Truyện Minh Hoạ - Hy Sinh

Kẻ cắp

Nghe tiếng mẹ gọi dậy ,tôi vội vùng khỏi chiếc chăn ấm...Sáng nào cũng vậy, cứ 5h sáng tôi phải dậy ra phụ giúp mẹ bán bánh.Mùa hè thì chẳng sao chứ mùa đông,quả là khó khăn.Một hôm, đang lúc bận rộn bán hàng ,chợt có tiếng nói:

-Ô....kia con chó lấy ổ bánh mì!

Con chó kẻ cắp mồm ngoặm bánh đang chạy rất nhanh,có đuổi theo cũng không kịp.Đến giờ đi học,tôi vội tới trường và cũng quên luôn câu chuyện lúc sáng.

Nhưng mấy hôm nay,ngày nào cũng mất một chiếc bánh,tôi cho rằng thủ phạm chính là con chó lạ đó, phải cho nó một trận mới hả.Nhưng mẹ tôi lại bảo:

-Thôi con ạ!Chắc nó bị bỏ đói,ta cho nó vậy.

Tôi không đồng ý và quyết định cho con Vàng to khoẻ,đẹp mã và nổi tiếng khôn ngoan của tôi trừng trị.Quả nhiên sáng ấy đang lúc ngái ngủ bởi còn thưa khách hàng,tôi giật mình nghe tiếng sủa rất to của con Vàng và vút một cái nó xô tới con chó kẻ cắp đang tiến tới thùng bánh.Con chó lạ gầy nhom sợ quá quay đầu co cẳng chạy bạt mạng.Không hiểu sao,con Vàng đuổi theo một đoặn,sủa lên rất to rồi quay lại.Có lẽ nó thương hại.

Chủ nhật được nghỉ học,tôi nảy ra ý định theo dõi xem con chó đó của nhà ai.Tôi bắt đầu sốt ruột thì con chó lạ xuất hiện.Nó vội vàng lấy chiếc bánh.Tôi và con Vàng nhẹ nhàng bám theo.Qua một dãy phố đến chân cầu thang Bách hóa tổng hợp,con chó lạ dừng lại trước một thằng bé còm nhom rách rưới,vẻ mặt bơ phờ,đang run rẩy vì lạnh.Chỉ nhìn đã biết nó là ăn xin và đang bị ốm.Con chó lạ thả cái bánh vào tay chủ,đứa bé ăn một miếng lại bẻ một ít cho con chó.Mải nhìn nên con Vàng chạy xô tới chỗ đó mà tôi không kịp giữ lại.Thấy con Vàng con chó lạ gầm gừ nhưng thằng bé quát im rồi bẻ miếng bánh cho con Vàng,Vàng ngửi ngửi,lưỡng lự,thằng bé lại tung miếng nữa và gắng mỉm cười:

-Ăn đi mày,tao chỉ có vậy thôi.

Thấy chủ tỏ ra thân thiện,con chó kẻ cắp cũng lại gần ngửi ngửi làm quen.Lát sau hai con chó đã vui vẻ tranh nhau những miếng bánh mà thằng bé tung lên.Chúng đã là bạn của nhau thật rồi.Trông cảnh tượng đó mắt tôi bỗng cay xè !

Sưu tầm


Cái chậu nứt

Một người có hai cái chậu lớn để khuân nước. Một trong hai cái chậu có vết nứt, vì vậy khuân nước từ giếng về, nước trong chậu chỉ còn một nửa. Chiếc chậu còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc chậu nứt luôn bị cắn rứt vì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Một ngày nọ chiếc chậu nứt nói với người chủ: "Tôi thật xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông!".

- "Ngươi xấu hổ về chuyện gì?"

- "Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông!"

- "Không đâu, khi đi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường".

Quả thật, dọc bên vệ đường là những luống hoa rực rỡ. Cái chậu nứt cảm thấy vui vẻ một lúc, nhưng rồi về đến nhà nó vẫn còn chỉ phân nửa nước.

- "Tôi xin lỗi ông!"

- "Ngươi không chú ý rằng hoa chỉ mọc bên này đường, phía của ngươi thôi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và trong những năm qua, ngươi đã vui tưới cho chúng. Ta hái những cánh hoa đó để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi nhà ta sẽ không ấm cúng và duyên dáng như thế này đâu".

