Truyện Minh Hoạ - Khôn Ngoan
Cô bé khôn ngoan
 
Một cô bé đi vận động từng nhà một trong xóm để quyên tiền cho câu lạc bộ những người yêu động vật. Lúc cô giải thích ý nghĩa của hành động đó cho một người đàn ông rõ, ông ta bèn mời cô bé vào nhà và nói rằng ông ta lấy làm vui lòng khi đóng góp:
 
- Cháu hãy chọn lựa đi! - Ông ta nói khi đặt tờ giấy bạc 1USD và một đồng cắc mười xu đặt lên bàn.

Cô bé nhặt lấy đồng mười xu và nói:

- Mẹ cháu luôn luôn dạy cháu nên nhận cho mình phần nhỏ nhất.

Kế đó cô nhặt tiếp tờ giấy bạc 1USD lên rồi nói tiếp:

- Và nếu như ông không phiền lòng thì cho cháu xin mảnh giấy này để gói đồng bạc lại cho khỏi bị rơi mất!

Sưu tầm


Con bò khoẻ và con bò yếu

đệ tử của một đạo sĩ Do thái thưa với thầy mình rằng: thưa thầy, tại sao những người lành lại phải đau khổ hơn những người xấu?

Vị đạo sĩ trả lời: Hãy nghe đây! một người nhà nông có hai con bò, một con khoẻ và một con yếu, ông ta sẽ đặt ách kéo cầy lên con nào? Chắc chắn là trên con khoẻ. Vị đạo sĩ kết luận:

Chúa là Đấng hay thương xót cũng hành động như thế. Để kéo thế giới tiến tới, Ngài đặt ách lên những người tốt."

Sưu tầm


Con chim khôn ngoan

Nikos kazantzakis, nhà văn Hy lạp , tác giả của 2 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Xin chọn Thượng đế làm người yêu” và “Cơn cám dỗ cuối cùng của  Chúa Giêsu” có viết một câu chuyện ngụ ngôn về việc đi tìm tự do bằng con đường chay tịnh như sau:

Có hai người thợ săn lên núi giăng lưới bắt chim. Chỉ trong chớp nhoáng, họ đã bắt được một mẻ, nhưng chỉ toàn là những con chim ốm yếu gày còm. Làm sao mà khách hàng có thể mua những con chim quá nhỏ bé như thế?  Một trong hai người liền đưa ra ý kiến: “Hay là ta cứ đem chúng về, thúc cho ăn trong một thời gian, rồi mang ra chợ bán cũng không muộn”. Người kia biểu đồng tình. Thế là ngày ngày, hai người thợ săn mang thóc lúa và nước uống đến cho cả bày chim được nhốt chung trong một cái lưới lớn. Chỉ trong vài ngày,cả bày chim mập mạnh lên trông thấy, duy chỉ có một con không màng đến chuyên ăn uống gì cả. Trong khi những con chim khác ung dung thưởng thức cuộc sống đầy đủ của cảnh cá chậu chim lồng, để càng ngày càng thêm lớn ra, thì chú chim cứng đầu này vẫn tiếp tục tuyệt thực và tìm đủ mọi cách để có thể thóat thân, vì thế, chú càng ngày càng gầy hẳn đi.

Một thời gian sau, khi bầy chim đã mập tròn, hai người thợ săn quyết định mang chúng ra chợ bán. Cả bầy chim náo loạn, bay tới bay lui, tìm cách thoát ra khỏi lưới. Nhưng than ôi, giờ phút này chúng đã quá béo tròn, làm sao có thể chui lọt qua những mắt lưới quá nhỏ? duy chỉ có chú chim cứng đầu kia, qua bao ngày tuyệt thực để gầy đi, giờ chỉ cần lách nhẹ một cái, chú đã thoát ra khỏi lưới, tung cánh bay trong bầu trời tự do!

Tự do nào cũng phải được mua bằng sự phấn đấu kiên cường. Sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa, của người môn đệ Đức Kitô được trả giá bằng chính cái chết của Đức Kitô trên thập giá. Tuy nhiên, tất cả chúng ta - những môn đệ của Chúa Kitô - chỉ có thể hưởng được sự tự do ấy bằng cuộc phấn đấu liên lỉ trong suốt cuộc đời!"

Sưu tầm


Con chuột khôn

Thầy Tô (Tô Đông Pha) ban đêm đang ngồi bỗng nghe tiếng chuột, vỗ giường doạ cho nó thôi. Thôi được một lát, lại cắn như cũ, sai thằng bé coi có cái hòm rỗng nào không. Có két cót két trong cái hòm. Đó là con chuột cắn trong hòm, bị đóng chặt mà không thể ra được. Mở ra xem thì không có gì. Cầm nến giơ vào soi tìm, thấy có con chuột chết.

