Truyện Minh Hoạ - Hy Vọng

Bài học về sự tự tin

Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi học môn Toán với thầy Peter. Vừa vào lớp, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra đầu năm.

Cả lớp ngạc nhiên khi thầy phát cho chúng tôi ba loại đề khác nhau rồi nói:

- Đề thứ nhất gồm những câu hỏi vừa dễ và khó, nếu làm hết các em sẽ được 10 điểm. Đề thứ hai có số điểm cao nhất là 8 với những câu hỏi tương đối dễ. Đề thứ 3 có số điểm tối đa là 6 với những câu hỏi rất dễ. Các em được quyền chọn đề cho mình.

Thầy chỉ cho làm bài trong 15 phút nên tôi đã chọn đề thứ 2 cho chắc ăn.

Không chỉ tôi mà các bạn cùng lớp cũng thế, chẳng có ai chọn đề thứ nhất cả.

Một tuần sau, thầy Peter phát bài kiểm tra ra. Cả lớp lại càng ngạc nhiên hơn khi biết ai chọn đề nào thì được tổng số điểm của đề đó, bất kể làm đúng hay sai. Lớp trưởng hỏi thầy:

- Thưa thầy tại sao lại như thế?

Thầy cười rồi nghiêm nghị trả lời:

- Với bài kiểm tra nầy, thầy chỉ muốn thử thách sự tự tin của lớp mình. Ai trong số các em cũng mơ ước đạt được điểm 10 nhưng ít ai dám vượt qua thử thách để biến ước mơ ấy thành sự thật.
Bài kiểm tra kỳ lạ ấy của thầy Peter đã dạy chúng tôi một bài học: "Có những việc thoạt nhìn tưởng như rất khó khăn nên dễ làm cho chúng ta rút lui ngay từ phút đầu tiên. Nhưng nếu không tự tin đối đầu với thử thách thì chúng ta chẳng biết khả năng của mình đến đâu và cũng khó vươn tới đỉnh điểm của thành công.

Sưu tầm


ANH PHAN ĐỨC HÒA

   Anh nầy li dị vợ đã lâu. Sống độc thân và thương kính bà mẹ hết mức. Nói chung, Anh Hòa là con người có hiếu; Anh coi mẹ mình là tất cả. Cũng vì lý do đó mà khi thấy bà vợ không được thuận thảo với mẹ, Anh đã quyết định rằng thà bỏ vợ hơn bỏ mẹ.

   Anh lui tới chơi thân với tôi khá lâu. Có lẽ Anh cũng từng quan sát xem cuộc sống gia đình của tôi như thế nào. Một hôm, trong câu chuyện hàn huyên về gia cảnh, Anh tự dưng bày tỏ nhận xét:

 *  Theo tôi thấy, Anh là một người chồng tốt. Nếu là Anh, chắc chắn tôi không đưọc như Anh!

*  Anh thấy và nghỉ thế nào về lối sống của tôi để mà có cảm tưởng như vậy?

*  Thấy Anh khá nhẫn nại và chịu đựng. Có những cái chị làm và nhất là nói, tôi cho là quá chướng; gặp tôi là nỗi sùng rồi đó. Tôi nóng lắm anh! Nhưng Anh thì khác, vẫn bình tĩnh, không lộ một chút gì là bực bội, nói năng vẫn hoà nhã với chị.

*  Anh khen thì tôi xin cám ơn và nhận một phần thôi. Sự thật, tôi xin thưa về phần còn lại là như thế nầy: Bọn tôi lỡ dại, bị kẹt!

*  Dại cái gì và kẹt cái gì, Anh cho tôi biết được không?

*  Chẳng có gì bí mật Anh ơi! Hồi cưới nhau, tuổi trẻ, bọn tôi rất ư là “romantic”. Ai bảo gì cũng OK. Trong lễ cưới tại bàn thờ, bọn nầy đã đặt tay lên Phúc Âm thề hứa ăn đời ở kiếp với nhau. Có nghĩa là không li dị, sướng khổ vui buồn san sẻ cùng nhau, bệnh hoạn lo cho nhau... Những cam kết đó, bọn nầy chưa bao giờ có dịp để thực hiện. Lý do là từ ngày lấy nhau đến giờ, hai đứa vẫn OK; chỉ lâu lâu cãi lộn, không có gì rắc rối trục trặc quá đáng xảy ra. Hôm nay bà lâm bệnh, tôi nghĩ phải chăng đây là dịp phải mang lời tôi từng long trọng tuyên hứa ra xài. Đơn giản chỉ có thế.

