Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Ba quý tử

Ba bà mẹ ra giếng múc nước. Không xa đó, có một ông già đang ngồi trên ghế và lắng nghe ba bà mẹ khoe con mình. Bà thứ nhất nói:

   - Con tôi rất giỏi, không việc gì mà nó không luyện tập được.

   - Con tôi hát hay như chim sơn ca, không ai có được giọng hát như thế. - bà thứ hai khoe.

   Bà thứ ba vốn im lặng. Hai bà kia lấy làm lạ hỏi:

   - Còn bà, sao bà không nói gì về con bà hết?

   - Con tôi chẳng có gì để khoe cả - bà thứ ba bèn trả lời, nó bình thường như những đứa trẻ khác, nó không có gì đặc biệt về tài năng cũng như thiên phú.

   Thế rồi, họ múc nước và ra về. Ông già cũng đứng dậy, lững thững đi sau lưng họ. Thùng nước rất nặng mà tay các bà lại yếu, các bà cảm thấy đau lưng nên dừng lại nghỉ để lấy sức. Chợt ba thằng bé đến. Thằng thứ nhất chống tay xuống và nhào lộn nhiều vòng như làm xiếc. Mấy bà reo lên:

   - Hay quá, thằng bé thật là tài giỏi.

   Thằng bé thứ hai thì cất tiếng hát như sơn ca. Mấy bà yên lặng nghe và cảm động chảy nước mắt. Còn thằng thứ ba chạy đến bên mẹ. Nó xách thùng nước lên và đi về nhà. Bấy giờ, ba người đàn bà quay lại hỏi ông già:

   - Ông thấy những đứa con của chúng tôi thế nào?

   - Những đứa con nào? - ông già ngạc nhiên hỏi lại và nói tiếp -, Ở đây, tôi chỉ thấy có một đứa thôi!"

Sưu tầm


Cần đóng góp để được ơn cứu chuộc

   “Để lãnh nhận ơn cứu chuộc, mỗi người phải đóng góp ít nhất một chút thiện chí”. Theo chiều hướng trên, một nhà văn Kitô hữu dựng một vở kịch diễn tả vụ hành quyết một tên trọng phạm tại một thị trấn nhỏ thời Trung cổ. Theo phép nước, chỉ có mỗi một lối thoát chết cho tử tội là nộp đủ 1000 đồng tiền vàng để chuộc mạng. Nhà vua tỏ ra hào hiệp, tặng hết số vàng 700 đồng mang theo trong chuyến tuần du. Hoàng hậu theo gương, quyên 200 đồng. Đình thần cũng dốc túi.. người ta đếm được tất cả là 997 đồng, còn thiếu 3 đồng nữa thôi. Công lý không thể nhân nhượng, đành phải thi hành pháp lệnh. Toán hành quyết tròng thừng vào cổ tử tội thiếu may mắn và sửa soạn rút dây. Bỗng một tiếng kêu lớn: “Khoan đã. Lục soát người nó đi, biết đâu đấy!” Tên đao phủ lần giây lưng tội nhân, móc ra được 3 đồng tiền vàng hắn giấu kỹ từ trước...!

   Bài học rất dễ hiểu! Đức Vua Cứu Thế, Nữ Vương Mairia và các thánh, các Ki tô hữu chân chính quyên góp lập thành kho báu cứu độ. Dẫu sao vẫn thiếu một ít. Mỗi người chúng ta phải đóng góp bằng thiện chí của mình, dù là một chút để chắc tâm thực hiện được cuộc “vượt qua” từ đời sống tội lỗi vượt lên đời sống thánh thiện."

Sưu tầm


Câu chuyện của Gioan “Lùn”

   Thánh Gioan, biệt danh 'lùn', vì kích thước bé nhỏ của ngài, ở nơi sa mạc Scété bên Ai cập. Ngày kia, ngài nói với anh cả của ngài: “Em muốn như các thiên thần, sống không âu lo, không cần làm việc và không ngừng lên tiếng ngợi khen Thiên Chúa”. Nói thế rồi, Gioan bỏ nhà ra đi vào sâu trong sa mạc, ở đó cả ngày lẫn đêm ngài cầu nguyện và hát thánh ca ca tụng chúa. Khoảng một tuần sau, Gioan trở về lại nhà, giữa đêm, và gõ cửa nhà người anh.

