Truyện Minh Hoạ - Hy Vọng

Không thất vọng

Một chiếc tàu đánh cá Xô Viết được đưa vào sửa chữa bên cạnh chiếc tàu tuần dương Hoa Kỳ tại bờ biển New England. Các quan chức Mỹ- Xô cùng ngồi trong chiếc tàu Nga bàn luận sôi nổi về kỹ thuật đánh cá ở Bắc Đại Tây Dương. Cuộc hội thảo đang tiến hành tốt đẹp thì vào đêm nọ, một sự cố bất ngờ đã đe doạ bầu khí thuận thảo giữa hai bên.

Chuyện xảy ra là có một thuỷ thủ người Nga tên Simas Kudirka lẻn ra khỏi tàu Xô Viết, bơi khỏi mười bộ (khoảng 3m) qua bên tàu Mỹ. Kudirka nài nỉ được tỵ nạn chính trị, nhưng vị chỉ huy tàu Mỹ từ chối. Quyết định này về sau bị các thượng cấp quở trách. Còn chàng thuỷ thủ hụt hẫng ấy bị giao lại cho nhà cầm quyền Xô Viết, bị trả về Nga, sau đó bị giam vào tù. Trong thời gian ở tù, chàng đã nhiều lần tuyệt vọng. May thay giữa cơn thử thách ấy, một tù nhân khác đã dạy chàng vần thơ của thi sĩ Ruydyard Kipling người Anh. Về sau, Kudirka cho hay rằng chính những dòng thơ này đã gíup chàng đương đầu với tương lai. Một đoạn trích từ những dòng thơ ấy:

“Nếu dành được chiến thắng hay gặp cơn hoạn nạn, con vẫn xử sự như nhau,

Nếu điều chân thực con nói ra, lại bị những tên vô lại vu khống là gian dối hại người, mà con vẫn tỏ ra bình thản.

Nếu nhìn toàn bộ sự nghiệp đời mình đang vỡ tan, mà con vẫn bình tâm nhẫn nhục xây dựng lại, bằng những phương tiện cùn lụt.

Nếu con vẫn có thể dồn toàn bộ năng lực của tâm hồn, thần kinh và gân cốt, để tiếp tục sinh hoạt như bình thường, sau khi chúng gần như bại liệt…

Và nếu con vẫn kiên gan bền chí, khi tất cả mọi sự đã tiêu tùng, chỉ còn lại ý chí trong con bảo con phải kiên trì…

Nếu con làm được như thế, thì trái đất và mọi sự trên đó sẽ thuộc về con. Hơn thế nữa, hỡi con Ta, con sẽ là một con người đích thực.”

Thỉnh thoảng, Kudirka lại nhẩm đi nhẩm lại những lời trên, dần dà chúng đem lại cho chàng một sức mạnh đáng kể giúp chàng kiên vững. Câu chuyện còn dài nhưng tôi xin rút ngắn lại Kudrika vẫn sống sót sau khi bị tù, và hiện nay anh đã được tự do. Kudirka cho rằng sở dĩ anh sống sót chính là nhờ sức mạnh tinh thần do bài thơ của Kipling đem lại. Bài thơ ấy giúp cho anh có sức mạnh để kiên trì khi nơi anh chẳng còn lại gì ngoài ý chí truyền bảo anh: hãy cứ bền gan.

Sưu tầm


đỢi gì nơi cuỘc sỐng

 Vào Tuần Thánh 1980, Đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu : “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gởi đến cho tôi  một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.

 Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường Y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích : “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa.”

 Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi : “ Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này ?”

 Cô gái mỉm cười nói : “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi”.

Trích “Món quà giáng sinh”


Lẽ Sống

 Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửa. Ông rất ân hận vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách. 

Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy ban làm việc thêm một thời gian nữa. Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôi. Vị trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi chết". Nhà vua gật đầu. Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng. 

Tác giả Veritas


CÁI KÉN BƯỚM

  Chàng trai kia nhặt được một cái kén bướm.Một hôm, anh thấy nơi cái kén hé một khe nứt nhỏ, anh ta ngồi hàng giờ quan sát việc chú bướm cố thoát mình khỏi cái khe ấy. Rồi mất kiên nhẫn khi thấy mọi việc có vẻ không tiến triễn gì thêm,chú bướm không thể cố hơn được nữa, vì thế, anh quyết điịnh giúp chú bướm nhỏ... lấy kéo cắt cho cái khe rộng thêm. Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén, nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn chàng thanh niên ngồi chăm chú quan sát cái kén với hy vọng thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xòe rộng hơn để đủ nâng đỡ thân hình chú.

