Truyện Minh Hoạ - Hạnh Phúc

Anh trai

Nhân dịp lễ Giáng sinh, Paul được anh trai tặng một món quà tuyệt vời - một chiếc ô tô. Một ngày trước lễ Giáng sinh, Paul vừa ra khỏi văn phòng thì thấy một cậu bé đang đi vòng quanh chiếc xe với vẻ mặt rất ngưỡng mộ. "Ðây là xe của anh à?", cậu bé hỏi. Paul gật đầu: "Anh trai tớ tặng nhân dịp Giáng sinh đấy!". Cậu bé lấy làm kinh ngạc: "Thế có nghĩa là anh trai anh cho chiếc xe này và anh không phải trả một đồng nào? Ôi, giá mà em...", cậu bé ngập ngừng, "... giá mà em được là người anh như vậy". Paul nhìn cậu bé một cách đầy ngạc nhiên, và trong phút bốc đồng, anh nói: "Cậu có muốn đi chơi một chuyến trên chiếc xe của anh không?". "Ồ vâng, em rất sẵn sàng".

Sau một lúc đi lòng vòng, cậu bé quay sang với đôi mắt ngời sáng: "Anh ơi, anh có thể lái xe tới thẳng nhà em được không?". Paul mỉm cười. Anh nghĩ cậu bé muốn cho những người hàng xóm thấy cậu về nhà trên một chiếc xe ô tô sang trọng. Nhưng một lần nữa Paul lại nhầm. "Anh đỗ lại ở chỗ hai bậc thang này nhé" - cậu bé đề nghị. Cậu chạy lên các bậc cầu thang. Một lúc sau Paul nghe thấy tiếng cậu quay trở lại, nhưng không vội vã như lúc trước. Cậu bé bế theo một đứa em tàn tật, đặt em ngồi xuống trên những bậc cầu thang, quàng tay âu yếm qua vai chú bé và chỉ vào chiếc xe: "Ðấy, nó đấy, giống như những gì anh đã nói với em lúc trước. Anh trai anh ấy tặng nhân dịp Giáng sinh và anh ấy không phải trả một đồng nào. Một ngày nào đó anh cũng sẽ tặng em một chiếc xe như thế này, và em sẽ thấy được mọi thứ trong dịp Giáng sinh thật tuyệt vời như những gì anh vẫn kể với em".

Paul bước ra khỏi xe và bế cậu bé tàn tật lên xe. Người anh với đôi mắt ngời sáng cũng leo lên xe và cả ba bắt đầu một chuyến đi chơi Giáng sinh thật đáng nhớ.

Noel năm đó Paul mới thật sự hiểu: "Khi đem hạnh phúc đến cho người khác, ta sẽ là người hạnh phúc hơn cả".

Sưu tầm


Bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc

Vào ngày chúc thọ mừng 90 tuổi của thầy giáo, cả bọn học sinh chúng tôi vây quanh thầy chúc mừng đại thọ và không ngừng khen thầy là người cao tuổi tráng kiện nhất, sắc mặt da dẻ hồng hào, tinh thần lại phấn chấn hoàn toàn không giống người ở tuổi 90.

Lúc đó có một người thưa hỏi thầy, có bí quyết gì trong cuộc sống không? Thầy liền tiết lộ bí quyết cho chúng tôi nghe: “65 năm về trước, sau khi kết hôn. Vào đêm tân hôn tôi và cô ấy (vợ thầy) đã vạch ra một pháp lệnh như sau: Từ nay về sau nếu chúng ta cãi nhau, khi đã biết được ai sai thì người đó phải ra vườn tản bộ. 65 năm qua, mỗi khi cãi nhau thì tôi là người ra vườn đi tản bộ hoặc đi dạo phố”. Nghe xong, cả bọn chúng tôi cười ầm lên, bỗng nhiên có một học sinh nam nói nhỏ rằng: “ngốc thế, sao lần nào thầy cũng sai cả”.

Kỳ thật, thầy giáo chúng tôi không ngốc và cũng không phải mỗi lần cãi nhau đều do lỗi của thầy hay do thầy sai đâu. Nhưng bởi vì thầy nhường nhịn, mỗi lần như vậy thầy đều chủ động ra vườn tản bộ, làm giảm bớt những điều không đem lại lợi ích giữa vợ chồng và dập tắt đi sự tranh cãi. Tinh thần của thầy đáng làm cho mọi người cảm động và khâm phục, bao nhiêu cặp nam nữ có thể không xảy ra tranh cãi chứ? Thà rằng “tự nhận sai” và nhường đi vài lời để cắt ngang lời lẽ không hay giữa hai người, làm cho hai người bình tĩnh suy xét lại mình trong chốc lát còn hơn rướng cổ tranh cãi.

Sự thật rất nhiều người biết tranh luận nhưng không nhất định biết nói năng chuyện trò. Đặc biệt là những lúc cãi nhau đến đỏ mặt tía tai thì thế nào có thể hiểu được đạo lý “bớt một lời biển rộng trời cao”? Và sự thật đã chứng minh những người thích tranh cãi nhiều là những người càng ít tư tưởng. Bởi vì những người chỉ chú ý đến tranh cãi thì ít suy ngẫm tìm tòi. Cho nên lúc những người thường thích dùng miệng lưỡi tranh cãi biện luận thì dần dần không thích dùng tai lắng nghe và cũng ít dùng trí để suy nghĩ.