   - Ai đó?

   - Em đây!

   - Ai? Em?

   - Em là Gioan, em anh đây! Mở cửa cho em với, em sắp chết đói rồi!

   - Ồ! - người anh đáp -, Gioan không còn là một con người như bao con người khác, đó là một thiên thần cầu nguyện cùng Chúa suốt ngày. Goan không phải đói, vì các thiên thần không ăn uống bao giờ.

   - Hãy tha lỗi cho em!, anh yêu quí. Em đã nói với anh như thế, em sai lầm. Em nhận biết rằng ngày nào chúng ta còn ở trên quả đất , ngày đó chúng ta còn là đối tượng, là nạn nhân của các khốn khổ của con người.”

   Người anh cả bèn đứng dậy đi mở cửa cho Gioan, nghĩ rằng bài học này sẽ rất có ích cho em chàng.

   (Trong “đời sống của các Giáo phụ trong sa mạc”)"


Con sâu trong tảng đá

Một hôm, Đức Ala gọi một thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có bốn đứa con thơ”.

Thiên sứ ra đi. Ngài gặp người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với bốn đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết như xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách biệt người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng ánh mắt van xin của sứ thần chẳng được mảy may chút nào. Cuối cùng, sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đem về trời.

Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị sứ thần lại có vẻ buồn, phải vui làm sao được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con. Thấy sứ thần buồn, Đức Ala mới gọi đến và đưa vào giữa sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra.

Tảng đá vừa vỡ, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong lòng tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên:

- Ôi! Lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn ngài cũng sẽ không quên được bốn đứa trẻ mồ côi là con cái của ngài.

Chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa của chúng ta? Phải chăng Ngài là Thiên Chúa nhân từ, là Người Cha nhân hậu luôn yêu thương săn sóc từng đứa con, hay trái lại là một ông thần độc ác mà vì sợ hãi chúng ta phải chạy đến khẩn cầu để khỏi bị trừng phạt.

Chúng ta làm sáng lên trong tâm hồn hình ảnh về Thiên Chúa mà Tin Mừng đã mạc khải cho ta. Đó là một Người Cha luôn yêu thương săn sóc và không ngừng tha thứ, một Người Cha mà tình thương vượt hẳn những tính toán của con người.

Hãy bày tỏ với Ngài mọi ưu tư trong tâm hồn và mọi như cầu của cuộc sống. Ngài luôn nâng đỡ ủi an và biết trước những gì chúng ta cần.

Những đau khổ, những mất mát, khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu của Ngài ư? Hãy xác tín rằng Ngài đang nhìn thấy và cảm thông với từng nỗi khốn khổ của ta, và tình yêu mầu nhiệm của Ngài đang nhào nặn để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho ta."

Sưu tầm


Bà mẹ thầy mạnh tử

   Thầy Mạnh Tử thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào chôn lăn khóc. Bà Mẹ thấy thế nói “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi dọn nhà ra gần chợ. Thầy Mạnh Tử ở gần chợ thấy người buôn bán điên đảo, Bà mẹ thấy thế lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đấy”.

   Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế? “ Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy!. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao? Rồi bà đi mua thịt lợn về cho con ăn thật.

   Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Từ hôm đó Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, rồi về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ có cái công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao?

   (Liệt Nữ Truyện)


Bài học làm người

Khi còn bé, một hôm đi học về, tôi kể cho bà tôi nghe một danh nhân thời cổ, khi còn là một chú bé theo cha đến nhà người bạn của cha mình. Chủ nhà cho chú bé một trái quít. Nhớ đến mẹ ở nhà, chú bé cất trái quít vào tay áo. Khi ra về, vái chủ nhà, trái quít rơi ra, chủ nhà cả cười cho là tính trẻ con. Chú bé nói để cho mẹ ở nhà. Mọi người cảm động vì lòng hiếu thảo của trẻ.

