Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Ai dại ai khôn

Giống Sói thường uống ăn hấp tấp,
Cũng dễ hiểu: vì gấp lánh thân,
Mải bị ruồng bắt xa gần,
Nên phải mau nuốt, lanh chân thoát nàn.
Một con Sói tâm hơ tâm hất,
Bị mắc xương, thật rất nguy nan.
Không thể trò chuyện, hỏi han,
Báo động cầu cứu xóm làng giải nguy
Rất may có con Cò nhìn thấy
Liền tự nguyện giúp lấy xương ra.
Bảo Sói há miệng đừng la,
Cò dùng mỏ nhọn để mà rút xương.
Việc cấp cứu trăm phần hữu hiệu,
Dù thần y cũng chịu thua luôn!
Cò mừng, Sói cũng hết buồn,
Nhớ tai nạn cũ như tuồng chiêm bao
Cò rụt rè thở than với Sói:
"Tôi cứu anh thoát khỏi Tử Thần,
Xin anh một ít đồng ngân
Giúp tôi trang trả nợ nần sống vui".
Sói trợn mắt, nhìn Cò khinh bỉ:
"Im anh đi, chớ nghĩ xa xôi.
Chính anh phải cám ơn tôi,
Tha cho sống sót còn ngồi nơi đây.
"Thật buồn cười cho anh khờ dại,
Dám đút đầu vô đại miệng tôi.
Nhân từ tôi chẳng khép môi,
Gìờ đây anh lại lôi thôi đòi tiền!"
"Hãy lập tức lánh xa nơi khác,
Bằng không ta xé nát thây thi.
Lý luận tình nghĩa ích gì?
Khôn thì sống mãi, trường kỳ thiên thu "
Trong câu chuyện có hai nhân vật,
Sói với Cò bản chất khác nhau.
Dại, không, khó định biết bao!
Trong khôn có dại, làm sao lọc lừa?
Người chậm tiến thường khôn như Sói,
Thích lợi mình, ghét nói nghĩa nhân,
Mấy khi phải quấy cân phân,
Miễn ta được việc, trọn phần ta thôi.
Kẻ tiến hoá chỉ lo phục vụ,
Giúp đỡ người, ấp ủ tình thương.
Chẳng màng tính toán đo lường,
Không đặt điều kiện, xem thường lợi riêng.
Hãy kiểm thảo: mình Cò hay Sói,
Ráng lắng nghe tiếng nói lương tâm.
Ðắn đo tránh khỏi sai lầm,
Trên thang tiến hoá âm thầm ruổi giong.

La Fontaine


Bí quyết của tình thương

Một ông lão đầu râu tóc bạc,
Tuổi tám mưoi, vững chạc bước đi,
Sắc tướng diện mạo phương phi,
Tất cả đều mến, kẻ vì người thương.
Một hôm, ông ra công đào đất,
Ðể trồng cây, trông thật xinh tươi,
Dọc theo bờ lộ đông người,
Bộ hành qua lại, nói cười vui tai.
Bỗng có ba thiếu niên lân cận,
Nhìn lão ông đang bận với cây,
Phát cười với giọng thơ ngây,
"Tội thay! Quả đất đang xoay lộn vòng.
"Cụ nay đã già nua như thế,
Những ngày tàn không để nghỉ ngơi,
Dành giây phút chót cuộc đời
Suy gẫm quá khứ, tùy thời dưỡng thân.
"Ở tuổi ông, khởi công xây cất,
Hữu lý hơn đào đất trồng cây :
Xây cất kết quả phút giây,
Còn trồng, dù hết kiếp nầy chưa xong !
"Tại sao tự đọa đày quá đáng,
Ðừng tranh đấu, chớ rán uổng công.
Chớ lo những việc viển vông,
Nên tìm hưởng thụ, gieo trồng ích chi ?
"Những chương trình bao la rộng rãi,
Các tư tưởng khoáng đạt cao siêu,
Nhường cho giới trẻ chắt chiu,
Ông nên trù tính việc siêu linh hồn.
Thực tế hơn: chung trà, bầu rượu
Cạnh bạn bè tề tựu đủ đầy,
Cờ tiên, đàn khảy giải khuây,
Mai kia cất xác, tâm nầy thảnh thơi !"
Cụ già đáp :" Các con lầm lẫn,
Việc tử sinh không bận lòng ta.
Cái chết đến với trẻ, già,
Nào ai đoán được để mà âu lo !

