Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Bài học khiêm tốn

Trần Ngiêu Tử làm quan Tiết độ sứ đời Tống là người tài bắn, thiên hạ khen phục, Nghiêu Tử cũng lấy làm kiêu căng tự đắc.

Nghiêu Tử thường bắn ở trong vườn nhà mình. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy Nghiêu Tử bắn, đặt gánh xuống, ngấp nghé đứng xem. Ông lão thấy Nghiêu Tử bắn mười phát trúng bảy, tám, thì hơi gật gù và mỉm miệng cười.

Nghiêu Tử thấy thế, gọi vào bảo:

- Nhà ngươi cũng biết bắn chứ, ngươi cười ta bắn không được có phải không?

Ông lão đáp:

- Giỏi gì đâu, chẳng là quen tay đấy thôi.

 Nghiêu Tử giận quá, nói:

- A, nhà ngươi khinh ta bắn không giỏi phải không?

 Ông lão bán dầu đáp:

- Khinh hay không ngài cứ xem tôi rót đầu dây thì biết!

Nói xong, ông lão lấy một cái bầu đặt xuống đất, trên miệng bầu để một đồng tiền rồi từ từ rót dầu qua lỗ mà không nhiễu một tí dầu nào ra lỗ đồng tiền cả.

Rót đoạn, ông lão ngẩng lên nhìn Nghiêu Tử:

- Như tôi đây cũng chẳng giỏi gì đâu chẳng là quen tay đấy! Nghiêu Tử cười, khen phải và từ đó không lên mặt là tay bắn giỏi nữa."

Sưu tầm


Ba cái tai của con thỏ

 

     Có một con thỏ có ba cái tai.

     Những con thỏ khác nhìn nó không thuận mắt, nên nhao nhao phê bình, nói :

 - “Thật kì quái, chúng ta đều có hai cái tai, tại sao một mình anh lại có ba cái ?”

  -  “Chắc chắn nó là quái vật không bình thường”.

  -  “Đúng, chúng ta không cần quái vật, đuổi nó đi, đuổi nó đi”.

     Để được sự đồng ý tiếp nhận của chúng nhân, nó nhịn đau cắt đi một cái tai. Mấy năm sau, nó đi đến một khu rừng rậm khác, bổng phát hiện những con thỏ ở đây đều có ba cái tai.

     Chúng nó hình như phát hiện ra người...ngoài hành tinh, vây lại bình phẩm đủ điều :

  -  “Trời ạ , con thỏ xấu xí này ở đâu mà đến đây vậy ?”

  -  “Anh coi, nó thiếu một cái tai, chúng ta có bị truyền nhiễm không ?”

  -  “Thật tôi không thể chịu đựng khi ở chung cùng với loại thỏ như thế...”

     Con thỏ nghi hoặc không hiểu, rốt cuộc ba cái tai là bình thường hay là hai cái tai mới đúng. Nó chỉ có một khẳng định duy nhất là : “Chỉ cần nó không giống với người khác, thì nhất định bị coi là khác loài, không được đón tiếp”.

                                                                                                                          (HạnhLâm Tử)

     Suy tư :

        Muốn vừa lòng ông chủ, những người làm công nịnh hót luôn đánh mất nhân cách của mình ; để cấp trên khen thưởng và để lấy lòng họ, các nhân viên thường che giấu cái tôi của mình, chịu lòn cúi, nịnh hót...

        Con người ta khi đã đánh mất mình đi thì không còn là mình nữa, chỉ là những con người máy làm theo lệnh của cấp trên ; vì quyền lợi cá nhân, vì địa vị, vì danh vọng, mà có rất nhiều người tự chặt bỏ đi sự can đảm, cương trực, ngay thẳng của mình.

        Thánh Gioan Tiền Hô đã bị chặt đầu vì đã can ngăn những loạn luân lăng loàn của vua Hêrôđê. Ngài đã không đánh mất sự cương trực của mình.

        Thánh nữ Maria Gôrétti đã bị đâm hàng chục nhát đao để bảo vệ sự trong trắng của mình.

        Thánh Tôma Thiện thà chịu chết vì đạo Chúa hơn là được quan gả con gái cho và được ra làm quan...

        Bản chất của người Kitô hữu là : có thì nói có, không thì nói không (Mt 5, 37).

        Bản chất người tu sĩ khi hoạt động tông đồ, khi học hành nghiên cứu, khi tiếp xúc... ...đừng nên để bị đánh mất, vì những ham muốn không chính đáng với lời khấn của mình.

