Truyện Minh Hoạ - Khiêm Nhường

BÀ LÀ AI?

Trong cơn hôn mê, một người đàn bà nọ thấy mình bị đưa ra trước toà Chúa.

Có tiếng hỏi bà:

- Bà kia, bà là ai?

Người đàn bà đáp:

- Thưa, con là vợ của ông thị trưởng.

Nhưng tiếng ấy lại nghiêm nghị hơn:

- Ta không hỏi ngươi là vợ của ai, Ta chỉ hỏi ngươi là ai mà thôi?

Người đàn bà vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của câu hỏi. Bà tiếp tục thưa: bà là mẹ của bốn đứa con, bà là giáo viên... Nhưng lần nào tiếng nói cũng vẫn hỏi lại:

- Ta không hỏi ngươi làm nghề gì, Ta chỉ muốn biết ngươi là ai mà thôi.

Nghe đến đây người đàn bà liền thưa:

- Con là một Kitô  hữu.

Tiếng nói lại tỏ dấu bất bình và hỏi  tiếp:

- Ta không hỏi ngươi có đạo hay không có đạo, hoặc theo đạo nào, Ta chỉ hỏi ngươi là ai mà thôi?

Người đàn bà làm một cố gắng cuối cùng, bà trình bày như sau:

- Thưa, con là người đi lễ mỗi ngày và luôn giúp đỡ những người thiếu thốn. Tiếng nói lại càng bất bình hơn nữa:

- Ta không hỏi ngươi đã làm gì, Ta chỉ hỏi ngươi là ai mà thôi

Người đàn bà chợt hiểu được ý nghĩa của câu hỏi.

Sau cơn bệnh trầm  kha, bà quyết tâm trả lời cho bằng được câu hỏi ấy. Và điều đó đã làm cho bà thay đổi hoàn toàn cuộc sống.

Để trả lời câu hỏi trên đây, có lẽ chúng ta phải thưa bằng chính lời của Chúa Giêsu, Ngài nói về một đầy tớ phải làm việc quần quật suốt ngày, rồi chiều về còn phải hầu hạ chủ mình.

Chúa Giêsu nói như sau: “các con cũng thế, sau khi đã làm hết tất cả những gì mình phải làm, các con hãy nói:

Chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng”.

Tương quan giữa con người và Thiên Chúa là một tương quan nhưng không."

Sưu tầm


BÀI HỌC CỦA DÒNG NƯỚC

Lão tử vốn là người rất nổi tiếng và được coi như là hoàng tử của những nhà tu đức bên Tàu từ nhiều thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh . Một hôm, sau khi mỏi mệt đi đường xa. Lão Tử cùng đồ đệ ngồi nghỉ chân bên một hồ nước trong mát. Sau khi đã xuống hồ tắm rửa thoải mái, họ lên bờ ngồi, yên lặng nhìn cảnh vật phản chiếu trên mặt họ. Một lúc sau, Lão Tử bình thản và với giọng tiên tri cất tiếng dạy các đồ đệ:

-Lòng tốt của các con hãy nên như dòng nước mát kia. Ai lại không hiểu biết nước cần thiết đến mức nào và được sử dụng bằng ngàn cách: Nước không bận tâm chiến đấu để giữ vững hình dạng của mình, nhưng lại hiền hoà thay hình đổi dạng tuỳ theo vật chứa nước: vật dài, cong, xấu xí hay đẹp. Nước cũng không hề giận dữ hay phải đối ai cả. Nước sông chảy không đập cũng không chống lại những chướng ngại vật dọc theo dòng, nhưng nước uốn mình để chảy theo những nơi đất mềm đưa ra tới biển. Nước không dừng lại ở nơi cao, nhưng sung sướng chay xuống những nơi thấp, xuống sâu, càng sâu mãi hơn để đem lại phì nhiêu cho đồng cỏ trù phú. Nước rất khiêm tốn: bốc hơi dưới ánh mặt trời và bay bổng trên trời cao như người con ngoan luôn hướng mắt nhìn về cha mình.

Và sau cùng, Lão Tử kết luận:

-Vậy lòng tốt của chúng con cũng phải trở nên trong sáng và vô vị lợi như nước trong hồ này. Các con cũng đừng quên rằng: con người, bản tính vốn yếu đuối hơn là xấu bụng, vốn nghèo hèn hơn là quỷ quyệt. Như nước trong mát giải khát mọi loài và làm tươi tốt mọi loài không trừ ai, cũng vậy, các con hãy đối xử tốt, nhân từ và khoan dung với hết mọi người, mọi tạo vật, đừng kỳ thị một ai."