Bà tôi nghe xong, trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Con có bắt chước chú bé ấy không?” Tôi hùng hồn đáp: “Dạ có! Lúc nào có món ăn ngon, con cũng để dành cho bà và ba mẹ con cả”. Bà lại hỏi: “Thế khi lớn lên con có nuôi bà và mẹ cha con không?” Tôi ngây thơ trả lời: “Dạ có! Ngập ngừng một lúc tôi nói tiếp, con chỉ sợ con nghèo không có tiền nuôi bà và ba mẹ!” Bà cười xoa đầu tôi: “con ơi, người ta muốn thảo hiếu ông bà, cha mẹ đâu phải lúc giàu mới tỏ lòng hiếu thảo”.

Bây giờ bà tôi đã mất, nhưng những lời dạy năm xưa tôi vẫn nhớ mãi.

Lúc bà tôi bệnh, Bác sĩ bảo không qua khỏi, ba mẹ tôi buồn lắm. Tôi đi học về là quấn quít bên bà luôn. Bình thường mẹ tôi hay cắt móng tay, móng chân cho bà, luôn giữ quần áo bà sạch sẽ, thơm tho. Bà bệnh, mẹ tôi lại càng dịu dàng, chu đáo hơn. Một hôm, ba tôi mang vào phòng bà một cái bánh đậu xanh thơm ngon. Bà tôi rụng răng gần hết nên bao giờ ba tôi cũng mua bánh mềm. Tôi thèm lắm, bà chia cho tôi nhưng tôi từ chối: “Bà ăn đi, ba có cho con rồi!”. Ba tôi vốn đã không ưa hát bộ, nhưng bà tôi lại rất thích, ông bèn vuốt bộ râu tưởng tượng múa máy tay chân, quì xuống trước mặt bà tôi, ra vẻ như Ngô-Tôn-Quyền trong truyện Tam Quốc, thưa chuyện cùng mẹ là Ngô-Quốc-Thái. Ông ứ ừ: “Dạ muôn tâu mẫu hậu, tên này - ông trỏ tôi - nói dối lắm. Hắn chưa ăn bánh mà hắn nói ăn rồi, xin lệnh mẫu hậu cho con xử trảm hắn ứ ư ừ...” Bà tôi cười chảy cả nước mắt. Bà ôm tôi vào lòng: “Cháu cưng của ta mà người đời xử trảm ư! Mau nghe lệnh, cho cháu nửa cái bánh”. Tôi nhảy cỡn lên, bà tôi vui lắm. Ba tôi ít nói, nhưng hình ảnh ông làm hề những ngày bà sắp mất tôi không thể quên được.

Càng lớn, tôi càng hiểu rằng sự chăm sóc ân cần, thăm hỏi cha mẹ hoặc một món quà nhỏ, tuy không có giá trị tiền bạc nhưng biểu lộ sự yêu thương của con cái đối với cha mẹ, là nguồn an ủi to lớn cho đấng sinh thành."

Sưu tầm


Bài thơ về cây vĩ cầm

   Có bài thơ nói về một cây đàn vĩ cầm cũ kỹ . Nó là hình ảnh câu chuyện của bạn, của tôi và của tình yêu Chúa dành cho chúng ta nữa.  Bài thơ ấy như sau:

   “Cây vĩ cầm bị nứt bể rồi lại được dán lại. Người bán đấu giá nghĩ  răng chẳng nên phí thì giờ chăm chút cho nó làm gì. Nhưng ông ta vẫn tươi cười cầm nó lên và rao bán:

   - Nào, thưa quí vị, ai sẽ trả giá đầu tiên đây?  Một đồng, một đồng, rồi tới hai đồng, chỉ có hai đồng thôi sao? Ai sẽ trả nó ba đồng đây?  À, một người trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng, không còn ai nữa sao?

   Bỗng nhiên từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm bước lên cầm lấy cây đàn, ông lau bụi chiếc đàn cũ kỹ rồi siết lại những sợi dây lỏng. Sau đó ông tấu lên một bản nhạc êm dịu, ngọt ngào, y như những bài ca của các thiên thần. Tiếng nhạc dừng lại, người bán đấu giá chậm rãi nói:

   - Tôi sẽ ra giá bao nhiêu cho chiếc vĩ cầm cũ kỹ này đây?

   Rồi ông vừa cầm cây đàn lên vừa nói:

   - Một ngàn đồng, và ai sẽ tăng lên 2000? Hai ngàn rồi! Có ai chịu tăng lên ba ngàn không?  Một người chịu giá 3,000, hai người chịu giá 3,000 và còn nữa!!

