Truyện Minh Hoạ - Giáo Dục

Sự Tích Cái Chổi

Ngày xưa ở trên cung điện nhà trời có một người đàn bà nấu ăn rất khéo tay. Bà chế những món bánh trái tuyệt phẩm, làm những thức ăn ngon đến nỗi chỉ nếm qua một miếng là không thể nào quên được. Cho nên Ngọc Hoàng thượng đế cho bà chuyên trông nom công việc nấu ăn cho mình ở thiên trù. Nhưng bà lại hay ăn vụng và tham lam. Lệ nhà trời những người hầu hạ đều có thức ăn riêng, nhất thiết không được đụng chạm đến ngự thiện, dù là Ngọc Hoàng ăn thừa cũng vậy. Nhưng luật lệ đó không ngăn được những người đang sẵn thèm khát. Người đàn bà vẫn tìm đủ mọi cách để làm cho kho thức ăn của nhà Trời hao hụt.

Tuy đã quá tuổi xuân, bà ta lại yêu một lão vốn chăn ngựa cho thiên đình. Đời sống của những người chăn ngựa thì ở cõi trời cũng như cõi đất đều cực khổ không kém gì nhau. Ông ta thích rượu và từ khi gặp người đàn bà này lại thèm ăn ngon. Bà ta say mê ông tưởng trên đời không còn gì hơn được. Mỗi lúc thấy người đàn ông đó thèm thức ăn, đồ uống của nhà Trời, bà ta không ngại ngần gì cả. Đã nhiều phen bà lấy cắp rượu thịt trong thiên trù giấu đưa ra cho ông. Cũng nhiều phen bà dắt ông lẻn vào kho rượu, mặc sức cho ông bí tỉ.

Một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế mở tiệc đãi quần thần. Bà và các bạn nấu bếp khác làm việc tíu tít. Chỉ vào chập tối, các món ăn đã phải làm đầy đủ. Rồi khi ánh nguyệt của đêm rằm sáng lòa là mọi người bắt đầu vào tiệc.

Nhưng giữa lúc cỗ đang bày lên mâm thì từ đàng xa, bà đã nghe tiếng lão chăn ngựa hát. Bà biết ông tìm mình. Bà lật đật ra đón và đưa giấu ông ta vào phía góc chạn. Bà đưa cho ông mấy chén rượu, thứ rượu ngon nhất của thiên tào rồi trở ra làm nốt mẻ bánh hạnh nhân.

Người đàn ông đó mới đi tắm ngựa ở bến sông về. Bưng lấy bát cơm hẩm, ông sực nhớ đến rượu thịt bây giờ chắc đang ê hề ở thiên trù, nên vội lẻn đến đây. Trong bóng tối, ông nuốt ực mấy chén rượu lấy làm khoái. Chén rượu quả ngon tuyệt, hơi men bốc lên làm ông choáng váng. Ông bỗng thèm một thức gì để đưa cay. Trong bóng tối, trên giá mâm đặt ở gần đó có biết bao là mỹ vị mùi thơm phưng phức. Đang đói sẵn, ông giở lồng bàn sờ soạng bốc lấy bốc để...

Khi những người lính hầu vô tình bưng mâm ngự thiện ra thì bát nào bát ấy đều như đã có người nào nếm trước. Ngọc Hoàng thượng đế vừa trông thấy không ngăn được cơn thịnh nộ. Tiếng quát tháo của Ngọc Hoàng dữ dội làm cho mọi người sợ hãi. Bữa tiệc vì thế mất vui. Người đàn bà nấu bếp cúi đầu nhận tội. Và sau đó thì cả hai người cùng bị đày xuống trần làm chổi để phải làm việc luôn tay không nghỉ và tìm thức ăn trong những rác rưởi dơ bẩn của trần gian. Đó là tội nặng nhất ở thiên đình.

