Truyện Minh Hoạ - Hạnh Phúc

Cho và nhận

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.

Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.

Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày."

Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."

Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.

Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về".

Sưu tầm


Hạnh phúc vô biên

Có những hạnh phúc vô biên khi mang lại hạnh phúc cho người khác bất chấp hoàn cảnh của riêng mình. Nỗi khổ được sẻ chia sẽ vơi nửa, nhưng hạnh phúc được sẻ chia sẽ được nhân đôi.

Hai người đàn ông đều bệnh nặng, được xếp chung một phòng tại bệnh viện. Một người được phép ngồi dậy mỗi ngày trong một tiếng vào buổi chiều để thông khí trong phổi. Giường ông ta nằm cạnh cửa sổ duy nhất trong phòng. Người kia phải nằm suốt ngày. Hai người đã nói với nhau rất nhiều. Họ nói về vợ con, gia đình, nhà cửa, công việc, những năm tháng trong quân đội và cả những kỳ nghỉ đã trải qua.

Mỗi chiều, khi được ngồi dậy, người đàn ông cạnh cửa sổ dành hết thời gian để tả lại cho bạn cùng phòng những gì ông thấy được ngoài cửa sổ. Người kia, mỗi chiều lại chờ đợi được sống trong cái thời khắc một tiếng đó - cái thời gian mà thế giới của ông được mở ra sống động bởi những hoạt động và màu sắc bên ngoài.

Cửa sổ nhìn ra một công viên với một cái hồ nhỏ xinh xắn. Vịt, ngỗng đùa giỡn trên mặt hồ trong khi bọn trẻ thả những chiếc thuyền giấy. Những cặp tình nhân tay trong tay đi dạo giữa ngàn hoa và ráng chiều rực rỡ. Những cây cổ thụ sum suê toả bóng mát, và xa xa là đường chân trời của thành phố ẩn hiện.

Khi người đàn ông bên cửa sổ mô tả bằng những chi tiết tinh tế, người kia có thể nhắm mắt và tưởng tượng ra cho riêng mình một bức tranh sống động. Một chiều, người đàn ông bên cửa sổ mô tả một đoàn diễu hành đi ngang qua. Dù không nghe được tiếng nhạc, người kia vẫn như nhìn thấy được trong tưởng tượng qua lời kể của người bạn cùng phòng.

Ngày và đêm dần trôi...

Một sáng, khi mang nước tắm đến phòng cho họ, cô y tá phát hiện người đàn ông bên cửa sổ đã qua đời êm ái trong giấc ngủ. Cô báo cho người nhà đến mang ông ta về. Một ngày kia, người đàn ông còn lại yêu cầu được chuyển đến cạnh cửa sổ. Cô y tá đồng ý để ông được yên tĩnh một mình. Chậm chạp gắng sức, ông nhổm dậy bằng hai cùi chỏ và ngắm nhìn thế giới bên ngoài. Ông căng thẳng nhìn ra cửa sổ. Đối diện với cửa sổ chỉ là một bức tường xám xịt. Ông hỏi cô y tá cái gì khiến cho người bạn khốn khổ cùng phòng của ông đã mô tả cho ông nghe những điều tuyệt diệu qua cửa sổ. Cô y tá cho biết rằng người đàn ông đó bị mù và thậm chí ông ta cũng không thấy được cả bức tường nữa. Cô nói: "Nhưng có lẽ ông ta muốn khuyến khích ông can đảm hơn lên".

Sưu tầm


Hạnh Phúc Ở Đâu?

Ngày xưa, có một bầy yêu tinh tập hợp nhau lại để lên kế hoạch làm hại con người. Một con yêu tinh lên tiếng: "Chúng ta nên giấu cái gì quý giá của con người. Nhưng mà cái đó là cái gì?"

Một con yêu tinh khác lên tiếng: "Chúng ta nên giấu hạnh phúc của con người. Không có nó, ngày đêm con người sẽ phải khổ sở. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ giấu hạnh phúc nơi nào mà con người không thể tìm thấy được."

Một con yêu tinh cho ý kiến: "Chúng ta sẽ quẳng hạnh phúc lên đỉnh núi cao nhất thế giới."

Con yêu tinh khác phản đối: "Con người rất khoẻ mạnh, chuyện trèo lên đỉnh núi đối với họ không có gì là khó khăn."

