Truyện Minh Hoạ - Hy Vọng

Chỉ chờ có thế thôi

“Hãy làm như những người đợi chủ

đi ăn cưới về”

(Lc 12,35)

Một ông già suốt đời làm nghề móc cống, sửa hầm. Không cần ai hối thúc, ông luôn luôn có lương tâm trong công việc, bất kể nhọc nhằn, dơ dáy. Con người hiền lành đạo đức ấy có đức Tin thật vững vàng.

Khi bệnh tình ông nguy kịch, bác sĩ đã nói thật: “Không còn cách gì chữa cho ông được nữa!”

Ông lão vững tin ấy đáp:

-“Cám ơn bác sĩ, suốt một đời, tôi chỉ chờ có thế thôi!”.

Ông lão chết với nụ cười thanh thản."

Sưu tầm


Lần lượt lên bến

“Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”

(Ga 14,3)

Hai vợ chồng cùng với hai đứa con đắm tàu dạt vào một hoang đảo ở Thái Bình Dương. Trong mấy tuần lễ đầu, họ phải chui rúc trong những khe đá để tránh bão. Thức ăn là rễ cây, rau dại, dâu và vài loại trái cây mọc hoang trên đảo. Họ uống toàn nước suối.

Một hôm, họ nhìn thấy một chiếc thuyền. Họ mừng rỡ reo hò, vẫy gọi. Chiếc thuyền nhận ra họ và ghé vào đảo. Cả bốn người trên thuyền đều là dân địa phương, nước da đen đúa, trông phát khiếp! Nhưng họ chất phác và rất từ tâm. Họ ra hiệu cho những người bị nạn biết: Họ sẵn sàng đưa vợ chồng con cái này đến nơi an toàn; nhưng mỗi lần chỉ đưa được một người thôi! Họ quyết định đưa người cha đi trước.

Dĩ nhiên là có cảnh nước mắt ngắn dài khi ông ra đi, nhưng ông bảo đảm với vợ con là chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình sẽ xum họp đầy đủ.

Đúng như dự kiến, con thuyền lần lượt đón từng người, vượt qua dải nước mênh mông ấy, đến một nơi trú ngụ yên hàn, tiện nghi hơn.

Sự chết cũng thế, nó có thể đến để rước người cha của mình đi xa những người thân yêu, nhưng chỉ là đưa ông đến một miền đất tốt đẹp hơn. Nơi đó, chẳng bao lâu, những người thân yêu của ông cũng sẽ được đưa tới, cùng với ông đoàn tụ."

Sưu tầm


Ánh sáng trên đoạn đầu đài

   Trước mặt Thiên Chúa không ai là kẻ hư mất, ngay cả người đó có bị xã hội kết án đi nữa. Đức Hông Y J.M. Lustiger tổng giám mục Paris đã nói như trên khi đề cập đến hồ sơ xin phong chân phước cho anh Jacques Flesh, do chính tay ngài ký và gởi về bộ phong thánh tại Rôma trong năm vừa qua.

   Jacques Flesh là một tên tội phạm đã bị kết án tử hình và đã lên máy chém ngày 2-10-1957 vì tội giết chết một cảnh sát viên. Tuy nhiên, trong những ngày tù tội anh được ơn thánh Chúa đánh động tấm lòng đã hoán cải trở về với Chúa và sống kinh nghiệm lòng tin sâu xa.

   Jacques Flesh là một thanh niên con nhà giầu nhưng vì được cha mẹ quá nuông chiều nên chàng chơi bời, phóng đãng và trở thành người hư đốn. Là con một ông chủ ngân hàng người Bỉ giầu sụ, Jacques muốn gì được nấy và cho đến lúc 24 tuổi chàng không hề thiếu thốn sự gì. Nhưng chàng đã phung phí tuổi thanh xuân trong ăn chơi, lười biếng và ương ngạnh. Học trường nào cũng chỉ được vài hôm hoặc một tuần là bị đuổi. Do đó Jacques đã không bao giờ học hết chương trình trung học. Tính tình ngang bướng và kiểu sống độc lập ấy đã biến chàng trở thành người vô dụng nhất thế giới. Tệ hơn nữa nó đã biến chàng thành kẻ sát nhân.