Người xưa thường nói “ thanh thiếu niên thích nói nhiều, trung niên thích làm hơn và người già thì thích suy ngẫm”. Nhưng tôi cảm thấy, thầy giáo chúng tôi thích nói và làm nội tâm ngoại tướng đều tương đồng, không nặng lời mắng nhiếc, không tranh hơn thua, cho nên trường thọ tướng hảo. Có một triết gia nói rằng: “khi một người nữ nổi giận giống như một hồ nước bị quấy lên đục ngầu đáng sợ,

làm mất đi vẽ đẹp thanh nhã vốn có”. Kỳ thật nam hay nữ nổi giận thì gương mặt đều khó xem như nhau thôi.

Chỉ có sự nhường nhịn và bao dung trong lời nói, “tự nhận sai và ra vườn tản bộ trầm tư suy nghĩ. Đó mới chính là bí quyết để nuôi dưỡng hạnh phúc.

Như Nguyện dịch


Để tôi được nghe tiếng mưa...

Hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi sống ở châu Âu. Bố tôi làm chủ một nhà máy dệt, còn mẹ tôi thì bận rộn với việc nuôi nấng chăm sóc chị em tôi... Nhưng đến khoảng năm 1935, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trỗi dậy và đẩy chúng tôi ra bên lề cuộc sống. Luật sư da màu không được hành nghề. Phụ nữ da màu chỉ được mua sắm ở những cửa hàng nơi hàng hoá và thực phẩm "do người da màu sản xuất" được phép bán. Các bác sĩ không được phép chăm sóc những người thuộc "chủng tộc thấp kém".

Dần dần, những người không-phải-da-trắng bị buộc phải bán, hoặc đóng cửa các cửa hàng, nhà máy của mình. Học sinh "hạ đẳng" bị buộc phải rời khỏi các trường công, không được đi các phương tiện công cộng.

Không được đi học, tôi đành ở nhà và dành hầu hết thời gian của mình để đọc sách. Tôi hay nằm đọc, và dần dần bỗng thấy vùng mặt hơi đau đau mà tôi cứ nghĩ là chỉ do nằm nghiêng đọc sách quá nhiều. Rồi mặt tôi sưng lên. Mẹ nghĩ tôi bị viêm răng. Phải làm sao bây giờ? Tôi đau đến khốn khổ nhưng bác sỹ không muốn chữa cho trẻ con da màu.

Trong cơn lo lắng, bố tôi đã lén đi gặp và năn nỉ một vị nha sĩ. Ông này đồng ý, nhưng đòi rất nhiều tiền, để khám cho tôi vào lúc đêm khuya. Đêm đó, tôi phải thức khuya, mẹ tôi mặc áo trùm kín mít cho cả nhà rồi chúng tôi đi bộ tới phòng khám. Tôi ngồi bẹp gí, khóc thút thít vì đau và vì sợ khi nghe ông nha sĩ nói:

- Bị nhiễm trùng. Cái răng bên cạnh răng hàm phải được nhổ đi.

Ông ta ra sức lay rồi kéo, và cuối cùng cũng bẻ được cái răng ra. Tôi rên rỉ, nước mắt ròng ròng vì đau, nên mẹ tôi khẩn khoản:

- Bác sĩ có thể cho cháu loại thuốc gì để giảm đau được không ạ?

- Không - Ông ta trả lời - Người như các người thì làm sao biết đau! Nó chỉ giả vờ đấy thôi!

Lúc ấy tôi đau muốn ngất đi, và sau này tôi hiểu chắc bố mẹ lúc đó còn cảm thấy đau gấp nhiều lần tôi. Bố mẹ phải dìu tôi về nhà. Trời đã tối mịt và không ai nhìn thấy chúng tôi. Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, thấy trên gối tôi có rất nhiều mủ trắng. Hóa ra, vấn đề không phải là ở cái răng của tôi. Chưa từng là ở cái răng! Mà đó là bệnh viêm tai!

Tôi uống aspirin, lấy bông gạc nóng chườm vào tai, còn mẹ phải nhỏ từng giọt dầu vào lỗ tai tôi với hy vọng nó sẽ khá hơn. Cuối cùng, hình như đã hết nhiễm trùng, nhưng tai phải của tôi nghe ngày càng kém.

Quá lo lắng, bố mẹ tôi gom hết tiền để dành để gửi tôi sang Hà Lan, nơi nạn phân biệt chủng tộc có đỡ hơn vào thời điểm đó, để tôi được chữa bệnh. Nhưng tai phải của tôi điếc hẳn.

Thế rồi, để tôi thật sự được chữa trị, bố mẹ tôi đã bán hết gia sản, đưa cả gia đình sang Mỹ. Sung sướng nhất là tôi lại được đi học, dù phải chọn chỗ ngồi có thể hướng tai trái lên phía giáo viên mà nghe giảng. Nhưng thính giác của tôi tiếp tục giảm, cả ở bên tai trái. Rồi tôi phải nghỉ học.

Bố mẹ tôi không bỏ cuộc. Hai ba năm sau đó, đọc trên báo về một chương trình trợ giúp cho những người khiếm thính ở Đại học Wyoming, gia đình chúng tôi lại chuyển nhà tới Wyoming. Tại Đại học Wyoming, may mắn thay, họ tìm được một thiết bị trợ thính có thể giúp được tôi. Tôi vẫn còn nhớ khi tôi đi cùng bố dọc theo một hành lang của trường, và tôi hỏi:

- Tiếng gì thế hả bố?