Sưu tầm


BÀI HỌC KHIÊM TỐN

Trần Ngiêu Tử làm quan Tiết độ sứ đời Tống là người tài bắn, thiên hạ khen phục, Nghiêu Tử cũng lấy làm kiêu căng tự đắc.

Nghiêu Tử thường bắn ở trong vườn nhà mình. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy Nghiêu Tử bắn, đặt gánh xuống, ngấp nghé đứng xem. Ông lão thấy Nghiêu Tử bắn mười phát trúng bảy, tám, thì hơi gật gù và mỉm miệng cười.

Nghiêu Tử thấy thế, gọi vào bảo:

- Nhà ngươi cũng biết bắn chứ, ngươi cười ta bắn không được có phải không?

Ông lão đáp:

- Giỏi gì đâu, chẳng là quen tay đấy thôi.

Nghiêu Tử giận quá, nói:

- A, nhà ngươi khinh ta bắn không giỏi phải không?

Ông lão bán dầu đáp:

- Khinh hay không ngài cứ xem tôi rót đầu đây thì biết!

Nói xong, ông lão lấy một cái bầu đặt xuống đất, trên miệng bầu để một đồng tiền rồi từ từ rót dầu qua lỗ mà không nhiễu một tí dầu nào ra lỗ đồng tiền cả.

Rót đoạn, ông lão ngẩng lên nhìn Nghiêu Tử:

- Như tôi đây cũng chẳng giỏi gì đâu chẳng là quen tay đấy! Nghiêu Tử cười, khen phải và từ đó không lên mặt là tay bắn giỏi nữa."

Sưu tầm


BỆNH 'MUỐN LÀM LỚN'

Lịch sử cổ kim ghi lại đày dẫy những con người mang bệnh 'muốn làm lớn', muốn trở thành 'mặt trời' để kẻ khác xoay chung quanh:

1/ Vua Babyon đã từng tuyên bố: “Ta sẽ lên trời, trên các vì sao của Thiên Chúa, ta sẽ bắc ngai ta, ta sẽ ngự trên núi Tao Phùng, nơi bồng lai cực bắc.  Ta sẽ lên chót vót tầng mây, ta sẽ đồng hàng với Thượng Đế” (Is 14:13-14)

2/ César, khi chưa lên ngôi hoàng đế La-mã, đã nói 1 câu trở thành phần nào kinh điển cho hậu thế: “Thà làm số 1 ở 1 làng nhỏ hẻo lánh bên xứ Gaule, còn hơn làm số 11 ở kinh đô La-mã!”

3/ Và hiện nay, hàng năm trên thế giới có xuất bản cuốn “Guiness”, sách ghi các kỷ lục thế giới, chẳng hạn: người nào chạy nhanh nhất, sống lâu nhất ..., nghĩa là chỉ những ai số 1 ở một lãnh vực nào đó mới được ghi tên vào cuốn Guiness này, nhiều người đã cố gắng lập những kỷ lục kỳ cục cốt chỉ để nổi danh, để thế giới biết tiếng.  Ví dụ: có người đã ra sức phá 1 hơi 2 cái đàn pianô trong vòng 5 phút!  Dhanajay Kurksai, người Ấn, được mệnh danh là nhà quán quân của những kỷ lục kỳ cục như sau: năm 1981, anh đứng một chân liền một mạch 35 giờ đồng hồ; năm 1981: đi giật lùi một mạch 65 cây số; năm 1982: nhảy lò cò được 10 giờ 10 phút và nói liền 1 mạch không nghỉ 15 tiếng đồng hồ; tháng 10/1987: nuốt hết 2 kg 600 thủy tinh.  Mới đây Kurksai còn tiết lộ 1 ý đồ đầy tham vọng là nhảy từ đỉnh thác nước Nigara ở Ấn Độ và theo anh, nếu cuộc nhảy đó thành công, anh sẽ cưới liền 1 lúc 105 vợ để phá kỷ lục của 1 người Mỹ đã từng cưới 1 lúc 104 cô vợ tại thành phố Salt Lake, thủ phủ bang Utah (Xem thể thao văn hoá số 19 (298), ngày 7-5-1988, tr. 8)."

