Truyện Minh Hoạ - Khiêm Nhường

CÔ GÁI TRỊCH THƯỢNG

Có lần, một cô gái người Mỹ ghé thăm nhà Beethoven. Cô ngồi xuống bên chiếc đàn piano của nhà soạn nhạc thiên tài và bắt đầu chơi bản ‘Sonat Dưới Anh Trăng’, ra chiều rất đắc chí. Sau khi chơi xong trọn bản nhạc, cô quay lại nhìn người gia nhân của Beethoven đang có mặt gần đó và hỏi: “Chắc là rất nhiều nhân vật tên tuổi đã đến đây, phải không bác?”

“Vâng,” – người gia nhân trả lời – “Mới tuần rồi, Paderewski đã ghé thăm đây.”

“Vậy chắc là Paderewski đã ngồi vào đây và chơi đàn của Beethoven?” – cô gái hỏi.

Không, thưa cô. Ông ấy nói rằng ông ấy không xứng đáng !

Lê Công Đức, Lm


BUỔI TRÌNH DIỄN KHÔNG ĐẠT

Một nghệ sĩ trẻ tuổi đang trình diễn đàn dương cầm trước cử toạ ngồi chật cả thính phòng. Tất cả đều yên lặng như nín thở để theo dõi từng nốt nhạc.

Theo lời quảng cáo, thì đây là lần trình diễn đầu tiên để giới thiệu một tài năng mới. Những ngón tay đẹp của nghệ sĩ không ngừng di động trên các phím đàn, hoà điệu với những âm thanh trầm bổng của dòng nhạc.

Bản đàn vừa dứt, tất cả mọi người đứng dậy vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Và nhiều giọng nói yêu cầu của cử toạ xin trình diễn tiếp thêm nữa. Phải tất cả mọi người đều đứng dậy bày tỏ lòng hâm mộ. Nhưng chỉ trừ có một cụ già ngồi ở hàng ghế đầu có thái độ khác. Cụ không đứng dậy vỗ tay tán thưởng, mà mặt lại để lộ chút không vui.

Trong khi đó trên sân khấu chàng nghệ sĩ trẻ tuổi rời dương cầm, bước ra ngoài tấm màn lớn đang từ từ kéo lại, cúi sâu chào khán thính giả, rồi vội vàng ẩn mình vào trong.

Chàng đến nhanh bên ông giám đốc tổ chức cuộc trình diễn, nói nhỏ:

- Không, tôi trình diễn chẳng hay gì cả, nhưng tệ lắm.

Ông giám đốc trả lời:

- Anh lầm rồi, mọi người vỗ tay hoan hô anh lâu như thế, mà anh bảo trình diễn dở nghĩa là làm sao?

Chàng nghệ sĩ trẻ nói tiếp:

- Không, tôi trình diễn không đạt. Ông có biết cụ già ngồi ngay hàng ghế đầu đấy không? Cụ là thầy dạy của tôi đó. Cụ không đứng dậy hoan hô, mà còn có chút buồn nữa.

Đó là dấu hiệu cho tôi biết chắc chắn là tôi chưa trình diễn hay đủ."

Sưu tầm


HỔ VÀ NGỰA

Con ngựa có tính huênh hoang, khoác lác, ra khỏi nhà là nó nện bốn cái vó xuống đất, nghe ròn hơn gõ mõ làng, hí váng cả tai hàng xóm. Một hôm trời chưa sáng hẳn, ngựa còn đang ngủ say, chủ nhà đã ra bắt ngựa cưỡi đi chợ.