- Tiếng mưa đấy - Bố đáp, mắt hơi đỏ lên. Tôi thậm chí đã quên mất tiếng của những giọt mưa rơi xuống đất.

Ngày hôm sau là một ngày mưa gió, vậy mà tôi lang thang cả ngày trên phố để "thưởng thức" tất cả - tiếng lá bay lạo xạo, tiếng mưa đập vào cửa kính, tiếng líu ríu của chim mẹ gọi con về tổ, tiếng ôtô, tiếng còi xe... Thậm chí, cả tiếng giày bước trên những vỉa hè ướt mưa kêu lép nhép.

Và trong tôi tràn ngập lòng biết ơn với bố mẹ mình, những người đã vượt qua một đại dương, một cuộc chiến, bỏ lại sau lưng gia tài của cả một đời làm lụng, để cho tôi được hưởng lại những hạnh phúc rất đời thường này.

Khi tôi về đến nhà, người đã lạnh run vì mưa gió. Bố mẹ đang sốt ruột ngồi chờ tôi, sốt ruột đến mức vừa thấy tôi về, cả hai người đã không kìm được mà mắng cho tôi một trận té tát vì trời mưa mà không về nhà ngay, lại còn không mang theo áo khoác ấm.

Đối với tôi, những lời trách mắng của bố mẹ hôm đó nghe thật... tuyệt vời và ngọt ngào.

Sưu tầm


Mẹ và chiếc đèn cháy

Cách đây mươi năm, mỗi dịp trung thu không bày bán nhiều loại đèn như bây giờ, nhất là ở nông thôn. Ở quê tôi, khi ấy cuộc sống còn nhiều khó khăn, tết trung thu nhà nào cũng chỉ mua một cái đèn ông sao cho con cái chơi chung.

Với mẹ tôi, thứ đồ chơi có một đêm rồi cất vào góc ấy mua chỉ tốn tiền Mẹ chỉ lo làm sao để đêm rằm sẽ có thêm con gà trong bữa cơm cho con cái. Có cái bánh với quả bưởi cho mâm cỗ trông trăng. Mấy chị em tôi thì vẫn thích đèn trung thu hơn, vì cả năm mới được một dịp chơi.

Mẹ chạy chợ lo cơm gạo đã mệt rồi còn đèn đóm cho con cái gì chứ. Mẹ thì bảo mua đồ ấy tốn tiền vô ích. Chỉ có bố tôi là quan tâm đến những sở thích trẻ con của mấy chị em.

Năm ấy, bố tôi dành cho chúng tôi niềm vui bất ngờ bằng cách mua một chiếc đèn kéo quân rất đẹp. Mọi năm chúng tôi chỉ có cái đèn ông sao bằng bóng kính thôi. Những chiếc rua đỏ, lớp màu trắng ngà và khung gỗ của chiếc đèn kéo quân ấy khiến tôi mê mẩn. Bố treo nó vào cái đinh trên tường đợi trung thu sẽ đốt cho chị em tôi xem. Suốt ngày tôi luẩn quấn với những câu hỏi Thế đèn có sáng không hả bố?Thế những hình người kia sẽ chạy thế nào? Thế sắp rằm chưa hả bố? Cứ như thế tôi hỏi không biết chán và rất hồi hộp đợi đến ngày rằm.

Hôm ấy, cả nhà đi vắng tôi kê ghế với chiếc đèn xuống. Tôi xuống bếp tìm diêm muốn thử đốt nến xem mấy cái hình kia sẽ chạy thế nào mà thôi. Lửa vừa bén vào nến, ánh sáng phát ra tôi chưa kịp thích thú thì lửa bén vào lớp giấy ngoài xèo xèo.

Lúc ấy tôi sợ hãi đến độ lấy cả bàn tay bé bỏng của mình dập lửa mà không biết bỏng. Lửa tắt, tôi càng khóc to hơn không phải vì vệt bỏng trên bàn tay mình đau rát mà vì chiếc đèn của mấy chị em đã bị cháy loang cả một mặt.

Tôi rất sợ, bố sẽ không mua cái thứ hai cho chị em tôi đâu vì cái đèn náy giá cao hơn đèn ông sao rất nhiều. Các chị sẽ giận tôi lắm vì nó cũng là của các chị mà tôi lại phá hỏng. Chị em tôi đi chơi trung thu không có đèn thể nào cũng bị bạn giễu cợt. Bao nhiêu nỗi sợ ùa đến. Tôi kê ghế lên treo chiếc đèn vào chỗ cũ, không quên quay mặt rách vào trong để tạm thời không ai nhìn thấy.

Cả đêm tôi mất ngủ vì bàn tay bỏng rát, thêm vào đó là lo sợ chuyện chiếc đèn đã bị hỏng. Tôi thiếp lúc nào chẳng biết, khi tỉnh dấy thấy vệt bỏng trong bàn tay nhỏ đi dịu hẳn đi.