                                                                                                                      Lm.NhânTài,csjb


Ba cái nhìn

   Một người bao nhiêu năm đã vui vẻ chấp nhận cuộc sống với những thiếu thốn tiền bạc và rắc rối trong gia đình. Người ta hỏi ông:

   - Làm sao mà có thể an vui như thế?

   - Tôi biết sử dụng, ông trả lời, với đôi mắt sáng suốt.

   - Như thế có nghĩa là gì?

   - Trước hết, tôi nhìn lên trời và nhớ rằng công việc chính yếu của tôi là đạt tới trời. Rồi tôi nhìn xuống đất và cố hình dung một nắm đất tôi sẽ nằm xuống sau khi chết, nó thật bé nhỏ. Và sau cùng tôi nhìn đến biết bao nhiêu người đàn ông, đàn bà, cũng như trẻ thơ ở bên cạnh tôi trên khắp trái đất này có khi còn cực khổ hơn tôi nhiều... Ba cái nhìn đó làm tôi sung sướng và bằng lòng, nó khử trừ mọi than vãn trách móc."

Sưu tầm


Báu vật trần gian

Người ta kể rằng một thiên thần nọ trong một ngày đẹp trời đã trốn khỏi thiên đàng tìm đường xuống thăm trần thế. Ngài rảo qua khắp cánh đồng, nhà cửa, làng mạc, thôn xóm... để thưởng ngoạn vẻ đẹp trần thế. Chiều nay, ngài phải về thiên đàng và ngài muốn mang theo về những báu vật của trần gian.

Ngài thấy những đoá hồng tươi nở toả hương thơm diệu vợi dưới ánh nắng mai tươi mát. Ngài tự nhủ: “Hoa hồng thơm ngát và xinh đẹp biết bao, ta phải lấy một bông mang về trời mới được.” Ngài ngắt lấy một bông. Khi bay ngang qua một căn nhà quê vách đất, ngài nhìn qua khe cửa thấy nụ cười thơ ngây của một em bé, ngài khẽ nói: “nụ cười của em bé xinh đẹp hơn bông hồng, ta cũng phải lấy về trời mới được”. Rồi nhìn xa hơn, ngài thấy tình yêu bà mẹ đang tràn đổ xuống như thác nguồn ngọt ngào trinh trong, khi bà hôn con và chúc nó ngủ ngon. Ồ, tình yêu người mẹ là báu vật đẹp nhất ta tìm thấy trên trần gian, ta phải mang nó về thiên đàng mới được.

Với ba báu vật trong mình, ngài bay thẳng về thiên đàng. Nhưng trước khi bước vào cổng, ngài quyết định kiểm lại báu vật. Ngạc nhiên, ngài thấy những đoá hồng đã tàn héo, và nụ cười thơ ngây của em bé đã đổi sang nhăn nhó, chỉ còn có tình yêu người mẹ vẫn giữ được vẻ trinh trong xinh đẹp , ngài vất đoá hồng héo và nụ cười hết tươi của em bé đi, rồi bước vào thiên đàng. Cả triều đình xúm vào chào đón và mong xem ngài mang về những gì. ngài chỉ cho họ xem và nói: chỉ có mỗi tình yêu người mẹ tôi nhận thấy còn giữ nguyên được vẻ xinh đẹp của nó từ đất lên đến trời. Tình yêu người mẹ là điều ngọt ngào nhất trên trần gian."

Sưu tầm


Bảy vị thuốc trị bá bệnh

   Câu chuyện của một thầy thuốc sống vào những thời đầu của đạo công giáo, bị hoàng đế bỏ tù một cách bất công. Sau nhiều tuần lễ bị giam, các người thân của ông được phép vào thăm và tất cả đã phải chảy nước mắt vì áo quần ông rách tả tơi, người gầy ốm vì mỗi ngày người ta chỉ cho ông một miếng bánh nhỏ và một ly nước lã. Tuy nhiên vợ ông lại ngạc nhiên khi thấy vẻ mặt của ông;

   - Làm sao mà anh lại có một nét mặt vui sướng như thế? Người ta có thể nói hình như anh vừa đi ăn tiệc cưới về.

