Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

CHIẾC CẦU PHÚC ĐỨC

Ngày xưa có anh chàng chuyên sống về nghề ăn trộm. Trong nhà còn có mẹ già phải nuôi. Tuy có lúc được nhiều, có lúc được ít, nhưng trong nhà không bao giờ có của để dành. Hai mẹ con chàng thường phải chịu bữa ăn, bữa nhịn.

Một hôm, nhân ngày giỗ cha, mẹ chàng ôn lại cho chàng nghe cuộc đời của ông và cha chàng xưa kia.

Xưa kia ông nội của chàng cũng làm nghề ăn trộm, có đêm kiếm được những món đáng bạc chục, bạc trăm, vậy mà khi nhắm mắt xuôi tay cũng không để lại cho cha chàng được chút gì.

Rồi đến đời cha chàng. Lớn lên, không biết chọn nghề gì khác tốt hơn, cha chàng lại nối nghề ông cụ, đến đêm lại đi rình mò hết làng trên đến xóm dưới, mà cũng không bao giờ kiếm được nổi hai bữa cho hai vợ chồng và đứa con. Rồi cha chàng chết đi cũng không có gì để lại. Nay đến đời chàng, lao theo cái nghề này đã gần hai chục năm rồi mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đã vậy, chàng cũng không tìm được nổi một người vợ, mặc dầu đã gần bốn chục tuổi đầu.
Ôn lại đời cha ông xưa và nhìn cuộc đời mình chàng không khỏi thấy ngán ngẩm.

Một đêm, chàng đến rình nhà ông thầy đồ ở xóm bên, định ăn trộm cái thủ lợn mà một nhóm học trò mang đến biếu. Rình mãi tới khuya, ông thầy vẫn chưa đi ngủ, ông đọc hết trang sách này tới trang sách khác. Chợt ông thầy đọc tới câu: "Tích thiện chi gia tất hữu dư hương; tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương". Chàng bụng bảo dạ: "Phải chăng ông cha ta làm nghề thất đức nên để khổ nhục lại cho tả” Rồi tự đáp: "Phải, quả thật đúng như vậy". Đoạn chàng chạy một mạch về nhà, quyết từ nay bỏ nghề ăn trộm.

Sáng hôm sau, chàng vác búa vào rừng hái củi mang ra chợ bán. Công việc thật là vất vả, hái được một gánh củi chàng phải đổi một bát mồ hôi mới kiếm được một món tiền mua gạo, nhưng chàng thấy yên tâm hơn mọi ngày. Tuy vậy, đi đến đâu, chàng cũng nghe tiếng người xì xào: "Cẩn thận đấy! Cái thằng ba đời ăn trộm đã đến kia!". Cái tiếng "ba đời ăn trộm" làm cho chàng buồn bã. Chàng nghĩ: "Từ nay ta phải làm những việc gì phúc đức họa may mới xóa được mấy tiếng đó".

Một ngày mùa hạ, trời mưa to nước lũ tràn về. Chàng đem củi đi chợ bán, vì nước lũ tràn về nhanh quá, không thể lội qua sông như mọi hôm được. Hàng trăm người ùn lại vì chưa có đò, mặt trời đã khuất sau rặng núi, mà mọi người vẫn loay hoay ở bờ sông. Chàng bèn nghĩ tới việc bắc một cái cầu. Đêm ấy, ngủ lại bến sông cùng với nhiều người khác, chàng đem chuyện bắc cầu ra hỏi bà con, nhiều người nói:

- Đó là một điều phúc đức được muôn ngàn người nhớ ơn. Trước đây cũng đã có người làm nhưng rồi lại bỏ dở...
Sáng hôm sau, nước rút, chàng lội sông về nhà, tới nhà, chàng đem ý định bắc cầu ra hỏi ý kiến mẹ. Mẹ chàng rất vui và giục chàng dốc sức bắc cầu!

Từ đó, cứ sáng chàng lên rừng chặt cây; chiều ra sức chuyển gỗ; trưa cố hái thêm một gánh củi để về cho mẹ đi chợ.

