Truyện Minh Hoạ - Hy Sinh

Hy sinh

Đó là một tối mùa đông lạnh buốt xương. Một thầy khổ tu lỡ đường hỏi xin trú nhờ trong một đền thờ.

Vị tư tế đền thờ thấy con người tội nghiệp ấy đứng run rẩy trong gió tuyết, ông hơi lưỡng lự, song cuối cùng ông nói: “Được, thầy có thể trú lại đây, nhưng chỉ qua đêm thôi đấy nhé. Thầy biết đó, đây là một đền thờ, không phải một nhà tế bần. Sáng mai xin thầy vui lòng ra đi.” ...

Trong bầu khí tĩnh mịch của đêm tối, vị tư tế nghe những âm thanh răng rắc rất lạ. Ông bật dậy, chạy sang đền thờ và không thể tin vào mắt mình: Người khách lạ đang ngồi sưởi ấm bên đống lửa mà ông ta tự nhóm lên giữa đền thờ. Một pho tượng Phật bằng gỗ đã biến mất. Vị tư tế hỏi: “Pho tượng đâu rồi?”

Người khách đưa tay chỉ vào đống lửa, rồi nói: “Tôi nghĩ cái lạnh khủng khiếp này có thể làm tôi chết cóng.”

Vị tư tế la lên: “Ông điên rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Đó là Đức Phật. Ông đã đốt cháy mất Đức Phật rồi!”

Ngọn lửa hạ từ từ hạ xuống. Người khách đăm đăm nhìn đống lửa, rồi bắt đầu cời nó với chiếc gậy của mình.

“Ông lại làm gì đó vậy?” Vị tư tế hét lên.

“Tôi đang tìm kiếm xương của Đức Phật mà ngài bảo rằng tôi vừa mới thiêu.” 

 Sau đó, vị tư tế kể lại câu chuyện cho một thiền sư. Thiền sư nhận định: “Ông là một tư tế tệ hại, bởi vì ông quí một Đức Phật chết hơn là một con người sống.”  

Anthony De Mello, S.J


Kinh Phật

Tetsugen, một môn sinh của Thiền, quyết tâm thực hiện một công việc vĩ đại: in bảy nghìn bản kinh Phật để phổ biến – số là cho tới thời bấy giờ, ở xứ sở của ông chỉ có những bản kinh Phật bằng chữ Hán.

Ông đi ngược đi xuôi khắp nước Nhật để quyên góp, chuẩn bị ngân sách cho dự án này. Một số người giàu có đã tặng ông hàng trăm đồng vàng; nhưng phần lớn số tiền ông nhận được là những đồng cắc của các nông dân nghèo. Tetsugen bày tỏ lòng biết ơn như nhau đối với mọi nhà hảo tâm; ông không phân biệt số lượng tiền người ta trao cho mình ít hay nhiều.

Sau mười năm cố công quyên góp, cuối cùng ông tích lũy được số tiền cần thiết để thực hiện công việc của mình. Đúng lúc đó, sông Uji tràn bờ, gây ngập lụt khủng khiếp. Hàng ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất, không có cơm ăn nước uống. Tetsugen sử dụng tất cả số tiền mà mình vừa quyên góp được để giúp đỡ những nạn nhân đáng thương kia.

Rồi, ông lại bắt đầu quyên góp cho dự án chưa thành của mình. Ông lại phải mất mấy năm mới có được số tiền mình cần. Đột nhiên, một cơn dịch bệnh lan tràn trên khắp nước; thế là Tetsugen lại chi tất cả số tiền đó cho việc cứu trợ.

Một lần nữa, ông cất bước lên đường đi quyên góp ... Sau hai mươi năm, giấc mơ của ông về những bản kinh bằng tiếng Nhật mới được thực hiện.

Bản khắc để in những quyển kinh đầu tiên này hiện còn trưng bày tại Tu viện Obaku ở Kyoto. Và các bậc phụ huynh Nhật Bản nói với con em họ rằng Tetsugen đã làm tất cả ba bản kinh, hai bản đầu là hai bản vô hình – nhưng giá trị vượt xa một trời một vực so với bản thứ ba.

