Truyện Minh Hoạ - Hy Sinh

Truyền Giáo

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: "Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"

Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?". Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.

Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.

Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?

Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.

Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện... Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội... Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.

Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.

Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.

Sưu tầm


Khác Biệt Giữa Ngày Và Ðêm

Một vị đạo sĩ Ấn Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: "Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?"

Một người đệ tử trả lời như sau: "Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể nói: đó là con bò hay con ngựa".

Câu trả lời trên đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào...

Người đệ tử thứ hai mới lên tiếng nói: "Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa và ta có thể nói nó là cây xoài hay cây mít".

Vị đạo sĩ cũng lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau: "Khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người anh em của ta trong người đó thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi".

Ngày 25 tháng 12, lễ Thần Mặt Trời của dân ngoại đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu Ðêm đã tàn và Ngày Mới bắt đầu.

Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy và khai mở ngày mới trong đó người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa.

Quả thực, chỉ trong Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ. Trong đêm tối âm u của khước từ Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu. Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người nhận dạng được chính mình cũng như nhìn thấy người anh em của mình.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn.

Sưu tầm


ĂN THỊT MẸ

Trời mưa, gió lạnh, bao nhiêu người đang chạy bán sống bán chết. Trong đó có 1 người mẹ trẻ ôm đứa con tỵ nạn từ Kontum về Nha Trang. Càng chạy súng đạn càng đuổi theo sát sau lưng. Bao nhiêu người chết. Chết vì trúng pháo kích, chết vì mất trật tự khi chạy tán loạn nên giầy xéo lên nhau. Chết vì đói khát. Chạy mấy ngày đàng đoàn người sống sót dừng chân trong khu vườn vì mọi người đều mệt lả.

Đứa con thơ trong tay người thiếu phụ khóc thét rồi bỗng dưng thều thào trong hơi thở:

Mẹ! mẹ! cho con ăn thịt.

Người mẹ trẻ ghì chặt con vào lòng, đôi mắt trào tuôn lệ sầu, bà trả lời như người mất hồn:

Ừ, ừ, con nín đi, mẹ thương, mẹ nướng thịt cho con ăn.

Bà gửi con cho một người ngồi tựa ở gốc cây rồi hối hả chạy vào rừng, cây cối chằng chịt… một lúc sau, bà trở về có mùi thịt nướng thơm phức. Bà chưa kịp xé thịt cho con ăn thì ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Bà đã tự cắt thịt tay mình để đem nướng cho con ăn.

Lời thánh Bênađô: “Theo Mẹ, bạn không lạc đường, kêu xin mẹ, bạn không nếm mùi thất bại, mẹ nâng đờ bạn không thể vấp ngã. Mẹ phù trì, bạn sẽ được an toàn: Ai tìm được Mẹ là tìm được sự sống”

Sưu tầm


BÀI TOÁN VÀ BÀ MẸ.

Đang giờ dạy toán trong lớp tiểu học, cô giáo hỏi:

John, giả sử mẹ em làm bánh và gia đình có 10 người, cha, mẹ, và 8 anh em. Vậy em được bao nhiêu phần bánh?

Em trả lời:

Thưa cô, một phần chín

Cô giáo nói:

Này john, em để ý nhé. Có tất cả 10 người cơ mà. Em không nhớ phần số à?

Em bé đáp:

Thưa cô, em biết phân  số chứ, nhưng em cũng biết mẹ em nữa. Chắc chắn mẹ em sẽ nói là mẹ em không ăn."

Sưu tầm


BẢN CHÚC THƯ

Luther King - Yêu thương

   Trong quyển nhật ký của ông, mục sư Martin Luther King người đã xả thân tranh đấu cho dân da đen tại Hoa Kỳ, đã viết những dòng sau đây:

   “Tôi rất hãnh diện, nếu ngày tôi qua đời ai đó sẽ kể lại rằng Martin Luther King là người đã cố gắng sống và yêu thương.

