tiệc rất thịnh soạn. Nhưng vua đã sai lính treo sẵn chỗ quan ngồi một thanh gươm, lưỡi quay xuống ngay đầu quan. Thanh gươm được buộc băng một sợi chỉ rất mỏng. Damoclès không hề hay biết điều này. Thấy chung quanh mình đầy người hầu kẻ hạ. Thấy mình ăn mặc như một vị vua và ngồi trước bao sơn hào hải vị, Damoclés ăn uống thoả thuê tưởng như ở thiên đàng! Bất chợt ông nhìn lên và thấy thanh gươm với mũi nhọn hoắt ngay trên đầu ông, và được buộc như thế, ông mất ngay hứng thú và ăn uống không ngon lành gì nữa cả! Ông không còn muốn biết và nếm nguồn hạnh phúc của vị vua nữa."

 Sưu tầm


Cách thu thuế của ông Phocion

Có một lần, Phocion được lệnh đến những đảo Hi-Lạp để thu thuế. Ông ta được nhà chức trách cho 20 tàu để lo sứ mạng này.

Phocion nói: “Nếu ta đi đánh giặc thì số tàu này quá ít. Nếu ta đi tìm bạn đồng minh thì cần gì phải nhiều tàu như vậy”.

Phocion chỉ xin đem một chiếc tàu. Đến Hi-Lạp, ông đi thăm các đô thị chẳng có vẻ gì doạ nạt mà cũng chẳng phô trương thanh thế. Ông bày tỏ cho dân ở đó biết sứ mạng của mình, ông trò chuyện với các quan một cách nhã nhặn và thành thật. Kết quả, ông đã thành công và lại đem thêm được nhiều tàu về nước. Đó là những tàu của các nước đồng minh dâng cho ông để ông chở tiền thuế vậy.

Truyện này nhắc chúng ta nhớ tới chuyện Phùng Hoan đi mua nhân nghĩa cho Mạnh Thường Quân: tiền có thể hết, nhưng nhân nghĩa thì còn mãi mãi. Cũng như tiền, bạo lực không đưa tới kết quả quyết định."

 Sưu tầm


Cái lưỡi

   Tương truyền khi còn làm nô lệ, triết gia Escope được chủ sai ra chợ mua thức ăn ngon nhất.  Ông mua toàn lưỡi heo đem về làm thức ăn. Người chủ lấy làm lạ, hỏi lý do.  Ông đáp:

   - Lưỡi là chìa khoá tất cả những lý lẽ của sự thật, nhờ đó mà con người được địa vị cao sang, được nhiều người kính nể, trọng vọng!

   Muốn thử ông lần nữa, người chủ sai ông ra chợ mua cái nào xấu và dở nhất về nấu. - Lần này ông cũng mua toàn lưỡi heo đem về nấu. Người chủ ngạc nhiên hỏi tại sao lại mua lưỡi nữa?  Ông đáp:

   - Nếu nói về cái quý thì không gì quý hơn cái lưỡi, nhưng tìm cái xấu thì không gì xấu hơn cái lưỡi.  Chính cái lưỡi đã khiến cho con người ưa tranh biện, gây chia rẽ, vu cáo, nói những điều bất nhân bất nghĩa.

   Tài hùng biện của Esope đã khiến người chủ chịu thua."

 Sưu tầm


Cái đầu và hai đầu gối

    Một văn sĩ nhật kể truyện hài hước: Ngày kia có một người rảnh việc ngồi chồm hổm bên bờ ruộng. Hai cái đầu gối lúc ấy nói với đầu người ấy răng:

   - Cũng là đầu như nhau, ông lại làm đầu người, còn  chúng tôi làm đầu gối. Nào có ai hơn ai, vì ai cũng quan trọng trong thân xác mà! Thế mà ông coi rẻ hai đứa tôi quá. Ông có biết răng nếu hai đứa tôi đập lại thì ông sẽ vỡ ra.

   Đầu người nhỏ nhẹ trả lời:

   - Tuy cũng làm đầu, nhưng trời cho tôi có lý trí, còn hai chú thì cũng là dầu, nhưng là đầu gối dùng để quỳ lạy mà thôi.

    Trong đời sống ai cũng giành làm đầu, nhưng mấy ai là đầu có lý trí, còn ai là đầu để quỳ lạy thiên hạ."

 Sưu tầm


Bọ Ngựa bắt Ve

     Thời xuân thu, Ngô vương chuẩn bị đánh phạt nước Sở. Ông ta nói :

  -  “Ai dám ngăn cản, thì xử tử lập tức !”

     Quan theo hầu Ngô vương có một đứa con trai tuổi còn nhỏ, nó muốn khuyên Ngô vương bỏ ý định đánh phạt nước Sở, nhưng không dám tiến vào cung. Thế là sáng sớm mỗi ngày cầm cái cung da, đi đến sau vườn hoa chơi, đi đã ba ngày, cuối cùng cũng gặp được Ngô vương.

     Ngô vương nói :

  -  “Thằng nhỏ, tại sao sáng nào cũng để cho áo quần ướt như thế ?”

     Đứa bé nói :

  -  “Đại vương, ở trong vườn có một cây, trên cành cây có một con ve sầu đang hể hả đắc ý kêu inh ỏi, nhưng lại không nghĩ rằng có con bọ ngựa đang ẩn sau lưng chuẩn bị vồ nó ; nhưng con bọ ngựa ấy cũng không nghĩ rằng có một con chim vành khuyên ở một bên đang muốn mổ nó ; mà con vành khuyên thì cũng không ngờ rằng tôi cầm cây cung da đang ngắm nó chính xác ! Đại vương, tất cả chúng nó chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, nhưng không nhìn thấy cái hại ở sau lưng, điều này rất là nguy hiểm ạ !”

     Ngô vương nói :

  -  “Rất có lí !”

     Thế là tránh được chuyện đánh phạt nước Sở.

                                                                                                                 Thuyết Uyển

 

     Suy tư :

        Cái lợi trước mắt thì ai cũng thấy, còn cái hại sau lưng thì ít người thấy, do đó mà trên thế giới không có được một ngày hòa bình, vì ai cũng nhìn thấy cái lợi trước mắt : cái lợi của dân tộc, cái lợi của quốc gia, cái lợi chủ nghĩa, cái lợi cá nhân, cái lợi cộng đoàn, và ngay cả tôn giáo cũng không tránh khỏi con mắt tham lợi của con người.v.v...

        Cái lợi trước mắt là ham mê xác thịt, cái hại sau lưng của nó là bị thiêu đốt đời đời ; cái lợi trước mắt là tiền ức bạc triệu, cái hại sau lưng của nó là mất phúc thiên đàng ; cái lợi trước mắt là ăn nhậu thỏa thích, cái hại sau lưng của nó là chết đói ơn lành ; cái lợi trước mắt là nói xấu hại người, cái hại sau lưng của nó là bị phán xét nặng nề...

        Người luôn bình an trong tâm hồn là người không nhìn thấy cái lợi trước mắt, nhưng nhìn thấy rất rõ cái hại sau lưng.

        Là người Kitô hữu, cái lợi của tôi là Thập Giá Đức Kitô, cũng có nghĩa là khi tôi nhịn nhục, khi tôi hi sinh, khi tôi mĩm cười trong đau khổ, khi tôi bị vu oan giá họa, thì đó là cái phúc cái lợi rất lớn cho tôi ở đời sau vậy !

                                                                                                            Lm.Giuse Maria NhânTài, csjb.