   Đầu năm 1954 Jacques nổi hứng ăn chơi thích mua chiếc thuyền buồm hiệu Philimoska dài 10 mét trị giá hai triệu quan Pháp. Nhưng cha mẹ chàng từ chối không cho chàng số tiền khổng lồ ấy, mặc dù cho tới lúc đó hai ông bà đã không bao giờ từ chối chàng điều gì. Thế là để có tiền mua thuyền buồm, Jacques quyết định đi đánh cướp nhà băng.

   Nội vụ xảy ra cách đây bốn mươi năm nơi giữa lòng thủ đô Paris tráng lệ, ngày 25 tháng 2 năm 1954 Jacques Flesh đã dùng súng cướp ngân hàng, bắn trọng thương một nhân viên nhà băng. Sau đó bắn chết một viên cảnh sát và làm một số người qua đường bị thương. Nhưng cuối cùng Jacques bị tóm cổ và tống ngục.

   Theo các bài tường thuật của báo chí Paris thời đó, trong phiên xử Jacques đã lạnh lùng và ngạo mạn khiêu khích mọi người. Chuyên viên bệnh tâm thần do toà án chỉ định trắc nghiệm Jacques đã mô tả chàng như là một người trẻ ăn chơi, hoang đàng, lười biếng và là một tên tội phạm ngẫu nhiên đã không hề mảy may tỏ ra hối hận vì tội giết người, trái lại còn vô liêm sỉ một cách trơ trẽn và bình thản chấp nhận bản án tử hình. Sau khi nghe toà tuyên án Jácques dõng dạc tuyên bố: “Cho mày đáng đời! Tôi đã đáng tội lên máy chém và tôi sẽ biết tỏ ra can đảm”.

   Thế là chỉ vì để thoả mãn ước muốn có một chiếc thuyền buồm mà Jacques đã trở thành một tên sát nhân. Chàng thanh niên con nhà giầu ấy giống như một hình múa rối bị các ham muốn không đâu của mình giật dây điều khiển đến độ cằm súng giết người.

   Tuy nhiên điều đáng nói ở đây không phải là cái đam mê, hư đốn, liều lĩnh của Jácques mà là cuộc hoán cải đổi đời của chàng. Sau ngày bị kết án tử hình, trong ba năm nằm tù để chờ ngày lên máy chém Jacques đã say sưa học Kinh Thánh và đã khám phá ra những chân trời mới mà trong những năm ăn chơi chàng đã không bao giờ biết tới.

   Trong mỗi lá thơ Jacques viết cho người vợ trẻ người ta đều nhận thấy chiều sâu tinh thần toả phát ra từ một tâm hồn đã gặp Chúa là đều nói lên kinh nghiệm thiêng liêng cao vời. Hơn ai hết Jacques ý thức được mình là một tội phạm đang phải đền tội nhưng sung sướng vì cuộc đời đổi mới, và chàng cảm thấy ba năm trong ngục tù chờ chết là ba năm duy nhất chưa từng có trong đời.

   Trong một lá thư viết cho người vợ trẻ chàng tâm sự: “Em à, trước kia anh chỉ là một cái xác sống, nhưng nay anh thâm tín rằng đây là lần đầu tiên trong đời anh thực sự sống”.

   Các thư mà Jacques viết cho vợ được in và xuất bản trong cuốn sách có tựa đề: “Ánh sáng trên đoạn đầu đài”. Một ngày trước khi bước lên máy chém Jacques viết trong thơ vĩnh biệt vợ như sau: “Cuộc hành quyết sẽ xảy ra ngày mai lúc 4 giờ sáng. Xin cho ý Chúa được trọn vẹn. Em yêu, trong 5 tiếng đồng hồ nữa anh sẽ được trông thấy Chúa Giêsu”.

   Nhật báo Rạng Đông tại Paris tường thuật lại cuộc hành quyết như sau: “Đội lính canh đứng xung quanh đoạn đầu đài buổi sáng thứ năm hôm đó đã cho biết họ chưa từng thấy một tội nhân nào bước lên máy chém với tất cả lòng can đảm và bền vững như Jacques Flesh”.

   Sau khi chịu Mình Thánh Chúa từ tay Linh mục tuyên úy nhà tù Jacques hiên ngang bước đi trong hành lang dẫn tới máy chém. Năm đó anh vừa tròn 27 tuổi. Con đường bí nhiệm nào đã khiến cho Jacques là một kẻ sát nhân biến thành một người sám hối đền tội và một tâm hồn thánh thiện như vậy? Câu chuyện về cuộc hoán cải đổi đời của anh làm chấn động giới luật sư, trí thức và tôn giáo.