Đêm trung thu. Lúc bày mâm cỗ, tôi trốn tiệt trong buồng. Tôi có thể không ăn phần bánh và bưởi của mình cũng được, chỉ cần mọi người đừng la mắng khi biết chiếc đèn đã bị phá hỏng. Mãi đến lúc mẹ gọi, tôi mới lén lút ra thấy hai chị đang truyền tay xem cái đèn. Tôi cúi gằm mặt xuống nhận phần bánh mẹ đưa. Mọi khi, những miếng bánh này thơm ngon lắm mà tôi thấy đắng nghét trong cổ.

Bố bắt đầu châm nến, ánh sáng dịu dàng phát ra, những hình người bắt đầu chuyển động thật sinh động. Thấy các chị cứ trầm trồ đèn đẹp tôi ngửng lên. Kì lạ thật, đây là một chiếc đèn kéo quân nguyên vẹn không hề có vệt sứt nào. Tôi ngạc nhiên lắm, không lẽ có phép thần tiên xảy ra chăng. Tôi vui như sáo líu lo đủ thứ rồi rủ mấy chị mang đèn đi khoe. Bỗng mẹ níu tôi lại :

- Con cẩn thận kẻo lửa bén nhé, tay con chưa khỏi bỏng đâu đấy!

Thì ra mẹ chính là người đã mua chiếc đèn mới thế vào chiếc đèn đã hỏng. Và cũng chính mẹ phát hiện ra vết bỏng, thoa mỡ trăn vào đó khi tôi ngủ. Lúc ấy tôi hạnh phúc vô cùng ôm chầm lấy mẹ vâng dạ tíu tít. Đó là trung thu vui nhất, và nhiều niềm vui bất ngờ nhất trong những ngày bé thơ của tôi.

Mẹ là thế đấy, luôn lặng lẽ quan tâm từng li từng tí đến chúng tôi mà không cần thốt thành lời. Mỗi mùa trung thu tôi lại nhớ đền cây đèn cháy năm nào để biết tình yêu của mẹ thầm lặng mà lớn lao biết bao.

NGÔ THỊ TRANG


Kẹo đường và ba lần siết tay

Mẹ tôi rất thích kẹo đường , lúc nào ghé thăm mẹ và đem theo kẹo đường , tôi cũng thấy mình thậm chí còn vui hơn cả mẹ.

Vào những năm cuối cùng của mẹ , bố mẹ tôi đều sống trong viện dưỡng lão vì bệnh mất trí nhớ và rối loạn nhận thức ở người già của mẹ , bố tôi cũng rất yếu. Vì thế , hai người không được ở cùng trong một phòng nhưng những lúc bố mẹ khỏe hơn , tỉnh táo hơn , hai người vẫn nắm tay nhau đi dạo và đó là hình ảnh lãng mạn nhất mà tôi từng thấy. Khi mẹ mới bị bệnh , tôi từng viết một lá thư và gửi vào viện dưỡng lão cho mẹ . Trong đó , tôi nói rằng tôi yêu mẹ đến đâu . Tôi xin lỗi mẹ vì những lần tôi làm mẹ không vui , tôi cũng khẳng định rằng mẹ là một người tuyệt vời và tôi luôn tự hào vì có mẹ . Sau này , bố tôi kể lại rằng mẹ thường ngồi hàng tiếng đồng hồ đọc đi đọc lại lá thư đó . Nhưng thời gian sau mẹ không còn nhớ nổi tôi là con của mẹ nữa . Có một lần , tôi mua hai hộp kẹo đường mang vào viện dưỡng lão . Tôi đưa cho mẹ một hộp và bố một hộp , khi tôi quay lại phòng mẹ , tôi thấy mẹ đã đi nằm với hộp kẹp đường để bên gối . Nhưng mẹ chưa ngủ , mẹ thấy tôi bước vào phòng , tôi không nói gì , chỉ ngồi xuống cạnh giường và nắm lấy tay mẹ. Trong im lặng , tôi vẫn cảm thấy điều kỳ diệu của sự yêu thương , dù tôi biết rằng mẹ hầu như không biết là ai đang nắm tay mẹ, hay là mẹ đang nắm tay tôi ?

Sau khoảng 10 ph , tôi bỗng sững người khi cảm thấy mẹ đang siết tay tôi , 3 lần siết tay nhẹ . Ngay lập tức , tôi hiểu mẹ muốn nói gì với tôi , dù mẹ không còn biểu hiện được những gì mẹ đang nghĩ bằng lời nói như ngày trước nữa , Nhưng lời nói là không cần thiết , 3 cái siết tay làm tôi tin rằng lúc đó mẹ tôi đã " trở lại ".

Tôi từng nghe bố tôi kể rằng khi bố mẹ yêu nhau , mẹ đã " phát minh ra cách nói " I love U " khi họ ở bên nhau . Mẹ siết tay bố 3 lần cho câu " I love U " còn bố cũng siết tay mẹ 2 lần để nói " Me , too " . Tôi nhẹ nhàng siết tay mẹ 2 lần , mẹ quay lại phía tôi và mỉm cười , không ai trong chúng tôi nói thêm gì nữa trong khoảng 10 ph . Rồi bỗng nhiên mẹ nhìn tôi và nói :" Có một người yêu thương mình thật là một điều đáng quí ". Vài hôm sau , mẹ tôi mất , đó là cuộc trò chuyện cuối cùng giữa hai mẹ con tôi . Mặc dù rất ít từ ngữ , nhưng là cuộc trò chuyện quí giá nhất mà tôi từng có .

