Truyện Minh Hoạ - Khôn Ngoan

BỐN CÂY

Ngày kia một giáo sư già đi chơi qua khu rừng, bên cạnh có cậu học trò cùng đi. Thình lình ông dừng chân chỉ vào bốn cây gần đó; cây thứ nhất mới ló lên khỏi mặt đất, cây thứ hai khá hơn cây thứ ba lớn hơn, cây thứ bốn đã khá to rồi.Trò hãy nhổ cây thứ nhất.

Chỉ với hai ngón tay, cậu đã nhổ dễ dàng bây giờ hãy nhổ cây thứ hai.

Cậu phải dùng cả cánh tay nhổ cây thứ ba cậu phải dùng hết sức lực hai cánh tay lay mãi mới nhổ được.

Bây giờ hãy nhổ cây thứ tư hai cánh tay ôm ghì lấy thân cây, cậu cố sức lay nhưng lá nó cũng chẳng rung rinh đó con thấy không? về các tính hư, tật xấu của ta cũng vậy, khi mới nhiễm thì dễ khử trừ nhưng nếu để chúng đâm rễ sâu trong tâm khảm, trong thân xác các con sẽ khó mà khử trừ."

Sưu tầm


BỌ NGỰA BẮT VE

Thời xuân thu, Ngô vương chuẩn bị đánh phạt nước Sở. Ông ta nói :

-  “Ai dám ngăn cản,  thì xử tử lập tức !”

Quan theo hầu Ngô vương có một đứa con trai tuổi còn nhỏ, nó muốn khuyên Ngô vương bỏ ý định đánh phạt nước Sở, nhưng không dám tiến vào cung. Thế là sáng sớm mỗi ngày cầm cái cung da, đi đến sau vườn hoa chơi, đi đã ba ngày, cuối cùng cũng gặp được Ngô vương.    

Ngô vương nói : 

-  “Thằng nhỏ, tại sao sáng nào cũng để cho áo quần ướt như thế ?”    

Đứa bé nói : 

-  “Đại vương, ở trong vườn có một cây, trên cành cây có một con ve sầu đang hể hả đắc ý kêu inh ỏi, nhưng lại không nghĩ rằng có con bọ ngựa đang ẩn sau lưng chuẩn bị vồ nó ; nhưng con bọ ngựa ấy cũng không nghĩ rằng có một con chim vành khuyên ở một bên đang muốn mổ nó ; mà con vành khuyên thì cũng không ngờ rằng tôi cầm cây cung da đang ngắm nó chính xác ! Đại vương, tất cả chúng nó chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, nhưng không nhìn thấy cái hại ở sau lưng, điều này rất là nguy hiểm ạ !”   

Ngô vương nói :   

-  “Rất có lí !”    

Thế là tránh được chuyện đánh phạt nước Sở.

Thuyết Uyển


Già kén kẹn hom

Quốc gia Ếch bấy lâu dân chủ,
Nay chán chê bèn rủ nhau xin
Thượng Ðế là Ðấng Cao Minh,
Thay đổi quy chế, hiện tình bất an.

Ðấng Tối Cao chuẩn phê lời khấn,
Ban cho chúng một đấng Quân Vương,
Thông minh , bác ái, hiền lương,
Lễ độ, khiêm tốn, trăm đường từ bi. 
Vị Tân Vương từ cao giáng xuống,
Gây tiếng động, đồng ruộng chuyển lay,
Giới Ếch hồn phách tung bay,
Quá ư sợ hãi, chui ngay vô hầm.
Ðứa run rẩy, co đầu rút cổ,
Kẻ kinh hoàng, tìm chỗ ẩn thân.
Ðầu làng, cuối ngõ, xa gần,
Im lặng phăng phắc, quỷ thần sợ luôn.
Sau thời gian lặng yên trông ngóng,
Bọn Ếch bèn xuất bóng lộ hình
Nhè nhẹ mỗi đứa lén rình
Núp xem cảnh huống, sự tình ra sao?
Chúng nhìn thấy Nhà Vua nghiêm nghị
Ngồi lặng thinh, mắt chỉ ngó ngay
Biếng cười, ít nói, trọn ngày
Giống như nhập định, Bồng Lai du hồn. 
Thoạt tiên chúng đứng xa lén ngó,
Dùng ngón tay chỉ chỏ thì thào,
Ít lâu thấy chẳng có sao,
Bạo dạn bước tới, vái chào, tung hô.