Thằng bé lấy làm lạ nói:

- Rõ ràng nó vừa cắn, mà đã chết ngay ư? Hay là tiếng ma?

Lật úp cái hòm dốc con chuột ra. Vừa rơi đến đất, nó chạy ngay, nhanh tay đến đâu cũng không bắt kịp,

Thầy Tô than rằng:

- Lạ thay cái khôn của con chuột. Bị nhốt ở trong hòm, hòm gỗ cứng quá không khoét ra được, nhưng cứ cắn dù là không cắn được, cốt lấy tiếng kêu khiến người để ý, không chết mà làm ra chết, giả vờ để được chạy thoát.

Ta nghe phàm các vật sống, không gì khôn hơn người. Bắt rồng, đánh thuồng luồng, bẫy con rùa, săn con lân, sai khiến muôn vật mà đứng đầu, không ngờ, rốt lại bị con chuột sai khiến. Mắc kế lừa của con vật ấy cũng như giật mình vì con thỏ chạy trốn trong lúc ngồi thờ như con gái cấm cung, sao bảo là loài người khôn ngoan được?

Rồi đó, ngồi ngủ gà, riêng nghĩ về cớ ấy, bỗng như có người bảo ta rằng:

- Nhà ngươi chỉ học nhiều mà nhớ được, trôn nhì dại mà chưa nhận thấy gì!

Không chuyên nhất lòng nghĩ ở mình mà chia hai lòng nghĩ vào con vật, cho nên con vật chỉ mới cắn khẽ mà đã kinh hãi rồi.

Người ta có thể đập nát viên ngọc bích đáng giá ngàn vàng mà không thể không thất kinh vì cái nồi đất vỡ; có thể đánh con hổ dữ mà không thể không biến sắc vì con ong đốt; đó là cái hại lòng không chuyên chất vậy. Nhưng điều ấy nhà ngươi thường nói mà quên rồi ư?

Ta cúi xuống mà cười thầm, ngửa lên mà tỉnh hẳn, sai tiểu đồng cầm bút mà ghi bài này lại.

Bài này có những tư tưởng rất mới mà triết lý hiện đại cũng chưa thể tìm ra những cái mới hơn. Tác giả lấy chuyện một con chuột giả chết, thừa lúc ông Tô vô ý chạy thoát, làm cho ông giật mình để bàn về cái lẽ cần thiết phải tập trung tư tưởng. Làm việc gì cũng vậy không chú ý và không tin tưởng vào việc đó, không thể thành công. Ý lực mà kháng tạng thì yếu đi, lòng mà không thành khẩn thì dễ bị người ngoài sai khiến được. Một người thật mạnh là một người có cái đích chắc chắn để noi theo, không có một lực lượng gì bên ngoài có thể lay chuyển được."

Sưu tầm


Con gà giò của Don Philippe

Có một nữ tội nhân hằng tuần đến gặp Don Philippe xưng tội nói hành nói xấu của bà ta. Don Philippe ra việc đền tội cho bà như sau: mua một con gà giò, cầm chân nó và đi khắp các đường phố Roma vừa đi vừa nhổ lông con gà.

Tuần sau người này đến cáo tiếp tội nói hành nói xấu. “Con đã làm việc đền tội lần trước chưa?”, Philippe nói với bà ta.

- Thưa cha, rồi.

- Vậy lần này việc đền tội: con đi qua lại các con đường con đã đi hôm trước, và lượm đưa về cho cha các lông của con gà của con.

- Nhưng thưa cha, gió đã thổi bay chúng hết rồi.

- Cũng thế con ạ, con không thể bắt lại các thiếu sót về đức ái của con và các lời nói bất cẩn của con.

 Thánh Philippe Neri


Con Kiến và con Châu Chấu.

Vào một ngày mùa hè, trong một cánh đồng có một con châu chấu đang nhảy, la, hát thoả thích. Một chú kiến đi ngang qua, khệ nệ kéo một hạt lúa về tổ.

- Tại sao không đến đây ca hát trò chuyện với tôi, thay vì lao lực khổ sở cả ngày thế? Châu chấu nói.

- Tôi bận dự trữ lương thực cho mùa Đông, kiến đáp. Và tôi khuyên anh cũng hãy làm như thế.

- Tại sao lo lắng cho mùa đông? Châu chấu nói, hiện giờ chúng tôi còn đầy thức ăn.