Lâu về sau, thấy phạm nhân bày tỏ nông nỗi là phải làm khổ sai ngày này qua tháng khác không lúc nào ngơi tay, Ngọc Hoàng thương tình ra lệnh cho họ được nghỉ ba ngày trong một năm. Ba ngày đó là ba ngày Tết Nguyên đán. Bởi vậy đời sau trong dịp Tết Nguyên đán, người ta có tục lệ kiêng không quét nhà.

Người Việt Nam chúng ta có câu đố về cái chổi "Trong nhà có một bà hay la liếm" mô tả thần tình động tác quét nhà nhưng trong đó chắc còn có ngụ ý nhắc lại sự tích của cái chổi.

Nguyễn Đổng Chi


NGỦ NGON VÀ MẤT NGỦ

Jim là một kế toán trẻ, linh lợi. Một đồng nghiệp đề nghị với Jim tham gia một ‘vụ làm ăn’ bất chính, nhưng rất béo bở. Nếu đồng ý thực hiện cú ‘áp phe’ này, Jim sẽ kiếm được 10.000 đô la.

Jim hơi băn khoăn. Anh hỏi ý kiến mẹ mình. Sau một lát im lặng, mẹ anh nói:

“Jim con, mỗi sáng đến đánh thức con, mẹ phải lay thật mạnh, song con vẫn không nhúc nhích. Mẹ lay mạnh hơn nữa –  con chỉ kêu ú ớ và ngáp dài. Mẹ phải lay lần thứ ba, mạnh hơn nữa – con mới hé mở được một mắt. Và mẹ thích như vậy. Mẹ không muốn mỗi sáng đến đánh thức con và thấy con vẫn còn … chưa ngủ, với đôi mắt thao láo, đờ đẫn.”

Jim trả lời ‘KHÔNG’ với đồng nghiệp mình. Và mỗi tối, anh vẫn tiếp tục ngủ ngon.

Sưu tầm


Điều kỳ diệu

Một người đàn ông dẫn con chó săn mới của mình đi săn một chuyến thử nghiệm. Chẳng mấy chốc, ông bắn được một con vịt nước. Con vịt rơi xuống hồ. Con chó săn bước đi trên mặt nước, ngoạm lấy con vịt và mang trở lại cho chủ.

Người đàn ông vô cùng kinh ngạc. Ông bắn một con vịt khác. Một lần nữa, ông lại trợn mắt nhìn và cơ hồ không thể tin vào mắt mình: Con chó lại bước đi thoải mái trên mặt nước và đem con mồi về cho ông.

Không thể tin được những gì mình đã tận mắt chứng kiến, ngày hôm sau, ông rủ một người hàng xóm cùng đi săn với ông. Sự việc vẫn diễn ra như hôm trước: Mỗi lần họ bắn rơi một con chim, con chó săn của ông lại bước đi trên mặt nước, tha con chim về cho họ. Người đàn ông cố nín thinh, không nói gì. Ông hàng xóm cũng im thin thít. Cuối cùng, không nín được nữa, ông bật miệng thốt lên: “Chứ bộ anh không chú ý thấy điều gì lạ nơi con chó sao?”

Người hàng xóm đưa tay vuốt cằm, trầm ngâm, rồi lên tiếng trả lời: “À, à ... có chứ. Mấy con chó loại xoàng ấy thì không bơi được.”

Đời sống chứa đầy những điều kỳ diệu. Chính đời sống cũng vốn là điều kỳ diệu. Bất cứ ai ngừng xem thường nó, sẽ nhận thấy cái kỳ diệu của nó.

Sưu tầm


Kiêu ngạo

Một tối nọ, thi sĩ Awhadi ngồi ngoài hiên nhà, ông cúi gập đầu trên một cái chậu nhỏ. Sufi Shams-e Tabrizi tình cờ đi ngang qua, hỏi: “Ông đang làm gì vậy?”

“Tôi chiêm ngắm mặt trăng trong chậu nước.” Awhadi trả lời.

“Cổ của ông bị gãy cụp rồi ư? Sao ông không ngẩng lên để trực tiếp nhìn vầng trăng trên bầu trời?”

