Truyện Minh Hoạ - Khôn Ngoan

CHIM SẺ VÀ CHIM SÂU

Có chú chim sẻ và chú chim sâu vì tranh giành vùng đất kiếm mồi nên hục hặc nhau.

Chim sẻ hùng hùng hổ hổ:

- Tại sao ông giành chỗ của tui ?

Chim sâu gân cổ cự lại:

- Ông giành chỗ của tui thì có !

Chim sẻ hoa chân múa cánh:

- Tui báo cho ông biết, ông lo cuốn xéo đi chỗ khác kẻo không thì tui sẽ cho ông biết cẳng của tui đó !

Chim sâu cũng đưa cẳng ra:

- Xin lỗi ông đi, ông có cẳng thì tui cũng có cẳng chớ thua ông sao? Ông coi chừng cái bản mặt của ông đó !

Không ai chịu kém ai thế là cả hai dắt nhau đến với chim diều hâu nhờ giải quyết.

Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, diều hâu tách riêng chim sẻ và chim sâu ra hai phòng khác nhau. Rồi diều hâu qua từng phòng mà vồ lấy ăn thịt từng con một. Ăn xong, diều hâu quẹt nhỏ, cười lớn mà bảo:

- Đồ ngu! Yên thân kiếm ăn không chịu. Tự nhiên đưa mồi đến cho ta nhậu. Ha … Ha … Ha … Ha … ! Quá đã !!!

Tác giả Nguyễn Ngọc Phi . Lm


BA CÁI NHÌN

Một người bao nhiêu năm đã vui vẻ chấp nhận cuộc sống với những thiếu thốn tiền bạc và rắc rối trong gia đình. Người ta hỏi ông:

- Làm sao mà có thể an vui như thế?

- Tôi biết xử dụng, ông trả lời, với đôi mắt sáng suốt.

- Như thế có nghĩa là gì?

- Trước hết, tôi nhìn lên trời và nhớ rằng công việc chính yếu của tôi là đạt tới trời. Rồi tôi nhìn xuống đất và cố hình dung một nắm đất tôi sẽ nằm xuống sau khi chết, nó thật bé nhỏ. Và sau cùng tôi nhìn đến biết bao nhiêu người đàn ông, đàn bà, cũng như trẻ thơ ở bên cạnh tôi trên khắp trái đất này có khi còn cực khổ hơn tôi nhiều... Ba cái nhìn đó làm tôi sung sướng và bằng lòng, nó khử trừ mọi than vãn trách móc.

Sưu tầm


TÁI ÔNG THẤT MÃ

Tái Ông chuyên sống nghề nuôi ngựa. Ngày kia ông mất một con. Có người đến thăm phàn nàn cho sự rủi ro. Ông đáp: "Biết đâu việc mất ngựa chẳng là điềm may."

Bỗng vài ngày sau con ngựa cũ trở về lại rủ được một con ngựa Hồ rất hay. Có người cho đó là điềm may mắn. Ông nói: "Chưa hẳn được ngựa là may đâu!"

Đứa con trai của ông thấy ngựa Hồ hay liền bắt cỡi thử, chẳng may bị ngã ngụa té gãy chân. Nhiều người nghe tin đến phân ưu với ông. Ông lại nói: "Chưa biết chừng đây là điềm báo trước điều phúc cho gia đình ông. Qua năm sau, giặc Hồ tràn sang nước ông. Theo lệnh vua, các trai tráng trong làng đều phải xung vào cơ ngũ đi dẹp loạn, và mười người chỉ sống sót được một. Con trai ông vì tàn tật nên được miễn dịch, nhờ đó mà thoát chết và gia đình ông được an toàn.

Vì thế có câu: "Hoạ giả phúc dã!"

Hoàn Nam Tử


ÔNG CHỦ CÂY XĂNG VÀ HAI NGƯỜI KHÁCH

- Vui vẻ, can đảm.

Buổi sáng ở ngoại ô San Francisco. Một người ngồi xe hơi đến!