Ngựa phải đưa chủ qua suối, qua đồi, qua khe. Đường xa, bụng đói, chân mỏi, người đẫm mồ hôi, nhưng con ngựa không dám kêu, vì kêu thì sợ lúc trở về chủ sẽ không cho ăn bắp ngô, chậu cám. Đến chợ, chủ nhà buộc ngựa ngoài gốc cây, vào quán ăn thịt uống rượu. Con ngựa khát nước khô cả cổ mà không dám đòi, vì sợ chủ ăn không ngon, lúc về sẽ bắt ngựa chạy nhanh hơn. Ngựa về, bụng đã đói, chân đã mỏi, nhưng chủ nhà vẫn giục ngựa chạy nhanh. Lưng ngựa oằn xuống, bọt xùi ra mép, ngựa vẫn cắm đầu chạy một mạch, mong mau về đến nhà kiếm nắm cỏ tươi. Nhưng vừa mới về đến cửa thì con chủ nhà đã ra đón. Ngựa lại phải đưa con chủ nhà đi thăm nương, rẫy. Mãi đến nửa chiều, ngựa mới được về nhà uống một chậu nước cám. Uống xong, lại sức, con ngựa ra sông tắm. Vừa mới tắm xong ngựa đã lên bờ giũ lông, hí vang, ra dáng khoan khoái lắm. Lúc đó có một con hổ đi ngang. Thấy hổ lủi thủi đi một mình, đuôi cụp, đầu cúi, dáng buồn bã, ngựa nghển cổ lên nói khích:

- Đi đâu mà trông khổ sở thế anh hổ?

- Tôi đi kiếm ăn ở rừng dưới về. Anh chẳng làm gì sao mà trông thong thả thế?

Ngựa càng lên mặt, giũ lại bộ lông một lần nữa, hí vang thêm một lượt, rồi mới ngạo nghễ nói:

- Tôi lúc nào mà chẳng thong thả? Đi dạo chơi từ sáng đến giờ, bây giờ ra tắm cái cho khỏe.

- Anh sung sướng quá! Phận tôi thì phải chạy tối ngày mà có khi cũng chẳng được miếng ăn.

Được hổ nịnh, ngựa càng vênh mặt:

- Anh vất vả quá thật. Đường rộng rãi thế này, mà tôi dạo một lúc đã thấy mỏi chân. Còn anh thì núi rừng thế kia, đi vướng trước, đụng sau làm sao mà chịu được?

Ngựa còn khoe lúc nào cũng thừa thóc thừa ngô, ăn chẳng hết, rồi mời hổ về nhà chơi, để xem những thứ đó. Tính hổ ít nói, lại không muốn mang ơn bạn trước, nên mời ngựa đến nhà mình chơi trước, rồi mới đến trả lễ sau. Hổ về, chạy vào rừng tìm bắt những con nai, con hươu làm tiệc đón ngựa. Ngựa đến cùng hổ ăn thịt, uống rượu tới một ngày rồi kết nghĩa làm anh em. Xong bữa tiệc đó, ngựa về lo đón hổ, tỏ cho hổ biết mình là người sang trọng. Ngựa lấy lục lạc tròng vào cổ, mang yên vào lưng, ngắm nghía một lúc rồi ra đứng đón hổ. Hôm đó nhà chủ ngựa lại có cỗ, ngựa chờ chủ nhà ngủ yên, vào lấy hết mâm cỗ ra tiếp hổ. Hai bên ngồi ăn uống, ngựa chỉ vào từng món thức ăn, khoe:

- Cái này là thịt gà xào này!

- Cái này là mật ong này, ngọt lắm.

- Cái này làm chỗ ở của tôi - Ngựa chỉ ra chuồng, nói tiếp - chỗ tôi ở mưa không dột, nắng không đến, chứ đâu có khổ sở như anh, lúc mưa phải núp vào hang đá, lúc nắng trú dưới bóng cây...

Ngựa còn đang khoác lác thì trời đã sáng, chủ nhà cầm một cái roi ra bắt ngựa cưỡi đi chợ. Thấy ngựa ăn cắp mâm cỗ, sẵn roi chủ nhà đến tóm bờm ngựa đánh một trận nên thân. Ngựa cúi đầu chạy, hổ núp bên ngoài nhìn thấy mọi chuyện vừa xảy ra. Hổ tự hỏi:

- Ta ở trong rừng. Núp mưa trong hang đá, núp nắng dưới gốc cây mà không bị đánh là sướng, hay ở nhà gỗ ăn cám ngô mà bị đánh là sướng?

- Đi đường dốc, vấp phải đá, quàng phải dây mà không bị người ta ngồi trên lưng là sướng, hay đi đất bằng, đường rộng mà bị người ngồi trên lưng là sướng?