   Khi ký vào đơn xin phong chân phước cho kẻ sát nhân đã được gặp Chúa đó, Đức Hồng Y Lustiger cầu mong anh trở thành niềm hy vọng cho tất cả những ai tự khinh rẻ mình và thất vọng, coi mình là đã tự hư mất. Không, trước mặt Chúa không ai là kẻ hư mất ngay khi người đó có bị xã hội kết án đi nữa."

Sưu tầm


Đợi gì nơi cuộc sống

Vào Tuần Thánh 1980, Đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu : “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gởi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm
cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”. Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường Y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích : “Không ai có thể nói cho tôi biết
chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa.”
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi : “ Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này ?” Cô gái mỉm cười nói : “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi”.

(Trích “Mónquà giáng sinh”)


Cụt hai chân vẫn đoạt giải khiêu vũ

“Bất cứ ai vào hoàn cảnh tôi thì cũng phải sống buồn thảm hay tự tìm cái chết, nhưng tôi lại muốn chứng minh ngược lại. Tai họa mà biết đâu mà lường, nên đừng cho mức nào là quan trọng. Vấn đề là phải phấn đấu để quay lại với những gì mình đã có”.

Terri, cô sinh viên 21 tuổi mạnh dạn tuyên bố như vậy khi đang ngồi trên chiếc xe lăn trong khuôn viên một trường đại học, một bằng chứng thể hiện ý chí vượt qua số phận bất hạnh của mình...

Tháng 5.1989, Terri phải vào bệnh biện vì chứng suy tủy sống, dẫn tới viêm màng não gây chứng liệt. Cô phải cưa mất cả hai chân và một cánh tay trái. Lúc mới trở lại trường phổ thông, Terri chỉ học chiếu lệ, không hứng thú, không có mục đích. Nhưng dần dần cô  được ráp chân giả và kiên trì rèn luyện. Cô giáo Ellis đã dạy Terri múa. Mùa thu năm 1990, trong một vũ hội đồng quê ở miền Waynesboro, Terri đoạt giải nhất với vũ khúc “Mũ nỉ và cây gậy”, hóa  trang như vua hề Charlot. Thành công này đã khẳng định hoà nhập Terri vào cuộc sống bình thường, và đã tìm lại được mọi thứ, kể cả...tình yêu. Bằng cớ là, Terri cho biết, mỗi tối gần đây có một chàng trai cứ gọi điện thoại cho cô và thổ lộ “anh rất yêu những con đường đến trường mà cô đã đi qua...”"

Sưu tầm


Đường hầm xuyên trái đất

Hai anh em cậu bé kia có lần quyết định đào một cái hố sâu phía sau nhà. Khi hai cậu bé đang đào, vài đứa trẻ khác đến xem và hỏi họ đang làm gì. Cậu bé đào hố hào hứng trả lời rằng anh em cậu muốn đào một đường hầm xuyên qua trái đất.

Mấy đứa trẻ cười phá lên, chế giễu anh em cậu. Thế nhưng hai cậu bé vẫn tiếp tục đào.

Một lúc sau, một cậu nhảy từ cái hố đang đào lên mặt đất, tay cầm một cái chai cũ kỹ đấy nhện, sâu bọ, côn trùng đáng sợ và tay kia giơ cao một túi chứa các viên đá xinh xắn đang lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời.

Cậu chỉ cho những đứa trẻ kai xem những viên đá tuyệt đẹp ấy và tự hào nói : " Ngay cả khi không đào được đường hầm xuyên trái đất, thì ít nhất bọn mình cũng có thể tìm được những viên đá đẹp như thế, và mình cũng đã có dịp khuất phục lũ côn trùng gớm ghiếc này ! ".

Câu chuyện như đơn giản, và chứa đựng một điều đơn giản ẩn dưới vỏ phức tạp: 

Không phải mục tiêu nào cũng hoàn thành trọn vẹn.
Không phải công việc nào cũng đều kết thúc thành công.
Không phải nỗ lực nào cũng được đền đáp xứng đáng.
Không phải mối quan hệ nào cũng giữ được bền lâu.
Không phải tình yêu nào rồi cũng là vĩnh cửu.
Không phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực.