  Nhưng chẳng có gì thay đổi cả! Sự thật là chú bướm phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng, chú chẳng bao giờ có thể bay được. Có một điều mà người thanh niên không thể hiểu được là cái kén chật chội khiến chú bướm phải nổ lực mới chui qua được cái khe nhỏ kia... chính là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài.

  Đấu tranh là một việc rất cần thiết cho cuộc sống. Bạn hãy nghiệm lại xem, nếu quen sống một đời phẳng lặng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có... và dĩ nhiên ta khó có thể “bay” được. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn.

Sưu tầm


NGƯỜI DỆT ƯỚC MƠ

“Ba ơi, bàn thắng này con dành tặng ba đấy!” cậu bé Matthew Ryan Emrich chưa đầy chín tuổi hét to, vừa ngước nhìn bầu trời vừa chạy quanh sân  với hai nắm tay giơ cao. Với tư cách là một thành viên thi đấu cho đội Little League, Matthew vừa mới đánh được một quả bóng ăn điểm trực tiếp đầu tiên - một thắng lợi cho “đội bóng trong mơ” của cậu.

Cha cậu, ông Mark, đã từng ước mong trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp. Thế nhưng sau khi trải qua rất nhiều ca mổ, ông đã không bao giờ có thể theo đuổi ước mơ của mình được nữa - một ước mơ mà cha của ông, cụ Chet, đã truyền lại cho ông.

Dù vậy, Mark vẫn tiếp tục chơi cho các đội bóng ở địa phương và dạy cho bọn trẻ quanh xóm chơi bóng chày. Ngày 30 tháng 7 năm 1985, khi cậu bé Matthew chào đời, Mark tự hứa với lòng là ông sẽ chia sẻ ước mơ của mình với con trai. Năm Matthew lên bốn, có lần cậu bé đánh bóng bay sang tận nóc nhà hàng xóm.

Trang phục thi đấu của Matthew mang số 7 - cùng số với áo của cha cậu ngày xưa. Cậu bé rất vui vì được cha yêu thương, cũng như tự hào khi được tiếp nối truyền thống gia đình. Suy cho cùng thì bộ phim “Field of Dreams” không chỉ nói về bóng chày mà còn nói về tình cảm cha con và về sức mạnh của niềm tin!

Tiếc thay, Mark thất bại trong cuộc chiến cam go chống lại căn bệnh ung thư dù đã dũng cảm đương đầu với nó bằng một niềm tin mãnh liệt. Ông đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 33. Ngày Chủ nhật khi Mark qua đời, ông đồng ý vào bệnh viện “chỉ để được theo dõi”. Các bác sĩ hứa với ông rằng ông vẫn có thể xuất viện để kịp xem trận đấu đầu tiên của Matthew vào chiều thứ Hai.

Gia đình và bạn bè đều biết rằng Matthew sẽ vẫn chơi bóng vào ngày hôm sau - đúng như những gì cha cậu từng mơ ước. Cậu bé Matthew tin rằng những lời cậu từng hứa với mẹ Sherry, “Trái bóng đầu tiên mà con ghi điểm sẽ dành để tặng cha”, sẽ được cha cậu luôn hiện hữu đâu đó trên cao kia nghe thấy.

Chiến thắng của Matthew “có thể khiến người cha đang dõi theo cậu trên đám mây kia phải xúc động vì quá đỗi mừng vui”. Phải chăng lời nhận xét này đã đúc kết được những điều làm nên chiến thắng trong cuộc đời này cho tất cả chúng ta?

Ronald D. Eberhard


GIÁ TRỊ NHỮNG DẤU CHẤM CÂU

Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không gì có thể làm anh ta sung sường mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ đối với mọi chuyện.

Kế đó, anh ta đánh mất dấu chấm hỏi và chẳng bao giờ hỏi ai điều gì nữa. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình mà anh ta không biết, anh ta đánh mất khả năng học hỏi. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.