*  Nói thì nói, tôi thấy công giáo không phải ai cũng làm như anh! Gìa trẻ sống quanh tôi cũng li dị, bỏ nhau rầm rầm!

*  Anh nhận xét không có gì quá đáng! Anh ơi, đây là cái thách đố, cái khó của kẻ theo chân Đức Kitô. Thú thật với Anh, nếu mọi Kitô hữu đều giữ đúng theo những gì Chúa dạy thì tôi tin, thế gian nầy đã trở thành vườn địa đàng từ khuya rồi và mọi người, chẳng còn ai quay lưng lại với Đạo Chúa!

 Câu chuyện chấm dứt ở đây. Bẳng đi một thời gian, một hôm Anh Hoà gặp tôi và ngỏ ý mượn một ít tiền để trang trải chi phí thuốc men cho bà vợ mà Anh đã từng li dị. Tôi ngạc nhiên tìm hiểu:

 *  Bộ Anh đã lui lại với bà vợ cũ?

*  Không Anh! Bã ấy bệnh phải dùng xe lăn. Bã ngỏ ý xin tôi về ở chung để hôm sớm lỡ có gì bất trắc xảy ra, có người giúp đưa bã đi bệnh viện.

*  Còn mẹ Anh thì sao? Bà có than phiền gì về sự bỏ nhà của Anh không?

*  Bà có phàn nàn, can ngăn tôi, nhưng tôi có thưa với mẹ tôi rằng mẹ tôi còn có em gái tôi. Còn bà vợ cũ của tôi không có ai chăm sóc, bà cần tôi.

*  Như vậy Anh còn hơn tôi một bậc đấy. Tôi có lời hứa ràng buộc. Anh đâu có gì, thế mà Anh vẫn làm như tôi; mà làm với một người vợ đã li dị!

*  Anh ơi! Mọi công việc, làm vì “ý thức” trách nhiệm, với tiếng lương tâm vẫn là hay hơn hết...

 Hôm nay đi lễ, trong bài giảng, linh mục có đề cập đến ý của Đức Giáo Hoàng: Truyền giáo không gì hay hơn bằng chính hành động, bằng lối sống của mình. Người Mỹ có câu: “Don't talk, do it”. Hoặc “Talking is so easy (Nói thì quá dễ).

John Nguyen


KHỐN QUẨN 

Minh Sư nói: "Hoạn nạn có thể làm cho ta thăng tiến và giác ngộ.”  

Và ngài đã giải thích điều đó như sau: 

Một con chim hằng ngày thường tìm nơi trú ẩn trên những cành khô héo của một cây đại thụ mọc giữa cánh đồng hoang vắng. Ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên làm tróc rễ cây đại thụ, buộc con chim đáng thương kia phải vỗ cánh cả trăm dặm đi tìm một nơi trú ẩn khác - cuối cùng, nó đến được một khu rừng với những cây cối nặng trĩu hoa trái. 

Rồi ngài kết luận: "Nếu cây đại thụ khô héo kia còn sống, không có gì thúc đẩy nổi con chim rời bỏ nơi an ổn sẵn có để vỗ cánh tung bay." 

Anthony de Mello, S.J. 


HƯ ẢO 

Minh Sư thường nhắc nhở đệ tử là sự thánh thiện, cũng như sắc đẹp, chỉ chân chính khi tự nó không có ý thức về chính nó. Ngài thích ngâm những vần thơ sau đây: 

 Hoa hồng nở vì nó nở,

 Mà không tự hỏi vì sao.

 Và cũng không khoe sắc màu

 Để cho tôi phải chú ý. 

Và câu ngạn ngữ thường được lưu truyền: "Một vị thánh chỉ thánh thiện cho tới ngày nhận ra rằng mình là thánh." 

Anthony de Mello, S.J. 


Bốn ngón tay

Lúc mới sinh ra, George Campbell đã bị mù.

Khi George lên 6, một việc xãy ra làm em không tự giải thích được. Buổi chiều nọ, George đang chơi đùa cùng các bạn, một cậu bé khác đã ném trái banh về phía George. Chợt nhớ ra cậu bé la lên:" Coi chừng! quả banh sắp văng trúng đấy".