Nhưng nếu bạn luôn lo sợ và không dám bắt đầu, bạn sẽ

không bao giờ có cơ hội đặt chân lên con đường đến thành công, bạn sẽ không bao giờ trưởng thành hơn và bạn chẳng có điều gì kể lại mai sau.

Khánh Ly - Sức Trẻ Việt Nam


Một câu chuyện về lòng kiên trì

Tôi là cựu giáo viên dạy nhạc tại một trường tiểu học ở DeMoines. Tôi luôn kiếm được lợi tức từ công việc dạy đàn dương cầm _ đó là một công việc mà tôi đã làm suốt 30 năm qua. Trong thời gian đó, tôi đã gặp nhiều trẻ em có những khả năng về âm nhạc ở nhiều cấp độ khác nhau. Tôi chưa bao giờ có hứng thú trong việc có học sinh thuộc dạng "cần nâng đỡ" mặc dù tôi đã từng dạy một vài học sinh tài năng. Tuy nhiên tôi cũng dành thì giờ vào những học sinh mà tôi gọi là "trơ nhạc". Một trong những học sinh đó là Robby.

Robby đã 11 tuổi khi mẹ cậu thả vào lớp trong bài học dương cầm đầu tiên. Tôi thích những học sinh (đặc biệt là những cậu bé) bắt đầu ở lứa tuổi nhỏ hơn, và nói điều đó với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ cậu luôn luôn mơ ước được nghe cậu chơi dương cầm. Vì vậy tôi đã nhận cậu vào học. Thế là Robby bắt đầu những bài học dương cầm đầu tiên và tôi nghĩ rằng đó là sự cố gắng vô vọng. Robby càng cố gắng, cậu càng thiếu khả năng cảm thụ âm nhạc cần thiết để tiến bộ. Nhưng cậu rất nghiêm túc trong việc ôn lại những bài học và những bản nhạc sơ đẳng mà tôi yêu cầu cất cả các học sinh của mình đều phải học. Sau nhiều tháng ròng rã, cậu miệt mài cố gắng và tôi vẫn cứ lắng nghe và cố động viên cậu. Cứ hết mỗi bài học hàng tuần, cậu luôn nói: "Một ngày nào đó mẹ em sẽ đến đây để nghe em chơi đàn". Nhưng điều đó dường như vô vọng. Cậu không hề có một năng khiếu bẩm sinh nào. Tôi chỉ thấy mẹ cậu (một phụ nữ không chồng) ở một khoảng cách khá xa khi thả cậu xuống xe và chờ cậu trong một chiếc xe hơi cũ mèm khi đến đón cậu. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ ở lại lâu.

Thế rồi một ngày nọ Robby không đến học nữa, tôi định gọi điện cho cậu nhưng thôi, bởi vì cậu không hề có chút năng khiếu nào, có lẽ cậu đã quyết định theo đuổi một con đường khác. Tôi cũng vui khi cậu không đến nữa. Cậu làm cho sự quảng bá trong việc dạy dỗ của tôi mất ưu thế! Vài tuần sau đó, tôi gởi đến nhà những học sinh của mình các tờ bướm thông báo cho buổi diễn tấu sắp tới. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Robby (cũng đã nhận một tờ bướm) hỏi xem cậu có được tham dự biểu diễn hay không. Tôi bảo với cậu, buổi diễn chỉ dành cho học sinh đang học, vì cậu đã thôi học nên cậu sẽ không đủ khả năng thực hiện. Cậu nói rằng mẹ cậu đang ốm và không thể chở cậu đi học nữa, nhưng cậu vẫn luôn luyện tập. "Cô Hondorf… cô cho em diễn một lần thôi…", cậu nài nỉ. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi cho phép cậu chơi trong buổi trình tấu đó. Có thể là cậu đã tha thiết quá, hoặc là một điều gì đó trong tôi đã bảo mách tôi rằng điều đó là đúng.