Hổ ra bờ suối, chui vào bụi rậm nằm, chờ ngựa, còn ngựa đưa chủ đi đến nửa buổi chiều mới được về. Ăn xong một nắm cỏ, nó lại ra suối tắm. Hổ hỏi:

- Anh ngựa này? Cái sướng của anh tôi không muốn đâu! Anh được ăn ngô, ăn thóc, ăn cỏ, được ở nhà gỗ mà bị người ta đánh vào đầu, người ta cưỡi lên lưng thì sướng làm sao được?

Con ngựa chống chế:

- Tôi không phải làm nhà mà được ở, ngô, thóc tôi không cấy mà được ăn... Anh bảo thế chưa sướng thì thế nào là sướng? Lủi thủi trong rừng quanh năm suốt đời như anh là sướng đấy sao?

- Núi rừng tuy có âm u rậm rạp, nhưng tôi muốn đi đâu cũng được, muốn nằm đâu cũng được. Lúc tôi ngủ không ai dám gọi, lúc tôi chơi không ai dám ngăn. Hươu, nai, cáo, cầy không phải là của tôi, nhưng tôi có công bắt được thì tôi cứ ăn; không bị ai giành lại, không bị ai đánh mắng. Cái sướng của anh tôi không muốn đâu... Tôi không làm bạn với anh nữa đâu. Tôi đi về rừng rậm núi cao của tôi đây.

Nói rồi hổ cong đuôi chạy vào rừng.

Sưu tầm


CHỊ MÈO NHẬN HỌ

Nghe người ta nói Hổ và Báo cũng thuộc họ nhà Mèo, chị Mèo hí hửng lắm:

- Ồ! Thế mà ta, một con ngu, đã không biết ta có họ hàng như vậy! Đã thế, từ rày biết tay ta...

Suy nghĩ một lúc, Mèo ta nhảy tót lên lưng bác Lừa.

- A! Chuyện gì thế này? - Bác Lừa ngạc nhiên.

- Chở ta đi đến chỗ ta ra lệnh! Chở đi và không nói năng lôi thôi! Mày có biết bà con họ hàng của ta là ai không? - Mèo ta thốt lên trong lúc vẫn ngồi chễm chệ trên u vai bác Lừa.

- Ai thế? - Bác Lừa tò mò.

- Ông Hổ và ông Báo chứ còn ai! Không tin à? Không tin thì cứ đi hỏi chị Quạ mà xem!

Bác Lừa đành phải cõng Mèo đi hỏi chị Quạ. Chị Quạ xác nhận:

- Đúng thế! Mèo, Hổ, Báo, Linh Miêu, thậm chí cả Sư Tử đều cùng họ nhà Mèo mà ra.

- Bây giờ thì tin rồi chứ? - Mèo ta thốt lên rồi đưa móng chân quào vào u vai bác Lừa - Chở ta đi!

- Đi đâu? - Bác Lừa hỏi giọng tỉnh bơ như không - Chở đến ông Hổ hay ông Báo?

- Khó... ô... ông! - Mèo ta nói, giọng run rẩy - Chở ta đến... đến lũ... lũ gì nhỉ? Lũ Chu... uột!

Và thế là bác Lừa chở Mèo ta đến chỗ có Chuột.

Bởi một lẽ, dù sao thì đó cũng chỉ là một con Mèo!

Sưu tầm


Người quan trọng

Trời nóng bức như thiêu, như đốt,

Ðường dốc nâng cơn sốt thêm cao,

Cỗ xe hì hục lao chao,

Cố tiến từng bước, biết bao nhọc nhằn.

Sáu con ngựa mồ hôi như tắm,

Sôi bọt mồm, chơn dẫm cát trơn.

Nặng nề từng bước chập chờn,

Kéo xe nhưng chẳng tiến hơn chút nào.

Dừng xe lại, chủ mời khách xuống,

Tạm nghỉ chơn bờ ruộng bên lề

Nam phụ lão ấu đề huề,

Lại thêm tu sĩ cạnh kề thiếu nhi.

Một con mòng từ đâu bay đến,

Trước đầu ngựa ra lệnh oai phong,

Truyền mau nổ lực gắng công,

Kéo nhanh xe trống khỏi lòng cát sâu.

