Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Gạt người - Người gạt

Ðứng trên cây, một con Gà Trống
Có trách nhiệm trông ngóng, canh chừng
Ðánh hơi, Chồn đến chào mừng,
"Chúng ta cương quyết phải ngừng hại nhau.
Mối thù xưa hôm nay chấm dứt,
Anh em ta hợp lực đắp xây,
Hạnh phúc miên viễn từ đây,
Thái bình chung hưởng, vui vầy đệ huynh
Hãy bước xuống, đôi ta đàm đạo,
Bạn và tôi cố tạo tình thương.
Mặt mừng, tay bắt, hỗ tương,
Xoá bỏ oán cũ, đừng vương nghi ngờ"

Gà mừng rỡ, gáy to, vỗ cánh,
"Tin vui này quý sánh hơn vàng,
Bỏ đi dĩ vãng phũ phàng,
Ðồng tâm hiệp lực, hưởng màn vinh quang.
Kìa tôi thấy có hai bạn mới,
Cặp chó săn chạy tới nhập đoàn.
Trẻ trung quắc thước lẹ làng,
Chỉ trong giây phút đôi đàng gặp nhau."

 Chồn nghe qua, giựt mình sợ hãi
"Giã từ anh, tôi phải gấp đi,
Thu xếp vài việc li ti
Hẹn anh hôm khác, cần chi sẽ bàn"

Chồn cút mất, Gà cười khoái chí,
Sung sướng vừa đấu trí, giải khuây.
"Mi tưởng gạt được ta đây,
Không ngờ bị gạt, vác thây chạy dài.
Cặp chó săn do ta tưởng tượng,
Ðánh lừa mi, lạc hướng cười chơi,
Việc đời chìm nổi,chơi vơi,
Gạt người, người gạt, trò đời trả vay!"

La Fontaine


BÍ  QUYẾT THÀNH CÔNG

   Nhờ bỏ ăn trưa mà nhà kinh tế học WALTER WILLIAMS  tìm ra được một trong những bí quyết thành công. Ông đã kể lại như  sau:

   “Năm 13 tuổi, tôi đúng là một đứa trẻ lang thang, lêu lổng. Mẹ tôi phải đi nấu nướng thuê để nuôi chúng tôi,và tôi thường đến xin thêm tiền bà để ăn trưa, vì bao nhiêu tiền dành cho việc ăn uống ở trường, tôi đã xài hết sạch.

   Một hôm, mẹ tôi bảo:

   -Con tiêu sạch tiền trong lúc con cũng hiểu rằng phải dành tiền để ăn trưa.

   Và bà không cho tôi một xu nào. Nghĩ mẹ mình là một người tàn ác nhất đời, tôi bỏ luôn bữa ăn trưa trong tuần. Nhưng từ đó, tôi không còn dám xài chi vào tiền ăn nữa. Đó là bước đầu mà tôi đã sống như một con người thực sự văn minh, tức là con người ý thức được trách nhiệm của mình.

   Thật ra mẹ tôi đâu phải là người tàn ác. Bây giờ tôi mới hiểu được mẹ tôi đã đau lòng thế nào biết tôi nhịn đói. Nhưng nếu các bậc cha mẹ không đủ can đảm để bắt buộc con cái mình phải gánh chịu hậu quả về những sự vô trách nhiệm của bản thân chúng nó, thì làm sao họ có thể dậy dỗ cho con cái họ biết sống nên người?"

Sưu tầm


BIẾT LÀM CHỦ BẢN THÂN

Sau khi chiếm được Suse và Babylone, các bề tôi của vua Alexandre đua đòi ăn chơi truỵ lạc như người Ba tư. Họ sống xa hoa, đàng điếm. Alexandre đại đế rất mực khôn ngoan, đã đưa họ trở về đường ngay. Ngài không tức giận, chỉ khẽ khuyên bảo họ:

- Phàm người nào mệt mỏi thì ngủ ngon giấc hơn những người không làm gì. Sau khi đã trải gian lao, khinh nguy hiểm, thắng bao nhiêu trận vẻ vang, các bạn có thể nào quên được chiến thắng của mình. Đối với một vị vua, không có gì cao cả hơn là sự làm việc, không có gì ti tiện hơn là sự xa hoa đàng điếm. Đem so sánh cuộc sống của các bạn với cuộc sống của người Ba tư, các bạn còn chưa thấy rõ sao? Một võ quan không tự làm việc cho mình, nhất nhất phải trông cậy một người khác, không biết tự tay mình lo lắng cho thân mình thì vị võ quan đó làm sao mà chăm chút được cho ngựa của mình, giữ gìn vũ khí và áo mão của mình? Ta chỉ có một cách bảo vệ độc nhất kết quả chiến thắng của mình là không bao giờ nên bắt chước những người bị bại trận.

Nêu gương cho bề tôi của ngài, Alexandre đại đế càng vất vả chịu khó, càng xông pha nguy hiểm hơn cả khi trước nữa. Một hôm, ngài một mình đánh nhau với sư tử và hạ được ác thú.

Tuy vậy, các bề tôi cũng không chịu theo ngài. Vì ngốt ngát bạc vàng châu báu, họ chỉ muốn tận hưởng mà thôi. Họ ưa sống cuộc sống lười biếng và xa hoa. Họ chán không muốn nay đó mai đây, đánh hết trận này trận khác, họ không muốn nhọc mệt và những cuộc viễn chinh, những trận hành quân. Họ cần yên. Chẳng bao lâu họ xì xèo phản đối và chê trách Alexandre nuôi nhiều tham vọng quá. Alexandre nghe, ngài buồn lắm nhưng không lấy làm lạ, mà cũng không tức giận. Ngài bảo:

- Làm vua thì phải thế, lúc nào cũng chờ nghe người ta chỉ trích. Mà nghe chính những lời chỉ trích của những người mà mình đã thi ân cho họ.

Tại sao có người trong lúc gian nan nguy hiểm thì tích cực đấu tranh, nêu cao lòng hi sinh, nhẫn nại, đôi khi thắng lợi rồi lại đâm ra bê-tha hủ-hóa.

Đó chỉ là những người không tự chủ được lòng mình trước những cám dỗ của dục vọng. Cho nên người chiến thắng không kiêu, bại không nản, chiến đấu không ngừng, chí tiến thủ luôn bồi dưỡng chống lại sự mệt mỏi hay xu hướng an thân, thái bình hưởng lạc.

“Nhân dục vô nhai”, nếu cứ đi theo lòng muốn thì chính lòng muốn ấy trở lại tiêu diệt ta."

Sưu tầm


ĐÔI GIÀY ỦNG DA TRÂU

Một người lính đã chẳng sợ gì thì cũng chẳng bận tâm đến việc gì cả. Xưa có một người lính như vậy bị thải hồi. Bác ta không học được nghề gì nên không kiếm tiền được, đành đi lang thang ăn xin thiên hạ. Trên vai bác khoác chiếc áo đi mưa, chân bác đi đôi giầy ủng kỵ mã bằng da trâu, tất cả của cải chỉ còn lại có thế.

Một hôm, bác cứ đi thẳng cánh đồng, đi miết chẳng để ý gì đến đường đất, đi mãi đến một khu rừng. Bác không biết mình ở đâu, chỉ thấy có một người đang ngồi trên một gốc cây đã đẵn. Người ấy ăn mặc sang trọng, mặc bộ đồ đi săn màu xanh. Bác chìa tay ra bắt, ngồi xuống cỏ bên người ấy và duỗi chân ra. Bác bảo người đi săn:

- Tôi thấy đôi giầy ủng của ông quả là đẹp, đánh bóng nhoáng. Nhưng ông phải đi đây đi đó nhiều như tôi thì chẳng được mấy của nả. Ông cứ xem ủng của tôi bằng da trâu, ròng rã lâu rồi mà chỗ nào cũng đi qua được đấy.

Một lúc sau, bác lính đứng dậy bảo:

- Tôi không ở lâu hơn được nữa, cái đói nó thúc tôi đi. Này ông anh có đôi giầy ủng bóng ơi, đường này đi đâu ấy nhỉ?