Chàng làm việc quên ngày tháng. Buổi chặt cây, buổi chuyển gỗ, buổi bắc cầu, không bao lâu đã bắc được hơn chục sải cầu. Công việc còn nhiều nặng nhọc vì con sông rộng gần hai trăm sải. Vì ăn đói mà làm nhiều nên chàng bị kiệt sức. Một hôm đói quá chàng nằm lăn ra mê man ở đoạn cầu đang làm dở. Những người đi qua xúm lại cứu chữa, nhưng chàng vẫn chưa hồi tỉnh.

Giữa lúc ấy có một viên quan võ đi đến, thấy một đám đông đang xúm quanh một người nằm sõng soài, viên quan xuống ngựa đến gần hỏi chuyện. Mọi người cho biết đây là anh chàng bắc cầu làm phúc đang làm thì vì mệt quá mà lăn ra ngất đi... Viên quan liền mở túi lấy thuốc cho chàng uống. Được một lúc, chàng bắc cầu tỉnh lại, mọi người tản dần ra về, viên quan ngồi lại bên chàng ân cần hỏi chuyện. Chàng thật thà kể hết cho ông nghe cuộc đời của mình và nói rõ ý định cùng công việc đang làm. Viên quan võ nghe nói ra chiều cảm động, ông ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Xưa kia cha ông chàng làm nghề thất đức để cho chàng ngày nay phải đói nghèo. Nay, chàng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa kia, quả là hay vô cùng! Về phần tôi, tôi xin nói thật: cha tôi, ông tôi, ông cụ ông kỵ tôi, đời đời làm quan ức hiếp dân lành, bóp hầu bóp cổ để nã tiền, nã của. Đấy cũng là điều thất đức, vì vậy đến tôi ngày nay trời quả báo: lấy vợ đã hơn hai mươi năm rồi mà không có một đứa con để vui cửa vui nhà, cho nên, tuổi đã ngoài bốn mươi, chúng tôi vẫn phải sống hiu quạnh. Nay tôi cũng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa, chẳng hay chàng có cho tôi góp sức cùng nhau bắc cầu được không?
Chàng bắc cầu vui mừng nói:

- Nếu quan lớn có chí hướng như vậy thì cái cầu này sẽ chóng xong, dân chúng sẽ mau được qua lại, còn gì tốt hơn!

Hai người bèn kể cho nhau biết tên tuổi, quê quán rồi kết làm anh em, viên quan võ hơn chàng bắc cầu bốn tuổi, được nhận là anh. Chàng bắc cầu nói:

- Em còn có mẹ già ở nhà, vì nhà nghèo, phải bán củi lấy tiền mua gạo cho nên ngày nào em cũng phải đem củi về nhà để sáng hôm sau mẹ đem củi ra chợ bán lấy tiền.
Viên quan võ thân mật bảo chàng:

- Anh có nhiều tiền của, anh sẽ bỏ ra nuôi mẹ để em khỏi phải bận tâm, như vậy chúng ta sẽ chuyên chú vào việc bắc cầu, em nghĩ thế nào?

Chàng bắc cầu nói:

- Nếu vậy thì còn gì hay hơn!

Từ đấy, hàng ngày hai anh em cùng nhau lên núi đốn cây, chuyển gỗ. Chẳng bao lâu, hai người đã dựng xong chiếc cầu gỗ hơn hai trăm sải. Dân chúng ai cũng vui mừng, họ đặt tên là cầu Phúc Đức. Các cụ hai làng hoan hỉ cùng nhau bàn định góp tiền làm một bữa tiệc ăn mừng cầu.

Ngày ăn mừng chiếc cầu, các vị bô lão và tất cả dân chúng quanh vùng nô nức đến dự, ai cũng cầu xin Ngọc Hoàng ban phúc cho hai người bắc cầu, họ ăn uống linh đình suốt cả buổi sáng. Bỗng một cơn gió bất chợt kéo đến, gió thổi mạnh, làm cúi rạp ngọn cỏ nghiêng ngả cành cây. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, rồi bất thình lình cuốn anh chàng bắc cầu đi mất. Viên quan võ thất thanh kêu gọi, tất cả mọi người đều ngậm ngùi.