Hãy luôn nói với những người bạn yêu thương rằng bạn yêu thương họ như thế nào , bên họ bạn cảm thấy hạnh phúc ra sao , hãy luôn chân thành với tình cảm của chính mình . Đừng để phải hối tiếc với những câu hỏi " Tại sao mình đã không nói rằng .... ?" bởi vì " Người ta chỉ cảm nhận được giá trị của hạnh phúc khi đã đánh mất nó "...

Sưu tầm


Câu chuyện cảm động

Một ngày, có một cậu bé nói với một cô bé ” Nếu chỉ có một bát canh trường sinh , một nửa anh sẽ cho cha mẹ, nửa còn lại sẽ cho em”. Cô bé đã yêu cậu bé rồi. Năm đó cậu bé 12 tuổi, cô bé 10 tuổi.

10 năm trôi qua, ngôi làng bị một cơn lũ tràn qua, chàng trai dốc hết sức cứu người bị nạn, có người già, trẻ con, có người quen biết, có người không quen biết , duy chỉ có cô gái là anh không tự mình đi cứu, sau khi cô ấy được người khác cứu rồi, có người hỏi anh rằng “Đã yêu cô ấy, sao anh không cứu cô ” anh từ tốn trả lời “Chính vì tôi yêu cô ấy, tôi mới cứu người khác trước. Cô ấy chết rồi, thì tôi cũng không sống nữa” 1 năm sau đó hai người họ kết hôn. Năm đó anh 22 tuổi, cô 20 tuổi.

Về sau , cả nước mất mùa, hai người họ cũng lâm vào cảnh nghèo khó kiệt quệ. Cuối cùng chỉ còn lại một chút miến, chút miến này đủ nấu thành một bát. Anh không nỡ ăn, nhường cho cô, cô cũng không nỡ ăn, nhường cho anh ăn! 3 ngày sau, bát canh miến ấy bị mốc. Năm đó anh 42 tuổi, cô 40 tuổi.

Do ông bà trước đây là thành phần địa chủ, cho nên anh bị đem ra đấu tố. Trong khoảng thời gian này, “tổ chức” giao cho cô nhiệm vụ phải ” Vạch ra giới tuyến, phân rõ trắng đen”, cô nói ” Tôi không biết trong bộ phận nhân dân ai là giặc, nhưng tôi biết, anh ấy là người tốt, anh ấy yêu tôi, tôi cũng yêu anh ấy, thế là đủ rồi.” Tiếp đó, họ bên nhau lần lượt chịu từng cái tát một. Treo biển làm du lịch, đôi vợ chồng trong những năm tháng khó khăn đã nhận ra số mệnh tương đồng ! năm đó anh 52 tuổi, cô 50 tuổi.

Rất nhiều năm qua đi, ông và bà cùng nhau tập luyện khí công, rèn luyện sức khỏe. Thời kỳ này họ đã chuyển về thành phố, sáng sớm mỗi ngày đều đi xe bus đến công viên trung tâm, có người thanh niên thấy vậy nhường chỗ, nhưng hai người đều không ai chịu ngồi vì người còn lại phải đứng, họ tay trong tay dựa vào nhau, trên khuôn mặt nở nụ cười hạnh phúc. Những người trên chiếc xe ấy xúc động mà đều tự động đứng dậy. Năm đó ông 72 tuổi, bà 70 tuổi.

Bà nói ” Nếu 10 năm nữa chúng ta cùng chết, tôi sẽ trở thành ông còn ông sẽ trở thành tôi, để ông cũng được uống phần canh trường sinh mà ông tặng”.

Sưu tầm


Bài học từ cậu học trò nhỏ

Chính tôi, Rosemarie Wolmarans, phải quyết định: liệu tôi có nhận cậu bé khuyết tật này vào học trường tôi hay không?

Năm học mới bắt đầu và việc ghi danh đã kết thúc tại trường mẫu giáo mà tôi làm hiệu trưởng ở Pretoria, Nam Phi.

Hôm ấy, một bà mẹ rụt rè đẩy chiếc xe lăn vào văn phòng của tôi. Tôi ngước mắt nhìn. Cậu bé trông già hơn tuổi, nhưng tôi đã có câu trả lời: đôi chân bị bó bột và nẹp thanh kim loại.

Bệnh Perthes là bệnh viêm đầu các xương đùi của trẻ em, làm xương bị biến dạng và ngắn hơn. Để tránh cho đùi khỏi biến dạng, người ta cố định chân bằng cách bó bột và nẹp chân bằng thanh kim loại. Và như thế việc điều trị phải kéo dài 1-2 năm.

Nói tiếng Anh với giọng Ý, bà mẹ trẻ giải thích với tôi: “Con trai Christo của tôi sẽ vào lớp 1 năm tới. Tôi cố tìm một ngôi trường có thể đón cháu vào học nhưng tuyệt vọng. Cháu cần phải khá tiếng Anh và sẵn sàng để vào lớp trên”.

Nước mắt giàn giụa, bà mẹ chỉ vào đôi chân của con và kể: “Cô biết không, với tình trạng của cháu, mọi ngôi trường tôi đến đều từ chối nhận cháu. Cô là niềm hi vọng cuối cùng của tôi“.