Anthony De Mello, S.J


BÀ GÌA VÀ CỦ HÀNH

Bà già ấy rất ác đức và đanh đá. Cả đời bà chẳng có một hành động nào tốt lành. Bà chết, quỉ đến lôi bà đi và quăng bà xuống biển lửa cháy phừng phừng. Thiên thần bản mệnh của bà đứng lặng nhìn, xót xa, buồn thiu. Cuối cùng, nảy ra một ý, thiên thần tức tốc bay về yết kiến Chúa và thưa:

“Lạy Chúa, con sẽ không bao giờ hạnh phúc được nữa vì con đã đánh mất người phụ nữ mà Chúa đã ủy thác cho con. Chẳng lẽ không còn cách nào cứu bà ấy được hay sao, hả Chúa?”

Chúa trả lời:

“Nếu ngươi tìm ra được dù chỉ một việc lành nhỏ nhoi mà bà ấy đã làm lúc sinh thời, thì Ta sẽ cứu bà ấy.”

Thiên thần liền lật lại tất cả các sổ sách ghi lại cuộc sống của bà già, và đây là điều tốt lành duy nhất của bà mà Thiên Thần kiếm được: Cách đây lâu lắm rồi, có lần bà đã nhổ một củ hành trong vườn mình, ném cho một phụ nữ ăn mày rách rưới để tống khứ chị ấy như tống một của nợ rầy rà. Thiên thần trở lại gặp Chúa và báo cáo về điều mình tìm thấy được.

Chúa nói:

“Đúng là một hành động không tốt bao nhiêu. Nhưng dù sao đi nữa, ngươi cứ dùng chính củ hành đó thòng xuống cho bà ta bám vào và kéo bà ta lên khỏi biển lửa.”

Thiên thần làm theo lời Chúa bảo, thòng củ hành xuống cho bà già và kêu lên:

“Này bà già ơi, hãy bám vào đây để tôi kéo bà lên!”

 Bà già nhanh nhẩu chụp lấy củ hành và thiên thần bắt đầu kéo bà lên khỏi biển lửa. Nhưng ngay lập tức, những người khác trông thấy, ào tới nắm lấy chân bà để được kéo lên theo. Bà đạp mạnh, vừa hất văng những người kia ra, vừa hét lớn:

“Tôi được kéo lên chứ không phải các người. Đó là củ hành của tôi chứ không phải của các người!”

Vừa khi bà nói hết câu, củ hành đứt làm đôi, bà lại rơi tõm xuống biển lửa. Thiên thần đành lắc đầu, bỏ đi. Chẳng còn cách nào khác!                

Tác giả Lê Công Đức, Lm. (Dịch)


THỜI GIAN

Người Mông Cổ có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một hôm, con Phượng hoàng hỏi con Quạ:

Này anh Quạ, tại sao anh sống trên cõi đời này đến 300 năm, còn chúng tôi chỉ có 33 năm thôi. Con Quạ hỏi ngược lại:

- Thế sao cô bạn chỉ uống máu tươi, còn chúng tôi phải sống bằng xác chết?

Con Phượng hoàng nghĩ ngợi hay là chúng ta hãy thử ăn xác chết như loài quạ cho biết. Thế là cả hai cùng bay lượn để tìm mồi. Thấy một con ngựa chết thối, cả hai liền lao mình xuống. Con quạ như trúng số, nó ăn lấy ăn để một cách ngon lành. Con Phượng hoàng cũng làm theo, nó mổ một cái rồi dừng lại, nó lại thử một lần nữa nhưng lắc đầu bảo quạ:

- Này anh quạ, tôi không thể tiếp tục được, thà một lần được uống máu tươi còn hơn phải 300 năm ăn đồ hôi thối.

Sưu tầm


VUA PHỔ AN VÀ 4 NGƯỜI BẠN.