   Ngày đó tôi mong muốn các bạn sẽ có thể nói rằng tôi đã cố gắng sống cho công lý, rằng tôi đã đồng hành với những ai thực thi công lý, rằng tôi đã dấn thân để mang lại cơm bánh cho người đói khổ, rằng tôi đã cho kẻ rách rưới áo mặc. Tôi ước mong ngày đó các bạn sẽ nói rằng tôi đã ân cần thăm viếng những người tù tội và yêu thương phục vụ mọi người.

   Nếu các bạn muốn, các bạn hãy nói rằng tôi là người đã tranh đấu cho công lý, hoà bình và bình đẳng. Còn tất cả những thứ khác, như giải thưởng Nobel  hoà bình năm 1964 chẳng hạn, đều không có gì quan trọng cả. Tôi không có tiền bạc để lại khi tôi ra đi. Tất cả những gì tôi muốn để lại chỉ là một cuộc sống hy sinh.

   Nhưng đây là điều tôi muốn nói với các bạn: Nếu tôi đã có thể giúp đỡ một người nào đó, nếu tôi đã chứng tỏ cho một người nào đó thấy rằng người ấy đang làm một chọn lựa sai lầm, thì lúc đó cuộc sống của tôi không vô ích. Nếu tôi chu toàn được những bổn phận của một Tín hữu Kitô , nghĩa là mang lại ơn cứu rỗi cho trần gian, quảng bá sứ điệp của Thầy chí thánh, thì quả thực tôi đã không sống một cuộc đời vô ích”."

Sưu tầm


BÁN TUỔI TRẺ VÀ TUỔI GIÀ.

   Hai người gặp nhau ở chợ.

   - Ông bán gì thế? Một người hỏi.

   - Sụ thông thái và kèm theo tuổi già, người thứ hai đáp. Còn cậu bán gì?

   - Tuổi trẻ, kèm theo sự nông nổi?

   - Đúng  là thằng ngốc! Người thứ nhất nghĩ thầm. Ai cần sự nông nổi của nó?

   Họ bày hàng ra giữa chợ.

   Sự thông thái lập tức được mọi người chú ý nhưng vì bán kèm theo tuổi già nên không ai muốn mua.

   Còn tuổi trẻ bán được ngay, mặc dù nó kèm theo sự nông nổi. Ai cũng muốn trở thành thông thái, nhưng lại không muốn tuổi già.

   Thanks be to God"

Sưu tầm


Chim Cãi Nhau

Một người đi săn chim giăng lưới trong rừng và bẫy được đủ thứ chim : nào quạ , nào sáo , nào bồ câu. Bầy chim bàn với nhau :

Ta tham mồi nên bị mắc bẫy. Giờ ta hãy tìm cách thoát khỏi đây.

Tất cả mọi người hãy cố đồng tâm nhất trí thì may ra sẽ thoát được.

Bầy chim nghĩ mãi , nghĩ mãi và đã nghĩ ra được kế.

Giờ thì ta cùng nhất loạt cất cánh bay thử xem , may ra nâng được lưới lên. Tất cả nói :

Mà đúng thế , bầy chim đồng loạt cất cánh , nâng được lưới và bay lên.

Người săn chim thấy lưới cùng với bầy chim bây lên , lấy làm lạ , chạy đuổi theo.

Phía trên là chim bay trong lưới , phía dưới là người săn chim đuổi theo.

Anh ta vừa chạy vừa nghĩ bụng :

trong lưới có nhiều loại chim , rồi chúng sẽ cài nhau cho mà xem. Mà hễ cãi nhau thì không thể bay nhanh được nữa , lưới sẽ kéo chúng xuống đất.

Quả như vậy!!

Lúc đầu bầy chim còn đoàn kết với nhau tha lưới đi , nhưng được một chốc đã bắt đầu cãi nhau chí choé.

Lũ quạ quang quác :

Chẵng ai cố gắng bằng lũ quạ chúng tôi. Niếu chúng tôi lười như các anh thì lưới và tất cả đã rơi xuống đất lâu rồi.