Nhưng kiến ta tiếp tục công việc nặng nhọc. Khi mùa đông đến, châu chấu không có thức ăn và sắp chết vì đói. Trong lúc đó, nó thấy đàn kiến hăng ngày phân phát cho nhau những hạt lúa lấy từ kho dự trữ trong mùa hè. Cháu cháu mới biết răng:

Tốt hơn hết là chuẩn bị cho những ngày cần thiết."

Sưu tầm


Chống lại tà thần

Các môn sinh của một giáo sỹ Do Thái than phiền về những hoạt động tai hại của ác thần, khiến cho nhiều người bị mê hoặc và gây ra không biết bao nhiêu tội ác ở khắp cùng bờ cõi trái đất. Họ đến gặp tôn sư và xin thầy chỉ cách xua đuổi ảnh hưởng của quyền lực tối tăm và gian ác ra khỏi thế giới.

Vị giáo sỹ khôn ngoan liền đưa các môn sinh xuống một căn hầm tối, rồi bảo họ lấy chỏi quyét sạch bóng tối khỏi căn hầm. Họ liền hăng hái thi hành lời thầy. Nhưng dù cố gắng tới đâu, nỗ lực của họ cũng chỉ như công dã tràng. Họ đành chịu thua và xin thầy chỉ cho phương thế khác.

Vị giáo sỹ lại bảo họ lấy gậy đập mạnh vào bóng tối để xua đuổi nó đi. Một lần nữa họ lại ra công dùng gập đập mạnh vào bóng tối cho tới khi người nào người ấy mệt nhoài mà căn phòng vẫn dày đặc bóng tối.

Vị giáo sỹ lại bảo họ la thật lớn để phản đối và dọa nạt bóng tối. Họ la khàn cả cổ mà căn hầm vẫn không sáng sủa hơn, bóng tối vẫn phủ kín căn hầm.

Cuối cùng họ đành bó tay chịu thua. Bấy giờ vị giáo sỹ khôn ngoan mới giải thích:
   - Để xua đuổi bóng tối, chỉ cần thắp lên một ngọn nến nhỏ là bóng tối sẽ trốn chạy tức khắc.

Một trong những đường lối tốt nhất và hữu hiệu nhất để chống lại những ảnh hưởng xấu của quyền lực tối tăm và gian ác là thi hành việc thiện, vì “thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”.

Sưu tầm


Tôn trọng người khác       

Án Anh làm quan đại phu nước Tề, phụng mệnh Cảnh Công sang nước Sở.

Sở Linh Vương bảo các quan triêu thần rằng:

Án Anh là người gầy thấp, nhỏ bé, cao không đầy sáu gang tay mà chư hầu ai cũng phải trọng là người hiền. Nay trong các nước chỉ có Sở ta là cường thịnh hơn cả, ta muốn làm cho Án Anh phải xấu hổ để tỏ cái uy của nước Sở ta. Các ngươi nghĩ xem có kế gì không?

Quan Thái tể là Viển Khải Cương tau trình mật kế. vua bèn sai khoét một lỗ thủng cao sáu gang tay ở bên cửa đông thành, rồi truyền cho quân lính khi náo sứ nước Tề đến thì đóng chặt cửa thành lại, bảo sứ chui qua lỗ khoét mà vào.

Khi Án Anh tới thấy cửa đóng, mới sai quân gọi mở cửa. Quân cảnh thành chỉ vào lỗ khoét bảo:

Quan tướng quốc chui qua lỗ khoét nọ cũng còn rộng chán, cần gì phải mở cửa!

Án Anh nói:

Đó là chỗ chó chui, chớ không phải cửa người đi. Có sang nước chó mới vào lỗ chó, chớ sang nước người phải đi cửa của người.

Quân canh đem lời ấy tâu với vua Sở Linh Vương, Linh Vương nói:

Ta muốn làm nhục hắn, ai ngờ hắn lại làm nhục ta!

Và vua truyền mở cửa thành đón Án Anh vào.

Kính thưa quí vị và các bạn thân mến!

Để có một cuộc sống vui tươi hòa nhã với tất cả mọi người, tất cả chúng ta đều cần phải tôn trọng nhân vị của người khác. Những kẻ ỷ quyền, ỷ lực, ỷ tài, ỷ của coi thường anh chị em mình chính là những kẻ gây nghi kỵ hận thù.

Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho những ai giúp cho người khác cùng sống hòa thuận thương yêu nhau, vì những người đó được gọi là con Thiên Chúa”.

