Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Cây cổ thụ 

Henry Emerson Fosdick kể lại một câu chuyện về những thắng bại của một cây đại thụ trong rừng:

   Trên sườn núi Long's Peak Ở Colorado có một cây khổng lồ bị tàn phá còn trơ lại mỗi một khúc thân. Các nhà thực vật học đoán cây đó sống khoảng 400 năm. Hồi Christophe Colombus đặt chân lên đất San Salvador, nó đã có rồi, vả khi những cố đạo tới xây dựng sự nghiệp ở Plymouth, nó mới sống được nửa đời của nó. Trong cuộc sống dài đằng đẵng suốt 4 thế kỷ đó, nó bị sét đánh 14 lần, và trải qua biết bao lần tuyết băng, giông tố mà vẫn sống. Nhưng về sau, bị một đàn sâu đục khoét, nó đành chịu đổ lăn kềnh ra. Đàn sâu khoét hết lớp vỏ, rồi mỗi ngày nhấm một chút, liên tiếp không ngừng, tuần tự phá phách sinh lực của cây. Thành thử, một cây cổ thụ khổng lồ đã từng chống chọi lại với thời gian, với sấm sét với giông tố, mà rút cục lại bị hạ vì những con sâu tý hon, nhỏ xíu đến độ có thể bị bóp nát giữa hai đầu ngón tay người.

   Đối với con người chúng ta, những con sâu nhỏ xíu ấy có thể là những nỗi lo lắng lặt vặt, những tội nhỏ mọn đâu chăng?"

Sưu tầm


Con chim chỉ là con chim

 Vị tông đồ nổi tiếng của người nghèo xứ Brazil, Đức Giám Mục Helder Camero đã ghi lại trong tập thư của Ngài mang tựa đề “Có muôn ngàn lý do để sống” câu chuyện sau đây:

Bên cạnh nhà tôi có một con sáo, quanh năm ngày tháng sống giữa trời. Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm tôi hỏi sáo có nơi ngủ không. Nó ngạc nhiên trả lời:

- Có chứ, màn là trời, chiếu là đất, có bao giờ thiếu đâu.

Vì những đòi hỏi của trí khôn con người muốn biết mọi chuyện, tôi mới tò mò hỏi nó:

- Thế thì những lúc mưa gió trú ẩn mình nơi đâu?

Sáo nhanh nhẩu trả lời:

- Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?

Tôi hỏi nó đói không. Con chim chỉ mỉm cười đáp:

- Điều tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà.

Nói thế rồi nó cất tiếng hót như sau:

- Hỡi loài người kiêu ngạo, hãy nói cho ta biết đi, liệu các ngươi không chết sao?

Có lần, tôi nài nỉ con sáo nhận món quà tôi biếu, đó là khúc bánh mì kẹp thịt. Thế là sáo lại được dịp cười nhạo sự ngây ngô của tôi. Nó bảo:

- Ông không biết loài sáo chúng tôi không ăn bánh mì và thịt như các ông à?

Một lần khác tôi hỏi sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười và nói:

- Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót.

Ngày kia, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện nhờ các Bác sĩ khám bệnh và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.

Với câu chuyện ngụ ngôn trên đây, Đức cha Camero muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Nguyên nhân của những nỗi bất hạnh của con người là việc con người không biết chấp nhận tư tưởng, hành động và cách sống của nhau.

Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ, hành động và sống như mình. Ý thức hệ nào cũng tự cho mình là ưu việt và muốn áp đặt trên mọi người bằng mọi cách.

Ý thức và chấp nhận những giá trị của người khác, của những xã hội, những nền văn hóa  khác, đó chính là con đường dẫn đưa nhân loại đến hoà hợp, an vui, là phương thế kiến tạo tình liên đới đại đồng giữa các dân tộc."