   Vị thầy thuốc cười trả lời rằng: ông ta đã tìm ra được một vị thuốc hợp cho mọi thứ bệnh. Người nhà ông hỏi thử thuốc gì thì ông trả lời:

   - Đó là một thứ thuốc tuyệt hảo trị bá bệnh, thể lý và tâm lý. Nó gồm 7 vị thuốc mà tôi kể ra sau đây:

   - Vị thứ nhất được gọi là BẰNG LÒNG VỚI SỐ PHẬN: Hãy bằng lòng với những gì anh có. Có lẽ tôi run rẩy dưới bộ áo quần rách này, vừa run vừa gậm miếng bánh! Nhưng tôi sẽ khổ hơn nếu hoàng đế sai ném tôi trần truồng trong một hầm giam không có gì ăn!

   - Vị thứ hai là LƯƠNG TRI. Dầu tôi hớn hở hoặc dù tôi lo lắng, tôi vẫn luôn ở trong tù, như thế tại sao tôi lại than vãn?

   - Vị thứ ba là NHỚ LẠI CÁC TỘI QUÁ KHỨ: hãy đếm chúng và giả thiết rằng mỗi tội đáng một ngày tù thì hãy tính xem chúng ta phải bỏ bao nhiêu đời để ngồi tù?

   - Vị thứ tư là NGHĨ ĐẾN NHỮNG ĐAU KHỔ MÀ ĐỨC KI TÔ ĐÃ CHỊU CÁCH VUI VẺ VÌ CHÚNG TA. Nếu con người duy nhất trên quả đất này có thể chọn định mệnh của mình mà lại chọn sự đau khổ thì con người đó đã phải nhìn nhận giá trị của điều này to lớn là ngần nào! Vậy chúng ta hãy ý thức rằng sự đau khổ được đón nhận trong thanh thản và niềm vui, có giá trị cứu chuộc.

   - Vị thứ năm là SỰ HIỂU BIẾT ĐIỀU NÀY LÀ sự đau khổ đã được gởi đến bởi một vị Chúa là Cha để dùng nó thanh luyện và thánh hoá ta. Đau khổ mà chúng ta chịu có mục đích thanh luyện chúng ta và chuẩn bị chúng ta vào nước trời.

   - Vị thứ sáu là Ý thức rằng, đối với một Ki tô hữu không có đau khổ nào vô ích: nếu các thú vui xác thịt là tất cả ý nghĩa của cuộc sống thì sự đau đớn và nhà tù sẽ chấm dứt mục đích của con người trong cuộc sống. Nhưng nếu cái chính yếu của đời sống là sự thật thì một căn phòng trong nhà tù sẽ không thay đổi gì cả. Trong tù hoặc ngoài tù, 2 với 2 vẫn là 4. Nhà tù không ngăn cản được tôi yêu. Những song sắt không thể xua đuổi đức tin. Nếu các lý tưởng này tràn ngập đời tôi, tôi có thể thanh thoát bất cử ở đâu."

Sưu tầm


Bay

     Con chim cuốc kháng nghị với Chúa Tạo Vật :

  -  “Trong các loài chim mà Ngài sáng tạo, tại sao có loài có lông cánh xinh đẹp ; có loài thì tướng mạo khó coi, rất là không công bằng ạ !”

     Chúa Tạo Vật như than thở trả lời nó :

  -  “Điều con nói đó với chuyện biết bay, có quan hệ gì không ?”

                                                                                                                (Hạnh Lâm Tử)

     Suy tư :

        “Thiên Chúa dựng nên mọi sự, và Ngài thấy chúng tốt lành” (Stk 1, 1-31).

        Chuyện đẹp hay xấu, nó chẳng có quan hệ gì với sự tốt lành cả. Con giun đất nó xấu xí như thế, nhưng lại có ích cho đất, vì nó làm cho đất tơi xốp, không phải là tốt lành sao ?

        Chim, thì có loài xấu có loài đẹp, nhưng đẹp hay xấu chúng nó cũng đều biết bay, chuyện đẹp xấu không quan hệ đến biết bay hay không.

        Con người ta đẹp xấu không can hệ gì đến chuyện tốt lành. Có người vẻ bên ngoài rất đường đường bệ vệ, oai phong lẫm liệt, nhưng là một tay trùm anh chị, giết người không gớm tay ; có cô mặt đẹp như tiên giáng trần, nhưng là một...tú bà non...; một Martin Porres đen đủi xấu xí, nhưng lòng yêu thương người thì không ai sánh bằng, đã trở thành vị thánh thời danh của Giáo Hội...

        Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp.

        Đẹp hay xấu là ở nơi tâm hồn tôi mà ra.

