Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

BỐN QUÂN TỬ

Mai, Lan, Cúc, Trúc, vì để giành chức vị vua trong các loài hoa, nên chúng nó đều xử dụng các loại thủ đoạn để chèn ép lẫn nhau, và giở mọi thủ đoạn xấu xa.

Chim hạc hỏi Chúa Tạo Vật : “Lạ thật, họ không phải là 4 quân tử sao ? Bình thường thì phong độ thanh thoát, khiêm tốn, hòa nhã, có lễ nghĩa, tại sao bây giờ lại trở thành như thế chứ ?”

Chúa Tạo Vật trả lời : “Phải hay không phải là quân tử, chỉ có đem cám dỗ để trước mặt họ, thì bản tính tự nhiên sẽ...lòi ra !”

Sưu tầm


GANDHI VÀ BÉ GÁI

Bà mẹ nọ – lần kia – đem con gái mình đến gặp Gandhi và giải thích với  ông rằng con bé mắc tật xấu ăn quá nhiều kẹo. Bà khẩn nài Gandhi thuyết phục con bé dứt bỏ tật xấu ấy. Gandhi ngồi trầm ngâm một hồi, rồi nói: “Ba tuần nữa, bà đem cháu trở lại đây. Và tôi sẽ nói chuyện với nó.”

   Ba tuần sau, người mẹ đưa con mình trở lại. Lần này, Gandhi gọi bé gái đến bên mình và ôn tồn giải thích với em về những tai hại của thói quen ăn quá nhiều chất ngọt. Ông khuyên cô bé nên bỏ tật xấu ấy đi. Người mẹ mừng rối rít và cám ơn Gandhi vì những lời khuyên quí giá của ông cho con gái mình; nhưng bà không dấu được thắc mắc: “Thưa Thày, tại sao Thày đã không trao cho cháu những lời khuyên ấy ngay lần trước, cách đây ba tuần?”

   Gandhi trả lời: “Cách đây ba tuần ư? Lúc đó chính tôi cũng còn đang mắc tật xấu ăn quá nhiều đồ ăn ngọt!”

 Lê Công Đức, Lm


NGÀY CÔNG TỐT LÀNH

Tôi tiếp tục làm việc như cuộc sống tiếp tục trôi.

H.L.Mencken

Quan sát mẹ ba năm qua giúp tôi hiểu vì sao mình không thể ngừng làm việc. Nhiều năm qua, tôi không thể ngồi không ở nhà vì tôi có cảm giác thiếu điều gì đó khi không đi làm. Dù phải một mình làm việc nuôi hai mẹ con, tôi luôn cảm thấy có lỗi về việc mình thích ra ngoài làm việc.

Tôi càng cảm thấy ray rứt vì vào những năm 1960, 1970, rất ít các bà mẹ có con nhỏ ra ngoài làm việc. Tôi nhớ rất rõ Diana, một cô bé sống trong trường nội trú. Cô thường phải ở lại trường vì mẹ cô không đến đón.

Sau nhiều năm, tôi vẫn không biết mình có điều gì không ổn. Mẹ giúp tôi hiểu vì sao làm việc lại khá quan trọng đối với tôi, ngoại trừ nguyên nhân cơm ăn áo mặc. Bà dạy tôi bằng chính những kinh nghiệm của mình.

Một ngày nọ, tôi nhờ mẹ bỏ bưu phẩm vào phong bì gởi cho các khách hàng. Mẹ tôi luôn cố gắng sống độc lập, nhưng thực ra bà rất sợ gặp các công việc không quen làm.

 Mẹ sợ không làm được công việc tôi giao. Trái lại, tôi hoàn toàn tin tưởng mẹ có đủ sự khéo léo và sức mạnh. Đó sẽ là kinh nghiệm hay đối với bà.

Bây giờ mẹ tôi đi giao phong bì và bưu phẩm hai lần mỗi tuần. Bà làm việc càng ngày càng nhanh, thu nhập tăng dần mỗi tháng.

