Truyện Minh Hoạ - Khôn Ngoan

Biết mình

Một cuộc bắt đạo rầm rộ bùng nổ trong vùng. Ba trụ cột của tôn giáo – Thánh Kinh, Phụng Tự và Bác Ái– đến trước mặt Chúa để trình bày nỗi lo sợ rằng một khi tôn giáo bị quét sạch, thì cả ba cũng chẳng còn.

“Đừng lo” - Chúa nói - “Ta đã có kế hoạch gửi một Đấng xuống trần gian. Đấng ấy vĩ đại hơn cả ba nhà ngươi.” 

“Đấng ấy tên là gì vậy, lạy Chúa”

“BIẾT MÌNH” - Chúa trả lời - “Đấng ấy sẽ làm nhiều việc lớn lao hơn bất cứ gì cả ba nhà ngươi đã làm.”

Anthony De Mello, S.J


Kinh nghiệm

Ba nhà thông thái trẩy đi trong một cuộc hành trình. Dù được ngưỡng mộ là các bậc thông thái ở quê hương xứ sở mình, họ vẫn rất khiêm tốn hy vọng rằng đi một ngày đàng mình sẽ học được một sàng khôn.

Vừa mới đặt chân sang một nước láng giềng, họ trông thấy một tòa nhà chọc trời ở xa xa. Cái vật thể to kềnh ấy là gì vậy nhỉ? Họ tự hỏi. Tốt nhất là cứ tiến tới và khám phá. Nhưng không, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Biết đâu đó là một vật sẽ phát nổ khi người ta tới gần? Vậy thì, trước hết nên phỏng đoán xem nó là gì, rồi hãy trực tiếp khám phá nó. Rất nhiều giả thuyết được đặt ra, được khảo sát và được bác bỏ dựa trên nền tảng kinh nghiệm quá khứ của họ. Cuối cùng, cũng dựa vào kinh nghiệm quá khứ rất phong phú của mình, họ kết luận rằng dù vật thể ấy là gì đi nữa, chắc chắn chỉ có những người khổng lồ mới có thể đặt nó ở đó.

Điều này dẫn họ tới quyết định rằng tốt nhất là đừng bước tiếp vào xứ sở ấy. Vì thế họ quay trở về, bổ sung thêm một cái gì đó vào kho kinh nghiệm của họ.

 Giả đoán khiến người ta quan sát. Quan sát đem lại xác tín. Xác tín sinh ra kinh nghiệm. Kinh nghiệm làm nên thái độ. Thái độ, đến lượt nó, lại củng cố giả đoán.

Anthony De Mello, S.J


Linh hồn

Dov Ber là một con người rất không bình thường. Những ai đến gặp ông đều run cầm cập. Ông là một học giả Thánh Kinh có tiếng tăm, cứng cỏi không chút khoan nhượng trong lập trường của mình. Không ai trông thấy ông cười bao giờ. Ông tin tưởng mãnh liệt vào những khổ chế tự nguyện. Ông thường giữ chay liên tục nhiều ngày. Sự khổ hạnh của Dov Ber cuối cùng đã có tác dụng trên ông. Ông ngã trọng bệnh và các bác sĩ đành bó tay không thể chữa chạy được. Cuối cùng, có người đề nghị: “Tại sao không cầu cứu đến Baal Shem Tov?”

Dov Ber đồng ý, dù ban đầu ông phản kháng ý kiến đó – bởi vì ông rất dị ứng với Baal Shem, người mà ông cho là một kẻ dị giáo. Thật vậy, trong khi Dov Ber tin rằng đời sống chỉ có ý nghĩa xuyên qua các nỗi thống khổ, thì Baal Shem lại tìm cách xoa dịu các nỗi đau và công khai giảng dạy rằng chính tinh thần vui tươi phấn khởi mới đem lại ý nghĩa cho cuộc đời.

Baal đến vào lúc đã quá nửa đêm. Ông vận áo khoác len và đội một chiếc mũ lông thú rất đẹp. Bước vào phòng người bệnh, ông chìa ra một quyển sách. Dov Ber cầm lấy, mở sách và bắt đầu đọc lớn tiếng.

Dov Ber đọc được chừng một phút, Baal Shem nói cắt ngang: “Thiếu một cái gì đó rồi. Thiếu một cái gì đó trong đức tin của ông.”

“Cái gì?” Dov Ber hỏi.

“Linh hồn.” Baal Shem trả lời.

Anthony De Mello, S.J


Hai anh em 

Ngày xửa ngày xưa, hai anh em nọ cùng sống và làm việc chung trên một cánh đồng và một cối xay. Mỗi tối về, hai anh em chia đều hoa lợi mà họ thu hoạch được trong ngày. Người em sống độc thân; còn người anh có vợ và nhiều con cái. Bất chợt một hôm, người em sực nghĩ: “Thật không công bằng chút nào việc chia đều hoa lợi. Mình chỉ có một mình. Còn anh ấy phải nuôi cả vợ con nữa.” Thế rồi, mỗi đêm khuya, người em âm thầm lấy bớt số thóc lúa của mình đem đổ vào kho của người anh.