Đêm biểu diễn đã đến. Trong hội trường đông nghịt những phụ huynh, bạn bè và họ hàng. Tôi bố trí cho Robby ở cuối chương trình trước khi tôi xuất hiện để kết thúc và cảm ơn những học sinh đã trình diễn. Tôi nghĩ rằng tất cả những rủi ro mà cậu có thể gây ra cũng là lúc kết thúc và nếu có bề gì thì tôi cũng có thể "chữa cháy" cho sự biểu diễn yếu kém của cậu bằng tiết mục "hạ màn" của tôi. Và buổi biểu diễn trôi qua không một trở ngại nào. Những học sinh đã luyện tập nhuần nhuyễn và trình bày rất tốt. Thế rồi Robby bước ra sân khấu. A? quần cậu nhàu nát và mái tóc như tổ quạ.

"Tại sao cậu lại không ăn vận như những học sinh khác nhỉ? Tôi nghĩ "Tại sao ít ra mẹ cậu lại không chải tóc cho cậu vào cái đêm đặc biệt như thế này chứ? "

Robby mở nắp đàn lên và bắt đầu. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu tuyên bố rằng cậu chọn bản Concerto số 21 cung Đô trưởng của Mozart. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe những gì tiếp theo đó. Những ngón tay của cậu lấp lánh, nhảy múa trên những phím ngà. Cậu đã chơi những giai điệu từ nhẹ nhàng êm dịu đến hùng tráng… thật có hồn và đầy điêu luyện trong sự phối âm tuyệt diệu của nhạc Mozart. Chưa bao giờ tôi nghe một đứa trẻ ở tuổi ấy trình bày nhạc Mozart hay đến thế. Sau 6 phút rưỡi cậu đã kết thúc trong một âm thanh huy hoàng mạnh mẽ và mọi người đều đứng lên vỗ tay. Không nén được lệ tràn trong mắt, tôi chạy lên sân khấu và vòng tay ôm lấy Robby trong hạnh phúc: "Cô chưa bao giờ nghe em chơi hay như thế Robby ạ. Làm sao em có thể làm được điều đó? ". Robby giải thích qua chiếc micro "Thưa cô Hondorf… cô có nhớ là em đã kể rằng mẹ em đang ốm? Thực ra, mẹ em đã bị ung thư và qua đời sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh vì vậy đêm nay là đêm đầu tiên mẹ em nghe thấy em đàn. Em muốn làm điều gì đó thật là đặc biệt".

Tối hôm ấy, trong hội trường không đôi mắt nào không nhỏ lệ. Khi những người ở Trại Xã Hội đưa cậu từ sân khấu trở về trại mồ côi tôi nhận thấy mắt họ đỏ và sưng mọng. Tôi chợt nghĩ, đời tôi nhiều ý nghĩa biết bao khi đã từng nhận một học sinh như Robby. Không, tôi chưa bao giờ nhận một học sinh nào "cần nâng đỡ", nhưng đêm đó tôi trở thành người được nâng đỡ bởi Robby. Cậu là thầy của tôi và tôi chỉ là một học trò. Bởi vì cậu đã dạy cho tôi ý nghĩa của sự kiên trì, của tình yêu và niềm tin trong chính con người của chúng ta và điều đó có thể tạo ra cho người khác một cơ hội mà chúng ta không biết vì sao. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa hơn khi sau này tôi biết Robby bị chết trong vụ nổ bom điên rồ tại tòa nhà Alfred P. Murrah Federal ở thành phố Oklahoma vào tháng 4 năm 1995 nơi cậu đang biểu diễn.

Sưu tầm


Những con sao biển

Một sớm tinh mơ, khi mặt biển còn mù sương, tôi bắt đầu chạy thể dục với chiếc walkman đeo bên hông. Ở phía xa, tôi thấy một cậu bé có vẻ bận rộn. Cậu chạy lăng xăng, cúi nhặt những vật gì đó rồi quăng nó xuống biển. Nếu đó là trò chơi thi ném đá thì tôi có thể trổ tài cùng cậu bé. Ngày nhỏ, tôi cũng thường hay chơi trò này. Nhưng khi nghe thấy tiếng cậu hét:"Về nhà ngay nhé! Bố mẹ mày đang đợi đấy!"

Có thể bạn không tin, như chính tôi lúc ấy, những "viên đá" đó thì ra là những con sao biển bị mắc cạn trên bãi. Và vị cứu tinh nhỏ này đang cố gắng đưa chúng trở lại bãi biển, chạy đua với Mặt trời mà chỉ vài giờ nữa thôi sẽ trở nên gay gắt và không tài nào chịu đựng nổi.