Khi nhìn mẹ làm việc, tôi thấy bà là người hoàn toàn khác. Vẻ thờ thẫn mỗi lần xem tivi đã biến mất (bà hay xem các buổi nói chuyện trên truyền hình). Mặc dù đã mù và cao tuổi, mẹ tôi di chuyển rất nhanh trong phòng. Chỉ một lúc, chồng phong bì đã chất cao. Mỗi lần như vậy tôi thấy mẹ rất mãn nguyện. Nhiều lúc bà hỏi công việc sắp đến sử dụng phong bì lớn hay nhỏ. Khi tôi nói “lớn”, bà rất hài lòng vì phong bì lớn giúp bà làm nhanh hơn.

Không phải chỉ để có việc làm, bà rất thích thú khi nghĩ bà đang kiếm ra tiền. Đến bây giờ, sau nhiều tháng làm việc, mẹ vẫn nói với mọi người về số tiền kiếm được mỗi tháng. Cả khu chung cư đa sắc tộc đều biết bà có việc làm. Tháng rồi, bà xin tôi nghỉ ít lâu vì có đứa em lên chơi. Xin nghỉ làm không phải phong cách của bà. Mẹ tôi là người có trách nhiệm trong công việc. Mẹ tôi luôn muốn những việc bà làm có ích cho xã hội.

Khi mới bắt đầu việc này, mẹ rất lo sợ. Còn bây giờ, bà thất vọng mỗi lần bưu phẩm sử dụng phong bì bé. Khi mới bắt đầu, bà lo sẽ phải sử dụng giấy để gói các món đồ trước khi cho vào phong bì. Mẹ luôn lo sợ sẽ không thể giải quyết bước tiếp theo. Bây giờ, mẹ tôi không còn sợ phải đối mặt với công việc mới. Ví dụ như: phong bì có ghim thì phải cài lại. Loại này dễ sử dụng hơn loại dán. Bà rất thích gói các bưu phẩm có hình dạng lạ. Bà nói một cách tự mãn: “Có ai gói khéo như mẹ không nhỉ?”

Trong công việc, tôi học được nhiều điều từ mẹ. Tôi cảm thấy mình là người bình thường mỗi khi phát điên vì thất nghiệp hay không có việc làm. Tôi biết những việc ngu ngốc tôi từng làm có liên quan đến cảm giác mất mát, buồn chán dù tôi không cố ý.

Mẹ giúp tôi hiểu mình không có gien làm việc hay gien làm mẹ. Nhưng tôi có quyền cảm thấy mình là người hữu dụng. Tôi đã cần cái cảm giác đó, và chắc chắn khi đến tuổi trung niên hay khi già như mẹ, tôi vẫn cần nó.

Mỗi khi nghi ngờ điều này, tôi nhớ câu nói của mẹ: “Hôm nay con có việc cho mẹ làm không? Mẹ cần công việc như cần bữa ăn hàng ngày.”

Mẹ là người giúp tôi hiểu rõ giá trị của công việc. Không có gì lạ khi bây giờ bà vẫn là người dạy tôi.

