Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

SỰ TÍCH HOA PHƯỢNG

Ngày xưa, xưa lắm, ở một vùng đất đồi kia, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ ông chết sớm, ông thương vợ, không lấy ai nữa nên ông không có con. Ông đi xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Ngoài những giờ luyện võ, ông lại cho năm người đi học chữ, vì ông muốn năm người cùng giỏi võ, giỏi văn.

Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn... Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương bố nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng... Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to. Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn nữa là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm, mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn. Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc. Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa. Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.

Hắn thấy ông thầy dạy võ đang lấy chân đạp vào một gốc cây sung to. Cây sung lúc đầu bị rung khe khẽ, rồi mỗi lúc rung một mạnh hơn. Sau đó, ông nhấc một cái cối đá to đưa lên, đưa xuống, vẻ còn mệt nhọc. Tên tướng giặc cười phá lên rồi xuống ngựa giơ chân đạp nhẹ vào thân cây sung. Thế là cây sung bị gãy ngang và ào ào đổ xuống. Hắn lại nhẹ nhàng đưa một tay tóm lấy cái cối đá ném vứt đi, như ta ném một hòn gạch con và cho rơi ùm xuống cái ao lớn gần đấy. Hắn gọi mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo:

-Tao nghe mày muốn đi đánh tao phải không? Bây giờ thì mạng mày nằm trong tay tao rồi! Muốn sống thì hãy giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ ta đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Phải đội trên đầu mà đi chứ không được gánh. Đi luôn một mạch, không được dừng lại hay đặt xuống nghỉ. Đội thịt đến trước! Đội xôi đến sau!

Nói xong hắn ra lệnh cởi trói cho ông. người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì. Lúc ấy năm người con đang đi vắng, họ phải đi học chữ xa làng và lại sắp đến mùa thi. Không ai dám rời cái bút cái nghiên. Nhưng vừa nghe tin giặc kéo đến làng, họ lập tức đeo gươm vào người mà xin thầy cho về. Về đến nhà, nghe bố kể chuyện lại, năm người con nổi giận muốn chạy đi tìm tên tướng giặc hung ác để giết ngay. Người bố liền khuyên:

-Không được! Lúc nào quân lính của hắn cũng vây quanh, khó mà đến gần. Ngọn thương của hắn lại có thể đâm chết người từ rất xa. Các con cứ bình tĩnh, ta đã có cách khử nó! Người cha đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt rồi lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to. Ông lại đi vay ba gánh nếp trắng, đi xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo. Ông đội nia thịt bò tơ đến trước. Chân ông còn đau, năm mươi cân thịt đội trên đầu không phải là nhẹ. Ông đội nia đi, mồ hôi vã ra đầy trán. Tên tướng giặc thấy ông đội thịt đến, mồm cứ nuốt nước bọt ừng ực. Hết nuốt nước bọt ừng ực, hắn lại khoái trá cười to. Còn người đội thịt thì bấm ruột chịu đựng và nghĩ thầm: "Cho mày cứ cười rồi mày sẽ biết..." Tên tướng giặc cười nhận thịt xong quát to lên và giục:

-Còn nong xôi nữa, mày về đội đến đây ngay! Người thày dạy võ lại về đội nong xôi đến. Nong xôi to và nặng hơn nia thịt nhiều. Nhưng xôi nấu ngon và nhìn đẹp quá. Ông đội nong xôi đi đến đâu, ở đó cứ thơm lừng. Mới đi được nửa đường, mồ hôi ông đã vã ra đầy mặt, đầy người. Đôi chân ông mỗi lúc một yếu, cứ run lẩy bẩy. Cái cổ cứ như muốn gãy gập lại. ông vẫn bặm môi, cắn răng và bắt đầu leo lên đồi. Tuy mệt lử nhưng đôi mắt ông sáng quắc và lòng ông rất vui. Ông tự nhủ: "Gắng lên! Chỉ cần một lúc nữa, một lúc nữa..." Tên tướng giặc ngồi trên cao theo dõi, vừa hả dạ, vừa lo lắng. Hắn nghĩ: "Thằng này không bị thuốc độc của ta thì khó mà trị được nó. Mà ngay bây giờ, hắn vẫn là một tay đáng sợ". Cái nong xôi gấc to lớn, thơm lừng vẫn lù lù tiến lên đồi. Mặt người đội xôi tái hẳn lại. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt vẫn sáng quắc. Nong xôi có lúc lảo đảo, ngả nghiêng, nhưng liền đó lại gượng lại, rồi nhích dần lên. Tên tướng giặc vội giật lấy thanh gươm của tên lính hầu rồi đứng phắt dậy, phóng gươm đi. Đường gươm sáng rực lên như một tia chớp, cắm vào bụng người thầy dạy võ làm ông chực gục xuống. Nhưng ông đã gượng đứng thẳng lên và đưa tay rút lưỡi gươm ra, phóng lại vào ngực kẻ thù. Tên giặc tránh được.

Bỗng từ trong nong xôi, năm người con nằm quây tròn được xôi phủ kín, đã vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc ác. Tên tướng giặc không chống đỡ kịp, rú lên một tiếng rung cả ngọn đồi rồi ngã vật xuống. Thấy tướng đã chết, bọn lính giặc hoảng quá, kéo nhau chạy bán sống bán chết. Dẹp giặc xong, năm người con trai trở về ôm lấy xác người bố nuôi khóc vật vã mấy ngày liền. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất rất chu đáo. Dân làng mỗi người một nắm đất đắp cho ngôi mộ ông thày cao lên. Thương bố nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát. Hàng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Họ nhớ tiếc người thầy dạy võ đã có công giết giặc cứu dân. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy dạy võ. Hoa đỏ như muốn nói với mọi người rằng: tuy chết đi, nhưng năm người con vẫn yêu thương người bố nuôi và hàng năm đến mùa giỗ bố, họ lại mặc áo đỏ để tưởng nhớ người đã khuất... Hoa có năm cánh đỏ rực và nhìn cả cây hoa nở rộ, người ta thấy giống như một mâm xôi gấc. Cái mâm xôi ngày nào người bố đã giấu năm người con trong đó và đội đi giết giặc. Đó là cây hoa Phượng ngày nay. Mỗi năm, khi mùa Hè đến, mùa thi đến, hoa Phượng lại nở đỏ đầy cây, đầy trời. Khi mùa Hè qua, trên khắp các cành cây, người ta lại thấy hiện ra những quả Phượng dài như những thanh gươm của năm người con trai ngày trước...

Sưu tầm


HAI SỰ CHỌN LỰA

Hai người kia sống tại một vùng rất khô hạn. Cứ ba năm mới có được một cơn mưa. Không một loại cây nào có thể mọc lên ở đó – ngoại trừ những bụi xương rồng gai góc tua tủa. Còn động vật, dường như chỉ có hai thứ: thạch sùng và bọ chét!

Khát nước quá, hai người rủ nhau làm một cuộc hành trình đến sông Niagara.

Một trong hai người nhảy ùm xuống sông, uống thỏa thuê, rồi múc đầy một chai nước, bước lên bờ, anh ta tự nhủ: “Khoảng chừng sáu tháng một lần, mình sẽ tới đây lấy một hay hai chai.”

Còn người kia thì dựng một căn nhà bên bờ sông và định cư luôn tại đó.

Lê Công Đức, Lm


Bất lực với con? 

Con bé hiếm khi biết biểu hiện tình cảm yêu thương với ba mẹ. Con tôi càng lớn càng lạ lẫm.

Con gái đầu lòng của tôi vừa lên năm - độ tuổi đáng lẽ mọi thứ chỉ mới bắt đầu định hình, nên khi tôi than đôi lúc cảm thấy "bất lực" vì không thể dạy con, nhiều người chắc sẽ rất ngạc nhiên. Nhưng hình như tôi đã sai lầm gì đó.

