Truyện Minh Hoạ - Hy Vọng

ANH HÙNG

Tìm niềm hy vọng cho người khác.

Anh Terry Fox sống tại Ottawa, Canada bị cắt một chân vì ung thư lúc 18 tuổi. Bốn năm nay anh mang chân giả.

Ngày 22 tháng 4 năm 1980, anh bắt đầu cuộc chạy bộ xuyên Canada từ đông sang tây để gây ý thức lập quỹ chống lại bệnh ung thư.

Anh mơ ước sẽ quyên góp được 100 ngàn đôla cho mục đích trên. Anh gọi cuộc chạy bộ của anh là cuộc chạy của niềm hy vọng.

Lúc đầu không ai để ý đến anh, nhưng càng chạy, anh càng làm cho người ta chú ý. Ngày 1.8.1980 là ngày Quốc khánh của nước Canada, khi anh chạy đến Ottđa, thì đã có một  đoàn đông người đứng đợi để hoan hô và chào đón anh.

Nhưng khi anh chạy được 5 ngàn 500 kilômét, nghĩa là quá nửa đoạn đường mà anh muốn đến thì bệnh ung thư của anh lại tái phát, lần này thì ở phổi. Anh đành phải bỏ dở cuộc chạy vào ngày 2.9 năm đó.

Mộng ước của anh không bị dở dang, có một hội chống ung thư mang tên anh  “?Terry Fox” nhiều đài truyền thanh và truyền hình đã nói đến gương can đảm của anh. Số tiền mơ ước của anh là 100 ngàn đôla trở thành quá nhỏ bé đối với thực tế. Anh đã thực sự lạc quyên được 24 triệu đôla để cho hội chống ung thư. Sau khi anh chết, Thủ tướng chính phủ đã tặng cho anh huy chương cao nhất của nước, và tuyên dương anh là Anh Hùng của Canada."

Sưu tầm


BÀI HỌC CHIẾN THẮNG

Một ông vua kia dẫn quân đi đánh trận mà lần nào cũng hầu như thua hay may lắm là không phân thắng bại

Vài vị tướng cùng với quần thần xin vua rút quân để địch khỏi làm hại tướng sĩ nữa. Nhưng nhà vua khẳng khái tuyên bố:

Quí vị và ba quân tướng sĩ! địch thù đang huấn luyện cho binh sĩ của chúng ta cách đánh trận. Từ những sơ hở và thất bại, quân ta sẽ già dặn hơn và rút tỉa kinh nghiệm quí báu để chiến thắng những trận kế tiếp. Nhà vua còn quả quyết: một trận thua không có nghĩa là thua cả cuộc chiến."

Sưu tầm


Ước mơ đẹp

Cô bé vẫn mải mê gấp những ngôi sao bé nhỏ vì cô tin vào truyền thuyết cổ khi gấp đủ một trăm ngôi sao nhỏ đem tặng cho người mình yêu quý thì một điều ước của người đó thành sự thật.

Cô bé muốn bạn trai của mình được vui vẻ, cô bé không muốn người bạn trai đó mãi mãi im lặng, cô muốn thấy những nụ cười thật sự, những niềm vui trong ánh mắt của bạn trai. Thời gian trôi đi cô bé vẫn luôn luôn là người đứng đầu lớp và nhóm bạn thân của cô về hầu hết mọi mặt. Túi sao nhỏ của cô càng ngày càng nhiều và cho đến một ngày kia là ngày cô sẽ phải xa rời các bạn, xa rời quê hương để đến một nơi mà bố mẹ cô cho là tốt cho bản thân cô, cho tương lai rực rỡ, và cô gái quyết định mang những túi sao đủ màu sắc đến cho bạn cô với lý do ban đầu của món quà trước khi rời xa .

Cô bé: " tối nay nhiều sao quá" mắt cô sáng ngời :" ấy hãy ước điều gì đó đi” -giọng nói thật nhẹ nhàng như chờ đợi. Cậu bạn trai khẽ mỉm cười mở gói quà và nói:" chúc những điều hạnh phúc nhất sẽ đến với ấy, bạn thân” Cô bé giật mình, đôi mắt nhoà đi, giọng như bật khóc:” tớ muốn nghe điều ước dành cho ấy" …..