Tân Quốc Vương vui mừng rối rít,
Khẻ gật đầu, miệng nhếch mép cười,
An tâm, bọn Ếch dễ ngươi,
Lần hồi tụ họp, vui tuơi chuyện trò. 

 Trước lấm lét đứng xa nhìn Chúa,
Nay thân mật nhảy múa trước Ngài.
Liều lĩnh , đứa lén nắm tay,
Ðứa đeo lấy cổ, nằm dài trên lưng

Quốc Vương chỉ tươi cười, chấp nhận,
Không rầy la, chẳng bận tâm phiền.
Quần thần một số không yên,
Trách Ngài nhu nhược, quá hiền: hoạ to. 

Họ tích cực kêu gào chống đối,
Hội họp nhau kể tội nhà vua:
Mềm yếu, chẳng dám tranh đua,
Gặp phải biến cố sẽ thua, chạy dài. 
Chúng viết sớ tâu lên Thượng Ðế
Cầu xin Ngài truất phế Quân Vương,
Ban vị vua khác can cường,
Hùng dũng, bất khuất chẳng nhường một ai. 
Ơn Trên bèn phong ngay vua mới:
Một con Diệc bay tới nắm quyền,
Nó làm khắp nước đảo điên,
Mỗi lần gặp Ếch, ăn liền, chẳng tha! 
Toàn quốc đều đồng thanh báo động,
Xin Thượng Ðế mở rộng lòng thương,
Ban cho một vị Tân Vương,
Ðừng quá hung bạo, tránh đường diệt vong. 

Ðấng Tối Cao phừng phừng nổi giận,
Nạt lớn rằng:”Chớ bận lòng ta,
Bọn ngươi chỉ biết rên la,
Không tìm lẽ sống dung hoà, an vui. 

Ðáng lý nên giữ nền dân chủ,
Là tốt nhứt, hội đủ công bình.
Nhưng các ngươi lại cầu xin
Một vì vua để công minh trị vì. 

Xưa vua hiền, ngươi than hiền quá!
Nay vua dữ,xin trả lại ta.
Bao giờ mới dứt kêu ca ?
Chấp nhận hiện tại, đó là khôn ngoan !

La Fontaine


 Khó làm vừa lòng người

Một bô lão đem lừa đi bán
Cùng đứa con tuổi khoảng mười lăm
Nhà ở đồng bái xa xăm,
"Làm sao đến chợ?", âm thầm âu lo.
Hai cha con cùng nhau thảo luận,
Nếu để lừa lửng thửng bước đi,
Sợ e đến chợ một khi,
Lừa không còn vẻ phương phi lúc đầu.
Cha con trói bốn chân lừa lại,
Dùng đòn ngang vận tải nó đi.
Khiêng lừa như ngọc lưu ly,
Như võng qua lớn thời kỳ xa xưa!
Ðược một đỗi, gặp người hành giả,
Nhào lăn cười, xỉ vả nặng nề:
"Ai đâu quá sức vụng về,
Trong ba nhân vật, u mê là người!"
Vừa nghe qua lão ông tỉnh ngộ,
Liền để lừa thả bộ thung dung,
Bên cạnh ông lão tháp tùng,
Nhịp nhàng rão bước qua vùng đồng xanh
Nhưng lừa thích được khiêng như truớc,
Khỏi mất công cất bước nhọc nhằn,
Phải đối một cách cọc cằn,
Lớn tiếng kêu rống, dùng dằng rão chân.