Một vài tháng sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó, anh ta không liệt kê được, không còn giải thích được hành vi của mình nữa. Anh ta đổ lỗi cho tất cả trừ chính mình.

Cứ mất dần các dấu, cuối cùng, anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy.

Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.

Thiếu những dấu chấm câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn mất ý nghĩa, nhưng mất những dấu chấm câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng mất ý nghĩa như vậy.

Hy vọng mọi người không bao giờ đánh mất những dấu chấm câu trong cuộc đời của mỗi người . Hãy cố gắng trân trọng những gì mà cuộc sống đã đem lại cho chúng ta.

Sưu tầm


CHA VẪN SẼ LUÔN BÊN CON !

Đây là một câu chuyện cảm động từ một trận động đất lớn tại Mỹ năm 1989. Cơn chấn động chết người này đã làm nhiều người tử vong chỉ trong chưa đầy bốn phút.
Trong cơn hỗn loạn của trận động đất, có một người cha đang chạy xe đến trường để đón con trai mình. Khi ông tới nơi thì ngôi trường đã tan thành bình địa.

Đứng quan sát những gì còn sót lại của ngôi trường, người cha nhớ lại lời hứa với con trai: “Dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, cha vẫn sẽ luôn bên con”. Nước mắt bắt đầu trào ra từ khóe mắt ông. Cảnh vật sao trông vô vọng quá, nhưng ông không thể thất hứa với con được. Nhớ phòng học của con trai nằm ở cuối góc bên phải của ngôi trường, ông vội chạy tới và bắt đầu đào bới đống đổ nát.

Khi ông đang đào, những người cha người mẹ đau khổ khác cũng vừa chạy đến kêu gào thảm thiết: “Trời ơi con trai tôi!”, “Ôi con gái của tôi!”. Họ vừa cố kéo người cha ra khỏi đống đổ nát vừa nói: “Đã quá trễ rồi!”, “Chúng chết cả rồi!”, “Ông không thể làm gì được nữa đâu!”, “Về nhà đi!”. Ngay đến viên cảnh sát và người lính cứu hỏa cũng khuyên ông tốt hơn hết là nên về nhà. Ông nói với những người đã ngăn cản mình: “Mọi người có tính giúp tôi không?”. Họ không trả lời ông và ông lại tiếp tục đào bới, quăng từng viên gạch ra ngoài để cứu con trai mình.

Người đàn ông này cứ đào bới như thế suốt tám tiếng đồng hồ, rồi 12 tiếng, rồi 24 tiếng và rồi đến 36 tiếng. Cuối cùng, ở tiếng thứ 38, khi ông đẩy được viên đá lớn nhất ra ngoài, ông nghe giọng nói của con trai. Ông thét gọi tên con “Armand!” và có tiếng trả lời ông: “Có phải cha không? Con đây nè cha!”.

Rồi cậu bé nói thêm: “Con bảo mấy bạn đừng lo lắng. Con nói với tụi nó nếu cha còn sống, nhất định cha sẽ tới cứu con và khi cha cứu con, tụi nó cũng sẽ được cứu. Cha đã từng hứa với con “dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, cha sẽ vẫn luôn bên con!” và cha đã ở đây. Cha đã giữ lời!”.

Sưu tầm


Chữa bệnh tim

Chàng vốn là một chàng trai khỏe mạnh, lực lưỡng, và luôn lu bu với hết hoạt động này đến chương trình khác.

Bỗng dưng, tính mạng của chàng trai bị lâm nguy, vì quả tim của chàng không chịu đựng nổi nhịp sống căng thẳng dồn dập cũng như vóc người ngày càng “giãn” ra của chàng nữa.

Giải pháp duy nhất là gắn cho chàng một máy trợ tim, với hi vọng chàng sẽ vượt qua được thử thách này và sẽ trở lại tình trạng sức khỏe bình thường.

Gắn máy trợ tim, điều đó có ngĩa là phải trải qua một cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, loại phẫu thuật này cũng khá nhanh chóng và đơn giản thôi, không có chi rắc rối lắm. Chỉ có điều, cho dù cuộc sống hoàn roàn mới - đó là chiếc máy trợ tim thực sự hiệu nghiệm!