"Ta trồng cây không mong thụ hưởng,
Nhưng vì trọn tin tưởng tương lai,
Mong kẻ qua lại hàng ngày
Có được bóng mát, khoan thai, vui cười.
"Những người ấy , dù quen hay lạ,
Cháu chít ta, đến cả thú cầm,
Vì thương, ta mở từ tâm,
Làm quà bóng mát, gieo mầm an vui.
"Ta sung sướng ngay khi đào đất,
Hạnh phúc ấy mải cất trong lòng,
Vì giúp đỡ mà chẳng mong,
Ðược đền đáp lại, không mong bù trừ.
Niềm vui đó, các người không thể
Cản ngăn ta bồng bế, vun trồng.
Hãy cố gắng sống sạch trong,
Khi Tử Thần đến, thong dong ra về !
Tuổi thọ của mỗi người đều khác,
Rủi ta đưa đám xác các người,
Chừng đó nên khóc hay cười ?
Vậy hãy cố gắng giúp người từ đây !"
Quả thật vậy, lão ông đoán đúng :
Một đứa chết về súng đạn bay,
Ðứa kế gặp nạn thủy tai,
Ðứa chót bỏ mạng ở ngoài rừng hoang.
Ông lão dự đám tang ba trẻ,
Tre khóc măng, lòng kẽ bàng hoàng,
Nhưng tâm cụ vẫn bình an,
Vì khăn gói đã sẵn sáng từ lâu.
Ðời ông quả là gương sáng chói :
Muốn khi chết lòng khỏi buồn phiền;
Lúc sống hành thiện triền miên,
Dù mai cất bước, tâm yên vững vàng.
Tuổi tám mươi, ông còn cố gắng
Trồng cây giúp che nắng che mưa,
Tình thương ban rải chẳng chừa
Thân, sơ, lớn, bé, không lừa lọc ai.
Tình thương đúng là nguồn phép lạ,
Giúp mọi người, lẫn cá nhân ta,
Hạnh phúc sống cõi Ta-Bà,
Khi qua Âm Cảnh đậm đà thêm lên.

La Fontaine


 Chọn bạn

Một hôm nọ, Nồi Ðồng thân mật
Mời bạn là Nồi Ðất, đồng môn,
“Ðể giúp bồi dưỡng trí khôn,
Chúng ta du ngoạn sang thôn láng giềng.
Trước là ngắm cỏ hoa xinh đẹp,
Sau là nhìn suối hẹp, núi cao,
Trời xanh, gió mát biết bao,
Chị em đồng hưởng, dịp nào tốt hơn?”
Nồi Ðất đáp: “Cảm ơn chị lắm,
Nhiều thâm tình nên gẫm đến em.
Nghe chị tả cảnh bắt thèm,
Muốn ngay cất bước để xem tận tường.
“Hiềm một nổi lý do sức khoẻ,
Em chỉ hoạt động nhẹ nhàng thôi,
Là một nồi đất, chị ơi,
Nếu thiếu cẩn thận, bể rồi làm sao?
Chị khoẻ mạnh, deo dai chẳng sợ,
Dù khó khăn hiểm trở đến đâu,
Chị có thừa sức đối đầu,
Nhưng em phiền não, u sầu, khổ thay!
Chẳng mong chi hơn là an tĩnh,
Cạnh lò sưởi tập định, tham thiền,
Học Ðạo, suy gẫm triền miên,
Còn hơn du ngoạn những miền danh lam.”
Nồi Ðồng đáp: “Nầy em, đừng ngại,
Có chị đây, gặp phải chông gai,
Nếu cần, chị sẽ ra tay,
Tận tâm bảo vệ, thoát ngay nguy nàn.
Em chớ lo, chị đâu, em đó,
Chị thừa sức dãi gió, dầm mưa,
Chở che, nâng đỡ sớm trưa,
Ngọt bùi chia xẻ, làm vừa lòng nhau.”