Sưu tầm


Con diệc thích kiện

 Con diệc quen thói cáo trạng trong khi cầu nguyện :

       -  “Chúa Tạo Vật ạ, ngài coi, con chim bay trên không, không trồng cũng không gặt, nhưng lại sống nhàn nhã thoải mái, không phải lo ăn mặc, thật quá lười biếng. Hoa Xếp Hợp không kéo sợi và cũng không dệt, từ sáng đến tối chỉ lo làm đỏm cho mình, thật là rất dể hao kiệt tinh thần. Ngài có nên cho họ một bài giáo huấn để họ tỉnh táo chăng ?”

Chúa Tạo Vật thở dài nói : “Người tự cho mình là nhân nghĩa ơi, khuyết điểm lớn nhất của anh chính là thích đóng người khác nơi thập giá”.

 Suy tư :

    Người biệt phái vào cầu nguyện trong đền thờ (Mt 18, 9-12), đã tố cáo người thu thuế đang quỳ cẫu nguyện ở phía sau : Lạy Chúa, con không như cái thằng thu thuế tội lỗi sau kia, nó không ăn chay mỗi tuần, nó không bố thí mà chỉ biết bốc lột, nó ... ...

           Có những tín hữu vào tòa xưng tội, nhưng không chấp nhận tội của mình, mà cứ đổ tội cho người khác : Thưa cha, nếu con mẹ ấy không chửi con, thì con sẽ làm ngơ ... ... Thưa cha, nếu thằng cha đó không chọc ghẹo con, thì con không mắng nó là đồ tồi, đồ dơ dáy...

           Có người lúc cầu nguyện mà cứ phân bì, so đo với người khác : Lạy Chúa, sao Chúa cho nó giàu có thế, tiền dư bạc thừa, để nó ăn chơi đàng điếm, nếu Chúa cho con thì con sẽ không như  nó đâu, con sẽ bố thí cho người nghèo, con sẽ dâng cho nhà thờ, con sẽ... ...

          Nếu trong khi cầu nguyện mà chúng ta biết nói : “Lạy Chúa con cảm ơn Chúa vô cùng, vì Chúa đã ban cho con như con đang có, nếu con giàu có, thì chắc con sẽ đàng điếm hơn họ nữa ; nếu con tài giỏi, thì chắc con sẽ kiêu ngạo vô cùng ; nếu con hơn mọi người, thi chắc là con coi trời chẳng có kilôgam nào cả... ... Lạy Chúa, Chúa ban cho anh (chị) ấy nhiều thứ quá, tiền bạc, danh vọng, vợ đẹp con ngoan.... ... xin Chúa cho họ biết xử dụng những thứ ấy để làm sáng danh Chúa và có ích cho họ, cho mọi người...”

Sưu tầm


Con mèo bằng cao su

 Một người mẹ gia đình đạo đức nọ nói với các con của bà về sự ăn năn trở lại của các tội nhân. Bà kêu gọi các con làm một việc hy sinh nào đó cho Chúa trong ý hướng này. Bé Tân nhỏ nhất, khoảng 4-5 tuổi, rất xúc động trước những lời của mẹ. Bé quyết định cho các trẻ nghèo tất cả các đồ chơi của em. Mẹ em khen ngợi em. Nhưng rồi Tân bỗng do dự nói với mẹ: - Mẹ, con mèo bằng cao su của con . . . Con thích nó lắm. Con có thể giữ nó lại không?

Người mẹ mỉm cười bảo: - Dĩ nhiên là con có thể giữ lại rồi, bởi vì con không bị bó buộc phải cho các trẻ nghèo những đồ chơi của con. Tuy nhiên, nếu người ta cho đi cả những cái quí nhất của mình, thì điều này đánh động Chúa Giêsu hơn cả, và sẽ làm cho các tội nhân dễ dàng trở lại hơn!

Tân tỏ vẻ lưỡng lự . . . Cuối cùng, em thở dài nói với mẹ:- Mẹ ạ, con giữ lại con mèo bằng cao su của con. Con thích nó quá!

Bà mẹ trả lời: Tuỳ ý con.