Người đi săn đáp:

- Chính tôi cũng không biết bác ạ. Tôi lạc trong rừng.

Bác lính nói:

- Thì ra anh cũng như tôi. Những người cùng cảnh ngộ thường hay kết bạn với nhau. Thôi ta ở sát cánh với nhau, cùng nhau đi mãi cho đến đêm.

Bác lính lại nói:

- Ta không ra khỏi rừng được, nhưng tôi thấy ở đằng xa có ánh đèn le lói, có thể tìm cái gì ăn được đấy.

Họ tìm ra một chiếc nhà bằng đá. Gõ cửa thì có một bà già ra mở. Bác lính bảo:

- Chúng tôi tìm chỗ ngủ đêm, muốn kiếm chút gì ăn cho đỡ đói, vì bụng đã lép kẹp như chiếc bị nát.

Bà già đáp:

- Các bác không ở đây được đâu. Đây là nhà bọn cướp, khôn hồn thì các bác cao chạy xa bay trước khi chúng về, kẻo chúng mà thấy thì đi đời.

Bác lính đáp:

- Thì cũng đến thế mà thôi. Đã hai hôm nay, chưa được miếng nào, bị giết ở đây hay chết đói trong rừng thì cũng như nhau. Thôi tôi cứ vào.

Người đi săn không muốn theo vào nhưng bác lính cứ cầm tay kéo vào.

- Anh bạn nối khố ơi. Cứ vào đây, chắc đâu đã toi mạng ngay.

Bà già thương hại dặn họ:

- Các bác hãy chui vào sau lò. Nếu bọn chúng ăn còn gì thừa, thì khi chúng ngủ, ta sẽ tuồn vào cho.

Họ vừa chui vào ngồi một xó, thì có mười hai tên cướp ầm ầm bước vào. chúng ngồi vào bàn có thức ăn đã dọn sẵn và ăn một cách bỉ ổi. Bà già bưng một miếng thịt quay kếch xù vào, bọn cướp ăn rất ngon lành. Mùi món ăn thơm nức mũi, bác lính bảo người đi săn:

- Tôi không nhịn được nữa đâu, tôi ra ngồi bên cùng ăn đây.

Người đi săn giữ tay bác lính lại:

- Bác làm thế là chết cả nút đấy.

Nhưng người lính bắt đầu ho lớn tiếng. Bọn cướp nghe thấy quẳng cả dao và đĩa đi, nhảy xổ đến tìm thấy hai người ở sau lò. Chúng kêu lên:

- Ha ha! Ra hai ngài ngồi ở trong xó này. Các ngài định kiếm chác gì ở đây? Các ngài được cử đến đây do thám phải không? Được, đợi đấy, để bọn tớ cho các ngài học bay ở một cành cây khô nhé.

Bác lính nói:

- Ấy, lịch sự một tí nào. Tớ đói lắm, cho tớ ăn đã, rồi sau các cậu muốn làm gì tớ thì làm.

Bọn cướp ngạc nhiên. Tên đầu sỏ bảo:

- Ồ, tao thấy mày không sợ. Được lắm. Cho mày ăn, nhưng sau thì mày phải chết đấy!

Bác lính nói:

- Rồi đâu sẽ có đó!

Rồi bác ngồi vào bàn, đưa tay cắt thịt quay một cách gan dạ. Bác gọi người đi săn:

- Nào ông anh giầy ủng bóng, lại đây chén đi kẻo rồi sẽ đói như tôi. Ở nhà không có được món thịt quay ngon như ở đây đâu.

Nhưng người đi săn không chịu ăn. Bọn cướp ngạc nhiên nhìn người lính bảo:

- Tên này thật là không biết làm khách tí nào.

Sau đó bác nói:

- Ăn thì quả là ngon đấy, giờ lấy cho tớ cái gì uống cho ngon.

Tên đầu sỏ, đương lúc cao hứng, cũng đồng ý, gọi bà già:

- Mụ xuống cầm lấy lên đây một chai rượu vào loại ngon nhất.