- Hạnh Phúc, Bình an.

Có vị vua tên Phố An, kết bạn với 4 ông vua bên nước láng giềng. Một hôm vua Phố An mời 4 ông bạn sang nước mình hội yến. Tiệc hoa kéo dài đến 4 tháng, tiếng ca nhạc, thức ăn ngon, đã làm cho tình thân hữu càng thêm đậm đà, khăng khít. Đến ngày chia tay, vua Phổ An hỏi 4 bạn rằng: "Trên đời có thú chi vui nhất?" Bốn vị vua đều theo chỗ ưa thích, tuần tự đưa ra mấy điểm sau này: cuộc đạo chơi - gia đình xum họp - giàu sang - sắc dục.

Vua Phổ An nói: "Theo ý kiến tôi, những điều các ông bàn luận, đều là thú vui mong manh và nguyên nhân đau khổ, chỉ có đạo vô vi trong sạch là điều vui."

Phật nói: "Các thú vui trên đều là đường lối đi vào sự lo sợ, đau buồn, không phải hạnh phúc lâu dài, chân thật. Vì sao? Cảnh vật dù tươi đẹp trong mùa Xuân, nhưng sang Thu, Đông, phải tàn tạ, héo khô. Thân quyến tuy sum họp, vui cười, song có lúc sẽ dau khổ vì nỗi sinh ly tử biệt. Tiền của, ngựa xe là những vật không lâu bền và khi chết ta không thể đem theo. Đến như sắc dục là một mối nguy vô cùng, nó làm cho con người thân thể suy mòn, tinh thần mỏi mệt. Những cảnh hư nhà, mất nước phần nhiều từ đấy sinh ra. Tóm lại bao thú vui các ông vừa kể đã mong manh ngắn ngủi lại chính là nguyên nhân cho sự luân hồi đau khổ về sau. Chỉ có cảnh niết bàn là sáng suốt, trường tồn, an vui, trong sạch...

Sưu tầm


món quà giáng sinh

 Một đôi vợ chồng trẻ, Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng rất giàu tình thương đối với nhau. Giáng sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng. Nhưng nàng không có đủ tiền để mua. Vì thế nàng nẩy sinh một sáng kiến : Nàng có bộ tóc dài rất đẹp, nàng rất quý nó và rất hãnh diện vì nó. Nàng quyết định cắt ngắn bộ tóc và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.

 Hôm áp lễ giáng sinh, từ phố về, nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp đựng sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quý mái tóc dài của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn vì nàng cắt và bán nó đi hay không. Về tới nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp đựng món quà chàng mới mua cho nàng. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tỉnh, chàng trao cho nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém. Chính lúc đó Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quý nhất của anh, để mua lược chải tóc tặng nàng. Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau những gì quý giá nhất. Họ đã hy sinh tất cả cho nhau. 

Sưu tầm


indira tẦm đẠo

 Indira đến gặp đạo sĩ Makia và ngỏ lời : “Xin Ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôn thờ và một tôn giáo để sống theo”. Đạo sĩ Makia liền đưa Indira đến một tòa nhà rộng lớn nơi đó mỗi vị thần được dành cho một gian phòng riêng. Dừng chân đầu tiên trước tượng thần Batda, đạo sĩ giới thiệu : “Đây là vị thần sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới.” Nhưng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. Trước vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu : “Đây là nữ thần Sopha có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.” Nhưng Indira cũng lại xin đạo sĩ đi nơi khác. Cuối cùng, hai người đến trước một vị thần bị treo trên thập tự giá. Indira tò mò hỏi : “Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế ?” Đạo sĩ chậm rãi trả lời : “Đây là thần của những người kitô.” Với chút xúc động lộ trên mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để trở thành môn đệ của Đấng chịu treo trên thập tự. Đạo sĩ ngạc nhiên hỏi : “Này anh Indira, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần anh gặp lúc trước, một vị đề nghị cất hết mọi đau khổ, một vị đề nghị giúp tránh sự đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả. Tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của vị chết nhục nhã trên thập tự như thế ?” Indira giải thích : “Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là hứa suông vì người ta không thể nào cất đi những đau khổ. Và dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn và người ta cũng không thể nào tránh đau khổ được. Nhưng nhìn vào vị thần của người kitô chấp nhận đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm vui và an hòa sẽ trổ sinh trên thế giới này. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đấng chịu treo trên thập tự kia và muốn làm đồ đệ Ngài. Vậy xin đạo sĩ đưa tôi đến nơi người kitô sống để được trở thành người kitô”. Đạo sĩ dẫn Indira đến nhà thờ những người công giáo để xin lãnh bí tích rửa tội.