Ngày hôm sau qua đi. Tân tỏ vẻ buồn buồn nghĩ ngợi và không chơi đùa vui vẻ như mọi ngày. Tối đến, theo thói quen tốt của gia đình, mấy mẹ con đọc kinh chung với nhau.

Sau buổi đọc kinh, Tân bé đứng lên, e thẹn tiến đến và dúi vào  tay mẹ mình con mèo bằng cao su yêu thích của Tân và nói thầm với mẹ: -Mẹ, cầm lấy!  Con biếu cho mẹ luôn đó, để Chúa Giêsu hóan cải các tội nhân!"

Sưu tầm


Con Mi Mi

Ngày nọ con Mi Mi chạy chơi trong cánh đồng của chủ. Một con ngựa lên tiếng bảo nó:

- Này chú chó nhỏ, chú thấy không, ông chủ quí tôi hơn những con vật ở đây chứ, vì tôi giúp ông chuyên chở mọi thứ cần thiết. Còn chú, tôi nghĩ chú chả giúp được gì cho ông.

Mi Mi gật đầu bỏ đi. Nó lại nghe tiếng bò cái:

- Này tôi chiếm địa vị đặc biệt ở đây, vì nhờ sữa của tôi gia đình bà chủ mới có bơ và phô mát. Còn chú, chắc chú chẳng cung cấp được gì cho chủ.

Lúc đó con cừu ở gần đấy lại nói:

- Bò cái ơi, chị không hơn tôi đâu, vì tôi cung cấp len cho chủ dệt áo ấm mùa đông. Không có tôi thì chắc cả nhà chết vì lạnh mất. Nhưng có lẽ chị nói đúng. Chú chó con này không giúp được gì cho chủ cả.

Lần lượt các con vật đều khoe với Mi Mi về công nghiệp của chúng, từ con ngựa, con bò cho tới con mèo, con vịt, con gà.

Nghe những lời chê bai sự vô ích của mình, Mi Mi buồn quá, nó tìm một chỗ vắng vẻ để than khóc thân phận. Chợt một con chó già tiến lại và bảo nó:

- Này con, đừng than khóc về những điều mình không làm được. Đành rằng con quá nhỏ không thể kéo xe như ngựa, cũng không cung cấp được trứng, sữa, len… nhưng con hãy dùng tới khả năng mà Thượng Đế đã ban cho loài chó chúng ta, là mang đến cho con người nụ cười và lòng quí mến.

Chiều hôm ấy, khi chủ trở về nhà sau những giờ lao động mệt nhọc, mi mi vui vẻ chạy ra vẫy đuôi, liếm tay chủ và chạy thót vào lòng ông. Cả hai lăn tròn trên thảm cỏ xanh. Ông chủ ôm Mi Mi vào lòng và nói với nó:

- Về đến nhà ta mệt biết bao, nhưng bây giờ ta thấy đỡ mệt hẳn vì mi mi đã làm ta vui. Ta không thể sánh Mi Mi với bất cứ con vật nào trong nông trại này được. Vì điều quan trọng nhất là lòng quí mến, chỉ Mi Mi đã biết quí mến ta.

Con vật là loài vô tri mà xem ra còn biết cư xử khéo léo và vô vị lợi. Con người có trí thức, có khôn ngoan, lẽ nào lại không biết đối xử với nhau cho xứng với danh nghĩa làm người.

Tiền bạc, của cải, lợi lộc đâu sánh được với lòng con người, có được phục vụ tối đa, có được trao tặng những gì quí báu nhất đi nữa, thì điều làm cho ta hài lòng thỏa mãn hơn cả vẫn là một tình thương yêu, quí mến chân thành.

Ai không khao khát được yêu mến, quí trọng, nhưng mấy ai biết thực tâm yêu quí người?

Chúa Giêsu đã yêu thương tới mức độ hiến ban cả mạng sống mình vì những kẻ Ngài yêu. Và Ngài dạy  chúng ta hãy yêu như Ngài yêu.