Ông cụ bảo đứa con lên cỡi,
Còn phần ông hồ hỡi theo sau,
Cố gắng nhanh nhẹn phần nào,
Lanh chân lẹ bước để mau tới thành.
Gặp ba chàng thương gia quen biết,
Nhìn cậu trai lẫm liệt cỡi lừa,
Mặc cha đầu bạc, răng thưa,
Nhọc nhằn đi bộ, trời trưa nắng nhiều.
Người cao niên đột nhiên cảnh cáo:
"Nầy gã kia, kính lão đắc tràng,
Tại sao lại quá ngỗ ngang
Chễm chệ ngồi nghỉ, dưới đàng cha đi ?"

Cậu trai trẻ nghe qua xấu hổ,
Liền mời cha ngồi chỗ của y,
Ðể rồi tiếp tục thẳng đi
Mong kịp đến sớm kinh kỳ chợ đông.

Kế lại gặp ba nàng thiếu nữ
Không bằng lòng lối xử bất công,
Cả kêu:"Nầy bớ lão ông,
Sao cha ngồi nghỉ, con rong dưới đường ?"
"Sao lại để con trai khổ sở ?
Chạy theo sau, cụ nỡ ngồi trông
Phong cảnh, gió mát, thong dong,
An nhiên, tự tại như không có gì ?"
Cụ già giận tía tai cãi vã,
Cùng ba cô rộn rã phân bua,
Kết cuộc ông lão chịu thua,
Cha con đồng cỡi như vua đi chầu.

Đi được hơn ba mươi bước,
Gặp nhóm người đi ngược trên đường,
Thấy lừa trong cảnh đáng thương,
Một thân phải chở thịt xương hai người.
Bèn lớn tiếng trách sao tàn ác,
Chẳng xót thương phận bạc thú cầm,
Giết chóc, hành hạ, nhẫn tâm,
Giờ đây chở nặng, như bằm xác thân !
Nếu chẳng khéo tới khi đến chợ,
Chỉ xác lừa hết thở, khổ thay!
Lão ông nghe nói, u hoài,
Giựt mình, dừng bước, châu mày âu lo.
"Quả thật khó vừa lòng thiên hạ,
Làm thế nào hoà cả mọi người ?
Dù cho phải khóc hay cười,
Cũng chẳng vừa ý con người thế gian !
"Vậy ta thử tìm phương hỗ trợ
Ðem lừa đi đến chợ an toàn,
Tươi tắn, khỏe mạnh, bình an,
Ðể bán được giá, chẳng màng công lao."
Vừa nói xong, cha con leo xuống,
Ðể lừa theo ý muốn nó đi,
Cha con đi bộ nghĩ suy:
"Cách nầy tốt nhất, có gì hay hơn ?"
Nhưng đột nhiên có người hành giả
Nhìn cả ba bươn bả nhanh chân,
Hỏi:" Sao chẳng biết thương thân ?
Có lừa không cỡi, đi chân thế nầy ?
Trước mệt nhọc, sau giày mòn đế,
Ðem sức già bảo vệ lừa tơ !
Rõ ràng người quá ngu ngơ,
Lấy thân che của, dại khờ nào hơn ?"

Bị chê mãi, cụ già phát cáu,
"Dại hay không, rốt ráo mặc ta,
Từ đây, quyết giữ ý nhà,
Hơn là tìm cách dung hoà thế gian.
"Dù người có chê khen đủ cách,
Ðường ta đi một mạch thẳng xông.
Chớ nghe ý kiến bông lông,
Chỉ làm thêm rối, quả không ích gì !
"Hãy cương quyết lập trường giữ vững,
Ðừng xoay chiều, chập chững từng cơn,
Ðừng sợ kẻ giận, người hờn,
Chê khen thương ghét chẳng sờn lòng đây !
Tiếng thị phi lúc nào chẳng có ?
Ðể ngoài tai, nghe nó làm chi ?
Vừa ý thiên hạ ích gì ?
Tìm ra Chân Lý, thị phi chẳng còn !