Tác giả Joan Aho Ryan


Mạnh hiếp yếu

Cạnh dòng suối, cừu con giải khát,
Bỗng xuất hiện một bác sói già
Ðói lòng bạo dạn lân la,
Thân hình gầy yếu thật là thảm thương
Sói vội nạt "Sao ngươi vô lễ
Làm nước đục, chẳng để ta dùng ?"
Cừu đáp:"Mong ngài khoan dung,
Tôi ở phía dưới, Ngài dùng dòng trên.
Hai vị trí cách nhau chục thước,
Khó mà gây ô trược dễ dàng"
-"Im mồm, mi chớ ngỗ ngang,
Ðã gây ô nhiễm còn toan lắm lời."
"À, chính ngươi tháng này, năm trước
Nói xấu ta: bạo ngược,dã tâm."
-"Thưa Ngài, quả thật Ngài lầm,
Tháng nầy, năm trước, con nằm trong nôi".
"Vậy, chắc chắn là anh ngươi đó"
-"Thưa Ngài, tôi chẳng có chị, anh,
Mẹ tôi từ trước chỉ sanh
Tôi là con trưởng, trâm anh giống nòi."
-"Ðừng lẻo mép, ta đây biết rõ:
Cả bọn người: trừu, chó, lẫn người
Thù ta, tìm bắt, ăn tươi,
Ðánh bẫy, săn bắn, thịt xười, mạng vong!
"Gặp ngươi đây là cơ hội tốt,
Lẽ nào ta dại dột bỏ qua?
Không cần tìm hiểu gần xa,
Giết ngươi ,báo oán, đúng là quả nhân."
Nói xong, sói vồ ngay con thịt
Tha về động, thoả thích no say,
Khỏi phải lý luận dong dài:
Lý của kẻ mạnh, chẳng sai, chẳng lầm!
Ðiều ấy đúng với loài thú vật,
Ðối với người, chẳng trật bao giờ.
Mạnh thì hiếp yếu, chớ ngờ,
Nghèo bị giàu hiếp, đừng chờ khác hơn!
Riêng những người tiến cao, mến Ðạo,
Mở lòng nhân, luôn tạo tình thương,
Ban rải, ấp ủ bốn phương,
Cỏ cây, người, thú, mến thương tận tình.

La Fontaine


Bầy cừu và những con sói

Có một người chăn cừu quyết định đưa đàn cừu của mình lên sống ở phía bắc. Lúc đầu, khí hậu rất thích hợp cho đàn cừu, nên chúng sống rất phởn phơ, thoải mái. Cũng chính vì thế mà lũ cừu trở lên lười biếng.

Rồi mùa đông đến, nhiệt độ xuống rất thấp, khiến lũ cừu không thể chịu đựng nổi, nhiều con đã chết rét. Người chăn cừu rất lo lắng.

Anh ta suy nghĩ mãi, rồi đưa ra một giải pháp có vẻ liều lĩnh: thả vài con sói vào bầy cừu. Lúc này, bầy cừu cảm thấy tính mạng của chúng đang bị đe doạ nên không ngừng chạy chốn sự truy đuổi của bầy sói. Chính sự vận động ấy đã giúp chúng chống lại cái rét, và số cừu chết ít hơn trước đây khá nhiều.

Sưu tầm


Quan huyện

Ngày xưa, có viên quan nọ về nhận chức ở Kinh Châu. Tại đó thường có một con hổ dữ, từ trên núi xuống bắt người và súc vật ăn thịt.

Dân chúng cầu xin viên quan tìm cách bắt hổ. Viên quan nọ bèn sai khắc, chữ to mệnh lệnh của mình: “Cấm hổ vào thành” trên vách núi cao. May thay, gặp đúng dịp đó con hổ dữ kia dời khỏi Kinh Châu. Ông ta rất đắc ý, cho rằng mệnh lệnh của mình quả thực hiệu nghiệm.

Không lâu sau, ông ta được phái tới nhận chức ở nơi khác. Dân chúng nơi này rất hung dữ, bất trị. Viên quan nghĩ, lệnh của mình đã cấm được cả hổ dữ, thì lý gì lại không cấm được người! Nghĩ vậy, ông ta bèn ra lệnh cho lính lại, theo kiểu chữ to mà đã khắc lệnh của ông lên vách núi cao. Kết quả là dân không trị được, còn viên quan thì mất chức vì... không quản được dân.

Sưu tầm


Cá kiếm và mèo

Cá kiếm có bộ răng rất chắc và sắc. Vào một ngày nọ, nó bỗng giở chứng, đòi hỏi “tuyệt kỹ” của mèo là bắt chuột.

Mèo ngạc nhiên hỏi:

- Cái gì? Ôi, bạn thân mến của tôi, anh có thể làm được việc đó sao?

- Bắt chuột thì có gì ghê gớm. Ngoài biển tôi chả bắt cá lô suốt ngày sao?

- Thôi được, anh đừng quên là tôi đã cảnh cáo anh rồi đấy.