Hạnh phúc của loài chim là đôi cánh.

Hạnh phúc của loài vật là làm cho loài người vui vẻ."

Sưu tầm


Thấy cái hay nơi người khác

          A Lưu là cậu tiểu đồng của Chu Nguyên Tố. Cậu thật ngây ngô, không làm được việc gì.

          Thí dụ một hôm Chu Nguyên Tố mới trồng vài cây liễu trước sân, sợ trẻ láng giềng đến nghịch phá hỏng, ông sai cậu trông nom giùm. Đến lúc vào ăn cơm, A Lưu nhổ cả các cây lên mà cất đi một chỗ, vì nghĩ đến thế là an toàn.

          Cậu còn làm nhiều chuyện ngây ngô đáng cười như thế, nhưng Chu Nguyên Tố vẫn nuôi cậu suốt đời. Tại sao?

          Chu Nguyên Tố là một họa sĩ tài ba. Một hôm ông pha màu để vẽ, thấy A Lưu lân la bên mình ông hỏi đùa:

          Mày có biết vẽ không?

          A Lưu tươi cười đáp:

          Thưa, vẽ dễ ợt chứ có khó gì mà không biết.         

          Đang hứng chí, Chu Nguyên Tố bảo A Lưu cũng vẽ thử. Cậu bé cầm cọ chấm màu và hý hoáy vẽ. Nét vẽ cậu tài tình như một họa sĩ rành nghề.

          Chu Nguyên Tố thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu cũng vẽ được như ý ông cả. vì thế, ông luôn nuôi nấng, lo lắng, săn sóc cho A Lưu, và giúp cậu trau giồi tay nghề. Về sau A Lưu nổi tiếng là một nhà danh họa.

          Kính thưa quí vị, các bạn thân mến!

          Thường mỗi khi chúng ta đoán xét ai, chúng ta chỉ đoán xét dựa vào hình thức bên ngoài, chớ ít khi nhìn thấu tận bên trong để nhận ra tất cả những phức tạp của con người. Và một khi in trí một khía cạnh nào đó của ai, chúng ta chỉ còn thấy người đó dưới cái nhìn chủ quan của mình mà thôi.

          Nếu Chu Nguyên Tố chỉ nhìn thấy khía cạnh ngây ngô đến độ ngu ngốc dại khờ của A Lưu và tống cổ cậu tiểu đồng của mình đi nơi khác, vì cho là đồ vô dụng, thì làm sao nhân loại có được danh họa A Lưu.

          Ở đời không có ai là người vô dụng cả. chỉ có người không biết khám phá ra tài năng của người khác do thành kiến, do thiển cận, do suy luận một chiều mà thôi.

          Chúng ta phải luôn nhớ rằng mỗi một con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần luôn ban ơn nâng đỡ. Vì thế, trong mỗi một người luôn tiềm tàng một thánh nhân, và bổn phận của chúng ta là phải cố gắng nhìn thấy vị thánh nhân tiềm tàng nơi người khác đó, để cùng nhau giúp cho vị thánh tiềm tàng đó càng ngày càng rõ nét hơn nơi mọi người.

          Lạy Chúa.

          Xin giúp con biết nhìn vũ trụ, những tạo vật của Chúa, nhất là biết nhìn con người, anh chị em của con, bằng đôi mắt của Chúa. Để con thấy được những điều tốt đẹp Chúa đã an bài nơi mỗi người. Để con nghe được Chúa đã từng nói với mỗi người có mặt trên trần gian này qua miệng tiên tri Isaia: “Ta đã ghi khắc tên con trong lòng bàn tay của Ta. Con thật quí giá trước mắt Ta và Ta yêu thương con”.

          Chúa đã yêu thương mọi người, xin cho con là con của Chúa biết luôn noi gương Chúa, yêu thương tất cả anh chị em con.

          Từ nay trước khi con phê bình chỉ trích ai, nói xấu ai, kết an ai, xin cho con cảm được thế nào là bi phê bình, chỉ trích, nói xấu, kết án.