Sự lựa chọn thật khó khăn. Tôi không chắc có thể xử lý được sự khiếm khuyết này giúp cậu bé. Làm sao cậu bé có thể tham gia các giờ thể dục, những buổi dã ngoại, những trò chơi ngoài trời đây? Tệ hại hơn, liệu cậu bé có thể chịu đựng nổi những lời chọc ghẹo không sao tránh khỏi của các học sinh khác không?

Khi tôi nhìn cậu bé, đôi mắt sáng của cậu nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn van nài: “Xin cô hãy nhận con...”.

Nếu tôi từ chối như từng làm với bao người khác, điều gì sẽ xảy đến đây? Tôi quyết định nói với người mẹ trẻ: “Tôi đề nghị với bà như thế này nhé. Chúng tôi thử nhận cháu Christo trong hai tuần lễ. Nếu cháu phát triển tốt và các giáo viên hài lòng, cháu có thể tiếp tục học”.

Như chú chim sổ lồng bay, Christo đến trường chúng tôi và nôn nóng bắt đầu. Sự nhanh nhẹn của cháu làm chúng tôi ngạc nhiên. Bất chấp các bậc cấp, cháu nhảy lên băng rãnh trượt bằng sức mạnh của đôi cánh tay. Lên đến bậc cao mong muốn, cháu bỏ chân qua hai bên và ngồi lên băng rãnh rồi trượt xuống đất một cách vui vẻ, sau đó chơi tiếp với sự thán phục của những người đứng xem.

Christo sớm được mọi người chấp nhận.

Các bạn học còn giành nhau xem ai được đẩy cái đu hoặc ghế lăn của cậu bé nữa cơ. Sự nhút nhát và thiếu tự tin của cậu còn nhường chỗ cho niềm vui sống chân thành nữa.

Sau hai tuần, chẳng còn lý do gì để cậu bé rời xa chúng tôi nữa. Cậu bé được cả trường nhất trí đón nhận, và cậu cũng chấp nhận chúng tôi. Còn khó khăn nào không? Khó khăn duy nhất mà Christo gặp phải là cát. Cát len lỏi vào trong chỗ bó bột làm đau rát da nhưng Christo không hề than trách. Đối với cậu bé, đó là một cái giá nhỏ bé phải trả cho niềm vui chơi ở sân cát. Rồi Christo lớn lên, người ta thay các thanh nẹp mới. Đến cuối năm học cậu bé mang các nẹp nhẹ hơn bằng sợi thủy tinh.

Đến giờ cậu bé tỏ ra thật hoàn hảo. Trong lễ bế giảng, mẹ cậu tặng tôi món quà nhỏ kèm tấm thiệp ghi: “Cảm ơn về tất cả những gì cô đã làm cho Christo”. Tôi thật xúc động, nghẹn ngào: “Chúng tôi có làm được gì nhiều đâu. Chính Christo đã cho chúng tôi nhiều hơn đấy chứ”.

Christo đã dạy cho học sinh chúng tôi sự cảm thông, lòng tử tế và tính kiên nhẫn. Em dạy chúng tôi phải can đảm và hạnh phúc, kiên trì và chống lại nghịch cảnh bằng niềm vui, thái độ tích cực

Vài tuần sau lễ khai giảng năm học mới, tôi có một cuộc tiếp thật bất ngờ. “Cô nhìn xem, người ta tháo nẹp cho cháu rồi đó. Việc điều trị đã thành công và con tôi đã lành bệnh”. Hai mẹ con Christo mới ra khỏi bệnh viện và họ muốn tôi là người đầu tiên nhìn thấy Christo không còn mang nẹp ở chân nữa. Kìa, cậu bé đứng thẳng trên đôi chân trước mặt tôi. Cái nhìn sâu lắng như muốn nói với tôi bao điều mà suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên.

N.T.Đ.A


Một nụ hôn, một cái ôm

Tôi vừa trở về từ viện dưỡng lão, nơi mẹ tôi đang ở. Những người ở đây hầu hết đều mắc chứng Alzheimer's – một dạng của bệnh đãng trí. Cứ mỗi lần đến thăm mẹ, tôi luôn cảm nhận được cái đẹp tâm hồn của họ. Hôm qua, tôi gặp một cụ bà tên Betty …

Bà Betty giành hầu hết thời gian của mình cho trò chơi ghép hình. Buổi tối, mỗi cụ tự chọn một góc phòng để chơi ghép hình. Khi bà Betty không chơi ghép hình, bà thường hỏi nhân viên trực, những người ở gần bà, hay bất cứ người nào mà bà thấy một vài thứ để ăn, uống. Nhiều lần, bà đòi ăn ngay sau khi vừa rời khỏi phòng ăn. Tôi nghĩ có vài lý do khiến bà Betty cứ ăn mãi. Có lẽ bà thường ăn nhanh (chia thành nhiều lần ăn) và thói quen xấu đó kéo dài đến bây giờ, hoặc cũng có thể lúc ở nhà, bà ta thường ăn trong khi chơi ghép hình. Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, bà Betty cũng bị coi là người đòi ăn liên tục ngoại trừ giờ bà ngủ. Những lúc bị bà hỏi, tôi cố dẫn bà ấy lại những nhân viên phục vụ, vì họ biết bà đã ăn hay chưa.

