Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

BẢY VỊ THUỐC TRỊ BÁ BỆNH

   Câu chuyện của một thầy thuốc sống vào những thời đầu của đạo công giáo, bị hoàng đế bỏ tù một cách bất công. Sau nhiều tuần lễ bị giam, các người thân của ông được phép vào thăm và tất cả đã phải chảy nước mắt vì áo quần ông rách tả tơi, người gầy ốm vì mỗi ngày người ta chỉ cho ông một miếng bánh nhỏ và một ly nước lã. Tuy nhiên vợ ông lại ngạc nhiên khi thấy vẻ mặt của ông;

   - Làm sao mà anh lại có một nét mặt vui sướng như thế? Người ta có thể nói hình như anh vừa đi ăn tiệc cưới về.

   Vị thầy thuốc cười trả lời rằng: ông ta đã tìm ra được một vị thuốc hợp cho mọi thứ bệnh. Người nhà ông hỏi thử thuốc gì thì ông trả lời:

   - Đó là một thứ thuốc tuyệt hảo trị bá bệnh, thể lý và tâm lý. Nó gồm 7 vị thuốc mà tôi kể ra sau đây:

   - Vị thứ nhất được gọi là BẰNG LÒNG VỚI SỐ PHẬN: Hãy bằng lòng với những gì anh có. Có lẽ tôi run rẩy dưới bộ áo quần rách này, vừa run vừa gậm miếng bánh! Nhưng tôi sẽ khổ hơn nếu hoàng đế sai ném tôi trần truồng trong một hầm giam không có gì ăn!

   - Vị thứ hai là LƯƠNG TRI. Dầu tôi hớn hở hoặc dù tôi lo lắng, tôi vẫn luôn ở trong tù, như thế tại sao tôi lại than vãn?

   - Vị thứ ba là NHỚ LẠI CÁC TỘI QUÁ KHỨ: hãy đếm chúng và giả thiết rằng mỗi tội đáng một ngày tù thì hãy tính xem chúng ta phải bỏ bao nhiêu đời để ngồi tù?

   - Vị thứ tư là NGHĨ ĐẾN NHỮNG ĐAU KHỔ MÀ ĐỨC KI TÔ ĐÃ CHỊU CÁCH VUI VẺ VÌ CHÚNG TA. Nếu con người duy nhất trên quả đất này có thể chọn định mệnh của mình mà lại chọn sự đau khổ thì con người đó đã phải nhìn nhận giá trị của điều này to lớn là ngần nào! Vậy chúng ta hãy ý thức rằng sự đau khổ được đón nhận trong thanh thản và niềm vui, có giá trị cứu chuộc.

   - Vị thứ năm là SỰ HIỂU BIẾT ĐIỀU NÀY LÀ sự đau khổ đã được gởi đến bởi một vị Chúa là Cha để dùng nó thanh luyện và thánh hoá ta. Đau khổ mà chúng ta chịu có mục đích thanh luyện chúng ta và chuẩn bị chúng ta vào nước trời.

   - Vị thứ sáu là Ý thức rằng, đối với một Ki tô hữu không có đau khổ nào vô ích: nếu các thú vui xác thịt là tất cả ý nghĩa của cuộc sống thì sự đau đớn và nhà tù sẽ chấm dứt mục đích của con người trong cuộc sống. Nhưng nếu cái chính yếu của đời sống là sự thật thì một căn phòng trong nhà tù sẽ không thay đổi gì cả. Trong tù hoặc ngoài tù, 2 với 2 vẫn là 4. Nhà tù không ngăn cản được tôi yêu. Những song sắt không thể xua đuổi đức tin. Nếu các lý tưởng này tràn ngập đời tôi, tôi có thể thanh thoát bất cử ở đâu."

Sưu tầm


Nói với ấy về tình bạn

- Một người bạn đơn giản chưa bao giờ thấy ấy khóc.

- Một người bạn thực sự đã từng bị ướt đẫm vai áo vì nước mắt của ấy.

- Một người bạn đơn giản không biết tên họ bố mẹ ấy là gì.

- Một người bạn thực sự biết cả số điện thoại cơ quan bố mẹ ấy phòng khi cần kíp.

- Một người bạn đơn giản tặng ấy một món quà cho sinh nhật.

- Một người bạn thực sự đến sớm giúp ấy nấu nướng, chuẩn bị và ở lại sau cùng giúp ấy dọn dẹp.