Lũ bồ câu nghe xong nổi giận :

Thôi im cái mồm đi. Các anh đừng khoác lác nữa. Chúng tôi còn cố gắng hơn các anh !

Những con chim khác cũng châu lại cãi nhau.

Hết con này đến con khác nói.

Khi sự đoàn kết nhất trí bị sứt mẻ thì công việc khó trôi chảy.

Bầy chim cãi nhau và chẳng con nào chịu khó bay , tất cả chỉ vỗ cánh hờ hờ cho xong chuyện.

Thế là lưới sa ngay xuống đất.

Người săn chim chạy lại nắm lấy sợ dây và kéo lưới về phía mình.

Sưu tầm


An phận

Một con lừa chủ nghề bán cỏ,
Hừng sáng, đến tận ngõ giao hàng,
Mối mang đông đảo rộn ràng,
Ðường xa, dậy sớm, mọi đàng mới xong.
Lúc ra đi gà chưa gáy sáng,
Bận công việc đến mãn xế chiều,
Cỏ nhẹ, nhưng lượng quá nhiều,
Lắm khi mỏi mệt, muốn liều quyên sinh.
Nó tủi thân, thở than số phận,
Cớ sao quá lận đận, lao đao,
Cầu xin các Ðấng Tối Cao,
Hộ trì cứu giúp thoát bao nhọc nhằn.
Lừa cầu xin Vị Thần Ðịnh Mạng
Nhân từ xét tình trạng hiện nay,
Cho phép vận số đổi thay,
Gặp một chủ khác, mong ngày đẹp tươi.
Thần Ðịnh Mạng động lòng trắc ẩn,
Muốn giúp Lừa thay vận đổi thời
Cho phép giúp việc một nơi,
Chủ: người bán cá, thảnh thơi ít nhiều.
Lừa tri ân Vị Thần rối rít,
Ơn tái tạo cảm kích vô ngần,
Từ đây mạng số định phân,
Siêng năng làm việc, ân cần chăm lo.
Chẳng bao lâu bắt đầu than thở,
Cá tanh hôi, chuyên chở nặng nề,
Lại thêm bụng đói ủ ê,
Xưa còn lượm lặt mọi bề cỏ rơi.
Nó bạo dạn khấn thần Ðịnh Mạng,
Cúi xin Ngài gia hạn ơn xưa:
Thay thời, đổi vận, đẩy đưa,
Ban chỗ làm mới cho vừa khả năng.
Thần Ðịnh Mạng hiện ra bất mãn
Trước đòi hỏi quá đáng, ngông cuồng,
Vì lỡ nên Ngài giúp luôn:
Chọn Lừa chủ khác: người buôn than hầm
Sau thời gian sống theo chủ mới
Lừa than thầm thấu tới tai Thần:
“Công việc nặng nhọc muôn phần,
Chở than, kéo gỗ, tảo tần nát thây!
“Tương đối sánh trong ba nghề ấy,
Chở cỏ là phe phẩy nhất đời,
Lại thêm có cỏ để xơi,
Thời gian chở cỏ là thời vàng son.”
Thần Ðịnh Mạng hiện ra nổi giận,
Tặng cho Lừa một trận tơi bời: “
Kiếp sống nào phải trò chơi
Ðể người hưởng thụ, nghỉ ngơi , đua đòi?
Ngươi tưởng chừng thế gian nầy chỉ
Có ngươi thôi, để quỷ thần lo?
Quả đất nào phải cái kho
Chứa sẵn của cải để cho người dùng?
Muốn sống phải gian lao, khổ nhọc,
Siêng làm việc, ráng học và hành,
Chấp nhận hoàn cảnh Trời dành,
Với những cay đắng, đấu tranh không ngừng.
Mọi người đều tỏ ra chán nản,
Ước sống lại dĩ vãng đã qua,
Không vui hoàn cảnh tạo ra,
Mải dệt ảo ảnh thiết tha, điên cuồng.
Nên nhớ: hiện tại là sự thật,
Ngoài nó ra, đều trật, đều sai!
Quá khứ lẫn cả tương lai
Toàn là mộng ảo canh dài đêm đông!
Ta không thể nuông chìu ngươi mãi,
Hãy bằng lòng hiện tại của ngươi,
Dù đau khổ, ráng gượng cười
Kiếp sống nào phải để ngươi nô đùa ?"