Khi tôi kéo hành lý ra cửa và chuẩn bị tới sân bay thì bà Betty lại gần tôi. Như mọi lần, với thái độ nhẹ nhàng, đứng đối mặt tôi, cái nhìn đầy hy vọng của một đứa trẻ khi đang chờ đợi một món quà. Tôi nghĩ thế nào bà ấy cũng hỏi vài thứ để ăn hoặc uống, và tôi tự hỏi sẽ phải nói gì để từ chối bà đây. Nhưng thật bất ngờ, bà xin tôi một thứ mà tôi có thể cho bà được. Lúc đó, bà Betty nói : “Cô cố thể ôm, hôn tôi được không?”.

Tôi đã cảm thấy ngại về việc này vì cả tuần nay tôi bị viêm họng, nhưng bà ấy đã đứng rất gần tôi. Tôi nghĩ nếu bà ấy hôn lên má tôi, bà có thể bị lây bệnh. Vậy là tôi ôm bà rất chặt, nồng nàn chan chứa bằng tất cả tình cảm của tôi. Bà bất ngờ đặt một nụ hôn thật lâu lên má.

Tôi cười, cảm thấy rất hạnh phúc vì đã cho bà Betty thứ bà cần. Một cảm giác ấm áp hiện về, bà hỏi tôi, “tôi có thể hôn lên má còn lại được không?”. Tôi cười khúc khích và nói “dĩ nhiên”. Sau đó, bà trở về bàn tiếp tục trò ghép hình của mình

Tôi đã rất xúc động về những gì bà cần: bà cần một cái ôm ấm áp, một nụ hôn dịu dàng, một cảm giác khi da tôi chạm vào da bà. Tôi nghĩ có lẽ bà cảm thấy cô đơn. Ý nghĩ đó làm tôi thoáng buồn nhưng tôi thấy bà đã rất vui.

Sưu tầm


Cha tôi

Khi viết những dòng này, bất giác tôi thấy đắng lòng. Niềm yêu nhớ và đau xót khôn tả về cha lại dâng đầy trong trái tim tôi…

Ngày ấy gia đình tôi rất nghèo. Để có tiền nuôi hai chị em, cha mẹ thường phải làm việc vô cùng vất vả. Ngoài việc làm lụng đêm ngày với mấy thửa ruộng cằn khô, mẹ tôi còn nhận thêm việc sửa đồ thuê, còn cha thì đi theo mấy công trình xây dựng làm thợ. Còn đọng lại trong trí nhớ tôi là những ngày mưa phùn lâm thâm, tôi ngồi nghịch đống vải vụn của mẹ, miệng líu ríu hỏi han đủ thứ.

Những sáng mùa hè oi nồng, tôi đi theo mẹ ra đồng. Mùi cỏ khô, mùi nắng, mùi bùn còn vương trong kí ức nồng nàn. Tôi thường tưởng tượng cha là người xây nên những căn nhà đồ sộ, cha ngồi chót vót trên những tòa nhà chọc trời. Vừa làm, cha vừa hướng mắt xuống dưới để có thể nhìn thấy mẹ con tôi.

Những năm tháng ấy với tôi hóa ra là những ngày hạnh phúc nhất. Tôi được sống trong trọn vẹn thương yêu của cha và mẹ.

Tôi rất mong chờ những ngày cuối tháng. Đó thường là ngày cha đi làm về. Thường là tối mịt, khi tôi và mẹ bắt đầu sốt ruột bên mâm cơm được chuẩn bị chu đáo từ chiều. Cha sẽ giấu trong áo một chiếc bánh mì patê - món ăn mà tôi thích nhất, rồi ôm choàng cả hai mẹ con, cọ cọ cái cằm đầy râu của cha vào má tôi, bắt tôi hôn cha thật kêu, thật ngọt.

Sau bữa cơm, cha sẽ bảo tôi đánh cho cha một bài tẩm quất. Tôi bặm môi “tẩm quất” cho cha, cố nghĩ ra đủ trò để làm cha khoan khoái…

Tôi vừa tẩm quất vừa nghe cha kể chuyện cổ hoặc nghe chuyện xưa tích cũ. Tôi mê mải nghe, mê mải tưởng tượng ra đủ nhân vật, đủ khung cảnh thần tiên…

Tôi cứ ngỡ cuộc sống sẽ mãi như thế, bình yên, ngọt ngào, dù cho khi ấy tôi vẫn chưa hiểu thế nào là bình yên, chưa hiểu hết giá trị hạnh phúc mà mình đang nắm giữ.

Tháng chạp năm tôi tròn tám tuổi. Đó là một mùa đông lạnh và buồn. Năm ấy vụ mùa không ăn thua. Những ngày đi làm xa của cha tôi cũng kéo dài hơn bình thường. Tôi mỏi mắt chờ cha, chờ chiếc bánh mì ngon lành, chờ những tối có cả ba người trong bữa ăn…

Mẹ bảo sắp tết mà nhà chưa có gì nên cha phải cố làm thêm. Mẹ nhắc tôi phải ngoan, học cho chăm, cho giỏi, về cha mới vui, mới mua bánh cho tôi. Tôi gật đầu, thôi nhõng nhẽo đòi cha trong những đêm chỉ có hai mẹ con. Tôi thương cha, nhớ cha ghê gớm…

Một hôm đi học về, vừa vào đến cổng tôi đã nghe có tiếng xôn xao trong nhà. Mấy bác hay đi làm cùng cha tôi đều có mặt. Tôi hí hửng tưởng bố đã về, chạy ào vào trong nhà, hét toáng lên “Bố! Bố!”...