Quả banh đã đập trúng người George - và cuộc sống của George không như trước đây nữa. George không bị đau, nhưng cậu bé thật sự băng khoan. Cậu quyết định hỏi mẹ:" Làm sao Bill biết điều gì sắp xãy ra cho con trước khi chính con nhận biết được điều đó?".

Mẹ George thở dài, bởi cái giây phút bà e ngại đã đến! Đã đến cái thời khắc đầu tiên mà bà cần nói rõ cho con trai mình biết " Con bị mù!".

Rất dịu dàng bà cầm bàn tay của con, vừa nắm từng ngón tay và đếm:" Một - hai - ba - bốn - năm. Các ngón tay này tựa như năm giác quan của con vậy.Ngón tay bé nhỏ này là nghe, ngón tay xinh xắn này là sờ chạm, ngón tay tí hon này là ngửi, còn ngón bé tí này là nếm...".

Ngần ngừ một lúc, bà tiếp:

"..Còn ngón tay tí xíu này là nhìn. Mỗi giác quan của con như mỗi ngón tay, chúng chuyên chở bức thông điệp lên bộ não con."
Rồi bà gập ngón tay bà đặt tên " nhìn ", khép chặt nó vào lòng bàn tay của con, bà nói:" Con ạ! con là một đứa trẻ khác với những đứa khác, vì con chỉ có bốn giác quan, như là chỉ có bốn ngón tay vậy: một - nghe, hai - sờ, ba - ngửi, bốn - nếm. Con không thể sử dụng giác quan nhìn. Bây giờ mẹ muốn chỉ cho con điều này. Hãy đứng lên con nhé ".

George đứng lên. Bà mẹ nhặt trái banh lên bảo:" Bây giờ con hãy đặt bàn tay của con trong tư thế bắt trái banh".

George mở lòng bàn tay và trong khoảnh khắc cậu cảm nhận được quả banh cứng chạm vào các ngón tay của mình. Cậu bấu chặt quả banh và giơ lên cao.

" Giỏi! giỏi!.." Bà mẹ nói: " Mẹ muốn con không bao giờ quên điều con vừa làm. Con cũng có thể giơ cao quả banh bằng bốn ngón tay thay vì năm ngón. Con cũng có thể có và giữ được một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc với chỉ bốn giác quan thay vì năm nếu con bước vào cuộc sống bằng sự nỗ lực thường xuyên!".

George không bao giờ quên hình ảnh " bốn ngón tay thay vì năm ". Đối với George đó là biểu tượng của niềm hy vọng. Và hễ cứ mỗi khi nhụt chí vì sự khiếm khuyết của mình. George lại nhớ đến biểu tượng này để động viên mình.

George hiểu ra rằng mẹ cậu đã nói rất đúng. George vẫ có thể tạo được một cuộc sống trọn vẹn và giữ lấy nó chỉ với bốn giác quan mà cậu có được.

Sưu tầm


Trái tim yêu thương

Khi tình cờ đọc được chuyên mục Viết cho thiên thần của tôi, mẹ nghĩ sẽ viết về con - cô con gái đầu lòng bé nhỏ của mẹ. Tuy con không xinh xắn và sắc sảo bằng hai em nhưng lòng vị tha và tình yêu trong con dành cho các em thì thật nhiều.

…Có lần mẹ nhờ con trông em để mẹ nấu cơm. Do mải xem hoạt hình nên con để em cầm cả lọ thuốc con quên không đậy nắp, và em cứ thế cho vào miệng ăn… Có lẽ phải một lúc lâu con mới nhận ra, con giật mình thảng thốt, vội vàng giằng lấy lọ thuốc từ tay em. Nghe tiếng em khóc ngằn ngặt, mẹ vội chạy lên, em bé nôn thốc nôn tháo ra đầy thuốc khắp phòng và cả trên quần áo của con.

Mẹ thật sự hoảng sợ và lo lắng vô cùng, mẹ chưa hề đánh con nhưng hôm ấy mẹ đã phạt con hai roi: “Con có biết cũng may đây là lọ thuốc bổ. Nhưng con có nhìn thấy những thứ em nôn ra không? Con có biết có những em bé mà bố mẹ, ông bà, người trông các em chỉ lơ đãng chút xíu thôi, và trong khoảng thời gian chút xíu ấy có những chuyện xảy ra không thể lường hết được không? Sự việc này mẹ muốn con nhận thấy rằng đó là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Ảnh hưởng đến tính mạng đấy. Hôm nay con khiến mẹ rất buồn và lo lắng. Theo con, có cái gì thay thế được em không?”.