          Ngược lại, mỗi khi con cảm thấy can đảm hơn, tự tin hơn khi được ai khích lệ một vấn đề gì, xin cho con cũng biết dùng kinh nghiệm đó để nâng đỡ, khuyến khích anh chị em chung quanh con như thế.

          Con hết lòng cầu xin Chúa.

          Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Sưu tầm


Chuyến du lịch

“Hãy sẵn sàng, vì vào chính giờ các ngươi không ngờ, thì Con Người sẽ đến”

(Lc 12,40)

Mặc dầu là một người Công giáo, bà ta đã lấy một người đàn ông vừa ly dị với vợ cũ.

Mười mấy năm chung sống bên ông ta là mười mấy năm bà khắc khoải, ưu tư về phần riêng của mình. Nhất là, bà đã không thuyết phục được người chồng cho các con rửa tội!

Mỗi năm, bà đều nảy lên ý định cắt đứt mối quan hệ tội lỗi này trở về với Chúa, nhưng lần nào cũng có lý do khiến bà nấn ná, trì hoãn...

 Lần này, bà có vẻ mạnh mẽ hơn: bà lấy giấy bút, quyết định sẽ viết cho ông chồng biết rõ ý mình. Giữa lúc bà đang loay hoay như thế thì người chồng về. Ông hớn hở báo tin: “Anh vừa trúng mánh lớn, anh đã mua vé đi châu Âu rồi, chúng mình sẽ có một chuyến du lịch tuyệt vời...”

Thế là, lặng lẽ và nhanh chóng, bà thảy giấy bút vào ngăn kéo, nhủ thầm: “Thôi,  hãy tạm hoãn quyết định ấy lại, ít nhất là sau chuyến du lịch này”.

Thế nhưng, sau cái hôn nồng cháy, người chồng vừa buông bà ra, thì bà thấy ngực đau buốt. Cơn nhồi máu cơ tim đã đưa bà vào chuyến du lịch về cõi đời đời."

Sưu tầm


Công dã tràng và công nghiệp lớn

“Ví như Chúa chẳng xây nhà

Thợ nề vất vả cũng là uổng công

Thành kia mà Chúa không phòng giữ

Uổng công người trấn thủ canh đêm”

(Tv 126,1)

Trong cuốn “ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ”, nhà văn Éc-nét Hê-minh-uê kể lại cuộc tranh đấu uổng công của một lão ngư phủ người Cu-ba tên là Xăng-ti-a-gô với biển sâu. Ông ròng rã lao động trên biển 84 ngày, và 84 ngày đều trở về tay không! Sau cùng, ông câu được một con cá kình rất lớn. Con cá khỏe đến nỗi nó kéo miết thuyền của ông suốt hai ngày đêm. Khi con cá thấm mệt, ông tìm cách kéo nó vào mạn thuyền, quãng cách vừa tầm để phóng lao.

Bắt được cá, nhưng cá lại quá lớn, không bỏ vào khoang thuyền, lão ngư phủ phải cột nó bên mạn thuyền và kéo trôi về bến. Ông lão nhẩm tính: với con cá lớn này, ít ra ông cũng sống qua mùa đông băng giá!

Nhưng dọc đường, lũ cá mập đánh được hơi, xúm vào rỉa thịt. Lão Xăng-ti-a-gô không có cách nào đuổi được chúng! Lão hối hả chèo cho mau về đến bến. Khi về đến nơi, con cá to là thế, mà chỉ còn cái đầu và bộ xương thôi!

Câu truyện trên có ý nói rằng: Nhiều người khi về đến bến đời đời, cứ yên trí là mình có “chiến lợi phẩm”, có của quí báu, có công nghiệp... để lên bến. Nhưng khi tới bến, té ra chẳng có gì ngoài bộ xương của những ước mơ!