Mỗi con người chúng ta đều như cái chậu nứt kia, có ai là hoàn hảo đâu. Điều quan trọng là biết cách tận dụng vết nứt của mình để nó trở nên có ích, để làm cho cuộc đời này tươi đẹp hơn ...


(forum.petalia.com)


Bà La-ren đánh cọp

   Câu chuyện sau đây xảy ra vào ngày 3 tháng 7 năm 1991 tại Biluet, một làng của nước Canada, nằm trên bờ sông Phơrat cách thành phố Vancôvơ 200 cây số về hướng đông bắc.

   Chung quanh làng Biluet có núi rừng bao bọc.  Phong cảnh nơi đây trông thật nên thơ.  Vì tính chất hoang dại của nó nên dân cư còn thưa thớt.  Trái lại vùng này là một địa bàn hoạt động của đoàn quân trên dưới ba ngàn con cọp rừng.

   Buổi sáng hôm đó trời thật đẹp, nên bà La-ren Lếch 44 tuổi quyết định đưa năm em nhỏ mà bà nhận nuôi tại nhà ra ngoài trời để vừa chơi vừa vẽ.

   Đã từ rất lâu bà ấp ủ mộng ước mở một nhà trẻ nhận chăm sóc các trẻ em ngay trong nhà của bà.  Đây là một việc làm thoải mái rất phù hợp với tấm lòng yêu thương trẻ em tràn trề của bà.  Sau khi trải qua tất cả các cuộc khảo hạch.  Bà La-ren nhận được đầy đủ văn bằng cần thiết để mở nhà trẻ.  Lần đầu tiên bà thu nhận được 5 trẻ tuổi từ 2 đến 5, gồm 4 gái 1 trai.  Cho đến ngày hôm đó mọi sự đều dễ dàng trôi chảy như ý bà.  Cuộc đời như tươi cười trước đôi mắt sáng ngời tự tin của bà.

   Đang trông coi các em bỗng bà có ý nghĩ dẫn các em đi hái trái dâu dại mọc theo hàng dài dọc bờ sông.  Mọi người hăng hái lên đường.  Bà không quên mang theo ba con chó bergiê giống Đức đã được 1 tuổi.  Sau khi hái dâu bà lại quyết định đưa các bé ra bãi cát của bờ sông để chơi trò tương tự như trò tìm khăn của trẻ em Việt nam.

   Vừa dự tính bắt đầu trò chơi bà La-ren chợt nhận ra sự im lặng lạ lùng của các em. Ngước mắt lên bà trông thấy Jang đứng trước mặt Nikê, bé trai 2 tuổi, một con cọp to bằng con chó bergiê của bà.  Đầu con cọp cúi xuống trên mặt bé Nikê.  Trong nháy mắt bà La-ren như chết điếng tại chỗ.  Bỗng bà nói với con cọp như thể nói với con mèo trong nhà: Thôi đi! Đừng liếm mặt bé Nikê nữa! Bà không biết Nikê có bị cọp cắn không vì cậu bé cứ ngồi yên bất động.

   Không một chút do dự bà nhảy bổ đến bên con cọp và định kéo đuôi có. Nhưng rồi bà đổi ý ngay.  Bà dùng hết sức mình lấy tay túm cổ con cọp và lay nó thật mạnh.  Tức khắc cọp con quay phắt ra sau hùng hổ giơ các nanh vuốt nhọn của hai cẳng trước ta.  Bằng một động tác bất ngờ nó cào rách mặt hai bé đứng gần đó,  rồi nhảy bổ lại giơ hai cẳng trước để túm lấy đầu bà La-ren.

   Mặc dầu còn nhỏ cọp con cũng đã đủ sức để có thể giết chết một nạn nhân to lớn hơn nó gấp ba lần.  Chỉ vào lúc bấy giờ các cô cậu bé mới ý thức được nguy hiểm đang diễn ra. Các bé chạy núp sang bên bà La-ren và không ngừng la hét.  Bà La-ren càng ý thức rõ ràng mình đang đối đầu với một con vật vô cùng nguy hiểm. Nhưng bà không có lựa chọn nào khác hơn là phải ăn thua với con vật để bảo vệ đến cùng năm đứa trẻ mà bà có bổn phận phải coi sóc.