- Một người bạn đơn giản có thể nổi cáu nếu ấy gọi điện cho bạn ấy lúc bạn ấy đã đi ngủ.

- Một người bạn thực sự sẽ hỏi sao lâu thế mà ấy không gọi điện.

- Một người bạn đơn giản luôn hỏi ấy có vấn đề gì không.

- Một người bạn thực sự cố gắng giúp ấy giải quyết những vấn đề đó.

- Một người bạn đơn giản khi đến nhà ấy sẽ khách sáo.

- Một người bạn thực sự sẽ tự lấy nước cho mính.

- Một người bạn đơn giản nghĩ rằng tình bạn đã chấm dứt khi các ấy vừa mới cãi nhau.

- Một người bạn thực sự biết rằng tình bạn vẫn chưa thể "chín" khi chưa bao giờ có bất đồng quan điểm.

- Một người bạn đơn giản muốn ấy luôn có mặt vì họ.

- Một người bạn thực sự muốn họ luôn có mặt vì chính bản thân ấy.

Sưu tầm


BỆNH DỊCH HẠCH  

Albert Camus (1915-1960), triết gia hiện sinh Pháp, viết cuốn “La Péste” bịnh dịch hạch, đại khái như sau: 

Thành Oran bị dịch hạch. Các Bác sĩ làm việc không xuể đành bó tay. Nhà cầm quyền cho cô lập thành Oran. Trong cảnh tuyệt vọng ấy, đời sống tiếp tục, nhưng một cách bi thảm.

- Kẻ sợ bệnh sống trong hãi hùng.

- Kẻ khác vì tuyệt vọng, chạy tìm thú vui cho quên đi lo âu.

- Những kẻ khác lợi dụng nước đục làm giàu.

- Một số rất ít can đảm, không tuyệt vọng, với những phương tiện ít ỏi họ lo chạy chữa.

Cơn dịch bị đẩy lui dần dần, nhờ số ít oi trên. Bệnh dịch đây là bệnh dịch trong tâm hồn con người: Dịch láo, kiêu ngạo, ghen ghét, đầu cơ... mà trong chúng ta không ai không có, chúng chỉ chờ cơ hội nổi lên tác hại ta."

Sưu tầm


VỀ NIỀM VUI

Một bà mẹ kể lại cái kinh nghiệm mà bà đã học được từ đứa con mù loà của mình như sau:

Tôi có đứa con trai bị mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên tôi đưa cháu đến một siêu thị gần nhà. Với những bước đi chập chững, nó không ngừng bám vào gấu áo của tôi, và cứ vài ba bước nó lại ngừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh.

Sáng hôm đó, tôi đã học được nhiều điều. Thật thế, tôi bỗng nhận ra rằng từ tiếng chân người đi bộ đến tiếng xe, tất cả các tiếng ồn đó đều khác nhau. Cách 100 thước chúng tôi đã nghe mùi thơm của một tiệm bánh kẹo. Vừa vào cửa tiệm, đứa con đã dừng lại và mỉm cười. Tôi mua cho cháu một sôcôla rồi tiếp tục đi đến một cửa hàng khác. Một con chim từ đâu bay đến gần bên chúng tôi. Con tôi đứng lại, như đang thưởng thức tiếng chim hót. Một lúc, sau tôi thấy cháu le lưỡi ra và hít thở làn gió mát từ phương bắc thổi tới, cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa biết gió đến từ đâu.

Chúng tôi đi tiếp. Vào cửa tiệm bán cá, con tôi liền ném mẫu sôcôla và đưa tay sờ vào các loại cá.

Trên đường về, con tôi cười vui rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng hôm ấy là một buổi sáng tuyệt vời của nó vì nó đã khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu. Riêng tôi, tôi đã tự hỏi: tôi với con tôi, ai mới thực sự là kẻ mù loà."

Sưu tầm


BI KỊCH NGỘ NHẬN

Hai mẹ con cô Martha, chủ một lữ quán ở vùng quê hẻo lánh. Một hôm có một hành khách sang trọng ghé lại quán. Hai mẹ con cho ông này uống một thứ thuốc mê, lấy hết của cải rồi vứt ông xuống sông. Sau đó một thời gian, Jan, con bà chủ quán, sau khi bỏ nhà đi xa 20 năm, nay trở về. Mẹ không nhận ra con, và riêng Jan, vì một lý do riêng chưa tiện nói tên tuổi thật của mình cho mẹ hay. Thế rồi Jan cũng bị một liều thuốc ngủ và bị quẳng xuống sông trôi ra biển như bao khách trọ trước y thị.