"Vậy thì chúng ta sẽ đem hạnh phúc ném xuống đáy biển sâu."

"Không được, con người rất tò mò. Họ sẽ chế tạo ra những con tàu hiện đại để đi xuống tận đáy biển. Rồi tất cả mọi người sẽ biết."

Một con yêu tinh trẻ có ý kiến: "Hay là chúng ta đem giấu hạnh phúc ở một hành tinh khác."

Con yêu tinh già phản đối: "Không được, con người rất thông minh. Càng ngày họ càng thám hiểm nhiều hành tinh khác đấy thôi."

Suy nghĩ hồi lâu, có một con yêu tinh già lụ khụ lên tiếng: "Tôi biết phải giấu hạnh phúc của con người ở đâu rồi. Hãy giấu nó ở chính bên trong con người. Đa số con người đi tìm hạnh phúc ở khắp chốn, khắp nơi, và bao giờ họ cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình; còn bản thân họ thì họ chẳng bao giờ quan tâm. Giấu nó ở đó thì con người không bao giờ tìm thấy hạnh phúc cả!!!"

Sưu tầm


Thăm mẹ

Thuở còn thơ, con hay ngồi đợi mẹ ở mái hiên trước nhà. Ngồi nơi đó con có thể nhìn thấy mẹ khi mẹ vừa về tới đầu xóm. Ngồi nơi đó, để tiễn mẹ đi khi vạt lúa đầu bờ còn ướt đẫm sương sớm và cũng nơi đó, khi nắng tắt bóng mẹ quay về liêu xiêu trải dài trên lối nhỏ ngoài đê.

Còn gì thích hơn ngồi đợi mẹ đi chợ về. Vừa thấy mẹ, mấy chị em reo hò ầm ĩ rồi chạy băng băng qua cây cầu khỉ trước nhà để giành nhau... mừng mẹ! Khi thì mẹ mua cho gói xôi bắp, chùm bánh ú, lúc mấy cái bánh cam vàng ruộm, vắt cốm chùi, hôm khác là mấy củ khoai lang nóng hổi.

Có lẽ khó quên vì quà bánh cho mấy chị em được mẹ gói kỹ lưỡng dưới lớp lá chuối tươi xanh để dưới đáy thúng chứ không lẫn lộn với những thứ khác.

Chiều xuống, con đợi mẹ trở về sau buổi thăm đồng, chúng con lại tranh nhau hít lấy hít để quần áo mẹ để đố nhau hôm nay mẹ đã làm gì ở ngoài đồng. Mùi bùn non thường là mẹ phải sạ, cấy hoặc làm cỏ lúa; mùi rạ, rơm là lúc mẹ gặt hoặc tuốt lúa... Những hôm trời mưa gió tụi con ngồi co ro trước hiên lo lắng: không biết mẹ có chỗ trú mưa hay không? Đường trơn trượt mà trời mau tối làm sao mẹ thấy đường mà về?

Con lớn lên, đi học xa, mỗi lúc quay về thăm đều thấy mẹ ngồi đợi con nơi mái hiên trước nhà. Từ khi con đi làm, những lần về thăm mẹ càng thưa dần với cả 1.001 lý do. Chiều nay, thu xếp công việc, con về thăm mẹ nhưng không báo trước. Vì bất ngờ nên mẹ đi vắng, vậy là con được dịp ngồi trước hiên nhà đợi mẹ như ngày xưa.

Cũng bờ tre xanh, con đê gập ghềnh giữa ruộng và có cả cơn mưa đầu mùa ập xuống dậy mùi hơi đất quen thuộc. Con lại lo cho mẹ có tìm được chỗ trú mưa? Có kịp về nhà trước khi trời tối?... Và khi bóng mẹ thấp thoáng từ xa, con mới giật mình nhận ra mẹ già đi nhiều lắm: từng bước chân chậm hơn trước, mái tóc cũng bạc nhiều thêm.

Nhìn con bằng đôi mắt thấm đẫm yêu thương, mẹ bảo: “Công việc bộn bề, điện thoại cũng được về chi cho cực vậy con!”. Nhưng từ trong đáy lòng, con biết mẹ mừng và vui lắm. Con trêu mẹ: “Con về thăm mẹ sao mẹ lại khóc?”. Mẹ móm mém cười: “Già cả lẩm cẩm đó mà, thôi vô nhà đi con!”.