Thấy người em kết nghĩa của mình hết lòng hết sức hàng ba năm trời ra làm cầu mà lại không được hưởng phúc, viên quan xót xa lắm. Sau khi mọi người đã ra về, ông đón vợ sang ở chung với bà cụ để sớm hôm trông nom, phụng dưỡng bà thay người em kết nghĩa.

Lại nói đến chàng bắc cầu bị gió lốc cuốn tới một cái hang trên một ngọn núi cao. Chàng lảo đảo đứng chưa kịp vững. Cơn gió bỗng vụt hóa thành người tươi cười nói với chàng:

- Nhà ngươi chớ sợ, ta là thần Gió được Ngọc Hoàng sai đi đón nhà ngươi về đây để thưởng cho ngươi cái công thành tâm làm chuyện phúc đức. Bạc vàng đấy, nhà ngươi muốn lấy bao nhiêu thì lấy.

Chàng bắc cầu nhìn vào hang thấy đống vàng sáng chói. Chàng cởi áo gói lấy một số vàng, rồi buộc lại cẩn thận, chàng vác gói vàng lên vai, tiến ra cửa hang, thần Gió lại hóa thành cơn gió lốc cuốn chàng đi, trả về bản và đặt chàng nhẹ nhàng xuống giữa sân nhà.

Chàng bắc cầu sung sướng để gói vàng xuống rồi lên tiếng gọi cửa. Nghe tiếng gọi, mẹ chàng và hai vợ chồng viên quan võ tưởng là hồn chàng bắc cầu hiện về, liền dắt nhau lại ngồi quanh chiếc bàn thờ thắp hương khấn vái lầm rầm. Nhìn qua kẽ liếp thấy ba người vừa cúi lạy, vừa khấn, chàng bắc cầu bật cười lại một lần nữa chàng lên tiếng gọi:

- Mẹ ơi! Anh ơi! Em đây mà! Em hãy còn sống trở về nhà đây! Mau mau mở cửa!

Nghe rõ tiếng gọi của con, bà mẹ mừng quýnh, lật đật xuống giường. Vợ chồng viên quan võ cũng chạy ra mở cửa, đón người em kết nghĩa.

Chàng bắc cầu ngồi xuống kể lại ngọn ngành câu chuyện được thần Gió đưa đi lấy vàng cho cả nhà nghe, mọi người reo mừng sung sướng.

Từ đấy mẹ con chàng bắc cầu bắt đầu trở nên giàu có, chàng mời hai vợ chồng người anh kết nghĩa ở lại và cùng nhau làm ăn.

Ít lâu sau, vợ viên quan võ có mang, đến tháng đến ngày chị sinh hạ được một con trai. Hai vợ chồng mừng vô kể. Còn chàng bắc cầu ít lâu sau cũng lấy vợ có con và sống sung sướng đến già.

Sưu tầm


Câu chuyện thỏ và rùa

Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua.

Thỏ xuất phát nhanh như bắn và chạy thụt mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn rùa, thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, dành chiến thắng. Thỏ giựt mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.

Bài học của câu chuyện trên là: chậm và ổn định đã chiến thắng cuộc đua.

Nhưng cuộc sống không quá đơn giản như thế, câu chuyện được tiếp tục phát triển thêm:

Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó cố suy nghĩ. Nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì rùa không thể nào có cửa hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý.

Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.

Thế, bài học của câu chuyện này?: nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định.

Nếu có 2 người trong công ty của bạn: một người chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy; một người khác nhanh và vẫn đáng tin cậy ở những việc anh ta làm. Người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng chức nhanh hơn.

Chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn. Nhưng câu chuyện cũng không dừng lại ớ đây. Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua.

Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến lại còn đến 2 Km nữa ở bên kia sông!

Thỏ dành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.

Ý nghĩa từ câu chuyện này?. Trước tiên, cần phải xác định ưu thế của mình, và sau đó là biết chọn sân chơi phù hợp.