   Vừa đối diện với cọp con bà vừa ra lệnh cho các bé: Các con đứng tất cả sau lưng cô.  Bà dùng hết sức mạnh túm lấy hai cẳng trước của con cọp và tìm cách đẩy nó đi xa.  Bà quyết một sống chết với con cọp.  Cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt.  Bà bị cọp cấu rách đầy mình.  Vừa chống trả bà La-ren vừa la hét ra lệnh cho con chó bẹc bergiê: Pan! Nhảy vào cắn cọp đi!  Nhưng con chó kinh hãi lùi ra xa, không dám phản ứng gì.

   Thấy mình quá yếu sức lại không biết cầu cứu cùng ai bà La-ren dùng phương pháp cuối cùng, bà tha thiết thầm xin Chúa cứu giúp vừa hét vào mõm con cọp: Mày hãy cút đi và để tụi tao được yên, vừa đẩy nó về phía con chó.  Bà nói như van lơn con chó: Cắn nó đi! Cắn nó đi!.   Cọp con bị đẩy quá mạnh liền lăn nhào xuống và cắm cổ chạy vào rừng.

   Lúc đó bà mới hoàn hồn.  Không ngờ trong phút cực kỳ nguy hiểm, ngoài lòng tin cậy Chúa bà La-ren đã dùng đúng chiến thuật phải dùng để đẩy lui địch thủ.  Trước tiên bà đã lên tiếng kịp thời để ngăn chặn không cho cọp con ghé mõm ngậm đầu bé Nikê và mang đi.  Sau đó bà không ngừng la hét bà tỏ thái độ dữ tợn quyết một sống một chết với cọp.  Theo các chuyên viên thì cọp thường mất tính chất hung hăng của nó trước tiếng la hét dữ dằn của đối thủ.  Bà La-ren và năm trẻ nhỏ của bà đã thoát khỏi hiểm nguy nhờ lòng tin cậy Chúa, cùng với sự can đảm và thật tình yêu thương trẻ của bà.

   Lòng yêu thương lớn lao và tinh thần trách nhiệm cao độ đã khiến bà La-ren dám liều mạng để cứu những kẻ mình yêu là một phản ảnh trung thực của Đấng đã thể hiện cách hoàn hảo điều Ngài răn dậy: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ liều mạng vì người mình yêu.

   Gương bà La-ren cũng là một lời mời gọi chúng ta diễn tả lại nơi bản thân mình lời dậy và gương mẫu của Chúa Giêsu, đối với những người chúng ta yêu thương và có trách nhiệm."

Sưu tầm


Bà mẹ góa

Hai anh em nọ con của một mẹ goá, đã lớn lên và có địa vị trong xã hội, công việc kinh doanh rất phát đạt. Người mẹ già yếu đối với chúng là một gánh nặng và chúng phải hao tốn vì trang trải thuốc men cho bà.

Ngày kia, hai anh em cùng đến gặp một tổng giám thị một trại tế bần và yêu cầu ông ta nhận mẹ mình vào trong trại. Ông tổng giám thị chấp nhận nhưng trước khi chia tay ông nói:

Tôi có câu chuyện muốn kể cho cô và cậu nghe:

Mấy năm trước đây tại thành phố này có một người chết đi để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Bà mẹ ấy nghèo lắm. Khi đó tôi đã đề nghị với bà ta bỏ hai đứa con nhỏ vào cô nhi viện. Bà ta đã tỏ ra rất bất mãn với lời khuyên của tôi và tỏ vẻ tức bực: “Tôi có 2 tay, và khi nào tay tôi chưa mòn trơ xương thì không đời nào tôi để con tôi vào cô nhi viện”

Hai anh em hỏi ông Tổng giám thị:

- Truyện này có dính líu gì đến chúng tôi đâu?

- Vì người đàn bà đó là thân mẫu của cô và cậu đó!

Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi mẹ con kể từng ngày!!!" 

Sưu tầm


Bài toán và bà mẹ

Đang giờ dạy toán trong lớp tiểu học, cô giáo hỏi:

John, giả sử mẹ em làm bánh và gia đình có 10 người, cha, mẹ, và 8 anh em. Vậy em được bao nhiêu phần bánh?

Em trả lời:             

Thưa cô, một phần chín

Cô giáo nói:

Này john, em để ý nhé. Có tất cả 10 người cơ mà. Em không nhớ phần số à?

Em bé đáp:

Thưa cô, em biết phân  số chứ, nhưng em cũng biết mẹ em nữa. Chắc chắn mẹ em sẽ nói là mẹ em không ăn."