Sưu tầm


Ngày đẹp nhất trong đời

Trong ánh sáng mờ nhạt của gác mái, một ông già cao lớn, uốn thân hình to lớn đi về hướng của đống hộp nằm cạnh một trong những cửa sổ nhỏ.

Gạt sang bên một búi tơ nhện, ông nghiêng chiếc hộp về hướng sáng và lấy ra một cuốn album cũ. Đôi mắt một thời sáng tỏ giờ đây lờ mờ tìm kiếm đến tha thiết từng kỷ niệm một.

Bắt đầu với những hồi ức êm đềm về tình yêu của đời ông. Trong cuốn album này có những bức ảnh của bà. Lặng lẽ, ông nhẫn nại lần giở cái kho báu đã cất giấu bấy lâu nay và trong phút chốc ông chìm sâu vào biển hồ của ký ức. Dẫu rằng trái đất không ngừng quay khi người vợ quá cố ra đi mãi mãi, nhưng quá khứ vẫn ngồn ngộn trở về khi ông phải sống với sự cô độc hiện tại.

Đặt qua một bên cuốn album đầy bụi, ông lôi ra từ chiếc hộp cuốn nhật ký về tuổi thơ ấu của người con trai đã trưởng thành của ông. Ông không thể nhớ mình đã trông thấy nó bao giờ, có lẽ cậu con trai đã cất kỹ cuốn nhật ký đó từ thời xa xưa. “Vì sao vợ mình lại giữ được những thứ linh tinh cũ kỹ của trẻ con này nhỉ?”, ông tự hỏi và lắc đầu.

Mở những trang nhật ký, liếc nhìn những câu chữ ngăn ngắn, vành môi ông nở một nụ cười vô thức. Trong sự yên tĩnh của không gian, những ngôn từ của đứa bé 6 tuổi ngây thơ đã cuốn trôi ông về lại quãng thời gian đã hầu như hoàn toàn quên lãng.
Chợt nhớ mình cũng cất giữ một cuốn nhật ký của mình năm xưa, ông bước về chiếc cầu thang gỗ và đi xuống căn phòng nhỏ.

Mở cửa tủ, ông vui mừng khi tìm thấy cuốn nhật ký cũ kỹ của mình, ông ngồi vào bàn và đặt hai cuốn nhật ký bên cạnh nhau. Cuốn nhật ký của ông có bìa da thuộc và chạm khắc ngay ngắn tên ông bằng vàng, trong khi cuốn nhật ký của cậu con trai thì rách nát và cái tên “Jimmy” đã trầy trụa trên mặt bìa. Ông lướt nhẹ ngón tay gầy guộc trên những con chữ như thể đang âu yếm đứa con yêu dấu.

Khi ông mở nhật ký của mình, đôi mắt của ông dừng tại một câu đứng ngoài lề vì nó quá ngắn gọn so với nội dung của những ngày khác:

Uổng phí một ngày câu cá với Jimmy. Chẳng câu được gì.

Với một tiếng thở dài và một bàn tay run run, ông mở nhật ký của Jimmy và tìm thấy ghi chép của cậu trong cùng một ngày. Những chữ cái nguệch ngoạc, ấn sâu vào mặt giấy:

Đi câu cá với bố. Một ngày đẹp nhất của đời tôi!

Theo Daily Inspiration


Dưa chuột

Trước đây, có hai ông bà cụ sống rất hoà thuận, có cả một vườn dưa chuột. Ông cụ thì thường xuyên chăm sóc vườn dưa, còn bà cụ thì thường làm dưa chuột muối. Mỗi mùa đông, ông cụ lại nghiên cứu các bản danh sách giới thiệu hạt giống để đặt mua loại tốt nhất. Cả gia đình sẽ vui vẻ giúp ông xới đất, trồng và chăm sóc dưa chuột. Còn bà cụ thì rất thích làm món dưa chuột muối. Thậm chí, bà cũng thường xuyên đọc sách dạy nấu ăn để xem những thủ thuật làm dưa chuột muối.

Ai cũng nói đó quả là một gia đình hạnh phúc, và vị khách nào đến nhà chơi cũng được tặng một bình dưa chuột muối “đặc sản” mang về. Dần dần, những người con lập gia đình và chuyển đi. Nhưng họ vẫn liên tục được bố mẹ gửi cho những hộp dưa chuột muối.