Tôi vốn không phải mẫu phụ nữ quá yêu con trẻ. Nhưng từ khi làm mẹ, tôi bỗng thấy mình đa cảm, biết trân trọng cuộc sống xung quanh, ra đường nhìn thấy trẻ con lòng dường như mềm lại. Chợt hình dung ra con mình, khuôn mặt, mùi thơm, giọng nói... mọi thứ liên quan đến con, đều đáng yêu và thân thương chi lạ.

Tôi yêu con lắm. Tôi muốn con được chăm bẵm kỹ lưỡng chu đáo, bằng chị bằng em, chí ít cũng không quá cách xa so với con cái đồng nghiệp... Ba con bé còn yêu chiều con nhiều hơn nữa. Hình như con gái thường quyến luyến ba nhiều hơn, nên con bé sớm biết tận dụng ưu thế của mình. Sách truyện cổ tích, vở tập tô màu, từ điển bằng tranh... được sắm thật nhiều, nhưng quyển nào cũng nhăn nheo xộc xệch (vì vợ chồng tôi muốn con được tự do sử dụng, được thoải mái sắp xếp "tài sản" của mình). Rồi bao nhiêu là đồ chơi, nhưng toàn sứt càng gãy gọng. Lúc có trẻ con đến nhà chơi, muốn tìm một món gì đó nguyên vẹn để mang ra thì quả là khó. Tôi không thể nhớ bé từng có bao nhiêu chì màu; trên tường, trong sách báo của cả nhà, thậm chí trên cả quần áo, vật dụng của mọi người đều có nét vẽ của con. Đĩa nhạc thiếu nhi, đĩa truyện cổ tích của bé có thể gom lại đủ mở một tiệm đĩa mini. Hầu như, chẳng có thứ gì ngoài thị trường đang bày bán mà vắng bóng ở nhà tôi.

Vợ chồng tôi nào phải "đại gia", chúng tôi chỉ là nhân viên bình thường, phải toan tính lắm mới đủ chi dùng hằng tháng. Nhưng chồng tôi không có thói quen từ chối con điều gì. Con tôi coi như mình đương nhiên được hưởng thụ mọi điều kiện vật chất. Chúng tôi cũng không có nhiều thời gian dành cho con, bởi bận rộn kiếm sống. Chỉ ước mong sao chiều về đón con, cùng ăn bữa cơm tối, hỏi han nhau, như vậy là bao nhiêu khó nhọc cũng được đền bù. Thế nhưng...

Con bé hiếm khi biết biểu hiện tình cảm yêu thương với ba mẹ. Con tôi càng lớn càng lạ lẫm. Đôi lúc tôi cùng chơi với con, đặt câu hỏi gợi mở để con bày tỏ, nhưng cháu vẫn không mấy tha thiết. Càng hiếm hoi những lời nói, cử chỉ âu yếm, an ủi khi thấy mẹ buồn, mẹ đau. Thậm chí khi mẹ khóc con bé cũng chỉ hơi ngạc nhiên.

Mọi chuyện nghiêm trọng hơn khi tôi sinh bé thứ hai. Con gái tôi càng ngang bướng, khó bảo. Thời gian dành cho con bé càng ít đi, thi thoảng tôi còn mỏi mệt nổi cáu la mắng con. Tôi hiểu, bé ít nhiều có cảm giác mất mát, bị chia sẻ tình cảm của mẹ với em, dù tôi đã chuẩn bị tâm lý cho con khá kỹ. Bé không chơi với em, sẵn sàng nói thêm mỗi khi tôi la em: "Đánh em luôn đi mẹ, la làm chi mất công". Tôi sững sờ trước câu "xúi" đầy ác ý đó, lòng không khỏi lo sợ... Mới đây, tôi đưa bé cùng đi dự tiệc. Bé đổ lì giữa chốn đông người, hờn dỗi lăn ra đất, bất kể tôi vừa năn nỉ vừa hăm dọa. Tôi đành phải đưa con ra về, lòng trĩu nặng nỗi hoang mang.