Vậy những người, vì lợi lộc vì ích kỷ, tạo ra những cảnh bất hòa trong moi trường mình sống, thì những người đó không phải là con của Chúa.

Con của Chúa luôn nhận thấy hình ảnh sống động của Chúa trong người khác, nhất là trong những người hèn kém nhỏ bé nhất trong anh chị em của mình, để yêu thương, để phục vụ, để tôn trọng.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết tôn trọng người khác, nhất là biết tôn trọng những quyền căn bản chủa họ, biết nhìn nhận tất cả là anh chị em con một Cha trên trời, và cùng được cứu chuộc bằng công nghiệp của Đấng Cứu Thế, cũng như cùng được hướng dẫn bởi tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa.

Xin hãy tha thứ cho chúng con mỗi khi vì lợi lộc của cá nhân, của gia đình, của giai cấp, của thế hệ mình, chúng con khinh thường, chúng con đàn áp, chúng con tiêu diệt người khác, chúng con bắt người khác phải hy sinh quá sức để phục vụ cho một ý tưởng ngông cuồng của chúng con.

Xin cho chúng con biết tôn trọng nhân vị của người khác, tôn trọng tự do của người người khác, nhận ra người khác cũng là người như chúng con, cũng có những tình cảm như chúng con, để chúng con biết yêu mến họ và ước mong những điều tốt đẹp đến cho họ, để tất cả cùng vui sống ở trần gian này và ngày sau sống hạnh phúc với Chúa muôn đời.

Chúng con hết lòng cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Sưu tầm


  Chữ tín

Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quí. Vua nước Tề biết được và luôn lăm le chiếm cho được cái đỉnh đó.

Một hôm nhận ra nước Tề thắng thế hơn nước Lỗ, nước Tề bắt nước Lỗ phải đem đỉnh sang dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái một cái đỉnh giả đưa sang.

Vua Tề bảo: “Phải có Nhạc Chính Tử đem sang nói ta mới tin”.

Vua Lỗ cho Nhạc Chính Tử đến bảo đem đỉnh giả sang triều cống nước Tề. Nhạc Chính TỬ hỏi: “Sao không đưa cái đỉnh thật?”

Vua Lỗ nói: “Ta quí nó lăm”.

Nhạc Chính Tử thưa: “Nhà vua quí cái đỉnh ấy thế nào, tôi quí cái Đức Tín của tôi cũng như thế”.

Sau cùng bị nước Tề chèn ép quá, vua Lỗ phải đưa cái đỉnh thật, Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

Kính thưa quí vị.

Nhạc Chính Tử không bao giờ chịu điều gian dối, dầu cho nhờ gian dối mình được lợi, vua mình được lợi nước mình được lợi. Nhạc Chính Tử trọng chữ Tín, vì ông biết một khi người đời khám phá ra sự gian dối của mình thì không còn ai coi mình ra gì nữa, nói làm không ai tin nữa.

Con người biết trọng sự thật ai ai cũng quí trọng, kể cả đối phương, như trường hợp vua Tề tin tưởng Nhạc Chính Tử người nước Lỗ.

Gian dối để được lợi thì cái lợi kia cũng không danh dự gì mà con người bị mất đi giá trị: giá trị đối với chính bản thân mình, giá trị đối với người chung quanh và giá trị đối với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã dạy: “Có nói có, không nói không, mọi sự gian dối là bởi lòng tà mà ra”.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ coi sự dối trá là cách khôn khéo để sống ở đời. Đừng bao giờ cho những người lươn lẹo là khôn ngoan sắc sảo, còn những người ăn ngay nói thẳng là những kẻ ngu đần.

Và nếu có một xã hội như thế thì làm sao con người là anh chị em của nhau được.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tâm hồn thơ trẻ để chúng con luôn sống đơn sơ trước mặt Chúa và ngay thẳng thật thà với anh chị em chúng con.

Sự lừa đảo dối trá, gạt gẫm nhau chỉ làm cho chúng con nghi kỵ nhau, đề phòng nhau.

Xin cho tất cả chúng con biết sống là con cái của Chúa, anh chị em của nhau con một Cha trên Trời.

Đời sống trần gian này sẽ là cảnh Thiên Đàng, khi con người biết tôn trọng sự thật, biết phục vụ nhau. Tinh thần phục vụ đòi hỏi phải thành thật với nhau.

Chúa đã dựng nên con người chúng con, Chúa đã cứu chuộc đem con người chúng con trở về chân lý. Xin ban cho tất cả nhân loại biết thương yêu nhau, tôn trọng nhau, thành thật với nhau, để xây dựng nước Chúa ngay ở trần gian này.