Bác lính mở nút chai đánh bốp, rồi mang chai lại bảo người đi săn:

- Này ông anh ơi chú ý nhé, rồi ông anh sẽ còn kinh ngạc nữa. Giờ đây tôi xin nâng cốc, chúc sức khỏe tất cả mọi người.

Nói rồi, bác vung chai trên đầu bọn cướp mà hét:

- Chúng bay sẽ sống hết, nhưng mồm há hốc ra, tay phải giơ lên không.

Rồi bác tu một hơi ra trò. Bác nói chưa dứt lời thì cả bọn cướp ngồi đờ ra như tượng đá,
mồm há hốc, tay phải giơ lên không. Người đi săn bảo bác lính:

- Rõ rồi, đúng là anh còn nhiều thuật lạ. nhưng thôi ta về nhà đi.

- Ấy ấy. Ông bạn nối khố của tôi ơi, làm gì mà đi sớm quá thế.

Ta đã đánh bại được kẻ thù rồi thì cũng phải vơ vét một chuyến đã chứ. Bọn chúng ngồi đực ra kia, mồm há hốc vì kinh ngạc. Nhưng chúng không dám nhúc nhích cho đến khi tôi cho phép. Ta lại đây đánh chén đi.

Bà già lại phải đi lấy một chai rượu loại ngon nhất nữa. Bác lính đánh chén đủ no đến ba ngày rồi mới chịu đứng dậy. Mãi đến lúc trời sáng, bác mới nói:

- Giờ đã đến lúc ta nhổ trại. Bà già phải chỉ đường gần nhất ra tỉnh để ta đi cho chóng.

Khi hai người ra đến tỉnh, bác lính đi gặp bạn đồng đội cũ bảo:

- Tôi tìm thấy trong rừng một ổ toàn đồ chết treo. Ta hãy đến quét sạch nó đi!

Bác lính đi đầu, dẫn họ và bảo người đi săn:

- Anh phải trở lại xem khi bọn mình tóm cẳng chúng rồi, chúng sẽ đú đởn như thế nào.

Bác bố trí cho cả bọn đứng quanh lũ cướp rồi bác cầm chai rượu uống một hơi, vung chai trên đầu chúng, kêu:

- Tất cả chúng bay phải sống!

Ngay lúc đó, chúng lại cử động, nhưng chúng bị quật xuống, chân tay bị trói lại. Rồi bác lính bảo ném chúng như ném bị lên một chiếc xe.

- Hãy chở chúng đến nhà tù ngay đi.

Người đi săn gọi riêng một người trong bọn ra và giao làm một việc. Bác lính bảo:

- Này ông anh giầy ủng bóng, chúng ta may mắn đã tóm gọn được bọn cướp và ăn uống thỏa thuê. Giờ ta lại cứ bình tĩnh mà đóng cái vai trò lính bị tụt hậu, lẽo đẽo theo sau.

Gần đến tỉnh, bác thấy cổng thành người xúm đông chen chúc nhau, tiếng reo vui mừng, người ta vung vẩy cành lá xanh. Bác lại thấy cả đội quân cận vệ tiến đến. Bác ngạc nhiên lắm, hỏi người đi săn:

- Thế là nghĩa lý gì?

Người kia đáp:

- Thế anh không biết là vua đi xa nước đã lâu, ngày hôm nay trở về, nên thiên hạ đi đón à?

Bác lính hỏi:

- Thế vua đâu mà tôi không thấy!

Người đi săn đáp:

- Vua đây. Ta là vua ta đã cho báo tin trước là ta về.

Người ấy hé mở áo đi săn ra, để lộ áo bào nhà vua. Bác lính sợ hãi quỳ xuống xin tha tội vì trước đây bác không biết là vua nên đã đối xử như kẻ ngang hàng và xưng hô như vậy.