Sưu tầm


Câu chuyện người chăn cừu

Những nhân tố lãnh đạo tuyệt vời dường như bất biến về mặt thời gian và không ngừng được mở rộng về mặt không gian. Từ thời thượng cổ, cả thế giới luôn khát khao tìm kiếm những nhà lãnh đạo lớn. Trong quãng thời gian chiến tranh và hỗn loạn, các nhà lãnh đạo lớn thường xuất hiện để vạch ra con đường dẫn đến hoà bình. Trong quãng thời gian của sự hoà bình và thịnh vượng, các nhà lãnh đạo lớn vẫn cần để duy trì hệ thống trật tự hay tìm ra các hướng đi phát triển mới.

Các nhà lãnh đạo lớn luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ mọi người. Nhưng làm thế nào chúng ta phân biệt được những nhà lãnh đạo thực thụ từ vô khối những con người khác nhau?

Nguyên lý bắt nguồn từ thời cổ xưa và vẫn đứng vững qua những trải nghiệm thời gian. Các nhà lãnh đạo lớn luôn tiến thẳng về phía trước, xây dựng các hướng đi, đảm bảo trật tự và chỉnh sửa các khiếm khuyết hay quy định khi cần thiết. Không dừng lại ở đó, họ là những người giàu tình cảm với các nhân viên. Các nhà lãnh đạo lớn khao khát sống cuộc sống của họ để phục vụ những nhu cầu của mọi người.

Điểm đáng thú vị là khi quan tâm tới những nhà lãnh đạo đáng kính trên thế giới và trong lịch sử loài người, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy một hình ảnh tương đồng giữa những người chăn cừu và nhà lãnh đạo tài ba.

Không quá khó khăn để miêu tả các tính cảnh của một nhà lãnh đạo theo hình ảnh người chăn cừu. Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi được từ sự so sánh này.

Bằng việc khảo sát những tính cách, đặc điểm và tầm nhìn theo phương thức người chăn cừu, chúng ta có thể chuyển tiếp tới một cấp độ năng lực lãnh đạo mới:

1. Người chăn cừu nhận ra đàn cừu không thể làm bất cứ điều gì anh ta muốn

Anh ta hiểu rằng đàn cừu không phải một công cụ, một phương tiện để anh ta tự ý xử lý mà là nguồn trách nhiệm mà anh ta cần quan tâm, chăm sóc. Anh ta được trao quyền, được tin tưởng bởi một người khác, và rõ ràng phải trả lời trước một người có thẩm quyền lớn hơn.

Là một nhà lãnh đạo hiệu quả, anh ta hiểu rõ không chỉ những gì cấu thành nên một nhà lãnh đạo mà cả những gì phải phục tùng và quan tâm tới nữa. Việc hiểu và chấp nhận chu trình này sẽ trau dồi và củng cố các tính cách của một nhà lãnh đạo tài năng.

2. Đàn cừu nghe thấy, nhận ra và đi theo giọng nói của người chăn cừu

Hết sức tự nhiên, mọi người có xu hướng đi theo những gì quen thuộc. Lòng tin sẽ phát triển mạnh theo những kinh nghiệm có được từ các mối quan hệ tốt đẹp. Chúng ta thường nghe thấy rằng sự thân mật rất dễ dẫn tới sự bất tuân lệnh, nhưng nó cũng dẫn tới lòng tin tưởng và với thời gian cùng sự kiên trì, nó sẽ đem đến các mong đợi.

3. Người chăn cừu biết rất rõ đàn cừu và anh ta có thể nhớ tên từng con cừu một

Người chăn cừu sử dụng một hệ thống âm thanh, gõ lách cách và huýt gió để gọi đàn cừu. Những âm thanh này là khác biệt cho từng con cừu trong đàn và mỗi con cừu nhận ra và phản hồi theo từng âm thanh riêng biệt với nó.

Trong lãnh đạo, những sự quan tâm chân thành và gần gũi luôn được mọi người nhận rõ. Đương nhiên nhà lãnh đạo sẽ đạt được các kết quả tuyệt vời. Mối quan hệ với các nhân viên chính là chìa khoá – không một người chăn cừu nào có thể làm việc tốt mà không ở bên cạnh những con cừu.