Bỗng cô nhận ra trong ánh mắt kia đã lâu lắm rồi như đang thật sự cười và phản chiếu một bầu trời sao đang dành cho cô những điều tốt đẹp nhất. Cô vội vàng thầm ước……đôi mắt đó nụ cười đó mãi mãi theo cô.

Những mong ước đôi khi không vĩ đại, nó thật nhỏ bé chân thành và nó thật giản dị , đôi khi niềm hạnh phúc của người khác là nụ cười của bao người, bất chợt đến và sẽ không phai...

Sưu tầm


BIẾT BAY

Con chim nói : “Tôi biết bay”.

Hoa sen nói : “Tôi cũng biết bay”.

Con chim khinh miệt không thèm nhìn hoa sen, nói : “Mày có sai không ? Mày đã bị đóng chết trên mặt đất, làm sao mà bay được chứ ?”

Hoa sen vui vẻ, sung sướng trả lời rất tự nhiên : “Anh xử dụng cánh để bay, còn tôi xử dụng quả tim để bay”.

Sưu tầm


Thắp Lên Ngọn Ðèn Cũ

Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã thuật lại một sự kiện như sau: Ở Úc Châu có một người thổ dân Aborigines kia sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông cũng đã khá cao niên rồi, sống trong một túp lều xiêu vẹo. Khởi đầu câu chuyện tôi nói với ông:

- Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông. Ông ta trả lời một cách hững hờ:

- Tôi đã quen sống như vậy rồi.

- Nhưng ông cũng cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp. Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp nhà cửa lại cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

- Có bao giờ ông thắp đèn này chưa? Ông ta trả lời một cách cộc lốc:

- Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy một người nào cả. Tôi hỏi ông:

- Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

- Dĩ nhiên rồi.

Từ ngày đó các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin cho tôi:

- Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn tôi rằng, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Chúng ta đều cảm nghiệm được niềm vui sướng vì được yêu thương, được chính Chúa thương yêu. Và chúng ta cũng hiểu được giới răn của Chúa: "Hãy thương yêu nhau, như Thầy yêu thương các con".

Sưu tầm


BIẾT NGHE

Chiều hôm ấy, đi qua một chuồng heo, luật sư Gioan Parendi dừng bước lại xem. Để cho qua chuyện Parendi nheo con mắt, nói:

   - Bầy heo trông dữ quá nhỉ!

   Xếp chăn heo không biết người đối diện với mình đó là ai, cũng vui miệng trả lời:

   - Vâng, dữ lắm! Chuồng không thiếu chi chỗ thế mà cứ dành nhau vào.  Trông thật không khác chi mấy ông luật sư trước cửa hoả ngục. Câu nói vô tình ấy làm cho nhà luật sư giật mình, nghĩ đến nghề sinh sống xưa nay của mình mà hồi hộp lo sợ.

   Thế rồi sau đó ít hôm, người ta bỡ ngỡ trông thấy Gioan Parendi đã đổi bộ áo luật sư, mặc lấy tấm áo khó khăn của dòng Phanxicô.

   “Sấm bên Đông, động bên Tây

Tuy rằng nói đó nhưng đây động lòng!”"

Sưu tầm


LỜI TỰ SỰ CỦA MỘT THÂN CÂY

   “Hồi còn bé, tôi nào hiểu gì đâu. Khi lớn lên hơn và nhìn lại chính mình, tôi mới bắt đầu hiểu ra một điều gì đó. Tôi vốn nhỏ thó, sần sùi, đầy những cục u thô tháp. Bộ rễ bám chặt vào vách đá, tôi đứng nghiêng nghiêng, xô lệch. Rõ ràng tôi không to cũng chẳng đẹp bằng chị bằng em ở chung quanh mà mình nhìn thấy được. Anh sồi đằng kia uy phong, chắc nịch, với tán lá rậm rì, phủ rộng. Chị linh sam mảnh dẻ, ngạo nghễ vút cao. Chàng sơn thích mỗi độ thu về khoe tán lá vàng rực quí phái. Bạn hiểu cho, chỗ tôi đứng là một bờ dốc đá. Từ thuở bé đến giờ, bộ rễ tôi phải lần dò men vào từng khe đá nứt, tìm chút đất ít ỏi lẩn khuất bên trong để làm điểm tựa sinh tồn.