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính? Tôi có đọc được ở đâu đó rằng, lòng hiếu thảo cũng phải dạy dỗ mới có. Nhưng tham khảo sách báo cũng nhiều, mà tôi vẫn loay hoay không biết phải bắt đầu như thế nào. Trao đổi với ba bé về phương pháp giáo dục con cho hợp lý hơn, nhưng đôi lúc anh vẫn nuông chiều con thái quá. Con bé ngày càng có thái độ né tránh tôi. Có người mẹ nào mà không cảm thấy buồn lòng. Lẽ nào con vẫn ăn, vẫn chơi bình thường, mọi thứ vẫn hình như ổn mà mẹ lại phải đi tư vấn tâm lý? Nhưng cứ thế này, tôi thật sự bối rối. Và tôi, đôi khi cảm thấy mình như một bà mẹ bất lực trước con vậy. Có phải tôi bi quan sớm quá hay không?

Hải Yến


BA QUẢ TIM DÂNG CHO CHÚA HÀI ĐỒNG.

Thánh Benoit Joseph Labre là một đấng thánh đã đi ăn xin và qua đời tại Roma năm 1783.

Ngày kia khi đi thăm một người đau nặng, Ngài dạy cho ông ta phải biết dâng của lễ gì cho đẹp lòng Chúa. Ngài nói:

- “Phải dâng lên cho Chúa ba quả tim: quả thứ nhất băng lửa, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với Chúa. Quả thứ hai băng thịt, nghĩa là đầy tình yêu đối với tha nhân và năng hướng về sự cầu nguyện. Quả thứ ba băng đồng, nghĩa là quả tim mạnh mẽ để chống các đam mê của ta, nhất là chống lại tình dục của ta và lo hãm mình để phạt thân xác."

Sưu tầm


BA QUÍ TỬ

- Cách phán đoán

Ba bà mẹ ra giếng múc nước. Không xa đó, có một ông già đang ngồi trên ghế và lắng nghe ba bà mẹ khoe con mình. Bà thứ nhất nói:

- Con tôi rất giỏi, không việc gì mà nó không luyện tập được.

- Con tôi hát hay như chim sơn ca, không ai có được giọng hát như thế. - bà thứ hai khoe.

Bà thứ ba vốn im lặng. Hai bà kia lấy làm lạ hỏi:

- Còn bà, sao bà không nói gì về con bà hết?

- Con tôi chẳng có gì để khoe cả - bà thứ ba bèn trả lời, nó bình thường như những đứa trẻ khác, nó không có gì đặc biệt về tài năng cũng như thiên phú.

Thế rồi, họ múc nước và ra về. Ông già cũng đứng dậy, lững thững đi sau lưng họ. Thùng nước rất nặng mà tay các bà lại yếu, các bà cảm thấy đau lưng nên dừng lại nghỉ để lấy sức. Chợt ba thằng bé đến. Thằng thứ nhất chống tay xuống và nhào lộn nhiều vòng như làm xiếc. Mấy bà reo lên:

- Hay quá, thằng bé thật là tài giỏi.

Thằng bé thứ hai thì cất tiếng hát như sơn ca. Mấy bà yên lặng nghe và cảm động chảy nước mắt. Còn thằng thứ ba chạy đến bên mẹ. Nó xách thùng nước lên và đi về nhà. Bấy giờ, ba người đàn bà quay lại hỏi ông già:

- Ông thấy những đứa con của chúng tôi thế nào?

- Những đứa con nào? - ông già ngạc nhiên hỏi lại và nói tiếp -, Ở đây, tôi chỉ thấy có một đứa thôi!"