4. Người chăn cừu luôn dẫn dắt đàn cừu tới những nơi an toàn nhất và có nhiều lợi ích nhất, đồng thời tránh xa mọi nguy hiểm

Về chiến lược, người chăn cừu ra ngoài chuồng trước đàn cừu nhằm xác định và tránh xa các tai hoạ và rồi đưa đàn cừu tới chỗ an toàn. Trong bất cứ trường hợp nào, anh ta cũng giữ vai trò dẫn dắt. Anh ta không bao giờ mong đợi đàn cừu sẽ gặp phải những hoàn cảnh mà anh ta không sẵn sàng đương đầu.

Người lãnh đạo kinh doanh cũng vậy. Anh ta luôn dẫn dắt nhân viên tới những nơi an toàn và nhiều ích lợi nhất. Nhà lãnh đạo phải có khả năng nhận diện các rủi ro và biết cách phòng tránh chúng.

5. Người chăn cừu luôn sẵn lòng đặt những nhu cầu cấp bách và sức khoẻ của đàn cừu lên trước nhu cầu của bản thân mình

Sức khoẻ tốt của đàn cừu là vô cùng quan trọng với người chăn cừu. Mục đích khác thường này đã khích lệ các quyết định của anh ta luôn hướng tới lợi ích của đàn cừu trước tiên. Cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người chăn cừu luôn được chuẩn bị để “hy sinh tính mạng bản thân” cho đàn cừu.

6. Có sự khác biệt giữa những đôi tay làm thuê và người chăn cừu

Những đôi tay làm thuê được khích lệ bởi các đồng tiền công. Còn người chăn cừu có mối quan tâm sâu xa và chân thành tới đàn cừu của anh ta. Anh ta là người chịu trách nhiệm cho những gì không phải của anh ta – theo đúng sự lựa chọn của anh ta. Và mối quan hệ của anh được đặc trưng vởi sự hiện diện lâu bền và xuyên suốt cho dù có hay không có tiền công.

Vào mọi thời điểm, người chăn cừu luôn sẵn lòng hy sinh cuộc sống của anh ta cho đàn cừu. Anh ta là một nhà lãnh đạo thực thụ đối với những người tưởng ở anh ta.

Người chăn cừu thực thụ hiểu rõ sự khác biệt quan trọng giữa sức mạnh (yếu tố đè nặng lên vai nhà lãnh đạo) với thẩm quyền (yếu tố thể hiện trách nhiệm và năng lực giải trình với cấp có quyền lực cao hơn).

Chắc chắn rằng, bức tranh người chăn cừu và hình ảnh nhà lãnh đạo tuy rất đơn giản, nhưng nó để lại nhiều bài học sâu sắc cho nghệ thuật quản lý ngày nay.

Sưu tầm


Những bài học từ loài ngỗng trời

1. Khi một con ngỗng vỗ cánh, nó sẽ tạo ra một “lực nâng” cho các con chim theo sau nó. Bay theo hình chữ V, cả đàn ngỗng sẽ bay xa hơn 71% so với khi bay từng con một.

Bài học: Khi biết chia sẻ chung chí hướng và ý thức cộng đồng, người ta có thể đến nơi họ muốn một cách nhanh hơn và dễ dàng hơn.

2. Khi một con ngỗng bị rơi ra khỏi đội hình, nó sẽ cảm thấy bị lôi kéo trở lại, ngăn không cho bay một mình. Vì thế, nó sẽ nhanh chóng quay trở lại đội hình để tận dụng lực nâng của con ngỗng phía trước nó.

Bài học: Nếu chúng ta có được sự thông minh nhiều như của một con ngỗng, chúng ta sẽ tự biết hoạt động theo đội hình với những người cùng định hướng. Chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ của họ và đồng thời giúp đỡ những người khác.