La Fontaine


 Khôn sống dại chết

Một buổi chiều, Chồn kề miệng giếng,
Nhìn đáy sâu, chẳng tiếng động nào.
Trên trời, trăng đã lên cao,
Soi thấu đáy nước, trắng phau , chập chờn
Nhìn bóng trăng, Chồn ta lầm tưởng
Một bánh sữa to tướng, ngon lành.
Rõ ràng, của quý Trời dành,
Kíp mau nhận lãnh, chẳng đành bỏ qua.
Giếng đặc biệt có hai thùng gỗ,
Thay phiên múc nước đổ lên bờ,
Thùng lên, thùng xuống, khỏi chờ,
Chỉ cần người đứng, chực hờ kéo dây.
Sợ mất bánh, Chồn ngồi thùng gỗ,
Trong nháy mắt, đi xuống đáy sâu.
Tìm mãi, bánh sữa núp đâu ?
Chỉ toàn là nước, dạ sầu, âu lo.
Nhưng giờ đây, làm sao thoát khỏi ?
Giếng quá sâu, bụng đói bơ phờ.
Chẳng lẽ cứ mải đợi chờ
Khi có ai xuống , bấy giờ mới lên ?
Hai ngày tròn chẳng ai lai vãng,
Chồn mãi chời, buồn nãn xiết bao.
Ðành cam chịu chết hay sao ?
Lạy Trời tế độ, ơn nào dám quên.

Bỗng nhiên có Sói đi tìm nước,
Dừng chân đứng ở giếng sâu.
Trông thấy Chồn đang âu sầu,
Cất tiếng kêu lớn: “Anh rầu việc chi ?”
Chồn cười mơn: “Tôi đang suy nghĩ
Tìm phương cách cất kỹ bánh ngon.
Vị thần cai quản Núi Non
Vừa cho tôi hưởng, ăn mòn một bên.
Bánh sữa ngon thật là đáo để,
Khi ăn xong, toàn thể chuyển xây,
Cảnh vật: rừng, núi, cỏ cây,
Bỗng nhiên sáng tỏ, vui vầy, líu lo.
Mắt thấy được các vì Tiên, Thánh,
Tai nghe tiếng lanh lảnh hát ca
Của các tiên nữ Hằng Nga,
Thật là kỳ diệu, khác xa thế trần !
Vốn tánh tham, Sói nghe thích chí,
Muốn chia bánh, nài nỉ van xin
Ðược phép dùng thử bánh linh,
Sẵn đang đói khát, nghĩa tình rộng sâu.
Sau một chập đắn đo , do dự,
Chồn chịu cho nếm thử bánh tiên.
Ðây là báu vật, của riêng,
Chỉ Chồn cất giữ, chẳng chuyên ra ngoài.
Sói lẹ hỏi: “Làm sao đến đó ?
Tận nơi ấy để thọ lãnh quà ?
Bạo gan nhảy đại, ắt là
Chết chẳng kịp trối, thôi thà đừng ăn!”
Chồn trấn an: “Khỏi lo việc ấy,
Ta lẽ nào bỏ lấy ngươi sao ?
Miệng giếng có sẵn thùng cao,
Hãy ngồi vào đó, sẽ mau xuống liền.”
Sói mừng rỡ, chắp tay vái lạy,
Bước vô thùng, thùng chạy xuống sâu,
Ðồng thời, Chồn vọt lên đầu,
Ra khỏi miệng giếng, thoát sầu, tự do !
Ở thế gian, lúc nào cũng vậy:
Ðứa dại chết, che đậy đứa khôn..
Lanh lẹ , xảo quyệt như Chồn
Chỉ để gạt gẫm, ép dồn kẻ ngu !

La Fontaine


HAI SỰ CHỌN LỰA

Hai người kia sống tại một vùng rất khô hạn. Cứ ba năm mới có được một cơn mưa. Không một loại cây nào có thể mọc lên ở đó – ngoại trừ những bụi xương rồng gai góc tua tủa. Còn động vật, dường như chỉ có hai thứ: thạch sùng và bọ chét!