 Ngôn từ là những phản ảnh rất què quặt của thực tại. Một người nọ nghĩ rằng mình biết Taj Mahal vì anh ta đã được trông thấy một phiến đá cẩm thạch – và giải thích rằng Taj Mahal là một tập hợp những phiến đá cẩm thạch như thế. Một người khác, vì đã trông thấy một xô nước lấy từ Thác Niagara, nên chắc mẩm rằng mình biết rõ Thác Niagara như thế nào.

Lê Công Đức


Ngôn từ

Một gã say rượu đi ngang qua cầu vào buổi tối nọ. Tình cờ, gã gặp một người bạn. Cả hai đứng vịn thành cầu, tán dóc.

“Cái gì phía dưới kia thế nhỉ?” Gã say rượu hỏi.

“Đó là mặt trăng.” Người bạn trả lời.

Gã say rượu trố mắt nhìn, lắc đầu, lẩm bẩm: “Phải rồi, mặt trăng. Nhưng mình đã đi con đường nào mà lên được tận trên cao nầy vậy cà?

Dường  như chúng ta không bao giờ thấy được thực tại. Cái mà chúng ta thấy chỉ là một phản ảnh của thực tại dưới dạng ngôn từ hay ý niệm – mà chúng ta vẫn thường tưởng là chính thực tại. Thế giới mà chúng ta đang sống chủ yếu là một viện tâm thần. Người ta sống bằng những ngôn từ, nuôi dưỡng mình bằng những ngôn từ. Không có ngôn từ, người ta không chịu nổi!

Lê Công Đức


Dọn tâm hồn

Một người ăn mày níu lấy tay áo của một khách qua đường để xin tiền mua một tách cà phê. Đây là câu chuyện của anh ta: “Thưa ngài, trước đây tôi là một thương gia giàu có giống như ngài vậy. Tôi chăm chỉ làm việc suốt ngày. Trên bàn giấy của tôi có một câu khẩu hiệu: SUY NGHĨ THẬT SÁNG TẠO, HÀNH ĐỘNG THẬT DỨT KHOÁT, SỐNG THẬT BẠO DẠN. Đó là châm ngôn dẫn dắt lối sống của tôi – và tiền bạc tuôn vào như nước. Thế rồi ... thế rồi ... “ - anh chàng ăn mày bệu bạo như muốn bật khóc - “Thế rồi chị bồi phòng đã vô ý vứt câu châm ngôn của tôi vào giỏ rác!”

 Khi bạn quét dọn sân nhà thờ, đừng dừng lại để đọc những mẩu giấy báo cũ. Khi bạn quét dọn tâm hồn mình, đừng dừng lại để vờn với mớ ngôn từ.

Sưu tầm


Sống thực tại

Một trong những nhà hiền triết danh tiếng nhất của Ấn Độ ngày xưa là Svetaketu. Đây là con đường qua đó ông đã tiếp cận sự khôn ngoan của mình:

Hồi còn bé, chỉ mới bảy tuổi, cậu được cha gửi đi học Vedas. Nhờ ở khả năng tiếp thu và trí thông minh đặc biệt của mình, cậu sớm tỏ ra trỗi vượt hẳn trên các bạn đồng môn. Vừa bước vào tuổi trưởng thành, chàng thanh niên Svetaketu đã được nhìn nhận là một chuyên gia vĩ đại nhất về Kinh Điển.

Khi Svetaketu trở về nhà, cha anh muốn kiểm tra khả năng của con mình. Ông đặt cho con trai câu hỏi: “Có phải con đã học được đúng cái mà không cần phải học gì khác? Có phải con đã khám phá được cái mà nhờ đó mọi nỗi đau khổ sẽ không còn? Có phải con đã nắm hiểu được điều mà không ai có thể dạy cũng chẳng ai có thể học được?

“Thưa cha, không.” Svetaketu trả lời.