3. Khi con ngỗng đầu đàn bị mệt, nó quay ngược trở vào đội hình và một con ngỗng khác sẽ tiến lên vị trí tiên phong.

Bài học: Cần phải thay nhau thực hiện những nhiệm vụ khó khăn và chia sẻ vai trò lãnh đạo. Cũng như loài ngỗng, con người phụ thuộc vào các kỹ năng, khả năng của nhau và phụ thuộc và một sự sắp xếp năng khiếu, tài năng hay tài nguyên theo cách duy nhất.

4. Loài ngỗng bay theo đội hình thường kêu to để khích lệ những con phía trước duy trì tốc độ.

Bài học: Chúng ta cần phải chắc chắn rằng tiếng kêu của chúng ta mang tính khích lệ. Trong nhóm, nếu có sự động viên khuyến khích, năng suất làm việc sẽ được tăng lên rất nhiều.

5. Khi một con ngỗng bị ốm, bị thương, hoặc bị bắn rơi, hai con ngỗng khác sẽ tách ra khỏi đội hình để theo con ngỗng đó và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở với nó cho đến khi nó chết hoặc có thể tiếp tục bay. Sau đó, chúng sẽ nhập vào một nhóm khác hoặc bắt kịp với bạn.

Bài học: Hãy luôn sát cánh bên nhau dù trong những giờ phút khó khăn hay khi yên bình suôn sẻ.

Sưu tầm


Tại sao kiến càng lại có đôi chân dài !

Gia đình nhà kiến càng chỉ có ba người, bố mẹ kiến và Kiến càng. Ngày ngày Kiến rất ngoan và nghe theo lời bố mẹ dặn. Ban ngày bố mẹ Kiến đi kiếm mồi, Kiến ở nhà một mình và biết trông nhà đấy.

Nhà Kiến được bố mẹ xây trong một khe nhỏ trong ngôi nhà của cu Hải, lúc nào cu Hải chơi đồ chơi hay học bài Kiến càng đều ra xem. Một hôm thời tiết thật là nóng bức, cu Hải liền mở tủ lạnh để lấy đá pha nước uống, chú kiến càng liền bò theo sau để xem cu Hải đang làm những gì.

Đến tối, bố mẹ Kiến đi kiếm mồi trở về tha theo 1 con sâu thật to, thế là tối nay cả nhà Kiến có một bữa ăn thật thịnh soạn. Khi ăn bữa tối xong, Kiến liền bò tới tủ lạnh nhà cu Hải định lấy chân để cậy cánh cửa tủ ra. Bố mẹ Kiến nhìn thấy liền nói : Con không được tự do nghịch các đồ vật trong nhà cu Hải nhớ chưa, con mà không nghe lời sẽ gặp chuyện không hay đó.

Ngày hôm sau khi bố mẹ Kiến đi kiếm mồi như mọi ngày, Kiến thì vẫn đang say sưa trong giấc mơ kỳ diệu. Trong mơ Kiến càng thấy cu Hải mở tủ lạnh lấy bánh ăn sáng, Kiến nhìn mà thèm quá, chưa bao giờ mình được ăn chiếc bánh ngon như thế. Đợi chu Hải ăn xong và đi học bài, không thể cưỡng lại được cơn thèm và tò mò nên Kiến đã bò tới chiếc tủ lạnh. Chiếc cánh tủ thật là to và nặng so với người của Kiến, cuối cùng thì Kiến cũng tìm được một khe hở của cánh tủ lạnh và chui vào bên trong. Ôi chiếc bánh thật to và thật hấp dẫn, Kiến ta thích lắm liền đến và ăn bánh, ăn no nê căng phồng cả cái bụng lên.

Khi đã thưởng thức chiếc bánh xong Kiến liền tìm đường để ra khỏi chiếc tủ lạnh này. Vì cái bụng no bánh nặng nề nên trên đường đi ra cánh cửa liền bị mắc phải khay đá lạnh không thể nào rút được đôi chân ra. Càng rút thì càng bị đá lạnh giữ chặt lại, trong khi cái lạnh của đá làm cho Kiến càng lạnh cóng. Kiến càng vừa khóc thút thít vừa ra sức kéo cái chân ra khỏi khay đá. Càng kéo thì đôi chân của Kiến càng dài ra, khi Kiến nhìn lại đôi chân của mình thì không thể tin nổi vào mắt mình nữa rồi. Kiến vừa khóc vừa nhớ lại lời bố mẹ đã dặn mà mình không nghe lời, nên mới xẩy ra như thế này, khi Kiến cố kéo chân ra khỏi nơi đó thì đánh phựt cái, Kiến giật mình tỉnh dậy bởi tiếng gọi của bố mẹ đi kiếm mồi đã về. Kiến bừng tỉnh và vẫn hình dung ra đôi chân của mình dài ra và tự nhủ phải biết nghe lời bố mẹ dặn.