Nó chỉ huy như người đoàn trưởng,

Giữa trận tiền phạt thưởng ba quân,

Khi thì chích mũi, chích lưng,

Khi thì gào thét tưng bừng bên tai.

Cả đoàn ngựa mệt gần ngất xỉu,

Thêm bực mình dáng điệu lố lăng

Của con sâu bọ ruồi lằn

Tác oai tác phước cho rằng mình hay.

Một chặp lâu xe lên khỏi dốc,

Khách reo mừng, được ngọc không bằng.

Hành trình sắp sửa tiến thăng,

Hân hoan ngắm cảnh đồng bằng xanh tươi

Nhưng bỗng chốc chú mòng lố dạng,

Trước đầu ngựa, ngăn cản chận đường,

Ðòi phải thanh toán tiền lương

Công chú khó nhọc tìm phương giải nàn.

"Các người sao quá ư vô nghĩa,

Chẳng chút nào đếm xỉa công ta !

Ðược việc, ngảnh mặt, lánh xa,

Không tìm tự hỏi, đâu là người ân ?

"Nếu ta không hét gầm đúng mức,

Giục đoàn ngựa toàn lực gắng công,

Lúc thưởng, lúc phạt oai phong,

Xe làm sao thoát khỏi vòng khó khăn ?

"Ðành rằng xe đi nhờ ngựa kéo,

Nhưng nếu ta không khéo chỉ huy,

Mãi mãi xe vẫn nằm ỳ,

Ðến khi đêm tối lấy gì thoát thân ?

"Thử nhìn khách cả đoàn đông đảo,

Có mấy ai xông xáo như ta ?

Chỉ thích dạo mát, hát ca,

Mải chờ thụ hưởng hơn là siêng năng.

"Kìa nhà sư cứ ngồi niệm Phật,

Toán thanh niên hợp nhất xướng ca,

Cụ già ngủ gật ngủ gà,

Thiếu nhi thơ thẩn hái hoa vệ đường.

"Thôi hãy sớm ơn đền nghĩa trả,

Luật công bình Nhân Quả phân minh.

Ta đòi chớ chẳng nài xin

Tiền công ta đã tận tình cứu nguy."

Trong xã hội đôi khi nhìn thấy

Một số người chẳng mấy khiêm nhường,

Không ngừng phổ diễn, biểu dương,

Cho mình quan trọng, mọi đường đều hay.

Họ tự hào "TA là bậc nhất !

Vắng TA e quả đất ngừng quay.

Nay còn sông núi cỏ cây,

Ấy công TA đã đắp xây bấy chầy !"

La Fontaine


Tương lai hay hiện tại ???

Ngày xưa, có vị Hoàng đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán:

Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi.

Viên cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất. Tới một ngày kia, sức khoẻ kiệt quệ vì đói và mệt, hắn lả đi gần chết ở trong rừng. Hắn lẩm bẩm:

Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai. Bây giờ thì gần chết rồi ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn cất mà thôi!

Câu chuyện cổ kể trên cũng giống như cuộc đời của chúng ta. Hàng ngày, chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta tận sức tới mức sao lãng sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên cả những cảnh đẹp thiên nhiên. Ngay cả trong những buổi họp bạn bè với danh nghĩa để giải trí, chúng ta vẫn có tư tưởng là sự giao thiệp sẽ có lợi cho việc tạo thêm tiền tài, danh vọng hay thế lực.

Rồi một ngày kia nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó vô nghĩa lý. Than ôi! Lúc đó thì ta không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa, chúng ta đã bỏ mất dịp hưởng an lạc của cuộc đời một cách chân chính.

Hãy sống tỉnh thức, để an hưởng cái đẹp của thiên nhiên, để tìm ra lẽ sống của cuộc đời.

Cuộc đời rất mong manh, hãy an trú trong hiện tại nhưng cũng đừng phó thác tương lai cho bàn tay của tạo hoá.