Khác hẳn với truyện này là mẻ lưới gần hai ngàn năm trước đây, lúc Chúa Giê-su bảo các tông đồ: “Hãy thả lưới”, các ông đã nghe theo lời Người, dù trước đó, các ông đã vất vả suốt đêm mà chẳng được gì. Kết quả là một mẻ lưới nhiều đến nỗi muốn chìm thuyền! Sự khác biệt của chuyến đánh cá sau là việc làm với Chúa và vì Chúa.

Người nào khi chết chỉ có bộ xương gồm toàn ước mơ của mình, thì không phải là làm việc cho Chúa Ki-tô.

“Việc chúng con làm xin Người củng cố

Xin Người củng cố sự nghiệp tay chúng con làm”

(Tv 71)

“Không có Thầy chúng con chẳng làm gì được”

(Ga 15,5)"

Sưu tầm


Gieo gì gặt nấy - sống sao chết vậy

Theo các nhà tu đức, HẠNH CÁC THÁNH là cuốn Tin Mừng thực hành. Nếp sống – và nhất là cái chết của các ngài – ghi dấu ấn Tin Mừng.

Mỗi vị thánh đều có một cuộc đời đẹp và một cái chết đẹp. Có những cái chết để lại cho chúng ta ấn tượng sâu sắc...

Đọc hạnh thánh nữ Tê-rê-xa, ta thấy cả cuộc đời là một lời diễn giải Tin Mừng của Chúa: “Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

Thánh nữ sinh ngày 2-1-1873 tại A-lăng-xông trong một gia đình công chức trung lưu, nhưng đạo đức, gồm 5 chị em: 4 gái, 1 trai. Cậu con trai chết từ nhỏ, Tê-rê-xa là em út. Năm 1888 vừa tròn 15 tuổi, chị vào Dòng Kín - với phép chuẩn tuổi của Đức Giáo Hoàng – để sống đời tận hiến, với 3 lời khấn: khó nghèo, vâng lời, trong sạch – cùng những phương pháp tu đức thời đó: ăn chay, hãm mình, đánh tội...

Thiếu dinh dưỡng do chay tịnh, lại thêm cái lạnh mùa đông-vì hãm mình, không xin thêm chăn áo, dù chính chị ruột làm bề trên, Tê-rê-xa đã bị ho lao:  chết dần phần xác!

Mặc cảm, đau đớn về tinh thần, vì bệnh hay lây, mọi người phải xa cách-ly, đĩa, muỗng... xài riêng! Tê-rê-xa đã vật lộn với cơn thử thách này.

Có những đêm thổ huyết, chẳng dám kêu ai, tự động dọn dẹp, nhưng 12 giờ đêm vẫn đi đọc kinh và làm mọi việc như những chị em khác...

Mỗi sáng chị hôn Thánh Giá đặt trên gối và thưa Chúa: “Chúa đã vác Thập Giá, bây giờ Chúa hãy nghỉ đi, để Tê-rê-xa đi vác Thập Giá”.

Hơi sức mỏi mòn, tới ngày 30-9-1897 chị hôn mê! Lúc tỉnh lại, chị kêu nóng quá, dù là mùa thu, chị xin mở cửa sổ ra; chị nhìn ra vườn: cây xanh và bầu trời lấp lánh sao. Những chòm sao mà có lần, hồi còn bé đi dạo với cha, chị đã chỉ lên chòm sao hình chữ T và nói với cha: “Cha xem kìa, tên con được viết trên trời rồi đó!”

Thưa anh chị em ! Nếu người ta giống nhau ở cái chết, thì lại vô cùng khác nhau ở cách người ta chết và ở tình trạng tâm hồn khi chết!

Có cái chết nặng nề, tức tưởi, ray rứt của những người còn vướng vít những chuyện trần gian: danh, lợi, thú; có cái chết “nhẹ tựa lông hồng” của những người tuy ở trần gian mà “không thuộc về thế gian này”.