        Khi tâm hồn tôi đẹp đẽ tốt lành, thì dù cho diện mạo tôi có xấu xí, người ta vẫn nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa tốt lành ở nơi tôi, trong cuộc sống của tôi ; và nếu tâm hồn tôi, cuộc sống của tôi không diễn tả khuôn mặt tốt lành của Thiên Chúa, thì dù cho tôi đẹp như hằng nga, thì người ta vẫn nhìn thấy tôi là hình ảnh của satan...

 

 Lm. Nhân Tài, csjb.


Kiên nhẫn - bền chí

Ngày xưa, ở nước Trịnh có người học nghề che mưa. Anh học 3 năm mới thành nghề.

Thời đại hạn, không ai cần đến dù, anh ta lại bỏ quay học nghề làm gầu tát nước. Cũng học 3 năm nữa mới thành nghề.

Trời lại mưa mãi.

Thấy nghề làm gầu không hợp thời, anh ta lại trở về nghề dù. Lúc này trời tuy mưa, nhưng trong nước lại nhiều người đi lính, lẽ dĩ nhiên khi người ta mặc đồ nhà binh thi không mấy ai cần dù.

 Trước thời cuộc, anh ta lại bỏ hai nghề đã học mà chuyển sang làm nghề chế vũ khí. Anh ta tưởng sẽ thành công, nhưng vì tuổi cao, lại thành hỏng bét.

 Chán chường, anh đem nỗi lòng than thở với một người bạn cố tri. Ông này thở dài bảo:

- Ôi! Xếp chẳng đã già đời mất rồi ư? Già hay trẻ không phải là tự người mà tự trời, điều ấy là cố nhiên nhưng nghề nghiệp nên hay hư,  lỡ thời hay gặp dịp, không nên đổ cả cho hóa  công mà còn có mình trong đó nữa. Thuở xưa nước Việt có người làm ruộng, cấy lúa chiêm trong ba năm đều bị hại vì lụt. Có người bảo nên tháo nước đi mà lấy mùa. Nhưng anh ta không chịu cứ cấy chiêm như trước. Năm ấy nắng to mà nắng luôn ba năm. Thế là anh ta liên tiếp trúng mùa, gỡ lại tất cả những hư thiệt đã bị. Ngạn ngữ có câu: “Trời nắng thì nên  nghĩ sắm thuyền, thời nực nên nghĩ áo bông”. Sao bạn không nhớ lấy."

Sưu tầm


Bệnh dịch hạch

   Albert Camus (1915-1960), triết gia hiện sinh Pháp, viết cuốn “La Péste” bịnh dịch hạch, đại khái như sau:

   Thành Oran bị dịch hạch. Các Bác sĩ làm việc không xuể đành bó tay. Nhà cầm quyền cho cô lập thành Oran. Trong cảnh tuyệt vọng ấy, đời sống tiếp tục, nhưng một cách bi thảm.

   - Kẻ sợ bệnh sống trong hãi hùng.

   - Kẻ khác vì tuyệt vọng, chạy tìm thú vui cho quên đi lo âu.

   - Những kẻ khác lợi dụng nước đục làm giàu.

   - Một số rất ít can đảm, không tuyệt vọng, với những phương tiện ít ỏi họ lo chạy chữa.

   Cơn dịch bị đẩy lui dần dần, nhờ số ít oi trên. Bệnh dịch đây là bệnh dịch trong tâm hồn con người: Dịch láo, kiêu ngạo, ghen ghét, đầu cơ... mà trong chúng ta không ai không có, chúng chỉ chờ cơ hội nổi lên tác hại ta."

Sưu tầm


Bệnh muốn "làm lớn "

    Lịch sử cổ kim ghi lại đày dẫy những con người mang bệnh 'muốn làm lớn', muốn trở thành 'mặt trời' để kẻ khác xoay chung quanh:

   1/ Vua Babyon đã từng tuyên bố: “Ta sẽ lên trời, trên các vì sao của Thiên Chúa, ta sẽ bắc ngai ta, ta sẽ ngự trên núi, nơi bồng lai cực bắc.  Ta sẽ lên chót vót tầng mây, ta sẽ đồng hàng với Thượng Đế” (Is 14:13-14)

   2/ César, khi chưa lên ngôi hoàng đế La-mã, đã nói 1 câu trở thành phần nào kinh điển cho hậu thế: “Thà làm số 1 ở 1 làng nhỏ hẻo lánh bên xứ Gaule, còn hơn làm số 11 ở kinh đô La-mã!”