Tôi không thể ngờ đó là những tiếng gọi cha vui mừng cuối cùng trong đời tôi.

Đập vào mắt tôi là mẹ gục trên ghế. Mấy người họ hàng mắt đỏ hoe… Không có cha. Tôi khựng lại. Mơ hồ sợ hãi…

Cha tôi mất vì một tai nạn trên công trường. Người bị rơi từ trên giàn giáo xuống. Quá đột ngột. Quá kinh hoàng, Những gì còn lại của cha được chuyển về. Cả làng tôi xôn xao. Mẹ tôi thẫn thờ. Tôi khóc sướt mướt. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là “chết”. Thế nào là vĩnh viễn mất đi một người thân yêu…

Mọi chuyện rồi cũng lắng xuống. Người làng thôi bàn tán. Họ hàng bớt đến nhà thăm hỏi. Người ta dần lãng quên cha tôi. Chỉ có tôi và mẹ là thao thiết nhớ.

Tôi nhớ bàn tay lạnh của cha thường luồn vào lưng khiến tôi cười ré lên vì “buồn” và vì bất ngờ. Tôi nhớ cái cằm tua tủa râu của cha. Nhớ vị bánh mì patê béo ngậy. Những nỗi nhớ không tên tràn ngập căn nhà nhỏ từng phút, từng giờ. Tôi còn quá nhỏ. Tôi dằn vặt mẹ bằng những câu hỏi ngốc nghếch. Tết năm ấy nhà tôi lặng ngắt. Cha vĩnh viễn không về…

Sau này tôi lớn khôn và quen dần với nỗi thiếu vắng cha. Những khi trên đường đời quá chông chênh, thèm một bờ vai vững vàng để tôi gục vào, thèm một tiếng gọi cha nồng nàn, tôi lại khóc. Sắp đến ngày của cha, những kỉ niệm về người lại trở về… Cha tôi có lẽ chưa từng biết tới sự tồn tại của ngày này…

Thế nhưng tôi vẫn muốn gửi tới người vài dòng ngắn ngủi… Những lời thương yêu day dứt trong trái tim tôi… Những dòng chữ chưa khô mực, mà bất giác hai dòng nước mắt đã lăn dài trên má…

THU HUYỀN


Huyện về một bữa sáng

Con hẻm đối diện một trường đại học, sáng nào cũng khá ồn ào. Trong hẻm người ta bán đồ ăn sáng, có đủ loại: cơm tấm, hủ tiếu, phở, xôi, bánh mì... Tùy nghề nghiệp, sở thích, túi tiền mà mỗi người có sự lựa chọn khác nhau...

Sáng nào tôi cũng thấy có hai sinh viên, chắc là bạn cùng phòng trọ, ra đầu hẻm mua bánh mì. Họ học trường đại học bên kia đường. Áo đồng phục, một tay xách cặp, tay kia cầm ổ bánh mì, họ cùng qua đường, khuất trong làn xe ngược xuôi tất bật.

"Bữa sáng là bữa của vua...". Tivi cũng tuyên truyền rằng mọi người nên ăn sáng để lấy sức lực cho một ngày làm việc, lao động, học tập vất vả. Tôi vốn quen dậy trễ, ăn sáng vội vàng, qua loa, cốt để xế trưa mắt không hoa, bụng không đói. Bữa sáng chỉ có thế, thành một thói quen, một nhu cầu hay đơn giản chỉ vì sợ không ăn sáng sẽ bị mẹ mắng.

Một sáng nọ tôi dậy sớm, thủng thẳng ra đầu hẻm mua bánh mì. Thành phố buổi sáng không khí còn thoáng mát, nắng chỉ mới khẽ chạm chân lên những tán lá, nhẹ nhàng như vỗ về ai.

Lại thấy hai sinh viên từ trong hẻm đi ra. Họ dừng lại bên xe bánh mì. Nhưng một cậu hơi lúng túng: "Cậu mua đi. Tớ không ăn đâu". Cậu kia ngạc nhiên: "Sao lại thế?". Rồi như chợt nhớ ra, cậu "à" lên một tiếng. Nhận thấy ổ bánh của mình, cậu nhanh nhẹn bẻ ra làm đôi và đưa một nửa cho bạn: "Chia đôi nhé! Hạt muối bé tí khi cần còn xẻ đôi được, huống chi ổ bánh to đùng này". Cậu nháy mắt, cười hồn nhiên.

Hai người, vẫn áo đồng phục, tay xách cặp, mỗi người cầm nửa ổ bánh, sánh vai nhau qua đường. Tôi bồi hồi trông theo. Nếu như lúc nãy cậu sinh viên kia không bẻ đôi ổ bánh mì cho bạn mà bỏ tiền mua thêm một ổ khác, có lẽ tôi đã không ngơ ngẩn đến vậy. Ánh mắt ấm áp, nụ cười gần gũi ấy đã gửi lại một điều gì đó khiến bữa sáng tưởng quen bỗng hóa lạ lùng, tôi như vừa khám phá một điều gì bấy lâu nay mình chưa từng nghĩ đến.

Cũng một bữa ăn sáng, có người chỉ no bụng, có kẻ lại ấm lòng.

Bùi Thị Mỹ Ngân