“Vậy thì tất cả những gì con đã học được suốt ngần ấy năm đều vô nghĩa, con à.”

Sự thật hàm chứa trong những lời nói của người cha đã tác động mãnh liệt nơi Svetaketu. Chàng bắt đầu cuộc khám phá trong thinh lặng sự khôn ngoan mà không ai có thể diễn đạt thành lời.

Khi ao cạn khô và cá nằm trên mặt đất nứt nẻ, bạn đừng hà hơi cho cá có chút ẩm hoặc phun miếng nước bọt để thấm ướt cho nó. Bạn hãy trả cá về hồ. Cũng vậy, bạn đừng nuôi người ta bằng những thuyết lý. Hãy trả người ta về thực tại. Vì bí quyết sống phải được tìm trong chính cuộc sống – chứ không phải trong những thuyết lý về cuộc sống

Sưu tầm


Biết mình

Guru hứa sẽ giúp một học giả hiểu ra một điều còn vĩ đại hơn bất cứ gì được chứa đựng trong Kinh Điển.

Vị học giả nôn nóng muốn biết đó là điều gì. Guru nói: “Ông hãy đi ra ngoài giữa cơn mưa, ngẩng đầu và đưa hai tay lên trời. Rồi ông sẽ nhận được mạc khải đệ nhất.”

Hôm sau, vị học giả trở lại gặp Guru: “Thưa ngài, tôi đã làm theo y lời ngài – và người tôi ướt như chuột lột. Tôi thấy mình như một thằng khùng vậy.”

“Tốt” - Guru nói - “Ngay ngày đầu tiên, ông đã nhận được một mạc khải quí giá đấy chứ, phải không?”

Nhà thơ Kabir nói:

Ích gì cho ngài, thưa ngài học giả, việc chúi đầu vào chữ và nghĩa mà trái tim ngài không sôi sục tình yêu?

Ích gì cho ngài, thưa ngài khổ tu, việc ngài khoác lên người chiếc áo cà sa tươi màu vàng nghệ, còn bên trong thì nhợt nhạt, eo sèo?

Ích gì cho bạn, việc bạn tẩn mẩn nắn nót hành vi cử chỉ của mình cho tới khi nó phát sáng lên, còn bên trong thì trơn lu, trống rỗng?

Sưu tầm


VỀ CÁM DỖ

   - Giáo dục, Ma quỉ

   Một đoạn hay của Anatole France trong cuốn “Thai”s vũ nữ thoát tục”

   Các vị tu hành (trong sa mạc) bị hàng sư đoàn bọn côn đồ dưới địa ngục tấn công tới tấp, đã kháng chiến tự vệ. Với sự trợ giúp của Chúa và của các thiên thần. Nhờ vào phương pháp ăn chay, hãm mình phạt xác. Đôi khi, những đam mê xác thịt giày vò họ dữ dội đến nỗi họ tru lên vì đau đớn, và những tiếng kêu la của họ dưới trời sao bình yên như ứng đáp tiếng gào rú của loài beo báo đói mồi. Chính vào những lúc đó, bọn quỉ sứ hiện hình trong những dáng dấp đẹp đẽ. Bởi vì nếu trong thực tế, ma quỉ xấu xí, chúng lại hay mặc một lớp bề ngoài kiều diễm để che giấu cái xấu xí của chúng. Các nhà ẩn sĩ vùng Thèbes đôi khi nhìn thấy trong phòng của họ những hình ảnh lạc thú mà những kẻ chơi bời đàng điếm ngoài thế gian cũng chưa từng được trông thấy. Nhưng vì họ có dấu Thánh giá trên mình, nên họ không sa chước cám dỗ, nên các tà thần ô- uế phải trở lại nguyên hình và trốn mất biệt vào lúc bình minh, vừa tức giận vừa xấu hổ. Hiếm gì lần có người gặp một trong những con quỉ đó vào lúc bình minh vừa khóc lóc vừa chạy trốn, và có ai hỏi thì chúng trả lời rằng : “Tôi khóc than vì một Ki tô hữu ở vùng này đã lấy roi đánh tôi và xua đuổi tôi nhục nhã.”