La Fontaine


CÂY RA HOA

Cô chủ nhỏ có một  chậu cây xương rồng Bát Tiên đặt ngoài vườn. Đêm sương rơi lạnh giá. Ngày nắng tưới lửa nung. Sáng gió lùa tàn bạo. Chiều mưa dội ngút ngàn.

Cô chủ nhỏ thấy cây hoa xương rồng Bát Tiên phải chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt như vậy thì thương quá sức. Tội cây quá đi thôi ! Cô chủ nhỏ thương cây, sợ cây đau cây héo nên bế cây vào nhà đặt trên giá trong phòng khách. Ở trong nhà, không sương không nắng, không gió không mưa, thật đúng là:

“Mưa không đến mặt

Nắng không đến đầu !”

Tháng ngày dần trôi qua, cây xương rồng Bát Tiên càng lúc càng èo ọp, càng xấu xí đi. Cô chủ nhỏ thấy cây xấu quá liền đem bỏ ra ngoài trời, mặc cho gió mưa sương nắng.

Một thời gian sau, khi đi dạo mát trong vườn, cô chủ nhỏ bỗng ngạc nhiên khi trông thấy chậu hoa xương rồng Bát Tiên xấu xí đặt trong phòng khách ngày nào giờ đã trổ sinh những bông hoa đỏ tươi rực rỡ trông rất xinh đẹp.

Ô, vậy là cô chủ nhỏ hiểu rồi !  Khi cuộc đời quá ư dễ dàng suôn sẻ thì cây không thể đơm hoa kết nụ nhưng khi phải ở trong những điều kiện khó khăn khắc nghiệt thì cây xương rồng mới trổ sinh những bông hoa rực rỡ đẹp tươi.

Cuộc đời chúng ta cũng vậy. Nhiều khi ở trong những điều kiện khó khăn eo hẹp, chúng ta mới có được hoa trái tuyệt vời, đáng khâm phục hơn là trong bầu khí tự do dễ dãi.

Chớ gì khi chúng ta gặp những nghịch cảnh hay phải ở trong những điều kiện khó khăn ngặt nghèo, chúng ta hãy nghĩ đến cây xương rồng Bát Tiên này mà cố gắng vươn lên cao hơn, xa hơn, mạnh hơn và tươi đẹp hơn, xứng đáng hơn.

Đêm sương rơi lạnh giá.

Ngày nắng tưới lửa nung

Sáng gió lùa tàn bạo

Chiều mưa dội ngút ngàn

Điều kiện càng nghiệt ngã

Hoa xương rồng càng xinh

Cuộc đời càng gian khó

Kết quả càng rạng ngời.

Nguyễn Ngọc Phi


HẠT CƯỜM TRÀNG HẠT

Có một hộp hạt cườm trong đó các hạt cườm nằm với nhau và chúng tâm sự với nhau, thổ lộ cho nhau nghe về mộng ước của mình.

Hầu như tất cả các hạt cườm đều mong muốn mình được làm nên những đồ trang sức thật đẹp, thật tinh xảo, diễm lệ để cho các bà, các cô đeo cho đẹp tươi hơn, xinh xắn hơn, dung nhang lung linh hơn, kiều diễm hơn.

Các hạt cườm lần lượt được làm nên những đồ trang sức rất đẹp, rất dễ thương, quyến rũ. Cái thì được làm thành vòng đeo tay xinh xắn, cái thì được làm thành dây chuyền đeo cổ long lanh, cái thì được làm nên vòng đeo chân lấp lánh, cái thì được làm nên dây chuyền đeo nơi áo khêu gợi… Riêng một số hạt bị đưa đi làm tràng chuỗi Mân Côi để cô chủ nhỏ lần hạt.