Khát nước quá, hai người rủ nhau làm một cuộc hành trình đến sông Niagara.

Một trong hai người nhảy ùm xuống sông, uống thỏa thuê, rồi múc đầy một chai nước, bước lên bờ, anh ta tự nhủ: “Khoảng chừng sáu tháng một lần, mình sẽ tới đây lấy một hay hai chai.”

Còn người kia thì dựng một căn nhà bên bờ sông và định cư luôn tại đó.

Lê Công Đức, Lm


QUỈ NHỎ NẢN LÒNG

 Satan đi lùng sục khắp các phố phường, hắn chui rúc vào mọi ngõ ngách với bầy chó săn của hắn là những con quỉ nhỏ. Mục tiêu : Đi tìm điểm yếu nơi người ta!

Albert đang rảo bước trên hè phố. Trông thấy anh, Satan bảo một con quỉ nhỏ: “Mầy đến làm việc với tên đàn ông ấy cho tao!” Ngay lập tức, con quỉ nhỏ băng qua đường, lặng lẽ tiến đến tiếp cận Albert. Quỉ nhỏ nhẹ nhàng vỗ vai Albert và thì thầm vào tai anh: “Anh bạn đang nản lòng!”

“Không!” – Albert trả lời – “Tôi không đang nản lòng.”

“Bạn đang nản lòng!” – quỉ nhỏ cãi.

Lần này Albert đáp: “Tôi không nghĩ rằng mình đang nản lòng.”

Quỉ nhỏ gào to lên, với giọng cả quyết: “Này, tôi cam đoan với bạn rằng bạn đang nản lòng.”

Albert bỗng lúng túng, ngần ngừ rồi nói: “À, à. Rất có thể là tôi đang nản lòng.”

Quỉ nhỏ lập tức quay lại báo cáo với Satan, đầy đắc thắng: “Thưa thủ lãnh, tôi đã tóm được anh ta.”

Lúc đó, Carlson đi ngang qua. Satan lại truyền lệnh cho con quỉ nhỏ: “Một con mồi nữa đang đến đàng kia kìa. Mày hãy tiếp tục làm bổn phận của mày đi.”

Con quỉ nhỏ lại rón rén đến gần Carlson. Nó lặp lại bài bản của nó:

“Anh bạn ơi, anh bạn đang nản lòng.”

“Không” – Carlson trả lời dứt khoát.

Nó lặp lại điệp khúc của nó lần thứ hai. Carlson đáp:

“Không. Tao cam đoan với mày là tao không đang nản lòng.”

Quỉ nhỏ gào lên, lần thứ ba:

“Bạn đang nản lòng, thật mà!”

“Mày ba xạo. Tao không nản lòng.” – Carlson gằn giọng đáp, rồi tiếp tục ngẩng đầu bước đi.

Con quỉ nhỏ, chuyên viên cám dỗ nản lòng, lắc đầu quay về với thủ lãnh của nó, báo cáo: “Tôi không tóm được anh ta. Tôi đã bảo với anh ta ba lần rằng anh ta nản lòng. Nhưng tới lần thứ ba, anh ta bảo tôi là tên ba xạo. Và anh ta đã làm tôi nản lòng !”

Lê Công Đức, Lm


CON RẮN VÀ VỊ THẦY

Trong làng có một con rắn rất dữ. Nhiều người đã bị nó cắn đến nỗi chẳng còn mấy ai dám đi ra đồng. Nhờ sự thánh thiện của thầy, thầy đã thuần hóa được con rắn, truyền cho nó ứng xử theo đường lối bất bạo động.

Chẳng bao lâu, dân làng nhận ra rằng con rắn không còn nguy hiểm nữa. Họ bắt đầu có thể ‘giỡn mặt’ với nó, thậm chí nắm đuôi nó kéo đi.

Đêm kia, con rắn bò vào nhà thầy và than thở về tình trạng khổ sở của mình hiện tại. Thầy bảo: “Này bạn, bạn đã ngừng làm cho người ta sợ. Và đó là điều rất dở!”