Sưu tầm


Bóng thánh giá trên hang đá

   Khi Đức Yêsu sinh ra, các thiên thần đến dọn dẹp sạch sẽ hang đá: bò lừa nằm thứ tự lớp lang rơm rạ được xếp gọn sạch.  Ấy thế mà có một chú nhện không biết từ đâu đến giăng tơ ở đó.  Các con vật khác lên tiếng trách móc chú là đồ vô tích sự. Nhưng nhện trả lời:

   - Các anh mới là đồ vô tích sự, không giúp gì cho Chúa cả.  Các dây tơ của tôi là những ăng ten nhờ chúng mà tôi biết tin là trong đêm vui mừng này, vua Hêrôde lại đang tìm cách giết bé Yê-su. Vậy xin thánh Yuse và Mẹ Maria bế hài nhi đi trốn ngay.

   Hai ông bà nghe lời nhện, vội ẵm con chạy trốn. Nhện thấy tất cả đều đi, cũng bám theo xe.  Hai ông bà đi không được nhanh, trong khi đó đã vang lại từ khắp nơi những đoàn binh do vua Hêrôdê sai đi tìm giết Yêsu.  Họ đến gần hai ông bà rồi, khó lòng thoát tay họ.  Hai ông bà bỗng thấy một hốc đá, bèn vào đó trú ẩn. Nhện ta thương Chúa và cha mẹ Ngài, muốn tìm cách để cứu các Ngài. Nhện bèn giăng tơ và đem hết sức mình giăng rất dày tơ đóng kín cửa vào hốc đá lại.  Vừa lúc đó, đoàn người tìm Đức Yêsu đến.  Họ nhìn hốc đá, định vào, nhưng thấy mạng nhện che kín cửa, mới nói:

   - Có mạng nhện ở ngoài như thế chắc là không có ai trốn bên trong, thôi đi tìm chỗ khác.

   Nói xong, họ bỏ đi và thế là Thánh gia thất thoát nạn. Nhưng trước khi đi, có một tên lính đã lấy gươm chém tả tơi màng nhện và chém đứt luôn chú nhện, để thoả mãn phần nào quái thú muốn chém giết đang sôi sục trong người gã.

   Và thế là nhện hy sinh để bảo vệ Chúa trong đêm Ngài đến với loài người."

Sưu tầm


Câu chuyện những cây bút chì

   Một hôm, trong khi ngồi nghiên cứu, mơ màng, tôi nghe lỏm được câu chuyện của những cây bút chì trong ống bút trên bàn.

   Cây bút chì đỏ nói với vẻ tự hào:

   - Tôi là người chỉ đường. Tôi cũng là người phê duyệt chủ trương biện pháp. Tôi chỉ quen sửa sai cho người khác, chứ tôi thì không sai bao giờ!

   Cây bút chì Hoá học cãi lại:

   - Tôi là thành tựu khoa học kỹ thuật. Trong thời đại ngày nay, tôi là then chốt. Tôi đã viết ra công thức gì thì không ai xoá nổi.

   Cây bút chì kỹ thuật nửa đồng tình nhưng nửa cũng muốn nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của mình:

   - Tôi mới là người vẽ ra kỹ thuật. Nét bút của tôi tinh tế và chính xác biết bao! Không có tôi thì chẳng có thể có sản phẩm mới.

   Còn bút chì thường từ nãy đến giờ vẫn im lặng, vì nó chẳng thấy mình có được ưu điểm gì cả. Nó làm việc quá nhiều, bị mòn vẹt, bị gọt hết lượt này đến lượt khác, đến nay đã cùn cụt chỉ còn một mẩu ngắn. Do đó, nó cũng chẳng còn sức để tham gia vào cuộc tranh cãi nữa.

   Còn tôi thì sau khi nghe câu chuyện cứ suy nghĩ mãi: chẳng lẽ những người làm việc nhiều thì bị cùn cụt đi, còn những kẻ ba hoa, khoác lác lại cứ được yên thân mãi sao?"

Sưu tầm


Bác sĩ Tom Dooley

   Tom Dooley sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở St. Louis, Missouri. Khi còn nhỏ, Tom có mọi sự Tom muốn.