Sưu tầm


BẤT NHẪN

Đời Đường bên Tàu, có gia tộc của quan Trương Công Nghệ, chín đời ông bà con cháu chút chít ở chung với nhau dưới một mái nhà, được danh truyền là “Cửu đại đồng đường”. Danh tiếng này vang đến cả vua Cao Tông, vua đã khen ngợi gia tộc này như một truyện lạ, một mẫu gương hiếm có. Nên chính vua, một hôm đã đích thân tới thăm, để tận mắt thấy được cảnh gia tộc xum họp ấy. Vua đã hỏi quan Trương Công Nghệ làm thế nào mà gia tộc chín đời có thể sống chung được như vậy. Quan Trương Công Nghệ đã bảo con cháu đem giấy bút ra, và ông đã viết 100 chữ NHẪN, tựa để là “BẤT NHẪN” để dâng lên vua Cao Tông. Từ đó truyền lại cho hậu thế gương gia tộc Trương Công Nghệ với danh xưng “BẤT NHẪN”."

Sưu tầm


MẸ CỦA THẦY MẠNH TỬ

Thầy Mạnh Tử thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào chôn lăn khóc. Bà Mẹ thấy thế nói “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi dọn nhà ra gần chợ. Thầy Mạnh Tử ở gần chợ thấy người buôn bán điên đảo, Bà mẹ thấy thế lại nói:

“Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đấy”.

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế? “ Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy!. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao? Rồi bà đi mua thịt lợn về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Từ hôm đó Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, rồi về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ có cái công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao?

Liệt Nữ Truyện


BÀI HỌC LÀM CHỦ BẢN THÂN

Có 1 bé trai rất tham ăn.  Em đặc biệt thích ăn khoai tây do tự tay em nấu trên chảo.  Một ngày, mẹ em đi vắng.  Lợi dụng ngay cơ hội, em chạy vào bếp làm món ăn em ưa thích.  Khi món khoai rán đã chín vàng, em chuẩn bị món ăn khoái khẩu, thì lại phải rời khỏi bếp để tìm 1 cái gì đó, chẳng may lúc đó, ba em bất chợt đi ngang qua bếp, thấy củ khoai vàng và lấy ném nó vào bếp lửa đã cháy thành than đen thui đen thủi, em hỏi ba em cách buồn bực:

- Thưa ba, tại sao củ khoai của con lại rơi vào trong bếp lửa thế?

- Con ạ - ba em trả lời - khi người ta không làm chủ các bản năng của mình và khi người ta không biết vâng lời, thì tất cả những gì người ta làm đều giống như củ khoai này: chỉ còn lại tro bụi và hư vô!

Em bé này không bao giờ quên bài học đó.  Sau này, em trở thành linh mục và còn hơn thế, trở thành 1 vị sáng lập dòng !

Với ơn Chúa, các em hãy cố gắng học chiến thắng bản thân và tập hy sinh, vì “tuổi trẻ không phải được dựng nên để tìm lạc thú nhưng là để tập làm anh hùng.”"

Sưu tầm


Đôi bàn tay trắng

Có một nhà phú hộ nọ trong giờ hấp hối đã dặn dò thân nhân khi liệm xác ông hãy đục lỗ hai bên quan tài và xỏ đôi tay cho thiên hạ ngắm nhìn. Các thân nhân của ông rất đỗi ngạc nhiên không hiểu ông có ý nói gì. Ông trả lời: “Tôi muốn cho mọi người biết khi tôi sinh vào thế gian, tôi chẳng có sự gì, nay tôi trở về lòng đất tôi cũng chỉ mang theo đôi bàn tay trắng.

Đúng thế, ngày chúng ta từ biệt cõi thế, điều chúng ta có thể mang theo bên mình là tình Chúa và tình người. Thứ tình thương buộc chúng ta phải lo vun trồng trong suốt thời gian tại thế. Bàn tay biết mở ra chia sẻ lúc sinh thời thì phúc hơn bàn tay xoè ra cho thiên hạ ngắm nhìn vào giờ vĩnh biệt."