Nhưng những cố gắng của cậu bé rồi sẽ chỉ là công cốc thôi. Làm sao có thể đưa hàng ngàn con sao biển về "nhà" của chúng được? Tôi gọi to: " Này nhóc, làm thế làm gì? Làm sao em cứu được tất cả những con sao biển?"

Cậu bé lại cúi xuống, nhặt một con sao biển và hét trả lời: "Nhưng em có thể cứu được con này mà. Nó sẽ được về nhà!" Cậu bé vung tay quăng con vật bé nhỏ xuống biển. Rồi lại lập tức cúi xuống với một con khác...

Rõ ràng cậu bé không quan tâm đến việc có vô số những con sao biển trên cát. Cậu chỉ nhìn thấy những sự sống mà cậu đang nắm trong tay. Cái mà cậu bé nhìn thấy, dù chỉ là một con số nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa. Còn tôi, tôi nhìn thấy một con số quá khổng lồ đó là vô vọng.

Thế là tôi cúi xuống nhặt một con sao biển lên và đưa nó về nhà.

Songdep


Tôi đã bắt đầu biết... nói dối

Thủa nhỏ, tôi được dạy rằng, phải sống trung thực không dối trá với bản thân mình và với mọi người vì đó là con đường sáng duy nhất của kiếp người.

Khi đó, tôi chưa hiểu thế nào là trung thực, thế nào là dối trá mà chỉ biết rằng những hành động nào của tôi làm vừa lòng người lớn, được khen là ngoan ngoãn thì đấy là những hành động trung thực. Nhưng đến một hôm, tôi đã biết sự thật trong những lời khen ấy.

Tôi bắt đầu biết nói dối, những lời nói dối chân thành nhất của đời mình. Tôi có ngừơi bạn quanh năm lênh đênh trên con tàu nhỏ, đã cũ, đi câu mực, đánh cá trên biển, vài tháng mới trở lại đất liền vài ngày.

Một lần, anh đi biển và thời tiết thay đổi đột ngột khiến biển động dữ dội.

Nhà anh chỉ còn người mẹ già ốm yếu. Vì quá lo lắng cho con trai, bệnh tim tái phát khiến bà phải vào viện trong tình trạng hôn mê. Khi đó gió biển gào thét dữ dội.

Các bác sĩ quyết định phải mổ ngay nhưng họ không thể tiến hành ca mổ trong lúc bà mẹ lâm vào tình trạng hôn mê, suy kiệt tinh thần hoàn toàn.

Trong những lúc tỉnh táo ngắn ngủi, bà thều thào hỏi bão đã tan chưa, con trai bà đã về chưa? Khi đó có một người làng bên cho biết đã tìm thấy mãnh vỡ của con tàu nhà bà dạt vào bờ biển. Bà hỏi các bác sĩ nhưng không ai trả lời.

Tôi đứng ở đó và thật rồ dại khi trung thực kể cho bà nghe rằng con bão khủng khiếp lắm, kéo dài vài ngày nữa mới thôi, con tàu đã bị vỡ, sóng sô vài mãnh vào bờ, con trai bà (bạn thân của tôi) không biết số phận ra sao?

Các bác sĩ không kịp cản tôi.

Câu chuyện tôi vừa kể đã đánh gục những sức lực yếu ớt cuối cùng của bà. Bà nấc nhẹ và thiếp đi. Bác sĩ bó tay. Tôi tình cờ phạm phải một tội ghê ghớm mà suốt đời tôi không tha thứ cho mình. Sau khi tan bão người bạn tôi sống sót trở về do một chiếc tàu khác cứu.

Anh không trách tôi mà chỉ gục bên mộ mẹ khóc nức nở. Sự trung thực ngu ngốc đã vô tình khiến tôi phạm sai lầm khủng khiếp.

Trong truyện ngắn nổi danh "Chiếc lá cuối cùng" của O.Henrry, một bệnh nhân tin chắc mình sẽ chết. Cô đếm từng chiếc lá rụng của tán cây ngoài cứa sổ và tin rằng đó là chiếc lá đồng hồ số phận của cô.

Khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, cô sẽ chết. Nhưng chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng xuống. Cô gái bình phục, sống khỏe mạnh mà không biết rằng chiếc ls cuối cùng đó chỉ là một chiếc lá giả do một họa sĩ muốn cứu cô vẽ lên vòm cây trơ trụi.