Nồi Ðất nghe bùi tai, hoan hỉ,
Quyết phen này phỉ chí, toại nguyện.
Ngao du khắp chốn sơn xuyên,
Ðẹp lòng vui mát, cảnh tiên non bồng.”
Cuộc hành-trình bắt đầu vui vẻ,
Một đoàn nồi, lớn bé chen nhau,
Múa hát, đùa giỡn xôn xao,
Tỏ đầy nhựa sống, biết bao thâm tình.
Riêng Nồi Ðất phập phồng lo ngại,
“Môi trường này chẳng phải cho ta,
Ðành rằng vui vẻ, hát ca,
Nhưng phải trật tự, không là nát thân !”
Nó yêu cầu Nồi Ðồng bảo vệ:
“Kẻo nhóm trẻ chẳng kể tôn ti,
Nô đùa, chen lấn bất kỳ,
Vô tình chạm bể còn gì mạng em ?”
Nồi Ðồng bèn dương oai diệu võ,
Cốt ý cho trẻ nhỏ lánh xa,
Bảo bọc Nồi Ðất an hoà,
Giữa lúc nhộn nhịp la cà hiểm nguy.
Bất ngờ thay: Trong cơn lúng túng,
Nồi Ðồng rủi chạm trúng bạn mình,
Ô hô ! Tan nát thân hình
Thành trăm mảnh vụn, thâm tình mất luôn!

Một bài học cho người nhân thế:
Việc chọn bạn chẳng thể xem thường,
Phải cùng bản chất, lập trường,
Cùng giai tầng, mới có đường sống chung.

La Fontaine


NHÀ VĂN TÍ HON

Sau một tai nạn xe hơi, các bác sĩ nói cậu bé Alex sẽ bị liệt vĩnh viễn từ cổ trở xuống. Và để duy trì cuộc sống, cậu cần phải được chăm sóc hòan tòan, phải di chuyển bằng xe lăn và sử dụng ống thở.

Alex được chuyển sang bệnh viện chúng tôi để hổ trợ phục hồi các chức năng bằng phương pháp tâm lý. Trứơc kia, Alex là một cậu bé hiếu động ham chơi,, thích chạy nhảy như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Còn giờ đây, cậu bé nằm bất động trên giường, trông như một thiên thần nhỏ với vầng tráng cao, mái tóc đen nhánh và đôi mắt xanh thăm thẳm.

- Alex, – Một hôm, tôi nhẹ nhàng mở lời – Cháu có muốn nghe chú kể chuyện không ?

Không nói được gì, Alex khẽ gật đầu.

Ngày xửa ngày xưa, có một người chuyên bán nón. Một ngày kia, ông ngủ quên dưới gốc cây ven rừng.

Tôi bắt đầu kể cho cậu bé nghe câu chuyện dân gian quen thuộc này, vừa minh họa bằng tay, tôi nằm vắt chân, giả vờ ngủ khò như ông lão.

- … Khi tỉnh giấc, những cái nón của ông đã biến đâu mất. Thì ra lũ khỉ trên cây đã lấy cắp những cái nón khi ông ngủ, rồi mỗi con đội một cái nón trên đầu…

Tôi giả bộ như thật, giậm chân thình thịch, giận dữ vung nắm đấm vào lũ khỉ tưởng tượng :

- lũ khỉ kia, trả nón lại cho tao mau lên !

Trong khi kể chuyện, tôi để ý nhìn Alex. Cậu bé thích thú theo dõi từng cử chỉ và nét mặt của tôi. Hai lần, tôi thấy cậu mấp máy như muốn nói điều gì. Khi tôi đề nghị kể một câu chuyện khác , Alex gật đầu nhè nhẹ.

- Alex, câu chuyện này tên là Gia Đình Nhà Gấu, cháu đã nghe bao giờ chưa ?

Alex gật đầu. Tôi bắt đầu kể :

- Một ngày kia, gấu mẹ đang ở trong bếp nấu món… – Tôi dừng lại, nhìn Alex. Cậu bé mấp máy môi :

- …Súp đậu…

Tôi nhìn Alex khích lệ :

- Đúng rồi, Gấu Mẹ đang nấu món súp đậu mà lũ Gấu Con thích nhất. Nhưng món súp mà mới nấu xong thì rất ….

Tôi lại dừng, nhìn Alex chờ đợi. Ngay lậo tức, Alex tiếp lời :

- ….nóng.