   Tôi vẫn thường mơ mộng, ước gì mình cao lên, xõa cành duyên dáng – cho gió vờn, cho mưa vỗ, và cho ánh nắng mặt trời vuốt ve. Nhưng mơ mộng chỉ là mộng mơ suông! Tôi vẫn cứ thấp bé, vẫn dáng đứng nghiêng lệch khom khom qua bao vòng tuế nguyệt. Gió đi qua, và cứ đi qua, xô thẳng vào vách núi đá dựng sau lưng và reo lên ở đó. Gió chẳng bao giờ buồn dừng lại đùa giỡn với tôi, vì cành tôi khẳng khiu và tàng lá tôi thưa thớt đến tội nghiệp. Mặt trời chỉ ghé lại chút xíu lúc giữa trưa, rồi cũng biến mất thật nhanh đằng sau vách núi. Tôi nhìn sang thung lũng bên kia, thấy những tầng cây ngập đầy ánh nắng, mà nhiều khi không khỏi tủi xót phận mình.

   Tại sao số kiếp mình phải đứng ở nơi này? Một bờ dốc đá cỗi cằn, khuất lấp! Tôi buồn cho số phận mình hẩm hiu.

   Thế rồi, vào một sáng mùa xuân ấm áp, khi hương đất nồng nàn từ thung lũng dưới kia thoang thoảng dâng dâng, tiếng chim hót líu lo chào ánh bình minh tỏa ngợp chân trời, tôi nghe những tia nắng mới lãng đãng hôn lên cành, lên tán lá thưa của mình. Một cảm giác rạo rực tràn ngập toàn thân tôi, thấm sâu vào tận từng thớ thịt. Kìa, chung quanh tôi, đất trời sao xinh đẹp quá! Có lẽ không một cây nào khác có thể có được tầm mắt nhìn xa xuống bao quát cả một vùng thung lũng như tôi. Và tôi chợt nhận ra vách đá dựng sau lưng mình – vẫn đứng đó tự bao đời – để che chắn cho tôi khỏi cái lạnh buốt xương của khối núi băng sừng sững cao nghệu phía bên kia.

   Từ buổi sáng hôm ấy, tôi bắt đầu tỉnh ngộ. Tôi hiểu ra rằng mình không xoàng xĩnh hay hẩm hiu như mình vốn tưởng. Thân tôi thấp cũn, sần sùi, tích chứa và phô diễn cái phong trần một cách điệu nghệ có một không hai đó chứ! Cành tôi ngắn, vặn vẹo díc dắc, nhưng rắn chắc cực kỳ! Bộ rễ tôi dẻo dai, xuyên ngang xẻ dọc, bám chặt vào các khe đá, hun đúc một ý chí sinh tồn lì lợm! Tôi nhận ra mình đã lớn lên và thích nghi tuyệt vời với chỗ đứng của mình. Tôi sung sướng tự hào về tôi và chỗ đứng của tôi giữa vũ trụ này. Thế đấy, bấy lâu nay mình không hề biết mở mắt và nhìn ra đúng giá trị của mình! Vâng, những anh sồi, những chị linh sam … dưới triền kia vẫn có nét đẹp riêng của họ; và tôi, tôi cũng có nét đẹp của riêng mình. Chỗ đứng đẹp nhất của tôi là đây: là bờ dốc đá hẹp mà xưa nay mình vẫn đứng.

   Ồ! Vì sao mãi đến hôm nay mình mới hiểu ra điều này nhỉ?

Lê Công Đức, Lm


BỨC THƯ KHÔNG ĐỊA CHỈ

Fred Amstrong là một người hiền lành sống ở tỉnh lẻ miền quê Anh Quốc. Anh đảm nhận một công việc khiêm tốn như con người của mình: chọn lựa, suy đoán để gởi đến tận tay người nhận những bức thư sai địa chỉ. Sống cùng vợ và hai con trong một ngôi nhà cổ kính, thú vui duy nhất buổi tối của anh là hút một tẩu thuốc rồi kể cho hai con nghe việc làm không kém phần hấp dẫn của mình. Nó giống như việc làm của nhà thám tử khi bắt tay điều tra một vụ án. Bỗng dưng, vào một buổi sáng đẹp trời, Peter, cậu con trai út của anh ngã bệnh rồi qua đời.