Gần như cũng đồng thời, người anh sực nghĩ: “Thật không công bằng  chút nào việc chia đều hoa lợi. Vì mình có con cái cấp dưỡng cho mình trong tuổi già. Còn chú ấy sống một mình, sẽ chẳng có ai cấp dưỡng. Chú ấy cần dự phòng cho tuổi già sau này.” Thế rồi, mỗi đêm khuya, người anh âm thầm lấy bớt số thóc lúa của mình đem đổ vào kho của người em.

Kết quả là, mỗi buổi sáng thức dậy, cả hai người đều ngạc nhiên nhận thấy phần thóc lúa của mình đã được bổ sung trở lại, không hề bị hao hụt đi. Song họ không hiểu tại sao.

Đến một tối, hai người bắt gặp nhau giữa đường, khi đang mang thóc đổ vào kho của nhau. Cả hai lập tức hiểu ra sự việc. Và họ cảm động ôm chầm lấy nhau.

Nhiều năm sau khi họ qua đời, câu chuyện ấy dần lan rộng ra. Vì thế, khi dân chúng muốn xây dựng một thánh đường cho thị trấn, họ đã chọn đúng chỗ mà hai anh em gặp nhau tối ngày xưa ấy để đặt móng cho thánh đường – bởi họ nghĩ rằng không thể có chỗ nào khác trong thị trấn linh thánh hơn chỗ này.

 Về mặt tín ngưỡng, nét phân biệt quan trọng không phải là giữa người lễ bái và người không lễ bái – nhưng là giữa người yêu thương và người không yêu thương.

Anthony De Mello, S.J


Hoà giải 

Đang bước đi trên đường, khách bộ hành nọ gặp một người đàn ông cưỡi ngựa phóng vù qua. Đôi mắt của người cưỡi ngựa có vẻ không lương thiện; hai bàn tay của gã dính đầy vết máu.

Ít phút sau, cả chục người phóng ngựa tới. Họ hỏi người khách bộ hành: “Anh có trông thấy một người với đôi bàn tay dính đầy máu vừa phóng ngựa qua đây không? Chúng tôi đang gấp rút đuổi theo người ấy.” 

“Đó là ai vậy?” Người khách bộ hành hỏi.

“Một kẻ xấu.” Người dẫn đầu trong nhóm họ trả lời.

“Các ngài đuổi theo để đưa người ấy ra trước công lý phải không?”

“Không. Chúng tôi đuổi theo để chỉ đường cho anh ta đi.”

 Chỉ có Hòa Giải – chứ không phải Công Lý – mới cứu được thế giới. Công Lý thường chỉ là tên gọi khác của Trả Thù. 

Anthony De Mello, S.J


Từ bỏ

Hai tu sĩ cùng sóng bước trong một chuyến hành trình. Một trong hai người đang thực hành linh đạo tích lũy, người kia thì theo linh đạo từ bỏ. Suốt cả ngày, họ tranh luận với nhau về linh đạo của họ. Khi trời sập tối, họ vừa đến một bờ sông.

Người tu sĩ từ bỏ không có một xu dính túi. Anh ta nói: “Chúng ta không có tiền để đi đò qua sông. Nhưng nói cho cùng, thân xác con người nào có quan trọng gì! Chúng ta sẽ trải qua đêm nay ở đây, đọc kinh cầu nguyện ca tụng Chúa, và sáng mai chắc chắn sẽ có một nhà hảo tâm nào đó giúp trả tiền cho chúng ta qua sông.”

Người tu sĩ kia nói: “Chẳng có làng mạc nào bên bờ sông này cả. Không một mái nhà, cũng chẳng có một túp lều. Chúng ta nếu không làm mồi cho thú dữ, rắn rết, thì cũng sẽ chết vì cóng. Qua bờ bên kia, chúng ta sẽ được ngủ đêm vừa an toàn vừa dễ chịu. Tôi có tiền để trả tiền đò đây.”

Khi cả hai đã sang tới bờ bên kia, người tu sĩ tích lũy nói với bạn mình: “Anh có thấy giá trị của việc giữ tiền chưa? Nhờ giữ tiền, tôi đã cứu được mạng sống của cả tôi lẫn anh đấy. Điều gì xảy ra nếu tôi cũng là một người từ bỏ như anh?”

Người kia trả lời: “Ồ, chính sự từ bỏ của anh đã đưa chúng ta qua đây an toàn, anh đã từ bỏ tiền của anh để trả cho người lái đò đấy, phải không? Hơn nữa, tôi không có tiền trong túi tôi, nhưng tiền trong túi của anh đã trở thành của tôi. Tôi cảm thấy mình không bao giờ phải khổ sở; bao giờ cũng có một người nào đó lo cho tôi.”

Anthony De Mello, S.J


Giác ngộ

Người ta cần phải làm gì để Giác Ngộ?” Các đệ tử hỏi. 

Thầy đáp: “Bạn phải khám phá điều rơi xuống nước mà không làm mặt nước gợn sóng tí nào, đi xuyên qua rừng cây mà không làm lá cây xào xạc, đi qua cánh đồng mà không làm lắt lay dù chỉ một cọng cỏ.” 