Khi mẹ nói đến câu đó con nấc òa lên. Thường thì rất ít khi con khóc. Vậy mà lần này con òa khóc nức nở: “Con xin lỗi mẹ, con biết con sai rồi. Con biết con có lỗi rồi. Con sai rồi mẹ ơi. Mẹ đánh con thêm nhiều nữa đi mẹ ơi…”.

Khi nghe con nói những lời như vậy, nhìn vào ánh mắt của con mẹ biết con thật sự thương em (tình yêu thương xuất phát từ con tim sẽ khác xa thứ tình yêu thương phù phiếm). Mẹ thấy cay mắt và… cũng rất muốn khóc lắm đấy chứ con yêu. Thật sự chẳng có người mẹ nào muốn đánh và mắng con cả. Nhưng mẹ chỉ muốn cho các con nhìn nhận vấn đề của ngày hôm nay thật sự nghiêm trọng. Các con biết không, có những thứ con người ta có hối hận, ăn năn cả đời cũng không bao giờ lấy lại được cả. Và mẹ muốn các con hãy luôn suy nghĩ đến nó.

Suốt đêm mẹ thấy con trở mình liên tục. Mẹ biết con trằn trọc không ngủ. Mẹ phải rất cầm lòng để không đến bên con. Bởi mẹ thật sự muốn con có khoảng lặng để cảm nhận sâu sắc chuyện vừa xảy ra. Trong suốt cuộc đời các con, bố mẹ sẽ chẳng thể đi theo các con suốt chặng đường được. Bố mẹ muốn các con sẽ yêu thương, đùm bọc, che chở nhau. Và nhất là cố gắng đừng để bao giờ phải hối hận những chuyện đã xảy ra. Hãy cố gắng học cách sống biết thương yêu nhau, ngẩng cao đầu và không phải ân hận điều gì, các con nhé.

“Ngủ đi con, em không sao đâu. Nhưng mẹ chỉ muốn con sẽ không bao giờ làm việc không tập trung và không tận tâm như vậy nữa thôi. Làm việc gì cũng phải tập trung và cố gắng hết sức con ạ. Hứa với mẹ như vậy con nhé. Con vẫn là đứa con khiến mẹ tự hào nhiều nhất”.

Con nấc lên, hai hàng nước mắt trào ra. “Con có lỗi nhiều mẹ ơi, mẹ vẫn cho con trông em mẹ nhé…”. Mẹ nghĩ chắc các ông bố bà mẹ khác cũng chỉ mong muốn có được những đứa con ngoan đến như vậy thôi. Con yêu, con khiến mẹ cay mắt quá!

Con trở mình đôi chút nữa và rồi mẹ nghe thấy tiếng thở đều của con. Con đã ngủ. Hi vọng con có giấc ngủ thật sâu. Mẹ tin rằng sau này con sẽ là cô gái giàu lòng vị tha với trái tim chan chứa tình yêu thương. Mẹ luôn tin sau này chàng trai nào lấy được con sẽ rất hạnh phúc. Chắc chắn là như vậy mà. Mẹ luôn tin như vậy. Cảm ơn đời đã cho mẹ có các con!

DƯƠNG THỊ HỒNG THỦY


Nụ cười đến sau nước mắt

Bác sĩ khuyên tôi nên đưa mẹ về nhà chăm sóc, bởi vì thời gian sống của người còn khoảng 3 tháng. Rời khỏi phòng bác sĩ, tôi nghẹn ngào, nước mắt dàn dụa trên má. Vậy là mọi hy vọng cứu sống mẹ tôi đã tắt.
Cố nén khổ đau vào lòng, tôi lặng lẽ thu xếp đồ đạc và đưa mẹ ra sân bay trở về nhà. Dù không được biết kết quả tình trạng bệnh của mình, nhưng hình như mẹ đã linh cảm được chuyện chẳng lành xảy đến qua nỗi đau hiện trên gương mặt của tôi.

Tôi thơ thẩn đưa mắt nhìn mọi người trên sân bay. Ở đàng kia, 1 cô bé khoảng chừng 11 tuổi đang khóc tức tưởi vì phải chia tay với bố. Nhìn 2 cha con bịn rịn không nỡ rời nhau, tôi chạnh lòng nghĩ đến mẹ. Hơn lúc nào hết, tôi chỉ muốn òa khóc,khóc nức nở như cô bé đó.