Cứ như thế, cả hai chúng tôi cùng nhau kể tiếp câu chuyện. Tôi biết rằng điều đó rất tốt cho Alex, vì khi cậu dùng khí quản của mình để phát âm, thì phổi cũng họat động để lấy oxy. Đôi môi xinh xắn cong tròn nói từng tiếng :

- Gấu Bố (Alex hít hơi) và Gấu Mẹ … dẫn Gấu Con … đi chơi trong rừng.

Đây là một kỳ công mà Alex thực hiện được kể từ khi vào bệnh viện : nói trọn một câu. Mẹ cậu bé cười rơi nước mắt vì sung sướng,. Lần đầu tiên bà nghe được giọng nói của Alex kể từ khi cậu gặp tai nạn.

Mỗi ngày, tôi đều đến và cùng Alex kể bao nhiêu là chuyện, từ chuyện cổ tích đến chuyện thần thọai hay phiêu lưu mạo hiểm. Khả năng phát âm của cậu bé tăng giần một cách đáng kinh ngạc theo thời gian. Cậu đã có thể kể trọn một câu chuyện bằng một giọng rõ ràng. vài bác sĩ và y tá cũng dành thời gian lắng nghe thật thích thú và cho ý kiến về từng câu chuyện của Alex.

Một ngày nọ, khi tôi chuẩn bị rời phòng bệnh của Alex, cậu bé hào hứng nói :

- Chú Michael, chú có muốn nghe cháu kể một câu chuyện không ?

Tôi dừng lại, đến bên giường cậu :

- Đương nhiên rồi, cháu kể cho chú nghe nào !

Alex thì thầm vẻ bí mật :

- Câu chuyện này chú chưa nghe bao giờ, vì nó mới xuất hiện trong đầu cháu đấy ! – Rồi cậu bé bắt đầu :

- Ngày xửa ngày xưa ….

Đột nhiên tôi nảy ra ý định sẽ ghi lại câu chuyện này của Alex, nên vội vàng lấy giấy bút. và cứ thế mỗi ngày, Alex tưởng tượng ra một câu chuyện và kể cho chúng tôi nghe. Tôi khám phá ra trí tưởng tượng của cậu bé thật phong phú, như một nhà văn bẩm sinh vậy.

Hai tháng sau, Alex xuất viện. Mọi người trong bệnh viện đều đến chào tạm biệt cậu bé thông minh và đáng yêu này. Tôi đặt vào tay Alex cuốn sổ nhỏ chứa tất cả những câu chuyện cậu kể mà tôi đã ghi lại :

- Alex, cháu đã trở thành một nhà văn, một nhà văn thật sự đấy ! Đây là tác phẩm của cháu !

Thật hả chú ? – Alex cười thật tươi, đôi mắt ánh lên những tia sáng lấp lánh.

Alex vẫn nằm yên bất động trên xe lăn, nhưng cậu đã thật sự làm nên phép lạ khi cậu không chịu giam cầm bản thân vào cơ thể bất động ấy. Alex đã có thể bay thật xa, đưa trí tưởng tượng của mình đến một thế giới đẹp đẽ, an lành và hồn nhiên của những câu chuyện cổ tích.

Sưu tầm


Quạ và thỏ

Thấy Quạ ngồi trên cây cả ngày mà không làm gì, Thỏ con hỏi:

- Tôi có thể ngồi cả ngày mà không làm gì như anh không?

- Tất nhiên, tại sao lại không. - Quạ nói.

Vậy là Thỏ con ngồi dưới đất nghỉ ngơi. Bỗng nhiên, Cáo già xuất hiện, vồ lấy Thỏ và ăn thịt.

Sưu tầm


Ngố như gà gỗ

Có một người họ Kỷ chuyên luyện gà cho vua Tề.

Những con gà này không phải là gà bình thường mà là những con gà chọi để thi đấu.

Mới nuôi được có mười ngày , Tề vương đã sốt sắng hỏi:

- Ngươi luyện được chưa?

- Thưa, vẫn chưa được. Hiện chúng vẫn còn rất kiêu ngạo.

Mười ngày trôi qua, vua Tề lại sai người đến giục. Kỷ tiên sinh bảo:

- Vẫn chưa được! Khi nhìn thấy bóng người, nghe thấy tiếng người, chúng vẫn rất sợ hãi.