   “Trong suốt đời tu hành của tôi, tôi nghiệm ra rằng người tu sĩ không có kẻ thù nào đáng sợ hơn nỗi buồn... Thắng lợi to lớn nhất của quỉ sứ là gieo rắc được vào tâm hồn người tu sĩ một tính khí ủ ê hôi hám. Nếu quỉ chỉ cám dỗ ta bằng những cám dỗ vui, thì nó đáng sợ một nữa. Nhưng hỡi ôi, nó lại thích làm chúng ta buồn kia!”

Lời của tu sĩ Palemon


CHỮ ĐẮT GIÁ NHẤT

Hồi thế kỷ XVIII vua Joao V nước Bồ Đào Nha đã phải trả gần ¼ tỉ đôla cho 2 chữ “REIFIDELISSIMO” (vị vua tín trung nhất). Từ đó vua có quyền sử dụng 2 chữ đó trong tước hiệu ngài. Nhưng khi vua băng hà, trong ngân khố không còn tiền để lo việc an táng cho ngài đúng theo lễ nghi. Người ta phải quyên tiền công cộng để tổ chức việc an táng ngài. Tiếc quá."

Sưu tầm


A LƯU

- Kính trọng, lòng thương người

Lưu là tên tiểu Đồng ông Chu Nguyên Tố. Nó thật là ngây ngô, không được việc gì cả. Vậy mà Chu Nguyên tố lại nuôi nó suốt đời.

Lúc ông bảo quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch được cái buồng con. Ông giận, mắng nó, thì nó quăng chổi đi, lẩm bẩm: “Ông quét giỏi thì phiền đến tôi làm gì?” Khi ông đi vắng, sai nó canh chừng ngoài cửa, dù khách quen đến, nó cũng không nhớ được tên ai. Có hỏi thì nó nói: Người ấy lùn mà béo - người ấy gầy và lắm râu - Người ấy xinh đẹp lắm - Người ấy cao tuổi và chống gậy... Đến lúc liệu chừng không nhớ xuể, nó đóng cửa lại, không cho ai vào nữa. Trong nhà có chứa một ít đồ cổ như chén, lọ, đinh, đôn... Khách đến chơi, nó bày ra cho xem. Lúc khác về, nó lẻn đến gõ vào các thứ ấy mà nói: “Những thứ này có khi bằng đồng mà sao lại đen xì như thế”. Rồi nó chạy đi lấy cát, lấy đá, lấy nước để đánh. Nhà có cái ghế gẫy chân, ông sai nó đi chặt cây có chạc để chữa lại. Nó cầm theo búa, cưa, đi khắp vườn. Đến hết ngày, nó về, chìa hai ngón tay làm hiệu và nói: “cành cây có chạc đều chĩa lên trời cả, chẳng có cành nào chúc xuống đất!” Cả nhà đều cười, trước sân, có vài cây liễu mới trồng, ông sợ trẻ hàng xóm tới nghịch phá hư đi, nên sai nó trông nom giùm. Đến lúc vào ăn cơm,nó nhổ cả cây lên rồi đem cất vào một chỗ...

Các công việc của nó làm đều đáng cười như thế cả!

Ông Chu Nguyên Tố là người viết, vẽ đẹp lắm. Mộthôm , ông hoà phẩm với mực để vẽ, trông thấy A Lưu, ông bảo đùa:

- Mày vẽ được không?

Nó đáp ngay: “Khó gì mà không được!”

Ông bảo vẽ, A Lưu vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần như người đã từng biết vẽ xưa nay. Ông thử luôn mấy lần và lần nào A Lưu cũng vẽ được như ý cả. Từ đó, ông dùng đến A Lưu luôn, không lúc nào rời.

Về sau, A Lưu nổi tiếng là một nhà danh hoạ.

Lục Dung