Khi vừa bước vào làng thì hai người đã nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây một nhóm người đang cãi lộn. Nơi khác có những kẻ như sắp đánh giết nhau. Nơi khác nữa thì nghe vẳng lại những lời tục tĩu vô lễ. Bảng ghi ”Coi chừng bị móc túi” được dán nơi công cộng. Indira hỏi đạo sĩ : “Đây là đâu vậy ?” Đạo sĩ trả lời : “Đây là làng của người công giáo.” Nghe thế, Indira vội vã nói : “Thôi, chúng ta hãy đi nơi khác. Tôi mộ mến và tin vào Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng tôi không muốn trở thành một người kitô nữa.

 Trích “Món quà giáng sinh”


CHÚ HEO VÀ CHỊ BÒ

Một người nọ thật giàu muốn gì cũng có. Tuy vậy ông không thấy hạnh phúc vì ông chỉ nhận được những cái nhìn soi bói, coi thường và khinh miệt của người khác. Ông tìm đến hỏi một người nổi tiếng khôn ngoan : “Tại sao người ta lại coi thường và khinh miệt tôi cho tôi là kẻ keo kiệt bủn xỉn ? Người ta đâu biết rằng sau khi chết, tôi sẽ hiến tất cả gia tài của tôi cho người nghèo và cho công việc từ thiện”. Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu chuyện nhỏ như sau : một chú heo than thở cùng chị bò cái : “Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Thế mà tại sao họ thân thiện với chị mà xa lánh tôi ?” Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò cái trả lời : “Thịt chúng ta chỉ cống hiến cho loài người khi chúng ta chết. Còn bây giờ có lẽ tại tôi hiến cho họ sữa lúc tôi còn sống nên họ quý mến tôi hơn đấy chăng.”

Trích ”Món quà giáng sinh”


CHỖ Ở CỦA CHUỘT

 Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự : “Tôi sống chui rúc dưới gầm một tòa giải tội. Nhưng chẳng được yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi.” Nghe thế, con chuột kia nói : “Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm.” Ô thế bạn ở đâu vậy ?” “Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo.”

 Trích “Món quà giáng sinh”


vỊ thánh là ai ?

 Ngày kia một em bé theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai mẹ con đi qua một thánh đường nguy nga. Em bé ngước nhìn thánh đường rồi đưa tay chỉ mẹ và nói : “Mẹ xem kìa, những cửa kính màu bám đầy bụi, trông chả đẹp tí nào.”

 Bà mẹ không nói gì, nhưng lại nắm tay con dẫn vào bên trong thánh đường. Từ bên trong thánh đường nhìn ra, những cửa kính dơ bẩn xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc tuyệt đẹp. Em bé ngạc nhiên mở to mắt nhìn. Em thích thú đặc biệt khi ngắm nhìn 4 vị thánh trên cửa kính sau bàn thờ đang rực rỡ chói lòa nhờ ánh mặt trời chiếu thẳng qua.

 Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ cô giáo hỏi : “Các em có biết vị thánh là ai không ?” Trước câu hỏi bất ngờ, cả lớp đều thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào nhà thờ hôm trước giơ tay xin trả lời. Em nói : “Thưa cô, vị thánh là người được ánh sáng mặt trời chiếu qua.”

Trích “Món quà giáng sinh”