Khi lên máy bay, bất ngờ cô bé ngồi đối diện với mẹ con tôi, và dai dẳng khóc, hình như lời an ủi của mẹ cô bé không đem lại kết quả gì cả. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng mẹ tôi dỗ dành:

-Này cô bé, nụ cười của cháu trốn đi đâu mất rồi. Nụ cười ơi, hãy xuất hiện đi nào!

Cô bé nín khóc, nhìn mẹ tôi, và bẻn lẽn mìm cười. Bắt được nụ cười đó, mẹ tôi khẽ reo:

-Bà biết thế nào cháu cũng sẽ cười mà. Cháu biết không, đằng sau những nụ cười là giọt nước mắt ấm áp đấy!

Nghe những lời mẹ nói, tôi bất chợt nhớ lại ngày còn nhỏ, tôi hay bị vấp ngã, đầu gối trầy xước khiến tôi chỉ biết rên rỉ, khóc lóc. Mẹ thường nhẹ nhàng an ủi tôi:

Sưu tầm


Cánh diều chưa bay cao

Hồi còn bé, tôi rất ham chơi. Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi nô đùa, nhảy tung tăng trên cáng đồng làng. Trong vô vàn bất tận những trò chơi dân gian của lũ trẻ con nghèo quê tôi, chúng tôi thích nhất là trò chơi thả diều.

Nói đến đây, chắc các bạn sẽ hình dung ra những cánh diều đỏ, vàng đủ màu sắc, chất liệu, hình dáng bay vút cao trên bầu trời đúng không?

Nhưng những chiếc diều của chúng tôi hoàn toàn khác! Nó độc một màu trắng! Đó là những con diều được làm từ những tờ giấy vở, giấy nháp cắt nham nhở, dán qua loa bằng hồ bột hay cơm nếp lên trên vài mảnh tre nhỏ. Chiếc diều nho nhỏ, hình thoi, hình vuông, ở ba đỉnh có dán thêm mấy chiếc đuôi cũng bằng thứ giấy cắt nham nhở đó.

Và dĩ nhiên, với một kiểu thiết kế như thế thì chẳng lấy gì để con diều có thể bay cao được. Chúng tôi cầm dây diều chạy như vũ bão ngược theo chiều gió, cánh diều lạt sạt dưới đất một lúc rồi bay lên. Nhưng hiển nhiên nó chỉ bay cao chút đỉnh và chúng tôi vẫn cứ phải chạy chầm chậm không thôi.

Bay cao sao được khi diều làm bằng giấy, lại nhỏ, nặng và đó là những con diều do lũ trẻ chúng tôi làm ra, kĩ thuật sai be bét. Mỗi lúc nhìn những con diều chim én, bươm bướm bằng vải, bằng giấy màu tuyệt đẹp bay lượn trên tivi, chúng tôi lại chép miệng ao ước...

Nhiều năm sau, tôi lớn lên, bận bịu việc học tập, tôi không còn chơi thả diều nữa.

Hai năm lên tỉnh học, tôi quên hẳn trò chơi ngày bé thơ.

Nhớ lại hè vừa rồi, tôi trở về quê. Tới cánh đồng làng quen thuộc...Hai, ba, bốn cô bé, cậu bé đầu trần, cầm dây diều chạy tung tăng khắp đồng; mặt đầm đìa mồ hôi mà cái đầu vẫn cứ nghểnh lên, miệng cười toe toét nhìn theo cánh diều. Tôi nghẹn ngào... vẫn là những chiếc diều nho nhỏ, mộc mạc đến là đáng thương như của chúng tôi ngày xưa.

Quê tôi vẫn thế, còn nghèo lắm! Lại còn phải chịu nhiều cơn bão tai ương ...

Bao giờ các em ơi! Bao giờ quê mình đổi thay để các em có được một con diều theo đúng nghĩa của nó. Một con diều thật đẹp, bay thật cao?

Cánh diều của chúng tôi, của các em không thể bay cao hay là chưa thể bay cao?

Hi vọng là ngày mai nó sẽ được góp mặt trên bầu trời lộng gió và khoe nhiều màu sắc tươi vui , rực rỡ hơn nhiều...