Các hạt cườm bị đưa đi làm nên cỗ tràng hạt buồn bã vô cùng vì mộng ước bao năm qua ấp ủ nâng niu và mong đợi thế mà giờ đây đã vỡ tan như bọt bong bóng xà phòng.

Quả thật “đời không như ước mơ”.

Các hạt cườm làm tràng chuỗi khóc lóc than van thật thảm thiết:

- Ôi, thật là bất công ! Thật là bất công !

Mong thành trang sức long lanh

Ai ngờ xui xẻo mong manh cuộc đời !!!

Tháng năm tiếp nối nhau đi mãi, đi mãi. Thời gian cứ thế nối gót nhau trôi qua. Ngày nối tiếp ngày, đêm theo gót đêm, cô chủ nhỏ tối nào cũng đều dùng tràng chuỗi để lần hạt. Trước mỗi khi lần hạt và sau mỗi lần đọc kinh, cô chủ nhỏ đều trân trọng nhẹ nhàng hôn kính chuỗi tràng hạt.

Giờ đây, các hạt cườm làm nên chuỗi tràng hạt mới cảm thấy hạnh phúc, sướng vui và may mắn hơn tất cả các hạt cườm khác bởi vì mình được dùng làm nên chuỗi tràng hạt. Trong khi đó các hạt cườm làm nên đồ trang sức khác thì có bao giờ được cô chủ nhỏ âu yếm hôn kính hằng ngày đâu.

Biết rõ ràng như thế rồi, các hạt cườm làm nên tràng chuỗi Mân Côi cứ luôn miệng ca vui mãi:

Mong thành trang sức long lanh

Ai ngờ may mắn cao sang nhất đời !!!

 Đời người cũng giống như những hạt cườm vậy. Nhiều khi chúng ta ước mong mình sẽ được trở nên ông này bà nọ mới mong góp mặt với nhân tình thế thái, mới mong có vị thế trong cuộc đời, nhưng ước mơ vẫn mãi chỉ là ước mơ. Thực tế, chúng ta vẫn luôn mãi là con người rất bình thường dung dị.

Đôi khi ngẫm nghĩ lại thì cảm thấy buồn man mác vì những ước mơ không thành. Nhưng Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài và mỗi một người trong chúng ta luôn luôn là người có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa và luôn luôn được Thiên Chúa ôm ấp yêu thương trong vòng tay tràn đầy tình ái của Ngài.

Khi nhận thức được điều này rồi thì chúng ta hãy hân hoan vui mừng mà tri ân, cảm tạ Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời.

Chúa vẫn mãi yêu con

Dù con không xứng đáng

Tình Chúa yêu ngút ngàn

Làm sao con đền đáp.

Trọn đời tri ân Chúa

Trọn đời ca khen Ngài

Dù đời bao cay đắng

Dù đời lắm chông gai.

Nguyễn Ngọc Phi


CON LẠC ĐÀ

Một câu chuyện dân gian Ả-rập kể rằng anh chàng chủ cối xay nọ lần kia đang ngủ thiu thiu, bỗng giật mình vì trông thấy một con lạc đà chỏ mũi vô cửa sổ phòng mình.

“Trời lạnh quá” – lạc đà rên rỉ – “xin ông cho phép tôi trú nhờ cái mũi của tôi thôi!”

Anh đồng ý.

Lát sau, con lạc đà năn nỉ chui thêm cái cổ vào bên trong cửa.

Anh đồng ý.

Lạc đà lại tiếp tục nằn nì. Và nó cứ chui dần, chui dần vào bên trong. Cuối cùng, nó lọt hẳn vào, đứng chình ình trong phòng. Anh chàng chủ cối xay bắt đầu cảm thấy bực dọc với sự có mặt của ‘vị khách không mời’. Vả lại, căn phòng quá nhỏ, không đủ chỗ cho cả hai.

“Này ông, “ – lạc đà nói – “Nếu ông khó chịu vì sự chật chội này, ông cảm phiền đi chỗ khác. Còn tôi, tôi sẽ ở đây.”

Sưu tầm