Sưu tầm


BÁN LINH HỒN CHO QUỶ

Chàng playbay Mauricio Savaro hứa bán linh hồn cho Satan để đổi lấy 6 tháng giầu sang, ăn chơi thả cửa. Chàng đã toại nguyện. nhưng sau đó, Satan cũng không quên nhận lời hứa.

Câu chuyện có thật vừa xẩy ra tại miền bắc  nước ý. Mauricio, 25 tuổi hào hoa đẹp mã. Tiêu tiền như nước tại các vùng nghỉ mát ý, Monte Carlo và bờ biển Riviera ở Pháp, để rồi đúng vào nửa đêm của ngày cuối cùng của tháng thứ 6, chàng bị chết thiêu trong chiếc xe hôi bị nổ tung vì loạt đạn của cảnh sát tại Treviso, ý đại lợi.

Bố của anh là ông Antonio nói với phóng viên của tờ Gazetta Del Mezzogiorno:

Thằng con tôi trước rất ngoan, bỗng nhiên dạo sau này sống hưởng thụ vội vàng. Tôi không biết tại sao, cho đến khi tôi vào phòng và tìm thấy được một bức thư viết bằng máu của nó. Thư viết thế này: thưa quỷ Lucifer, tôi dâng linh hồn tôi cho ngài để đổi lấy sáu tháng được giầu sang, tự do và truỵ lạc. Khi mãn hạn  ngài có thể mang tôi về địa ngục. Ký tên:Mauricio"

Sưu tầm


BẢO TÀNG VIỆN TỘI ÁC

Vào đầu tháng 5 năm 1993 tổng thống Hoa kỳ đã chủ tọa lễ khánh thành một bảo tàng viện tại Washington D.C chứa về tội ác của Đức quốc xã đối với người Do Thái trong thời Đệ nhị thế chiến.

Phải mất ít nhất ba tiếng đồng hồ du khách mới có thể tham quan hết mọi nơi trong bảo tàng viện này. Thinh lặng là qui luật tối thượng ở đây. Người ta đến nơi này là để suy gẫm và sống lại cái kinh nghiệm khủng khiếp của 6 triệu người Do Thái và 5 triệu người thuộc các quốc tịch và tôn giáo khác nhau trong các trại tập trung và lò sát sinh của Đức quốc xã.

Ngoài những hình ảnh và di tích về cuộc sát tế dã man được thu nhặt từ các trại tập trung và lò sát sinh, bảo viện này còn dành riêng một khu để tố cáo sự đồng lõa và thiếu trách nhiệm của nhiều quốc gia khác trong đệ nhị thế chiến.

Chẳng hạn du khách sẽ đến thăm khu diễn lại cuộc hội nghị được triệu tập năm 1938 do tổng thống Hoa Kỳ thời ấy chủ tọa. Trong hội nghị này đại diện của 12 nước đã quay lưng làm ngơ trước những người Do Thái đang cố gắng trốn thoát khỏi sự bố ráp và giết  hại của Đức quốc xã. Nguyên một chiếc tầu chở đầy người Do Thái đã đến Hoa kỳ, nhưng đã bị từ chối không cho cập bến, đành phải quay trở lại với những lò sát sinh.

Thế nhưng, bên cạnh sự đồng lõa tàn ác ấy cũng không thiếu những tấm gương hy sinh vì người đồng loại. Như một thứ ánh sáng lóe lên giữa tối tăm của hận thù chết chóc, du khách sẽ thấy một chiếc ghe nhỏ được làm nổi bật. Đây là chiếc ghe mà những người Đan Mạch đã dùng để đưa những người Do Thái trốn sang Thụy Điển.

Trong bài diễn văn khánh thành bảo tàng viện. Tổng thống Bill Clinton đã nói:

“Ngôi nhà này nối tiếp một trong những bài học đen tối nhất của lịch sử với tâm hồn đầy hy vọng của Hoa kỳ. Như một ngọn lửa không bao giờ tắt bảo tàng viện này sẽ chiếu rọi ánh sáng trên bóng tối đang tiêu tan.”

Sưu tầm