Sưu tầm


ĐÁM TÁNG NHÀ THỜ

Một linh mục được gửi đến một nhà thờ nọ ở Mỹ. Ông được cảnh báo trước rằng cộng đoàn ở đó đã chết rồi. Ông vẫn nhận lãnh sứ mạng, nghĩ rằng mình sắp sửa đương đầu với một thách đố lớn lao.

Quả thật, vị linh mục chẳng mấy chốc khám phá ra rằng ngôi nhà thờ tại nhiệm sở mình đã hoàn toàn chết. Không một kế hoạch nào, không một sự kêu gọi nào có thể nhen nhúm  lên sức sống cho nó.

Linh mục tìm gặp các tín hữu ở trong khu vực và nói rằng họ đã chết. Ông đề nghị tổ chức một đám tang nhà thờ.

Thế là cờ tang được treo lên, một chiếc quan tài được khiêng đến. Đã đến giờ cử hành đám táng. Từ rất lâu rồi, nhà thờ mới được một bữa rộn rịp như vậy. Người ta tụ tập đông đúc vì ai cũng tò mò. Chưa ai từng nghe nói đến một đám táng nhà thờ cả!

Linh mục tiến hành các lễ nghi an táng. Cuối cùng, ông mời cộng đoàn xếp hàng đi qua viếng cỗ quan tài mở nắp. Lần lượt từng người một cúi xuống nhìn vào quan tài. Tất cả họ đều bị sốc. Cỗ quan tài trống không, nhưng đáy quan tài không phải là một tấm ván mà là một tấm gương lớn. Nhìn vào quan tài của một ngôi nhà thờ chết, ai cũng nhìn thấy chính khuôn mặt mình!

Sưu tầm


Vịt phải biết bơi

Bản năng loài vịt sinh ra đã biết bơi. Chỉ cần xuống nước là vịt có thể bơi ngay được. Thế mà vịt con Út Bông ở xóm Chài lại bản tính rụt rè sợ nước, không dám xuống hồ tập bơi. Nhìn anh chị trong đàn biết bơi Bông thích lắm. Nó thường đứng trên bờ nhìn xuống ao thèm thuồng nhưng nghĩ đến việc xuống nước bơi là vịt lại thấy khiếp sợ.

Bố mẹ Vịt Bông bèn bàn bạc tìm cách làm cho Út Bông tin vào khả năng bơi lội vốn có của loài, giúp Bông hòa vào cuộc sống của loài vịt. Một buổi sáng như thường lệ, cả nhà vịt tung tăng ra hồ để bơi lội và kiếm ăn. Lũ vịt con đã ào cả xuống hồ, chỉ còn Út Bông vẫn đứng ở trên bờ. Thấy vậy, Vịt mẹ lại gần dỗ dành: “Út Bông ơi, trèo lên lưng mẹ đi, Mẹ sẽ cõng Út bơi với các anh chị của con, ngoài kia vui lắm con ạ”.

Nghe lời, Bông trèo lên và bám chặt mẹ. Út Bông vui quá vì được mẹ chở đi quanh hồ, ngắm bao nhiêu cảnh đẹp, lại còn nghịch ngợm với chị em. Bỗng Út Bông giật mình, cảm thấy chân mình đang quờ quạng dưới nước, lớp lông cánh đã ướt sũng. Vịt Mẹ đã thừa lúc Bông không để ý, lặn sâu xuống nước, thả vịt Bông ra khỏi lưng. Út Bông nhận ra thì đã không kịp, mẹ đã ở tít xa. Nó bắt đầu sợ và đạp chân cuống quýt, miệng la hét gọi mẹ. Nhưng bố mẹ cùng các anh chị không bơi lại mà chỉ động viên rằng nó đang bơi đấy và có làm sao đâu. Mải mê vừa quẫy đạp, vừa la hét, Út Bông chợt nhận ra mình vẫn đang nổi trên mặt nước, chẳng hề hấn gì. Bình tĩnh hơn một chút, nó chỉ quờ nhẹ đôi chân, thật kỳ lạ, nó đang nổi và bơi được những đoạn khá dài. Một lúc sau thì nó đã ở bên bố mẹ. Thế là vịt Bông nhút nhát đã biết bơi. Chẳng bao lâu sau, chú trở thành chú vịt con bơi giỏi nhất đàn trong đàn.

Sưu tầm