Chúng con tin tưởng cầu xin Chúa, vì không ơn Chúa chúng con không làm gì được.

Xin Chúa thương nhậm lời chúng con cầu xin.

Sưu tầm


 Yêu người cách cụ thể

Một vị vua nọ tự xưng mình là yêu nước, nhưng chẳng bao giờ để ý đến cảnh khổ của người dân, chỉ biết lo trang hoàng cung điện cho thật đẹp, xây cất những công trình nguy nga tốn công tốn của khắp nước, sưu tầm những kỳ hoa dị thảo khắp nơi, để mong được nở mặt nở mày với các lân quốc.

Một hôm nhà vua nghe nói ở một ngôi chùa nọ trong nước có một bụi hoa hồng hiếm. từng chiếc hoa thật to và đẹp nở rực rỡ bao phủ cả một góc vườn. Nhà  vua báo tin cho vị sư trụ trì hay là vua sẽ đến thăm cho biết bụi hồng lạ.

Khi vị sư hay tin và biết được giờ vua sẽ đến, ông cắt tất cả những bông hồng xinh tươi đổ vào hố rác, chỉ chừa lại một cái duy nhất đang độ khoe tươi. Vào đến vườn hoa, nhà vua lấy làm lạ vì thực tế khác xa với tin đồn. Khi biết được sự kiện, nhà vua hỏi vị sư tại sao. Vị sư từ tốn trả lời: “Thưa bệ hạ, nếu thần để tất cả hoa nở rộ rực rỡ trên cành, bệ hạ sẽ không hưởng thức được vẻ đẹp của từng chiếc hoa, vì thần biết bệ hạ chỉ có thói quen nhìn đám đông chứ không chú ý đến từng cá nhân.

Kính thua quí vị.

Nhiều khi chúng ta nói chúng ta yêu người, nhưng chữ “người” đó là ai? Có lẽ lắm khi đó chỉ là những người trừu tượng, và khi đã là trừu tượng, là tổng quát có nghĩa là không ai cả. Khi tôi nói yêu người, ít nhất trước tiên tôi phải yêu con người cụ thể mà tôi gặp, tôi sống với họ hằng ngày, với những nỗi buồn đau, những lo âu, những ước vọng, cũng như những hạnh phúc, những niềm vui của họ. Rồi từ đó như là đầu cầu, như lá nấc thang đầu tiên đề tôi tiến đến việc thực thi lòng bác ái đối với tất cả mọi người.

Khi tôi bảo tôi yêu người mà tôi không tha thứ, không giúp đỡ, không cảm thông với những người trong gia đình tôi, troong khi xóm tôi, trong những nơi tôi sinh hoạt hằng ngày, thì tôi chưa thể sống đức bác ái được.

Phải thấy vẻ đẹp, sự hấp dẫn của từng cánh hoa, phải ngửi được hương thơm của từng cánh hoa một, chúng ta mới thấy được hết giá trị của vườn hoa, chúng ta mới thật lòng tha thiết chăm sóc cho vườn hoa.

Vị sư trong câu chuyện đã nhận thấy được nền tảng vững chắc của xã hội là phải đ từ từng cá nhân, từng gia đình. Dân giàu, nước mới mạnh. Còn ngược lại dân nghèo đói mà nước có quân đội hùng mạnh, có những công trình vĩ đại thì đó chỉ là một sức mạnh giả tạo, không căn bản, không nền móng, là những công trình xây trên cát.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta biết yêu người một cách cụ thể. Và cầu nguyện cho các vị lãnh đạo các quốc gia, biết tôn trọng đời sống của từng người dân một, và nhát là cho họ hiểu rằng mọi cơ cấu tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa là để phục vụ cho người dân, chớ không phải bắt người dân phục vụ cho thể chế chính trị, nhất là những thể chế phi nhân bản.

Lạy Chúa.

Xin cho con thấy quyền phép và tình yêu thương của Chúa nơi công trình tạo dựng của Chúa, nhất là nơi con người, hình ảnh của Chúa, một thế giới vừa mầu nhiệm vừa có thể đặt chân đến được qua những chia sẽ cảm thông.

Xin cho con biết yêu thương những người Chúa đặt để cho con được chung sống trong cuộc đời con. Cho con biết luôn tìm mọi cách đem lại hạnh phúc cho họ. Cho con biết hiểu được lời Chúa dạy và noi gương Chúa làm là: “Con người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến thân vì hạnh phúc trường cửu của mọi người”.

Sưu tầm