Gia Phong


ĂN CẮP DÊ

Vào dịp lễ Phục Sinh, cha xứ nọ mệt nhoài vì vấn đề giải tội, một hối nhân vào toà quì xuống xưng tội:

Thưa cha con ăn cấp dê hai lần

Xưng đến đây, cha xứ quá mệt nên xuất thần lim dim trong giấc ngủ. Chàng thanh niên xưng xong chờ mãi không thấy cha nói gì cả, quay ra đàng sau thấy còn nhiều tội nhân đang quì chờ, anh liền nhẹ nhàng lui gót như đã xong rồi vậy. Kế đến một cô con Đức Mẹ vào toà, quì phập xuống, cha xứ giật mình tỉnh ngủ vội hỏi:

Con kể lại cho cha vấn đề ăn cắp dê của con thế nào?

Cô con Đức Mẹ hoảng hốt:

Thưa cha, con đâu có ăn cắp dê

Cha xứ hỏi lại:

Thế ai ăn cắp dê?

Cô con Đức Mẹ chạy lại cuối nhà thờ la lớn:

Thằng ăn cấp dê ơi, cha gọi…

Càng gọi thì chàng thanh niên càng chạy xa, cha xứ ra khỏi toà, tỉnh ngủ lắc đầu."

Sưu tầm


QUÁ TAM BA BẬN

Ông thày tu kia có cái tật hay bị bối rối . Mỗi ngày thày thường mở sách thánh ra , gặp đúng

câu nào thày nhìn thấy trước thì thày liền áp dụng cho cả ngày hôm đó . Sáng hôm nay theo như thường lệ thày mở sách ra , thày đọc phải câu :”...và Giuđa ra đi treo cổ tự vẫn ...” . Hốt

hoảng thày gấp ngay sách lại, tự nhủ :

-”Chẳng nhẽ ...Chúa đời nào bảo mình làm vậy ...”

Rồi thày thử lại lần nữa ...Xui thay, lần này tay thày lại chỉ đúng ngay vào câu : “...ngươi hãy

đi và làm như vậy ...”. Tá hỏa tam tinh, thày run bắn người lên ...Gấp ngay sách lại , thày nhủ thầm : “ quá tam ba bận ...dẫu sao phải thử lần chót ...”. Lần cuối cùng ông thày đáng thương nhà ta đọc đúng ngay câu : “... con hãy thi hành một cách mau chóng ...”!!!

Sưu tầm


ĐÃ BẢO RỒI ...MÀ KHÔNG CHỊU NGHE

Cu Tèo nhà ta năm nay lên sáu ...tính tình bướng bỉnh nghịch ngợm, phá phách đủ điều ...Mỗi lần phá thì nó bị mẹ la :

-”Đã bảo rồi ...mà không chịu nghe ...bướng qúa đi thôi ...”. Riết rồi nó thuộc nằm lòng câu nói đó .

Một hôm nó nghe mẹ dạy chị :

-Này nhé con gái yêu của mẹ, năm nay con đã lên mười, lớn rồi thì phải cẩn thận nghe con ...bởi vì “con gái mà chơi với con trai ...thì mai cái bụng nó lớn bằng hai qủa dừa ...” nguy hiểm lắm con ơi, liệu mà nghe lời mẹ dạy nghe con ...

Hôm sau cu Tèo được mẹ dẫn đi chợ , chợt trông thấy một “bà bầu” đi ngang qua , cu Tèo nhà ta liền dừng ngay lại, lên tiếng phát biểu một cách dõng dạc với “bà bầu” kia :

-”Đã bảo rồi ... mà không chịu nghe ...bướng quá đi thôi ...!!”