Nhưng vua chìa tay ra bắt tay bác bảo:

- Ngươi là một người lính can trường đã cứu sống ta. Ngươi sẽ không phải chịu cơ cực nữa, ta nhất định chăm sóc ngươi, khi nào ngươi thèm ăn một bữa thịt quay như ở nhà bọn cướp thì cứ việc đến bếp hoàng gia. Còn khi nào người muốn nâng cốc chúc ai, thì phải đợi ta cho phép đã.

Sưu tầm


Quy luật ấm chén

Hai thầy trò đang ngồi đọc sách trước hiên, người học trò ra điều nghĩ ngợi, rời mắt khỏi trang sách và hỏi thầy:

“Thưa thầy, làm thế nào để khiến người khác nghe mình ạ?”

Người thầy đưa mắt nhìn học trò và nói:

“Con vào nhà pha cho thầy ấm trà.”

Rất nhanh chóng người học trò mang đến trước mặt thầy một ấm trà và vài cái chén nhỏ. Thầy chậm rã rót nước vào chén và nói với học trò:

“Con hãy hình dung ấm trà này là người nói, muốn rót được nước-muốn đưa thông điệp đến với người nghe con cần làm gì?”

Người học trò nhanh nhẹn đỡ lấy ấm trà, nhấc một chiếc chén lên, từ từ rót nước vào và nói:

“Thưa thầy, ấm và chén phải tiếp xúc với nhau, cái ấm phải nghiêng đi thì nước mới vào trong chén được ạ!”

Thế đấy, nếu là người nói còn phải biết cách tiếp cận, tìm điểm chung với người nghe, biết chắt lọc thông tin trước khi truyền đạt cho người nghe và biết “nghiêng mình”. Còn nếu con là người nghe, hãy là người nghe tuyệt với nhất bằng cách tự nâng cao giá trị bản thân, đeo bám và cũng phải biết nghiêng mình để đón nhận thông tin. Và con nên nhớ, hãy là chiếc cốc rỗng đừng áp đặt, đừng chì trích phê phán khi con thực sự muốn lắng nghe.

Sưu tầm


BIẾT MÌNH

   Nước Lỗ có người ở một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà goá sang xin ngủ nhờ...  Người láng giềng đóng cửa không cho vào.  Người đàn bà đứng trước cửa sổ nói:

   - “Ngươi sao bất nhân thế, không cho ta vào!”

   Người láng giềng đáp: “Ta nghe đàn ông, đàn bà 60 tuổi trở lên mới ở chung được.  Nay ngươi còn trẻ mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không thể cho ngươi vào ngủ trọ được:

   Người đàn bà nói: “Ngươi sao không làm như Liễu Hạ Huệ, ủ người con gái vào lòng mà không tai tiếng gì!”

   Người láng giềng nói: “Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, chứ ta đây chưa thế được.  Vì ta cho ngươi vào mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng ta không cho ngươi vào mà ta cũng giữ không tai tiếng gì như ông Liễu Hạ Huệ.  Thế là ta không làm như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ vậy."

Sưu tầm


Tôi Xin Chấp Nhận

Tại một bệnh viện trong thành phố Hiroshima bên Nhật Bản, một người đàn bà bị phóng xạ nguyên tử từ 30 năm qua đang lên cơn hấp hối.

Bác sĩ chữa trị cho biết bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng. Theo thói quen tại Nhật Bản, người ta thông báo để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây phút cuối cùng.

Bác sĩ vào phòng bệnh nhân và nói nhỏ với bà: "Akiramé".

Người đàn bà ngước nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn trái của bà câu: "Akiramé", nghĩa là "Tôi xin chấp nhận".

Với tất cả bình thản, người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc sống thành một biến cố tự nhiên và thanh thản.

Cuộc sống của chúng ta dường như được cấu tạo bằng nhiều vị khác nhau: đắng cay, chua xót, ngọt bùi... Gia vị là một điều cần thiết cho thức ăn. Người không thích cay đắng thì sẽ xem trái ớt, hạt tiêu là kẻ thù của khẩu vị. Người thích cay đắng thì lại tìm ra mùi vị thơm ngon của nó.

Hoa nào cũng có mật đắng. Nhưng loài ong khéo léo để chỉ hút mật ngọt.