Nói rồi mèo và cá kiếm mò vào kho và mai phục.

Chỉ một lúc sau mèo đã bắt được chuột. Sau khi chơi đùa thoả thích rồi ăn một bữa no nê, mèo ta mới nhớ đến cậu bạn cá kiếm của mình. Khốn khổ thay, lúc đó cá kiếm đã bị chuột gặm hết cả đuôi, chỉ còn thở thoi thóp. Thấy vậy, mèo bèn đỡ cá kiếm dậy, thả nó trở lại biển khơi.

Sưu tầm


Chó và Chuột

Một lũ chuột trèo lên bàn định ăn vụng thịt, không ngờ lại khiến con chó nằm cạnh bàn thức giấc. Chúng bèn dịu ngọt thương lượng với chó:

- Nếu anh im lặng thì bọn tôi sẽ chia cho anh một miếng thịt.

Chó nghiêm mặt, từ chối thẳng thừng:

- Bọn mày mau cút đi. bà chủ thấy thịt mất thì chắc chắn sẽ nghi ngờ ta.

Lúc đó, thì ta lại trở thành miếng thịt trên bàn chứ trả chơi!

Đừng hợp tác với kẻ muốn lật đổ bạn! Khi họ hứa cho bạn một chút lợi ích, thì sau đó bạn mất rất nhiều thứ.

Sưu tầm


Bài học sâu sắc

Tiến sĩ Vương An là một nhân vật được ca ngợi trong giới kinh doanh Mỹ. Anh ta bắt đầu với 600 đôla, mà bây giờ số vốn kinh doanh đã lên đến hàng tỷ.

'Bài học' lớn nhất ảnh hưởng tới cả đời anh ta là khi còn 6 tuổi. Một hôm, Vương An ra ngoài nhà chơi, lúc đi qua một cây lớn thì bỗng có gì rơi vào đầu. Cậu bé An giơ tay ra tóm lấy, thì ra là tổ chim.

Sợ cứt chim làm bẩn quần áo, cậu ta vội vứt tổ chim xuống đất, thấy một con chim sẻ lăn ra kêu chíp chíp. Cậu ta thích quá, quyết định mang nó về nuôi, thế là đem theo cả tổ chim về nhà.

Về tới cửa nhà, bỗng Vương An nhớ ra rằng, mẹ không cho phép nuôi động vật nhỏ trong nhà. Cậu nhẹ nhàng đặt con chim sẻ ngoài cửa, rồi vội vào xin phép mẹ.
Do cậu bé cứ khẩn nài mãi, người mẹ mới phá lệ, đồng ý với yêu cầu của con trai.

Vương An phấn khởi chạy ra cửa, thì không ngờ chẳng thấy chim sẻ đâu nữa, chỉ có con mèo đen đang còn liếm mép ở đó. Hoá ra khi cậu vào xin mẹ, thì con chim sẻ non đã bị mèo đen ăn gọn rồi! Vì việc này mà Vương An buồn rất lâu.

Khi thấy sự việc đã đúng thì quyết không do dự, cần phải lập tức có hành động phù hợp.

Sưu tầm


CẦN GIỮ NGÀY THÁNH

Có bài ngụ ngôn nói về 7 anh em sống chung với nhau.  Sáu người cùng làm việc, còn người thứ bảy trông coi nhà cửa, dọn cơm nước cho sáu người kia ăn bữa tối.  Một hôm, sáu người kia nói rằng người thứ bảy cũng phải làm việc.  Vậy, buổi tối họ về, thấy nhà cửa tối om, chẳng có món ăn nào cả.  Lúc đó họ mới thấy mình ngu dại dường nào, bèn vội trở về lệ cũ.

Chúa nhật là một trong 7 ngày cung cấp sự sáng, sự yên ủi, sự tốt lành cho cả sáu ngày kia.  Nhưng nếu ta làm việc trong ngày ấy thì 6 ngày kia chẳng còn ơn phúc thiêng liêng gì nữa cả.

Sưu tầm