Vinh Tran


ALFRED NOBEL

Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: Tất cả các báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của ông vua chất nổ!

Thực ra, đây chỉ là sự lầm lẫn của 1 ký giả nào đó, bởi vì không phải Alfred Nobel qua đời mà là người anh em ông ta. Thế nhưng dù sao đây cũng là dịp để Alfred Nobel đọc được cảm nghĩ của người khác đang có đối với ông. Trên môi miệng mọi người, ông chỉ là ông vua chất nổ, là người đã làm giầu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng. Người ta đã không hề nhắc tới những nỗ lực của chính ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không một ai đã nhắc đến những kiến tạo hòa bình của ông cả. Ông quyết định làm cho cả thế giới biết lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc và viết tờ chúc thư. Trong đó, ông đã dành tất cả tài sản của ông để thiết lập nên một trong những giải thưởng có giá trị nhất thế giới: giải Nobel hòa bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai có công góp phần vào việc xây dựng Hòa bình thế giới.

Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua chất nổ nữa mà là vua Hòa Bình!"

Sưu tầm


BA CÁI TAI CỦA CON THỎ

Có một con thỏ có ba cái tai.

Những con thỏ khác nhìn nó không thuận mắt, nên nhao nhao phê bình, nói :

-  “Thật kì quái, chúng ta đều có hai cái tai, tại sao một mình anh lại có ba cái ?”

-  “Chắc chắn nó là quái vật không bình thường”.

-  “Đúng, chúng ta không cần quái vật, đuổi nó đi, đuổi nó đi”.

Để được sự đồng ý tiếp nhận của chúng nhân, nó nhịn đau cắt đi một cái tai. Mấy năm sau, nó đi đến một khu rừng rậm khác, bỗng phát hiện những con thỏ ở đây đều có ba cái tai.

Chúng nó hình như phát hiện ra người...ngoài hành tinh, vây lại bình phẩm đủ điều :

-  “Trời ạ , con thỏ xấu xí này ở đâu mà đến đây vậy ?”

-  “Anh coi, nó thiếu một cái tai, chúng ta có bị truyền nhiễm không ?”

-  “Thật tôi không thể chịu đựng khi ở chung cùng với loại thỏ như thế...”

Con thỏ nghi hoặc không hiểu, rốt cuộc ba cái tai là bình thường hay là hai cái tai mới đúng. Nó chỉ có một khẳng định duy nhất là : “Chỉ cần nó không giống với người khác, thì nhất định bị coi là khác loài, không được đón tiếp”.

Suy tư :

Muốn vừa lòng ông chủ, những người làm công nịnh hót luôn đánh mất nhân cách của mình ; để cấp trên khen thưởng và để lấy lòng họ, các nhân viên thường che giấu cái tôi của mình, chịu lòn cúi, nịnh hót...

Con người ta khi đã đánh mất mình đi thì không còn là mình nữa, chỉ là những con người máy làm theo lệnh của cấp trên ; vì quyền lợi cá nhân, vì địa vị, vì danh vọng, mà có rất nhiều người tự chặt bỏ đi sự can đảm, cương trực, ngay thẳng của mình.

Thánh Gioan Tiền Hô đã bị chặt đầu vì đã can ngăn những loạn luân lăng loàn của vua Hêrôđê. Ngài đã không đánh mất sự cương trực của mình.

Thánh nữ Maria Gôrétti đã bị đâm hàng chục nhát đao để bảo vệ sự trong trắng của mình.

Thánh Tôma Thiện thà chịu chết vì đạo Chúa hơn là được quan gả con gái cho và được ra làm quan...

Bản chất của người Kitô hữu là : có thì nói có, không thì nói không (Mt 5, 37).

Bản chất người tu sĩ khi hoạt động tông đồ, khi học hành nghiên cứu, khi tiếp xúc... ...đừng nên để bị đánh mất, vì những ham muốn không chính đáng với lời khấn của mình.

Sưu tầm