- Xin cho hỏi thăm ông chủ một chuyện. Hai tuần lễ vừa qua, tôi nghỉ mát tại Santa Cruz. Thật hứng thú. Phong cảnh ở đó đẹp. Dân ở đó dễ thương. Còn về Redwood Highway, ông chủ có ý kiến gì không? Ông chủ cây xăng hớn hở trả lời:

- Ở Redwood Highway dân cũng dễ mến lắm.

Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, một người khác cũng muốn biết về nơi nghỉ mát này. Chàng ta nhăn nhó:

- Vừa rồi tôi đã uổng mất hai tuần nghỉ mát. Chỉ thấy bực mình. Phòng ngủ thì thiếu tiên nghi. Dân ở đó dễ ghét.

Ông chủ rầu rầu đáp:

- Miền Redwood Highway cũng chẳng hơn gì.

Khách đi rồi, người ta mới hỏi ông?

- tại sao thay đổi ý kiến chóng như vậy?

Ông nói:

- đâu có. tôi chỉ nhận xét rằng hai ông khách kia mỗi người theo đuổi một cảm nghĩ, không ai muốn thay đổi: Ông thứ nhất yêu những người đã gặp và thích những phong cảnh đã được xem. Vậy chắc là đi tới nơi nào ông cũng thích cũng yêu nơi đó. Còn người thứ nhì thì khó tính, hay càu nhàu. Vậy tôi nghĩ rằng đi tới đâu ông ta cũng bất mãn tới đó.

Sưu tầm


BÀ MẸ VÀ CÔ GÁI.

- Sống Đức tin, Quan phòng.

Bà mẹ kia có đứa con gái. Nhưng con bà đâm hư hỏng và đi làm chiêu đãi ở những hộp đêm. Bà đâm buồn phiền và ngồi than thân trách phận, cho mình là vô phúc vì sinh ra một đứa con như thế. Nhưng có lần ngồi suy nghĩ lại, bà tự hỏi: nếu ta thực sự tin Chúa, tin vào tình yêu của Ngài đối với mỗi một người, tin vào sự quan phòng của Ngài thì tại sao tại không lên tiếng ca tụng Ngài ở bất cứ mọi hoàn cảnh nào. Vì nếu Ngài muốn thì cái gì cũng có thể tốt cả. Thế rồi từ đó trở đi, bà không buồn phiền mỗi khi nghĩ đến người con, nhưng luôn lên tiếng ca khen Chúa. Lần kia, gặp người bạn đến chơi, bà nói với ông về đứa con gái của bà. ... và ông này, lần nọ vào một snack bar, và vô tình gặp người con của bạn mình. Cô này tiến đến mời mọc ông. Nhưng trước sự ngạc  nhiên của cô này, thay vì nói như bất cứ người đàn ông nào vào trong quán: anh yêu em, em đẹp ... Ông ta nói: Đức Kitô yêu cô lắm! Nói xong ông này bỏ đi.

Một câu nói gây ngạc nhiên. Và từ ngạc nhiên làm suy nghĩ. Cô gái sau này đã làm lại cuộc đời và trở nên một tín hữu có đức tin sống động hơn rất nhiều người. Một bông hồng có thể mọc lên từ một đống phân.

Sưu tầm


CHÀNG ĐỐN CỦI VÀ CÂY ĐA.

- Sống đức tin, quan phòng.

Một hôm có chàng thanh niên vào rừng đốn củi. Đến trưa nhọc mệt, anh nằm nghỉ dưới gốc cây đa cổ thụ, nhìn lên cành lá rườm rà, song qủa đa nhỏ xíu. Anh nghĩ: sao cây thì khổng lồ mà trái nho xíu! Tôi mà là ông trời, tôi cho nó mang trái lớn như trái bí và lá to như lá chuối, như thế mới cân xứng. Trong lúc đó thì thân cây bí yếu ớt mà phải mang trái lớn, cây chưối không cứng rắn mà phải mang lá to như tấm phản! Qủa ông trời thiếu khôn ngoan! Hay là không có ông Trời, mọi vật do ngẫu nhiên mà có chăng?