Tâm hồn tan nát, anh cảm thấy bị hụt hẫng như đang chìm xuống tận cùng địa ngục. Vợ anh cùng Marianne, cô con gái, đã chiến đấu hết sức mình để vượt qua cơn hoạn nạn. Riêng Fred thì không, nỗi đau đã gặm nhấm và đục rỗng tâm hồn anh... Bơ vơ, lạc lõng, anh buông xuôi đời mình trôi dạt như những bức thư không địa chỉ. Anh đến sở làm như kẻ mất hồn, giam mình trong im lặng, trừ khi các đồng nghiệp thăm hỏi. Tối đến, vào bàn, anh ngồi bất động ăn vội vã rồi đi ngủ. Tuy nhiên, vợ anh biết chắc chắn là anh sẽ thao thức suốt đêm để nhớ đến cậu con bé bỏng. Người vợ hiền thục đã nhiều lần nhắc nhở anh quay về với cuộc sống thực tế, đảm nhận lại nghĩa vụ của người chủ gia đình. Nhưng căn bệnh suy nhược tâm lý của anh hình như trầm trọng hơn lên với thời gian.

Giáng sinh đã cận kề. Fred ngồi lặng lẽ trong văn phòng tay mân mê chồng thư mà anh đang cố đoán địa chỉ chính xác để gởi đi. Dù sao đấy cũng là những tình cảm thiêng liêng người ta trao đổi nhau trong ngày Chúa ra đời, Fred không thể lơ là. Giữa chồng thư bề bộn có một chiếc mà chắc chắn anh biết không thể gởi đi được. Trên phong bì vỏn vẹn một hàng chữ vụng về bằng bút chì, ghi một địa chỉ kỳ quặc:  ÔNG GIÀ NOEL-CỰC BẮC ĐỊA CẦU. Anh định vất vào sọt rác, nhưng một mãnh lực vô hình giữ tay anh lại. Anh chậm chạp khẽ bóc thư, lướt mắt trên dòng chữ không được may mắn lắm.

 “Ông già Noel thân mến!

Giáng sinh năm nay gia đình con gặp chuyện rất buồn. Con van ông đừng mang quà cho con nữa. Em trai con đã vội bỏ con về trời vào mùa xuân vừa qua. Con mong ông mang hộ lên cho bé những món đồ chơi mà bé còn bỏ lại: con ngựa gỗ, chiếc tàu hoả và những thứ khác. Bé chắc sẽ cảm thấy rất lạc lõng khi không có chúng. Riêng con, con không dám xin ông một thứ gì, ngoài việc giúp bố hút lại tẩu thuốc và kể chuyện cho con nghe như trước. Một hôm con chợt nghe bố nói với mẹ là chỉ có cõi vĩnh hằng mới giúp được bố lành bệnh. Ông có thể biếu nó cho bố con một ít?

Cháu gái luôn ngoan ngoãn của ông.

Marianne”

Chiều hôm ấy, Fred Amstrong trở về nhà với những bước chân vội hơn thường lệ. Từ khi phố nhận nhịp rộn rã ánh đèn mừng Giáng sinh, anh rẽ vào sân nhà. Dừng lại trong bóng đêm anh đánh diêm để châm tẩu thuốc. Đẩy nhẹ cửa bước vào, anh nhả một làn khói thơm lừng, lượn lờ quanh hai khuôn mặt thân yêu đang chờ đợi.

“Anh ấy đã hút thuốc lại, thật không ngờ” Bà mẹ mừng thầm.

Riêng cô bé gặp trên khuôn mặt cha nụ cười rạng rỡ như lúc cậu em Peter còn sống. Lần đầu tiên, Marianne tìm lại được những ngày êm ả đích thực của mình."

Sưu tầm


CHỮA BỆNH TIM  

Chàng vốn là một chàng trai khỏe mạnh, lực lưỡng, và luôn luôn lu bu với hết hoạt động này đến chương trình khác.