Sưu tầm


LỜI KHUYÊN SÁNG SUỐT

Cú ngồi trên cành cây, dõi theo mọi cử động của chú Cáo con có bộ lông màu hung. Chú Cáo nhỏ bực bội, cáu kỉnh gầm gừ vào bụi rậm ngay dưới gốc cây Cú ngồi. Trên bộ lông đẹp đẽ của nó bám đầy những quả gai tròn. Cuối cùng, không thể kiên nhẫn hơn, Cú mèo lên tiếng gọi Cáo con :

- Cháu cứ tru lên giận dữ làm gì thế? Chẳng nhẽ điều đó giúp được cháu à ?

Cáo con ngước đôi mắt ngấn nước ấm ức lên nhìn bác Cú và nói, giọng run run

- Cứ mỗi lần cháu đi ngang qua đây là cái cây ngưu bàng độc ác này lại vướng quả gai vào người cháu, cười nhạo cháu, làm sao cháu không tức được ? Đây bác xem, từ giờ đến chiều cháu cũng chỉ kịp gỡ những quả đầy gai này ra khỏi lông thôi.

- Ta hiểu cháu, Cáo con ạ. Nhưng cháu càng cáu, càng tức giận thì những quả gai này càng bám chặt vào lông cháu. Tệ hơn nữa là cháu lại tha chúng đi khắp rừng, rồi mai kia chúng lại mọc lên thành những cây ngưu bàng, những bụi ngưu bàng mới, và sẽ bám vào lông của những bạn khác nữa cơ.

Cáo con chăm chú lắng nghe cảm nhận chân lí trong từng lời của bác Cú thông thái, chú hỏi :

- Thế cháu phải làm sao bây giờ ? Vì chuyện này ngày nào cũng như ngày nào !

- Cháu ạ, cũng đơn giản thôi. Để không vướng phải những quả ngưu bàng gai đó, cần phải đi vòng qua nó. Cháu có thể không đánh bại được nó, nhưng cháu có thể quên nó đi và sống vui vẻ hơn.

Chú Cáo nhỏ tin lời bác Cú thông thái, và từ ngày đó chú đi vòng qua bụi ngưu bàng. Còn bụi ngưu bàng thì dần dần tàn lụi vì ấm ức, giận dữ.

Với con người, lời khuyên sáng suốt này cũng là một bài học.

Sưu tầm


Khoe khoang

Vào một đêm không trăng, không sao, bóng điện đang hãnh diện tỏa ra thứ ánh sáng chói ngời.

Nó lia những tia sáng kiêu kì rạng rỡ đi khắp gian nhà. Chợt nó dừng lại ở góc bếp vì nhận thấy một vật gì nhỏ bé, đen đúa với khuôn mặt bám đầy mạng nhện đang đứng ở đó. Đó là Đèn Dầu. Bóng điện liền kênh kiệu hỏi: “Này tên kia, mi là ai thế, sao mi nhỏ bé, xấu xí hôi hám nữa? Mi nhìn ta đây này, vừa to lớn, vừa rực rỡ lại cực kì sang trọng. Ta thấy mi chướng mắt quá. Mi cút khỏi đây ngay!”

Đèn Dầu thản nhiên đáp lại: “Tôi biết mình nhỏ bé, bụi bặm, nhưng tôi không hèn mọn, không khoe khoang hống hách. Một ngày nào đó tôi sẽ cho anh thấy tôi là người hữu dụng, mọi người sẽ ưu ái tôi”.

Và một đêm kia, cũng lại là một đêm không trăng không sao nhưng cúp điện. Mọi người chẳng thấy Bóng điện đâu cả mà chỉ thấy một Đèn Dầu đang thầm lặng tỏa ra thứ ánh sáng cần thiết cho căn nhà nhỏ, tỏa ra những tia sáng tí tách reo ca. Bóng điện chết lặng trong bóng tối vì hổ thẹn, nó ngẫm ra rằng: Không ai hoàn hảo cả và cũng không nên lấy cái tốt của mình mà chế giễu cợt đùa phần chưa tốt của người khác. Cuộc đời này là những sự bù đắp diệu kỳ!

 -ha3t-


NHỮNG CÂY BÚT CHÌ

Một hôm, trong khi ngồi nghiên cứu, mơ màng, tôi nghe lỏm được câu chuyện của những cây bút chì trong ống bút trên bàn.