Như vậy sự thật không phải được nhìn thấy bằng mắt, được cảm nhận bằng tri thức. Nếu tôi không kể về cơn bão tôi thấy, mãnh ván tàu vợ tôi được nghe thì có lẽ người mẹ ốm yếu ấy không chết.

Nếu như không có chiếc lá giả kia, cô gái sẽ chết vì bệnh tật và vì tuyệt vọng. Sự thật trong đời sống con người phải đồng nghĩa với tình yêu nữa. Chỉ có điều gì cứu giúp con người, làm cho con người mạnh mẽ lên, hướng con người về ánh sáng...điều đó mới là sự thật.

Còn tất cả những hành động, những lời nói cho dù đúng với mẳ mình thấy, tai mình nghe, tri thức của mình hiểu nhưng chúng khiến cho người khác, hoặc cho niềm tin cuộc sống, mất đi sức mạnh tinh thần dẫn đến việc hủy hoại đời sống thì đều không phải là trung thực. Nếu chúng là sự thật, đó là sự thật của một con quỷ không biết yêu thương con người.

Một lời nói dối trong tình yêu có thể cứu người và một lời nói thật phũ phàng có thể giết ngừơi. Tất nhiên chúng ta sẽ chọn lời nối dối chân chính.

Tuy vậy để phân biệt khoảng cách giữa những lời nói này cũng là một điều khó khăn và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh đặc biệt. Bạn có biết nói dối thế nào để lời nói dối ấy là lời nói dối chân thành, chứa đầy tình yêu thương con người?

Đơn giản thôi. Bạn hãy giữ lấy một trái tim tha thiết với cuộc đời và đồng loại.

Sưu tầm


Hòn đá cô đơn

Từ rất lâu rồi, Emerald (Ngọc lục bảo) luôn được mọi người yêu mến vì nó là một trong những loại đá quí tạo nên sự quyến rũ cho nữ giới cũng như sự sang trọng cho những ai sở hữu nó. Nhưng bản thân Ngọc lục bảo thì không như vậy, nó mặc cảm vì không có vẻ kiêu sa của hồng ngọc, hay vẻ thùy mị của ngọc trai. Bên cạnh đó, nó thấy rằng ít ai có thể đeo nó khi đến dự những buổi tiệc quan trọng vì màu sắc của nó rất kén chọn trang phục và dáng người. Chính vì thế mà ngày này qua ngày khác, sự tự ty càng lớn dần, cho đến một ngày nó bị người ta lãng quên thật sự khi người ta nhận thấy nó không còn tỏa sáng và cũng giống như những thứ đá có màu sắc khác. Một thứ đá rất đơn thuần và không có điểm gì nổi bật. Nó dần bị đào thải và bị ném xuống suối để sống cuộc sống của đá cuội: lặng lẽ và cô đơn.

Rồi một ngày nọ, có một người thanh niên rất phong độ ghé ngang con suối nhỏ - nơi mà Ngọc lục bảo đang sống. Bất chợt, người thanh niên dừng lại, chàng ngồi cạnh bờ suối và suy nghĩ xa xăm. Chàng bồng nhiên tâm sự một mình...

Câu chuyện rất lãng mạn về chàng và một nàng công chúa xinh đẹp, thông minh và có một trái tim rất lương thiện. Tiếng lành đồn xa, chàng - hoàng tử của nước láng giềng đã lặn lội đường xa tìm đến. Chàng yêu công chúa từ cái nhìn đầu tiên nhưng công chúa không muốn lấy hoàng tử vì nàng đang đợi người mang món quà sinh nhật đến cho nàng như lời tiên đoán của bà tiên đỡ đầu: "Người ấy sẽ là chồng của công chúa vì người ấy sẽ trao cho công chúa một món quà mang đến một vẻ đẹp huyền bí và sang trọng vào bậc nhất. Nó mang đến một chút bí ẩn và quyền lực cho những ai sở hữu nó. Đó chính là một hòn đá với màu sắc rất riêng mà chỉ có thể tồn tại trong truyền thuyết...một hòn đá mang đến hạnh phúc."