Bỗng dưng, tính mạng chàng bị lâm nguy, vì quả tim của chàng không còn chịu đựng nổi nhịp sống căng thẳng dồn dập cũng như vóc người càng ngày càng ‘giãn’ ra của chàng nữa.

Giải pháp duy nhất là gắn cho chàng một máy trợ tim, với hy vọng  chàng sẽ vượt qua được thử thách này và sẽ trở lại tình trạng sức khỏe bình thường.

Gắn máy trợ tim, điều đó có nghĩa là phải trải qua một cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, loại phẫu thuật này cũng khá nhanh chóng và đơn giản thôi, không có chi rắc rối lắm. Chỉ có điều,  cho dù chàng được cấy vào người cái thiết bị nhỏ xíu và tinh vi ấy, nó cũng không phải là chiếc đũa thần dàn xếp mọi sự cho chàng. Chàng vẫn không thể hồi phục hoàn toàn được nếu không  thay đổi triệt để lối sống. Thay vì ở  lầu ba, giờ đây chàng  phải dọn xuống ở tầng trệt. Thay vì làm việc mười tiếng một ngày, giờ đây chàng phải cắt giảm còn sáu tiếng. Chàng cũng phải tránh những nguyên nhân gây căng thẳng – và đồng thời phải bắt đầu chú trọng nghiêm ngặt đến chế độ ăn uống của mình (phải ăn những gì và không được phép ăn những gì; phải ăn bao nhiêu, vv…). Tất cả những thay đổi ấy có vẻ chẳng ăn nhập gì với vấn đề của chàng; đến nỗi chàng dí dỏm: “Tôi không biết  người ta đặt chiếc máy trợ tim chính xác ở chỗ nào trong người tôi, chỗ trái tim hay là chỗ bao tử?”

Khi bệnh của người ta là bệnh tim, thì cái mà người ta phải điều chỉnh sẽ không duy chỉ là trái tim mà là cả cuộc sống. Thay đổi toàn bộ lối sống, sống một cuộc sống hoàn toàn mới – đó mới là chiếc ‘máy trợ tim’ thực sự hiệu nghiệm !  

 Lê Công Đức, Lm


JOHNNY MÁY CHỮ

Johnny được bố ghi danh cho học một khóa đánh máy. Sau vài tháng, cậu đã có thể đánh máy nhuần nhuyễn bằng cả mười ngón tay. Ngày mãn khóa, Johnny được gia đình tặng cho  món quà là một chiếc máy đánh chữ xách tay.

Johnny bắt đầu hành nghề – và không chỉ hành nghề, cậu còn nhiệt tình vận động mọi người khác cùng đánh máy như cậu. Cậu muốn cả nhà mình đều … đánh máy: cha cậu, mẹ cậu, các cô, dì, chú, bác, ông bà nội ngoại, và ngay cả em bé trong nôi ! Johnny mua cho mỗi người một máy đánh chữ. Nhưng Johnny gặp nhiều ách tắc  trong cuộc vận động của mình: bà ngoại mù chữ, ép mấy cũng không thể đánh máy được; đứa bé thì nhỏ xíu; còn mấy người bà con ở miền quê thì bận rộn tối ngày với công việc đồng áng, chẳng còn giờ đâu để … đánh máy như Johnny.

Bất cứ chỗ nào Johnny xuất hiện, người ta cũng nghe cậu hỏi:

“Nè, có giấy tờ sổ sách gì cần đánh máy không đấy?”

Hoặc: “Nè, đằng ấy nên học đánh máy đi, hay lắm đấy.”

Hoặc: “Ai cũng nên có một cái máy chữ. Đằng ấy có muốn mua chiếc máy chữ này không? Hàng Mỹ, mô-đen  mới nhất đấy !”

Và cứ thế, Johnny chỉ có một chủ đề để nói chuyện là máy chữ và các phụ liệu của máy chữ . Các bạn cậu bắt đầu gọi cậu bằng biệt danh “Johnny máy chữ”.

Giờ đây, ngay cả người nhà của Johnny cũng chán ngán cậu. Ban đầu, ai cũng kỳ vọng tay nghề của Johnny sẽ phục vụ mọi người; nhưng – quỉ tha ma bắt - tay nghề ấy đã hóa nên một sự phiền nhiễu mọi người!

 Lê Công Đức, Lm