Về tình trạng tâm hồn, thì có biết bao kẻ chết mà hồn còn chất đầy tội lỗi, có khi là những trọng tội mà chẳng kịp ăn năn sám hối, chặng gặp được linh mục trong giờ sau hết, hay có gặp mà vẫn một mực từ chối trở lại như bức ảnh CHẾT DỮ đã trình bày cho chúng ta.

Trái lại, có biết bao kẻ “chết trong ơn nghĩa Chúa”, chết trong niềm an ủi hạnh phúc Nước Trời như thánh Gio-an đã viết trong sách Khải Huyền (Kh 14,13), cái chết đem lại niềm hãnh diện cho thân nhân, bè bạn và cả Hội Thánh.

Cái chết mà tác giả Thánh Vịnh 115 đã phải kêu lên:

“Đối với Chúa thật là đắt giá

Cái chết của những ai trung hiếu với Người”

(Tv 115, 15)

Người ta vẫn nói “Sống sao chết vậy”! Ước mong mỗi người chúng ta biết sống lành, để cái chết trở thành một kết thúc đầy đủ ý nghĩa nhất của một  cuộc sống, chứ không phải chỉ đơn thuần là chấm dứt thời gian tại thế. A-men."

Sưu tầm


Một bải giảng hay

Một Xếp nông dân người Anh có dịp nghe John Wesley, một nhà thuyết giáo nổi tiếng, giảng trong một buổi lễ.  Các lời của ngài nói thu hút Xếp ta và Xếp chăm chú lắng nghe cả bài, không bỏ sót câu nào, ý nào.

Wesley giảng về việc sử dụng của cải.  Trong điểm thứ I, ngài quảng diễn tư tưởng: “Hãy thu hoạch (làm giàu) tối đa”.  Người nông dân thúc cùi chỏ người đứng bên cạnh và nói: “một bài giảng tuyệt vời. Tôi chưa hề nghe một bài nào như thế từ toà giảng.  Vị này hoàn toàn nói đúng!”

Wesley khai triển tiếp điểm thứ II: “Hãy tiết kiệm tối đa”.  Xếp nông dân nhà ta khoái chí lắm, những gì Xếp nghe  đều rất ăn ý với Xếp.”Chưa bao giờ mình nghe một bài giảng hay như vầy”, Xếp tự nói thầm. Wesley đang lên án sự xa xỉ, các chi tiêu quá đáng và chỉ trích tinh thần ăn chơi phung phí.  Xếp nông dân càng nghe càng thấy thích và Xếp nghĩ trong trí: “Cám ơn Chúa,  xưa nay mình luôn làm và sống như thế mà!”

Cuối cùng, nhà thuyết giáo đi đến điểm thứ III của bài giảng: “Hãy chia sẻ tối đa”. Nghe vậy, bất thình lình nỗi hứng thú của Xếp nông dân xẹp lẹ xuống và Xếp bỏ ra khỏi nhà thờ, dáng tư lự thinh lặng và ... thất vọng!"

Sưu tầm


Câu chuyện về con chim nho muốn bằng con chim ưng

   Có một dàn cừu đang từ trên núi xuống thung lũng. Bất ngờ từ trên trời cao, một con chim ưng bay xuống quắp lấy một con cừu non. Một con chim nhỏ đã trông thấy hết cảnh đó. Nó nghĩ rằng : “Ờ, sao mình lại không làm như chim ưng nhỉ? Mà việc gì phải đi cắp cừu non, ta sẽ bắt hẳn con cừu to. Con chim nhỏ bay cao lên, kẹp cánh lại và lao thẳng xuống . Nhưng chuyện lại kết thúc ở chỗ là nó va phải sừng cừu và chết ngay tại chỗ.

   - Một con ruồi có lần định lăn hòn đá đi và chết ngay tại chỗ thế này, người chăn cừu đặt chú chim vừa chết trong lòng bàn tay, nói:

   Vậy là chú chim muốn băng chim ưng, cuối cùng đã đạt được điều là bị ví với con ruồi."

Sưu tầm