Lại là mười ngày nữa, vua Tề đã sốt ruột lắm nhưng Kỷ tiên sinh vẫn một mực:

- Chưa được. Cần luyện cho chúng mắt sáng quắc, có khí thế nuốt tươi địch thủ mới được.

Mười ngày sau, Tề Vương thất vọng đến xem con gà chọi của mình. Không ngờ, Kỷ tiên sinh tâu:

- Cũng tạm được rồi! Tuy có lúc vẫn còn kêu, nhưng đã không sợ hãi nữa, nhìn nó cứ tưởng gà làm bằng gỗ vậy. Các mặt căn bản cũng đã chuẩn bị chu đáo. Những con gà khác đều không dám đến khiêu khích nó, mà bỏ chạy xa cả...

Sưu tầm


Mèo đen mời khách

          Mèo đen mời sơn dương đến nhà dùng bữa. Sơn dương khoái lắm, bèn vác bụng rỗng đến chỗ mèo đen. Mèo đen đã chuẩn bị một bữa ăn thật thịnh soạn: nào là thịt chuột nướng, da chuột chiên xì dầu, đầu chuột chiên dòn, chân chuột nướng... để thiết đãi.

Thấy sơn dương đến, mèo đen mừng lắm, vộn vã mời sơn dương ăn, và mình cũng ngồi ăn ngon lành.

Sơn dương cũng ngồi yên một chỗ, dù bụng đang đói cồn cào, vì nó chẳng hề hứng thú gì với mấy món này. Sơn dương ngập ngừng nói:

- Tôi không ăn thịt chuột bao giờ cả!

Nói rồi, sơn dương bèn ra ngoài vườn ngấu nghiến gặm cỏ. Mèo đen chợt hiểu ra vấn đề, cười phá lên. Còn sơn dương thì vừa chén cỏ vừa sung sướng kêu 'be be' để cảm ơn thịnh tình của mèo đen.

Sưu tầm


Của phi nghĩa

Một con lừa, hai tên lén bắt,
Ðứa để cỡi, đứa dắt định buôn.
Cải vã, đấm đá máu tuôn,
Lừa đứng thong thả, ngoài chuồng, ngẩn ngơ.
Ðứa thứ ba từ xa chạy tới,
Thấy tự sự vội cỡi lừa đi,
Về hướng rừng núi xanh rì,
Ô hô ! Lừa mất, còn gì đấu tranh !?

La Fontaine


Đôi bạn

Tục truyền ở xứ xa, nơi nọ,
Có đôi bạn thật khó so bì.
Thương nhau một cách lạ kỳ,
Khó bề diễn tả, tìm gì đẹp hơn !
Về tài sản, chung nhau cộng hưởng,
Người nầy sắm, liên tưởng người kia.
Mỗi vật đồng hưởng, đồng chia,
Ðáng làm gương mẫu, tạc bia lưu truyền.
Có một đêm, nồng say giấc điệp,
Bỗng người em khủng khiếp chạy sang,
Nhà bạn, đang ngủ lặng trang,
Ðánh thức nô bộc, hỏi han sự tình.
Vừa thức giấc, người anh nai nịt,
Tay cầm gươm, lưng xích túi tiền,
Mừng rỡ thấy bạn bình yên,
Vội vàng thi lễ, tay liền nắm tay.
Anh biết rõ: tánh em cẩn thận,
Không vô cớ làm bận lòng anh.
Ðiều chi khiến bạn thất thanh,
Ðêm khuya vội vã tìm anh, thế nầy ?
"Phải chăng đã lỡ thua hết sạch ?
Ðây túi tiền, hãy xách về xài.
Hoặc đã gây gổ với ai,
Ðây gươm có sẵng, chẳng nài thân anh!
Hay là giữa đêm khuya giá lạnh,
Sống độc thân, em chạnh nghe buồn,
Cần người giải muộn, qua truông,
Ðây nàng hầu đẹp, nguôi buồn cho em.
Người đang bận hầu bên anh đó,
Nếu em thích, anh bỏ dễ dàng,
Gọi sang phụng sự tân lang,
Anh tìm nàng khác, muộn màng chi đâu?"
Nghe anh nói, người em cảm động,
Ôm lấy anh, lệ đọng nơi mi,
"Không, không, em chẳng cần chi,
Cảm ơn anh lắm, có gì thiếu đâu ?
Em đang ngủ, bỗng nhiên mộng mị,
Thấy anh buồn, rầu rĩ, bơ phờ,
Em sợ anh bị bịnh bất ngờ,
Hao mòn sức khoẻ bây giờ của anh.
"Tỉnh giấc nồng, em còn sợ hãi,
Nên bươn bả mau chạy sang đây,
Ðánh thức cả tớ, lẫn thầy,
Ðể nhìn tận mặt, dạ nầy mới an."
Giữa hai người, ai thương nhiều nhứt ?
Càng nghĩ suy, thổn thức từng cơn,
Ðẹp thay! Ðôi bạn keo sơn,
Khó mà định đoạt ai hơn nghĩa tình !
Tình bằng hữu thật tâm chân chính,
Là kho báu khó sánh nhứt đời,
Dễ gì tìm thấy ở nơi
Trần thế ô nhiễm của thời nầy đây.
Bạn tâm giao, thật là mầu nhiệm !
Ðoán nhu cầu đang chiếm lòng ta,
Âm thầm thoả mãn, chan hoà,
Không chờ ta thốt, để mà van xin.
Chỉ cần một chiêm bao mộng mị,
Khiến cho y rủn chí, ưu phiền,
Bồi hồi, lo nghĩ triền miên,
Sợ điều bất hạnh, bạn hiền cưu mang!