   Tom muốn làm Bác sĩ. Đó có thể là một cách bảo đảm có tiền để hưởng thụ cuộc sống. Tom đã có thể chăm chỉ học hành hơn, nhưng thực ra anh chỉ học đủ để thi đậu. Cuối cùng anh cũng đã thật sự trở thành Bác sĩ. Rồi Tom gia nhập Hải quân và được gởi sang Việt nam để phục vụ.

   Đến Việt nam, Tom thấy hàng ngàn người nghèo đói, đau khổ và rất nhiều người bệnh tật. Họ đã bỏ nhà cửa đi tìm tự do. Là một Bác sĩ. Tom cũng biết được rằng có nhiều người chưa từng bao giờ đi Bác sĩ, vì những nơi đó không có Bác sĩ.

   Kinh nghiệm làm việc ở Việt nam đã biến đổi đời sống của Bác sĩ Tom. Ông bỏ ý định làm giàu. Sau khi nghỉ làm việc cho  Hải quân, Bác sĩ Tom trở lại vùng Đông Nam Á và mở một bệnh viện nhỏ ở Lào. Ông học tiếng Lào. Ông yêu mến người Lào. Người Lào tin tưởng và yêu mến ông. Ông huấn luyện một số người làm y tá và điều dưỡng viên để chăm sóc bệnh nhân.

   Một ngày kia Bác sĩ Tom khám phá ra ông bị bệnh ung thư. Ông biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông làm việc nhiều hơn để giúp những người đau ốm. Ông dâng hiến đời mình cho Chúa Ki tô. Ông mất năm 1961 khi được 34 tuổi.

   Nhân dân Lào và Việt nam ca ngợi lòng can đảm và thương người của ông. Hải quân và Quốc hội Hoa Kỳ đã tưởng thưởng huy chương đặc biệt cho ông. Ông là người Hoa Kỳ cao thượng và là một người Công giáo cao cả. Ngày nay Giáo hội Hoa kỳ đang vận động để xin phong thánh cho ông."

Sưu tầm


Bác sĩ trở thành nữ tu

Cô Bác sĩ Sheila Cassidysau 4 năm hành nghề tại Chí Lợi, Nam Mỹ và sau 2 tháng bị tù, bị tra tấn dã man, đã tìm được ý nghĩa cuộc đời phục vụ và quyết định vào tu dòng Thánh Tâm

Cô năm 1971 từ giã Anh quốc tới lập nghiệp tại Chí Lợi. Theo cô, mục đích là để nổi danh, nhưng những thối nát của chính phủ, cảnh đói khổ, thiếu thốn thuốc men… của dân chúng, những kinh nghiệm cuộc sống đã biến đổi cô. Cô không hám danh nữa chỉ còn muốn phục vụ

Đêm 31.10.1975 cô bị cảnh sát Chí Lợi bắt khi cô đang săn sóc cho một sơ đang ốm. Bị buộc tội cấp cứu cho cộng sản, cô bị tra tấn dã man, bị điện giật… cô đã suy nghĩ nhiều: đời tu sẽ là đời cho đi tất cả, giống như một tấm ngân phiếu trống đã được ký tên. Tôi dâng đời tôi cho Thiên Chúa. Tôi nhận tất cả những gì Chúa muốn tôi làm. Tôi chỉ muốn  theo ý ngài. Không điều kiện. Nếu tương lai Chúa muốn tôi tiếp tục nghề Bác sĩ, tôi rất thích. Nếu Chúa muốn khác, tôi vui nhận."

Sưu tầm


Bán mắt cứu con

Sau đây là chứng từ của một linh mục người Ý chuyên săn sóc những người nghiện xì ke ma tuý. Cha thuật lại:

Một hôm một người cha có đứa con gái nghiện ma tuý đến gặp tôi. Ông khóc nức nở và nói:

- Thưa cha, xin cha giúp con với, đời con kể như tàn rồi, con không biết phải làm sao bây giờ nữa!

Nghe thế tôi tìm cách khuyên nhủ ông đừng thất vọng và nói:

- Ông đừng quá lo. Người ta sẽ tìm được nhiều phương pháp giúp giới trẻ ngày nay cai nghiện xì ke và làm lại cuộc đời.

Nhưng người cha đau khổ ấy ngắt lời tôi:

   - Không, thưa cha, trường hợp đứa con gái của con kể như là vô phương cứu chữa, con không còn hy vọng gì nữa.  Đã ba tháng rồi con không gặp nó, con không biết nó ở Đâu bây giờ. Có lẽ một ngày gần đây con sẽ nhận được tin, người ta tìm thấy nó nằm chết dưới vỉa hè phố hoặc trong cái xó xỉnh nào đó.