Nhưng cuối cùng thì ông cụ mất. Mùa xuân năm sau, tất cả con cái về thăm mẹ và bảo:

- Chúng con biết mẹ rất thích làm dưa chuột muối, nên chúng con sẽ đặt mua hạt giống, sẽ trồng và chăm sóc dưa chuột cho mẹ.

Người mẹ mỉm cười:

- Cảm ơn các con, nhưng các con không cần trồng dưa đâu, vì mẹ thật sự không hề thích làm dưa chuột muối. Mẹ chỉ hay làm món đó vì bố các con thích trồng dưa chuột mà thôi. Tất cả những người con đều rất ngạc nhiên, chỉ có người con út có vẻ buồn. Bởi vì bố anh từng kể với anh rằng ông không hề thích trồng dưa chuột, nhưng vì mẹ anh thích làm dưa chuột muối nên ông trồng dưa để làm bà vui lòng mà thôi.

Đây là câu chuyện vui hay buồn, tôi cũng không chắc nữa. Nhiều người cho rằng đây là một câu chuyện vui. Ông cụ và bà cụ vui vẻ làm một việc vì nhau, và việc đó lại còn có ích cho mọi người. Nhưng tại sao nó cũng là một câu chuyện buồn? Vì ông cụ và bà cụ không thể thật sự chia sẻ những nhu cầu, niềm vui, sở thích của bản thân với nhau. Nên thay vì cùng tốt hơn và tạo ra những điều mới, họ lại bị dính với một việc mà họ nghĩ rằng là trách nhiệm đối với nhau.

Có lẽ, sự chia sẻ bao gồm cả hai mặt: Tôn trọng và yêu quý sở thích của nhau, nhưng cũng được chia sẻ cả cảm xúc và suy nghĩ thật của mình.

Sưu tầm


ƯỚC MƠ ĐẸP

Cô bé vẫn mải mê gấp những ngôi sao bé nhỏ vì cô tin vào truyền thuyết cổ khi gấp đủ một trăm ngôi sao nhỏ đem tặng cho người mình yêu quý thì một điều ước của người đó thành sự thật.

Cô bé muốn bạn trai của mình được vui vẻ, cô bé không muốn người bạn trai đó mãi mãi im lặng cô muốn thấy những nụ cười thật sự những niềm vui trong ánh mắt của bạn trai. Thời gian trôi đi cô bé vẫn luôn luôn là người đứng đầu lớp và nhóm bạn thân của cô về hầu hết mọi mặt. túi sao nhỏ của cô càng ngày càng nhiều và cho đến một ngày kia cô là ngày cô sẽ phải xa rời các bạn xa rời quê hương để đến một nơi mà bố mẹ cô cho là tốt cho bản thân cô, cho tương lai rực rỡ, và cô gái quyết định mang những túi sao đủ màu sắc đến cho bạn cô với lý do món quà trước khi rời xa .

Cô bé: " tối nay nhiều sao quá" mắt cô sáng ngời :" ấy hãy ước điều gì đó đi” giọng nói thật nhẹ nhàng như chờ đợi. Cậu bạn trai khẽ mỉm cười mở gói quà và nói:" chúc những điều hạnh phúc nhất sẽ đến với ấy, bạn thân” Cô bé giật mình đôi mắt nhoà đi, giọng như bật khóc:” tớ muốn nghe điều ước dành cho ấy" …..

Bỗng cô nhận ra trong ánh mắt kia đã lâu lẳm rồi như đang thật sự cười và phản chiếu một bầu trời sao đang dành cho cô những điều tốt đẹp nhất. Cô vội vàng thầm ước……đôi mắt đó nụ cười đó mãi mãi theo cô.

Những mong ước đôi khi không vĩ đại, nó thật nhỏ bé chân thành và nó thật giản dị , đôi khi niềm hạnh phúc của người khác là nụ cười của bao người, bất chợt đến và sẽ không phai...

Sưu tầm


Chiếc bánh kem

Ăn thêm cái nữa đi con! - Ngán quá, con không ăn đâu! - Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng! - Con nói là không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi! Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường, sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi. Hai đứa trể đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng bảo thằng con trai: - Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn. Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính, chẳng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn. - Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh - Con bé nói rồi thút thít. - Ừa. Tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!