Sau nhiều tuần gắng sức suy nghĩ nhưng chẳng hiểu gì, các đệ tử hỏi: “Thưa Thầy, đó là cái gì vậy?” 

“Cái gì à?” - Thầy đáp – “Nhưng nó đâu phải là một cái gì!” 

“Vậy thì nó không phải là cái gì cả?” 

“Có thể nói thế này.” 

“Nhưng làm sao người ta có thể tìm kiếm nó?” 

“Ta bảo các người kiếm nó hồi nào? Nó có thể được gặp thấy nhưng không bao giờ có thể được tìm kiếm. Bạn kiếm nó, bạn sẽ hụt nó.”

Anthony De Mello, S.J


CON CHỒN TÀN TẬT

Một chuyện ngụ ngôn của nhà thần bí Ả Rập Sa'di.

 Một người đi dạo trong rừng, thấy một con chồn cụt mất bốn chân và tự hỏi làm sao nó có thể sống được. Rồi thì ông ta thấy xuất hiện một con cọp, miệng đang ngậm mồi. Con cọp đã ăn no nê và để lại chút thịt dư thừa cho con chồn.

 Ngày hôm sau, Chúa cũng gởi con cọp đến nuôi sống con chồn như thế. Người đó bắt đầu kinh ngạc đối với lòng nhân từ bao la của Chúa và tự nghĩ: "Tôi cũng vậy, tôi nên nằm trong một góc xó mà phó thác hoàn toàn cho Chúa để Ngài lo liệu mọi thứ cần thiết cho tôi."

Ông đã làm như thế trong vòng một tháng và ông đã rơi vào tình trạng dở sống dở chết khi ông nghe một Tiếng Nói: "Hỡi con, con đang đi trên con đường lầm lạc, con hãy mở mắt ra để nhìn xem Sự Thật! Con hãy noi gương con cọp và đừng bắt chước con chồn."

-Tôi thấy ở ngoài đường một em bé trần truồng, đói khát và rét run. Tôi phẫn uất và thưa với Chúa: "Tại sao Chúa đã để cho sự việc đó xảy ra? Tại sao Chúa không làm gì hết?"

Chúa đã không trả lời. Đêm đó bất ngờ Chúa nói: "Dĩ nhiên Cha có làm. Cha đã tạo dựng nên con đấy.”

Anthony De Mello, S.J


PHÉP LẠ

Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng đồn đãi của Minh Sư. Ông ta hỏi một đệ tử: "Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?"

"Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi một người thực thi Thánh Ý Thượng Đế!"

Anthony De Mello, S.J


PHI LÝ

Minh Sư cố cọ xát một viên gạch trên sàn căn phòng mà đệ tử đang tọa thiền.

Ban đầu, đệ tử xem ra thích thú, lấy đó làm một trắc nghiệm đối với năng lực tập trung của mình. Nhưng khi không thể chịu đựng tiếng động được nữa, đệ tử la lên: "Trời đất ơi! Thầy làm gì vậy? Thầy không thấy con đang thiền định hay sao?"

Minh Sư đáp: "Thầy cọ giũa viên gạch này để làm thành một tấm kiếng soi mặt.”

“Thầy điên rồi! Làm sao thầy có thể làm một tấm kiếng từ một viên gạch?”

“Thầy không điên hơn con đâu! Làm sao con có thể biến cái tôi của con thành một con người thiền định?”

Anthony De Mello, S.J


LINH ĐẠO

 Mặc dù đó là Ngày Tịnh Khẩu của Minh-Sư, một khách hành hương đã van lơn ngài ban bố một lời minh triết để có thể hướng dẫn suốt hành trình cuộc sống.

Minh Sư ân cần gật đầu, lấy một tờ giấy và viết gọn lỏn hai chữ: “Thức Tỉnh”.

Lữ khách lúng túng: "Quá vắn tắt. Có thể nào xin thầy vui lòng khai triển thêm chút xíu?”

Minh Sư lại cầm miếng giấy lên và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh.”

Người khách lạ không hiểu ất giáp gì cả nên nói: "Nhưng những chữ đó nghĩa là gì?"

Minh Sư với lấy tờ giấy và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh nghĩa là THỨC TỈNH”

Anthony De Mello, S.J


ĐOÀN SỦNG

Một đệ tử là người Do Thái hỏi: "Con phải làm việc lành nào để được Thượng Đế chấp nhận?"

Minh Sư trả lời: "Làm sao thầy biết được. Thánh Kinh nói rằng tổ phụ Abraham thực thi lòng hiếu khách và Thiên Chúa ở với ông. Tiên tri Elia say mê việc cầu nguyện và Thiên Chúa ở với ông. Vua David chăm lo việc trị nước và Thiên Chúa cũng ở với ông nữa.”

“Có cách gì con có thể tìm ra việc mà Thượng Đế đã phân định cho riêng con không.”

“Có chứ. Hãy tìm kiếm trong nội tâm con khuynh hướng sâu thẳm nhất, rồi nương theo đó mà hành động.

Anthony De Mello, S.J