Sưu tầm


Con Quay và Bánh Xe

Một hôm con quay màu vàng lăn đến bên cạnh chiếc bánh xe màu đen. Nó kiễng chiếc chân nhỏ bé nhọn hoắt của mình lên và hỏi bánh xe: " Này! Bánh xe, cậu có tài cán gì không?"

"Tôi có thể quay!", bánh xe nói một cách dứt khoát và hỏi "Anh bạn nhỏ xinh xắn! Nghe nói cậu cũng rất giỏi quay có phải không?"

"Đúng thế!", con quay tự tin đáp, "Tôi quay nhanh như gió, có thể coi là quay nhanh nhất trên thế giới này, mỗi phút tôi có thể quay mấy ngàn vòng trong một giờ khi đó còn nhiều hơn cả số sao trên trời! Còn anh thì như thế nào?" Con quay hỏi bánh xe bằng một giọng khinh thường.

Bánh xe trả lời: " Tôi mỗi phút chỉ có thể quay được vài trăm vòng và mỗi giờ quay ước chừng chỉ được khoảng hai vạn vòng thôi."

Con quay tỏ ra rất tự hào và lớn tiếng "Xem ra tôi giỏi hơn anh rồi!"

Bánh xe nhìn con quay bảo "Muốn biết ai hơn ai, cần phải xem thực chất đã."

"Anh nói vậy là có ý gì?" Con quay chất vấn một cách hoài nghi.

Khi ấy bánh xe mới trả lời rằng: " Nếu nói về tốc độ quay, cậu quay như bay vậy, chắc chắn là tôi không bằng cậu. Nhưng khi tôi quay một vòng thì tôi tiến lên phía trước một bước; Nếu như tôi quay liên tục thì tôi sẽ tiến lên liên tục. Còn cậu, dù cho có quay nhanh đến thế nào đi chăng nữa, tần suất dù có cao đến thế nào đi chăng nữa, nhưng cuối cùng cũng chắng rời thoát đươc khỏi chỗ cũ.

Sưu tầm


Đua đòi

Một con Ếch nhìn con Bò đực,
Tướng vặm vở, vai ngực nở nang,
Ði đứng oai vệ gọn gàng,
Thích chí, Ếch muốn sẵn sàng tranh đua.
Thân hình nó to bằng quả trứng,
Cố phình lên tương xứng với Bò.
Nhờ một người bạn phụ lo
Vai trò giám khảo, phê cho công bình.
Nó la lớn: “Ớ, nầy hỡi bạn,
Bụng tôi phình, hết hạn to rồi,
Bằng chưa? ” – “Còn nhỏ , bạn ôi!”
“Lớn thêm chút nữa?” – “Chao ôi, chưa bằng!”
Ếch cố gắng phình thêm, thêm nữa,
Bạn cứ đáp: “Vẫn chửa thấy gì !”
-“Hơn chưa, nói lẹ lên đi ?”
Bỗng “đùng”, tiếng nổ, bụng xì, vỡ tung!
Ếch bỏ mạng thật là khờ dại:
Ráng đến đâu cũng phải thua Bò.
Ích gì chi tiết nhỏ , to,
Mà cố tranh đấu, rõ trò u mê ! 
Thế gian đầy kẻ khờ như Ếch, 
Mải đua đòi nên chết thảm thương. 
An phận: hạnh phúc trăm đường, 
Thong dong tự tại, là phương thuốc thần.

La Fontaine


CHIẾC MÁY ẢNH

Có một chiếc máy ảnh nằm trong tủ gương bóng lộn. Máy ảnh luôn được lau chùi và gìn giữ rất cẩn thận. Nhìn máy ảnh khi nào cũng thấy láng lẫy, xinh xắn. Ai nghìn ngắm máy ảnh cũng đều trầm trồ khen ngợi và ngưỡng mộ thán phục.

Máy ảnh thấy mình được ngon lành, được bế như vậy thì càng ngày càng lên mặt kênh kiệu ngạo nghễ.

Một hôm, người ta dùng máy ảnh để chụp ảnh. Máy ảnh thấy mọi người cần đến mình thì càng ra sức làm phách, ngạo mạn hơn. Nó đỏng đa đỏng đảnh, hết lườm ngang đến nguýt dài với những người đang tranh nhau đứng trước máy ảnh để được chụp những tấm ảnh đẹp lưu lại cho cuộc đời. Nó chảnh chọe thầm nghĩ:

- Bọn bây muốn có ảnh đẹp thì phải nuông chiều, lạy lục, xin xỏ, cung phụng cho ta. Nếu không thì … Xí ! … Đừng hòng mà có được ảnh đẹp ! Đừng có mơ mộng hão huyền ! Xí… !