La Fontaine


Đừng bắt chước

Một con lừa đau đớn thắc mắc
Sao chủ thường khe khắt với ta ?
Tay đánh, chơn đá, miệng la,
Trong khi Chó được cả nhà tưng tiu. 

Chó ấy loại thân hình thật nhỏ,
Tuổi ấu thơ, nhưng tỏ vẻ khôn.
Trọn ngày quấn quít , bôn chôn,
Cạnh ông bà chủ, được hôn rất thường.

Nó hay ngồi trên đùi ông ấy,
Dùng lưỡi liếm phe phẩy mặt ông.
Nũng nịu để được bế bồng,
Khẽ sủa nho nhỏ, tỏ lòng thiết tha. 

Ông bà chủ có mòi đắc chí,
Phát cười dòn, tỏ ý vui mừng.
Xoa đầu, vuốt ngực, vuốt lưng,
Xưng hô “Con” ngọt, như cưng cục vàng.

Lừa chứng kiến bao lần cảnh ấy,
Sánh phận mình càng thấy thêm đau,
Cố gắng tìm biện pháp nào
Khiến ông bà chủ khởi màu đoái thương.
Kế hay nhất là noi gương Chó,
Tìm mọi dịp bày tỏ tình thương
Mặn nồng tha thiết biểu dương,
Chủ sẽ cảm động tìm phương đền bù.
Lừa theo đó thi hành diệu kế,
Trong khi chủ ngồi ghế trong phòng,
Xô cửa, Lừa bước vào trong,
Dừng chơn nựng mặt của ông bất ngờ!
Ðể được giống hoàn toàn như Chó,
Lừa rống lớn, chứng tỏ mến thương.
Chác tai, ầm ỉ lạ thường,
Kinh hoàng, ông chủ tìm đường thoát thân.
Ông vội vã kêu la cầu cứu,
Các gia nhân tề tựu đủ đầy,
Kẻ roi, người gậy, người dây,
Xúm trói Lừa lại, mềm thây phen nầy. 
Ðáng thương hại cho Lừa vô tội,
Ðầy thiện chí, nông nỗi,dại khờ,
Ðịnh mua lòng chủ nên mơ
Dùng chân nựng nịu, không ngờ hại thân ! 

Kinh nghiệm Lừa, khuyên ta thận trọng,
Ðừng bắt chước, hoài vọng noi gương,
Mỗi người có một con đường,
Riêng rẽ hoạt động, biểu dương biệt tài.

Thượng Ðế sinh mỗi người một khác,
Chẳng có ai giống tạc như ai.
Ngây thơ bắt chước có ngày
Phải trả đắt giá đắng cay như Lừa !

La Fontaine