Sinh nhật lần thứ 18 sắp đến và công chúa đã chờ đợi người ấy quá lâu, nàng không thể từ bỏ sự mong đợi của mình vào phút cuối. Nhưng công chúa cũng rất yêu hoàng tử!... làm sao đây?... cuối cùng, công chúa lâm bệnh nặng mà không thuốc thang nào hiệu nghiệm. Nàng ốm liệt giường và bất tỉnh cả tuần lễ nay. Hoàng tử rất đau khổ vì ngày ngày phải nhìn thấy vẻ mặt công chúa ngày càng xanh xao. Cuối cùng, chàng quyết định ra đi tìm hòn đá ấy vì chỉ có hòn đá ấy mới mang lại hạnh phúc cho công chúa, mặc dù biết rằng sau khi tìm thấy hòn đá ấy thì công chúa sẽ lấy một người khác và hoàng tử sẽ thua cuộc. Nhưng không còn cách nào khác, thà hi sinh mình chứ chàng không muốn nhìn thấy công chúa chết. Vậy là chàng đã ra đi, chàng đi đã rất lâu mà vẫn không tìm thấy thứ đá ấy. Cuối cùng, chàng gần như kiệt sức và số phận đã đưa chàng đến con suối nhỏ này.

Nghe câu chuyện cảm động ấy tự nhiên hòn đá chảy nước mắt. Hòn đá cũng biết khóc vì nó có linh tính. Không biết nó khóc bao lâu nhưng nước mắt của nó đã cuốn trôi bao nhiêu rong rêu lâu nay bám trên người nó để lộ ra những đường nét sắc sảo trên cơ thể nó. Dưới làn nước trong xanh, mát lạnh, vẻ đẹp của nó tỏa sáng lấp lánh và tinh khiết hơn bao giờ hết. Bất chợt, hoàng tử nhìn thấy nó làm người rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy một hòn đá với màu sắc kì lạ như vậy, người bước xuống suối và đến gần nó, chàng nhặt nó lên, ngắm nghía và chàng nhận ra đó chính là hòn đá mà công chúa chờ đợi. Ngay lập tức, hoàng tử mang nó về kinh đô, chàng giao nó cho một người thợ kim hoàn giỏi nhất để gọt giũa lại. Mấy ngày chịu đựng đau đớn đã qua, cuối cùng, Ngọc lục bảo đã về lại với chính mình, về lại với vẻ đẹp gần như hoàn hảo khi xưa. Nó được hoàng tử đem đến tặng cho công chúa. Rất khẽ, công chúa mở mắt ra, nàng nhìn thấy hòn đá ngay ngày sinh nhật của mình, nàng mỉm cười vì tấm lòng của hoàng tử, nàng khỏi bệnh!

Một tuần lễ sau, hai người tổ chức một lễ cưới rất đẹp và trang trọng. Công chúa không hề đeo bất kì trang sức nào ngoài chiếc nhẫn có đính một viên ngọc lục bảo. Ngọc lục bảo rất tự hào vì nó chính là món trang sức quí giá nhất được công chúa trân trọng đến thế. Ngay phút giây trọng đại nhất, bà tiên đỡ đầu xuất hiện, bà chúc công chúa một lời chúc cho hạnh phúc của hai người. Đoạn, bà đặt tay lên viên ngọc lục bảo và nói: "Không phải thời gian làm người ta lãng quên ngươi, Ngọc lục bảo! Mà ngươi bị lãng quên vì ngươi không cố gắng tự làm mình tỏa sáng. Ngươi biết không, ngươi là một tạo vật của Thượng Đế. Không có một thứ gì Thượng Đế tạo ra lại vô dụng cả, ngươi quá tự ty và chính sự tự ty khiến ngươi không nhìn thấy cái đẹp trong chính ngươi. Có thể với người này ngươi không là gì cả nhưng với người khác ngươi lại có một ý nghĩa to lớn... và sự thật đã chứng minh điều đó".

Nói xong, bà tiên biến mất, nhưng ngọc lục bảo đã suy nghĩ rất nhiều. Từ đó, Ngọc lục bảo đã luôn tỏa sáng với một vẻ đẹp rất riêng, không lẫn lộn với bất kì thứ đá quí nào và nó đã được trân trọng cho đến ngày nay. Cuộc đời đẹp nhất khi chúng ta là chính mình và biết yêu quý bản thân mình.

"Mỗi người sinh ra đều có một ý nghĩa riêng, nếu không thế giới này đâu cần có nhiều người đến như vậy"...

Sưu tầm