Nghĩ như vậy rồi, nó ra sức bóp méo các hình ảnh, bôi mờ những tấm hình, xóa đen những gương mặt trong máy ảnh …

Người ta sử dụng máy không được như ý, chỉ chụp toàn là những tấm hình xấu xí, mờ nhạt, liền bàn tính với nhau

- Máy ảnh này tuy nhìn bề ngoài trông đẹp thật, nhưng nó chẳng làm nên trò trống, chẳng làm nên cơm cháo gì.

- Thế thì bỏ quách đi cho rồi.

Nói rồi, người ta nhẫn tâm vồ lấy nó ném mạnh vào sọt rác.

Bị vất bỏ một cách phũ phàng, tàn nhẫn, bấy giờ chiếc máy ảnh mới hoảng sợ run rẩy van xin thống thiết:

- Xin tha cho tôi ! Xin cứu lấy tôi ! Tôi không bao giờ dám làm như vậy nữa ! Tôi sẽ làm tốt hơn ! Tôi sẽ làm thật tốt cho mọi người !

Nhưng đã quá muộn ! Kêu khóc van xin thống thiết cũng chẳng còn tác dụng gì nữa. Mọi người quay lưng đi mất bỏ lại chiếc máy ảnh nằm chỏng chơ đơn côi trong giỏ rác.

Đời người cũng vậy thôi. Hãy cố gắng thực thi thật tốt, thật đẹp mọi công việc của mình. Đừng bao giờ tự mãn, kênh kiệu làm mình làm mẩy phách lối với mọi người, kẻo đến khi hối hận thì đã quá muộn.

Đừng đỏng đa đỏng đảnh

Đừng đỏng đảnh đỏng đa

Máy ảnh ơi máy ảnh

Cớ chi mà làm phách

Mắc chi mà làm tàng

Mình chỉ là công cụ

Để phục vụ mọi người

Nên đốc công làm việc

Với tất cả sức mình

Giúp đời thêm thắm tươi !!!

Nguyễn Ngọc Phi . Lm


BIẾT LUI THÌ HAY

  - Lòng khiêm nhượng

   Xưa nước Sở có Dưỡng Do Cơ bắn rất giỏi, lá liễu cách trăm thước, bắn trăm phát trúng cả trăm, cai cũng phải phục là tài.  Một người qua đường bảo rằng: “Bắn khá đấy.  Ta có thể dạy cho bắn được!”

   Dưỡng Do Cơ nói:

   - Ai cũng khen ta mà nhà thầy lại nói có thể dạy cho bắn được.  Sao nhà thầy chẳng thay ta mà bắn đi?

   - Ta không thể dạy thầy phép bắn, người khách nói, nhưng kẻ bắn lá liễu trăm phát đều trúng mà không thôi đi, thì chẳng mấy chốc, người mệt nhọc, cánh cung giãn ra, cái tên cong ..., chỉ cần một phát không trúng đích là đi đời hết cả công trước!