Miên man nghĩ như vậy, anh thiếp ngủ lúc nào không hay. Đang giấc ngủ say, một cơn gió lớn thổi mạnh làm rớt xuống giữa sống mũi anh một qủa đa. Anh giật mình thức giấc, vừa xít xoa vừa nghĩ: "May qúa, phải chi trái đa lớn như trái bí thì kể như bữa nay ta tận số rồi! Thế ra ông Trời khôn thật, Ngài xếp đặt cả rồi đấy chứ! Hèn chi người ta nói: Trái dừa rớt bao giờ cũng tránh người.!

Sưu tầm


LÒNG KHOAN DUNG

Sau khi thắng trận lớn, Sở Trang Vương mở đại yến khao tướng sĩ để tưởng thưởng công lao và lòng trung thành. Vua truyền cho các cung nữ của mình ra hầu tiệc. Đang ăn bỗng một trận gió làm đèn đuốc tắt hết. Lợi dụng bóng tối, một quan đại phu ôm chầm lấy người đẹp đang chuốc rượu cho mình và hôn. Người đẹp chính là nàng Hứa Cơ đang được nhà vua sủng ái nhất. Hứa Cơ bèn giật đứt giải mũ của vị quan ấy và đem trình vua xin Ngài trừng trị thích đáng.

Thay vì phẫn nộ, vua ra lệnh cho các quan đều bỏ giải mũ khi đèn sáng. Không ai hiểu tại sao ngoài ba người liên hệ. Sở Vương nói: “Trong nguy biến, các quan đã liều thân vì đất nước, khi vui say, các quan quên lễ phép một chút, có sao đâu! Lẽ nào vì một chuyện nhỏ mà quên đi lòng hy sinh cao cả của người khác”.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tần. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng có một viên quan võ liều sống liều chết xông ra phía trước, đánh rất dũng cảm làm cho quân Tần phải lui binh. Nhờ vậy, quân Sở đại thắng.

Sở Trang Vương lấy làm lạ bèn hỏi:

- Trẫm đãi khanh cũng như mọi người khác, cớ sao khanh lại hết lòng giúp trẫm như vậy?

Vị võ quan trả lời:

- Thần rắp tâm đem tính mạng dâng cho bệ hạ đã lâu, nhưng nay mới có dịp đáp đền nghĩa xưa. Thần đây chính là người ngày xưa đã bị giật đứt giải mũ mà bệ hạ không nỡ hành tội.

Thiên Phúc


DÒNG SÔNG SÁM HỐI

 Có vị sư nọ gặp ở giữa đường một viên ngọc quý. Vì nghĩ rằng mình là người tu hành không cần chi thứ đó, nên ông đem giấu viên ngọc này ở một gốc cây.

Ngày nọ có người hành khất đến ăn xin. Ông không có gì cho anh. Bỗng nhớ lại viên ngọc, nhà sư chỉ cho anh chỗ giấu. Người ăn xin đến gốc cây và tìm thấy viên ngọc. Cầm ngọc quý trong tay, người ăn xin rất đỗi vui mừng, nhưng anh ta suy nghĩ: Tại sao vị sư lại chấp nhận sống nghèo khó trong khi có một viên ngọc quý giá thế này? Sau một thời gian suy nghĩ, anh cầm ngọc qúy trả lại cho nhà sư và nói:

"Bạch thầy, con thấy trong lòng thầy có một sự giàu có to lớn, đến nỗi thày không thiết đến viên ngọc này. Vậy con chỉ xin thầy cho con sự giàu có trong lòng thày mà thôi."

Sưu tầm


ĐỪNG TỰ XEM MÌNH LÀ QUAN TRỌNG

             Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng”.

            Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và sự thật, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng!

           Khiêm nhường là một đức tin được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với yính tụ cao, tự đại có thể được so sánh với những ngọn núi, vạt đồi, đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được những Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, nhưng chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi...

Sưu tầm


TỘI LỖI VÀ ÂN SỦNG

Đức Hồng Y Fulton Sheen, diễn giả nổi tiếng trên đài truyền thanh truyền hình Hoa Kỳ, đã có lần kể lại như sau: Tại Nam Tư trong một lần giúp lễ, một cậu bé đã vô tình đánh rơi lọ nước. Vị linh mục tức giận tát cậu bé và thét lên: Cút đi, đừng bao giờ trở lại đây nữa. Quả thật, cậu bé đó đã không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, và sau này trở thành lãnh tụ của nước Nam Tư, cậu bé tên là Ti-Tô.