   Đám đông hồ hởi reo vui nhưng có vài người trong họ lạ lên:

   - Chúng tôi hoàn toàn chẳng hiểu cái gì đã làm thay đổi giá trị cây vĩ cầm ấy?

   Lập tức có tiếng đáp lại:

   - Chính nhờ đôi tay ông nhạc sĩ chạm vào đấy!

   Quả thế, nhiều người trong chúng ta đã từng đi sai đường lạc lối, bị bầm dập vì tội lỗi và bị đám đông vô tâm rẻ rúng, khác nào cây vĩ cầm cũ mèm kia.  Chỉ một tô cháo, một ly rượu, một cuộc chơi là đã đưa chúng ta sa chân hết lần này đến lần khác, và cuối cùng chúng ta hầu như bị hư hoại luôn.

   Nhưng vị Minh Sư đã đến, và lũ dân chúng khờ khạo hoàn toàn không thể hiểu nổi giá trị của linh hồn và sự đổi thay của nó, sau khi linh hồn đã được đôi tay của vị Minh Sư chạm đến”. 

Sưu tầm


Basile

   Vosile, hoàng đế của Constantinople đã cho con của ngài là Léon lời khuyên nhủ sau đây:

 “Con ơi, con sẽ không bao giờ hối hận về dù chỉ là 1 hành động nhỏ của con thôi, nếu mỗi một lần con định làm cái gì đó, con luôn ý thức rằng Thiên Chúa luôn nhìn thấy và quan sát con, và như thế, dù ở nơi công cộng hoặc trong nơi kín đáo, con sẽ không bao giờ làm 1 điều gì đáng tội cả. Nếu con tin rằng con tránh được cái nhìn của con người, thì trái lại, con không bao giờ tránh khỏi cái nhìn của Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy tận đáy lòng sâu thẳm của con.”

Sưu tầm


Bài học làm chủ bản thân  

   Có 1 bé trai rất tham ăn. Em đặc biệt thích ăn khoai tây do tự tay em nấu trên chảo.  Một ngày, mẹ em đi vắng.  Lợi dụng ngay cơ hội, em chạy vào bếp làm món ăn em ưa thích.  Khi món khoai rán đã chín vàng, em chuẩn bị món ăn khoái khẩu, thì lại phải rời khỏi bếp để tìm 1 cái gì đó, chẳng may lúc đó, ba em bất chợt đi ngang qua bếp, thấy củ khoai vàng và lấy ném nó vào bếp lửa đã cháy thành than đen thui đen thủi, em hỏi ba em cách buồn bực:

   - Thưa ba, tại sao củ khoai của con lại rơi vào trong bếp lửa thế?

   - Con ạ - ba em trả lời - khi người ta không làm chủ các bản năng của mình và khi người ta không biết vâng lời, thì tất cả những gì người ta làm đều giống như củ khoai này: chỉ còn lại tro bụi và hư vô!

   Em bé này không bao giờ quên bài học đó.  Sau này, em trở thành linh mục và còn hơn thế, trở thành 1 vị sáng lập dòng !

   Với ơn Chúa, các em hãy cố gắng học chiến thắng bản thân và tập hy sinh, vì “tuổi trẻ không phải được dựng nên để tìm lạc thú nhưng là để tập làm anh hùng.”

Sưu tầm


Bán tuổi trẻ và tuổi già

   Hai người gặp nhau ở chợ.

   - Ông bán gì thế? Một người hỏi.

   - Sụ thông thái và kèm theo tuổi già, người thứ hai đáp. Còn cậu bán gì?

   - Tuổi trẻ, kèm theo sự nông nổi?

   - Đúng  là thằng ngốc! Người thứ nhất nghĩ thầm. Ai cần sự nông nổi của nó?

   Họ bày hàng ra giữa chợ.

   Sự thông thái lập tức được mọi người chú ý nhưng vì bán kèm theo tuổi già nên không ai muốn mua.

   Còn tuổi trẻ bán được ngay, mặc dù nó kèm theo sự nông nổi. Ai cũng muốn trở thành thông thái, nhưng lại không muốn tuổi già.

Sưu tầm