Sưu tầm


Cha tôi - thế hệ 2X

Cha tôi có tôi khi ông đã bước vào tuổi ngũ thập. Là nông dân, không có kiến thức khiến cha mẹ tôi không biết kế hoạch hóa gia đình là gì. Tôi là con út trong một gia đình 12 anh chị em. Là út, tôi sống xa cha mẹ từ năm lên 3 tuổi. Tôi lớn lên với sách vở và các chị. Đến năm học lớp 12 tôi mới được sống gần cha mẹ. Có nhiều lúc tôi còn nghĩ cha mẹ không thương mình. Cho đến một ngày...

Đó là một ngày mưa tầm tã của mùa hè năm tôi chuẩn bị lên lớp 12. Cha gánh mắm đi bán về rất trễ. Mẹ nóng lòng bảo tôi đi kiếm cha. Vừa đạp xe vừa tìm kiếm, tôi nhìn thấy ông ngồi ngủ gật dưới một mái hiên, bên cạnh là gánh mắm đã bán hết. Nhìn dáng co ro của cha, nước mắt tôi ứa ra. Con bé 17 tuổi ngày ấy đã thề với lòng mình sẽ học thật giỏi, sẽ đậu đại học, sẽ kiếm được nhiều tiền để nuôi dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu. Gánh mắm trên vai cha đã đưa tôi vào đại học. Số tiền còm cõi hằng tháng cha cho tôi chính là từ những giọt mồ hôi nhọc nhằn và hàng chục kilômet cha lội bộ mỗi ngày tận các sóc Khmer để bán.

Mọi nhọc nhằn rồi cũng qua. Tôi đã làm được lời hứa khi xưa là chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già sức yếu. Nhưng tình thương của cha thì không dừng lại. Lại có một ngày tôi đã khóc trước tình cha.

Đó cũng là một buổi trời mưa về sáng, khi tôi từ Sài Gòn về thăm cha mẹ, bị kẹt phà Cần Thơ, về đến nhà đã 2g sáng. Hai mẹ con vừa lò dò bước xuống xe đã thấy ông ngoại đội nón lá, mang áo mưa, cầm theo cây dù để che cho cháu ngoại và con gái. Là mẹ, tôi cũng yêu con mình nhưng chưa bao giờ thấy thấm thía tình cảm của cha đến như vậy. Ông ngoại đã ngoài 80 lội bì bõm trong con hẻm nhỏ ngập nước, vai cõng cháu và bước từng bước chậm rãi để con gái bước theo bước chân mình, sợ con không rõ đường bước lọt xuống cống.

Sưu tầm


Chồng tôi nuôi con

Hằng đêm cậu nhóc 3 tuổi của tôi đi vào giấc ngủ êm đềm trong tiếng hát dịu dàng của chồng tôi. Ba năm tôi có con, không biết bao nhiêu câu ca dao với bao nhiêu cánh cò trắng muốt đã đi vào những giấc mơ của con tôi từ lời ru của ông bố khó tính này.

“Em đừng tắm con, để anh tắm”. Sợ tay tôi yếu đuối làm rớt con, anh đã giành tắm con. Để đến giờ này, khi cháu đã 3 tuổi, anh vẫn là người tắm con. Có người giúp việc anh cũng tự mình làm công việc đó: tắm và hát ru con ngủ.

Anh thương nhưng không chiều con. Anh dạy bé biết khoanh tay khi gặp người lớn, lên bàn ăn biết tự ăn khi cháu mới một tuổi rưỡi, biết mời mọi người trước khi ăn và khi ăn xong thì tự dẹp dọn chén muỗng của mình...

Tôi không biết mai này lớn lên con trai tôi có nhớ được ngày hôm qua không. Nhưng mỗi lúc nhìn con ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, biết tự lập ngay từ tuổi bé xíu, tôi luôn trào dâng niềm biết ơn ông bố của con và cảm ơn cuộc đời đã cho con tôi một ông bố tốt như vậy.

Mỗi ông bố có một cách riêng để yêu thương con mình. Không cần phải là những anh hùng mới có thể là một ông bố tốt. Như trong mắt tôi, cha tôi đã là một người hùng...

LAM LINH