Cây bút chì đỏ nói với vẻ tự hào:

- Tôi là người chỉ đường. Tôi cũng là người phê duyệt chủ trương biện pháp. Tôi chỉ quen sửa sai cho người khác, chứ tôi thì không sai bao giờ!

Cây bút chì Hoá học cãi lại:

- Tôi là thành tựu khoa học kỹ thuật. Trong thời đại ngày nay, tôi là then chốt. Tôi đã viết ra công thức gì thì không ai xoá nổi.

Cây bút chì kỹ thuật nửa đồng tình nhưng nửa cũng muốn nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của mình:

- Tôi mới là người vẽ ra kỹ thuật. Nét bút của tôi tinh tế và chính xác biết bao! Không có tôi thì chẳng có thể có sản phẩm mới.

Còn bút chì thường từ nãy đến giờ vẫn im lặng, vì nó chẳng thấy mình có được ưu điểm gì cả. Nó làm việc quá nhiều, bị mòn vẹt, bị gọt hết lượt này đến lượt khác, đến nay đã cùn cụt chỉ còn một mẩu ngắn. Do đó, nó cũng chẳng còn sức để tham gia vào cuộc tranh cãi nữa.

Còn tôi thì sau khi nghe câu chuyện cứ suy nghĩ mãi: chẳng lẽ những người làm việc nhiều thì bị cùn cụt đi, còn những kẻ ba hoa, khoác lác lại cứ được yên thân mãi sao?"

Sưu tầm


CON CHIM NHỎ MUỐN BẰNG CON CHIM ƯNG

Có một dàn cừu đang từ trên núi xuống thung lũng. Bất ngờ từ trên trời cao, một con chim ưng bay xuống quắp lấy một con cừu non. Một con chim nhỏ đã trông thấy hết cảnh đó. Nó nghĩ răng : “Ờ, sao mình lại không làm như chim ưng nhỉ? Mà việc gì phải đi cắp cừu non, ta sẽ bắt hẳn con cừu to. Con chim nhỏ bay cao lên, kẹp cánh lại và lao thẳng xuống . Nhưng chuyện lại kết thúc ở chỗ là nó va phải sừng cừu và chết ngay tại chỗ.

- Một con ruồi có lần định lăn hòn đá đi và chết ngay tại chỗ thế này, người chăn cừu đặt chú chim vừa chết trong lòng bàn tay, nói:

Vậy là chú chim muốn bằng chim ưng, cuối cùng đã đạt được điều là bị ví với con ruồi."

Sưu tầm


CÂY CỔ THỤ

Henry Emerson Fosdick kể lại một câu chuyện về những thắng bại của một cây đại thụ trong rừng:

Trên sườn núi Long's Peak Ở Colorado có một cây khổng lồ bị tàn phá còn trơ lại mỗi một khúc thân. Các nhà thực vật học đoán cây đó sống khoảng 400 năm. Hồi Christophe Colombus đặt chân lên đất San Salvador, nó đã có rồi, vả khi những cố đạo tới xây dựng sự nghiệp ở Plymouth, nó mới sống được nửa đời của nó. Trong cuộc sống dài đằng đẵng suốt 4 thế kỷ đó, nó bị sét đánh 14 lần, và trải qua biết bao lần tuyết băng, giông tố mà vẫn sống. Nhưng về sau, bị một đàn sâu đục khoét, nó đành chịu đổ lăn kềnh ra. Đàn sâu khoét hết lớp vỏ, rồi mỗi ngày nhấm một chút, liên tiếp không ngừng, tuần tự phá phách sinh lực của cây. Thành thử, một cây cổ thụ khổng lồ đã từng chống chọi lại với thời gian, với sấm sét với giông tố, mà rút cục lại bị hạ vì những con sâu tý hon, nhỏ xíu đến độ có thể bị bóp nát giữa hai đầu ngón tay người.

Đối với con người chúng ta, những con sâu nhỏ xíu ấy có thể là những nỗi lo lắng lặt vặt, những tội nhỏ mọn đâu chăng?"

Sưu tầm