Ngộ nhận là ở chỗ nhiều người tưởng ghé lữ quán nghỉ mệt thì lại bị chết oan; bà chủ quán giết con mà cứ tưởng khách hàng! Thế giới này cũng lắm cảnh đảo điên như thế."

Sưu tầm


BÍ QUYẾT CỦA ANH AN-BEC-TÔ

Sau khi đã thành công trong việc từ bỏ tật nghiện thuốc phiện, anh An-bec-tô đã tâm sự về bí quyết của mình như sau:

“Tôi đã không từ bỏ được tật nghiện thuốc phiện một mình, và ngay một lúc. Đây là một cố gắng lâu dài, mỗi ngày một ít, và với sự giúp đỡ của bạn bè. Tôi đã không mắc cở giấu giếm tật xấu của mình. Nhưng chân thành tâm sự với các bạn thân của tôi biết và xin họ nâng đỡ tôi trên con đường nghiện thuốc. Từ khi tôi nhất định cai, mỗi ngày khi cơn nghiện hành hạ dữ dội, tôi tìm đến với bạn bè, tìm nơi họ sự nâng đỡ để vượt qua cơn nghiện. Khi phải đi đấu bóng ở thành phố xa, tôi tìm liên lạc với bạn bè và nếu có, bằng không thì tìm những bạn bè mới và xin họ nâng đỡ tôi chống lại cơn nghiện. Cứ như vậy trong vòng một năm, tôi từ bỏ được tật nghiện thuốc phiện.

Đây là thành công của sự cố gắng cá nhân và cũng nhờ sự nâng đỡ của bạn bè."

Sưu tầm


Tội Của Bà Mẹ

Một chàng trai bị kết án tử hình vì tội ăn cắp.

Cậu bày tỏ ước muốn là được gặp bà mẹ trước khi chết.

Quan tòa đồng ý

Khi bà mẹ đến, cậu ta nói :

Mẹ , con muốn được nói thầm với mẹ

Và khi bà mẹ ghé sát tai lại thì cậu ta suýt cắn đứt tai bà.

Mọi người đứng xung quanh hoảng hốt và hỏi hắn , sao lại hành động tàn bạo thế .

Cậu ta trả lời :

Làm như vậy là để trừng phạt bà , vì khi tôi còn bé , mỗi lần tôi ăn cắp được cái gì mang về nhà , thì bà điều cười và nói :

Chẳng ai biết được đâu.

Lẽ ra trong trường hợp ấy bà cần phải trừng phạt tôi.

Sưu tầm


Hà tiện

Xưa có anh chàng, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chỉ khư khư tích của làm giàu. Một hôm, có người bạn rủ ra tỉnh chơi. Trước, anh còn từ chối, người bạn nài mãi, anh ta vào buồng lấy ba quan tiền giắt lưng rồi cùng đi. Ra đến tỉnh, trông thấy cái gì, anh ta cũng muốn mua, nhưng sợ mất tiền, lại thôi. Trời nắng quá, muốn vào hàng nước uống, cợ phải thết bạn, không dám vào.

Ðến chiều trở về qua đò, đi đến giữa sông, anh ta khát quá, mới cúi xuống uống. Chẳng may lộn cổ xuống sông. Anh bạn trên đò kêu:

- Ai cứu, xin thưởng năm quan!

Anh ta trôi giữa dòng sông, nghe tiếng, cố ngoi đầu lên nói:

- Năm quan đắt quá!

Anh bạn chữa lại:

- Thì ba quan vậy!

Anh ta cố ngoi đầu lên một lần nữa:

- Ba quan vẫn đắt, thà chết còn hơn!

Sưu tầm


Hâm nước mắm

Có một anh chàng ngốc, cứ bị vợ bắt nạt mãi. Anh ta cũng biết thế là nhục, nhưng nhu nhược, vả cũng biết mình sai, đành cắn răng chịu. Một hôm, có người bạn đến chơi, anh ta năn nỉ vợ:

- Này mình ạ! Hôm nay có khách, mình hãy để cho tôi mát mặt một tí. Nghĩa là bao giờ có khách thì mình để cho tôi được phép ra oai, hay hò hét gì, mặc ý tôi. Không có người ta lại bảo đàn bà nhà nầy lấn át chồng thì xấu tôi mà cũng xấu cả mình.