   3/ Và hiện nay, hàng năm trên thế giới có xuất bản cuốn “Guiness”, sách ghi các kỷ lục thế giới, chẳng hạn: người nào chạy nhanh nhất, sống lâu nhất ..., nghĩa là chỉ những ai số 1 ở một lãnh vực nào đó mới được ghi tên vào cuốn Guiness này, nhiều người đã cố gắng lập những kỷ lục kỳ cục cốt chỉ để nổi danh, để thế giới biết tiếng.  Ví dụ: có người đã ra sức phá 1 hơi 2 cái đàn pianô trong vòng 5 phút!  Dhanajay Kurksai, người Ấn, được mệnh danh là nhà quán quân của những kỷ lục kỳ cục như sau: năm 1981, anh đứng một chân liền một mạch 35 giờ đồng hồ; năm 1981: đi giật lùi một mạch 65 cây số; năm 1982: nhảy lò cò được 10 giờ 10 phút và nói liền 1 mạch không nghỉ 15 tiếng đồng hồ; tháng 10/1987: nuốt hết 2 kg 600 thủy tinh.  Mới đây Kurksai còn tiết lộ 1 ý đồ đầy tham vọng là nhảy từ đỉnh thác nước Nigøara ở Ấn Độ và theo anh, nếu cuộc nhảy đó thành công, anh sẽ cưới liền 1 lúc 105 vợ để phá kỷ lục của 1 người Mỹ đã từng cưới 1 lúc 104 cô vợ tại thành phố Salt Lake, thủ phủ bang Utah

Sưu tầm


Biết làm chủ  bản thân

Sau khi chiếm được Suse và Babylone, các bề tôi của vua Alexandre đua đòi ăn chơi truỵ lạc như người Ba tư. Họ sống xa hoa, đàng điếm. Alexandre đại đế rất mực khôn ngoan, đã đưa họ trở về đường ngay. Ngài không tức giận, chỉ khẽ khuyên bảo họ:

- Phàm người nào mệt mỏi thì ngủ ngon giấc hơn những người không làm gì. Sau khi đã trải gian lao, khinh nguy hiểm, thắng bao nhiêu trận vẻ vang, các bạn có thể nào quên được chiến thắng của mình. Đối với một vị vua, không có gì cao cả hơn là sự làm việc, không có gì ti tiện hơn là sự xa hoa đàng điếm. Đem so sánh cuộc sống của các bạn với cuộc sống của người Ba tư, các bạn còn chưa thấy rõ sao? Một võ quan không tự làm việc cho mình, nhất nhất phải trông cậy một người khác, không biết tự tay mình lo lắng cho thân mình thì vị võ quan đó làm sao mà chăm chút được cho ngựa của mình, giữ gìn vũ khí và áo mão của mình? Ta chỉ có một cách bảo vệ độc nhất kết quả chiến thắng của mình là không bao giờ nên bắt chước những người bị bại trận.

Nêu gương cho bề tôi của ngài, Alexandre đại đế càng vất vả chịu khó, càng xông pha nguy hiểm hơn cả khi trước nữa. Một hôm, ngài một mình đánh nhau với sư tử và hạ được ác thú.

Tuy vậy, các bề tôi cũng không chịu theo ngài. Vì ngốt ngát bạc vàng châu báu, họ chỉ muốn tận hưởng mà thôi. Họ ưa sống cuộc sống lười biếng và xa hoa. Họ chán không muốn nay đó mai đây, đánh hết trận này trận khác, họ không muốn nhọc mệt và những cuộc viễn chinh, những trận hành quân. Họ cần yên. Chẳng bao lâu họ xì xèo phản đối và chê trách Alexandre nuôi nhiều tham vọng quá. Alexandre nghe, ngài buồn lắm nhưng không lấy làm lạ, mà cũng không tức giận. Ngài bảo:

- Làm vua thì phải thế, lúc nào cũng chờ nghe người ta chỉ trích. Mà nghe chính những lời chỉ trích của những người mà mình đã thi ân cho họ.

Tại sao có người trong lúc gian nan nguy hiểm thì tích cực đấu tranh, nêu cao lòng hi sinh, nhẫn nại, đôi khi thắng lợi rồi lại đâm ra bê-tha hủ-hóa .

Đó chỉ là những người không tự chủ được lòng mình trước những cám dỗ của dục vọng. Cho nên người chiến thắng không kiêu, bại không nản, chiến đấu không ngừng, chí tiến thủ luôn bồi dưỡng chống lại sự mệt mỏi hay xu hướng an thân, thái bình hưởng lạc.

“Nhân dục vô nhai”, nếu cứ đi theo lòng muốn thì chính lòng muốn ấy trở lại tiêu diệt ta."

Sưu tầm