“Nhưng chính ông đã dạy tôi sống theo đường lối bất bạo động kia mà!” – con rắn giải thích.

“Ta bảo ngươi ngừng cắn người ta, chứ ta không bảo ngươi ngừng huýt gió!”

Lê Công Đức, Lm


Tiết kiệm ánh sáng mặt trời

Một công ty kinh doanh quốc tế nổi tiếng tuyển nhân viên nghiệp vụ với mức lương vô cùng hấp dẫn. Có rất nhiều người đến xin thi tuyển. Trong số đó có một ứng viên trẻ tuổi có điều kiện rất tốt, tốt nghiệp ở một trường đại học danh tiếng, lại có kinh nghiệm làm việc ba năm ở một công ty nước ngoài.

Vì vậy khi đứng trước ban tuyển dụng, anh tỏ ra rất tự tin. Vị chủ khảo bắt đầu hỏi anh:

- Công việc cụ thể của anh khi ở công ty nước ngoài là gì?

- Tôi nghiên cứu trồng rau xanh.

- Vậy theo anh, đối với một nhân viên nghiệp vụ thì khách hàng quan trọng hay sản phẩm quan trọng?

Anh thanh niên suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Tôi nghĩ khách hàng là quan trọng.

Chủ khảo nhìn anh ta một lần nữa rồi hỏi:

- Anh nghiên cứu rau xanh thì cũng biết là trong các loại rau, cây đuôi chồn chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật. Trước đây tiêu thụ rất tốt, sản xuất bao nhiêu thì tiêu thụ bấy nhiêu. Nhưng mấy năm trở lại đây, các công ty nước ngoài lại không đặt hàng nữa. Theo anh là vì sao?

- Vì rau không tốt!

- Anh thử nói xem vì sao lại không tốt.

- Ừm...Người thanh niên dừng lại trong giây lát rồi tiếp tục - Vì chất lượng không tốt.

Chủ khảo nhìn lại anh ta rồi nói:

- Tôi dám khẳng định là anh chưa từng ra ruộng rau!

Người thanh niên nhìn vị chủ khảo, im lặng trong ba mươi giây, không tỏ vẻ đồng ý hay phản đối phán đoán vừa rồi, mà hỏi lại:

- Ngài có thể nói là tại sao ngài lại biết tôi chưa từng ra ruộng rau được không?

- Nếu anh đã từng đến ruộng rau thì anh phải biết tại sao rau lại không tốt. Thời gian thu hoạch cây đuôi chồn tốt nhất là trong vòng trên dưới mười ngày. Lúc đó cây đang xanh tươi nhất và cũng ngon nhất, thu hoạch sớm cũng không được, mà muộn cũng không được. Sau đó, phải để dưới đất phơi nắng một ngày, ngày hôm sau lại lật lên và phơi tiếp một ngày nữa để nước trong rau bốc hơi hết. Xong xuôi, sẽ bó rau thành từng bó và đóng gói. Khi sử dụng chỉ cần nhúng rau vào nước một chút là được. Nhưng bây giờ, để tiết kiệm thời gian và bán được nhiều hàng, người nông dân sau khi lấy rau về không phơi nắng nữa, mà chất rau vào lò sấy. Như vậy chỉ cần có hai tiếng là rau đã khô. Cách gia công này khiến rau nhìn bề ngoài không thay đổi, nhưng khi ăn, dù có ngâm thế nào cũng vẫn cứ dai và cứng như là rau đã già, không thể ăn được. Các công ty nước ngoài sau khi phát hiện đã cảnh cáo chúng ta một lần, rồi hai lần mà tình hình vẫn không có gì tiến triển, nên họ mới quyết định không đặt hàng nữa.

Anh thanh niên nghe xong, cúi đầu xấu hổ:

- Đúng là tôi chưa từng đi đến đơn vị sản xuất nên không biết được chuyện ngài vừa nói.