Thấy chồng nói vậy, chị vợ cũng thương tình, vả nhịn chồng một hôm để được tiếng vợ hiền, cũng không thiệt gì, liền ưng thuận.
Lúc có mặt bạn, anh chồng tha hồ làm mưa làm gió, chị vợ vẫn không hề hé răng nói lại nửa lời. Cơm dọn ra, đã đủ các thức ăn ngon lành, sốt dẻo, thế mà anh vẫn luôn mồm chê:

- Bát giả cầy này, làm mặn quá!

- Giời ơi! Thịt gà sao lại chặt ra như thế này?

- Cá rán sao lại để cả vảy?

Làm như mình sành lắm. Chị vợ tức lộn ruột lên rồi, nhưng vẫn cứ tươi cười, ăn nói nhẹ nhàng, mềm mỏng. Khách thấy thế, khen bạn có người vợ hiền. Ðược thể, anh ta càng lên mặt tợn. Nhìn khắp mâm cơm, thấy không còn món gì chê được nữa, anh ta hậm hực mãi. Lúc nhìn đến bát nước mắm, anh ta vội nói to:

- Này! Nước mắm nguội thế này, sao không hâm lên, hử?

Khách nghe hỏi, lăn ra cười. Còn chị vợ thì uất ức quá, xấu hổ thay cho chồng, liền lôi cổ xuống bếp, mắng cho một trận nên thân.

Sưu tầm


Sao ngu thế, định lấy vợ à?

Có bao giờ bạn khuyên bạn của mình đừng lấy vợ trong khi anh ta đang rất rất muốn lấy vợ chưa? Dùng lời nói để khuyên giải thì khó. Chi bằng cho anh ta "mục sở kiến thị".

Anh chồng hôm nay từ cơ quan về nhà rất sớm. Vừa về đến nơi, anh chạy liền vào nhà nói với vợ:

- Em yêu! Anh đã mời một người bạn đến nhà mình ăn tối.

Vợ ngạc nhiên:

- Cái gì? Anh có điên không? Nhà cửa thì lộn xộn, em thì chưa đi chợ, chén đĩa thì quá bẩn và em không muốn nấu một bữa ăn không ngon.

Anh chồng an ủi:

- Anh biết rồi, nhưng em hãy chịu khó đi.

Cô vợ vặn lại:

- Anh biết rồi mà vẫn mời bạn anh đến ư?

- Vì thằng ngố tội nghiệp bạn anh đang nghĩ đến việc lấy vợ. Coi như anh giúp nó sáng mắt ra vậy.

Sưu tầm


Trời ơi! Vợ bạn

Một ông chồng thường kiếm cớ trốn việc nhà đi thăm bạn bè và đều được đón tiếp chu đáo. Một tối, có người bạn từ xa đến chơi...

Để trả nghĩa, anh mời bạn nghỉ lại và bảo vợ:

- Sáng mai, mình thịt gà, làm cơm thết khách quý! Nể khách, chị vợ đành vui vẻ:

- Chẳng mấy khi bác sang chơi, mời bác ở đây vui vẻ với nhà em.

Nhưng trong bụng lại căm anh chồng vừa vô tích sự, vừa "tinh tướng", đã không có tiền, nhà có con gà mái đẻ, đem thịt thì lấy trứng đâu mà ăn? Chị phục chờ anh chồng có một mình, sẽ cho một trận mới hả giận. Khốn nỗi từ chập tối, đôi bạn tri kỷ liên tục hàn huyên.

Nửa đêm, trời tối như hũ nút. Nghe tiếng guốc gỗ từ trong nhà ra, đoán anh chồng ra vườn sau đi vệ sinh vì khách đi dép nhựa. Chị chạy theo, rít lên nho nhỏ nhưng cũng đủ nghe: - Không chịu lo làm, chỉ tính chuyện ăn. Có mà ăn...

Rồi chị trút ra một lô "món ăn" không có trong từ điển. Sáng hôm sau, khách một mực xin về. Chủ nhà nài nỉ khách ở lại xơi cơm, nhưng khách chỉ nói:

- Xin phép bác, đêm qua mượn đôi guốc của bác ra vườn sau đi tiểu, tôi đã được bác gái "cho ăn" đủ rồi ạ!

Sưu tầm