Chiến Quốc Sách


Hạnh Khiêm Tốn

Hai con lừa đi trên đường lộ,
Một con chở bao bố bột mì,
Thong dong chậm rãi bước đi,
Không ai chú ý những gì nó mang
Con thứ hai chở đầy bạc nén,
Tiền thu thuế đúng hẹn nộp quan,
Ðựng đầy hai túi kềnh càng
Nặng quằn, khó nhọc, trên đàng ruổi rong.
Nó khước từ không ưng chia sớt
Với đồng bọn cho bớt nặng nề,
Mặc dầu kiệt sức, kéo lên
Hãnh diện trọng trách trăm bề cao sang.
Ðể khoe khoang món hàng quý báu,
Cố bước mạnh để tạo tiếng vang,
Khiến cho hành khách đi đàng,
Thẩy đều chú ý món hàng trên lưng.
Rủi thay, gặp bọn bất lương gian ác,
Ra chận đường, cưỡng đoạt số tiền.
Chống lại, lừa đá liên miên,
Bọn cướp nổi giận, chúng liền ra tay.
Ghì hàm khớp chúng kềm lừa lại,
Dùng gậy sắt đập đại vào đùi
Trọng thương, lừa hết tới lui
Té qụy, đẵm máu sụt sùi khóc than.
“Hỡi Trời Cao! Tại sao tai hoạ
Chỉ nhằm tôi hành hạ mọi bề:
Xương rơi, thịt nát tái tê,
Còn bạn đồng hành lại để bình an?”
Con lừa bạn vội vàng đáp lại:
“Tai nạn ấy chính tại nơi anh:
Gián tiếp mời bọn lưu manh
Ðón đường cướp của xô anh xuống đường.
Anh chuyên chở món hàng quí giá,
Vì chủ gia giàu cả ức muôn,
Khiến người dòm ngó, thèm thuồng,
Tánh thích khoe của là nguồn hiểm nguy !
Chủ tôi nghèo, làm nghề lam lũ,
Tìm ra tiền vừa đủ nuôi thân,
Khiến tôi cũng sống thanh-bần,
Quanh năm, suốt tháng, tảo tần, thảnh thơi!”
Thật chẳng khác Bướm kia cùng Dế
Bướm nhởn nhơ cốt để khoe khoang,
Trẻ đùa: cánh rã, thân tan,
Dế thì ẩn núp dưới hang, thanh nhàn

La Fontaine


Hãy giản dị

Con Cò Hương tướng đi lỏng khỏng,
Hai giò dài, cổ ngóng thêm cao.
Thung dung bách bộ bờ ao,
Bầu trời quang đãng, xiết bao thanh nhàn.
Nước trong veo, mắt nhìn tận đáy,
Thấy Cá đùa rong chạy nhởn nhơ.
Nào Chày, nào Chép lờ đờ, (*)
Món ăn lý tưởng đang chờ Cò đây.
Nhưng, Nàng Cò tỏ ra không vội,
Bụng còn no, cơ hội thiếu chi.
Uống ăn đúng lúc, đúng khi,
Nếp nhà quý phái, còn gì sang hơn ?
Chập lâu sau, Cò nghe bụng đói,
Cạnh bờ ao, mệt mỏi ngóng trông.
Còn đâu Chày, Chép lội rong,
Chỉ toàn hủng hỉnh, ròng ròng lưa thưa (*)
Gặp nghịch cảnh Chị Cò thất vọng,
Quyết chờ, dù bụng trống thèm ăn.
Kìa bầy cá bé lăn tăn,
Nhưng chúng chưa đúng thức ăn của Cò.
Lòng buồn bã, nó thầm suy nghĩ:
"Ta hãy chờ, bền chí, vững lòng.
Ăn chi hủng hỉnh, lòng tong,
Còn gì tư cách, giống dòng cao sang ?
Nó bèn đợi, đợi thêm chút nữa,
Vầng Thái Dương lên giữa vòm trời,
Cò nghe bụng đói tơi bời,
Không một con vật lội bơi trong hồ.
Bỗng đâu một Cá Chày xuất hiện,
Thân mập tròn, sắc diện tốt tươi.
Ðắc chí , Cò cất tiếng cười,
"Con mồi thích hợp, chớ lười, nhanh lên."
Nhậm lẹ nó phóng mình vồ cá,
Lòng hân hoan, hỉ hả, hăng say.
"Ðáng công trông đợi suốt ngày,
Mồi này xứng với biệt tài của ta."
Nhưng bất ngờ Cá Chày lanh lẹ,
Chui mau vào một kẽ đá gành.
Căm hờn, Cò ngó quẩn quanh,
Thấy toàn nước bạc, rêu xanh mập mờ.
Nó cố gắng đứng chờ thêm nữa,
Bụng đói khô, xót tựa như cào.
"Ước gì bắt được cá nào,
Ta sẽ mau lẹ nuốt vào, chẳng tha."
Cò chờ mãi, đợi lâu ủ rũ,
Bỗng bò ra một chú Ốc Len,
Cò mừng, chẳng kịp chê khen,
Vội vàng nuốt trọn, sang hèn sá chi ?
Lắm người sống như Cò, kiêu hãnh,
Thiếu giản dị, ưa cảnh xa hoa.
Dịp may thường dể trôi qua,
Kết cuộc: tiếc rẻ, xót xa, ưu phiền.
(*)
Cá chày, Cá Chép: loài cá quý
Hủng hỉnh, ròng ròng, lòng tong: loài cá bé, thịt không ngon.

La Fontaine