Anh thanh niên lòng đầy tiếc nuối bước ra khỏi trụ sở công ty. Anh ta là ứng viên có nhiều triển vọng nhất, nhưng cuối cùng lại không được lựa chọn. Kết quả này chúng ta đã biết ngay sau khi ra khỏi phòng thi. Anh biết rất rõ rằng, một công ty kinh doanh quốc tế nổi tiếng như vậy sẽ không bao giờ tuyển dụng một nhân viên, tuy có kinh nghiệm làm việc ba năm nhưng toàn đi ăn nhậu, bù khú với khách hàng, mà không hề bước chân xuống thực địa như anh. Anh cũng giống như những người nông dân muốn có nhiều cây đuôi chồn kia, muốn tiết kiệm hai ngày phơi nắng, nhưng cuối cùng chính họ hoá ra lại bị...' phơi áo'.

Sưu tầm


KHÔNG KHÁC LÀ MẤY

Một nhà vua phương Đông mơ thấy ác mộng, thấy răng của mình lần lượt rụng hết. Lo lắng, nhà vua cho mời một người đoán mộng đến. Người này chăm chú nghe nhà vua kể, rồi phán rằng : "Tâu bệ hạ, thần buộc phải báo bệ hạ một tin buồn. Những người thân của Bệ hạ sẽ lần lượt ra đi". Những lời này làm nhà vua giận dữ. Nhà vua ra lệnh tống ngục người đoán mộng này và cho gọi người khác đến. Người đoán mộng thứ hai nghe nhà vua kể xong bèn vui vẻ nói : "Tâu bệ hạ, thần hân hạnh báo bệ hạ một tin mừng. Bệ hạ sẽ sống lâu hơn tất cả những người thân của mình". Nhà vua mừng rỡ, ban thưởng hậu hĩ cho người này.

Cận thần của nhà vua vô cùng ngạc nhiên. Họ bèn hỏi người đoán mộng : Thì anh cũng nói đúng y như anh bạn đến trước mà, tại sao một người bị phạt, một người được thưởng? Người này đáp : "Hai chúng tôi đoán giống nhau về một giấc mộng. Nhưng tất cả phụ thuộc vào việc nói NHƯ THẾ NÀO, chứ không phải nói CÁI GÌ !"

Sưu tầm


CẤN PHẢI TRỞ THÀNH CON NGƯỜI

   Có 1 người đi ra nghĩa Trang, đến bên 1 cái mộ.  Xếp ta cúi xuống nhổ đi mấy mầm cỏ dại, tưới nước cho đám cỏ, rồi đào 1 cái hố và cắm xuống đó 1 cành hồng.  Một con chuồn chuồn đậu trên đám cỏ.  Nó chăm chú theo dõi việc làm của Xếp và ngẫm nghĩ:  Xếp ấy làm gì thế nhỉ?  Đây có phải là vườn rau hay là vườn hoa đâu cơ chứ!?

   Vài ngày trôi qua, người ấỵ lại tới nghĩa Trang.  Xếp ta lại nhổ đi mấy cây cỏ dại, tưới nước cho cành hồng.  Xếp mỉm cười nhìn thấy trên cành đã nở bông hoa đầu tiên.

   - Xếp ơi! Chuồn chuồn không hiểu được nữa,  Xếp làm gì vậy?  Xếp đắp cái gò này để làm gì?  Xếp trồng hoa lên đấy để làm gì?  Xếp nhổ cỏ dại đi và tưới nước cho cành hồng để làm gì thế?

   - Dưới cái gò này là cha tôi, Xếp trả lời.  Đây là mộ của người.

   - Thế cha là gì?  Chuồn chuồn hỏi lại.  Mộ là gì?

   - Xếp giải thich nhưng Chuồn chuồn chẳng hiểu gì hết.  Nó đề nghị:

   - Xếp ơi, Xếp mách cho cháu đi, cần phải làm gì để hiểu được tất cả những điều Xếp nói ấy?

   - Muốn thế, cần phải trở thành Con Người, Xếp trả lời."

Sưu tầm