Tôi hỏi ông:

   - Nhưng mà cho đến nay ông đã tìm cách chạy chữa cho nó chưa?

   - Thưa cha, chúng con đã thử mọi cách.  Trước hết chúng con đưa nó vào nhà thương tư mặc dù tốn bao nhiêu tiền của.  Rồi sau đó lại có vụ nó bị ra toà, vì người ta tìm thấy trong túi của nó có ba gói nhỏ đựng bạch phiến, và người ta đòi lên án nó vì tội buôn bán ma tuý. Con phải bán cả của cải để trang trải các chi phí.  Vậy mà chúng con vẫn còn mang công mắc nợ, nào là tiền Bác sĩ, nào là tiền luật sư, tiền trả án phí.  Tệ hơn nữa là chúng con mất mặt với hàng xóm láng giềng đến độ chúng con không dám bước ra khỏi nhà nữa.  Quả là cơ cực, và chúng con không còn đủ sức để chiến đấu nữa.  Giờ đây con đến xin cha một lời khuyên.

   Nói đến đây người cha ngập ngừng.  Tôi khuyến khích ông ta và nói rằng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp ông, xin ông an tâm. Người đàn ông nói:

   - Thưa cha, con nghe nói ở Thuỵ sĩ có những nhà thương chữa mắt, họ sẵn sàng trả những số tiền lớn cho những ai chịu bán mắt của mình, để họ ghép cho những bệnh nhân giầu có.  Ở Italia này luật pháp cấm bán mắt như vậy, nhưng bên Thuỵ sĩ con có thể bán một mắt của con hoặc bán một trái thận để cứu đứa con gái của con. Con không thể để nó chết như vậy được.

   Nghe đến đây tôi xúc động mãnh liệt. Tôi cố an  ủi người cha đau khổ ấy và nói với ông:

- Thật ra đến nay ông đã làm quá nhiều cho con cái rồi, ông hãy để kệ nó, nó tới tuổi trưởng thành rồi và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành động của nó.

Người đàn ông ngắt lại lời tôi:

- Vâng, thưa cha nó trưởng thành về phương diện pháp luật, nhưng ma tuý đã tàn hại nó, làm  cho nó không còn chịu trách nhiệm luân lý về những việc nó làm nữa. Đối với con, nó vẫn còn là đứa trẻ con chưa tự chủ được.

   Tôi đáp:

   - Nhưng tôi thấy nó không xứng đáng đối với sự hy sinh mà ông định dành cho nó.

   Người cha đau khổ nói thêm:

   - Con  không biết nó có xứng đáng hay không, con chỉ biết nó là con gái của con và con không thể bỏ rơi nó được! Chính con đã sinh ra nó và con sẵn sàng hy sinh mạng sống của con để cứu nó!

   Nghe đến đây tôi xúc động tột độ, không nói lên lời, trước người cha sẵn sàng hiến con mắt mình để cứu với đứa con gái sa đoạ đã phá huỷ hạnh phúc của chính ông và gia đình ông. Quả thực, tình  yêu này là phản ánh tình thương của chính Chúa, Đấng đã hạ mình xuống thế làm người và tự hiến mình trên thập giá để mang lại sự sống cho chúng ta.

   Câu chuyện trên đây, thuật lại trong cuốn sách “Những vị thánh không có hào quang” do Cha Alexandia biên soạn, dừng lại chỗ đó. Người ta không biết sau cùng người cha kia có bán mắt và cứu thoát được đứa con gái của ông hay không. Nhưng truyện này không khỏi làm cho người đọc suy nghĩ.

   Quả thực vị linh mục đã có lý khi ví tình thương của người cha đau khổ dành cho đứa con gái hoang đàng của ông với tình yêu thương bao la của Chúa đối với loài người tội lỗi. Chính vì để cứu nhân loại khỏi hư mất đời đời mà TC đã từ trời cao sinh xuống trong hang đá nghèo hèn và hiến mạng sống để cứu chuộc và dẫn đưa nhân loại về với Ngài.

   Ngày hôm nay Thiên chúa vẫn tiếp tục đến với ta, vẫn tiếp tục hiến thân để cứu ta. Mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình yêu thương của Ngài?"

Sưu tầm