Thiên Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống với muôn màu sắc và hương vị khác nhau. Chúng ta phải là loài ong đi tìm mật ngọt trong vườn hoa cuộc sống ấy. Nếu chỉ nhìn thấy mật đắng, chúng ta sẽ bỏ cuộc đầu hàng trong chán nản. Nếu biết biến báo, chúng ta có thể tìm được mật ngọt và biến những đắng cay chua xót thành mật ngọt và hương thơm.

Sau khi đã đánh bại Ðức Quốc Xã và giải phóng Âu Châu, Churchill thủ tướng nước Anh đã tuyên bố: "Không gì buồn thảm cho bằng một chiến thắng". Cảnh thu dọn chiến trường, cảnh kẻ khóc người cười, cảnh vợ mất chồng, cảnh cha mẹ mất con cái... Chiến thắng ngự trị trên tro tàn, đổ nát.

Dù vui với chiến thắng đến đâu, có ai mà không ngậm ngùi xót xa.

Sưu tầm


VÀNG VÀ AXÍT

Thầy giáo đang giảng bài về axít sulfuric:

- Nào các em, bây giờ thầy gỡ cái nhẫn thầy đang đeo bỏ vào trong lọ axít này. Hãy cho biết chiếc nhẫn có bị axít ăn mòn không?

- Nhất định không ạ.

- Tại sao?

-Vì nếu chiếc nhẫn mà bị mòn làm sao thầy dám bỏ vào ạ."

Sưu tầm


BIẾT TÔI LÀ AI KHÔNG?

Trong một kỳ thi, sau khi giám thị bảo bỏ bút xuống một sinh viên cứ tiếp tục hý hoáy viết.

Giám thị tức giận lắm nên sau khi đã thu hết bài thì đến chỗ anh sinh viên còn đang viết.

“Anh vi phạm nội quy, hết giờ mà còn cố viết. Tôi sẽ đề nghị thầy giáo trừ anh 5 điểm”.

Sinh viên chẳng phải tay vừa,

“Ông biết tôi là ai không? Ông biết ông đang nói chuyện với ai không?”

“Anh là ai mặc kệ. Đừng mang thần thế ra mà dọa tôi.”

“Tôi hỏi lại lần nữa ông biết tôi là ai không?”

“Anh là ai tôi không cần biết, tôi cũng cóc cần biết”

Trong khi ông giám thị còn đang phùng mang trợn mắt quát tháo, anh sinh viên giúi ngay bài thi vào giữa đống bài thi rồi ba chân bốn cẳng chạy,

“Bây giờ thì đố ông biết tôi là ai. Yên tâm lắm rồi”

Nguyễn Ngọc Thuỷ


BỘ ÓC CỦA CON LỪA

Sư tử và cáo đi săn chung với nhau. Với sự cố vấn của Cáo, Sư tử gởi cho Lừa một sứ điệp đề nghị kết giao giữa hai họ nhà chúng.

Lừa vui mừng đến chỗ hẹn trong viễn ảnh được kết giao với họ nhà Vua các loài vật. Nhưng khi Lừa vừa đến, Sư tử chẳng nói chẳng rằng, nhảy xổ chụp lấy Lừa và nói với Cáo: “Đây là bữa ăn hôm nay của chúng ta. Ngươi hãy canh chừng ở đây trong khi ta đi nghỉ trưa. Vô phúc cho ngươi nếu ngươi động đến mồi của ta”. Sư tử đi nghỉ và Cáo chờ đợi. Nhưng khi nhận thấy thầy của mình không trở lại, Cáo liều lĩnh lấy bộ óc của Lừa và ăn. Khi Sư tử trở lại, nó nhận thấy ngay sự việc. Nó tra vấn Cáo với một giọng giận dữ đáng sợ: “Ngươi đã làm gì với bộ óc?”

- Bộ óc, thưa ngài! Nó không có óc hoặc nếu lỡ may nó có, thì nó đã không rơi vào bẫy của chúng ta.”

Kẻ mưu trí bao giờ cũng có một câu trả lời sẵn."

Sưu tầm