Tôi còn nhớ khi mình là cậu giúp lễ tại nhà thờ chính toà, lúc đó tôi lên 7 tuổi. Trong một phiên giúp lễ, tôi cũng đã có lần đánh rơi lọ rượu. Có lẽ ngay một trái bom nguyên tử nổ cũng không to bằng âm thanh của một lọ rượu rơi trên nền đá cẩm thạch. Tôi sợ tưởng chết đi được, vì mấy cậu bé giúp lễ chúng tôi cứ nghĩ Đức cha là người rất nghiêm khắc. Thế nhưng sau thánh lễ, Ngài gọi tôi lại và hỏi: "Lớn lên con sẽ học ở trường nào". Rồi ngài nói tiếp: "Con có bao giờ nghe nói Louvain không?" Tôi đáp: "Thưa Đức cha, chưa". Ngài nói: "Vậy thì con hãy về nói với mẹ con rằng khi lớn lên, con sẽ vào học tại trường Đại học Louvain".

Tôi không ngờ rằng hai năm sau khi chịu chức linh mục, tôi đã được Đức giám mục giáo phận chỉ định đi học tại đại học Louvain. Cũng một biến cố, một lỗi lầm như nhau, nhưng tôi đã đi về hướng này, còn Ti-Tô thì đi về hướng ngược lại.

Sưu tầm


Anh em họ Điền

Ngày xưa, có giòng họ Điền, anh em ăn ở với nhau từ đời nọ sang đời kia rất là hòa thuận. Về sau, họ này chỉ còn lại có ba anh em. Ba người vẫn chung sống với nhau vui vẻ tử tế, cho đến khi người thứ hai lấy vợ. Người vợ tính tình ích kỷ, lại hay sinh sự, lắm lời, nên không khí trong gia đình không còn được như xưa. Rồi một hôm người vợ nhất quyết đòi chia gia tài của ba anh em và bắt ép chồng đi ở riêng. Người chồng ban đầu nghĩ tình anh em bấy lâu sum họp mà không nỡ chia lìa, song rồi vì người vợ ngày đêm cằn nhằn khó chịu, kiếm chuyện gây gỗ trong nhà, nên rồi cũng đành phải nghe theo vợ, nói với anh em đi ở riêng. Người anh cả khuyên can không được cũng đành phải chia của cải cha mẹ để lại ra làm ba phần đều nhau. Chỉ còn một cây cổ thụ trước nhà, cành lá sum sê xanh tốt, chưa biết làm cách nào để chia cho đều. Ba anh em cùng nghĩ ngợi, rồi sau cùng quyết định gọi thợ về hạ cây xuống, cưa xẻ thành ván để chia làm ba phần.

Đến hôm định hạ cây xuống, buổi sáng ba anh em ra vườn thì thấy cây cổ thụ đã khô héo tự bao giờ. Người anh cả bèn ôm lấy cây mà khóc nức nở. Hai người em thấy vậy mới bảo anh:

"Một thân cây khô héo, giá phỏng là bao mà anh phải thương tiếc như thế"?

Người anh cả đáp lại rằng: "Có phải anh khóc vì tiếc cây đâu. Song nghĩ vì loài cây cỏ vô tri nghe thấy sắp phải chia lìa mà còn biết buồn phiền khô héo đi, huống gì chúng ta đây là người cùng ruột thịt. Anh thấy cây mà suy đến cảnh ba anh em chúng ta, anh mới phải khóc".

Nghe anh nói, hai người em hiểu ý, đưa mắt nhìn nhau rồi cùng òa khóc. Người vợ xúi chồng đi ở riêng nghe thấy vậy, cũng rơm rớm nước mắt, đâm ra hối hận, cúi đầu xin lỗi hai anh em và thề không bao giờ còn tính đến việc chia lìa nhau nữa.

Từ hôm đó, ba anh em ở lại với nhau êm ấm, vui vẻ như trước.

Cây cổ thụ nọ đã khô héo cũng trở lại xanh tươi như cũ.

Thế Sự